Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng ta
ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA VÀ MẸ CHÚNG TA
Phêrô Phạm Văn Trung.
WHĐ (30.12.2020) – Hôm nay, Hội Thánh cho chúng ta cử hành ngày thứ tám trong tuần bát nhật Chúa Giáng Sinh, trong ngày này, như chúng ta đã nghe trong Tin Mừng, con trẻ được cắt bì và được đặt tên là Giêsu, và là con trai của Thánh Giuse “Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giêsu; đó là tên mà Sứ Thần đã đặt, trước khi Hài Nhi thành thai trong lòng mẹ” (Lc 2,21); “Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 2, 21).
Trước khi canh tân Phụng Vụ theo Công Đồng Vaticanô II, lễ trọng này được phổ biến trên khắp thế giới và được Đức Giáo Hoàng Piô XI xác định vào ngày 11.10.1931, nhân dịp kỷ niệm 1500 năm Công đồng Êphêsô. Trong niên lịch phụng vụ mới, lễ này cử hành vào ngày thứ tám sau Giáng Sinh. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI viết: “Ngày lễ trọng ấy nay được đặt vào mồng một tháng giêng theo như tập tục xa xưa của Phụng Vụ Rôma. Lễ này được dành riêng ca tụng việc Đức Maria góp phần vào mầu nhiệm cứu độ và tán dương tước vị cao quí đặc biệt do phần đóng góp ấy đem lại cho Người Mẹ rất thánh, Đấng có công giúp chúng ta đón tiếp Tác Giả của sự sống” (Marialis Cultus 5).
Ngày này cũng là ngày lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, tước hiệu được xác định tại Công đồng Êphêsô năm 431 “Các nghị phụ không ngần ngại gọi Ðức Trinh Nữ Maria là "Mẹ Ðức Chúa Trời". Không phải vì Mẹ đã sinh hạ thiên tính của Ngôi Lời Thiên Chúa. Mà vì nhờ Mẹ mà Ngôi Lời Thiên Chúa mang một thánh thể với một linh hồn có trí năng mà Ngôi Lời Thiên Chúa đã kết hiệp với trong một Ngôi duy nhất khi sinh hạ trong thể xác. Nếu ai không tuyên xưng rằng Thiên Chúa chính là Emmanuel và vì thế, Ðức Trinh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa, kẻ ấy bị vạ tuyệt thông. Vì Ðức Mẹ đã sinh hạ "Ngôi Lời hóa thành nhục thể" khi ban đời sống thể xác”. (Công Ðồng Ephêsô, năm 421).
Danh hiệu này thật đáng kinh ngạc đến độ anh em Tin lành không chấp nhận. Thoạt đầu chúng ta có thể hiểu điều này, vì chắc chắn Mẹ Maria không sinh ra một thần linh.Vậy thì Giáo hội nói Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa theo nghĩa nào?
Điều căn bản trong định tín Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa không chỉ nhắm đến Mẹ Maria, nhưng chính là nhắm đến Chúa Giêsu. Khi khẳng định rằng Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa, Công đồng Êphêsô khẳng định rằng nơi Chúa Giêsu chỉ có một ngôi vị trong hai bản tính: bản tính thần linh và bản tính con người, chứ không phải hai ngôi vị: một ngôi vị con người, ngôi vị kia là thần linh, trong một bản tính lai ghép mù mờ.
Chúa Giêsu không giống như hai người ngồi trên một chiếc xe đạp hai chỗ, làm chung một công việc. Một ngôi vị, là con người, ngồi phía trước hứng lấy gió mưa, bùn đất; ngôi vị kia, là thần linh, ngồi phía sau đạp cho xe chạy nhanh và lên cao hơn. Không phải như vậy, Chúa Giêsu thực sự là hai bản tính trong một ngôi vị.[1]
ĐGM Phaolô Bùi Văn Đọc, trong LỊCH SỬ TÍN ĐIỀU CHÚA KITÔ, đã trích một phần nội dung lá thư tín lý của thánh Cyrillô:
“Công Đồng thánh và vĩ đại đã định tín rằng: Đấng đã được Chúa Cha sinh ra là Con Duy Nhất do bản tính, Đấng là Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, là ánh sáng bởi ánh sáng, Đấng nhờ đó mà Chúa Cha tạo dựng muôn loài, chính Ngài đã xuống thế, đã nhập thể, đã làm người, đã chịu khổ hình, đã sống lại ngày thứ ba và đã lên trời.”
“Chúng ta bị ràng buộc với định tín ấy trong lời nói cũng như quan niệm, khi chúng ta tìm hiểu ý nghĩa việc Ngôi Lời sinh bởi Thiên Chúa, đã nhập thể và đã làm người. Ngôi Lời đã kết hợp với chính mình theo Ngôi Vị (secundum hypostasim), cách khôn tả và không quan niệm được, một xác thể được linh hoạt bởi ‘trí hồn’, đã trở thành người và đã được gọi là con người… Chúng tôi khẳng định nhiều bản tính khác nhau kết hợp với nhau thực sự thành một, bởi hai bản tính có một Đức Kitô và một Con. Không vì sự duy nhất mà sự khác biệt bản tính bị loại trừ, nhưng chính vì thần tính và nhân tính kết hợp với nhau, kỳ diệu và khôn tả, tạo nên cho chúng ta chỉ một Chúa, một Đức Kitô và một Con Duy Nhất.
“Ngôi Lời trở thành xác phàm chỉ có nghĩa: Ngài đã thông phần xác thịt và máu huyết như chúng ta, đã đảm nhận thân xác của chúng ta, đã sinh ra làm người bởi người phụ nữ, mà không đánh mất thần tính, không mất đi tư cách làm Con được Chúa Cha sinh ra. Khi đảm nhận xác phàm, vẫn tiếp tục là Đấng mình đã là… Các thánh giáo phụ đã can đảm định tín ‘Đức Trinh Nữ là Mẹ Thiên Chúa’”.
Đức Cha Phaolô nhận định: Công Đồng Êphêsô đã xác nhận giá trị chính thống của lá thư này:
● công nhận Kitô học hiệp nhất của Cyrillo;
● xác nhận nơi Đức Kitô chỉ có một chủ thể duy nhất, đó là Ngôi Vị thần Linh;
● công nhận sự nguyên vẹn và trọn hảo của hai bản tính;
● chấp nhận ý tưởng “chuyển thông đặc tính” (communicatio idiomatum);
● công bố tước hiệu “Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa”.
Vì trong Công Đồng Êphêsô năm 431 không có sự hiện diện của các nghị phụ trường phái Antiokia, nên năm 433, Công Đồng được bổ sung bằng một văn kiện hiệp nhất, cố gắng dung hòa Kitô học Alexandria với Kitô học Antiokia:
“Chúng tôi tuyên xưng Đức Giêsu-Kitô, Chúa chúng ta, là Con Thiên Chúa, là Con Duy Nhất, là Thiên Chúa trọn vẹn và là người trọn vẹn có ‘trí hồn’ và thân xác. Người được sinh ra bởi Chúa Cha từ trước muôn đời theo thần tính. Vào những ngày sau cùng, vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã sinh ra bởi Trinh Nữ Maria theo nhân tính, đồng bản thể với Chúa Cha theo thần tính, đồng bản thể với chúng ta theo nhân tính”.
“Thực sự đã có hiệp nhất giữa hai bản tính. Chính vì thế chúng ta tuyên xưng một Đức Kitô Duy Nhất, một Con Duy Nhất, một Chúa Duy Nhất”.
“Dựa vào ý tưởng “hiệp nhất” mà không lẫn lộn ấy, chúng ta tuyên xưng Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa, vì Ngôi Lời thần linh đã nhập thể và đã làm người. Do sự thụ thai này, Ngôi Lời đã kết hợp với chính mình là Ngôi Đền thờ mà Ngài đã tiếp nhận từ Mẹ” (hết trích).
Lm Hồng Phúc, CSsR, Trong tác phẩm "Mẹ Maria" do Nhà Sách Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp tái bản năm 1992 đã viết:
“Thánh Truyền xưa nay vẫn liên kết ba tín điều sau đây: Chúa Giêsu là Thiên Chúa - Vậy Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa – Nhưng Mẹ vẫn đồng trinh vẹn tuyền.
Và tín điều đó do Công Ðồng long trọng tuyên bố bao hàm những điểm sau đây:
1. Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa: không phải là Mẹ sinh ra bản tính Thiên Chúa mà là Mẹ một người Con chính là Thiên Chúa.
2. Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa: không phải là Mẹ của một người con đã kết hợp với Thiên Chúa hay là đã trở nên Thiên Chúa, mà là Mẹ của Ðấng là Thiên Chúa từ thuở ban đầu.
3. Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa: không phải chỉ là Mẹ sinh hạ thể xác Ðức Giêsu mà thôi, mà là Mẹ của Ðấng đã mặc lấy thân xác nơi Mẹ, là Ðấng có trước Mẹ là Chúa Giêsu.
Ðiều đáng chú ý là khi Công Ðồng bênh vực tước hiệu Theotokos, Mẹ Thiên Chúa, Công Ðồng không nhắm chỉ đề cao Ðức Mẹ mà cách riêng chú trọng và gìn giữ sự duy nhất Ngôi vị nơi Ðức Kitô.
Công Ðồng Êphêsô lên án những ai muốn tách rời, phân chia Ðức Kitô, chỉ coi con người của Ngài mới được sinh ra, mới chịu chết cho chúng ta, còn chính Ngài là Con Thiên Chúa thì không. Nếu như vậy thì chỉ có một Thiên Chúa và một con người kề sát nhau, chứ không phải là một Ðấng duy nhất là Chúa Giêsu Kitô, Con của Ðức Mẹ, và "Tình yêu của Ðấng Cứu Thế bị lột hết ý nghĩa. Ðức Giêsu chỉ là một con người múa rối do Thiên Chúa giật dây, chứ không phải là Thiên Chúa làm người" (hết trích).[2]
Như thế, Công đồng Êphêsô bênh vực Đức Kitô duy nhất. Hạn từ “Théotokos - Mẹ Thiên Chúa”, mà Nestôriô chỉ trích là không có trong Kinh Thánh và chỉ là lối tôn sùng bình dân, sẽ không còn bị tranh cãi nữa. Quần chúng tán thành phấn khởi, biểu lộ niềm hân hoan và chúc mừng Công đồng bằng cuộc rước đuốc vĩ đại đêm 22 tháng 6 năm 432, tung hô Mẹ Thiên Chúa. Kinh: "Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội" đã được soạn ra trong dịp này. Tước hiệu Mẹ Thiên Chúa đã đặt nền tảng cho việc tôn sùng Đức Maria ở cả Đông và Tây phương.
Năm 433, một đối thủ của Cyrillô là Gioani, giám mục Antiokia đề nghị một công thức hòa giải: "Có một sự kết hợp không lẫn lộn giữa hai bản tính, và do sự kết hợp này, chúng ta tuyên xưng rằng Đức Trinh Nữ Thánh là Théotokos, bởi vì ngôi Con Thiên Chúa đã trở thành xác phàm và đã làm người". Cyrillô phấn khởi nhận công thức này. Giám mục Rôma là Sixtô chúc mừng sự hòa hợp của hai người bằng cách phê chuẩn công thức.[3]
Hệ quả của sự kết hợp giữa hai bản tính trong một ngôi vị đó là bản tính con người sẽ nhận được từ sự kết hợp đó một "sự cao quý có một không hai" như lời kinh Tiền tụng thứ ba lễ Chúa Giáng sinh đã nói “khi Con của Mẹ mang thân phận của con người, thì bản chất con người sẽ nhận được một quyền quý không gì sánh được”.
Việc Thiên Chúa mặc xác phàm nhân loại, chịu đau khổ và chịu chết nói lên tình yêu không giới hạn của Thiên Chúa dành cho con người: “Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế. Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người.” như tín hữu tuyên xưng trong Kinh Tin Kính. Không tin vào một Thiên Chúa mặc lấy xác phàm, đức tin Kitô giáo ra hư không, chương trình cứu độ ra ảo tưởng.
Thiên Chúa khi mặc lấy xác thịt không những đã trả lại cho xác thịt địa vị xứng đáng nguyên thủy của nó mà còn nâng nó lên một vị trí linh thánh chuẩn bị cho nó “được tham dự vào thần tính của Ðấng đã đoái thương thông phần nhân tính của chúng con” (phó tế hoặc linh mục đọc thầm đang khi rót rượu và một chút nước vào chén thánh, trong thánh lễ), ban cho nó một giá trị vô song. Đó là sự Thăng Thiên của xác thể, của những gì là xác thịt, mà Mẹ Maria là người đã được tham dự vào thần tính của Chúa Giêsu Kitô cách trọn hảo nhất khi Mẹ, sau Chúa Giêsu, được đưa về trời cả hồn và xác.
Vì vậy, Kitô giáo không chối bỏ xác thể. Nếu chối bỏ thân xác, điều này có lẽ sẽ khiến cuộc sống của chúng ta trở thành một con đường phi vật chất, phi nhập thể. Thân xác của chúng ta tự nó được tạo ra là để nên hoàn thiện và mọi thứ khác trên trái đất đều được tạo ra vì con người, để giúp con người theo đuổi cùng đích của mình như Thánh Inhaxiô nói: “Con người được dựng nên để ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa, và nhờ đó cứu rỗi linh hồn mình” (Linh Thao 23).
Nhưng chúng ta có khuynh hướng thích thụ tạo hơn Đấng Sáng Tạo, như Thánh Augustinô nói: “Ðụng tới xác thịt con người thì ấm áp và thích thú…Nhưng chúng con không có được điều mang lại khoái lạc khi chúng con không thèm biết đến luật Chúa…Phần lớn có liên quan đến khoái lạc thế tục, vẻ đẹp của vàng bạc, danh dự hay tình trạng trước mắt thế gian, khoái lạc khi va chạm xác thịt, niềm vui làm bạn với con người và những liên hệ của cải. Những cái đó mang lại khoái lạc và có vài điều tốt lành, có thể hoàn toàn tốt lành nếu được nó không vi phạm ý Chúa hay luật ngài. Nhưng theo đuổi chúng chỉ vì chúng là tà dâm tinh thần : tìm chính khoái lạc cho mình, buông thả cho mình, và xa cách Thiên Chúa…Ý chí mới của tôi muốn phụng sự Chúa không đủ mạnh để chiến thắng ý muốn cũ bị hư hoại, đã khó hơn vì thành thói quen. Vì thế hai ý muốn của tôi tranh chấp, cũ và mới, xác thịt và thần linh và cuộc tranh đấu làm cho tâm trí tôi rã rời. Ðây là điều thánh Phaolô đã nói "Xác thịt tranh đấu cùng Thần Trí và Thần trí cùng xác thịt". Tôi đã kinh nghiệm điều mà thánh nhân và nhiều người khác đã có. Ðây không phải là điều độc đáo… (Confession – Tự thú, số 24) Thực ra từ khi còn nhỏ tôi đã xin Chúa sự trong sạch. Nhưng tôi hay thêm điều kiện "Lạy Chúa xin cho con tiết độ nhưng đừng cho ngay." Tôi sợ Chúa trả lời ngay và giải thoát tôi ngay. Ðiều tôi muốn là làm sao cho ứ tràn dục tình” (số 25).
Buông thả cho khoái lạc xác thịt, xa rời Thiên Chúa, chúng ta rơi vào hành vi rối loạn.
Mục đích cuối cùng của con người là gì nếu không phải trở nên anh em trong nhà của Chúa Kitô “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.” Khao khát tận sâu thẳm tâm can mỗi người là gì nếu không phải là “cõi hằng sống”? Ai giúp chúng ta được sống trong cõi hằng sống ấy? Chỉ có một Đấng, Đấng ấy chính là Chúa Kitô, là Thiên Chúa và là con người, là Đấng Cứu độ, “Ta là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6).
Và ai là người thi hành ý muốn của Thiên Chúa cách trọn hảo nhất, ngoài Chúa Giêsu, nếu không phải là Mẹ Maria, vì Mẹ đã “Xin vâng”(Luca 1:28) để trở thành người sinh ra Con Thiên Chúa. Lời chào xa xưa nhất dành cho Mẹ là Mẹ Thiên Chúa được công bố khi bà Elizabeth, chị họ của Mẹ gọi Mẹ là “Mẹ của Chúa tôi” (Luca 1:43). Khi bà Elizabeth chào đón Mẹ Maria, bà nhận ra đặc ân lớn lao mà Thiên Chúa đã ban cho Mẹ và đức tin tuyệt vời của Mẹ khi chấp nhận đặc ân đó, một đặc ân chứa đựng nhiều “hớn hở vui mừng” (Lc 1,46) nhưng cũng ẩn chứa “một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Luca 2: 35).
Suốt bao thế kỷ nay, mỗi ngày hàng ngàn vạn lần, Mẹ Maria được ca ngợi “Kính mừng Maria đầy ân phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà” (Luca 2: 28) vì Mẹ đã trọn niềm tin tưởng vào thánh ý Thiên Chúa, ngay cả khi Mẹ chưa hiểu hết những gì sẽ xảy đến cho Mẹ. Mẹ là Mẹ Thiên Chúa vì đức tin của Mẹ vào Thiên Chúa. Lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, tôn vinh niềm tin và sự phó thác của Mẹ Maria vào một mình Thiên Chúa. Giáo hội muốn chúng ta noi gương đức tin của Mẹ.
“Là Mẹ của Ngôi Lời nhập thể, Mẹ nói lời xin vâng bằng tất cả bản chất con người để trở thành Mẹ của Đấng Cứu chuộc” (Thánh Tôma Aquinô, Tổng luận thần học, III, q. 30, a. 1). Mẹ chăm sóc Đấng Cứu Thế với tư cách là Mẹ của Ngài và đồng hành cùng Ngài đến núi Canvê, “là nơi mà theo ý Thiên Chúa, Mẹ đã đứng đó, đã đau đớn chịu khổ cực với Con một của mình và dự phần vào hy lễ của Con, với tấm lòng của một người mẹ hết tình ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng mình sinh ra” (Lumen gentium,58).
Trong bài giảng vào thứ Sáu, ngày 3 tháng 4 năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Mẹ Maria, trên tất cả những người khác, là “Mẹ”. Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể và là Mẹ thiêng liêng của tất cả các tín hữu. Mẹ không muốn nhận bất kỳ danh hiệu nào từ Chúa Giêsu; Mẹ đã nhận được món quà làm Mẹ của Ngài và nghĩa vụ đồng hành cùng chúng ta với tư cách là Mẹ, là Mẹ của chúng ta.” Đức Giáo hoàng Phanxicô mời gọi tất cả chúng ta dừng lại một chút để cảm ơn Mẹ Maria của chúng ta: “Hôm nay chúng ta làm việc tốt lành là dừng lại một chút và nghĩ về những đau khổ và nỗi phiền muộn của Đức Mẹ. Mẹ là Mẹ của chúng ta. Và Mẹ đã đau khổ ở đó thế nào, Mẹ đã đứng vững ở đó thế nào, với sức mạnh, với khóc lóc; đó không phải là một tiếng khóc giả vờ; đó thực sự là một cõi lòng bị nỗi phiền muộn hủy hoại. Chúng ta hãy dừng lại một chút và nói với Mẹ:“Cảm ơn Mẹ đã chấp nhận làm Mẹ khi Thiên thần loan báo điều đó cho Mẹ và cảm ơn Mẹ đã chấp nhận làm Mẹ khi Chúa Giêsu nói điều đó với Mẹ”.
Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Mẹ Maria là mẹ của Chúa Giêsu.Vậy thì, Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa. Một tam đoạn luận gọn nhẹ. Nhưng để tôn vinh Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và nhờ đó trở nên giống như Mẹ, người ta không chỉ cần nại đến nhiều loại lý luận, nhiều khi “vượt tầm trí hiểu” ngay cả của nhiều bậc thức giả uyên thâm, nhưng cần đến một “tấm lòng con thảo” đối với Mẹ.
Có lẽ, trong thực hành noi gương Mẹ, chúng ta chỉ cần suy ngẫm đơn sơ như vậy, nhưng điều quan trọng là thưa như Mẹ thưa với Thiên Chúa “Con xin vâng theo Thánh Ý Chúa trong mọi sự xảy đến trong đời con” với một lòng khiêm hạ, nhẫn nại, hoàn toàn tín thác như Mẹ: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói ” (Luca 1: 38) và chuyên cần cầu nguyện suy niệm Lời Thiên Chúa: “Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.” (Luca 2: 51).
Vào ngày lễ này, khi bắt đầu năm mới, chúng ta có thời gian để tôn vinh Mẹ của Thiên Chúa, mà nhờ tiếng “xin vâng” của Mẹ, Thiên Chúa đã mang Đấng Cứu Độ đến thế gian để cứu chuộc nhân loại.
Chúa Giêsu nói trên thập tự giá: “Này là Mẹ của con.” (Gioan 19:, 27). Như vậy, Mẹ cũng là Mẹ của chúng ta và chúng ta cũng là con cái của Mẹ, Khi đón chào một năm mới tất bật và bắt đầu nỗ lực thực hiện những quyết tâm của mình, chúng ta khẩn cầu sự trợ giúp của Mẹ Maria, đặc biệt trong cơn đại dịch còn đang diễn biến khó lường, xin Mẹ ban cho chúng ta lòng khao khát đón chào Con của Mẹ vào lòng mình trong năm nay mỗi ngày nhiều hơn.
Chuyện kể rằng:
Thánh Alphonsô Rodriguez có lòng yêu mến Ðức Mẹ chí thiết. Một hôm đang quì trước bàn thờ Mẹ. Ngài được Ðức Mẹ hiện ra đẹp đẽ lạ lùng và hỏi:
-Alphonsô, con có mến Mẹ không?
Thánh nhân giơ hai tay nói lớn: Ôi trời đất, lạy Chúa! Con yêu mến Mẹ lắm. Vâng, con mến Mẹ; ai mà không mến Mẹ, một Ðấng đẹp đẽ tốt lành, thánh thiện như thế? Con mến Mẹ đến nỗi sẵn lòng hy sinh thịt máu, danh dự và cả mạng sống con nữa.
-Hỡi Alphonsô, con có mến Mẹ thật không?
-Thưa Mẹ, thật, rất thật. Hỡi lòng con hãy nói lên vì lưỡi con không đủ tiếng diễn tả. Lạy Mẹ chí thánh, Mẹ đừng hỏi điều ấy nữa, Mẹ biết con yêu mến Mẹ lắm.
Chưa lấy làm đủ; Ðức Mẹ lại hỏi Ngài lần thứ ba:
-Alphonsô, con có mến Mẹ thật không?
Lần này theo tính đơn sơ thật thà, Ngài trả lời:
-Lạy Mẹ, con yêu mến và con mến Mẹ hơn cả Mẹ yêu con nữa!
Nhìn Alphonsô cách trìu mến, Ðức Mẹ mỉm cười cầm lấy tay Anphonsô mà nói:
-Ðiều đó không đúng sự thật. Mẹ yêu thương con và yêu thương những kẻ hết lòng yêu Mẹ hơn tất cả mọi quả tim các con hợp lại để yêu Mẹ, điều đó không thể so sánh được.[4]
Với “tấm lòng con thảo” chúng con xin Mẹ Maria “tái sinh niềm hy vọng trong chúng con và mang lại cho chúng con sự hiệp nhất. Lạy Mẹ Maria, Mẹ của Ơn Cứu Độ, chúng con trao phó cho Mẹ năm mới này.”[5]
Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con!
[2] Nhà Thánh mẫu học vĩ đại, Cha René Laurentin (1917 2015), Khảo luận về Đức Trinh nữ Maria, tái bản lần thứ sáu - Paris: François-Xavier de Guibert, 2009.
[3] Lược Sử Giáo Hội Công Giáo, Lm. Micae Trần Đình Quảng, ĐCV Th. Phanxicô Xaviê 1998. Chương V, II, số 2.
[5] Đức Thánh Cha Phanxicô chủ trì Thánh lễ tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô vào ngày đầu năm, mừng Lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, và đánh dấu Ngày Thế giới Hòa bình lần thứ 53, vào ngày 01/01/2020.
https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/duc-maria-me-thien-chua-va-me-chung-ta-41205
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét