Lý lẽ bênh vực Chúa Kitô, chương sáu: Bằng chứng bác bỏ
Vũ Văn An
Chương Sáu: Bằng chứng bác bỏ
Chúa Giêsu của lịch sử có là một với Chúa Giêsu của Đức tin hay không?
Nó luôn xẩy ra trên loạt phim được chiếu lại Perry Mason và trong các tiểu thuyết bìa giấy, nhưng nó cực kỳ hiếm khi xẩy ra trong các bi kịch pháp lý đời thực. Nên, khi một nhân chứng tận mắt trong một vụ xử tội giết người bác bỏ, không tố cáo bị cáo là kẻ giết người, trái lại tự tố cáo mình là kẻ sát nhân, toàn thể toà án phải ngỡ ngàng, và tôi có câu truyện tuyệt vời cho tờ Chicago Tribune.
Richard Moss bị tố cáo đã bắn chết một thiếu niên Chicago 19 tuổi ở bên ngoài một quán rượu phía tây bắc. Người bạn lâu năm của Moss là Ed Passeri được gọi làm chứng để mô tả cuộc cãi lộn dẫn đến việc sát nhân.
Passeri mô tả khung cảnh diễn ra ở bên ngoài Quán Rusty Nail, rồi luật sư của bị cáo hỏi anh ta chuyện gì xẩy ra cho nạn nhân.
Không hề chớp mắt, Passeri trả lời ngay rằng sau khi nạn nhân đâm anh ta bằng chiếc kéo, “tôi bắn nó”.
Người ghi chép các lời cung khai ở tòa án há hốc miệng ra. Các công tố viên giơ tay lên trời. Quan tòa lập tức cho ngưng các thủ tục để thông báo cho Passeri quyền hiến chế của anh ta chống lại việc tự buộc tội mình. Và rồi bị cáo đứng lên nói đúng, đúng như thế, chính Passeri là người phạm tội ác.
Luật sư của bị cáo phát biểu, “điều Passeri làm là một hành vi can đảm”.
Nhưng các công tố viên không tin như thế. Một người trong số họ hỏi, “Can đảm cái gì? Passeri biết anh ta đâu có điều hành cái may rủi của công tố, vì bằng chứng duy nhất mà công tố có là chỉ về Richard Moss!”
Vẫn xác tín một cách áp đảo về tội lỗi của Moss, các công tố viên biết họ phải trình bầy chứng từ thật mạnh mới đảo ngược được lời của Passeri. Trong thuật ngữ luật pháp, điều họ cần là bằng chứng bác bỏ (rebuttal evidence), được định nghĩa như bất cứ chứng cớ nào có thể có để “giải thích, phản cung hay bác bỏ” một trình thuật của nhân chứng (1).
Ngày hôm sau, các công tố viên tra hỏi ba nhân chứng tận mắt khác, những người quả quyết chính Moss đã phạm tội giết người. Dựa vào đó và nhiều bằng chứng khác, các bồi thẩm viên đã kết luận Moss có tội (2). Các công tố viên đã làm đúng. Khi sức mạnh áp đảo của bằng chứng đã rõ ràng chỉ về hướng tội phạm của bị cáo, họ đã khôn ngoan hoài nghi một lời quả quyết không được nâng đỡ trong yếu tính, do một ai đó có quyền lợi được đảm bảo vĩnh viễn khi giúp bạn mình đưa ra.
Có thể bác bỏ hội thảo chuyên đề về Chúa Giêsu hay không?
Ý niệm luật pháp về bằng chứng bác bỏ thích hợp ra sao với cuộc điều tra của tôi về Chúa Giêsu?
Giờ đây lúc tôi đã nghe bằng chứng có tính thuyết phục mạnh mẽ và rất có lý từ các học giả tôi vặn hỏi cho cuốn sách này, tôi cần hướng chú ý của tôi vào các ý kiến dứt khoát mâu thuẫn của một nhóm nhỏ các nhà học thuật vốn là chủ đề của cơn lốc tường trình tin tức.
Tôi chắc chắn qúy bạn từng đã thấy các bài viết. Trong mấy năm gần đây, các phương tiện truyền thông tin tức đã tràn ngập các tường trình không phê phán về Cuộc Hội thảo Chuyên đề về Chúa Giêsu, tức nhóm tự chọn, đại diện một bách phân rất nhỏ các học giả Tân Ước nhưng đã được tường trình quá đáng về ảnh hưởng của nó.
Các tham dự viên thích được nổi tiếng của cuộc Hội thảo lôi cuốn được báo chí nhờ bỏ phiếu bằng những hạt đủ mầu cho việc họ có nghĩ rằng Chúa Giêsu có nói những điều được các sách Tin Mừng quả quyết chính Người đã nói hay không. Hạt mầu đỏ nghĩa là Chúa Giêsu chắc chắn nói điều đó hay một điều giống như thế; hạt mầu hồng có nghĩa có lẽ Người nói nó; hạt mầu xám có nghĩa là Người không nói điều đó nhưng ý tưởng thì tương tự như chính lời Người; và hạt mầu đen có nghĩa là Người không hề nói điều ấy.
Cuối cùng, họ kết luận Chúa Giêsu không nói 82 phần trăm những điều các sách Tin Mừng gán cho Người. Phần lớn 18 phần trăm còn lại được coi là đáng hoài nghi cách nào đó, chỉ có 2 phần trăm những điều Chúa Giêsu nói là có thể tự tin cho là chân chính (3). Thèm gây tranh cãi và thiếu tài chuyên môn để lục lọi phương pháp luận của cuộc Hội thảo, các nhà báo đã dành cả hàng giếng mực cho câu truyện của họ.
Rồi cuộc Hội thảo cho xuất bản The Five Gospels (Năm Tin Mừng), chứa bốn Tin mừng truyền thống thêm Tin mừng Tôma đáng ngờ, với những lời tô mầu của Chúa Giêsu để phù hợp với các khám phá của nhóm. Lật qua nó, các bạn sẽ thấy nhiều khoảng rất rộng mầu đen và rất ít khoảng dành cho mầu đỏ. Chẳng hạn, những lời duy nhất trong Kinh của Chúa được cuộc Hội thảo xác tín do chính Chúa Giêsu nói là “Kinh Lạy Cha”.
Nhưng tôi muốn đi quá bên kia các hàng tít lớn và khai quật, như bình luận gia Paul Harvey ưa nói, “phần còn lại của câu truyện”. Tôi muốn biết liệu có bất cứ bằng chứng bác bỏ đáng tin nào để bác bỏ các ý kiến gây bối rối và được quảng cáo rầm rộ đó hay không. Liệu các khám phá của cuộc Hội thảo về Chúa Giêsu có đặt cơ sở vững chắc trên một nghiên cứu học giả vô tư hay chúng chỉ giống như chứng từ yểu mệnh của Passeri: có ý nghĩa nhưng cuối ùng không được chống đỡ?
Để được trả lời, tôi đã lái xe 6 tiếng đồng hồ tới St. Paul, Minnesota, để hầu chuyện Tiến sĩ Gregory Boyd, một giáo sư thần học tốt nghiệp nhóm các trường đại học nổi tiếng ở miền Đông nước Mỹ (Ivy League); các sách và bài viết của ông vốn thách thức trực diện cuộc Hội thảo về Chúa Giêsu.
Cuộc Phỏng vấn Thứ năm: Gregory A. Boyd, Ph.D.
Lần đầu tiên Boyd chạm trán với cuộc Hội thảo về Chúa Giêsu là năm 1996, khi ông viết bài phê bình tàn hại chống các quan điểm cấp tiến về Chúa Giêsu, tựa là Cynic Sage or Son of God? Recovering the Real Jesus in an Age of Revisionist Replies [Hiền giả Khuyển nho hay Con Thiên Chúa? Tìm lại Chúa Giêsu Thực sự trong Thời đại của Những câu Trả lời Duy Xét lại]. Có nhiều ghi chú, cuốn sách 416 trang này được các độc giả của Christianity Today tôn vinh như một trong những cuốn sách qúy hiếm trong năm. Cuốn bìa giấy của ông, Jesus under Siege [Chúa Giêsu bị Vây hãm] tiếp tục cùng các thể tài ở bình diện nhập môn nhiều hơn.
Các cuốn sách khác của Boyd bao gồm cuốn được giải thưởng, Letters from a Skeptic [Các Lá thư từ một Kẻ Hoài nghi], trong đó, ông và người cha hoài nghi lúc đó của ông vật lộn vượt qua các vấn đề hắc búa liên quan tới Kitô giáo (lên tới cao điểm khi cha ông trở thành Kitô hữu), và cuốn God at War: The Bible and Spiritual Conflict[Thiên Chúa Chiến tranh: Kinh Thánh và Tranh chấp Thiêng liêng]. Ngoài ra, ông còn là học giả đóng góp cho The Quest Study Bible(Nghiên cứu Truy tìm Kinh thánh], vốn được thiết kế cho những ai hỏi những câu hỏi trí thức về đức tin Kitô giáo.
Sau khi đậu bằng cử nhân triết học từ Đại Học Minnesota, Boyd lãnh bằng thạc sĩ thần học (cum laude=hạng bình) từ Trường Thần học của Đại Học Yale và bằng tiến sĩ (magna cum laude=hạng ưu) từ Chủng viện Thần học Princeton.
Tuy nhiên, ông không phải là nhà trí thức kiểu tháp ngà. Với mái tóc đen gợn sóng, khổ người dẻo dai, và nụ cười hài hước, Boyd giống đối tác học thuật của diễn viên hài Howie Mandell. Và giống như Mandell, ông là động năng nguyên tuyền.
Lời lẽ từ ông thoát ra như nước thoát ra từ một ống nước bể. Ông phun ra các ý tưởng phức tạp và các ý niệm thần học bằng một vận tốc chóng mặt. Ông cựa quậy, ông làm cử chỉ, ông vặn vẹo người trong chiếc ghế ngồi. Không còn giờ nhét sơ mi vào trong quần, cất những giấy tờ nằm bừa bãi khắp văn phòng của ông, hay đặt lên giá các cuốn sách chồng chất trên sàn. Ông cũng rất bận bịu suy nghĩ, tranh luận, đặt câu hỏi, thắc mắc, mơ màng, suy niệm, phát minh, và đương đầu hết dự án này đến dự án khác.
Thật vậy, một nghề nghiệp mà thôi không đủ cho ông. Ngoài chức vụ giáo sư thần học tại Cao đẳng Bethel, ông còn là một mục sư tại Nhà thờ Woodland Hills, nơi việc thuyết giảng say mê của ông đã giúp gia tăng số tham dự từ 40 năm 1992 tới 2,500 hiện nay. Môi trường đời thực này giúp giữ ông trong thực tại cuộc sống hàng ngày.
Để khuây khỏa, ông tranh luận với các người vô thần. Ông vật lộn với Gordon Stein quá cố về chủ đề “Thiên Chúa có hiện hữu không?” Ông và mục sư trở thành kẻ hoài nghi Dan Baker đấu khẩu về vấn đề “Chúa Giêsu có sống lại từ cõi chết hay không?” Và trong chương trình được bảo trợ bởi Trung tâm Hồi giáo Minnesota, ông thách thức một người Hồi giáo về vấn đề “Thiên Chúa có phải là Ba Ngôi không?” Tâm trí lanh lợi của Boyd, sự nhanh trí, đầy tương cảm với người ta, và là kho dư trữ sâu xa kiến thức Kinh thánh và triết học làm ông trở thành một địch thủ đáng ngại.
Hơn nữa, ông còn có khả năng tổng hợp văn hóa đại chúng với nền học giả nghiêm túc như bất cứ ai tôi biết. Ông biết túc cầu tốt như biết các ghi chú. Ông có thể bắt đầu câu nói với một nhận xét ứng khẩu về một cuốn phim mới và kết thúc nó với một việc cao siêu nhắc đến một vấn đề hắc búa triết học sâu xa. Ông thoải mái đọc Dilbert hay xem một đoạn Seinfeld trong khi viết cuốn sách gây ấn tượng Trinity and Process: A Critical Evaluation and Reconstruction of Hartshorne’s Di-Polar Theism towards a Trinitarian Metaphysics [Ba Ngôi và Diễn trình: một Lượng giá và Tái dựng có phê phán Hữu thần thuyết Hai cực của Hartshorne hướng tới Một Siêu hình học Ba Ngôi].
Phong cách xuề xòa và thích trò truyện của ông nhanh chóng giúp tôi cảm thấy như ở nhà khi chúng tôi bước vào văn phòng ở lầu hai của ông. Tôi mau chóng thấy Boyd phấn khích và sẵn sàng tiếp chuyện.
Các trước tác từ ngoại vi cấp tiến
Tôi quyết định bắt đầu từ quan điểm của một người tiêu thụ tin tức trung bình. Tôi nói, “Người ta lượm một tờ tạp chí hay một tờ báo, đọc các kết luận của cuộc Hội thảo về Chúa Giêsu, và cho rằng điều này đại diện cho chính dòng của nền học giả Tân Ước. Nhưng thực sự có đúng như thế hay không?”.
Ông nói, trông như một ai đó vừa cắn phải một thứ gì chua lắm, “Không, không, không, không đúng như thế. Nhưng ông nói đúng, người ta có ấn tượng ấy”.
Ông lắc lư trong chiếc ghế ngồi cho tới lúc cảm thấy thoải mái đủ để kể lại câu truyện. Ông nói, “Khi báo Time công bố bài đầu tiên về cuộc Hội thảo về Chúa Giêsu, tôi đang trong diễn trình nói về Kitô giáo với một gã tôi muốn thiết lập tương giao với. Anh ta rất hoài nghi và rất say mê các ý niệm của New Age (Thời Mới).
“Chúng tôi có một người bạn chung đang nằm trong bệnh viện, và khi tôi đến thăm người này, thì anh ta đã ở đấy rồi, đang đọc tờ Time. Khi tôi bước vào phòng, anh ta nói với tôi, ‘À, Greg, xem ra các học giả bất đồng với anh’, và ném tờ tạp chí vào tôi!”
Boyd lắc đầu vừa buồn vừa không tin. “Ông thấy đấy, bài báo đó đem lại cho anh ta lý do không coi trọng tôi. Dù anh ta biết tôi là một học giả, anh ta giải thích bài báo này như muốn nói rằng đa số các học giả, ít nhất những người không phải cực đoan điên khùng, giữ các quan điểm này”.
Tôi có thể tương cảm với câu truyện của Boyd, sau khi đã nghe quá nhiều người đánh đồng cuộc Hội thảo về Chúa Giêsu với mọi học giả. Tôi hỏi, “ông có nghĩ ấn tượng đó chỉ là tình cờ không?”
Boyd trả lời, “À, cuộc Hội thảo về Chúa Giêsu chắc chắn tự mô tả họ cách này. Thật vậy, đây là một trong các khía cạnh gây khó chịu nhất của nó, không phải chỉ đối với người Tin lành nhưng đối với các học giả khác nữa.
“Nếu ông đọc cuốn sách của họ The Five Gospels, họ đưa ra ‘bẩy trụ cột của sự khôn ngoan bác học” làm như ông phải theo phương pháp luận của họ nếu ông muốn trở thành một học giả đích thực không bằng. Nhưng rất nhiều học giả, thuộc đủ bối cảnh, tỏ ra rất dè dặt đối với một hay thậm chí phần lớn trụ cột này. Và cuộc Hội thảo về Chúa Giêsu gọi bản dịch của họ là ‘bản học giả’, chà, điều này ngụ ý gì? Các bản khác không phải học giả chắc?”
Ông ngưng một lát, rồi đi vào cốt lõi của vấn đề. Ông nói, “Đây là sự thật. Cuộc Hội thảo về Chúa Giêsu đại diện cho một con số cực kỳ nhỏ các học giả ngoại biên cấp tiến thuộc cánh cực tả của tư duy Tân Ước. Nó không đại diện cho chính dòng học giả”.
Ông cười khẩy, “Và một cách oái oăm, họ có thương hiệu cực đoan riêng của họ. Họ nói họ đúng trong cách thức làm việc của họ, chấm hết”. Ông tắc lưỡi, nói thêm, “nhân danh sự đa dạng, họ thực sự rất nông cạn”.
Khám phá Chúa Giêsu “thực sự”
Tôi nói, “Ít nhất, các người tham dự cuộc Hội thảo về Chúa Giêsu cũng trung thực đối với các mục tiêu của họ, phải không?”
“Có, đúng thế. Họ minh nhiên nói rằng họ muốn cứu Kinh Thánh khỏi chủ nghĩa cực đoan và giải thoát người Mỹ khỏi niềm tin “ngây thơ” nghĩ rằng Chúa Giêsu của Kinh thánh là Chúa Giêsu “đích thực”. Họ nói rằng họ muốn một Chúa Giêsu có liên quan tới ngày nay. Một trong số họ nói rằng Chúa Giêsu truyền thống không nói gì tới các nhu cầu của cuộc khủng hoảng sinh thái, cuộc khủng hoảng hạt nhân, cuộc khủng hoảng duy nữ, nên chúng ta cần một hình ảnh khác về Chúa Giêsu. Như một trong số họ từng nói, chúng ta cần ‘một hư cấu mới’.
“Một trong những vặn vẹo là họ đi thẳng tới quần chúng thay vì tới các học giả khác. Họ muốn đem các phát kiến ra khỏi tháp ngà và đem chúng ra hàng chợ để gây ảnh hưởng đối với công luận. Và điều họ mưu toan là một hình thức Kitô giáo hoàn toàn mới”.
Ý niệm một Chúa Giêsu mới, một đức tin mới, một Kitô giáo mới, quả rất kích thích óc tò mò. Tôi nói, “vậy xin cho tôi biết về Chúa Giêsu mà các người của cuộc Hội thảo về Người khám phá ra này. Người ra sao?”
Ông nói, “Trong căn bản, họ đã khám phá ra điều họ lên đường đi tìm. Một số nghĩ rằng Người là một nhà cách mạng chính trị, một số cho Người là một người cuồng tín về tôn giáo, một số khác nghĩ Người là người làm phép lạ, một số nữa lại nghĩ Người là người duy nữ, một số cho Người là người chủ trương bình đẳng, một số khác lại nghĩ Người muốn lật nhào mọi sự, rất nhiều đa dạng”.
Rồi ông tóm lược trong một vấn đề chủ chốt. “Nhưng có một hình ảnh mà tất cả họ đều nhất trí: trước nhất, Chúa Giêsu phải là một Chúa Giêsu duy tự nhiên.
“Nói cách khác, nói bất cứ gì khác về Người, Chúa Giêsu là một con người giống như tôi và ông. Người có thể là một con người ngoại thường, có thể Người tiếp cận tiềm năng cố hữu của chúng ta một cách không ai khác có thể làm bao giờ, nhưng nhất định Người không siêu nhiên.
“Nên họ bảo Chúa Giêsu và các môn đệ đầu tiên không coi Người là Thiên Chúa hay Đấng Mêxia, và họ không coi cái chết của Người có một ý nghĩa đặc biệt nào. Việc Người bị đóng đinh là điều bất hạnh và quá sớm, và các câu truyện về việc Người phục sinh mãi sau này mới có như một cách cố gắng đương đầu với thực tại đáng buồn”.
Lắng nghe bằng chứng cách hợp tình hợp lý
Tôi đứng dậy và tha thẩn tới gía sách của ông trong khi đưa ra câu hỏi kế tiếp, tôi nói, “Được, nhưng bản thân ông tin rằng Chúa Giêsu đã sống lại, và có thể niềm tin của ông đã làm sai lệch quá đáng quan điểm của ông. Cuộc Hội thảo về Chúa Giêsu tự coi họ như một việc tìm tòi sự thật không thiên kiến tương tự như những người cam kết với tôn giáo, những người như ông, cũng có một nghị trình thần học”.
Boyd quay hẳn người lại nhìn thẳng vào tôi, nhấn mạnh, “À, nhưng đó không phải là điều đang diễn ra. Các tham dự viên của cuộc Hội thảo về Chúa Giêsu ít nhất cũng đầy thiên kiến như những người ngũ tuần, và tôi dám nói còn hơn thế. Họ đem cả một mớ giả thiết vào nền học thuật của họ, điều dĩ nhiên tất cả chúng tôi đều làm đến một mức nào đó.
“Giả thiết chính của họ, một giả thiết, bất ngờ, lại không phải là sản phẩm của cuộc nghiên cứu tìm tòi bác học vô tư, giả thiết đó là các sách Tin Mừng nói chung, thậm chí không đáng tin cậy. Họ kết luận điều này ngay từ đầu vì các sách Tin Mừng bao gồm những điều xem ra không có về phương diện lịch sử, như các phép lạ chẳng hạn, đi trên nước, cho người chết sống lại. Theo họ, những việc này đơn giản không xẩy ra. Đó là chủ nghĩa duy tự nhiên, một chủ nghĩa cho rằng với mọi hiệu quả trong thế giới tự nhiên hay vật lý, có một nguyên nhân tự nhiên”.
Tôi nói, “Vâng, nhưng há đó không phải là cách người ta sống cuộc sống của họ sao? Có phải ông muốn nói chúng ta nên tìm các câu giải thích siêu nhiên đàng sau mọi điều xẩy ra?”
Boyd nói, “Mọi người đều đồng ý rằng ông không cần kêu gọi tới các nguyên nhân siêu nhiên nếu ông không buộc phải làm như thế. Nhưng những học giả này đi quá đà và nói rằng ông không bao giờ buộc phải làm thế. Họ tiến hành dưới giả thiết cho rằng mọi sự trong lịch sử đều xẩy ra theo các kinh nghiệm riêng của họ, và vì họ chưa bao giờ thấy một điều siêu nhiên, nên họ cho rằng các phép lạ chưa bao giờ xẩy ra trong lịch sử.
“Đây là điều họ làm: họ bác bỏ khả thể siêu nhiên ngay từ đầu, và rồi nói, ‘bây giờ hãy đưa ra bằng chứng về Chúa Giêsu’. Không ngạc nhiên gì khi họ được kết quả mong muốn!”
Tôi muốn lật ngược vấn đề một chút, nên hỏi, “Được, thế thì ông tiến hành ra sao?”
“Tôi công nhận rằng ông không nên nại tới siêu nhiên trừ khi phải làm như thế. Vâng, trước nhất, phải tìm một giải thích tự nhiên đã. Suốt đời tôi, tôi đã làm thế. Một cây đổ, được, có thể do mối đục. Bây giờ, có phải một thiên thần đã xô nó đổ hay không? À, tôi sẽ không đi đến kết luận này trừ khi có bằng chứng dứt khoát cho việc này.
“Do đó, tôi công nhận như thế. Nhưng điều tôi không thể công nhận là suy đoán ghê gớm cho rằng chúng ta biết đủ về vũ trụ đế có thể nói Thiên Chúa, nếu có Thiên Chúa, chưa bao giờ bước vào thế giới một cách siêu nhiên. Đó quả là một giả thiết quá táo bạo. Đó không phải là một suy đoán dựa trên lịch sử; vì ông đang làm siêu hình.
“Tôi nghĩ nên có một chút khiêm nhường trong cuộc điều tra lịch sử để có thể nói rằng, ‘Ông biết đấy, có thể Chúa Giêsu Kitô đã sống lại từ cõi chết. Có thể các môn đệ của Người thực sự thấy những điều các sách Tin Mừng nói các ngài trông thấy’. Và nếu không có cách nào khác để giải thích bằng chứng cách thỏa đáng, thì chúng ta hãy điều tra khả thể đó.
“Tôi nghĩ đó là cách duy nhất lắng nghe bằng chứng một cách hợp tình hợp lý”.
Phê phán các tiêu chuẩn
Để đạt tới kết luận của họ cho rằng Chúa Giêsu không bao giờ nói phần lớn các lời lẽ trong các sách Tin Mừng, các thành viên của cuộc Hội thảo về Chúa Giêsu đã sử dụng một số giả thiết và tiêu chuẩn của riêng họ. Nhưng các tiêu chuẩn này có hợp lý và thích đáng không? Hay ngay từ đầu, chúng đã có thiên kiến, sẵn sàng sản sinh ra các kết quả mong muốn?
Boyd bắt đầu bằng cách phân tích phương thức của nhóm, “có rất nhiều vấn đề với các giả thiết và tiêu chuẩn của họ. Chẳng hạn, họ giả thiết rằng Giáo Hội sau này đã đặt những câu nói này vào miệng Chúa Giêsu, ngoại trừ họ có đủ bằng chứng để nghĩ khác đi. Giả thiết này bắt nguồn từ việc họ hoài nghi các sách Tin Mừng và giả thiết của họ cho rằng điều siêu nhiên không thể xẩy ra.
Các sử gia thường hoạt động với gánh nặng chứng cớ về phần sử gia phải chứng minh tính sai lạc hay tính không đáng tin cậy, vì người ta nói chung không phải là những người bẩm sinh nói láo. Không có giả thiết này, chúng ta sẽ biết rất ít về lịch sử cổ thời.
“Cuộc Hội thảo về Chúa Giêsu đảo ngược chuyện đó và nói rằng ông phải chứng minh một cách khẳng định rằng một câu nói nào đó phát xuất từ Chúa Giêsu. Rồi họ nghĩ ra một tiêu chuẩn đáng ngờ để làm điều đó. Dĩ nhiên, các học giả có quyền sử dụng các tiêu chuẩn thích đáng để cân nhắc xem liệu Chúa Giêsu có nói một điều gì đó hay không. Nhưng tôi phản đối ý niệm cho rằng nếu Chúa Giêsu không thoả mãn tiêu chuẩn này, thì hẳn Người không nói nó. Cái kiểu kết luận tiêu cực này có thể là một vấn đề”.
Bàn luận trong lãnh vực lý thuyết này là bắt đầu đem lại nhiều tối tăm hơn là rõ ràng đối với tôi. Tôi cần một số thí dụ cụ thể mới có thể theo dõi được quan điểm của Boyd. Tôi nói, “xin ông cho biết một số tiêu chuẩn chuyên biệt được họ sử dụng”.
Ông trả lời, “một tiêu chuẩn gọi là sự dị biệt kép [double dissimilarity]”. Điều này có nghĩa họ có thể tin Chúa Giêsu đã nói một điều gì đó nếu điều này xem ra không giống như điều một rabbi hay Giáo Hội sau này thường nói. Nếu không, họ giả thiết nó đã được du nhập bởi nguồn Do thái giáo hay Kitô giáo.
“Vấn đề hiển nhiên là Chúa Giêsu là người Do Thái và Người thành lập ra Giáo Hội Kitô giáo, nên không ngạc nhiên gì nếu Người nói giọng Do Thái và Kitô giáo! Thế mà họ lại áp dụng tiêu chuẩn này để kết luận một cách tiêu cực rằng Chúa Giêsu không nói rất nhiều điều.
“Rồi có tiêu chuẩn ‘đa chứng thực’ [multiple attestation], nghĩa là ta chỉ có thể biết chắc Chúa Giêsu đã nói điều gì đó nếu nó được tìm thấy nhiều hơn một nguồn duy nhất. Dĩ nhiên, điều này có thể là một thử nghiệm hữu ích để xác nhận một câu nói. Tuy nhiên, tại sao lý luận theo hướng khác, tức nếu chỉ tìm thấy trong một nguồn duy nhất, sẽ vô giá trị? Thật vậy, phần lớn lịch sử cổ thời chỉ dựa vào những nguồn đơn nhất. Nói chung, nếu một nguồn được coi là đáng tin cậy, và tôi lý luận rằng có nhiều lý do để tin rằng các sách Tin Mừng đáng tin cậy, thì nó đáng được coi là đáng tin, cho dù nó không được các nguồn khác xác nhận.
“Dù khi các câu nói của Chúa Giêsu được tìm thấy trong hai hay ba sách Tin Mừng, họ cũng không coi đó là thoả mãn tiêu chuẩn “đa chứng thực”. Nếu một câu nói được tìm thấy ở Mátthêu, Máccô và Luca, họ vẫn coi đó như phát xuất từ một nguồn, vì họ cho rằng Mátthêu và Luca sử dụng Máccô để viết các Tin Mừng của các ngài. Họ đã không nhận ra rằng càng ngày càng có nhiều học giả dè dặt nghiêm túc đối với lý thuyết cho rằng Mátthêu và Luca sử dụng Máccô. Với lối suy nghĩ này, ông sẽ thấy tại sao việc chứng minh tiêu chuẩn “đa chứng thực” là điều cực kỳ khó khăn”.
Boyd bắt đầu tiếp tục nói, nhưng tôi cho ông hay ông đã trình bầy được trọng điểm của ông rồi: ngay từ đầu, đã là các tiêu chuẩn có thiên kiến, sẵn sàng sản sinh ra các kết quả mong muốn.
Còn 1 kỳ
Vietcatholic News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét