Thật không may, nước Ý lại đang điêu đứng vì coronavirus. Ngay sau thánh lễ Đêm Giáng Sinh, từ 10g tối ngày 24 tháng 12, nước Ý lại phải rơi vào tình trạng cô lập như hồi tháng 3.

Do đó, tạm thời, các buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật và các ngày lễ trọng được thực hiện từ thư viện của dinh Tông Toà thay vì từ cửa sổ phòng làm việc của Đức Thánh Cha nhìn ra quảng trường Thánh Phêrô.

Mở đầu bài huấn đức, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin Mừng hôm qua nói về Chúa Giêsu, là “ánh sáng thật” đã đến trong thế gian, ánh sáng “chiếu soi trong bóng tối” và “bóng tối không diệt được” (Ga 1: 9, 5). Hôm nay chúng ta thấy người đã làm chứng cho Chúa Giêsu, là Thánh Stêphanô, người đã tỏa sáng trong bóng tối. Những người làm chứng cho Chúa Giêsu được tỏa sáng bằng ánh sáng của Ngài, không phải bằng ánh sáng của chính họ. Ngay cả Giáo hội cũng không có ánh sáng của riêng mình. Vì điều này, các giáo phụ cổ đại đã gọi Giáo hội là: “mầu nhiệm mặt trăng”. Giống như mặt trăng, không có ánh sáng riêng của nó, những chứng nhân này không có ánh sáng riêng của họ, nhưng họ hấp thụ ánh sáng của Chúa Giêsu và phản chiếu ánh sáng ấy. Thánh Stêphanô bị vu oan và bị ném đá dã man, nhưng trong bóng tối của hận thù đạt đến cao điểm là cực hình ném đá ngài, thánh nhân đã để cho ánh sáng của Chúa Giêsu chiếu sáng: ngài cầu nguyện cho những kẻ giết mình và tha thứ cho họ, giống như Chúa Giêsu đã tha thứ từ trên thập tự giá. Ngài là vị tử đạo tiên khởi, tức là chứng nhân đầu tiên, người thứ nhất trong số rất nhiều anh chị em, những người, cho đến tận ngày nay, vẫn tiếp tục đưa ánh sáng vào bóng tối - những người đáp lại điều ác bằng điều thiện; họ không khuất phục trước bạo lực và dối trá, nhưng phá vỡ vòng hận thù bằng sự hiền lành và tình yêu. Trong những đêm đen của thế giới, những chứng nhân này mang đến bình minh của Chúa.

Nhưng làm thế nào để họ trở thành chứng nhân? Thưa: họ bắt chước Chúa Giêsu, hấp thụ ánh sáng từ Chúa Giêsu. Đây là con đường cho mọi Kitô hữu: hãy noi gương Chúa Giêsu, hãy lấy ánh sáng từ Chúa Giêsu. Thánh Stêphanô cho chúng ta một tấm gương: Chúa Giêsu đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (x. Mc 10:45), thánh nhân cũng đã sống để phục vụ chứ không phải để được phục vụ, Thánh Stêphanô được chọn làm phó tế, ngài trở thành một phó tế, tức là một người phục vụ, và giúp đỡ những người nghèo tại bàn ăn (x. Cv 6: 2). Thánh nhân cố gắng noi gương Chúa mỗi ngày và ngài đã làm điều đó cho đến cùng: như trong trường hợp của Chúa Giêsu, ngài bị bắt, bị kết án và bị giết bên ngoài thành phố, và giống như Chúa Giêsu, thánh nhân đã cầu nguyện và tha thứ. Trong khi bị ném đá, ngài nói: “Lạy Chúa, xin đừng chấp tội họ” (Cv 7:60). Thánh Stêphanô là một chứng nhân vì ngài đã bắt chước Chúa Giêsu.

Một câu hỏi có thể nảy sinh: những chứng nhân cho sự thiện này có thực sự cần thiết không khi thế giới chìm trong sự gian ác? Cầu nguyện và tha thứ thì có ích gì? Chỉ để đưa ra một tấm gương tốt thôi sao? Làm thế thì được cái gì? Thưa: Được nhiều chứ. Chúng ta khám phá điều này từ một chi tiết. Bản văn nói rằng trong số những người mà Thánh Stêphanô đã cầu nguyện cho và được ngài tha thứ, có “một thanh niên tên là Saolô” (c. 58), người “tán thành cái chết của Thánh Stêphanô” (Cv 8: 1). Ít lâu sau, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, Saolô đã hoán cải, đã nhận được ánh sáng của Chúa Giêsu, đón nhận ánh sáng ấy, hoán cải và trở thành Phaolô, nhà truyền giáo vĩ đại nhất trong lịch sử. Phaolô được sinh ra nhờ ân sủng của Thiên Chúa, nhưng thông qua sự tha thứ của Thánh Stêphanô, và thông qua chứng tá của ngài. Đó là mầm mống tạo ra sự hoán cải của Saulô. Đây là bằng chứng cho thấy những hành động yêu thương làm thay đổi lịch sử: ngay cả những việc nhỏ nhặt, lặng lẽ hàng ngày. Thiên Chúa hướng dẫn lịch sử qua lòng can đảm khiêm nhường của những ai cầu nguyện, yêu thương và tha thứ. Có biết bao vị thánh lặng lẽ, những vị thánh bên cạnh chúng ta, những chứng nhân sống thầm lặng, là những người qua những hành động yêu thương nhỏ nhoi làm thay đổi lịch sử.

Hãy là chứng nhân cho Chúa Giêsu - điều này cũng đúng cho chúng ta. Chúa muốn chúng ta biến cuộc sống của chúng ta thành những kiệt tác thông qua những điều bình thường, những việc chúng ta làm hàng ngày. Chúng ta được mời gọi làm chứng cho Chúa Giêsu ngay tại nơi chúng ta sống, trong gia đình, nơi làm việc, mọi nơi, dù chỉ bằng cách tỏa ra ánh sáng của nụ cười, là ánh sáng không phải của riêng chúng ta nhưng đến từ Chúa Giêsu - và thậm chí có thể làm chứng cho Chúa bằng cách thoát ra khỏi bóng đêm của những câu chuyện ngồi lê đôi mách và những trò ba hoa dựng chuyện. Và khi chúng ta thấy có điều gì đó không ổn, thay vì chỉ trích, nói xấu và phàn nàn, chúng ta hãy cầu nguyện cho người phạm lỗi và cầu nguyện cho hoàn cảnh khó khăn được khắc phục. Và khi một cuộc tranh cãi bắt đầu ở nhà, thay vì cố gắng giành chiến thắng, chúng ta hãy cố gắng dập tắt nó; và bắt đầu lại từ đầu mỗi lần như thế, và tha thứ cho người đã xúc phạm. Những điều nhỏ nhặt, nhưng chúng thay đổi lịch sử, bởi vì chúng mở cửa, chúng mở cửa sổ cho ánh sáng của Chúa Giêsu. Thánh Stêphanô, trong khi phải nhận những viên đá phang tới tấp vì hận thù, đã đáp lại bằng những lời tha thứ. Do đó, ngài đã thay đổi lịch sử. Chúng ta cũng có thể thay đổi điều ác thành điều thiện mỗi lần nó xuất hiện giống như một câu châm ngôn hay đã đề xuất rằng: “Hãy giống như cây chà là: họ ném đá nó và chà là rơi xuống”.

Hôm nay, chúng ta hãy cầu nguyện cho những người đang bị bách hại vì danh Chúa Giêsu. Thật không may. Có nhiều bách hại hơn so với thời sơ khai của Giáo hội. Chúng ta hãy giao phó những anh chị em này cho Đức Mẹ, để họ có thể đáp lại những áp bức với lòng hiền hòa và với tư cách là các chứng nhân thực sự cho Chúa Giêsu, họ có thể chiến thắng điều ác bằng điều thiện.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói tiếp như sau:

Anh chị em thân mến,

Tôi xin chào tất cả anh chị em, các gia đình, các nhóm và cá nhân các tín hữu đang theo dõi giờ phút cầu nguyện này qua các phương tiện giao tiếp xã hội. Chúng ta phải làm như thế này để tránh mọi người đến Quảng trường. Qua đó, chúng ta đang cộng tác với các quy định mà Nhà chức trách đã thiết lập, để giúp tất cả chúng ta thoát khỏi đại dịch này.

Ước gì không khí Giáng sinh vui vẻ tiếp diễn hôm nay lại tràn ngập trong tâm hồn chúng ta, khơi dậy niềm khao khát trong mọi người được chiêm ngắm Chúa Giêsu trong máng cỏ, để phụng sự Ngài và yêu mến Ngài trong những người lân cận với chúng ta.

Trong những ngày này, tôi đã nhận được những lời chúc mừng Giáng sinh từ Rôma và những nơi khác trên thế giới. Tôi không thể hồi đáp tất cả mọi người, nhưng tôi nhân cơ hội này ngay bây giờ để bày tỏ lòng biết ơn của tôi, đặc biệt là đối với món quà cầu nguyện mà anh chị em đã dành cho tôi, mà tôi sẵn lòng đáp lại.

Chúc mừng Lễ Thánh Stêphanô. Xin hãy tiếp tục cầu nguyện cho tôi.

Cầu chúc anh chị em có một bữa ăn ngon miệng.
 
Vietcatholic News