2013-2023: Đức Phanxicô, một thiên tài truyền thông?
Loạt bài kỷ niệm 10 năm triều giáo hoàng của Đức Phanxicô, 13-3-2013 & 13-3-2023
cath.ch, I.Media, 2023-03-07
Đức Phanxicô, tháng 10 năm 2014, ở Buenos Aires, ngài nổi tiếng khắc khổ nhưng ở Rôma ngài rất vui vẻ. Bản chất tốt của ngài thường được so sánh với “giáo hoàng nhân lành” Gioan XXIII | © Flickr/Mazur/catholicnews.org.uk/CC BY-NC-ND 2.0
Từ khi được bầu chọn năm 2013, Đức Phanxicô đã để lại một dấu ấn rất cá nhân trong cách Tòa thánh truyền tải thông điệp đến với Thành phố Rôma và Thế giới. Cách ngài giao tiếp có khả năng lôi cuốn sự chú ý của người có đạo cũng như không có đạo, mở rộng phạm vi “lời” giáo hoàng, nhưng đôi khi cũng gây nhầm lẫn, đặc biệt là trong Giáo hội.
Trong lần phỏng vấn đầu tiên năm 2013 với linh mục Antonio Spadaro, giám đốc đầy ảnh hưởng của tạp chí Dòng Tên Văn minh Công giáo, La Civilta Cattolica, ngài đã nói lên khó khăn ‘nghề nghiệp’ mới tạo ra cho ngài: “Tôi có thể nhìn vào từng người một, những người trước mặt tôi để nói chuyện theo cách cá nhân với họ, nhưng tôi không quen với đám đông.”
Điều mà ngài cho là điểm yếu của ngài thì lại là một trong những điểm mạnh nhất của ngài mười năm sau. Giáo hoàng người Argentina đã giữ phong cách giản dị, gần gũi với những từ đặc biệt của ngài, đầy màu sắc và dễ tiếp cận trong các văn bản huấn quyền. Nổi tiếng là người khắc khổ ở Buenos Aires, nhưng ngài lại vui vẻ ở Rôma. Bản chất tốt lành của ngài thường được so sánh với “giáo hoàng tốt lành” Gioan XXIII. Sau triều Đức Bênêđictô XVI được đánh dấu bằng những lời nói ngắn gọn súc tích, chặt chẽ của nhà thần học nghiêm nghị, lời của Đức Phanxicô lão luyện trong ứng biến và phản ứng tự phát, thường kèm theo hài hước hoặc cảm xúc đã đánh động trái tim của nhiều người.
Ngài thường gạt nghi thức qua một bên, tạo một giao tiếp dựa trên “sự gần gũi không hình thức” với người đối diện. “Xin anh/chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi,” đó là câu ngài nói sau mỗi lần tiễn khách. Câu này là câu được nghe nhiều nhất trong mười năm qua, đặc nét trong sự quan tâm của ngài để có mối liên hệ chân tình giữa ngài và khách. “Cây cầu” ngài bắt giữa ngài và mỗi người là cây cầu nhân bản trước khi là cây cầu huấn quyền.
Giao tiếp: giữa cử chỉ và im lặng
Nhà nghiên cứu người Colombia, Ari Waldir Ramos Diaz lưu ý trong bài tiểu luận Hãy xác thực, với Đức Phanxicô để cải thiện mối quan hệ và giao tiếp của chúng ta, (Soyez authentiques, avec le pape François pour améliorer nos relations et notre communication, nxb. Edizioni Lavoro, 2019), tác giả giải thích, trước tiên Đức Phanxicô giao tiếp bằng “cử chỉ” vì những cử chỉ này tạo ra “ngôn ngữ chung”. Theo phong cách người Nam Mỹ, ngài thường nói cần phải có những “vuốt ve” cho một thế giới đang đau khổ.
Tổng giám mục Guido Marini, cựu trưởng ban nghi lễ giáo hoàng, nói trong một phỏng vấn năm 2021, Đức Phanxicô là “thiên tài về phối cảnh”. Tổng giám mục đã ở bên cạnh ngài trong buổi cầu nguyện cho đại dịch Statio Orbis ngày 27 tháng 3 năm 2020, khi cả thế giới lâm vào cảnh tang thương lo lắng. Hơn cả bài phát biểu của ngài tối hôm đó, chính sự cô đơn của một giáo hoàng ở Quảng trường Thánh Phêrô đang bị cơn bão virus tàn phá mới là điều làm cho nhiều người nhớ đến.
Đức Phanxicô trong buổi cầu nguyện ngày 27 tháng 3 năm 2020 xin chấm dứt đại dịch | Ảnh Truyền thông Vatican
Chỉ trích chuyện ngồi lê đôi mách, những chuyện gây nhiễu, Đức Phanxicô cho rằng “thế giới đã phát ngán với tiếng ồn” và ngài ca ngợi giá trị của “một hiện diện thầm lặng”, một bước thiết yếu để lắng nghe người khác. Một nguyên tắc mà ngài cố gắng triển khai trong chính sách ngoại giao của mình, vốn rất tích cực thúc đẩy đối thoại hòa bình ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng đây cũng là trường hợp trong lãnh vực Giáo hội với Thượng hội đồng về tương lai của Giáo hội được đưa ra năm 2021, nhằm khởi động lại văn hóa đồng nghị, lắng nghe nhau để tiến lên bất chấp những khác biệt.
Một lời không thể đoán trước
Nhà cải cách, ngài tiếp tục hiện đại hóa và nhất là số hóa các thông tin liên lạc của Tòa thánh, được người tiền nhiệm của ngài bắt đầu. Dù ngài thường xuyên chỉ trích những rủi ro của giao tiếp ảo, nhưng ngài có tài khoản Twitter, Instagram và có ứng dụng cầu nguyện – Nhấp để cầu nguyện. Ngài đã tiếp các chủ nhân của GAFAM tại Vatican. Tài khoản Twitter của ngài có 45 triệu người theo dõi và viết bằng nhiều thứ tiếng.
Ngài cũng tái cấu trúc sâu rộng truyền thông Giáo triều, năm 2015, ngài thành lập bộ Truyền thông, tập hợp tất cả các cơ quan truyền thông của Vatican – Vatican News, Vatican Radio, L’Osservatore Romano (mà ngài gọi là ‘Pravda’), Văn phòng báo chí Tòa thánh, Nhà xuất bản Vatican… Mục tiêu: để có hiệu quả cao hơn, ít chi phí hơn và tập trung vào việc loan báo Tin Mừng.
Nhưng ngài cũng tỏ ra xa cách với chính ban quản trị của ngài, thường chập mạch với các kênh liên lạc chính thức của Tòa thánh – đặc biệt là với Văn phòng Báo chí – để ủng hộ các mạng lưới của riêng của ngài, khó nắm bắt và khó đoán hơn nhiều.
Một tình huống đã tạo ra khó chịu trong Giáo triều được đưa ra ánh sáng năm 2021, ngài công khai chỉ trích cách giao tiếp của giáo triều khi ngài đi thăm cơ sở của Đài phát thanh Vatican. Ngài khuyến khích họ có sáng kiến, trong khi các cơ cấu đã thiết lập có xu hướng hạn chế quyền tự do hành động, đã cho thấy những vấn đề cơ bản trong hoạt động truyền thông của Vatican.
Không giống hai vị tiền nhiệm của ngài, những người hoàn toàn dựa vào phát ngôn viên của họ, Đức Phanxicô muốn làm chủ mọi giao tiếp, để tránh bị các nhóm quyền lực hành động vì lợi ích riêng của họ lợi dụng. Như vậy, ông Matteo Bruni, đương kim Giám đốc Văn phòng Báo chí không phải là phát ngôn viên của ngài.
Một giao tiếp tự do
Ngài thường có nhiều cuộc phỏng vấn, trong đó ngài không hạn chế bất kỳ một chủ đề nào, nhưng với ngài, theo truyền thống thuần túy của Dòng Tên, ngài không đi đến nơi mà người đối thoại muốn đưa ngài đến. Nhà xã hội học Dominique Wolton, người đã thực hiện 12 cuộc phỏng vấn với giáo hoàng được xuất bản trong quyển sách Chính trị và Xã hội (2018), lưu ý: “Không phải lúc nào ngài cũng trả lời các câu hỏi đặt ra cho ngài”.
Khả năng đưa ra quan điểm ngược lại với người đối thoại của ngài, đặc biệt được thấy trong các cuộc họp báo trên các chuyến bay từ nước ngoài về – không còn trên chuyến bay đi như hai tiền nhiệm của ngài. Ngài thấy tầm quan trọng của thời điểm tiếp xúc đặc quyền này với các nhà báo, điều mà Đức Bênêđictô XVI đã ‘khóa chặt’ vào giữa triều của ngài sau cuộc tranh cãi về việc dùng bao cao su.
Trong 40 chuyến bay từ nước ngoài về Rôma trong 10 năm qua, Đức Phanxicô cho phép các nhà báo tự do đặt câu hỏi về mọi chủ đề. Ngài làm một cách tự phát nhưng thường không kiềm chế được. Chúng ta nợ một vài câu trong triều giáo hoàng của ngài, như câu “Tôi là ai mà phán xét?” khi ngài nói về những người đồng tính.
“Những sai lầm” và các chia rẽ
Tuy nhiên, tính tự phát của ngài đôi khi lại hại ngài, như khi ngài nói về việc từ chức của tổng giám mục Aupetit, giáo phận Paris; hoặc khi ngài làm cho nỗ lực ngoại giao của ngài bị ảnh hưởng khi ngài ám chỉ người Buryat và Chechnya chịu trách nhiệm về các vụ thảm sát ở Ukraine. Phong cách giao tiếp của ngài cũng thường tạo bối rối và tức giận trong chính hàng ngũ của ngài. Nhà xã hội học Dominique Wolton nói với ngài: “Cha được người vô thần yêu mến nhiều hơn là người công giáo.”
Trong Giáo hội, một số tiếng nói thường chỉ trích ngài có một hình thức “dân túy” đã làm lẫn lộn các vấn đề học thuyết. Ngược lại cũng có một số người cảm thấy khó chịu với phong cách ‘mục vụ’ của ngài, cho rằng nó ngăn cản ngài có những cải cách lớn mà họ mong chờ ở ngài.
Còn ngài, ngài nhiều lần lên tiếng chống lại điều mà ngài cho là “phân cực”. Chống lại những xung đột nhị nguyên và ý thức hệ, ngài khuyến khích người tín hữu kitô nên làm phong phú thêm hiệp thông của họ với những “mâu thuẫn” hiện có trong Giáo hội, biến thách thức này trở thành một trong những trục của tiến trình thượng hội đồng về tương lai của Giáo hội được khởi động năm 2021.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
http://phanxico.vn/2023/03/10/2013-2023-duc-phanxico-mot-thien-tai-truyen-thong/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét