Lý lẽ bênh vực Chúa Kitô, chương bốn
Vu Van An
Chương bốn: Chứng thực Các Bằng chứng
Có các bằng chứng đáng tin cậy cho Chúa Giêsu bên ngoài các cuốn tiểu sử về Người hay không?
Harry Alemen quay lại, dí ngón tay của hắn vào tôi. Hắn lắp bắp, nặn ra từng chữ khinh thị. “Mày, tại sao mày cứ mãi viết những điều đó về tao?” Rồi hắn lẹ làng quay gót, khuất dạng phía dưới cầu thang, tránh các phóng viên đang theo đuổi hắn khắp tòa án.
Quả thực khó có phóng viên tội ác nào ở Chicago trong thập niên 1970 mà lại không viết về Harry Aleman. Dù gì, hắn cũng là tên giết mướn khét tiếng của tập đoàn tội ác. Và, một cách ngang ngạnh, người Chicago lại thích đọc về những tên đánh thuê chém mướn này.
Các công tố viên hết sức muốn bỏ tù tên Aleman này vì một trong cuộc hành quyết lạnh lùng họ hoài nghi hắn đã thực hiện nhân danh các ông chủ của tập đoàn hắn. Dĩ nhiên, vấn đề là sự khó khăn tìm được bất cứ ai chịu làm chứng chống lại tên tội phạm khét tiếng cỡ Aleman.
Rồi thế bí cũng đã được vượt qua. Một trong các đàn em cũ của Aleman, Louis Almeida, bị bắt trên đường đi giết viên chức lao động ở Pensylvania. Bị kết tội mang vũ khí và bị kêu án 10 năm tù, Almeida đồng ý làm chứng chống lại Aleman trong vụ chưa được giải quyết là hạ sát một nhân viên bán hàng của Teamsters Union ở Chicago, nếu các công tố viên đồng ý giảm khinh cho Almeida.
Điều trên có nghĩa Almeida có động lực để hợp tác, một điều chắc chắn sẽ làm hoen ố tính đáng tin cậy của hắn đến một mức nào đó. Các công tố viên nhận biết rằng họ cần làm tăng chứng từ của hắn để bảo đảm có được một vụ kết án, nên họ đi tìm một ai đó sẵn lòng chứng thực trình thuật của Almeida.
Từ điển Webster định nghĩa động từ chứng thực (corroborate) thế này: “làm cho chắc chắn thêm; xác nhận” (1). Bằng chứng chứng thực nâng đỡ một chứng từ khác; nó khẳng định hay nâng đỡ các yếu tố chủ yếu trong trình thuật của nhân chứng tận mắt. Nó có thể là hồ sơ công cộng, một hình chụp, hay một chứng từ bổ xung từ một người thứ hai hay thứ ba. Nó có thể chứng thực cho toàn bộ chứng từ của một người, hay chỉ là các phần chủ chốt của nó.
Thật vậy, bằng chứng chứng thực hành động như những dây chống đỡ giúp giữ cho các dây ăngten cao được thẳng và không lung lay. Bằng chứng càng được chứng thực, thì lý lẽ công tố càng mạnh và bảo đảm hơn.
Nhưng các công tố viên tìm đâu ra việc chứng thực lời khai của Almeida? Nó phát xuất từ một nguồn thật bất ngờ: một công dân thầm lặng, tuân thủ luật pháp, tên Bobby Lowe, nói với các viên điều tra rằng ông ta đang cho chó đi đại tiện thì thấy Aleman giết nhân viên công đoàn. Bất chấp việc khét tiếng lạnh xương sống của Aleman, Lowe đồng ý hỗ trợ câu truyện của Almeida bằng cách làm chứng chống tên đâm thuê chém mướn.
Sức mạnh của việc chứng thực
Trong phiên xử Aleman, Lowe và Almeida thôi miên bồi thẩm đoàn bằng câu truyện của họ. Trình thuật lái chiếc xe trốn chạy của Almeida ăn khớp với mô tả trung thực của Lowe nhìn thấy Aldeman sát hại nạn nhân của hắn tại một vỉa hè một con phố công cộng vào tối ngày 27 tháng 9 năm 1972.
Các công tố viên nghĩ họ đã kết hợp được một lý lẽ vững chắc chống lại tên đâm thuê chém mướn đáng sợ, thế nhưng suốt trong phiên xử, họ cảm thấy một điều gì đó không ổn. Sự hoài nghi của họ trước nhất xuất hiện khi Aleman quyết định không muốn một phiên xử có bồi thẩm đoàn, thay vào đó, hắn muốn một phiên sử chỉ có quan tòa mà thôi.
Kết cục phiên toà, sự hoài nghi của các công tố viên trở nên cực kỳ tệ hại: bất chấp chứng từ hết sức thuyết phục của Lowe và Almeida, quan tòa tuyên bố Aleman vô tội và để hắn được tự do.
Điều gì đã xẩy ra? Nên nhớ, điều trên xẩy ra tại Quận Cook, nơi tham nhũng thường lẩn khuất đâu đó. Mấy năm sau, có tiết lộ cho thấy quan tòa đã lãnh cả hàng chục ngàn dollars để tha bổng tên đâm thuê chém mướn. Khi một chỉ điểm viên của FBI tiết lộ vụ hối lộ, vị quan tòa lúc ấy nghỉ hưu đã tự tử, và các công tố viên đã mở lại án sát nhân chống lại Aleman.
Đến lúc vụ xử thứ hai được tổ chức, luật lệ đã thay đổi giúp các công tố viên có thể yêu cầu để một bồi thẩm đoàn nghe lý lẽ. Và đó là điều họ đã làm, và cuối cùng, đúng 25 năm tròn sau vụ giết người, Aleman bị lên án là có tội và bị kêu án từ 100 tới 300 năm tù (2).
Bất chấp các trì hoãn, truyện dài Aleman cho thấy bằng chứng chứng thực quan trọng như thế nào. Và điều này cũng đúng khi xử lý các vấn đề lịch sử. Qua chứng từ của Tiến sĩ Craig Blomberg, chúng ta đã được nghe: trong các sách Tin Mừng, có bằng chứng tuyệt vời của nhân chứng tận mắt về cuộc đời, giáo huấn, cái chết, và việc phục sinh của Chúa Giêsu. Nhưng liệu có bất cứ bằng chứng nào khác chứng thực điều đó hay không? Liệu có các trước tác ngoài các sách Tin Mừng quả quyết hay yểm trợ bất cứ điều chủ yếu nào về Chúa Giêsu và Kitô Giáo sơ khai không?
Nói cách khác, liệu có bất cứ tài liệu bổ sung nào khác có thể giúp niêm ấn cho lý lẽ bênh vực Chúa Kitô, như chứng từ của Bobby Lowe đã niêm ấn cho lý lẽ chống lại Harry Aleman không? Theo chứng nhân kế tiếp của chúng ta, câu trả lời là có, và số lượng cũng như phẩm chất của bằng chứng này sẽ làm chúng ta hết sức ngạc nhiên.
Cuộc phỏng vấn thứ ba: Edwin M. Yamauchi, Ph.D.
Khi tôi bước vào tòa nhà gạch uy nghi có chứa văn phòng của Edwin Yamauchi tại Đại Học Miami thuộc vùng Oxford đầy ấn tượng của Ohio, tôi bước dưới một chiếc vòng cung bằng đá, trên đó có hàng chữ “Ngươi nên biết sự thật và sự thật sẽ giải phóng ngươi”. Là một trong các chuyên viên hàng đầu của cả nước về lịch sử cổ thời, Yamauchi đã theo đuổi việc tìm kiếm sự thật lịch sử gần cả đời ông.
Sinh tại Hawai năm 1937, con một gia đình di dân từ Okinawa, Yamauchi bắt đầu từ một khởi đầu khiêm tốn. Cha ông qua đời trước khi Nhật tấn công Trân Châu Cảng, để lại mẹ ông một mình kiếm kế sinh nhai cho gia đình trong tư cách ở thuê cho các gia đình giầu có. Dù chính mình thất học, bà đã khuyến khích con trai đọc và nghiên cứu, cho ông những cuốn sách có tranh ảnh tuyệt đẹp in đậm vào ông lòng yêu mến học hành suốt đời.
Chắc chắn các thành tựu học thuật của ông hết sức gây ấn tượng. Sau khi lấy bằng cử nhân về tiếng Do Thái và Văn hóa Hy Lạp, Yamauchi nhận bằng thạc sĩ và tiến sĩ về Địa Trung Hải Học từ Đại Học Brandeis.
Ông được cấp 8 học bổng nghiên cứu sinh, từ Hội Đồng Nghiên cứu Rutgers, Qũy Quốc gia Hiến tặng Các Ngành Nhân văn, Hội Triết học Hoa kỳ và nhiều định chế khác. Ông học 22 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Ả Rập, Trung Hoa, Ai Cập, Nga, Syria, Ugaritic [của người Êmôri xưa] và cả Commanche [của người Da đỏ].
Ông trình bầy 71 khảo luận trước các hội bác học; thỉnh giảng tại hơn một trăm chủng viện, Đại Học và cao đẳng, trong đó có Yale, Princeton và Cornell; giữ chức chủ tọa và rồi chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh thánh và chủ tịch Hội nghị về Đức tin và Lịch sử; và đã công bố 80 bài báo trên 37 tạp chí bác học.
Năm 1968, ông tham dự các cuộc khai quật đầu tiên đền thờ Hêrốt ở Giêsuralem, cho thấy bằng chứng đền thờ bị phá hủy vào năm 70 CN. Khảo cổ cũng là chủ đề của một vài cuốn sách của ông, trong đó có các cuốn The Stones and the Scriptures [Những Phiến đá và Sách Thánh]; The Scriptures and Archaeology[Sách Thánh và Khảo Cổ Học]; và The World of the First Christians [Thế giới của Các Kitô hữu Tiên khởi].
Dù sinh ra trong một bối cảnh Phật Giáo, Yamauchi đã theo chân Chúa Giêsu từ năm 1952, năm tôi sinh ra. Tôi đặc biệt tò mò muốn biết liệu cam kết lâu đời với Chúa Kitô có lên mầu sắc cho việc ông lượng giá bằng chứng lịch sử hay không. Nói cách khác, ông có cẩn trọng bám lấy sự kiện hay bị cám dỗ rút các kết luận vượt quá các bằng chứng chắc chắn?
Tôi thấy Yamauchi có cách cư xử hiền hòa và không tự phụ. Mặc dù nói chung ăn nói nhỏ nhẹ, ông tập chú rất cao độ. Ông cung cấp những câu trả lời thấu đáo và chi tiết cho các câu hỏi, thường ngưng bổ xung câu trả lời bằng miệng bằng cách cung cấp bản sao các bài báo bác học ông từng viết trước đó. Một học giả tốt biết bạn không bao giờ có quá nhiều dữ kiện.
Bên trong văn phòng đầy sách của ông, giữa một khuôn viên Đại Học nhiều cây cối rực sáng với đủ mầu mùa thu, chúng tôi ngồi nói về đề tài vẫn còn làm mắt ông sáng lên, cả sau rất nhiều năm nghiên cứu và giảng dậy.
Khẳng định các sách Tin Mừng
Vì cuộc phỏng vấn của tôi với Blomberg, tôi không muốn gợi ý chúng tôi cần đi quá các sách Tin Mừng để tìm bằng chứng về Chúa Giêsu. Nên tôi bắt đầu hỏi Yamauci câu hỏi này, “là một sử gia, ông có thể cho tôi một lượng giá của ông về tính đáng tin lịch sử của chính các sách Tin Mừng không?”
Ông trả lời, “Nói một cách tổng thể, các sách Tin Mừng là các nguồn tuyệt vời. Thực vậy, chúng là những nguồn đáng tin cậy, đầy đủ và đáng dựa vào nhất. Những cuốn bổ xung thực sự không thêm được nhiều thông tin chi tiết; tuy nhiên, chúng vẫn có giá trị như các bằng chứng chứng thực".
Tôi nói, “Vâng, đó chính là điều tôi muốn thảo luận, bằng chứng chứng thực. Chúng ta hãy trung thực: một số người chế giễu không biết có bao nhiêu bằng chứng chứng thực ở đó. Thí dụ, năm 1979, Charles Templeton viết cuốn tiểu thuyết Act of God [Hành vi của Thiên Chúa], trong đó, nhà khảo cổ học hư cấu đưa ra một tuyên bố phản ảnh niềm tin của khá nhiều người”.
Tôi lôi cuốn sách ra và đọc đoạn có liên quan:
“Giáo Hội Kitô Giáo dựa các chủ trương của mình phần lớn trên các giáo huấn của một thanh niên Do Thái không có tiếng tăm nhưng lại có các cao vọng thiên sai, người, ta nên thẳng thắn ở đây, không gây được mấy ấn tượng lúc sinh thời. Không có lấy một lời nào trong lịch sử thế tục nói về ông ta. Không một lời nào cả. Người Rôma không nhắc đến ông ta. Josephus cũng không nhắc nhiều đến ông ta” (3).
Tôi nhấn mạnh, “Như thế, điều đó nghe như không có mấy việc chứng thực cuộc đời Chúa Giêsu ở bên ngoài Kinh thánh”.
Yamauchi mỉm cười và lắc đầu, trả lời với một giọng bác bỏ, “Nhà khảo cổ của Templeton đơn giản chỉ là sai lầm, vì chúng ta có những lời rất, rất quan trọng nhắc đến Chúa Giêsu trong Josephus và Tacitus.
“Chính các sách Tin Mừng cũng nói rằng nhiều người nghe Người, ngay cả các thành viên của gia đình Người, không tin Chúa Giêsu lúc sinh thời của Người, ấy thế nhưng Người đã gây ấn tượng mạnh mẽ đến nỗi ngày nay, Chúa Giêsu được mọi nơi nhớ đến, trong khi Hêrốt đại vương, Phôngxiô Philatô và nhiều nhà cai trị cổ thời không được biết đến một cách rộng rãi như thế. Cho nên, chắc chắn, Người đã gây ấn tượng mạnh nơi những ai tin tưởng nơi Người.
Ông ngừng lại rồi nói tiếp, “dĩ nhiên, Người không ở nơi những người không tin Người”.
Chứng từ của một kẻ phản bội
Templeton và Yamauchi đều nhắc đến Josephus, một sử gia thế kỷ thứ nhất, rất nổi tiếng trong giới học giả nhưng tên tuổi ít được phần lớn người thời nay biết đến. Nên tôi nói, “xin cho tôi hay một ít hậu cảnh về ông ta và chứng từ của ông ta đã cung cấp việc chứng thực về Chúa Giêsu ra sao”.
Yamauchi trả lời khi ông bắt chéo chân và tựa lưng vào ghế, “Vâng, dĩ nhiên. Josephus là một sử gia Do Thái quan trọng của thế kỷ thứ nhất. Ông sinh năm 37 CN và viết phần lớn bốn tác phẩm của ông vào cuối thế kỷ thứ nhất.
“Trong cuốn tự truyện, ông bênh vực tác phong của ông trong Chiến tranh Do Thái – La Mã diễn ra trong các năm 66 tới 74. Ông thấy đấy, ông ta đã đầu hàng tướng La Mã Vespasian trong cuộc vây hãm Jotapata, cho dù nhiều đồng nghiệp của ông tự tử thay vì đầu hàng”. Giáo sư cười thầm rồi nói, “Josephus quyết định ý Thiên Chúa không muốn ông tự tử. Thế là ông trở thành kẻ bênh vực người La Mã".
Nghe như Josephus là một nhân vật mang nhiều mầu sắc; tôi muốn có thêm chi tiết về ông ta để tôi hiểu rõ hơn các động cơ và thiên kiến của ông ta. Nên tôi yêu cầu, “xin vẽ cho tôi một bức chân dung về ông ta”.
“Ông là một tư tế, một người Biệt phái, và đôi chút vị kỷ. Công trình tham vọng nhất của ông có tên là The Antiquities [Cổ thời] nói về lịch sử Dân Do Thái từ lúc sáng thế tới thời của ông. Có lẽ ông đã hoàn thành công trình này vào khoảng năm 93 CN.
“Như ông có thể tưởng tượng từ việc ông ta hợp tác với người La Mã bị khinh bỉ, Josephus bị đồng bào Do Thái ghét thậm tệ. Nhưng ông rất nổi tiếng nơi các Kitô hữu, vì trong các trước tác của mình, ông nhắc tới Giacôbê, em Chúa Giêsu, và chính Chúa Giêsu”.
Đó là thí dụ đầu tiên về việc chứng thực cho Chúa Giêsu ở bên ngoài các sách Tin Mừng. Tôi nói, “xin nói cho tôi hay các lời nhắc đến ấy”.
Yamauchi trả lời, “Trong cuốn The Antiquities, ông mô tả việc một thượng tế tên Ananias đã lợi dụng cái chết của tổng đốc La Mã Festus, người từng được đến tên trongTân Ước, để ra lệnh giết Giacôbê”.
Ông nghiêng người về phía giá sách, lấy một cuốn sách dầy, rồi lần giở tới trang mà ông gần như đã thuộc lòng nằm ở chỗ nào. Ông nói, “à đây rồi. ‘Ông triệu tập một phiên họp của thượng hội đồng Do Thái và trình trước thượng hội đồng một người tên Giacôbê, em trai của Giêsu, người cũng được gọi là Kitô, và một số người khác. Ông tố cáo những người này vi phạm lề luật và trao họ cho người ta ném đá’” (4).
Yamauchi tin tưởng quả quyết, “tôi biết không học giả nào đã thành công tranh luận về đoạn này. L. H. Feldman nhận định rằng nếu đoạn này đã được các Kitô hữu sau này thêm vào, thì đáng lẽ nó phải có tính ca ngợi Giacôbê chứ. Thành thử ở đây, ông thấy có nhắc đến em trai Chúa Giêsu, người rõ ràng đã hoán cải nhờ Chúa Kitô sống lại đã hiện ra, nếu ông so sánh Ga 7:5 và 1Cr 15:7, và việc chứng thực của sự kiện một số người coi Chúa Giêsu là Đấng Kitô, nghĩa là “Đấng được Xức dầu” hay “Mêxia”.
“Giêsu đã sống ở đó...”
Tôi biết rằng Josephus đã viết một đoạn còn dài hơn thế về Chúa Giêsu, đoạn được gọi là Testimonium Flavianum[Chứng từ Flavianô]. Tôi cũng biết rằng đoạn này bị tranh luận gắt gao nhất trong văn chương cổ thời bởi vì nó rõ ràng cung cấp lời chứng thực vững chắc cho đời sống, các phép lạ, sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Nhưng đoạn này có chân thực hay không? Hay nó bị thêm thắt trong nhiều năm bởi những người có thiện cảm với Chúa Giêsu?
Tôi hỏi Yamauchi xem ông có ý kiến ra sao, và lập tức biết rõ tôi đã gõ trúng một phạm vi ông hết sức quan tâm. Ông bỏ thế ngồi chéo chân và đứng lên khỏi ghế. Ông hào hứng nói, nghiêng người về phía trước, tay cầm cuốn sách, “Đó là một đoạn rất hấp dẫn. Nhưng, đúng, nó gây tranh cãi”. Nói xong, ông đọc đoạn đó cho tôi nghe:
“Ông Giêsu, một hiền giả, sống vào khoảng thời gian này, nếu người ta quả thực được phép gọi ông là một con người. Vì ông là người làm nhiều điều lạ lùng và là một thầy dạy hay đến nỗi người ta chấp nhận sự thật một cách vui vẻ. Ông chinh phục nhiều người Do Thái và nhiều người Hy Lạp. Ông là Đấng Kitô. Khi Philatô, lúc nghe ông bị các vị vọng cao nhất của chúng ta tố cáo, đã kết án ông bị đóng đinh, những người trước nhất đã tiến tới chỗ yêu mến ông, đã không từ bỏ lòng âu yếm đối với ông. Vào ngày thứ ba, ông hiện ra với họ sau khi sống lại, vì các tiên tri của Thiên Chúa từng nói tiên tri về những điều này và vô số những điều lạ lùng khác về ông. Và nhóm Kitô hữu, được gọi như thế những người theo ông, vẫn còn đến ngày nay, không biến mất” (5).
Sự phong phú chứng thực cho Chúa Giêsu đã trở nên hiển nhiên. Tôi hỏi, “Ông nhìn nhận đoạn này gây tranh cãi, vậy các học giả kết luận gì về đoạn văn này?”
Ông nói, “Giới học giả có ba xu hướng sau về đoạn văn này. Vì những lý do hiển nhiên, các Kitô hữu tiên khởi nghĩ rằng đây là lời chứng thực tuyệt diệu và hoàn toàn chân thực về Chúa Giêsu và việc Người phục sinh. Họ rất thích nó. Rồi, toàn bộ đoạn này bị chất vấn ít nhất bởi một số học giả thời Phong trào Ánh sáng.
“Nhưng ngày nay, đã có một sự đồng thuận đáng kể trong số các học giả cả Do thái giáo lẫn Kitô giáo thừa nhận toàn bộ đoạn này xét chung là chân thực, mặc dù có những chỗ thêm thắt”.
Tôi nhíu lông mày, “Thêm thắt, ông muốn nói gì qua thuật ngữ này?”
Yamauchi trả lời, “Có nghĩa là những người Kitô hữu chép tay tiên khởi đã lồng một vài cụm từ mà một nhà văn Do Thái như Josephus có lẽ đã không viết”.
Ông chỉ rõ một câu trong cuốn sách. “Thí dụ, dòng đầu tiên viết, ‘Ông Giêsu, một hiền giả, sống vào khoảng thời gian này’. Cụm từ này thường không được các Kitô hữu dùng để chỉ về Chúa Giêsu, nên dường như đúng là của Josephus. Nhưng cụm từ tiếp theo, ‘nếu người ta quả thực được phép gọi ông là một con người’. Cụm từ này ngụ ý Chúa Giêsu không phải chỉ là một con người, xem ra là cụm từ thêm vào”.
Tôi gật đầu để cho ông hay tôi vẫn theo ông cho đến lúc này.
“Nó tiếp tục viết, ‘Vì ông là người làm nhiều điều lạ lùng và là một thầy dạy hay đến nỗi người ta chấp nhận sự thật một cách vui vẻ. Ông chinh phục nhiều người Do Thái và nhiều người Hy Lạp’. Cụm từ này xem ra phù hợp với ngữ vựng Josephus quen dùng ở những nơi khác, nên nói chung được thừa nhận là chân thực.
“Nhưng rồi lại có lời tuyên bố không hàm hồ, “Ông là Đấng Kitô’. Câu này dường như được thêm vào”.
Tôi nói chêm vào, “Vì khi nhắc đến Giacôbê, Josephus nói rằng Ông Giêsu được ‘gọi là Đấng Kitô’”.
Yamauci nói, “Đúng vậy. Khó có xác suất Josephus thẳng thừng quả quyết Chúa Giêsu là Đấng Mêxia ở đây, khi ở chỗ khác ông chỉ nói Người được các môn đệ coi là Đấng Mêxia.
Phần khác của đoạn văn tức phần nói tới phiên xử và việc chịu đóng đinh của Chúa Giêsu và sự kiện các môn đệ của Người vẫn còn yêu mến Người thì không có gì ngoại thường và được coi là chân thực. Rồi đến câu, ‘Vào ngày thứ ba, ông hiện ra với họ sau khi sống lại’.
“Một lần nữa đây là lời tuyên bố niềm tin rõ ràng vào sự phục sinh, và như thế, Josephus khó có xác suất viết nó. Thành thử xem ra ba yếu tố đã được thêm vào”.
Tôi hỏi, “Đâu là kết luận?”
“Là đoạn văn trong trước tác của Josephus chắc nguyên thủy được viết về Chúa Giêsu, dù không có ba điểm tôi vừa nhắc đến. Nhưng dù thế, Josephus đã chứng thực các thông tin quan trọng về Chúa Giêsu: Người là nhà lãnh đạo bị tử đạo của Giáo Hội ở Giêrusalem và Người là một thầy dạy khôn ngoan đã thiết lập được một đoàn môn đệ kiên vững, bất chấp sự kiện Người bị đóng đinh dưới thời Philatô do sự xúi bẩy của một số lãnh tụ tôn giáo người Do Thái.
Tầm quan trọng của Josephus
Mặc dù các tham chiếu trên có cung cấp một số chứng thực độc lập quan trọng về Chúa Giêsu, tôi vẫn thắc mắc tại sao một sử gia như Josephus lại không viết nhiều hơn về một nhân vật quan trọng như thế của thế kỷ thứ nhất. Tôi biết một số kẻ hoài nghi, như triết gia của Đại Học Boston, Michael Martin, cũng đã đưa ra cùng một phê phán.
Nên tôi hỏi Yamauchi xem ông phản ứng ra sao trước tuyên bố của Martin, người không tin Chúa Giêsu từng đã sống: “Nếu ông Giêsu quả có thực, thì người ta phải chờ mong Josephus... viết nhiều hơn về ông ta chứ... điều bất ngờ là Josephus nhắc đến ông ta... nhân nói tới các nhân vật thiên sai khác và Gioan Tẩy giả với nhiều chi tiết hơn” (6).
Câu trả lời của Yamauchi xem ra không đặc trưng mạnh mẽ lắm. Ông nói bằng một giọng bực tức, “Có bằng chứng áp đảo Chúa Giêsu hiện hữu thực sự, còn những câu hỏi giả thiết này thực sự rất trống rỗng và lầm lẫn.
“Nhưng tôi xin trả lời như thế này: Josephus quan tâm đến các vấn đề chính trị và cuộc chiến đấu chống La Mã, nên đối với ông, Gioan Tây giả quan trọng hơn vì xem ra ông này hình như tạo ra mối đe dọa chính trị lớn lao hơn Chúa Giêsu”.
Tôi nhẩy bổ vào. “Xin ông ngừng ít phút. Há không có một số học giả vốn mô tả Chúa Giêsu như một người Nhiệt thành hay ít nhất có thiện cảm với phái Nhiệt thành đó sao?" Tôi hỏi thế có ý nhắc đến một phong trào cách mạng thế kỷ thứ nhất chống đối người La Mã về phương diện chính trị.
Yamauchi khua tay bác bỏ biện bác đó, ông nói, “đó là lập trường các sách Tin Mừng không hỗ trợ, vì ông nên nhớ Chúa Giêsu thậm chí không chống đối việc trả thuế cho người La Mã. Cho nên vì Chúa Giêsu và các môn đệ không đặt ra một đe dọa chính trị tức khắc nào, chắc chắn điều dễ hiểu là Josephus ít lưu tâm đến giáo phái này, mặc dầu khi nhìn trở lui, nó quả trở thành rất quan trọng”.
“Như thế, theo đánh giá của ông, hai tham chiếu của Josephus này quan trọng ra sao?”
Yamauchi trả lời, “Rất quan trọng, đặc biệt vì các trình thuật của ông về cuộc Chiến tranh Do thái được chứng mình là rất chính xác; thí dụ, chúng được chứng thực nhờ các cuộc khai quật khảo cổ học tại Masada cũng như bởi các sử gia như Tacitus. Ông được coi là một sử gia khá đáng tin cậy và việc ông nhắc đến Chúa Giêsu được coi là cực kỳ quan trọng”.
Còn 1 kỳ
Vietcatholic News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét