Màu sắc phụng vụ trong Tuần Thánh
MÀU SẮC PHỤNG VỤ TRONG TUẦN THÁNH
Lm. Edward McNamara, LC[1]
Câu hỏi: Tôi có một câu hỏi liên quan đến các màu phụng vụ. Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (QCTQ) trong số 346. b xác định:
“Về màu sắc của phẩm phục thánh, hãy giữ các tập quán cổ truyền, nghĩa là: [...] b) Màu đỏ được dùng trong Chúa nhật Thương khó và thứ Sáu Tuần Thánh, trong Chúa nhật lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, trong các cử hành cuộc Thương khó của Chúa, trong lễ kính các thánh tông đồ, các thánh tác giả sách Tin Mừng và trong lễ kính các thánh Tử đạo".
Tuy nhiên, tập quán cổ truyền kể từ thời Đức giáo hoàng Innocent III là sử dụng màu Đen cho Thứ Sáu Tuần Thánh, như một dấu tích của cách sử dụng lâu đời nhất trong đó màu đen được sử dụng trong suốt cả hai mùa sám hối (De sacro altaris mysterio I.64). Vào thời điểm của Sách Lễ Tridentinô, màu tím đã thay thế màu đen trong suốt Mùa Chay và Mùa Vọng, ngoại trừ Thứ Sáu Tuần Thánh, đó rõ ràng là lý do tại sao màu phụng vụ của Chúa Nhật Lễ Lá trước đây cũng là màu tím thay vì màu đỏ.
Tôi muốn hỏi điều gì đã thúc đẩy việc thay đổi việc sử dụng màu đỏ cho cả hai cử hành trọng đại là Chúa Nhật Lễ Lá và Thứ Sáu Tuần Thánh?
Ngoài ra, có tiền lệ hợp pháp nào theo đó vị Chủ Tế có thể mặc phẩm phục màu đen cho Thứ Sáu Tuần Thánh hoặc màu tím cho Chúa nhật Lễ Lá, để giữ tập quán cổ truyền theo QCTQ số 346 không?
AU, Phoenix, Arizona, Hoa Kỳ
Trả lời: Mặc dù độc giả của chúng ta đã đúng về thực hành tổng thể của các màu Phụng vụ trước khi có những cải cách như hiện nay, nhưng cách diễn đạt “tập quán cổ truyền” có phần linh hoạt trong việc sử dụng các màu phụng vụ.
Về mục đích của các màu Phụng vụ, huấn thị Redemptionis Sacramentum năm 2004 nêu rõ:
[121]. ‘Việc dùng các màu khác nhau cho lễ phục phụng vụ nhằm diễn tả cách hiệu quả và rõ ràng đặc tính của các mầu nhiệm đức tin được cử hành, và, do đó, ý nghĩa của đời sống Kitô-giáo đang tiến triển qua tiến trình của năm phụng vụ’. Thực ra, sự khác nhau “của các chức năng trong việc cử hành Thánh Thể được biểu hiện bên ngoài bởi sự khác biệt của các lễ phục phụng vụ”. Quả nhiên, “các lễ phục đó cũng phải góp phần làm tăng vẻ đẹp của hành động phụng vụ”.
Về mặt lịch sử, tất cả các phẩm phục thánh đều có màu trắng cho đến khoảng thế kỷ thứ VII. Như vị độc giả đã chỉ ra, vào thời Đức Giáo hoàng Innocent III (1198-1216), chúng ta có 4 màu chính (đỏ, trắng, đen, và xanh lục) và ba màu phụ (vàng, hồng, và tím).
Nhưng một tiêu chí chung cho việc sử dụng các màu sắc khác nhau không được tìm thấy cho đến khoảng năm 1550, và không được xác định chính thức trong chữ đỏ cho đến năm 1570, trong Sách lễ canh tân dưới thời Đức giáo hoàng Piô V (1566-1572). Thật vậy, ngay cả sau thời kỳ này, vẫn còn nhiều thay đổi và đặc thù, và việc tiêu chuẩn hóa hoàn toàn màu sắc trong Giáo hội Roma đã không được thực hiện cho đến thế kỷ XIX.
Sau những canh tân về Tam Nhật Thánh Phục Sinh của Đức giáo hoàng Piô XII (1939-1958) trong khoảng thời gian từ năm 1951-1955, thông lệ vào Chúa nhật Lễ Lá thì sử dụng màu đỏ cho cuộc rước và đổi thành màu tím cho Thánh lễ.
Vào Thứ Sáu Tuần Thánh, phần đầu của nghi thức thì mặc phẩm phục màu đen, và được đổi thành màu tím cho nghi thức Rước lễ.
Vì một trong những tiêu chí đối với việc canh tân của Công đồng là đơn giản hóa tổng thể các nghi thức, nên việc chỉ sử dụng một màu Phụng vụ cho mỗi cử hành được ưu tiên hơn. Tương tự như vậy, mặc dù không bị bãi bỏ chính thức, việc sử dụng lễ phục màu đen cho tang lễ không còn được ấn định nữa, và nói chung, hầu như màu đen không còn được sử dụng, thay vào đó, chuyển sang màu tím hoặc màu trắng.
Những yếu tố này có lẽ đã dẫn đến việc lựa chọn phẩm phục màu đỏ được ưu tiên hơn do màu đỏ có liên kết với Cuộc khổ nạn của Chúa trong các bối cảnh phụng vụ khác cũng như màu đỏ cũng thường được liên kết với các chủ đề tử vì đạo, hy tế, và lửa.
Sự lựa chọn này không phải là không có tiền lệ lịch sử. Có nhiều bằng chứng về việc sử dụng phẩm phục màu đỏ cho cả Chúa Nhật Lễ Lá và Thứ Sáu Tuần Thánh trong quá khứ.
Ví dụ, một thủ bản có niên đại từ năm 1100 đến 1187 mô tả hoạt động của Nhà thờ Mộ Thánh ở Giêrusalem cho thấy việc sử dụng màu Đỏ vào Thứ Sáu Tuần Thánh. Điều tương tự cũng có thể xảy ra đối với cả Chúa Nhật Lễ Lá và Thứ Sáu Tuần Thánh trong các tài liệu từ thế kỷ XIII từ các nhà thờ chánh tòa Salisbury và Litchfield ở Anh và Marseilles ở Pháp.
Việc sử dụng màu đỏ trong bối cảnh của Cuộc Thương Khó cũng được chứng thực bởi đó là màu của Lễ Máu Châu báu. Lễ này hiện đã được kết hợp với lễ Mình Máu Thánh Chúa mặc dù Lễ Máu Châu báu vẫn là một Lễ ngoại lịch trong Sách lễ Rôma hiện tại với lễ phục màu đỏ.
Việc sử dụng phẩm phục màu đỏ là điều hợp lý vì nguồn gốc của ngày Lễ Máu Châu báu gắn chặt hơn với cuộc khổ nạn của Đức Kitô. Bửu huyết của Người cao quý vì đó là giá chuộc mà Người đã trả để cứu độ nhân loại.
Việc cử hành này dường như bắt nguồn từ Tây Ban Nha thế kỷ XVI. Ngày lễ được Thánh Gaspar del Bufalo (1786-1837), vị sáng lập Dòng Thừa Sai Máu Châu Báu đưa vào Rôma. Vào năm 1849, ngày lễ được Đức Piô IX mở rộng cho toàn thể Giáo hội. Ngày lễ đã thay đổi ngày và bậc phụng vụ nhiều lần trước khi bị lấy ra khỏi lịch phổ quát như một lễ riêng vào năm 1969.
Do đó, QCTQ không sai khi cho rằng màu đỏ là “tập quán cổ truyền” vào Thứ Sáu Tuần Thánh mặc dù nó là một điểm mới so với sách lễ trước đó, và thay đổi một phần thông lệ vào Chúa nhật Lễ Lá.
Liệu vẫn có thể sử dụng màu tím vào Chúa Nhật Lễ Lá và màu đen vào Thứ Sáu Tuần Thánh được không?
Các quy luật của QCTQ nêu rõ:
346. Về màu sắc của phẩm phục thánh, hãy giữ các tập quán cổ truyền, nghĩa là: […]
b) Màu đỏ được dùng trong Chúa nhật Thương khó và thứ Sáu Tuần Thánh, trong Chúa nhật lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, trong các cử hành cuộc Thương khó của Chúa, trong lễ kính các thánh tông đồ, các thánh tác giả sách Tin Mừng và trong lễ kính các thánh Tử đạo…
d) Màu tím dùng trong mùa Vọng, mùa Chay. Cũng có thể dùng trong Thần vụ và các lễ cầu cho người đã qua đời. Không được dùng lễ phục trắng trong tang lễ, vì như vậy vừa làm lẫn lộn ý nghĩa của màu phụng vụ truyền thống, vừa trái ngược với quy định về chất liệu phẩm phục. (Theo phong tục Việt Nam, tang phục màu trắng thường được may bằng vải xô, vải mùng).
e) Màu đen có thể dùng trong lễ cầu cho người qua đời ở nơi nào có thói quen này;
h) Tại Việt Nam lễ phục màu vàng được coi là lễ phục long trọng vì là màu vương giả quý phái.
g) Trong những ngày lễ long trọng hơn, có thể dùng phẩm phục ngày lễ hay những phẩm phục quý trọng hơn, dù không phải màu của ngày lễ.
QCTQ số 346. g đã được giải thích chính thức trong hướng dẫn của Huấn thị Redemptionis Sacramentum:
[127] Trong các sách phụng vụ, có một năng quyền đặc biệt được ban để, trong những ngày thật trọng thể, sử dụng các lễ phục phụng vụ dành cho các ngày lễ và đặc biệt đẹp, dù chúng không đúng màu sắc của ngày lễ hôm đó. Tuy nhiên, quyền này, liên quan một cách đặc thù đến các lễ phục phụng vụ rất cổ xưa, nhằm bảo toàn di sản của Giáo Hội, lại bị nới rộng một cách quá đáng đến những đổi mới; do đó, bỏ qua cách làm truyền thống, người ta chấp nhận những hình dáng và màu sắc, căn cứ trên những tiêu chuẩn chủ quan, và như thế là làm yếu đi ý nghĩa của một quy tắc, hại cho truyền thống. Những ngày lễ, các phẩm phục thánh màu vàng hay bạc có thể thay thế, tuỳ lúc, các màu sắc phụng vụ khác nhau, trừ ra màu tím và màu đen.
Mặc dù cách giải thích theo nghĩa đen của quy luật này sẽ không loại trừ việc sử dụng phẩm phục màu đen hoặc màu tím cổ và đặc biệt quý trọng vào Chúa Nhật Lễ Lá hoặc Thứ Sáu Tuần Thánh, nhưng nó dường như không phù hợp với tinh thần của các quy luật hiện hành. Ngay cả khi được sử dụng, đó sẽ là vì sự trang trọng của ngày lễ và không tuân thủ “tập quán cổ truyền”.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: epriest.com (04. 3. 2023)
[1] Cha Edward McNamara, LC, dòng Đạo Binh Chúa Kitô, giáo sư Thần học Phụng vụ và Bí tích, đồng thời là giám đốc Sacerdos Institute tại Đại học giáo hoàng Regina Apostolorum, Rôma.
https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/mau-sac-phung-vu-trong-tuan-thanh-50559
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét