Trang

Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2023

Giáo lý cho bài giảng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm A

Giáo lý cho bài giảng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm A

 
  •  
  •  


GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG
LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG NĂM A
(Theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích) 


Số 696, 726, 731-732, 737-741, 830, 1076, 1287, 2623: Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Số 599, 597,674, 715: Chứng tá của các tông đồ về Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Số 1152, 1226, 1302, 1556: Mầu nhiệm Chúa Thánh Thần Hiện Xuống vẫn tiếp diễn trong Hội Thánh

Số 767, 775, 798, 796, 813, 1097, 1108-1109: Hội Thánh, hiệp thông trong Thần Khí

Bài Ðọc I: Cv 2, 1-11

Ðáp ca: Tv 103, 1ab và 24ac. 29bc-30. 31 và 34

Bài Ðọc II: 1 Cr 12, 3b-7. 12-13

Ca Tiếp Liên

Phúc Âm: Ga 20, 19-23


Số 696, 726, 731-732, 737-741, 830, 1076, 1287, 2623: Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

696. Lửa. Trong khi nước là biểu tượng của việc sinh sản và sinh sôi nảy nở của sự sống được ban trong Chúa Thánh Thần, thì lửa là biểu tượng của sức mạnh có sức biến đổi của các hoạt động của Chúa Thánh Thần. Tiên tri Êlia, người “xuất hiện… chẳng khác nào ngọn lửa, lời của ông tựa đuốc cháy bừng bừng” (Hc 48,1), bằng lời cầu nguyện, ông kéo lửa từ trời xuống thiêu cháy hy lễ trên núi Carmel[1], lửa này như hình ảnh của ngọn lửa là Chúa Thánh Thần, làm biến đổi những gì lửa đó chạm tới. Ông Gioan Tẩy Giả, người đi trước Chúa “đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Êlia” (Lc 1,17), đã loan báo Đức Kitô là Đấng “sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa” (Lc 3,16), trong Đấng là Thần Khí mà Chúa Giêsu sẽ nói về Ngài: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12,49). Dưới hình ảnh những cái lưỡi “như bằng lửa”, Chúa Thánh Thần ngự trên các môn đệ vào sáng ngày lễ Ngũ Tuần và xuống đầy lòng các ông[2]. Truyền thống linh đạo sẽ giữ lại biểu tượng ngọn lửa như biểu tượng diễn cảm nhất của hành động của Chúa Thánh Thần[3]: “Anh em đừng dập tắt Thần Khí” (1 Tx 5,19).

726. Vào cuối sứ vụ này của Chúa Thánh Thần, Đức Maria trở nên “Người Đàn Bà”, bà Evà mới, “Mẹ của chúng sinh”, Mẹ của “Đức Kitô toàn thể” (“totius Christi” Mater)[4]. Chính với tư cách này, Mẹ hiện diện với nhóm Mười Hai, “đồng tâm nhất trí chuyên cần cầu nguyện” (Cv 1,14), vào lúc bình minh của “thời đại cuối cùng” mà Thần Khí sắp khai mạc vào sáng ngày lễ Ngũ Tuần với việc làm tỏ hiện Hội Thánh.

Lễ Ngũ Tuần

731. Ngày lễ Ngũ Tuần (vào cuối bảy tuần mừng lễ Vượt Qua), cuộc Vượt Qua của Đức Kitô được hoàn thành bằng việc tuôn đổ Chúa Thánh Thần, Đấng được biểu lộ, được ban, và được truyền thông với tư cách là một Ngôi Vị thần linh: Chúa Kitô từ nguồn sung mãn của Người tuôn đổ cách đầy tràn Thần Khí của Người [5].

732. Trong ngày đó, mầu nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh được mạc khải trọn vẹn. Sau ngày đó, Nước mà Đức Kitô đã loan báo, được mở ra cho những ai tin vào Người: trong sự khiêm hạ của xác phàm và trong đức tin, họ đã được tham dự vào sự hiệp thông của Ba Ngôi Chí Thánh. Chúa Thánh Thần, nhờ việc Ngài ngự đến, mà Ngài không ngừng ngự đến, dẫn đưa trần gian vào “thời đại cuối cùng”, thời đại của Hội Thánh, vào Nước đã được sở hữu làm gia sản, nhưng chưa hoàn tất:

“Chúng ta đã thấy Ánh sáng thật, chúng ta đã lãnh nhận Thánh Thần Thiên Chúa, chúng ta đã tìm được đức tin chân chính: chúng ta tôn thờ Ba Ngôi bất khả phân ly, vì chính Ba Ngôi đã cứu độ chúng ta”[6].

Chúa Thánh Thần và Hội Thánh

737. Sứ vụ của Đức Kitô và của Chúa Thánh Thần được thực hiện trong Hội Thánh, là Thân Thể Đức Kitô và Đền Thờ Chúa Thánh Thần. Sứ vụ phối hợp này từ nay đưa các tín hữu của Đức Kitô vào sự hiệp thông của Người với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần: Thần Khí chuẩn bị người ta, Ngài đến với họ trước bằng ân sủng của Ngài để lôi kéo họ đến với Đức Kitô. Chính Ngài làm tỏ hiện Chúa phục sinh cho họ, nhắc cho họ nhớ Lời của Người và mở trí cho họ hiểu được sự Chết và sự Sống Lại của Người. Ngài làm cho mầu nhiệm của Đức Kitô hiện diện cho họ, nhất là trong bí tích Thánh Thể, để hòa giải họ, và cho họ được hiệp thông với Thiên Chúa, để làm cho họ “mang lại nhiều hoa trái”[7].

738. Như vậy, sứ vụ của Hội Thánh không phải là được thêm vào sứ vụ của Đức Kitô và của Chúa Thánh Thần, nhưng là bí tích của sứ vụ đó: Hội Thánh, tự bản chất và trong tất cả các chi thể của mình, được sai đi để loan báo và làm chứng, hiện tại hóa và truyền bá mầu nhiệm hiệp thông của Ba Ngôi Chí Thánh (đây sẽ là nội dung của mục kế tiếp):

“Tất cả chúng ta đã lãnh nhận cùng một Thần Khí duy nhất là Thánh Thần, nên một cách nào đó chúng ta được kết hợp với nhau và với Thiên Chúa. Mặc dầu chúng ta nhiều người, và mặc dầu Đức Kitô đã làm cho Thần Khí của Chúa Cha và của Người cư ngụ trong mỗi người chúng ta, Thần Khí vẫn là một và không thể phân chia, Ngài quy tụ những thần trí riêng rẽ… trong sự hợp nhất nhờ chính Ngài và làm cho tất cả như nên một trong Ngài. Cũng như sức mạnh của Mình Thánh Chúa Kitô làm cho những ai ăn Mình Thánh Người được thuộc về một thân thể duy nhất như thế nào, thì cũng một cách đó, theo tôi nghĩ, Thần Khí duy nhất và không thể phân chia của Thiên Chúa đang ngự trong mọi người, cũng đưa mọi người đến sự hợp nhất tinh thần như vậy”[8].

739. Bởi vì Chúa Thánh Thần là sự Xức Dầu của Đức Kitô, nên Đức Kitô, là Đầu của thân thể, tuôn đổ Thánh Thần cho các chi thể của Người để nuôi dưỡng và chữa lành họ, cắt đặt họ vào trong các phận vụ đối với nhau, lam cho họ được sống, sai họ đi làm chứng, liên kết họ vào việc Người dâng mình lên Chúa Cha và vào việc Người chuyển cầu cho khắp cả trần gian. Qua các bí tích của Hội Thánh, Đức Kitô truyền thông cho các chi thể của Ngươi Thần Khí của Người, là Đấng Thánh và là Đấng Thánh Hóa (đây sẽ là nội dung của Phần Thứ Hai của Sách Giáo Lý này).

740. “Những kỳ công của Thiên Chúa” đang nói ở đây, được ban cho các tín hữu trong các bí tích của Hội Thánh, sẽ mang lại hoa trái trong đời sống mới trong Đức Kitô theo Thần Khí (đây sẽ là nội dung của Phần Thứ Ba của Sách Giáo Ly này).

741. “Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả” (Rm 8,26). Chúa Thánh Thần, Đấng thực hiện các công trình của Thiên Chúa, là Thầy dạy cầu nguyện (đây sẽ là nội dung của Phần Thứ Tư của Sách Giáo Lý này).

“Công giáo” là gì?

830. Thuật ngữ “công giáo” (catholica) có nghĩa là “phổ quát”, hoặc “theo tính toàn bộ” hoặc “theo sự toàn vẹn”. Hội Thánh là công giáo theo cả hai nghĩa:

Hội Thánh là công giáo bởi vì trong Hội Thánh có Đức Kitô hiện diện. “Ở đâu có Đức Kitô Giêsu, ở đó có Hội Thánh Công giáo”[9]. Nơi Hội Thánh, tồn tại sự sung mãn của Thân Thể Đức Kitô, được kết hợp với Đầu của mình[10], điều đó có nghĩa là Hội Thánh đã nhận được từ Đức Kitô “đầy đủ các phương tiện cứu độ”[11] theo như Người muốn: lời tuyên xưng đức tin chính xác và trọn vẹn, đời sống bí tích toàn vẹn và thừa tác vụ thánh chức trong sự kế nhiệm tông truyền. Theo ý nghĩa căn bản này, Hội Thánh đã là công giáo từ ngày lễ Ngũ Tuần[12] và mãi mãi sẽ là công giáo cho đến ngày Chúa quang lâm.

1076. Ngày lễ Ngũ Tuần, nhờ việc tuôn ban Chúa Thánh Thần, Hội Thánh được biểu lộ cho trần gian[13]. Hồng ân của Thần Khí khai mở một thời đại mới trong “việc phân phát các mầu nhiệm”: đó là thời đại của Hội Thánh, trong thời gian kéo dài này, Đức Kitô, nhờ phụng vụ của Hội Thánh Người, biểu lộ, làm hiện diện và truyền thông công trình cứu độ của Người “cho tới khi Chúa đến” (1 Cr 11,26). Trong thời đại này của Hội Thánh, Đức Kitô từ nay song và hành động trong và với Hội Thánh Người một cách mới, riêng cho thời đại mới này. Người hành động qua các bí tích; truyền thống chung của Hội Thánh, Đông phương cũng như Tây phương, gọi đó là “Nhiệm cục bí tích”: nhiệm cục này cốt tại việc truyền thông (hoặc “phân phát”) hoa trái của mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô trong việc cử hành phụng vụ “bí tích” của Hội Thánh.

Do đó, trước hết, cần phải trình bày “việc phân phát bí tích” (Chương một). Nhờ đó, chúng ta sẽ thấy rõ hơn bản chất và những khía cạnh cốt yếu của việc cử hành phụng vụ (Chương hai).

1287. Tuy nhiên, việc tràn đầy Thần Khí không phải chỉ dành cho Đấng Messia, mà phải được truyền thông cho toàn thể dân của Đấng Messia[14]. Nhiều lần, Đức Kitô đã hứa việc tuôn ban Thần Khí như vậy[15], và Người đã thực hiện lời hứa đó trước tiên vào ngày lễ Vượt Qua[16], và sau đó, một cách hoành tráng hơn, vào ngày lễ Ngũ Tuần[17]. Được tràn đầy Chúa Thánh Thần, các Tông Đồ bắt đầu rao giảng “những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2,11), và thánh Phêrô công bố rằng việc tuôn đổ Thánh Thần này là dấu chỉ thời đại Messia[18]. Lúc đó những ai tin lời rao giảng của các Tông Đồ và chịu Phép Rửa, thì đến lượt họ cũng được lãnh nhận hồng ân Chúa Thánh Thần[19].

2623. Ngày lễ Ngũ Tuần, Thần Khí của Lời hứa được đổ tràn xuống các môn đệ “đang tề tựu ở một nơi” (Cv 2,1), “tất cả… đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện” để chờ đón Ngài (Cv 1,14). Thần Khí, Đấng dạy dỗ Hội Thánh và nhắc cho Hội Thánh nhớ mọi điều Chúa Giêsu đã nói[20], cũng sẽ huấn luyện Hội Thánh về đời sống cầu nguyện.


Số 599, 597,674, 715: Chứng tá của các tông đồ về Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

“Chúa Giêsu bị nộp theo kế hoạch Thiên Chúa đã định”

599. Cái chết tàn nhẫn của Chúa Giêsu không phải là kết quả ngẫu nhiên do sự kết hợp của những tình huống bất hạnh. Cái chết đó thuộc về mầu nhiệm của kế hoạch của Thiên Chúa, như thánh Phêrô giải thích cho người Do thái ở Giêrusalem ngay từ bài giảng đầu tiên trong ngày lễ Ngũ Tuần: Người đã bị nộp “theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước” (Cv 2,23). Thánh Kinh nói như vậy không có nghĩa là những kẻ đã “nộp Chúa Giêsu”[21] chỉ là những người thụ động làm theo một kịch bản do Thiên Chúa viết trước.

Người Do Thái không có tội một cách tập thể về cái chết của Chúa Giêsu

597. Xét đến tính chất phức tạp về mặt lịch sử của vụ án Chúa Giêsu, được biểu lộ trong các trình thuật của các sách Tin Mừng, và bất cứ tội cá nhân nào của những người tham gia vụ án này (Giuđa, Thượng Hội Đồng, Philatô) chỉ mình Thiên Chúa biết, nên chúng ta không thể quy trách nhiệm cho mọi người Do thái ở Giêrusalem, mặc dù đã có những tiếng la ó của đám đông bị lừa gạt[22], và những lời trách cứ tập thể trong các bài giảng kêu gọi hối cải sau lễ Ngũ Tuần[23]. Chính Chúa Giêsu trên thập giá đã tha thứ cho họ[24], và sau Người, thánh Phêrô cũng coi những người Do thái ở Giêrusalem và cả các thủ lãnh của họ là đã hành động vì “không hiểu biết”[25]. Càng không được mở rộng trách nhiệm đến những người Do thái ở những nơi chốn khác và thời đại khác, căn cứ vào tiếng la ó của dân chúng: “Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi” (Mt 27,25), vì đây chỉ là một công thức thừa nhận bản án[26]. Vì vậy, Hội Thánh đã tuyên bố tại Công đồng Vaticanô II:

“Không thể quy trách nhiệm một cách không phân biệt về những tội ác người ta đã phạm trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu cho mọi người Do thái thời đó, cũng như cho người Do thái thời nay…. Không thể nói rằng Thiên Chúa đã loại bỏ người Do thái hoặc đã chúc dữ cho họ, coi đó như là điều được dạy trong Thánh Kinh”[27].

Việc Ngự đến vinh hiển của Đức Kitô, niềm hy vọng của Israel

674. Việc Ngự đến của Đấng Messia vinh hiển vào bất cứ lúc nào trong lịch sử tùy thuộc[28] vào việc Người được nhận biết bởi “toàn thể Israel”[29] mà một phần dân ấy còn cứng lòng[30] “không tin” (Rm 11,20) vào Chúa Giêsu. Thánh Phêrô nói với người Do Thái ở Giêrusalem sau lễ Ngũ Tuần: “Anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Ngài xóa bỏ tội lỗi cho anh em. Như vậy, thời kỳ an lạc mà Chúa ban cho anh em sẽ đến, khi Ngài sai Đấng Kitô Ngài đã danh cho anh em, là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu còn phải được giữ lại trên trời, cho đến thời phục hồi vạn vật, thời mà Thiên Chúa đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ của Ngài mà loan báo tự ngàn xưa” (Cv 3,19-21). Thánh Phaolô cũng nhắc lại điều đó: “Thật vậy, nếu vì họ bị gạt ra một bên mà thế giới được hòa giải với Thiên Chúa, thì việc họ được thâu nhận lại là gì, nếu không phải là từ cõi chết bước vào cõi sống?” (Rm 11,15). Việc gia nhập của đông đủ người Do Thái[31] vào ơn cứu độ của Đấng Messia, sau việc gia nhập đông đủ của các dân ngoại[32], sẽ làm cho dân Chúa đạt “tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4,13), trong đó, “Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài” (1 Cr 15,28).

Sự mong đợi Đấng Messia và Thần Khí của Người

715. Các bản văn tiên tri trực tiếp liên quan đến việc sai Chúa Thánh Thần đến, là những lời sấm trong đó Thiên Chúa lấy ngôn ngữ Lời hứa mà nói vào trái tim của dân Ngài, bằng cung giọng yêu thương và trung tín[33], sáng ngày lễ Ngũ Tuần, thánh Phêrô sẽ tuyên bố việc hoàn thành những điều đó[34]. Theo những lời hứa đó, trong “thời sau hết”, Thần Khí Thiên Chúa sẽ đổi mới trái tim người ta bằng cách ghi khắc Lề luật mới trong họ; Ngài sẽ quy tụ và giao hoà những dân tộc đã bị phân tán và chia rẽ; Ngài sẽ biến đổi công trình tạo dựng thứ nhất và Thiên Chúa sẽ ở đó với người ta trong hoà bình.


Số 1152, 1226, 1302, 1556: Mầu nhiệm Chúa Thánh Thần Hiện Xuống vẫn tiếp diễn trong Hội Thánh

Các dấu chỉ và biểu tượng

1152. Các dấu chỉ bí tích. Từ sau Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần thực hiện việc thánh hóa qua các dấu chỉ bí tích của Hội Thánh của Ngài. Các bí tích của Hội Thánh không xóa bỏ, nhưng thanh luyện, đón nhận tất cả sự phong phú của các dấu chỉ và các biểu tượng của thế giới vật chất và đời sống xã hội. Hơn nữa, các bí tích còn hoàn tất những tiên trưng và hình bóng của Giao Ước cũ, biểu thị và thực hiện ơn cứu độ do Đức Kitô mang lại, và cho thấy trước cũng như cho nếm trước vinh quang thiên quốc.

Bí tích Rửa Tội trong Hội Thánh

1226. Từ ngày lễ Ngũ Tuần, Hội Thánh đã cử hành và ban bí tích Rửa Tội. Thật vậy, thánh Phêrô tuyên bố với đám đông đang bối rối vì bài giảng của ngài: “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu Phép Rửa nhân danh Chúa Giêsu Kitô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được hồng ân là Thánh Thần” (Cv 2,38). Các Tông Đồ và những cộng sự viên của các ngài ban bí tích Rửa Tội cho những ai tin vào Chúa Giêsu: những người Do Thái, những người kính sợ Thiên Chúa và những người ngoại giáo[35]. Bí tích Rửa Tội luôn gắn liền với đức tin. Thánh Phaolô tuyên bố với viên cai ngục canh giữ ông ở Philipphê: “Hãy tin vào Chúa Giêsu, thì ông và cả nhà sẽ được cứu độ”. Trình thuật kể tiếp: “Lập tức, ông ấy được chịu Phép Rửa cùng với tất cả người nhà” (Cv 16,31-33).

Những hiệu quả của bí tích Thêm sức

1302. Việc cử hành cho thấy rõ hiệu quả của bí tích Thêm Sức là sự tuôn đổ tràn đầy Chúa Thánh Thần, như xưa Ngài đã được tuôn đổ trên các Tông Đồ ngày lễ Ngũ Tuần.

Truyền chức Giám mục – Sự viên mãn của bí tích Truyền Chức Thánh

1556. Để hoàn thành sứ vụ cao cả của mình, “các Tông Đồ được Đức Kitô đổ tràn đầy Chúa Thánh Thần cách đặc biệt, và chính các Tông Đồ trao ban hồng ân thiêng liêng cho các cộng sự viên của mình qua việc đặt tay, điều đó được lưu truyền cho đến chúng ta trong việc thánh hiến Giám mục”[36].


Số 767, 775, 798, 796, 813, 1097, 1108-1109: Hội Thánh, hiệp thông trong Thần Khí

Hội Thánh – được tỏ hiện bởi Chúa Thánh Thần

767. “Vậy sau khi công trình mà Chúa Cha trao cho Chúa Con thực hiện nơi trần thế đã được hoàn tất, thì Chúa Thánh Thần được sai đến vào ngày lễ Ngũ Tuần, để Ngài thánh hoá Hội Thánh một cách liên lỉ”[37]. Lúc đó “Hội Thánh được tỏ hiện một cách công khai trước mặt dân chúng, và Tin Mừng bắt đầu được truyền bá cho muôn dân qua việc rao giảng”[38]. Bởi vì là “cuộc triệu tập” mọi người đến với ơn cứu độ, nên tự bản chất của mình, Hội Thánh có tính chất thừa sai, được Đức Kitô sai đến với mọi dân tộc để làm cho họ thành môn đệ[39].

Hội Thánh - bí tích phổ quát của ơn cứu độ

775. “Trong Đức Kitô, Hội Thánh là bí tích, nghĩa là dấu chỉ và dụng cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hợp nhất của toàn thể nhân loại”[40]: là bí tích của sự kết hợp mật thiết con người với Thiên Chúa: đó là mục đích đầu tiên của Hội Thánh. Bởi vì sự hiệp thông giữa con người bắt rễ trong sự kết hợp với Thiên Chúa, nên Hội Thánh cũng là bí tích của sự hợp nhất của nhân loại. Trong Hội Thánh, sự hợp nhất đó đã bắt đầu, bởi vì Hội Thánh quy tụ những người “thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ” (Kh 7,9); đồng thời, Hội Thánh là “dấu chỉ và dụng cụ” để thực hiện trọn vẹn sự hợp nhất này mà cho đến nay vẫn còn phải đạt tới.

Hội Thánh – Đền thờ của Chúa Thánh Thần

798. Chúa Thánh Thần là “nguyên lý của mọi hành động tác sinh và thật sự có giá trị cứu độ trong mỗi phần của Thân Thể”[41]. Ngài hoạt động bằng nhiều cách để xây dựng toàn thân trong đức mến[42]: bằng Lời Thiên Chúa là “Lời có sức xây dựng” (Cv 20,32); bằng bí tích Rửa Tội nhờ đó Ngài làm nên Thân Thể Đức Kitô[43]; bằng các bí tích giúp cho các chi thể của Đức Kitô được tăng trưởng và được chữa lành; bằng ân sủng của các Tông Đồ, là điều trổi vượt trong các hồng ân của Ngài[44]; bằng các nhân đức, giúp các tín hữu hành động theo sự lành, và cuối cùng bằng nhiều ân sủng đặc biệt (được gọi là “các đặc sủng”) giúp các tín hữu “có đủ khả năng và sẵn lòng đảm nhận các công việc và phận vụ khác nhau, để mưu ích cho việc canh tân, xây dựng và phát triển Hội Thánh”[45].

Hội Thánh là Hiền Thê của Đức Kitô

796. Sự hợp nhất giữa Đức Kitô và Hội Thánh, giữa Đầu và các chi thể của Thân Thể, cũng bao hàm sự phân biệt giữa hai bên trong một tương quan cá vị. Khía cạnh này thường được diễn tả bằng hình ảnh phu quân và hiền thê. Đề tài Đức Kitô phu quân của Hội Thánh đã được các Tiên tri chuẩn bị và ông Gioan Tẩy Giả loan báo[46]. Chính Chúa cũng tự xưng như là “chàng rể” (Mc 2,l9)[47]. Thánh Tông Đồ trình bày Hội Thánh và mỗi tín hữu, chi thể của Thân Thể Người, như là Hiền Thê “được kết hôn” với Chúa Kitô để nên một Thần Khí với Người[48]. Hội Thánh là Hiền Thê tinh tuyền của Con Chiên tinh tuyền[49], mà Đức Kitô đã yêu thương, Người đã hiến mạng sống mình vì Hội Thánh “để thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh” (Ep 5,26), Người liên kết Hội Thánh với mình bằng một giao ước vĩnh cửu, và không ngừng chăm sóc Hội Thánh như thân thể riêng của Người[50]:

“Đây là Đức Kitô toàn thể, gồm Đầu và thân thể, và là một do bởi nhiều người…. Vậy hoặc là đầu nói, hoặc là các chi thể nói, thì đều là Đức Kitô nói: Người nói trong cương vị là Đầu (ex persona capitis), và Người nói trong cương vị là Thân Thể (ex persona corporis). Nhưng nói gì? ‘Cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh’ (Ep 5,3l-32). Và chính Chúa cũng nói trong Tin Mừng: “Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt” (Mt l9,6). Vậy như anh em đã biết, thật sự thì có hai người, nhưng cả hai đã nên một khi thành vợ thành chồng…. Với tư cách là Đầu, Người tự xưng là ‘Phu quân’; với tư cách là Thân Thể, Người tự xưng là ‘Hiền thê’”[51].

“Mầu nhiệm thánh thiêng của tính duy nhất của Hội Thánh”[52]

813. Hội Thánh là duy nhất vì nguồn mạch của mình: “Khuôn mẫu mực tối cao và nguyên lý của mầu nhiệm này, là sự hợp nhất trong Ba Ngôi của Thiên Chúa duy nhất là Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần”[53]. Hội Thánh là duy nhất vì Đấng Sáng Lập của mình: “Quả thật, chính Chúa Con nhập thể … đã nhờ cây thập giá của mình mà giao hoà mọi người với Thiên Chúa … tái lập sự hợp nhất mọi người trong một dân tộc và một thân thể”[54]. Hội Thánh là duy nhất vì “linh hồn” của mình: “Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong các tín hữu, đầy tràn và điều khiển toàn Hội Thánh, làm cho các tín hữu hiệp thông với nhau cách kỳ diệu và kết hợp tất cả trong Đức Kitô cách rất mật thiết, cho nên Ngài là nguyên lý của sự hợp nhất của Hội Thánh”[55]. Vì vậy, theo bản chất, Hội Thánh là duy nhất:

“Ôi mầu nhiệm lạ lùng thay! Có Chúa Cha duy nhất của vũ trụ, có Ngôi Lời duy nhất của vũ trụ, và Chúa Thánh Thần duy nhất, và chính Ngài ở khắp nơi. Cũng có một người Mẹ Đồng Trinh duy nhất; mà tôi thích gọi người mẹ đó là Hội Thánh”[56].

Chúa Thánh Thần chuẩn bị cho việc đón nhận Đức Kitô

1097. Trong phụng vụ của Giao Ước Mới, mọi hoạt động phụng vụ, đặc biệt việc cử hành thánh lễ và các bí tích, đều là cuộc gặp gỡ giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Cộng đoàn phụng vụ được hợp nhất “nhờ ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần”, Đấng quy tụ các con cái Thiên Chúa trong Thân Thể duy nhất của Đức Kitô. Cộng đoàn này vượt trên các mối liên hệ phàm nhân, chủng tộc, văn hóa và xã hội.

Ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần

1108. Mục đích của sứ vụ Chúa Thánh Thần trong mọi hoạt động phụng vụ là để chúng ta được hiệp thông với Đức Kitô để làm nên Thân Thể Người. Chúa Thánh Thần như nhựa sống trong cây nho của Chúa Cha, mang lại hoa trái nơi các ngành nho[57]. Trong phụng vụ, sự cộng tác mật thiết giữa Chúa Thánh Thần và Hội Thánh được thực hiện. Chính Ngài, Thần Khí của sự hiệp thông, luôn hiện diện trong Hội Thánh, và do đó, Hội Thánh là bí tích lớn của sự hiệp thông của Thiên Chúa, một bí tích quy tụ các con cái Thiên Chúa còn đang tản mác. Hoa trái của Chúa Thánh Thần trong phụng vụ là, một cách không thể tách rời, sự hiệp thông với Ba Ngôi Chí Thánh và sự hiệp thông huynh đệ[58].

1109. Kinh Khẩn cầu Chúa Thánh Thần (Epiclesis) cũng là lời nguyện xin cho cộng đoàn được hiệp thông trọn vẹn trong mầu nhiệm Đức Kitô. “Ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần” (2 Cr 13,13) phải luôn ở với chúng ta và đem lại hiệu quả vượt ra ngoài lúc cử hành thánh lễ. Vì vậy, Hội Thánh cầu xin Chúa Cha sai Chúa Thánh Thần đến để Ngài làm cho đời sống các tín hữu trở thành của lễ sống động dâng lên Thiên Chúa, nhờ sự biến đổi thiêng liêng theo hình ảnh Đức Kitô, nhờ chăm lo cho sự hợp nhất của Hội Thánh và nhờ tham dự vào sứ vụ của Hội Thánh bằng việc làm chứng và phục vụ bác ái.


Bài Ðọc I: Cv 2, 1-11

"Các vị được tràn đầy Chúa Thánh Thần và bắt đầu lên tiếng nói".

Bài trích sách Tông đồ Công vụ.

Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, tất cả các môn đệ đều tề tựu một nơi, bỗng từ trời phát ra tiếng động như tiếng gió mạnh thổi đến, lùa vào đầy nhà nơi họ đang sum họp. Lại có những lưỡi như thể bằng lửa xuất hiện và rải rác đậu trên từng người. Hết thảy mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần, và bắt đầu nói tiếng khác nhau tuỳ theo Thánh Thần ban cho họ nói.

Khi ấy, cư ngụ tại Giêrusalem, có những người Do-thái đạo đức từ khắp các nước dưới gầm trời tụ về. Nghe tiếng ấy phát ra thì đoàn lũ tuôn đến, tâm trí bỡ ngỡ, vì mỗi người đều nghe các môn đệ nói tiếng thổ âm của mình. Mọi người đều sửng sốt và bỡ ngỡ nói rằng: "Nào tất cả những người đang nói đây không phải là người Galilê ư? Nhưng tại sao mỗi người chúng tôi lại nghe họ nói tiếng bản xứ của chúng tôi: Chúng tôi là người Parthi, Mêđi, Êlam, Mêsopotamia, Giuđêa, Cappađôcia, Pôntô, Tiểu Á, Phrygia, Pamphylia, Ai-cập, Lybia, cận Cyrênê, và người Rôma cư ngụ ở đây, là Do-thái và tòng giáo, là người Crêta và Á-rập, chúng tôi đều nghe họ nói tiếng của chúng tôi mà ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa!"

[Mọi người đều sửng sốt bỡ ngỡ nói với nhau rằng: "Thế này nghĩa là gì?" Nhưng lại có người khác nhạo báng rằng: "Họ đầy rượu rồi".]

Ðó là lời Chúa.


Ðáp ca: Tv 103, 1ab và 24ac. 29bc-30. 31 và 34

Ðáp: Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến, và xin canh tân bộ mặt trái đất

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa. Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, Ngài quá ư vĩ đại! Lạy Chúa, thực nhiều thay công cuộc của Ngài! Ðịa cầu đầy dẫy loài thụ tạo của Ngài.

Ðáp: Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến, và xin canh tân bộ mặt trái đất

Hoặc đọc: Alleluia.

2) Ngài rút hơi thở chúng đi, chúng chết ngay và chúng trở về chỗ tro bụi của mình. Nếu Ngài gởi hơi thở tới, chúng được tạo thành, và Ngài canh tân bộ mặt trái đất.

Ðáp: Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến, và xin canh tân bộ mặt trái đất

Hoặc đọc: Alleluia.

3) Nguyện vinh quang Chúa còn tới muôn đời, nguyện cho Chúa hân hoan vì công cuộc của Chúa. Ước chi tiếng nói của con làm cho Chúa được vui; phần con, con sẽ hân hoan trong Chúa.

Ðáp: Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến, và xin canh tân bộ mặt trái đất

Hoặc đọc: Alleluia.


Bài Ðọc II: 1 Cr 12, 3b-7. 12-13

"Trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể".

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, không ai có thể nói "Ðức Giêsu là Chúa" mà lại không do Thánh Thần. Vậy có nhiều thứ ân sủng, nhưng chỉ có một Thánh Thần. Có nhiều thứ chức vụ, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều thứ công việc, nhưng chỉ có một Thiên Chúa, là Ðấng làm mọi sự trong mọi người. Sự xuất hiện của Thánh Thần được ban cho từng người, tuỳ theo lợi ích.

Cũng như chỉ có một thân thể nhưng có nhiều chi thể, mà các chi thể tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể, cho dù là Do-thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do: tất cả chúng ta đã uống trong một Thánh Thần.

Ðó là lời Chúa.


Ca Tiếp Liên

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến,
và tự trời toả ánh quang minh của Ngài ra!
Lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến;
Ðấng ban ân huệ, Ðấng soi sáng tâm hồn, xin ngự đến!
Lạy Ðấng an ủi tuyệt vời,
là khách trọ hiền lương của tâm hồn,
là Ðấng uỷ lạo dịu dàng.
Chúa là sự nghỉ ngơi trong cảnh lầm than,
là niềm an ủi trong lúc lệ rơi.
Ôi sự sáng chứa chan hồng phúc,
xin chiếu soi tràn ngập tâm hồn tín hữu của Ngài.
Nếu không có Chúa trợ phù,
trong con người còn chi thanh khiết, không còn chi vô tội.
Xin Chúa rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan,
và chữa cho lành nơi thương tích.
Xin uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng,
chỉnh đốn lại chỗ trật đường.
Xin Chúa ban cho các tín hữu,
là những người tin cậy Chúa, được ơn bảy nguồn.
Xin ban cho họ được huân nghiệp nhân đức,
được hạnh phúc cứu độ và được hoan hỉ đời đời.
(Amen. Alleluia.)


Alleluia:

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa Thánh Thần, xin xuống tràn ngập tâm hồn các tín hữu Chúa, và xin nhóm lửa tình yêu Chúa trong lòng họ. - Alleluia.


Phúc Âm: Ga 20, 19-23

"Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con!" Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại".

Ðó là lời Chúa.

WHĐ (27.05.2023)




[1] X. 1 V 18,38-39.

[2] X. Cv 2,3-4.

[3] X. Thánh Gioan Thánh Giá, Llama de amor viva: Biblioteca Mistica Carmelitana, v. 13 (Burgos 1931) 1-102; 103-213.

[4] X. Ga 19,25-27.

[5] X. Cv 2,33-36.

[6] Officium Horarum Byzantinum. Vespertinum in die Pentecostes, Sticherum 4: Pentekostarion (Romae 1884) 390.

[7] X. Ga 15,5.8.16.

[8] Thánh Cyrillô Alexandria, Commentarius in Iohannem 11, 11: PG 74, 561.

[9] Thánh Ignatiô Antiôchia, Epistula ad Smyrnaeos, 8, 2: SC 10bis, 138 (Funk 1, 282).

[10] X. Ep 1,22-23.

[11] CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, 6: AAS 58 (1966) 953.

[12] CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, 4: AAS 58 (1966) 950-951.

[13] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 6: AAS 56 (1964) 100; Id., Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 2: AAS 57 (1965) 6.

[14] X. Ed 36,25-27; Ge 3,1-2.

[15] X. Lc 12,12; Ga 3,5-8; 7,37-39; 16,7-15; Cv 1,8.

[16] X. Ga 20,22.

[17] X. Cv 2,1-4.

[18] X. Cv 2,17-18.

[19] X. Cv 2,38.

[20] X. Ga 14,26.

[21] X. Cv 3,13.

[22] X. Mc 15,11.

[23] X. Cv 2,23.36; 3,13-14; 4,10; 5,30; 7,52; 10,39; 13,27-28; 1 Tx 2,14-15.

[24] X. Lc 23,34.

[25] X. Cv 3,17.

[26] X. Cv 5,28; 18,6.

[27] CĐ Vaticanô II, Tuyên ngôn Nostra aetate, 4: AAS 58 (1966) 743.

[28] X. Rm 11,31.

[29] X. Rm 11,26; Mt 23,39.

[30] X. Rm 11,25.

[31] X. Rm 11,12.

[32] X. Rm 11,25; Lc 21,24.

[33] X. Ed 11,19; 36,25-28; 37,1-14; Gr 31,31-34; Ge 3,1-5.

[34] X. Cv 2,17-21.

[35] X. Cv 2,41; 8,12-13; 10,48; 16,15.

[36] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 21: AAS 57 (1965) 24.

[37] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 4: AAS 57 (1965) 6.

[38] CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes,4: AAS 58 (1966) 950.

[39] X. Mt 28,19-20; CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, 2: AAS 58 (1966) 948; Ibid., 5-6: AAS 58 (1966) 951-955.

[40] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 1: AAS 57 (1965) 5.

[41] ĐGH Piô XII, Thông điệp Mystici corporis: DS 3808.

[42] X. Ep 4,16.

[43] X. 1 Cr l2,l3.

[44] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 7: AAS 57 (1965) 10.

[45] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 12: AAS 57 (1965) 16; x. Id., Sắc lệnh Apostolicam actuositatem, 3: AAS 58 (1966) 839-840.

[46] X. Ga 3,29.

[47] X. Mt 22,l-l4; 25,l-l3.

[48] X. 1 Cr 6,l5-l7; 2 Cr 11,2.

[49] X. Kh 22,l7; Ep l,4; 5,27.

[50] X. Ep 5,29.

[51] Thánh Augustinô, Enarratio in Psalmum 74, 4: CCL 39, 1027 (PL 37, 948-949).

[52] CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 2: AAS 57 (1965) 92.

[53] CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 2: AAS 57 (1965) 92.

[54] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 78: AAS 58 (1966) 1101.

[55] CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 2: AAS 57 (1965) 91.

[56] Thánh Clêmentê Alexandria, Paedagogus, 1, 6, 42: GCS 12, 115 (PG 8, 300).

[57] X. Ga 15,1-17 ; Gl 5,22.

[58] X. 1 Ga 1,3-7.

https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/giao-ly-cho-bai-giang-le-chua-thanh-than-hien-xuong-nam-a-50891 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét