GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI - BÀI 20: “VIÊN NGỌC QUÝ” TRONG THÁNH THI VUI MỪNG
ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI
Quảng trường Thánh Phêrô
Thứ Tư, 07 tháng 12 năm 2011
Anh chị em thân mến,
Các thánh sử Matthêu và Luca đã truyền lại cho chúng ta một “viên ngọc” (gioiello) quý trong lời cầu nguyện của Đức Giêsu, thường được gọi là “Thánh thi vui mừng” (Inno di giubilo), hay “Thánh thi vui mừng cứu thế” (Inno di giubilo messianico) (x. Mt 11,25-30; Lc 10,21-22). Đây là một lời cầu nguyện cảm tạ và ngợi khen. Trong bản văn gốc tiếng Hy Lạp, động từ bắt đầu thánh thi diễn tả thái độ của Đức Giêsu hướng về Chúa Cha là exomologoumai, thường được dịch là “con xin ngợi khen – rendo lode; I praise” (Mt 11,25; Lc 10,21). Nhưng trong các sách Tân Ước, động từ nòng cốt này ám chỉ hai điều: thứ nhất là hoàn toàn thú nhận; chẳng hạn thánh Gioan Tẩy Giả mời gọi những ai đến với thánh nhân để lãnh nhận phép rửa, họ cần thú nhận các tội lỗi của họ (x. Mt 3,6); thứ hai là thấy mình đồng ý với. Như thế, kiểu nói Đức Giêsu bắt đầu lời cầu nguyện của mình, bao gồm việc nhìn nhận trọn vẹn hành động của Chúa Cha, và đồng thời là sự ý thức hoàn toàn và vui nhận đồng ý với cách hành động ấy, với chương trình của Chúa Cha. Thánh thi vui mừng là tột đỉnh con đường cầu nguyện nêu bật sự hiệp thông sâu xa thân tình của Chúa Giêsu với sự sống của Thiên Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần và biểu lộ thiên chức là Con Thiên Chúa.
Trong lời cầu nguyện, Đức Giêsu gọi Thiên Chúa là “Cha”. Từ này diễn tả ý thức và sự chắc chắn của Đức Giêsu là “Con”, trong sự hiệp thông thân tình và liên lỉ với Chúa Cha, và đó là trung tâm điểm và suối nguồn mọi lời cầu nguyện của Đức Giêsu. Chúng ta nhận thấy điều này vào cuối lời cầu nguyện: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” (Lc 10,22). Như vậy, Đức Giêsu khẳng định rằng chỉ có người “Con” mới thực sự hiểu biết về Chúa Cha mà thôi.
Như tất cả chúng ta đều đã có kinh nghiệm, tất cả mọi sự hiểu biết giữa con người với nhau, đều bao gồm những mối liên hệ, một mối dây liên kết nội tại nào đó giữa người biết và người được biết trên mức độ sâu sắc dù ít hay nhiều. Không thể biết nhau mà không có sự hiệp thông về hữu thể. Trong Thánh Thi Vui mừng cũng như trong toàn lời cầu nguyện của mình, Đức Giêsu cho thấy rằng, sự hiểu biết Thiên Chúa đích thực giả thiết sự hiệp thông với Cha. Chỉ khi nào hiệp thông với người khác tôi mới bắt đầu biết họ; với Thiên Chúa cũng thế: chỉ khi nào tôi thực sự giao tiếp, khi tôi hiệp thông với Người tôi cũng mới biết Người. Vì thế, sự hiểu biết đích thực được mặc khải nơi “người Con”, người Con Một Duy Nhất, và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha (x. Ga 1,18), hoàn toàn hiệp nhất với Cha. Chỉ duy Người Con này mới thực sự nhận biết Thiên Chúa, bởi vì người Con ở trong mối hiệp thông sâu xa về bản thể; chỉ duy Người Con mới có thể thực sự mặc khải biết Thiên Chúa là ai.
Danh xưng “Cha” còn được nối tiếp bằng một tước hiệu khác nữa: “Chúa Tể trời đất”. Bằng những lời này, Đức Giêsu đã tóm lược đức tin trong sự tạo dựng và làm vang vọng những lời đầu tiên của Sách Thánh: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất” (St 1,1).
Khi cầu nguyện, Đức Giêsu nhắc lại trình thuật Kinh Thánh về tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại, khởi đi từ hành động tạo dựng. Đức Giêsu đã dấn thân vào lịch sử tình yêu ấy, Người chính là tình yêu tột đỉnh và viên mãn đó. Sách Thánh được quang tỏa và trở nên sống động một cách bao la trọn vẹn nhất qua kinh nghiệm cầu nguyện của Đức Giêsu: việc loan báo mầu nhiệm Thiên Chúa và việc con người đáp ứng được biến đổi. Tuy nhiên, trong câu bày tỏ “Chúa trời đất” chúng ta cũng có thể nhận thấy nơi Đức Giêsu – Đấng Mặc khải Chúa Cha – khả năng đến cùng Thiên Chúa đã được tái mở ra cho con người.
Giờ đây chúng ta hãy tự hỏi mình rằng: Con muốn tỏ các mầu nhiệm về Cha cho những ai? Đức Giêsu bày tỏ niềm vui sướng của mình, vì Chúa Cha đã muốn giấu kín mầu nhiệm đó với các kẻ khôn ngoan thông thái, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn (x. Lc 10,21).
Mặc khải của Thiên Chúa không xảy ra theo cái luận lý trần gian, theo đó những người thông thái và quyền thế chiếm hữu được những sự hiểu biết quan trọng và truyền chúng lại cho những người đơn sơ, bé nhỏ hơn. Thiên Chúa đã dùng một kiểu hoàn toàn khác: chính những người bé mọn lại nhận được sự thông truyền của Người. Đây là ý muốn của Thiên Chúa Cha, và Chúa Con chia sẻ điều đó với niềm vui sướng. Tiếng reo vui “vâng, lạy Cha” diễn tả sự sâu thẳm trong con tim của Người và việc gắn bó với sự đồng ý của Thiên Chúa, như vang vọng tiếng “xin vâng” của Thân Mẫu Người trong lúc thụ thai, và như là khúc nhạc mở đầu cho điều Người sẽ nói lên với Thiên Chúa Cha trong cơn hấp hối. Toàn lời cầu của Chúa Giêsu là sự gắn bó yêu thương của trái tim là người ấy của Người với “mầu nhiệm ý muốn” của Thiên Chúa Cha (Ep 1,9) (Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 2603).
Từ đó phát xuất ra lời nguyện chúng ta hướng lên Thiên Chúa trong Kinh Lạy Cha: “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”: cùng với Đức Kitô và trong Đức Kitô, chúng ta cũng xin bước vào trong sự hài hòa với thánh ý Chúa Cha, và như thế, chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa. Bởi thế, trong Thánh thi Vui mừng này, Đức Giêsu diễn tả ý muốn lôi kéo vào trong sự hiểu biết của tình con thảo, tất cả những ai mà Chúa Cha muốn cho trở thành những người tham dự; và những người đón nhận ơn đó là những kẻ “bé mọn”.
Nhưng “bé mọn” đơn sơ có nghĩa là gì? Đâu là sự bé mọn để mà rộng mở con người cho sự thân tình con thảo với Thiên Chúa và chấp nhận ý muốn của Người? Trong Diễn văn trên núi Chúa Giêsu khẳng định: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8). Chính sự trong sạch của con tim cho phép nhận ra dung mạo của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô; chính việc có con tim đơn sơ như con tim của trẻ em, không yêu sách của người tự khép kín trong chính mình, nghĩ rằng mình không cần ai hết, kể cả Thiên Chúa, cho phép chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa.
Thật là điều hay, khi duyệt xét khung cảnh trong đó Chúa Giêsu nói lên lời cầu nguyện này. Trong trình thuật của thánh sử Mátthêu, Đức Giêsu vui mừng, vì mặc dù có các chống đối và khước từ, vẫn có những kẻ bé mọn đón nhận lời giảng dạy của Đức Giêsu, và mở lòng ra cho ơn đức tin vào Đức Giêsu. Quả thật, trước đó Đức Giêsu đã ca ngợi thánh Gioan Tẩy Giả là một trong “những kẻ bé mọn”, đã nhìn nhận hành động của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô (Mt 11,2-19), và Chúa khiển trách thái độ không tin của dân chúng tại các thành phố quanh bờ biển hồ, nơi Người đã làm đa số các phép lạ (Mt 11,20-24).
Như thế, niềm vui của Đức Giêsu được thánh sử Mátthêu gắn liền với hiệu quả lời rao giảng và hoạt động của Người: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (Mt 11,4-6).
Thánh sử Luca thì gắn liền Thánh thi Vui mừng với sự phát triển của việc loan báo Tin Mừng. Đức Giêsu đã sai 72 môn đệ ra đi rao giảng (Lc 10,1), các ông lo sợ về tình trạng thất bại trong sứ vụ của mình. Thánh Luca cũng nhấn mạnh, vì thái độ không tin của dân chúng tại các thành phố, nơi Đức Giêsu đã rao giảng và làm nhiều phép lạ. Nhưng các môn đệ đã trở về tràn đầy niềm vui vì đã thành công trong sứ vụ. Họ thấy rằng với quyền năng của lời Đức Giêsu, bệnh tật của con người được vượt thắng. Và Đức Giêsu chia sẻ niềm vui đó của các môn đệ, và Người hớn hở vui mừng hát lên Thánh thi Vui mừng.
Còn hai yếu tố nữa trong lời cầu của Đức Giêsu mà tôi muốn nhấn mạnh. Thánh sử Luca dẫn vào lời cầu nguyện với chú thích rằng: “Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Lc 10,21). Đức Giêsu hớn hở vui mừng từ tận thẳm sâu nhất nơi tâm hồn, từ sự hiệp thông hiểu biết và yêu mến đối với Chúa Cha, từ sự tràn đầy Chúa Thánh Thần. Khi lôi cuốn chúng ta vào thiên chức làm con Thiên Chúa, Đức Giêsu cũng mời gọi chúng ta hãy mở ra cho ánh sáng của Chúa Thánh Thần, vì như thánh Phaolô đã khẳng định rằng: “Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả” (Rm 8,26-27), và chính Thánh Thần mặc khải cho chúng ta biết về tình yêu của Chúa Cha.
Trong Tin Mừng thánh Mátthêu, sau lời cầu ấy, Đức Giêsu đưa ra một trong những lời kêu gọi thân tình nhất: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Đức Giêsu mời gọi chúng ta đến với Người, Đấng là sự Khôn Ngoan đích thực, Đấng “có lòng hiền hậu và khiêm nhường”. Chúa đề nghị chúng ta mang lấy “ách” của Người, là con đường khôn ngoan của Tin Mừng. Nó không phải là một lý thuyết phải học hỏi hay một đề nghị luân lý, mà là một Con Người mà chúng ta cần phải bước theo: đó là chính Người Con Một hiệp nhất trọn vẹn với Thiên Chúa Cha.
Anh chị em thân mến, chúng ta đã cảm nghiệm trong giây lát những gì là phong phú nơi lời nguyện cầu này của Đức Giêsu. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng có thể hướng lòng về Thiên Chúa trong lời cầu nguyện, với sự tin tưởng của tình con thảo và gọi Thiên Chúa là “Abba! Cha ơi!”. Tuy nhiên, chúng ta phải có con tim của những người bé mọn, của những người “có tâm hồn nghèo khó” (Mt 5,3), để nhận ra rằng, tự bản thân chúng ta thì không đủ, chúng ta không thể tự mình xây dựng cuộc sống, nhưng chúng ta cần đến Thiên Chúa, cần gặp gỡ Người, lắng nghe Người, và nói chuyện với Người. Lời cầu nguyện rộng mở con tim chúng ta để lãnh nhận hồng ân của Thiên Chúa, cho sự khôn ngoan của Người, là chính Chúa Giêsu Kitô, để làm trọn thánh ý Chúa Cha trong đời sống chúng ta, nhờ đó được nghỉ ngơi giữa những nỗi vất vả nặng nề trong cuộc hành trình của chúng ta.
Trích từ: Tác phẩm "Cầu nguyện" của Đức Bênêđictô XVI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét