Về sự ngây thơ, thuần khiết và khiết tịnh
Ronald Rolheiser, 2023-05-01
Trong nghi thức rửa tội Kitô giáo có một nghi thức nhỏ vừa cảm động vừa siêu thực. Là lúc em bé được mặc áo trắng tượng trưng cho sự ngây thơ và thuần khiết. Linh mục hay thừa tác viên sẽ nói những lời này: “Hãy nhận lấy tấm áo trắng này và giữ nó tinh tuyền trước ngai phán xét của Chúa Giêsu Kitô”.
Dù những lời này thật cảm động, nhưng chúng ta không thể không nghĩ rằng điều này thật bất khả thi, trừ phi đứa bé chết từ khi còn nhỏ. Chắc chắn tấm áo trắng của chúng ta sẽ phải dính vài vết nhơ. Và nó sẽ đến trong tuổi trưởng thành. Chẳng ai đi qua cuộc đời mà không đánh mất sự ngây thơ của một đứa trẻ.
Nhưng dù là thế, sự ngây thơ vẫn là một lý tưởng cần được nuôi dưỡng và phục hồi liên tục. Và điều này càng cần được bảo vệ trong thời nay, vì sự ngây thơ và những phẩm chất đi kèm của nó là sự thuần khiết và khiết tịnh đang gặp khó khăn trong một thế giới có khuynh hướng đánh giá cao sự tinh tế hơn tất cả và thường xem ngây thơ là ngờ nghệch và giả vờ.
Chuyện này có một lịch sử khá dài. Trong nhiều thế kỷ, các giáo hội xem ngây thơ, thuần khiết và khiết tịnh là những nhân đức nổi trội trong nề nếp kitô giáo và cuộc sống. Tuy nhiên, từ thế kỷ 17 trở đi, các nhà tư tưởng lớn đã cố lật ngược điều này, cho rằng những nhân đức này thật ra là phản nhân đức. Với họ, ngây thơ, thuần khiết và khiết tịnh là những lý tưởng đánh tráo, những ảo tượng của sự rụt rè, những triệu chứng của một thù địch vô thức đối với cuộc đời. Chẳng hạn triết gia Nietzsche đã viết: “Giáo hội đấu tranh với những đam mê bằng cách cắt bỏ nó đi, việc thực hành và phép chữa của nó chỉ là một kiểu thiến hoạn”. Freud thì cho rằng trong những quan niệm về ngây thơ, thuần khiết và khiết tịnh có nhiều dấu vết của sự ái kỷ, ngông cuồng và ảo tưởng bất khả chiến bại. Theo những tư tưởng gia thời đại Ánh sáng này, khi lý tưởng hóa sự ngây thơ, thuần khiết và khiết tịnh, nhân loại đồng ý biến mình thành bất hạnh khi phương thuốc thanh tẩy tâm hồn cũng đưa vào những độc chất tinh thần như tự thị, kiêu ngạo, và lãnh đạm, một thứ còn ghê gớm hơn dục vọng xa.
Văn hóa chúng ta, trừ một vài người phê bình gay gắt, về căn bản tin vào lập luận này. Dĩ nhiên có những ngoại lệ nổi bật trong các giáo hội chúng ta, nhưng trong tâm thức của nền văn hóa, sự ngây thơ, thuần khiết và khiết tịnh bị đánh đồng với dè dặt, ngây ngô và trào lưu chính thống.
Như vậy, chuyện sẽ thế nào đây? Thật sự không chắc chắn lắm.
Những người bảo thủ, với những ngụy trang của họ, có khuynh hướng sợ phá vỡ điều cấm kỵ, nhất là những chuyện liên quan đến ngây thơ, thuần khiết và khiết tịnh. Chuyện này có ý định lành mạnh. Đây chính là suy nghĩ của nhà văn J.D. Salinger (Bắt trẻ đồng xanh) khi nhìn vào những đứa trẻ ngây thơ chơi đùa và ước gì chúng không bao giờ trưởng thành mà luôn mãi ngây thơ và vui vẻ. Những người bảo thủ sợ bất kỳ dạng tinh tế nào gây hủy hoại sự ngây thơ. Như thế là có ý tốt, nhưng phi thực tế. Chúng ta cần trưởng thành và trưởng thành đi kèm với sự phức tạp, tinh tế, lộn xộn và những vết nhơ trên chiếc áo trắng rửa tội. Thiên Chúa không định cho chúng ta làm trẻ em ngây thơ chơi đùa trên đồng xanh mãi.
Những người theo chủ nghĩa tự do lại có một lớp ngụy trang khác, nhưng cũng chật vật (tương đương dù theo cách khác) đối với sự ngây thơ, thuần khiết và khiết tịnh. Họ ít sợ phá vỡ điều cấm kỵ hơn. Với họ, các giới hạn là để mở rộng và hầu hết là để phá vỡ, như thế, sự ngây thơ là một giai đoạn mà chúng ta sẽ vượt qua và bỏ lại sau lưng (như tin vào Ông già Noel). Thật vậy, với người theo chủ nghĩa tự do, hiện thực hóa bản thân bắt đầu bằng việc làm chủ sự phức tạp của mình, nhận ra sự thần thánh của nó và chấp nhận rằng mất đi sự ngây thơ và có được sự phức tạp chính là thứ mở ra cho chúng ta một ý nghĩa thâm sâu hơn. Kinh nghiệm đem lại kiến thức. Khi Adam và Eva ăn trái cấm, mắt họ mở ra chứ không đóng lại. Với người theo chủ nghĩa tự do, sự ngây thơ không phải là đức tính, sự tinh tế mới là đức tính. Sự ngây thơ bị xem là phi thực tế, sự thuần khiết bị xem là rụt rè về tình dục và sự khiết tịnh là trào lưu tôn giáo chính thống cực đoan.
Cả hai quan điểm bảo thủ và tự do, đều đưa ra những cảnh báo lành mạnh. Lời cảnh báo của bảo thủ có thể giúp chúng ta tránh những hành vi tự hoại, còn lời cảnh báo của tự do thì mời gọi chúng ta đừng sợ hãi, cứu chúng ta khỏi sự dè dặt và ngây ngô không lành mạnh. Tuy nhiên, chúng ta phải học hỏi lẫn nhau. Những người bảo thủ cần học biết rằng Thiên Chúa không dự định cho chúng ta tôn sùng sự ngây thơ và ngây ngô của một đứa trẻ. Chúng ta phải học hỏi, phải trưởng thành, phải tinh tế hóa. Nhưng những người theo chủ nghĩa tự do cần biết rằng sự tinh vi, cũng như sự ngây thơ, tự nó không phải là cùng đích, mà là một giai đoạn để con người vượt qua.
Triết gia lừng danh Paul Ricoeur có nói một điều, sự trưởng thành cuối cùng phải trải qua các giai đoạn. Chúng ta phải đi từ sự ngây ngô của đứa bé, rồi mất đi sự ngây thơ, trở nên rối rắm và thường là tinh tế yếm thế của tuổi trưởng thành, và hướng đến “sự ngây ngô thứ hai”, sự hậu-tinh tế, sự ngây thơ lần nữa, trở nên như con trẻ chứ không phải ấu trĩ, đơn thuần chứ không phải là đơn giản.
Trong sự ngây ngô lần nữa này, chiếc áo trắng rửa tội của chúng ta sẽ lại không tì vết, được giặt sạch trong máu của sự ngây thơ mới.
J.B. Thái Hòa dịch
https://phanxico.vn/2023/05/03/ve-su-ngay-tho-thuan-khiet-va-khiet-tinh/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét