Linh mục Spadaro: Đức Phanxicô đã để lại dấu ấn mục vụ cho Giáo hội
Loạt bài kỷ niệm 10 năm triều giáo hoàng của Đức Phanxicô, 13-3-2013 & 13-3-2023
cruxnow.com, Elise Ann Allen, 2023-03-06
Linh mục Spadaro, một trong những người bạn và phụ tá thân cận nhất của Đức Phanxicô đã nói, sau mười năm, Đức Phanxicô đã để lại dấu ấn mục vụ cho Giáo hội, để lại dấu ấn Dòng Tên không thể chối cãi trên Giáo hội và đã thúc đẩy Giáo hội công giáo bước vào một cuộc đối thoại cởi mở hơn với thế giới, khơi gợi chỉ trích nhưng đồng thời biết mình là mục tử và là một thẩm quyền đạo đức toàn cầu.
Phát biểu với trang Crux, linh mục Dòng Tên Antonio Spadaro, giám đốc tạp chí Văn minh Công giáo do Dòng Tên điều hành, cho biết, khi ngày kỷ niệm 10 năm bầu chọn Đức Phanxicô đang đến gần, “có vẻ như có một bầu khí parrhesia, nói tất cả mọi thứ, nói một cách tự do về Giáo hội, đó chính xác là điều mà giáo hoàng đã yêu cầu và đang yêu cầu.”
Linh mục Spadaro tuyên bố: “Đức Phanxicô là nhân vật nổi tiếng, nhưng tôi có thể nói, ngoài tiếng tăm của ngài, ngài là hình ảnh thẩm quyền đạo đức toàn cầu duy nhất hiện nay trên thế giới.” Linh mục lưu ý, người kế vị Thánh Phêrô có một cá tính mạnh mẽ và một mục vụ rõ ràng, một cách làm mà không phải ai cũng đồng ý.
Linh mục Spadaro nhấn mạnh: “Đức Phanxicô là một hình ảnh rất mạnh và nổi bật, một cá tính quan trọng, khéo léo theo cách của ngài, có thể thu hút hoặc đẩy ra, thay vì tập trung vào cá tính cụ thể, chúng ta nên để ý đến thông điệp của ngài.”
Cựu tổng giám mục giáo phận Buenos Aires, hồng y Jorge Mario Bergoglio được bầu làm giáo hoàng ngày 13 tháng 3 năm 2013, lấy tên hiệu Phanxicô theo tên của Thánh Phanxicô Assisi. Và kể từ ngày này, linh mục Spadaro đã là người bạn, người cố vấn tin cậy nhất của Đức Phanxicô, người tháp tùng ngài trong mọi chuyến tông du nước ngoài, đã phỏng vấn ngài nhiều lần, linh mục nghĩ rằng, hiện nay chưa thể xác định trọn vẹn tác động của Đức Phanxicô trên Giáo hội công giáo là gì và điều này chỉ có thời gian mới trả lời được.
Linh mục nói: “Đây là triều của hoa quả, đúng, nhưng trên hết là triều của hạt giống. Tôi nghĩ với thời gian, những hạt giống này sẽ lớn lên, phát triển và trưởng thành. Sau này chúng ta sẽ hiểu những thành quả đã được gieo trồng trong thời gian này là gì.”
Trước cuộc bầu chọn tháng 3 năm 2013, cha có biết hồng y Jorge Mario Bergoglio không? Ấn tượng của cha về ngài là gì?
Linh mục Antonio Spadaro: Tôi không biết rõ hồng y Bergoglio. Tôi có nghe nói về ngài và tôi biết trong Dòng có những ý kiến khác nhau về công việc của ngài. Tôi biết ngài có cách tiếp cận mục vụ rất mạnh, ngài tiếp xúc với giáo dân, đi với họ ngoài đường bằng phương tiện công cộng, ngài đi xe buýt, xe điện ngầm, nhưng tôi không có một hình ảnh chính xác về ngài.
Phản ứng đầu tiên của tôi là một ngạc nhiên lớn. Tôi đang ở Quảng trường Thánh Phêrô, tôi đang chờ tân giáo hoàng thì tôi nghe xướng tên ‘Giorgius Marius’ bằng tiếng la-tinh, tôi tự hỏi có hồng y nào khác ngoài Bergoglio có tên ‘Giorgius Marius’ không, vì tôi không thể tưởng tượng được đó là ngài, một tu sĩ Dòng Tên! Khi nghe xướng tên ngài, tôi xúc động sâu xa, với tôi đó là một cái gì đó hoàn toàn bất ngờ, rất bất ngờ, không thể đoán trước được. Ngay sau đó, tôi xúc động thêm vì những lời đầu tiên của ngài, thánh lễ đầu tiên với các hồng y. Ngay bài giảng đầu tiên, ngài đã thực sự đánh động tôi vì tôi nghe những lời của một tu sĩ Dòng Tên, một người đã được đào tạo trong linh đạo Inhaxiô, và tôi đã nhận ra rất nhiều điều ở ngài.
Theo quan điểm của cha, việc ngài có đào tạo Dòng Tên đã ảnh hưởng như thế nào trên triều giáo hoàng của ngài?
Như tôi đã nói, tôi đã rất xúc động vì cách tiếp cận của ngài cho thấy, đó là cách tiếp cận của Dòng Tên. Mặt khác, ngài được hình thành một cách triệt để qua linh đạo này, ngài mang trách nhiệm cao cả của một tu sĩ Dòng Tên, khi ngài làm giám đốc nhà tập (Colegio Máximo và Colegio de San José) và giám tỉnh. Vì vậy, tôi phải nói triều của ngài ảnh hưởng qua lối sống, qua cách sống đức tin của ngài, được đánh dấu bởi linh đạo Inhaxiô.
Cho đến nay, cha nghĩ thời điểm quan trọng nhất triều của ngài là thời điểm nào?
Tôi thấy hành trình của ngài không phải là con đường với những ngã rẽ bất ngờ, nhưng là một tiến trình liên tục, một phát triển. Về quy mô, tôi thấy khó hình dung vì tôi không xem đây là thời điểm cân bằng, như thể đó là bảng chiết tính của một công ty. Có một con đường.
Tất nhiên, tính đồng nghị, tầm quan trọng mà ngài đã dành cho thượng hội đồng, thể chế đồng nghị, theo tôi dường như đã có từ đầu, kể từ cuộc phỏng vấn đầu tiên của ngài năm 2013. Từ đó, chủ đề này nổi lên rõ ràng. Bản thân tôi đã không hiểu chính xác tầm quan trọng của nó, nhưng bây giờ tôi đã hiểu.
Năm Thánh Lòng Thương Xót là một thời điểm rất quan trọng khác, vì theo tôi, ngoài huấn quyền thông thường, đó là lúc ngài muốn nhấn mạnh đến khuôn mặt thật của Thiên Chúa, một Thiên Chúa đón nhận, một Thiên Chúa gần gũi. Trong thời điểm mong manh này của lịch sử, ngài muốn nhấn mạnh hình ảnh của Thiên Chúa là thương xót, lòng thương xót chính là danh Ngài.
Giáo hội ngày nay khác như thế nào sau 10 năm của Đức Phanxicô?
Tất nhiên Giáo hội ngày nay khác với Giáo hội 10 năm trước. Chúng ta cũng phải hiểu vì sao. Khi những tiến trình này được thực hiện, thường thì chúng khó nhận ra từ bên ngoài, nhưng theo tôi, Giáo hội đã phát triển một parrhesia lớn lao, nói tất cả mọi thứ và nói một cách tự do, đó chính là điều ngài đã yêu cầu và đang yêu cầu. Có tự do để nói lên quan điểm của mình, đôi khi có thể bị chống đối, tuy nhiên nếu mọi người tôn trọng sự hiệp thông của Giáo hội, tầm quan trọng của các mối quan hệ, và giá trị huấn quyền giáo hoàng, thì có thể hữu ích cho một tranh luận sâu sắc hơn, nhận thức đầy đủ hơn về ý nghĩa của việc sống Tin mừng hôm nay, việc trở thành Giáo hội ngày nay. Vì thế phải có một thảo luận rộng hơn, lan rộng hơn.
Sau đó, cần chú ý nhiều đến chiều kích mục vụ và đón nhận, ý thức lớn hơn về chủ đề này. Ngoài ra có những chủ đề lớn như tình huynh đệ trong chính trị, trong phản ánh chính trị quốc tế của Laudato Si, nếu chúng ta muốn một Giáo hội tham dự vào nỗ lực mà thế giới đang nỗ lực để nhân loại trở nên tốt đẹp hơn.
Tôi sẽ nói đây là quan điểm hoàn toàn đồng nghị, theo tinh thần của Công đồng Vatican II.
Đức Phanxicô vẫn là một nhân vật rất được yêu mến trên khắp thế giới, nhưng ngài cũng hứng chịu nhiều chỉ trích, cả từ bên trong Giáo hội. Cha có ngạc nhiên trước tình cảm hay chống đối mà Đức Phanxicô đã gợi ra không?
Đức Phanxicô là nhân vật nổi tiếng, nhưng tôi có thể nói, ngoài tiếng tăm của ngài, ngài là hình ảnh thẩm quyền đạo đức toàn cầu duy nhất hiện nay trên thế giới nên ngài được tất cả mọi người công nhận. Đúng, ngài tạo chỉ trích và chống đối, cũng như được yêu thương. Tôi không ngạc nhiên, ngài là một hình ảnh rất mạnh và nổi bật, một cá tính mạnh, đáng kể, khéo léo theo cách của ngài, có thể thu hút hoặc đẩy ra. Tôi muốn nói, thay vì tập trung vào cá tính đặc biệt, chúng ta nên để ý đến thông điệp của ngài. Ngài có một thông điệp rất chặt chẽ, đòi hỏi, mạch lạc, có thể tạo ra chống đối, và đôi khi có thể nuôi dưỡng các lợi ích kinh tế và chính trị. Vì vậy, tôi không ngạc nhiên khi ngài tạo ra nhiều loại căng thẳng, nhưng cũng có những điểm thu hút sâu sắc.
Một điều làm tôi xúc động là thế giới trần tục đã sống với hình ảnh của ngài với niềm đam mê lớn, qua khả năng truyền giáo của ngài, ngài đã tạo một hình ảnh thu hút những môi trường có vẻ xa rời với đức tin.
Theo cha, điều gì Đức Phanxicô vẫn còn bị hiểu lầm?
Tôi không nghĩ là có những hiểu lầm triệt để. Có lẽ chuyện này là do cách giao tiếp của ngài. Tôi nghĩ ngài không chọn cách truyền thông theo kiểu truyền thống hoặc khép kín để truyền tải thông điệp của ngài. Mong muốn giao tiếp, mong muốn diễn tả như ngài đã làm trong các cuộc phỏng vấn, đó là điều hoàn toàn không thể nghĩ tới ngay từ đầu. Chẳng hạn tôi nhớ, năm 2013 tôi đã hỏi ngài, liệu ngài có sẵn sàng để trả lời phỏng vấn không, ngài trả lời không, vì đó không phải là cách ngài thể hiện bản thân, ngài không biết trả lời phỏng vấn, nhưng sau đó ngài thay đổi hoàn toàn. Có lẽ ngài nhận, qua các phỏng vấn, ngài có thể đến với những người mà ngài biết ngài sẽ không đến với họ đưọc, như thế qua phỏng vấn, thông điệp sẽ đến với họ một cách trực tiếp hơn.
Vì thế một số cách giao tiếp nào đó có thể bị ai đó hiểu lầm, nhưng tôi nghĩ qua cách này, việc ở trong môi trường của các nhà báo, trả lời các câu hỏi mà không nhất thiết phải biết trước về họ, tất cả những điều này đều được đánh giá cao.
Cha có một hoặc hai khoảnh khắc cá nhân nào với Đức Phanxicô mà cha có thể chia sẻ để nói lên ngài như thế nào không?
Trên tất cả, tôi nhớ lần đầu tiên phỏng vấn ngài, diễn ra ba buổi chiều, và đó là một kinh nghiệm vừa phi thường – phi thường vì tôi thấy mình ở trước giáo hoàng, đó là lần đầu tiên, tôi chưa bao giờ có kinh nghiệm như thế này – và vừa thấy, gần như bình thường, một cuộc trò chuyện bình thường. Tôi cảm thấy rất bình tĩnh nhưng lại cảm thấy như ở gần dung nham núi lửa phát ra từ lời nói của ngài. Đó là một kinh nghiệm rất, rất mạnh.
Một kinh nghiệm khác là các chuyến đi, vì theo sát giáo hoàng trong các chuyến đi có nghĩa là nhìn mọi thứ bằng chính đôi mắt của ngài, như ngài đang nhìn mọi thứ bên cạnh ngài, và điều này rất kích thích.
Trong 100 năm nữa, cha nghĩ Đức Cha Phanxicô sẽ được nhớ như thế nào? Di sản của ngài là gì?
Tôi không nghĩ bây giờ là thời điểm thích hợp để trả lời câu hỏi này. Tôi cũng không nghĩ đó là việc của mười năm, tôi nghĩ triều giáo hoàng đang phát triển và như thế chúng ta cũng chưa biết, chúng ta không có quả cầu pha lê của nhà ảo thuật để biết trước tương lai.
Cảm nhận tôi có thể nói, đây là triều của trái cây, đúng, nhưng cũng là triều của hạt giống, trên hết là triều của hạt giống. Đức Phanxicô đang bước sang năm thứ mười trong triều giáo hoàng của ngài và ở thời điểm này, ngài đã gieo rất nhiều. Tôi nghĩ, với thời gian, những hạt giống này sẽ lớn lên, phát triển và trưởng thành. Sau này chúng ta sẽ hiểu những thành quả đã được gieo trồng trong thời gian này là gì.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
http://phanxico.vn/2023/03/10/linh-muc-spadaro-duc-phanxico-da-de-lai-dau-an-muc-vu-cho-giao-hoi/
Bài đọc thêm: Từ Bergoglio đến Phanxicô: đổi mới và truyền thống của một giáo hoàng trong lịch sử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét