Hiệp Hành là điều đơn giản
HIỆP HÀNH LÀ ĐIỀU ĐƠN GIẢN
J. Patrick Yodzis
WHĐ (09.5.2023) - Tính hiệp hành là điều đơn giản. Không có gì khó hiểu về nó cả. Tuy nhiên, đôi khi có thể mất cả một hành trình tri thức phức tạp để hiểu một khái niệm đơn giản. Chính Thiên Chúa là Đấng đơn giản đến mức chúng ta, trong sự phức tạp của mình, không thể hiểu hết về Ngài. Điều này cũng đúng với những gì đến từ Thiên Chúa, chẳng hạn như hòa bình, niềm vui và tình yêu. Chúng rất đơn giản, nhưng không phải lúc nào cũng dễ hiểu. Tôi nghĩ, về mặt này, tính hiệp hành cũng giống như vậy.
Cha Louis J. Cameli đã viết một bài báo tuyệt vời về hành trình của chính ngài trong việc tìm hiểu về tính hiệp hành, trong đó cha nêu rõ những vấn nạn đang nảy sinh khi đáp lại tiến trình của Thượng Hội đồng về tính hiệp hành:
Thượng Hội đồng về tính hiệp hành là một tiến trình về một tiến trình. Điều đó làm tôi bận tâm suy nghĩ mãi không thôi. Một tiến trình về một tiến trình hình như không có nội dung. Tiến trình này sẽ dẫn chúng ta đến đâu? Các tài liệu chuẩn bị cho người Công giáo trên thế giới đặt ra những câu hỏi, và những câu hỏi này nhằm xác minh tiến trình chứ không phải nội dung. Những câu hỏi về việc chăm chú lắng nghe, cởi mở lên tiếng, và hành động mạnh dạn là những câu hỏi hay. Đồng thời, chúng dường như cũng mắc phải một sự mơ hồ nào đó. Một Thượng Hội đồng về tính hiệp hành dẫn chúng ta đến đâu? Chúng ta cùng đi trên con đường, nhưng con đường đó sẽ đưa chúng ta tới đâu? Đích đến là gì? Cuối cùng, chúng ta chắc chắn sẽ thất vọng chăng?
Như cha Cameli nói, “Tôi không thể hiểu chính xác về ‘tiến trình về một tiến trình’ này cho đến khi tôi nhớ lại bối cảnh lớn hơn”. Sau đó, cha tiếp tục suy tư về sự kiện Đức giáo hoàng Phanxicô là vị giáo hoàng đầu tiên hậu-Công đồng, và về tầm nhìn của Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII và Công đồng Vatican II. Đối với cha Cameli, tất cả kết hợp lại với nhau khi cha thành tâm xem xét kinh nghiệm và chuyển động của Giáo hội hoàn vũ. Đây là “đức tin tìm kiếm sự hiểu biết” trong hành động, và đó là tiến trình mà tôi muốn nêu bật.
Tôi cho rằng về bản chất, tính hiệp hành không thể được hiểu đầy đủ nếu không có sự cởi mở sẵn lòng tham gia vào đời sống của Giáo hội hoàn vũ như thế, bởi vì tính hiệp hành là về một Giáo hội đồng hành cùng nhau. Tuy nhiên, đối với tôi, dường như một khi nó được hiểu rõ thì tính hiệp hành là một điều đơn giản sâu sắc.
Sau đây là một suy tư và nó không toàn diện; Tôi sẽ không đi sâu vào chi tiết của tiến trình Thượng Hội đồng hoặc ý nghĩa của sự hiệp thông, tham gia và sứ vụ. Những tuyên bố của tôi là sự hiểu biết của riêng tôi chứ không mang tính thẩm quyền. Ngoài ra, tôi hy vọng hiểu biết của tôi về tính hiệp hành sẽ được phong phú hóa hoặc thay đổi khi tiến trình Thượng Hội đồng này tiếp tục.
MỘT GIÁO HỘI HIỆP HÀNH
Thượng Hội đồng và Hiệp hành có nghĩa là gì?
Những từ này xuất phát từ synod, có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp và có nghĩa là “con đường chung” hoặc “cùng nhau cất bước hành trình”. Giáo hội có một lịch sử lâu dài về các công nghị, trong đó một hội nghị các giám mục tập hợp và lắng nghe nhau về một chủ đề cụ thể.
Từ “Thượng Hội đồng”, như nó đang được sử dụng hiện nay, rút ra từ ý nghĩa và lịch sử của các công nghị để không chỉ diễn tả một cuộc họp của các giám mục, mà còn là một cái gì đó liên quan đến toàn thể Dân Chúa. Như Đức giáo hoàng Phanxicô đã nói ở Malta, “Anh chị em hãy trở thành một ‘thượng hội đồng’, hay nói cách khác, là ‘cùng nhau hành trình’”.
Tuy nhiên, đó không chỉ là cùng nhau hành trình. “Hiệp hành” có nghĩa là có sự lắng nghe và đối thoại, như Đức giáo hoàng Phanxicô đã mô tả khi khai mạc tiến trình Thượng Hội đồng. Ngài nói, “Nếu chúng ta muốn nói về một Giáo hội hiệp hành, chúng ta không thể chỉ thỏa mãn với vẻ bề ngoài mà thôi; chúng ta cần nội dung, phương tiện, và cấu trúc, là những thứ có thể tạo điều kiện cho việc đối thoại…”
Tuy nhiên, trên tất cả, tiến trình hiệp hành là một cuộc hành trình trong và với Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là nhân vật chính, và nếu không có Ngài, “sẽ không có hiệp hành”.
Gom những điều này lại với nhau, hiệp hành và tính hiệp hành có thể được hiểu là
- hành trình cùng nhau,
- lắng nghe nhau,
- trong Thánh Thần.
Những đặc điểm này diễn tả một Giáo hội hiệp hành. Đó là một Giáo hội mà trong đó Dân Chúa hiệp thông với Đức Chúa của chúng ta và với nhau, đang tham dự vào đời sống của Chúa Kitô lẫn cuộc sống của những người lân cận, và được hiệp nhất trong sứ mạng chung của Thánh Thần.
HÀNH TRÌNH CÙNG NHAU
Đức thánh cha Phanxicô đã hướng dẫn Giáo hội hướng tới tính hiệp hành ngay cả trước khi từ này có trong từ vựng Công giáo phổ biến. Trở lại năm 2017, khi khai mạc Hội đồng toàn thể lần thứ 70 của Hội đồng Giám mục Ý, ngài đã đưa ra định nghĩa rõ ràng về ý nghĩa của việc một Giáo hội hành trình cùng nhau:
Cùng nhau bước đi là con đường làm nên Giáo hội; là mô hình cho phép chúng ta giải thích thực tại bằng đôi mắt và con tim của Thiên Chúa; là điều kiện để theo Chúa Giêsu, và trở thành những người phục vụ sự sống trong thời đại bị tổn thương này.
Chúng ta cùng phân tích câu tóm tắt này mà ĐTC Phanxicô đưa ra:
Đó là một con đường làm nên Giáo Hội. Điều này có nghĩa là nó liên quan đến chính mục đích và sự thiết lập của Giáo hội. Giáo hội được Chúa Kitô thành lập như một Giáo hội lữ hành (như được mô tả trong suốt Lumen Gentium, nhưng đặc biệt là Chương VII), hành trình xuyên suốt lịch sử hướng đến cứu cánh tối hậu của Giáo hội. Nếu chúng ta không hành trình cùng nhau như một thân thể thống nhất thì sẽ có những ngăn cách và chia rẽ (như đã xảy ra thường xuyên trong suốt lịch sử Giáo hội). Sự hiệp nhất của Giáo hội và sự hành trình cùng nhau là cùng một điều.
Đó là một mô hình. Một mô hình giống như một mật mã giúp chúng ta phân định. Chúng ta phải bước đi cùng nhau như Chúa Giêsu đồng hành với người khác. Điều này chỉ cho chúng ta thấy Đức Chúa mong đợi điều gì từ Giáo hội và từ mỗi chúng ta. Việc tập trung vào hình mẫu Đức Kitô đang đồng hành với chúng ta, “cho phép chúng ta giải thích thực tại bằng đôi mắt và con tim của Thiên Chúa”.
Nó là một điều kiện. Cùng nhau bước đi là điều kiện để theo Chúa Giêsu. Chúng ta không thể theo Người bằng con đường khác với con đường Người đang đi. Bản thân việc Nhập thể của Chúa Giêsu là một hành động của việc cùng bước đi với nhân loại, và trong sứ vụ, Chúa Giêsu luôn luôn tiếp cận với người nghèo, người bị bỏ rơi và người đau khổ. Chúa Giêsu kiên nhẫn với các môn đệ và nghiêm khắc với những ai khinh thường người khác (x. Lc 18, 9). Chúa Giêsu là hình mẫu cho những gì Đức thánh cha Phanxicô gọi là “những người phục vụ sự sống trong thời đại bị tổn thương này”.
“Tính hiệp hành” chỉ đơn giản là một cách thức mới để diễn đạt những gì là thiết yếu đối với đời sống của Giáo hội.
LẮNG NGHE
Tính hiệp hành được hiểu như sự lắng nghe thì bổ sung cho tầm nhìn về tính hiệp hành được coi như một Giáo hội cùng nhau hành trình. Hiệp hành mà không lắng nghe thì chỉ là hình thức kiểm soát chứ không phải là thực thi trong tự do. Khác xa với việc áp đặt hoặc loại trừ những người không phù hợp, hiệp hành có nghĩa là chúng ta mở đôi tai ra với nhau. Hiệp hành không phải là việc ai sẽ kiểm soát Giáo hội, hay ai là người đưa ra các quyết định, hoặc kể cả những gì được đưa vào những tài liệu cuối cùng của tiến trình Thượng Hội đồng. Hiệp hành không phải là việc giáo dân có cơ may đưa ra quyết định khi được hàng giáo phẩm lắng nghe.
Đó là việc tất cả chúng ta học cách lắng nghe nhau, đặc biệt là đối với những anh em đồng đạo đang ở ngay trước mặt chúng ta. Điều quan trọng là hàng giáo phẩm phải lắng nghe giáo dân, nhưng tính hiệp hành không chỉ giới hạn ở điều đó. Đây là lý do tại sao các cuộc họp cấp giáo xứ rất quan trọng. Chúng không chỉ đơn thuần là những cuộc họp về Thượng Hội đồng, mà là những kinh nghiệm về tính hiệp hành.
Đức thánh cha Phanxicô đã nói về thái độ này với các Giám mục Ý, rằng:
Món quà đầu tiên trong số những món quà này đã hiện diện ở việc ‘convenire in unum’ [ở một nơi, ở cùng nhau], ở việc sẵn sàng chia sẻ thời gian, lắng nghe, sáng tạo và an ủi. Tôi hy vọng những ngày này sẽ được đặc trưng bởi sự trao đổi cởi mở, khiêm tốn và thẳng thắn.
Việc diễn tả cuộc trao đổi khiêm tốn và thẳng thắn này là một trải nghiệm. Như Đức thánh cha Phanxicô đã nói, “chúng ta hãy trải nghiệm khoảnh khắc gặp gỡ, lắng nghe và suy tư này như một mùa của ân sủng…” Đây là một trải nghiệm về việc đối thoại trực tiếp với những người Công giáo khác. Điều này đã được khởi sự trong các cuộc họp của giáo xứ. Họ bắt đầu bằng lời cầu xin Chúa Thánh Thần, và sau đó những người tham gia lắng nghe nhau. Sự tương tác như vậy rất khác so với sự trao đổi trực tuyến. Đây là cuộc đối thoại thực sự; nhìn nhau, lắng nghe nhau, và trung thực với nhau.
Từ kinh nghiệm của riêng tôi và những mẩu chuyện biết được về các buổi họp giáo xứ, có vẻ như một số người lần đầu tiên mở lòng về những niềm vui và đau khổ mà họ trải nghiệm khi là thành viên của Giáo hội. Điều này có thể vừa rất đáng ngạc nhiên vừa hiệu quả. Mặt khác, những cuộc họp này có thể trở nên tồi tệ nếu người nào đó dùng nó như một cơ hội để giải tỏa sự bực bội khó chịu của mình bằng cách át đi tất cả những tiếng nói khác. Một cuộc trao đổi thẳng thắn cũng có thể bị cản trở bởi những người chỉ nghe bằng tai để nhanh chóng tìm ra giải pháp hoặc lên danh sách việc cần làm.
Đức thánh cha Phanxicô đã cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc về mục đích của cuộc trao đổi này, khi ngài nói, “Đừng sợ những khoảnh khắc chống đối: hãy phó thác chính mình cho Thánh Thần, Đấng mở ra cho sự đa dạng và hòa giải sự khác biệt trong tình bác ái huynh đệ”. Tôi tìm thấy trong những từ này sự phản chiếu các Mối Phúc. “Những người có tâm hồn trong sạch” là những người đã đạt được sự hòa giải từ bên trong, và “những người kiến tạo hòa bình” là những người hòa giải những chia rẽ bên ngoài bản thân họ.
TRONG THÁNH THẦN
Tính hiệp hành nhất thiết phải là hiệp hành trong Thánh Thần. Đây là lý do tại sao lời cầu nguyện Adsumus (“Lạy Chúa Thánh Thần, chúng con đứng trước tôn nhan Ngài…”) rất nổi bật trong tiến trình Thượng Hội đồng này. Trong bài suy tư mở đầu khi bắt đầu tiến trình Thượng Hội đồng này, Đức thánh cha Phanxicô nói:
Tôi đoan chắc rằng Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn chúng ta và ban cho chúng ta ân sủng để cùng nhau tiến lên, lắng nghe nhau và bắt tay vào việc phân định thời đại mà chúng ta đang sống, trong sự liên đới với những đấu tranh và khát vọng của toàn thể nhân loại. Tôi muốn nói lại rằng Thượng Hội đồng không phải là một nghị viện hay một cuộc thăm dò ý kiến; Thượng Hội đồng là một sự kiện mang tính giáo hội và nhân vật chính của nó là Chúa Thánh Thần. Nếu Chúa Thánh Thần không hiện diện, sẽ không có Thượng Hội đồng.
Chúa Thánh Thần là Linh hồn của Giáo hội. Ngài làm sinh động và mang lại sự sống cho Giáo hội, Ngài hướng dẫn và làm sinh động cuộc hành trình này và thúc đẩy chúng ta lắng nghe nhau trên đường đi.
DIỄN ĐẠT CÁCH ĐƠN GIẢN
Tính hiệp hành là một đặc điểm mang tính Giáo hội của việc hành trình cùng nhau và lắng nghe nhau trong Thánh Thần. Toàn thể Giáo hội đang phân định ý nghĩa của hiệp hành, vì vậy việc cảm thấy mơ hồ, lẫn lộn thì không có gì là tiêu cực hoặc như kiểu “vạch áo cho người xem lưng”. Đúng hơn, trong tiến trình “đức tin tìm kiếm sự hiểu biết”, có thể thấy trước là sẽ có sự mơ hồ này. Tính hiệp hành tự nó đơn giản, nhưng nó cũng đòi hỏi một sự lựa chọn. Chúng ta có sẵn sàng làm theo Thánh Thần và hoán cải, ra khỏi bất cứ điều gì ngăn cản chúng ta bước đi trong sự hiệp nhất và lắng nghe nhau không? Nếu không, thì liệu điều đó nói gì về mối tương quan của chúng ta với Giáo hội?
Chuyển ngữ: Nt. Anna Ngọc Diệp, Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Nguồn: https://wherepeteris.com/ (20. 4. 2022)
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 131 (Tháng 9 & 10 năm 2022)
https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/hiep-hanh-la-dieu-don-gian-50809
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét