Lý lẽ bênh vực Chúa Kitô, chương tám: Bằng chứng tâm lý
Vũ Văn An
Chương tám: Bằng chứng tâm lý
Chúa Giêsu có điên không khi khẳng định mình là Con Thiên Chúa?
“Khi một nhà tâm lý hay phân tâm học làm chứng, ông ta nên đội chiếc mũ hình nón không cao hơn 2 bộ Anh. Bề mặt chiếc mũ sẽ in hình các ngôi sao và sấm sét. Thêm vào đó, ông ta nên được yêu cầu mang râu trắng không dài hơn 18 inches và nhấn mạnh các yếu tố chủ yếu trong chứng từ của mình bằng cách đánh không khí với chiếc gậy thần của mình. Bất cứ khi nào một nhà tâm lý hay phân tâm học cung cấp chứng từ, nhân viên chấp hành (bailiff) nên cùng một lúc để đèn tòa án mờ mờ và đánh hai hồi trống Trung quốc”.
Khi gợi ý tu chính án trên cho luật lệ tiểu bang vào năm 1997, Thượng nghị sĩ Tiểu bang New Mexico, Duncan Scott, chắc chắn tỏ thái độ của ông đối với các chuyên gia sẵn sàng làm chứng rằng các bị cáo là những người điên và do đó, về phương diện pháp luật, không chịu trách nhiệm về các tội ác của họ. Dường như thái độ khuyển nho của Scott được đa số đồng nghiệp của ông tán thành, họ bỏ phiếu chấp thuận đề nghị đùa cợt ấy! Trận đùa này tiến xa đến nỗi Hạ Viện cuối cùng phải bỏ phiếu ngăn nó trở thành luật (1).
Quả thực, có cả một luồng hoài nghi ngầm tại các tòa án đối với các nhà tâm lý và phân tâm học ra tòa làm chứng liên quan tới tình trạng tâm thần của các bị cáo, khả năng của họ trong việc hợp tác với các luật sư để chuẩn việc biện hộ cho họ, và liệu họ có điên loạn về phương diện luât lệ vào lúc họ phạm tội ác hay không. Dù thế, phần lớn luật sư thừa nhận rằng các nhà chuyên nghiệp về sức khỏe tâm thần cung cấp nhiều tầm nhìn thông sáng cho hệ thống công lý hình sự.
Tôi nhớ một vụ án trong đó một bà vợ có tác phong dịu dàng bị tố cáo giết chồng. Thoạt nhìn, bà ta không khác chi một bà mẹ của bất cứ ai khác, ăn vận đàng hoàng, dễ coi, tử tế, trông như thể bà vừa xuất hiện từ một cuộc nướng mẻ bánh qui xôcôla thơm ngon cho mấy đứa nhỏ của khu xóm. Tôi hết sức ngỡ ngàng khi một nhà tâm lý học làm chứng về phương diện tâm thần, bà không có khả năng chịu đựng một phiên xử.
Rồi luật sư của bà mời bà lên ghế nhân chứng. Thoạt đầu, chứng từ của bà rõ ràng, hợp lý, và minh bạch. Tuy nhiên, dần dần, nó trở thành kỳ dị khi bà mô tả, một cách bình thản và hết sức nghiêm nghị rằng bà liên tiếp bị tấn công bởi các cá nhân thời danh, trong đó có Dwight Eisenhower và cả hồn ma Napoléon. Khi bà kết thúc, không ai trong toà án hoài nghi bà hoàn toàn mất liên hệ với thực tại. Quan tòa phải gửi bà vào một viện tâm thần cho tới khi bà đủ lành mạnh để có thể đương đầu với các tố cáo chống lại bà.
Vẻ bề ngoài có thể lừa dối ta. Công việc của nhà tâm lý học là nhìn bên dưới mã bên ngoài của bị cáo và rút ra các kết luận liên quan tới tình trạng tâm thần của họ. Đó là khoa học không chính xác, nghĩa là sai lầm và thậm chí lạm dụng có thể xẩy ra, nhưng chứng từ tâm lý học nói chung cung cấp nhiều an toàn quan trọng cho các bị cáo.
Điều ấy liên quan gì tới Chúa Giêsu? Trong chương trước Tiến sĩ Ben Witherington III đã cung cấp bằng chứng đầy thuyết phục rằng các tư liệu sớm sủa nhất về Chúa Giêsu chứng tỏ Người quả có khẳng định rằng Người là Thiên Chúa nhập thể. Điều ấy tất nhiên nêu lên vấn đề liệu Chúa Giêsu có điên hay không khi đưa ra các khẳng định như thế.
Để tìm được một lượng định chuyên môn về tình trạng tâm thần của Chúa Giêsu, tôi đã lái xe tới tòa nhà văn phòng ở ngoại ô Chicago để lấy chứng từ của một trong các thế giá hàng đầu của cả nước về các vấn đề tâm lý.
Cuộc phỏng vấn thứ bẩy: Gary R. Collins, Ph.D.
Với bằng thạc sĩ Tâm lý học của Đại Học Toronto và bằng tiến sĩ Tâm lý học lâm sàng của Đại Học Purdue, Collins từng nghiên cứu, giảng dạy và viết về tác phong con người 30 năm nay. Ông đã là giáo sư tâm lý học tại Trường Thần học Tin Lành Ba Ngôi trong hai thập niên, phần lớn thời gian này, là người chủ tọa phân khoa tâm lý học của trường.
Được phú bẩm một năng lực và hăng say vô bờ, Collins là một người viết rất nhiều. Ông viết gần 150 bài cho các tạp chí và báo định kỳ khác và hiện là chủ bút của tờ Christian Counseling Today và là chủ biên đóng góp của tờ Journal of Psychology and Theology.
Ông cũng đã xuất bản 45 cuốn sách về các chủ đề có liên hệ tới tâm lý học, trong đó có cuốn The Magnificent Mind[Tâm trí Tuyệt vời]; Family Shock {Gia đình Ngỡ ngàng]; Can You Trust Psychlogy? [Bạn Có thể Tin tưởng Tâm lý học hay không?) ; và cuốn giáo khoa cổ điển Christian Couseling: A Comprehensive Guide [Huấn đạo Kitô giáo: Sách Hướng dẫn Toàn diện]. Thêm vào đó, ông còn là tổng biên tập tuyển tập 30 cuốn tựa là Resources for Christian Counseling [Nguồn Tài liệu của Khoa Huấn đạo Kitô giáo], một loạt sách dành cho các nhà chuyên nghiệp về sức khỏe tâm thần.
Tôi thấy Collins trong văn phòng sáng sủa và thoáng khí tại Hiệp hội Hoa kỳ các Huấn đạo viên Kitô giáo, một hội với 15 ngàn hội viên mà ông là chủ tịch. Với mái tóc muối tiêu gọng kính viền bạc, ông trông bảnh bao trong chiếc áo len mầu nâu sẫm cổ cao, áo khoác thể thao may bằng vải chéo chữ chi, và chiếc quần mầu xám (nhưng xin lỗi, không có chiếc mũ nhọn hay bộ râu trắng dài thoòng).
Tôi khởi đầu cuộc phỏng vấn bằng cách chỉ ra ngoài cửa sổ, nơi tuyết đang nhẹ nhàng rơi xuống những hàng cây xanh. Tôi nói, “Mấy dặm về hướng ấy là viện tâm thần của tiểu bang. Nếu chúng ta tới đó, tôi chắc chắn mình sẽ tìm được một ai đó khẳng định họ là Thiên Chúa. Chúng ta nói họ điên. Chúa Giêsu từng nói Người là Thiên Chúa, phải chăng cả Người cũng điên sao?”
Collins tắc lưỡi nói, “Nếu ông muốn một câu trả lời ngắn gọn, thì không”.
Nhưng, tôi nhấn mạnh đây là một chủ đề chính đáng xứng đáng được phân tích xa hơn. Các chuyên gia nói rằng những người mắc chứng ảo giác tâm thần phần lớn tỏ ra hữu lý thế nhưng có thể có những niềm tin thổi phồng mình là các cá nhân tuyệt vời. Một số thậm chí còn có thể thu hút được nhiều môn đệ thực sự tin họ là thiên tài. Tôi gợi ý, điều này rất có thể đã xẩy ra với Chúa Giêsu.
Collins trả lời trong khi cài tay phía sau cổ, “Vâng, đúng là những người gặp khó khăn tâm lý thường cho họ là những người mà họ không hề là. Đôi lúc, họ cho họ là chính Chúa Giêsu hay là Tổng thống Hoa Kỳ hay một ai khác nổi tiếng, như Lee Strobel”, ông nói đùa.
Ông nói tiếp, “Tuy nhiên, các tâm lý gia không chỉ lưu ý điều người ấy nói. Họ đi sâu hơn thế. Họ quan sát súc cảm của người này vì các cá nhân bị nhiễu loạn thường bảy tỏ một sự trầm cảm không thích đáng, lúc thì họ có thể hết sức giận dữ lúc thì có lẽ lại rất âu lo xao xuyến. Nhưng ông hãy nhìn lên Chúa Giêsu: Người không bao giờ biểu lộ một xúc cảm không thích đáng. Chẳng hạn, Người khóc thương cái chết của bạn Người là Ladarô, điều ấy tự nhiên đối với một cá nhân lành mạnh về xúc cảm”.
Tôi khẳng định, “chắc chắn thỉnh thoảng Người có giận dữ”.
“Đúng, Người có giận dữ nhưng đó là loại giận dữ lành mạnh trước những người lạm dụng người bị chà đạp bằng cách hốt tiền bất chính ở đền thờ. Người không chỉ nổi khùng vô lý vì một ai đó làm Người khó chịu; đây là phản ứng chính đáng chống bất công và xử tệ rành rành với người khác.
Ông nói thêm, “những người bị ảo tưởng khác có những tri nhận lầm lẫn. Họ nghĩ người ta rình mò họ hay mưu toan bắt họ trong khi không có ai đang mưu toan như thế. Họ mất tiếp xúc với thực tại. Họ tri nhận làm lẫn hành động của người khác và tố cáo những người này các hành động họ không hề có ý định thực hiện. Một lần nữa, ta không thấy điều này nơi Chúa Giêsu. Hiển nhiên, Người luôn tiếp xúc với thực tại. Người không mắc chứng hoang tưởng mặc dù Người hiểu đúng đắn rằng có nhiều nguy hiểm thực sự ở xung quanh Người.
“Hay những người với các khó khăn tâm lý có thể có những bất ổn trong suy nghĩ, họ không thể đàm luận một cách hợp luận lý, họ nhẩy tới các kết luận lầm lẫn, họ vô lý. Chúng ta không thấy điều này nơi Chúa Giêsu.Người nói rõ ràng, mạnh mẽ, và hùng biện. Người sáng chói và có những tầm nhìn thấu suốt vào bản chất con người, tuyệt đối đáng khâm phục.
“Một dấu hiệu khác của bất ổn tâm thần là tác phong không thích đáng, như ăn vận kỳ cục hay không thể liên hệ về phương diện xã hội với người khác. Tác phong của Chúa Giêsu hoàn toàn phù hợp với điều người ta chờ mong, và Người có nhiều mối liên hệ sâu sắc và lâu bền với rất nhiều loại người thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội”.
Ông dừng lại một chút, mặc dù tôi cảm thấy ông chưa nói hết. Tôi thúc giục ông nói tiếp bằng cách nêu câu hỏi, “Ông nhận xét gì khác về Người?”
Collins nhìn chăm chăm cảnh tuyết trắng xóa yên bình ngoài cửa sổ. Khi ông tiếp tục nói, dường như ông nhắc nhớ về một người bạn cũ.
“Người rất yêu thương nhưng không để lòng cảm thương của Người làm Người bất động; Người không có một bản ngã vênh váo, mặc dù Người thường được các đám đông tôn thờ Người bao quanh; Người giữ được sự quân bình bất chấp lối sống thường đòi hỏi khắt khe; Người luôn biết điều Người đang làm và Người đi đâu; Người quan tâm sâu xa tới mọi người, kể cả phụ nữ và trẻ em, những người thời ấy ít được coi trọng; Người có khả năng chấp nhận người ta trong khi không nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi của họ; Người đáp ứng các cá nhân dựa trên việc họ đang ở đâu và họ cần những gì”.
Tôi hỏi, “Vậy, thưa tiến sĩ, chẩn đoán của ông ra sao?”
Ông kết luận với một nụ cười, “Nói tóm lại, một cách đơn giản tôi không thấy dấu hiệu nào cho thấy Chúa Giêsu mắc bất cứ chứng tâm thần nào hiện ta biết. Người lành mạnh hơn bất cứ ai tôi biết, kể cả tôi!”
“Điên sảng”
Cứ công nhận như thế đi, khi ta nhìn lại khắp lịch sử, ta không thấy bất cứ dấu hiệu hoang tưởng hiển nhiên nào nơi Chúa Giêsu. Nhưng những người trực tiếp tương tác với Người thì sao? Họ thấy gì từ vọng nhìn gần gũi hơn hẳn của họ?
Tôi nhấn mạnh với Collins, “Một số người ở hiện trường trong thế kỷ thứ nhất đã mạnh mẽ bất đồng với ông. Họ quả kết luận rằng Chúa Giêsu điên. Gioan 10:20 cho chúng ta hay nhiều người Do Thái nghĩ Người ‘bị qủy ám và điên sảng’. Quả là những lời mạnh mẽ!”
Collins phản cung, “Đúng, nhưng đó khó là chẩn đoán của một nhà chuyên nghiệp được huấn luyện về sức khỏe tâm thần. Ông hãy xét xem điều gì khiến người ta phát ra những lời đó: giáo huấn cảm động và sâu sắc của Chúa Giêsu về việc Người là Mục Tử Nhân Lành. Họ phản ứng vì lời quả quyết của Người về Người vượt quá cái hiểu của họ về điều thông thường, chứ đâu phải vì Người thực sự mất quân bình về tâm thần.
“Và ông nên lưu ý: các nhận định của họ lập tức bị người khác thách thức; những người này nói ở câu 21, “Người bị quỷ ám đâu có nói được như vậy ! Quỷ có thể mở mắt cho người mù được sao?”
Tôi hỏi, “tại sao điều đó lại quan trọng?”
“Vì Chúa Giêsu đâu có đưa ra các khẳng định thái quá về chính Người. Người bênh đỡ chúng bằng các hành vi lạ lùng đầy cảm thương, như chữa người mù.
“Ông thấy đấy, nếu tôi cho rằng tôi là tổng thống Hoa Kỳ, đó mới là điên sảng. Ông nhìn vào tôi và thấy đâu có những biểu hiện bề ngoài của chức vụ tổng thống. Tôi đâu có trông giống như một tổng thống. Người ta đếu có chấp nhận thẩm quyền của tôi như một tổng thống. Không một an ninh chìm nào bảo vệ tôi. Nhưng nếu một tổng thống đích thực cho rằng mình là tổng thống, thì việc này đâu có gì là điên sảng, bời vì ông thực sự là tổng thống và có rất nhiều bằng chứng xác nhận việc này.
“Một cách tương tự như thế, Chúa Giêsu không chỉ khẳng định Người là Thiên Chúa, Người bênh đỡ nó bằng các vụ chữa lành lạ lùng, bằng các chứng minh đầy ngạc nhiên về quyền lực trên thiên nhiên, bằng các giáo huấn siêu việt và vô tiền khoáng hậu, bằng những tầm nhìn thấu suốt đầy nét thần linh về con người, và cuối cùng bằng việc chính Người sống lại từ cõi chết, điều mà tuyệt đối không có ai khác có khả năng bắt chước. Như thế, khi Chúa Giêsu cho mình là Thiên Chúa, đó không phải là điên sảng. Đó là sự thật”.
Tuy nhiên, việc Collins nại đến các phép lạ của Chúa Giêsu đã mở cửa cho những phản bác khác. Tôi vừa nói vừa rút ra một cuốn sách từ chiếc cặp của tôi, “một số người đã bắn hạ các phép lạ vốn giả thiết có thể giúp chứng thực cho việc Chúa Giêsu coi mình là Con Thiên Chúa”. Tôi đọc cho ông nghe lời lẽ của kẻ hoài nghi là Charles Templeton.
“Nhiều chứng bệnh, thời ấy cũng như thời nay, chỉ là bệnh căng thẳng thần kinh, và có thể ‘chữa được’ khi tri nhận của nạn nhân thay đổi. Cũng như ngày nay, thuốc trấn an (placebo) do một y sĩ được bệnh nhân tín nhiệm kê đơn có thể mang lại hiệu quả khỏi bệnh biểu kiến, như thế, thời xưa, niềm tin vào người chữa bệnh có thể diệt trừ các triệu chứng có hại. Với mỗi thành công, danh tiếng của người chữa lên cao và do đó, quyền năng của họ càng trở nên hữu hiệu hơn”(2).
Tôi hỏi, “Liệu điều này có bác bỏ các phép lạ vốn giả thiết nâng đỡ các khẳng định của Chúa Giêsu rằng Người là Con Thiên Chúa không?”
Phản ứng của Collins làm tôi ngạc nhiên, ông trả lời, “Tôi sẽ không hoàn toàn bất đồng với những gì Templeton viết”.
“Ông không bất đồng sao?”
“Thực sự không. Có lẽ đôi khi Chúa Giêsu chữa bệnh do gợi ý chăng? Tôi không có vấn đề gì với điều này. Đôi khi người ta có những căn bệnh do tâm lý, và nếu họ có được một mục tiêu mới để sống, một hướng đi mới, thì họ không cần đến thứ bệnh ấy nữa.
“Còn hiệu quả của thuốc trấn an? Nếu ông nghĩ ông sẽ khá hơn, đôi khi ông khá hơn thật. Đây là một sự kiện y khoa lâu đời. Và khi người ta đến với Chúa Giêsu, họ tin Người sẽ chữa lành họ, và Người chữa lành họ thật. Nhưng sự kiện vẫn y nguyên: bất kể Người thực hiện cách nào, nhưng Người quả chữa lành họ.
Ông vội nói thêm, “Dĩ nhiên, điều ấy không giải thích mọi vụ chữa bệnh của Chúa Giêsu. Đôi khi một vụ chữa lành chứng tâm lý căng thẳng đã diễn ra; các vụ chữa bệnh của Chúa Giêsu không tự phát. Nhiều lần mấy ngày sau, người được chữa lành về tâm lý lại có các triệu chứng như cũ, nhưng chúng ta không có bằng chứng nào về việc này. Và Chúa Giêsu chữa các tình trạng như bệnh mù suốt đời và phong cùi, đối với các tình trạng này, lối giải thích thần kinh căng thẳng khó có thể áp dụng.
“Trên hết, Người làm cho người ta sống lại từ cõi chết, sự chết không thể là tình trạng do tâm lý gây ra! Ngoài ra ông còn thấy những phép lạ trên thiên nhiên của Người nữa: dẹp yên sóng biển, biến nước thành rượu. Chúng thách thức cách giải thích duy tự nhiên”.
À... có thể. Tuy nhiên, việc Collins nhắc đến phép lạ biến nước thành rượu đem tới một lối giải thích có thể có đối với việc làm lạ lùng của Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu người thôi miên
Các bạn đã có bao giờ thấy một người thôi miên trình diễn chưa, họ đưa nước cho một người nào họ đã thôi miên và nói với người này là họ đang uống rượu? Người bị thôi miên chép môi, choáng váng, bắt đầu thấy say, y hệt như thể họ đã nốc thứ rượu Bordeaux rẻ tiền vậy.
Tác giả người Anh Ian Wilson từng nêu câu hỏi có phải đó cũng là cách Chúa Giêsu thuyết phục các khách dự tiệc cưới ở Cana rằng Người đã biến các bình nước thành thứ uống lên men ngon nhất không.
Quả thât, Wilson thảo luận khả thể Chúa Giêsu có lẽ là một nhà thôi miên bậc thầy, một điều có thể giải thích các khía cạnh được cho là siêu nhiên về cuộc đời của Người. Chẳng hạn, thôi miên có thể giải thích các vụ trừ quỷ của Người; việc Người hiển dung, trong đó, ba môn đệ thấy mặt Người sáng láng và áo sống Người trắng như ánh sáng, và cả các vụ chữa bệnh của Người. Để làm bằng chứng, Wilson trưng dẫn điển hình hiện đại về cậu bé 6 tuổi có chứng bệnh nghiêm trọng về da đã được chữa khỏi nhờ các gợi ý của khoa thôi miên.
Có lẽ Ladarô không thực sự được làm cho sống lại từ cõi chết. Há ông đã không ở trong trạng thái hôn mê như chết do thôi miên tạo ra đó sao? Còn đối với sự phục sinh, Wilson suy đoán rằng Chúa Giêsu “có thể đã huấn luyện cho các môn đệ quen có ảo giác các lần Người hiện ra để đáp ứng một số ám hiệu đã sắp đặt sẵn (bẻ bánh?) cho một thời gian đã định trước sau cái chết của Người” (3).
Điều này thậm chí có thể giải thích cả việc nhắc nhở kỳ lạ trong các sách Tin Mừng về việc Chúa Giêsu không thể làm các phép lạ tại quê hương Nadarét của Người. Wilson viết:
“Chúa Giêsu thất bại chính tại nơi, trong tư cách một người thôi miên, chúng ta biết chắc Người sẽ thất bại, giữa những người biết rõ Người nhất, những người thấy Người lớn lên như một đứa trẻ bình thường. Chịu trách nhiệm phần lớn cho tỷ lệ thành công của bất cứ người thôi miên nào là sự kính sợ (awe) và mầu nhiệm quanh con người của họ, và các nhân tố chủ yếu này hoàn toàn thiếu tại thị trấn quê hương của Chúa Giêsu” (4).
Tôi nói với Collins, “Ông phải nhìn nhận rằng đây là lối khá đáng lưu ý nhằm cố gắng bác bỏ các phép lạ của Chúa Giêsu”.
Tôi thấy nét khó tin hiện rõ trên khuôn mặt ông. Ông la lên, “Gã này có nhiều niềm tin vào thôi miên hơn tôi! Dù đây là một lập luận khéo léo, nhưng nó không hề đứng vững việc phân tích. Nó đầy những lỗ hổng”.
Lần lượt từng điểm một, Collins bắt đầu kể chúng ra. “Thứ nhất, có vấn đề toàn bộ cả nhóm người bị thôi miên. Không phải mọi người đều bị như nhau.
“Những nhà thôi miên trình diễn thường nói nhỏ nhẹ với cử tọa và tìm xem những ai xem ra đáp ứng để chỉ chọn những người này làm tình nguyện viên, vì họ sẵn sàng để chịu thôi miên. Trong một nhóm lớn, nhiều người không chịu được. Khi Chúa Giêsu hóa bánh và cá, có năm ngàn nhân chứng. Làm sao Người thôi miên được họ hết thẩy?
“Thứ hai, thôi miên nói chung không thành công với những người hoài nghi. Vậy làm thế nào Chúa Giêsu thôi miên được người anh em của Người là Giacôbê, người vốn hoài nghi Người nhưng sau đó chứng kiến Người sống lại? Làm thế nào Người thôi miên Saolô thành Tácsô, thù địch Kitô giáo, người chưa bao giờ gặp gỡ Chúa Giêsu cho tới khi thấy Người sau khi Người đã phục sinh? Làm thế nào Người thôi miên được Tôma, người hoài nghi đến nỗi không tin sự phục sinh cho tới khi đút được ngón tay vào các vết đinh trên bàn tay của Người?
“Thứ ba, liên quan đến sự Phục sinh, thôi miên không giải thích được ngôi mồ trống”.
Tôi ngắt lời, gợi ý, “Tôi giả thiết ai đó có thể cho rằng các môn đệ bị thôi miên nên tưởng tượng ra ngôi mồ trống”.
Collins trả lời, “dù cho có thể như thế, Chúa Giêsu không thể thôi miên các người Pharisiêu và các nhà cầm quyền La Mã, và hẳn họ đã vui lòng đưa xác của Người ra nếu nó còn ở trong mộ. Sự kiện là họ không nói với chúng ta ngôi mộ thực sự trống rỗng.
“Thứ tư, ông hãy xem phép lạ biến nước thành rượu. Chúa Giêsu không bao giờ nói chuyện với khách dự tiệc cưới. Thậm chí Người không gợi ý với các gia nhân là nước đã biến thành rượu. Người chỉ nói với họ mang một ít nước tới người chủ tiệc. Ông ta là người nếm nó và nói đó là rượu, mà trước đó, không ai gợi ý với ông ta cả.
“Thứ năm, vụ chữa da được Wilson nói đến không phải tức thời, phải không?”
Tôi nói, thực sự, tờ British Medical Journal nói phải 5 ngày sau cuộc thôi miên da rắn, gọi là chứng vẩy cá (ichthyosis), mới rơi khỏi cánh tay của cậu bé, và thêm vài ngày nữa da cậu mới trở lại bình thường. Tỷ lệ thành công của thôi miên so với các phần khác của cơ thể cậu trong khoảng vài tuần lễ là từ 50 tới 90 phần trăm (5).
Collins nói, “Ông hãy so sánh điều đó với việc Chúa Giêsu chữa 10 người phong cùi trong Luca 17. Họ được tức khắc lành bệnh và lành bệnh 100 phần trăm. Điều này không thể giải thích được duy bởi thôi miên. Cả việc Người chữa lành một người bị bại tay trong Máccô 3 cũng không. Cho dù người ta có bị thôi miên mà tưởng rằng bàn tay ông ta được chữa lành thì sau đó họ cũng tìm ra sự thật. Thôi miên đâu có kéo dài bao nhiêu.
“Và cuối cùng, các sách Tin Mừng ghi lại đủ loại chi tiết về những điều Chúa Giêsu nói và làm, nhưng chưa bao giờ có lần nào các sách này mô tả Người nói hay làm bất cứ điều gì gợi ý Người đang thôi miên người ta. Tôi có thể tiếp tục nói mãi”.
Tôi cười và nói, “tôi nói với ông nó là một giải thích đáng lưu ý; tôi không nói nó thuyết phục! Thế nhưng sách vở đang viết để cổ vũ những loại ý nghĩ này”.
Collins trả lời, “Điều làm tôi ngạc nhiên là làm thế nào người ta bám vào bất cứ điều gì để bác bỏ các phép lạ của Chúa Giêsu”.
Chúa Giêsu người trừ qủy
Trước khi chúng tôi kết thúc cuộc phỏng vấn, tôi muốn bòn rút khả năng chuyên môn tâm lý học của Collins trong một lãnh vực nữa mà những người hoài nghi vốn thấy là gây bối rối.
Tôi nhận xét, “Chúa Giêsu là một người trừ qủy. Người nói với ma qủy và trục xuất chúng ra khỏi những người cho là bị qủy ám. Nhưng liệu có hữu lý không khi tin rằng thần xấu chịu trách nhiệm đối với một số thứ bệnh và tác phong kỳ lạ?
Collins không hề bối rối trước câu hỏi. Ông trả lời, “Do niềm tin thần học của tôi, tôi chấp nhận việc ma qủy hiện hữu. Chúng ta sống trong một xã hội trong đó, nhiều người tin có thiên thần. Họ biết có những sức mạnh thiêng liêng ở ngoài kia, và quả không khó để kết luận rằng một số sức mạnh ấy có ác tâm. Nơi ông thấy Thiên Chúa hành động, đôi khi những sức mạnh này còn hoạt mạnh hơn, và đó là điều đã xẩy ra vào thời Chúa Giêsu”.
Tôi để ý thấy Collins nhắc đến niềm tin thần học của ông chứ không phải kinh nghiệm lâm sàng của ông, nên hỏi, “như một tâm lý gia, có bao giờ ông thấy bằng chứng rõ ràng về việc bị qủy ám chưa?”
Ông nói, “Đích thân thì chưa, nhưng vì tôi chưa dành cả sự nghiệp của mình trong môi trường lâm sàng. Bạn bè của tôi trong công việc lâm sàng có nói rằng đôi khi họ đã nhìn thấy điều ấy, và đây không phải là những người có xu hướng đằng sau mọi vấn đề đều nhìn thấy một con quỷ. Họ có xu hướng hoài nghi. Nhà phân tâm học M. Scott Peck đã viết đôi chút về vấn đề này trong cuốn sách People of the Lie" (6).
Tôi đã vạch ra việc Ian Wilson, khi gợi ý rằng Chúa Giêsu có thể sử dụng thôi miên để chữa bệnh cho những người nằng nặc tin rằng họ bị qủy ám, đã bác bỏ cho rằng không có "cá nhân thực tế" nào giải thích tình trạng qủy ám " như việc làm của ma quỷ thực sự." (7)
Collins trả lời, "Ở một mức độ nào đó, ông quả tìm thấy những gì ông muốn tìm. Những người phủ nhận sự hiện hữu của siêu nhiên sẽ tìm ra một cách nào đó, cho dù có xa vời đến đâu, để giải thích một tình huống không phải của ma quỷ. Họ sẽ tiếp tục cho thuốc, tiếp tục cho người đó thuốc men, nhưng người đó không khá hơn. Có những trường hợp không đáp ứng với điều trị y tế hoặc điều trị tâm thần thông thường".
Tôi hỏi, “Có thể nào những cuộc trừ qủy của Chúa Giêsu thực sự là chữa bệnh tâm thần không?”
"Có, trong một số trường hợp, nhưng một lần nữa ông phải nhìn vào toàn bộ bối cảnh. Còn về người đàn ông bị quỷ ám và Chúa Giêsu sai quỷ vào bầy heo và bầy heo sa xuống vách đá thì sao? Chuyện gì đang xảy ra nếu đó là một tình huống tâm lý? Tôi nghĩ rằng Chúa Giêsu thực sự đã xua đuổi ma quỷ, và tôi nghĩ rằng một số người cũng làm điều đó ngày hôm nay. Đồng thời, chúng ta không nên quá vội vàng nhẩy tới một kết luận ma quỷ khi đối đầu với một vấn đề khó giải quyết. Như S. Lewis đã nói, có hai sai lầm bằng nhau và trái ngược nhau mà chúng ta có thể rơi vào liên quan đến ma quỷ: 'Một là không tin chúng hiện hữu. Hai là tin, nhưng cảm thấy quan tâm thái quá và không lành mạnh đến chúng. Bản thân họ cũng hài lòng như nhau với cả hai lầm lỗi.'" (8)
Tôi hỏi, "Gary, ông biết đấy, ý tưởng đó có thể tung bay với Hiệp hội Huấn đạo viên Kitô giáo Hoa Kỳ, nhưng liệu các nhà tâm lý học thế tục có coi việc tin vào ma quỷ là hợp lý không?"
Tôi nghĩ Collins có thể bị xúc phạm bởi câu hỏi, vốn nghe như có vẻ trịch thượng hơn tôi dự định, nhưng ông không hề bị xúc phạm.
Ông trầm ngâm, "Thật đáng lưu ý khi mọi sự đang thay đổi. Xã hội của chúng ta ngày nay bị cuốn hút vào 'tính tâm linh'. Đó là một thuật ngữ hầu như có thể có bất ý nghĩa nào, nhưng nó quả có nhận ra siêu nhiên. Những điều được các nhà tâm lý học thời nay tin quả đáng lưu ý. Một số say mê những điều thần bí phương Đông; một số nói về sức mạnh của các pháp sư trong việc ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người.
“Trong khi hai mươi lăm năm trước, gợi ý về hoạt động của ma quỷ sẽ bị bác bỏ ngay lập tức, nhiều nhà tâm lý học đang bắt đầu nhận ra rằng có thể có nhiều điều ở trên thiên đường và trái đất hơn những triết lý của chúng ta có thể giải thích."
"Trí Tưởng tượng Lố bịch!"
Collins và tôi đã hơi chệch hướng so với mục tiêu ban đầu cuộc phỏng vấn của chúng tôi. Khi tôi nghĩ về cuộc nói chuyện của chúng tôi trong khi lái xe về nhà, tôi trở lại với vấn đề trọng tâm đã đưa tôi đến với ông: Chúa Giêsu tuyên bố Người là Thiên Chúa. Không ai cho rằng Người cố tình lừa gạt. Và bây giờ, dựa trên 35 năm kinh nghiệm tâm lý, Collins kết luận rằng Người không bị khiếm khuyết tâm thần.
Tuy nhiên, điều đó đặt ra cho tôi một câu hỏi mới: Chúa Giêsu có hội đủ các thuộc tính của Thiên Chúa không? Dù sao, cho rằng mình có thiên tính là một chuyện; mà hiện thân những đặc điểm làm Thiên Chúa thành Thiên Chúa lại là một chuyện khác.
Tại một đèn dừng giao thông, tôi rút một cuốn sổ tay ra khỏi cặp và viết nguệch ngoạc một ghi chú cho chính mình. Tìm cho được D. A. Carson. Tôi biết rằng tôi muốn nói chuyện với một trong những nhà thần học hàng đầu của đất nước về vấn đề tiếp theo này. Trong khi chờ đợi, cuộc nói chuyện của tôi với Gary Collins đã thôi thúc tôi dành thời gian tối hôm đó để đọc lại cẩn thận các phát ngôn của Chúa Giêsu. Tôi có thể phát hiện không có dấu hiệu nào của chứng mất trí, ảo tưởng, hoặc hoang tưởng. Trái lại, một lần nữa, tôi xúc động trước trí tuệ sâu sắc của Người, những hiểu biết kỳ lạ của Người, tài hùng biện đầy thi ca của Người, và lòng cảm thương sâu sắc của Người. Nhà sử học Philip Schaff nói điều đó tốt hơn tôi.
“Liệu trí hiểu trong như tầng trời, cường tráng như không khí miền núi, sắc bén và xuyên thấu như một thanh kiếm, hoàn toàn lành mạnh và mạnh mẽ, luôn sẵn sàng và luôn tự chủ- phải chịu trách nhiệm về một ảo tưởng triệt để và nghiêm trọng nhất liên quan đến chính tính cách của mình và sứ mệnh không? Trí tưởng tượng lố bịch!” (9)
Tài liệu Đọc thêm
Collins, Gary R. Can You Trust Psychology? [Bạn có thể tin tưởng Tâm lý học hay không?]Downers Grove, Ill.: InterVarsity Press, 1988.
Collins, Gary R. Christian Counseling: A Comprehensive Guide[Huấn đạo Kitô giáo: Hướng dẫn Toàn diện]. Waco, Tex.: Word, 1988.
Collins, Gary R. The Soul Search [Tìm Linh hồn]. Nashville: Nelson, 1998.
Lewis, C. S. The Screwtape Letters[Các Thư Gây rối]. London: Collins-Fontana, 1942
Ghi chú
1. Leland H. Gregory 111, "Top Ten Government Bloopers,"[Mười lâm lỗi gây bối rối hàng đầu của chính phủ] George (November 1997), 78.
2. Charles Templeton, Farewell to God [Giã từ Thiên Chúa],(Toronto: McClelland & Stewart, 1996),112.
3. Wilson, Jesus: The Evidence [Chúa Giêsu: Bằng chứng], 141.
4. Ibid., 109
5. "A Case of Congenital Ichthyosiform Erythrodermia of Brocq Treated by Hypnosis," [Vụ Bệnh vẩy cá bẩm sinh làm da đỏ của Brocq được thôi miên chữa lành] British Medical Journal 2 (1952), 996, trích dẫn trong Wilson, Jesus: The Evidence, 103.
6. M. Scott Peck, People of the Lie [Dân nói láo](New York: Touchstone, 1997).
7. Wilson, Jesus: The Evidence, 107.
8. C. S. Lewis, The Screwtape Letters (London: Collins-Fontana, 1942), 9.
9. Philip Schaff, The Person of Christ [Con người của Chúa Giêsu](New York: American Tract Society, 1918),97, trích dẫn McDowell, Evidence That Demands a Verdict[Bằng chứng đòi phán quyết], 107.
Vietcatholic News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét