ewtnvatican.com, Andreas Thonhauser, 2023-03-08
Đức Phanxicô và ông Alessandro Gisotti trên chuyến bay đi thăm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất để tham dự Hội nghị Liên tôn Quốc tế, 13-9-2019
Văn phòng EWTN Vatican, 2023-03-08
Alessandro Gisotti là nhân vật đã từng là giám đốc quyền Văn phòng Báo chí Tòa thánh, ông chia sẻ hiểu biết của ông về triều giáo hoàng và phong cách giao tiếp của Đức Phanxicô trong một phỏng vấn với nhà báo Andreas Thonhauser. Gisotti mô tả ngài là nhà truyền thông tập trung vào tầm quan trọng của mối quan hệ với mọi người và nhấn mạnh giá trị của mỗi người. Ông nghĩ thông điệp của Đức Phanxicô xoay quanh khái niệm về một Thiên Chúa nhân từ, yêu thương tất cả mọi người sẽ có thể thay đổi cuộc sống của chúng ta mãi mãi. Ông cũng làm sáng tỏ nhận thức về Đức Phanxicô trên các phương tiện truyền thông thế tục, nơi mà con đường thiêng liêng sâu đậm của ngài có thể không được đánh giá hoặc hiểu đầy đủ. Và cuối cùng, ông thảo luận về cách Đức Phanxicô đã thích nghi với thời đại kỹ thuật số, sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để tiếp cận với nhiều người hơn và truyền giáo trong lãnh vực kỹ thuật số.
Ông đã làm việc với và trong bộ phận truyền thông của Vatican trong nhiều năm. Đâu là quan điểm của ông, ấn tượng của ông về Đức Phanxicô như một nhà truyền thông?
Alessandro Gisotti. Andreas, tôi đã làm việc 23 năm, bắt đầu từ Đài phát thanh Vatican trong Năm Thánh 2000. Vì vậy, tôi có vinh dự được phục vụ Tòa Thánh và các giáo hoàng, ba giáo hoàng vĩ đại: Đức Gioan-Phaolô II, Đức Bênêđictô XVI và Đức Phanxicô. Mỗi người đều mang đến cho tôi một điều gì đó, không chỉ ở mức độ nghề nghiệp, nhưng còn ở mức độ cá nhân và thiêng liêng. Tất nhiên, mỗi giáo hoàng đều có cách giao tiếp riêng, nhưng các ngài là những nhà giao tiếp lớn.
Đặc biệt, theo tôi, Đức Phanxicô nhắc nhở chúng ta mỗi ngày bằng lời nói của ngài – nhất là bằng cử chỉ, còn hơn cả lời nói – về tầm quan trọng của mối quan hệ với Chúa, một Thiên Chúa đầy lòng thương xót, và mối quan hệ như tình bạn với một Thiên Chúa giàu lòng thương xót, có thể thay đổi cuộc đời chúng ta mãi mãi. Vì vậy, đây đúng là cốt lõi thực sự, điều quan trọng nhất ngài đã làm, ngay cả ở mức độ giao tiếp.
Ông đã học được gì từ ngài về vấn đề này?
Tầm quan trọng trong việc quan tâm đến mọi người… mọi người đều thực sự quan trọng với ngài, từ một cuộc họp, một cuộc gặp gỡ, với bất kỳ ai…. dù đó là nguyên thủ quốc gia hay người nghèo, ngài đều có cách đối xử giống nhau.
Vì thế, con người là giá trị quan trọng nhất ngài luôn nhấn mạnh qua các bài giảng, bài phát biểu và như tôi đã nói, chủ yếu qua cử chỉ của ngài. Đôi khi chúng ta phải công nhận ngài đã nói nhiều hơn qua cử chỉ. Những cử chỉ này có khi lại mang đến thông điệp mạnh hơn nhiều so với lời nói. Và ngay cả im lặng: Tôi nhớ tôi đã ở với ngài khi ngài ở lò thiêu Auschwitz, Ba Lan. Và đây là một hành trình kinh ngạc, vì ngài đã không nói một lời nào khi ở đó, sự im lặng đã lên tiếng một cách mạnh mẽ lúc đó.
Theo ông, thông điệp quan trọng của ngài cho đến nay là thông điệp nào? Ông đã nêu lên một điều, nhưng chúng ta sẽ học được gì từ ngài trong mười năm qua?
Chúa yêu thương mỗi chúng ta; tầm quan trọng của chiều kích lòng thương xót: chúng ta còn nhớ Năm Thánh ngoại thường Đức Phanxicô đã thành lập vào đầu triều của ngài. Vì vậy, lòng thương xót là từ khóa trong triều của ngài. Và với nguyên tắc của lòng thương xót, chúng ta có thể thấy tất cả những điều kỳ diệu – cũng như, nếu tôi có thể nói, những điều kỳ diệu trong các hành trình ở Châu Phi hay ở Iraq – luôn thể hiện lòng thương xót qua sứ điệp Tin Mừng. Vì vậy, tôi nghĩ đây là điều mà chúng ta phải đào sâu trong cuộc sống của mình: thông điệp về một Thiên Chúa đầy lòng thương xót, yêu thương chúng ta và thay đổi cuộc đời chúng ta nếu chúng ta chấp nhận để cho tình yêu của Ngài đánh động. Vì đây là điều quan trọng đối với tôi: chúng ta có tự do từ chối hoặc chấp nhận tình yêu này, nhưng Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta. Và Đức Phanxicô là người làm chứng, qua con người của ngài, với sứ điệp, với lời nói, với cử chỉ của ngài, rằng Thiên Chúa luôn ở đó chờ chúng ta.
Ngài là nhân vật nổi tiếng với tư cách là giáo hoàng. Làm thế nào ông mô tả nhận thức của ngài, đặc biệt là trong các phương tiện truyền thông thế tục? Và truyền thông đã thiếu gì ở đó? Có khía cạnh nào của Đức Phanxicô không được tường thuật đúng không?
Ngài là người của cầu nguyện. Có lẽ, đôi khi những gì bạn gọi là phương tiện truyền thông thế tục đã bỏ sót khía cạnh này của linh đạo sâu xa của Đức Phanxicô. Tôi nghĩ đây là điều mà chúng ta phải hiểu và cố gắng hiểu rõ hơn vì mọi việc ngài làm, ngay cả những cử chỉ mà tôi đã đề cập, luôn bắt đầu từ cầu nguyện, từ mối tương quan với Chúa. Chiều kích thiêng liêng luôn khởi đầu câu chuyện của ngài. Chúng ta chỉ cần nghĩ đến Syria, Iraq và Nam Sudan. Ngay từ đầu triều của ngài, chúng ta đã thấy lý do đẹp đẽ này: từ lời cầu nguyện, từ mỗi khoảnh khắc của mối liên hệ đều liên kết sâu xa với Thiên Chúa.
Và phân định là một trong những từ quan trọng trong triều của ngài, vì ngài là tu sĩ Dòng Tên. Vì vậy, phân định không chỉ là một âm thanh, nó rất sâu đậm trong cuộc sống của ngài trước khi ngài là giáo hoàng, thậm chí còn nhiều hơn bây giờ. Tôi hiểu, với các phương tiện truyền thông thế tục, không dễ để hiểu phân định trong linh đạo triều của ngài. Nhưng tùy thuộc vào chúng ta, báo chí của Vatican, các phương tiện truyền thông công giáo để nhấn mạnh tầm quan trọng của chiều kích thiêng liêng trong đời sống và triều giáo hoàng của ngài.
Đã từng làm việc và quan sát nhiều giáo hoàng trước đây, ông sẽ nói gì về tác động thực sự hoặc điểm quan trọng nhất của triều giáo hoàng của ngài?
Như tôi đã nói, tất cả giáo hoàng vĩ đại mà tôi có vinh dự và đặc ân được phục vụ đều có phong cách giao tiếp riêng của các ngài. Và tôi tin chắc Chúa Thánh Thần giúp các ngài hoàn thành nhiệm vụ. Và chúng tôi hiểu mạng xã hội đã quan trọng như thế nào, nhất là với giới trẻ – tôi muốn nói về khía cạnh truyền thông. Vì vậy, với khả năng tạo ra hình ảnh của mình, Đức Phanxicô thật sự ở tầm cao là người của thế giới truyền thông ở kỷ nguyên mạng xã hội. Và đó là lý do tại sao tài khoản Twitter, Pontifex có hơn 50 triệu người theo dõi, tài khoản Instagram có hơn 10 triệu người theo dõi. Đó không phải là con số không đáng kể, một con số khổng lồ!
Và đó là điều mới mẻ liên quan đến Đức Bênêđictô XVI, tiền nhiệm của ngài, vì chính Đức Bênêđictô XVI là người mở tài khoản trên Twitter Pontifex. Vì thế dù ở tuổi của ngài, khi tài khoản Pontifex đã bắt đầu, theo kinh nghiệm của ngài, ngài thực sự hiểu tầm quan trọng của việc truyền giáo trên kỹ thuật số, như Đức Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh trong thông điệp Ngày Truyền thông Thế giới. Chúng ta phải ở đó. Chúng ta không nên sợ hãi khi ở đó và truyền giáo ở đó, trên lục địa mới này, vì đó là cả một lãnh vực. Vì vậy, nếu chúng ta tin rằng tân phúc âm hóa là nền tảng cho thiên niên kỷ thứ ba, chúng ta phải ở lại đó. Và có một sự liên tục đẹp đẽ giữa Đức Bênêđictô XVI và Đức Phanxicô trong khía cạnh truyền thông đặc biệt này.
Truyền thông kỹ thuật số không phải là con đường một chiều. Chúng ta giao tiếp, chúng ta nhận phản hồi , chúng ta đặt câu hỏi khi chúng ta quan sát hoặc xem các kênh truyền thông xã hội này. Có điều gì nổi bật không, một câu hỏi mà người ta thường đề cập với giáo hoàng?
Điều gây ấn tượng với tôi trong thời kỳ đại dịch – với những khó khăn của việc cách ly, mọi người bị cô lập, đặc biệt là người lớn tuổi – chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi và e-mail cám ơn và biết ơn Đức Phanxicô về các bài giảng buổi sáng của ngài ở Nhà nguyện Thánh Marta. Và điều này khá ấn tượng khi chúng ta luôn nói, chúng ta đang sống trong tình trạng thế tục hóa và sa mạc hóa trên lãnh vực thiêng liêng. Đồng thời, nhiều người không chỉ là các tín hữu công giáo, mà cả nhiều người khác, hiểu tầm quan trọng của việc nghe bài giảng của ngài mỗi buổi sáng trong thời gian cách ly, trong bối cảnh khó khăn của triệu triệu người trên thế giới, họ có hy vọng nhờ lời của Tin Mừng. Và vì vậy, chúng tôi nghĩ đó là điều đã tạo ấn tượng mạnh cho chúng tôi, thuyết phục chúng tôi khởi đầu một dịch vụ mới là dịch vụ ngôn ngữ bằng ký hiệu trong bộ Truyền thông, vì nhiều người cần bản dịch các bài giảng của giáo hoàng, sau đó là các bài diễn văn, các bài giáo lý bằng ngôn ngữ ký hiệu. Và đó là điều cơ bản vì nó cho chúng ta thấy cách ngài tạo ra những kinh nghiệm tốt đẹp. Và với ngôn ngữ ký hiệu này, chúng tôi hiểu, không ai bị bỏ rơi. Nếu muốn thông điệp Tin Mừng đến với mọi người qua lời của giáo hoàng, chúng ta phải phát triển tất cả các công cụ, công nghệ có thể mà Chúa đã ban cho chúng ta ngày nay.
Ở bộ Truyền thông Vatican, ông nói có 40 ngôn ngữ và ngôn ngữ ký hiệu giao tiếp. Thách thức lớn nhất ở đó là gì?
Phối hợp và phối hợp, vì như tôi đã nói, Andreas, tôi bắt đầu làm việc ở Đài phát thanh Vatican cách đây 23 năm, năm 2000. Tôi có thể đảm bảo với ông, ngay cả lúc đó, đã có cuộc nói chuyện về việc cải tổ các phương tiện truyền thông của Vatican. Vì sao? Vì ngay cả ở thời điểm đó, chúng tôi hiểu sự cần thiết để có một phối hợp tốt hơn, sức mạnh tổng hợp tốt hơn giữa các cơ quan truyền thông khác nhau của Vatican: Đài Phát thanh Vatican, Salvatore Romano, nhà xuất bản, Văn phòng Báo chí Tòa thánh, và bây giờ là Vatican News – vì bây giờ chúng tôi có cổng thông tin Vatican News hoàn toàn mới. Vì vậy, thách thức hàng ngày là phối hợp và có một thông điệp nhất quán hơn. Đúng vậy, chúng tôi luôn phải sửa một số sai lầm trên đường đi. Đó là điều bình thường với một bộ còn rất trẻ, bộ Truyền thông. Nhưng nguyên tắc có giá trị và rất quý: có sự phối hợp tốt hơn và sức mạnh tổng hợp tốt hơn trong các phương tiện truyền thông khác nhau, với nhiều câu chuyện khác nhau, định dạng khác nhau, ngôn ngữ nước ngoài, như ông đã nói, với các cách tiếp cận văn hóa đa dạng, để truyền thêm sức mạnh cho thông điệp. Và thông điệp là thông điệp của Tin Mừng, đặc biệt qua lời của Đức Thánh Cha.
Tôi có một câu hỏi cá nhân hơn. Ông đã làm việc, đã phục vụ giáo hoàng, đã cộng tác với ngài mười năm nay. Ông sẽ mang theo những gì, những gì ông đã học ở cấp độ cá nhân?
Tôi là giám đốc và quyền Văn phòng Báo chí Tòa thánh năm 2019, nên năm đó tôi có nhiều dịp gặp Đức Phanxicô. Và tôi có nhiều kỷ niệm đẹp qua những cuộc gặp này. Dù bây giờ tôi ít có dịp gặp ngài hơn, nhưng mỗi lần gặp đều là những giây phút vui vẻ và an ủi đối với tôi. Điều tác động mạnh với tôi là khi tôi ở bên cạnh ngài, tôi có cảm tưởng ngài dành giây phút này riêng cho tôi. Tôi cảm nhận ngài đang nghe tôi, quan tâm đến tôi. Dù tôi biết ngài có bao nhiêu công việc phải làm, dự bao nhiêu cuộc họp, nhưng tôi vẫn có cảm giác người mà ngài quan tâm bây giờ là tôi. Ông biết đó, khi tôi là phát ngôn viên của Vatican, tôi gặp ngài chủ yếu là về công việc, nhưng khi nào ngài cũng hỏi thăm gia đình tôi – mọi người có khỏe không, mọi chuyện có ổn không – ngài luôn quan tâm đến tôi. Vì thế tôi luôn biết ơn ngài trong vai trò làm cha này. Và đó là kỷ niệm quan trọng nhất tôi sẽ mang theo mãi, đặc biệt trong thời gian đầy khó khăn nhưng thích thú khi tôi là phát ngôn viên của Vatican.
Cảm ơn ông rất nhiều đã bỏ thời gian ra với chúng tôi. Cám ơn ông đã ở với chúng tôi.
Cảm ơn ông, Andreas.
Andreas Thonhauser là Trưởng Văn phòng EWTN ở Vatican. Ông có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Học viện Điều hành WU ở Vienna, có bằng Thạc sĩ về Ngữ văn Đức/Anh ngữ và Mỹ học của Đại học Vienna. Trước khi làm việc ở hãng tin EWTN, ông từng là Giám đốc Đối ngoại của một tổ chức nhân quyền toàn cầu và cho cho nhiều cơ quan truyền thông ở Vienna, Áo.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
https://phanxico.vn/2023/05/27/duc-phanxico-bac-thay-cua-truyen-thong-phong-van-ong-alessandro-gisotti-cuu-phat-ngon-vien-cua-giao-hoang/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét