Đấng Tạo dựng hay Tạo vật

Một phần của bản phác thảo mà Chúa Giêsu phải phù hợp là Thiên Chúa là Đấng bất tạo, đã hiện hữu từ một quá khứ đời đời. Isaia 57:15 mô tả Thiên Chúa là "Đấng sống đời đời." Nhưng, tôi nói với Carson, có một số câu dường như gợi ý mạnh mẽ rằng Chúa Giêsu là một hữu thể được tạo dựng.



Tôi nói, “Chẳng hạn như Gioan 3:16 gọi Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa 'được sinh ra', và Côlôsê 1:15 nói rằng Người là 'con đầu lòng của mọi tạo vật.' Há những câu này không ngụ ý rõ ràng rằng Chúa Giêsu được tạo dựng, chứ không phải là Đấng Tạo dựng đó sao?”

Một trong những lĩnh vực chuyên môn của Carson là văn phạm tiếng Hy Lạp, đã được ông sử dụng để trả lời cả hai câu đó.

Ông nói, "Hãy lấy câu Gioan 3:16. Bản King James dịch tiếng Hy Lạp với dòng chữ 'Con độc sinh của Người.' Những người coi bản dịch này là chính xác thường liên kết nó với chính việc Nhập thể - nghĩa là, sự ra đời của Người trong Đức trinh nữ Maria. Nhưng thực ra, đó không phải là ý nghĩa của từ này trong tiếng Hy Lạp.

"Nó thực sự có nghĩa là 'độc nhất vô nhị'. Cách nó thường được sử dụng trong thế kỷ thứ nhất là 'độc nhất và được yêu qúy'. Vì vậy, Gioan 3:16 chỉ đơn giản nói rằng Chúa Giêsu là Con duy nhất và được yêu quý - hay như New International Version [Phiên bản Quốc tế Mới] dịch nó, 'Con một và duy nhất' - thay vì nói rằng Người được sinh ra trong thời gian về mặt hữu thể học."

Tôi nhấn mạnh "Điều đó chỉ giải thích một đoạn văn thôi".

"Được, chúng ta hãy xem câu Côlôsê, tức câu sử dụng hạn từ 'con đầu lòng'. Đại đa số các nhà chú giải, dù bảo thủ hay cấp tiến, đều thừa nhận rằng trong Cựu Ước, do luật kế vị, con đầu lòng thường được nhận phần lớn nhất bất động sản, hoặc con đầu lòng sẽ trở thành vua trong trường hợp một hoàng gia. Con đầu lòng do đó là một người tối hậu hưởng mọi quyền lợi của người cha.

"Tới thế kỷ thứ hai trước Chúa Kitô, có những nơi hạn từ này không còn có bất cứ khái niệm nào về việc đã sinh ra hay đang sinh ra đầu tiên nhưng mang ý niệm về thẩm quyền đi kèm với vị trí là người thừa kế hợp pháp. Đó là cách nó được áp dụng với Chúa Giêsu, như hầu như tất cả các học giả đều thừa nhận. Vì vậy, chính kiểu nói 'con đầu lòng' đã hơi gây hiểu lầm."

Tôi hỏi, "Điều gì sẽ là một bản dịch tốt hơn?"

Ông trả lời, "Tôi nghĩ 'người thừa kế tối cao' sẽ phù hợp hơn".

Dù điều đó có thể giải thích đoạn Côlôsê, Carson còn đi xa hơn nữa, với điểm cuối cùng.

“Nếu ông định trích dẫn Côlôsê 1:15, thì ông phải giữ nó trong ngữ cảnh bằng cách đi tiếp tới Côlôsê 2:9, nơi cùng chính tác giả đó nhấn mạnh, 'Vì trong Chúa Kitô, tính viên mãn của Thiên tính đều hiện diện nơi hình thức xác thân.' Tác giả sẽ không mâu thuẫn với chính mình. Vì vậy, thuật ngữ 'con đầu lòng' không thể loại bỏ tính vĩnh cửu của Chúa Giêsu, vì đó là một phần ý nghĩa của việc sở hữu sự viên mãn của thiên tính"

Đối với tôi, điều đó đã giải quyết trọn vẹn vấn đề. Nhưng cũng có những đoạn rắc rối khác. Thí dụ, trong Máccô 10, ai đó đã ngỏ lời với Chúa Giêsu là "thưa thầy tốt lành", đã khiến Người đáp lại: "Tại sao bạn gọi tôi là tốt lành? Không có ai tốt lành - ngoại trừ một mình Thiên Chúa."

Tôi hỏi, "Không phải Người phủ nhận thiên tính của Người bằng cách nói điều này đó sao?"

Carson giải thích: “Không, tôi nghĩ Người cố gắng làm người đó dừng lại và suy nghĩ về những gì Người đang nói. “Đoạn văn song hành trong Mátthêu mở rộng hơn một chút và không thấy Chúa Giêsu hạ thấp thiên tính của Người chút nào.

"Tôi nghĩ tất cả những gì Người nói là, ‘Khoan đã; tại sao bạn lại gọi tôi là nhân lành? Có phải đây là một điều lịch sự, giống như ông nói, "Chúc một ngày tốt lành"? Bạn muốn nói gì bởi chữ tốt lành? Bạn gọi tôi là thầy tốt lành - đây có phải là vì bạn đang cố lấy lòng tôi không?'

“Theo nghĩa căn bản, chỉ có một người tốt, và đó là Thiên Chúa. Nhưng Chúa Giêsu không ngầm nói: 'Vậy đừng gọi tôi như thế'. Người muốn nói Bạn có thực sự hiểu những gì bạn đang nói khi bạn nói điều đó không? Có phải bạn thực sự gán cho tôi những gì chỉ nên gán cho Thiên Chúa không?'

“Điều đó có thể là cách đùa bỡn, ý muốn nói là, 'Tôi thực sự là điều bạn nói; bạn nói hay hơn bạn biết' hoặc 'Bạn đừng gọi tôi như vậy; lần sau hãy gọi tôi là "Giêsu tội lỗi" như những người khác vẫn làm.' Xét về tất cả những gì Chúa Giêsu nói và làm ở những nơi khác, hiểu cách nào thì hợp lý?”

Với rất nhiều câu gọi Chúa Giêsu là người “vô tội,” “thánh thiện,” “công chính,” “trong trắng... không ô uế,” và “tách biệt khỏi tội nhân,” câu trả lời khá hiển nhiên.

Chúa Giêsu có phải là một Thiên Chúa thấp hơn không?

Nếu Chúa Giêsu là Thiên Chúa, thì Người là loại Thiên Chúa nào? Phải chăng Người ngang hàng với Chúa Cha, hay một loại Thiên Chúa thấp hơn, sở hữu các thuộc tính của thiên tính nhưng một cách nào đó không xứng hợp với bản phác thảo tổng thể mà Cựu Ước cung cấp về Thiên Chúa?

Câu hỏi đó xuất phát từ một đoạn văn khác mà tôi đã chỉ cho Carson. Tôi hỏi, "Chúa Giêsu phán trong Gioan 14:28, 'Chúa Cha lớn hơn tôi’. Một số người dựa vào điều này và kết luận rằng Chúa Giêsu phải là một Thiên Chúa thấp hơn. Họ có đúng không?"

Carson thở dài, trả lời, "Cha tôi là một nhà thuyết giáo, và một câu châm ngôn trong nhà chúng tôi khi tôi lớn lên là, 'Một bản văn không có ngữ cảnh trở thành cái cớ cho một bản văn làm bằng chứng.' Điều rất quan trọng là phải xem đoạn văn này trong ngữ cảnh của nó.

“Các môn đệ đang than van vì Chúa Giêsu nói rằng Người sẽ ra đi. Chúa Giêsu nói, 'Nếu các con yêu thầy, các con sẽ vui mừng vì thầy khi thầy nói thầy sẽ ra đi, vì Chúa Cha lớn hơn thầy’. Nghĩa là Chúa Giêsu trở về với vinh quang vốn thuộc về Người, nên nếu họ thực sự biết Người là ai và thực sự yêu Người đúng cách, họ sẽ vui mừng khi Người quay trở lại cõi nơi Người thực sự vĩ đại hơn. Chúa Giêsu nói trong Gioan 17:5, ' Xin Cha tôn vinh con bên Cha: xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian” - nghĩa là 'Chúa Cha lớn hơn Thầy'.

"Khi bạn sử dụng một phạm trù như 'lớn hơn', nó không nhất thiết có nghĩa là vĩ đại hơn về mặt hữu thể học. Thí dụ, nếu tôi nói rằng tổng thống của Hoa Kỳ vĩ đại hơn tôi, tôi không nói rằng ông ấy là một hữu thể cao hơn về mặt hữu thể học. Ông ấy lớn hơn về khả năng quân sự, bản lĩnh chính trị và sự hoan nghênh của công chúng, nhưng ông ấy không đàn ông hơn tôi. Ông ấy là một con người và tôi cũng là một con người.

Vì vậy, khi Chúa Giêsu nói, 'Chúa Cha lớn hơn thầy', người ta phải nhìn vào ngữ cảnh và hỏi xem Chúa Giêsu có nói, 'Chúa Cha lớn hơn thầy vì Người là Thiên Chúa còn thầy thì không' hay không. Thành thật mà nói, đó là một điều khá nực cười để nói. Giả sử tôi đứng trên bục giảng nào đó để giảng và nói: 'Tôi long trọng tuyên bố với các bạn rằng Thiên Chúa vĩ đại hơn tôi.' Đó sẽ là một nhận xét khá vô ích.

"Việc so sánh chỉ có ý nghĩa nếu các vị ở trên cùng một bình diện và có một sự phân ranh nào đó đang diễn ra. Chúa Giêsu đang ở trong các hạn chế của Nhập Thể - Người sắp sửa bị treo trên thập giá; Người sắp chết - nhưng Người sắp trở về với Chúa Cha và với vinh quang mà Người vốn có với Chúa Cha trước khi thế giới bắt đầu.

Người nói, 'Các con đang rên rỉ vì Thầy; nhưng các con nên vui mừng vì Thầy sẽ về nhà.' Chính theo nghĩa đó, 'Chúa Cha vĩ đại hơn Thầy'.

Tôi nói, "Vì vậy, đây không phải là một sự phủ nhận ngầm về thiên tính của Người."

Ông kết luận, "Không, thực sự là không. Bối cảnh cho thấy rõ điều đó."

Mặc dù tôi đã sẵn sàng chấp nhận sự thật rằng Chúa Giêsu không phải là một Thiên Chúa kém hơn, nhưng tôi có một vấn đề khác và nhạy cảm hơn cần nêu ra: làm thế nào Chúa Giêsu có thể là một Thiên Chúa đầy lòng cảm thương nhưng lại tán thành ý tưởng về sự đau khổ vĩnh cửu cho những kẻ bác bỏ Người?

Câu hỏi Gây Bối rối về Hỏa ngục

Kinh thánh nói rằng Chúa Cha đầy lòng yêu thương. Tân Ước khẳng định y như vậy về Chúa Giêsu. Nhưng liệu các vị có thực sự yêu thương trong khi đồng thời đưa người ta xuống hỏa ngục? Dù sao, Chúa Giêsu dạy về hỏa ngục hơn bất cứ ai khác trong toàn bộ Kinh thánh. Há đó không mâu thuẫn với tính cách được cho là hiền lành và từ bi của Người hay sao?

Khi đặt câu hỏi này cho Carson, tôi đã trích dẫn những lời khó nghe của người theo thuyết bất khả tri Charles Templeton: "Làm thế nào một Cha Thiên đàng yêu thương lại tạo ra một hỏa ngục bất tận và trong nhiều thế kỷ, đã đầy hàng triệu người xuống đó vì họ không hoặc không thể hoặc sẽ không chấp nhận một tín ngưỡng tôn giáo nào đó?" (3).

Câu hỏi đó, mặc dù đã được điều chỉnh để đạt được tác động tối đa, nhưng đã không làm Carson tức giận. Ông bắt đầu với một thanh minh. Ông nói,"Trước hết, tôi không chắc Thiên Chúa chỉ đầy người ta vào hỏa ngục bởi vì họ không chấp nhận những niềm tin nào đó."

Ông suy nghĩ một lúc, rồi lùi lại để chạy thêm một bước nữa qua câu trả lời thấu đáo bằng cách thảo luận về một chủ đề mà nhiều người hiện đại coi là một chủ đề lỗi thời kỳ cục: tội lỗi.

Carson nói, "Ông hãy hình dung Thiên Chúa trong buổi đầu sáng thế với một người nam và một người nữ được tạo nên giống hình ảnh Người. Họ thức dậy vào buổi sáng và nghĩ về Thiên Chúa. Họ yêu Người thật lòng. Họ thích làm những gì Người muốn; đó là toàn bộ niềm vui của họ. Họ liên hệ một cách đúng đắn với Người và với nhau.

“Rồi, với việc tội lỗi và nổi loạn bước vào thế giới, những người mang hình ảnh này bắt đầu nghĩ rằng họ là trung tâm của vũ trụ. Không phải theo nghĩa đen, nhưng đó là cách họ nghĩ. Và đó là cách chúng ta nghĩ. Tất cả những thứ chúng ta gọi là ‘bệnh lý xã hội' -chiến tranh, hãm hiếp, cay đắng, ghen tị bí mật, kiêu căng, các mặc cảm tự ti; - đã được cột chặt ngay từ đầu với sự kiện chúng ta không còn liên hệ đúng đắn với Thiên Chúa nữa. Hậu quả là người ta bị thương tích. Từ quan điểm của Thiên Chúa, điều đó thật kinh tởm. Như thế, Thiên Chúa nên làm gì về điều đó? Nếu Người nói, 'Ôi, Ta cóc cần,' Người muốn nói điều ác chẳng quan trọng gì đối với Người. Gần như muốn nói, "Ồ đúng rồi, Nạn Diệt chủng-Tôi không quan tâm." Há chúng ta không ngỡ ngàng hay sao nếu chúng ta nghĩ Thiên Chúa không có phán đoán luân lý nào về các vấn đề như thế?

Nhưng trên nguyên tắc, nếu Người là loại Thiên Chúa có những phán đoán luân lý về các vấn đề này, hẳn Người phải có những phán xét luân lý về vấn đề to lớn này của tất cả những người mang hình ảnh Thiên Chúa đang khua những nắm đấm nhỏ bé của họ vào mặt Người và hát với Frank Sinatra, 'Tôi làm điều đó theo lối của tôi.' Đó là bản chất thực sự của tội lỗi.

Nói như thế rồi, hỏa ngục không phải là nơi con người bị đầy bởi vì họ là những người khá tốt nhưng chỉ không tin điều đúng. Họ bị đầy ở đó, trước hết, vì họ thách thức Đấng đã tạo dựng nên họ và họ muốn trở thành trung tâm của vũ trụ. Hỏa ngục không chứa đầy những người đã đã ăn năn, nhưng Thiên Chúa không đủ dịu dàng và tốt lành để cho họ được ở bên ngoài. Nó chứa đầy những người, mãi mãi, vẫn muốn là trung tâm của vũ trụ và là người kiên trì trong cuộc nổi loạn thách thức Thiên Chúa của họ.

“Thiên Chúa phải làm gì? Nếu Người nói điều đó không quan trọng đối với Người, thì Thiên Chúa đâu còn là một vị Thiên Chúa đáng được ngưỡng mộ. Người hoặc phi luân hoặc tích cực làm người ta sởn gáy. Để Người hành động bất cứ cách nào khác khi đối mặt với sự thách thức trắng trợn như vậy sẽ là giản lược chính Thiên Chúa.”

Tôi xen vào, "Vâng, nhưng điều làm mọi người bận tâm nhất là ý tưởng cho rằng Thiên Chúa sẽ hành hạ con người vĩnh viễn. Điều đó dường như độc ác phải không?”

Carson trả lời, "Đầu tiên, Kinh thánh nói rằng có các mức độ trừng phạt khác nhau, vì vậy tôi không chắc có cùng một mức cường độ cho tất cả mọi người.

“Điều thứ hai, nếu Thiên Chúa không nhúng tay vào thế giới sa ngã này, do đó, không còn sự kiềm chế nào đối với sự xấu xa của con người, thì chúng ta sẽ tạo ra địa ngục. Vì vậy, nếu bạn cho phép rất nhiều kẻ tội lỗi sống tại một nơi hạn chế nào đó trong đó họ không gây thiệt hại cho bất cứ ai trừ chính họ, thì bạn nhận được gì nếu không là địa ngục? Có một ý nghĩa trong đó họ đang làm điều đó với chính họ và đó là điều họ muốn vì họ không chịu ăn năn.”

Tôi tưởng Carson đã kết thúc với câu trả lời của ông, vì ông do dự một lúc. Tuy nhiên, ông có một điểm chủ yếu hơn. “Một trong những điều mà Kinh thánh nhấn mạnh là cuối cùng không những công lý được thực hiện, mà công lý còn được coi là đã được thực hiện, đến nỗi mọi cái miệng sẽ phải câm họng.”

Tôi chộp lấy câu nói cuối cùng đó và nói, "Nói cách khác, vào lúc phán xét, không ai trên thế giới tránh khỏi trải nghiệm đó bằng cách nói rằng họ đã bị đối xử bất công bởi Thiên Chúa. Mọi người sẽ nhìn nhận công lý nền tảng trong cách Thiên Chúa phán xét họ và thế giới."

Carson nói chắc nịch, “Đúng vậy. Công lý không phải lúc nào cũng được thực thi trong thế giới này; chúng ta thấy điều đó hàng ngày. Nhưng vào Ngày Cuối cùng, nó sẽ được thực hiện để mọi người cùng thấy. Và sẽ không ai có thể phàn nàn mà nói, 'Điều này không công bằng."'

Chúa Giêsu và nạn Nô lệ

Có một vấn đề khác mà tôi muốn nêu ra với Carson. Tôi liếc nhìn đồng hồ của tôi và hỏi "Ông có thêm vài phút nữa không?". Khi ông cho thấy là có, tôi bắt đầu ngỏ thêm một chủ đề gây tranh cãi.

Để là Thiên Chúa, Chúa Giêsu phải hoàn hảo về mặt đạo đức. Nhưng một số nhà phê bình Kitô giáo cáo buộc rằng Người đã thiếu sót bởi vì, họ nói, Người mặc nhiên chấp nhận thực hành ghê tởm về mặt đạo đức là chế độ nô lệ. Như Morton Smith đã viết, “Có vô số nô lệ của hoàng đế và của nhà nước La Mã; Đền thờ Giêrusalem sở hữu nô lệ; Thượng Tế sở hữu nhiều nô lệ (một trong số họ bị mất một tai lúc Chúa Giêsu bị bắt); tất cả những người giàu có và gần như tất cả những người thuộc tầng lớp trung lưu đều sở hữu nô lệ. Theo như chúng ta được biết, Chúa Giêsu không bao giờ tấn công thực hành này... Dường như đã có những cuộc nổi dậy của nô lệ ở Palestine và Jordan trong thời tuổi trẻ của Chúa Giêsu; một nhà lãnh đạo làm phép lạ của một cuộc nổi dậy như vậy sẽ thu hút một lượng lớn người theo. Nếu Chúa Giêsu lên án chế độ nô lệ hoặc hứa hẹn giải phóng họ, chúng ta gần như chắc chắn được nghe nói về việc Người làm điều đó. Nhưng chúng ta không nghe thấy gì, vì vậy rất có thể giả thiết là Người không nói gì” (4).

Làm thế nào việc Chúa Giêsu thất bại trong việc thúc đẩy bãi bỏ chế độ nô lệ có thể cân bằng với tình yêu của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người? Tôi hỏi, “Tại sao Chúa Giêsu không đứng lên và hét lên, 'Chế độ nô lệ là sai trái'? Người có thiếu sót về phương diện đạo đức không vì đã không làm việc để phá bỏ một định chế vốn hạ nhân phẩm của những người được tạo ra theo hình ảnh Thiên Chúa?"

Carson ngồi thẳng dậy trên chiếc ghế của ông mà nói, "Tôi thực sự nghĩ rằng người nêu lên phản luận đó quả bất cập. Nếu ông cho phép, tôi sẽ khởi sự nói tới chế độ nô lệ, cổ xưa và hiện đại, bởi vì trong nền văn hóa của chúng ta, vấn đề này dễ hiểu ở chỗ nó rất nặng các âm sắc vốn không có trong thế giới cổ thời."

Tôi ra hiệu cho ông tiếp tục. Tôi nói, "xin ông cứ tự nhiên".

Lật đổ áp bức

Carson giải thích, “Trong cuốn sách của mình Race and Culture [Chủng tộc và Văn hóa] (5), học giả người Mỹ gốc Phi Thomas Sowell cho thấy: mọi nền văn hóa lớn trên thế giới cho đến thời hiện đại, hết thẩy đều có nạn nô lệ. Mặc dù nó có thể gắn liền với cuộc chinh phục quân sự, nhưng thường là chế độ nô lệ phục vụ chức năng kinh tế. Họ không có luật phá sản, vì vậy nếu ông rơi vào tình trạng mang công mắc nợ khủng khiếp, ông chỉ còn biết tự bán mình và/hoặc gia đình ông làm nô lệ. Chế độ nô lệ vừa trả được nợ, vừa cung cấp việc làm. Nó không hẳn hoàn toàn xấu; ít nhất đó là một lựa chọn để sống còn.

“Xin hiểu cho tôi: Tôi không hề cố gắng lãng mạn hóa chế độ nô lệ bất cứ cách nào. Tuy nhiên, vào thời La Mã có những người lao động chân tay là nô lệ, và cũng có những người khác tương đương với các Tiến sĩ ưu tú, dạy dỗ các gia đình. Và không hề có sự liên kết một chủng tộc đặc thù nào với chế độ nô lệ.

“Tuy nhiên, trong chế độ nô lệ ở Mỹ, tất cả người da đen và chỉ người da đen là nô lệ. Đó là một trong những nỗi kinh hoàng đặc biệt của nó, và nó tạo ra một cảm thức bất công về sự thấp kém của người da đen, điều mà nhiều người trong chúng ta tiếp tục tranh đấu cho đến ngày nay.

“Bây giờ chúng ta hãy nhìn vào Kinh thánh. Trong xã hội Do Thái, theo Luật mọi người đều được giải thoát vào mỗi Năm Thánh. Nói cách khác, đã có lệnh cấm nô lệ vào mỗi năm thứ bảy. Những sự việc này có thực sự diễn ra cách này hay không, tuy nhiên đây là những gì Thiên Chúa đã nói, và đây là khuôn khổ trong đó Chúa Giêsu được nuôi dưỡng.

"Nhưng ông phải để mắt đến sứ mệnh của Chúa Giêsu. Một cách chủ yếu, Người không đến để lật đổ hệ thống kinh tế La Mã, vốn bao gồm chế độ nô lệ. Người đến để giải thoát con người khỏi tội lỗi.

"Và đây là trọng điểm của tôi: điều mà thông điệp của Người đưa ra là biến đổi người ta để họ bắt đầu yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và sức lực và yêu người lân cận như chính mình. Lẽ tự nhiên, điều này có tác động đến ý tưởng nô lệ.

“Hãy xem tông đồ Phaolô nói gì trong thư gửi cho Philêmôn liên quan đến một nô lệ bỏ trốn tên là Ônêsimô. Thánh Phaolô không nói tới việc lật đổ chế độ nô lệ, bởi vì như thế là buộc ông ta phải thi hành. Thay vào đó, ngài nói với Philêmôn nên đối xử với Ônêsimô như một người anh em trong Chúa Kitô, giống như ông đối xử với chính Thánh Phaolô. Và sau đó, để làm cho vấn đề hoàn toàn rõ ràng, Thánh Phaolô nhấn mạnh, 'hãy nhớ, anh nợ tôi cả cuộc đời anh vì Tin Mừng.'

“Như thế, việc lật đổ chế độ nô lệ là thông qua sự biến đổi các người đàn ông và đàn bà bởi Tin Mừng chứ không phải chỉ thông qua thay đổi một hệ thống kinh tế. Chúng ta đều đã thấy điều gì có thể xảy ra khi ông chỉ lật đổ một hệ thống kinh tế và áp đặt một trật tự mới. Toàn bộ giấc mơ cộng sản là có được một 'con người cách mạng' theo sau là 'con người mới'. Rắc rối là, họ không bao giờ tìm thấy 'con người mới'. Họ loại trừ những kẻ áp bức nông dân, nhưng điều đó không có nghĩa là nông dân đột nhiên được tự do - họ chỉ ở dưới một chế độ tối tăm mới. Phân tích đến cùng, nếu ông muốn thay đổi lâu dài, ông phải biến đổi trái tim của những hữu thể nhân bản. Và đó là sứ mạng của Chúa Giêsu.

“Cũng đáng hỏi câu hỏi mà Sowell đặt ra: chế độ nô lệ đã chấm dứt ra sao? Ông ta cho thấy động lực thúc đẩy việc bãi bỏ chế độ nô lệ là việc thức tỉnh theo Tin Mừng ở Anh. Các Kitô hữu vận động việc bãi bỏ chế độ nô lệ thông qua Nghị viện vào đầu thế kỷ XIX và cuối cùng sử dụng pháo hạm Anh để ngăn chặn nạn buôn bán nô lệ băng qua Đại Tây Dương.

“Trong khi có khoảng mười một triệu người châu Phi đã được vận chuyển đến Mỹ - và nhiều người đã không đến được - có khoảng mười ba triệu người châu Phi bị vận chuyển để trở thành nô lệ ở thế giới Ả Rập. Cũng lại là người Anh, được thúc đẩy bởi những người có trái tim đã được Chúa Kitô thay đổi, đã gửi pháo hạm của họ đến Vịnh Ba Tư để chống đối việc này."

Câu trả lời của Carson có ý nghĩa không những về mặt lịch sử mà còn trong kinh nghiệm của riêng tôi. Thí dụ, nhiều năm trước, tôi biết một doanh nhân, ông ta vốn là một kẻ phân biệt chủng tộc điên cuồng với thái độ kẻ cả và trịch thượng đối với bất cứ ai có màu da khác. Ông ta hầu như không chịu che giấu sự khinh miệt của mình đối với người Mỹ gốc Phi, cứ để cho cái tính chọc giận đầy cuồng tín của mình tuôn ra qua những trò đùa thô thiển và những nhận xét cay nghiệt. Không số lượng lý lẽ nào có thể thuyết phục ông ta khỏi phát biểu các ý kiến ghê tởm của ông ta.

Nhưng rồi, ông ta trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Trong sự kinh ngạc, tôi thấy thái độ, quan điểm và giá trị của ông ta thay đổi theo thời gian, và lòng ông đã được Thiên Chúa đổi mới. Ông tiến tới chỗ nhận ra rằng ông ta không còn có thể nuôi dưỡng ác ý đối với bất cứ người nào nữa, vì Kinh thánh dạy rằng tất cả mọi người được tạo ra theo hình ảnh Thiên Chúa. Hôm nay, tôi có thể thành thật nói rằng ông ta thực sự quan tâm và chấp nhận những người khác, bao gồm cả những người khác với ông ta.

Pháp luật đã không thay đổi ông ta. Lý luận đã không thay đổi ông ta. Những lời kêu gọi có tính xúc cảm đã không thay đổi ông ta. Ông ta sẽ nói với bạn rằng Thiên Chúa đã thay đổi ông từ trong ra ngoài một cách dứt khoát, hoàn toàn, vĩnh viễn. Đó là một trong nhiều thí dụ tôi đã thấy về sức mạnh của Tin Mừng, sức mạnh mà Carson đang nói đến, sức mạnh biến đổi những kẻ căm ghét thù hận thành những người nhân đạo, biến những kẻ tích trữ có trái tim sắt đá trở thành những người hiến tặng nhân từ trắc ẩn, biến những kẻ ham muốn quyền lực trở thành những người phục vụ vị tha, và biến những người bóc lột người khác - thông qua chế độ nô lệ hoặc một số hình thức áp bức khác - thành những người đón nhận mọi người.

Điều đó cân xứng với những gì Thánh Tông đồ Phaolô nói trong thư Galát 3:28: "Không còn Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ, vì tất cả anh em là một trong Chúa Giêsu Kitô”.

Xứng hợp với bản phác thảo về Thiên Chúa

Carson và tôi nói chuyện, đôi khi bằng giọng sôi nổi, trong hai giờ, lấp đầy nhiều cuộn băng ghi vượt quá sức chứa của chương này. Tôi thấy các câu trả lời của ông hợp lý và rất vững về mặt thần học. Tuy nhiên, cuối cùng, Nhập thể hoạt động ra sao-cách thức Thần khí nhập thể vẫn còn là một khái niệm làm tâm trí do dự.

Dù vậy, theo Kinh thánh, sự kiện nó xảy ra là điều không còn nghi ngờ gì nữa. Tân Ước nói, mọi thuộc tính của Thiên Chúa đều được tìm thấy trong Chúa Giêsu Kitô:

Toàn tri? Trong Ga 16:30, Thánh Tông đồ Gioan khẳng định về Chúa Giêsu, " Giờ đây, chúng con nhận ra là Thầy biết hết mọi sự."

Hiện diện mọi nơi? Chúa Giêsu nói trong Mt 28:20, " Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" và trong Mt 18:20, " Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ."

Toàn năng? “Mọi uy quyền trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy," Chúa Giêsu nói trong Mt 28:18.

Vĩnh cửuGa 1:1 tuyên bố về Chúa Giêsu, "Ban đầu có Ngôi Lời, và Ngôi Lời ở cùng Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa."

Tính bất biến? Thư Dt 13:8 nói, "Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời."

Ngoài ra, Cựu Ước vẽ nên chân dung của Thiên Chúa bằng cách sử dụng danh hiệu và mô tả như Anpha và Ômêga, Chúa, Đấng cứu thế, Vua, Thẩm phán, Ánh sáng, Tảng đá, Đấng cứu chuộc, Người chăn chiên, Đấng tạo hóa, Đấng ban sự sống, Đấng tha thứ tội lỗi, và Đấng nói bằng thẩm quyền Thiên Chúa. Điều đáng lưu ý là trong Tân Ước mỗi và mọi danh hiệu này đều đã được áp dụng vào Chúa Giêsu (6).

Chúa Giêsu đã nói tất cả những điều đó trong Ga 14:7: “Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy." Nếu dịch một cách lỏng lẻo, thì có nghĩa: "Khi anh em nhìn vào bản phác thảo về Thiên Chúa của Cựu Ước, anh em sẽ thấy chân dung của Thầy."

Tài liệu đọc thêm

Harris, Murray J. Jesus As God [Chúa Giêsu như là Thiên Chúa], Grand Rapids: Baker, 1993.

Martin, W. J. The Deity of Christ [Thiên tính của Chúa Kitô], Chicago: Moody Press, 1964.

McDowell, Josh và Bart Larson. Jesus: A Biblical Defense of His Deiety [Chúa Giêsu: Lời biện hộ theo Kinh thánh về Thiên tính của Người],

San Bernardino, California: Here’s life, 1983.

Stott, John. Basic Christianity [Kitô giáo căn bản], Grand Rapids: Eerdmans, 1986.

Zodhiates, Spiros. Was Christ God? [Đấng Kitô có phải là Thiên Chúa không?] Grand Rapids: Eerdmans, 1966.

Ghi chú

1. Marla Donato, "That Guilty Look," [Cái nhìn tội phạm ấy]Chicago Tribune (1 April, 1994).

2. Denny Johnson, "Police Add Electronic 'Sketch Artist' to Their Bag of Tricks," [Cảnh sát thêm 'Phác thảo Nghệ sĩ' điện tử

vào Túi thủ thuật của họ], Chicago Tribune (22 June 1997).

3. Templeton, Farewell to God [Giã Từ Thiên Chúa], 230.

4. Morton Smith, "Biblical Arguments for Slavery" [Những lập luận trong Kinh thánh về chế độ nô lệ]" Free Inquiry (Spring 1987), 30.

5. Thomas Sowell, Race and Culture [Chủng tộc và Văn hóa] (New York: Basic, 1995).

6. Josh McDowell và Bart Larson, Jesus: A Biblical Defense of His Deity [Chúa Giê-su: Lời biện hộ trong Kinh thánh về Thiên tính của Người] (San Bernardino, Calif: Here's Life, 1983), 62-64.
 
Vietcatholic News