WHĐ (07.06.2024) – Internet cho phép chúng ta truy cập vô số thông tin mà vài thập niên trước là điều chẳng thể hình dung. Trên trang web và mạng xã hội, thông tin này được tạo ra và trao đổi trong thời gian thực. Người dùng có thể bị mất phương hướng khi đối diện với một lượng lớn tin tức và dữ liệu tương ứng với nhiều quan điểm, mỗi quan điểm đều cố gắng khẳng định mình là sự thật. Trong sự hỗn loạn này, tin tức nào gây ồn ào nhất và ý kiến nào nhận được sự đồng thuận cao hơn và nhiều lượt “thích” (like) hơn được coi là đúng. Trong một vũng lầy khó thoát ra khỏi ấy, làm sao để phân định một cách xác thực sự thật với sự giả dối?

Ít nhất phải nói là rối rắm, và những thông tin sai lệch và gỉa tạo thường thao túng nhận thức của mọi người đang ẩn nấp trên internet.[1]

Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành sứ điệp nhân Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 52 cho hiện tượng “tin giả”. Theo Đức Thánh Cha, “Hiệu quả của tin giả phụ thuộc trước hết vào khả năng bắt chước các tin thật, đến mức xem ra rất đáng tin cậy. Thứ đến, thông tin giả nhưng có vẻ đáng tin này mang tính soi mói, gây chú ý bằng cách khơi gợi ấn tượng và những định kiến xã hội, và khai thác những cảm xúc bột phát như lo lắng, khinh miệt, tức giận và thất vọng”.[2]

Bản chất lan truyền và lây nhiễm của những tin giả hoặc mang tính thao túng tung lên khắp các trang web và mạng xã hội trên khắp thế giới khiến cho việc phân định và nhận ra sự thật trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, tin giả không phải là một hiện tượng xảy ra gần đây.

Mô hình tường thuật của Kinh Thánh

Ngay từ đầu, câu chuyện trong Kinh Thánh đã cảnh báo người đọc về mối nguy hiểm lớn phát sinh từ những sự thật bị bóp méo và từ những thông tin sai lệch và giả mạo. Hậu quả thật bi đát đối với những ai dựa vào tin giả và bị cuốn theo những lo lắng và sợ hãi của chúng, mà không đặt niềm tin vào Lời của Thiên Chúa, vốn luôn là sự thật. Đối với người đọc, trình thuật Kinh Thánh có thể trở thành một bài tập đích thực về sự phân định trong việc làm sao để phân biệt điều gì là cao quý và điều gì là hèn hạ (x. Gr 15,19). Khi đọc, tất cả chúng ta được mời gọi để phân định nguồn thông tin, điều gì đáng tin và điều gì không, để tránh bị đánh lừa.

Bên trong thế giới kể chuyện, người kể chuyện thực hiện nhiệm vụ trình bày câu chuyện.[3] Có thể nói đây là đặc quyền của họ. Người kể chuyện phải được coi như là một người hiện diện về mặt văn chương trong bản văn, không nên nhầm lẫn với các tác giả thực sự. Ví dụ, Sách Xuất hành bắt đầu: “Sau đây là tên những con cái Israel đã đến Ai-cập với ông Gia-cóp, mỗi người đem theo gia đình mình” (Xh 1,1). Đây là giọng nói của người kể chuyện.

Trước hết, trong Kinh Thánh, người kể chuyện là người toàn tri, biết mọi thứ trong câu chuyện được kể và cũng tiếp cận được cảm xúc và suy nghĩ của các nhân vật, kể cả đời sống nội tâm của Thiên Chúa. Một đặc điểm khác đó là độ tin cậy, người kể chuyện cho người đọc biết phiên bản lịch sử chính xác và đáng tin cậy. Người kể chuyện trong Kinh Thánh cũng ẩn danh, nằm phía sau bản văn và không xuất hiện ở vị trí nổi bật. Hiếm khi, nhưng đáng kể, người kể chuyện bày tỏ sự phán xét hoặc đánh giá về một nhân vật hoặc một tình huống.

Do đó, trong Kinh Thánh, câu chuyện được kể bởi một người kể chuyện toàn tri và đáng tin cậy. Quan điểm của Thiên Chúa là đáng tin, trong khi quan điểm của các nhân vật khác không chỉ phiến diện và hạn chế, mà thậm chí có thể sai lệch và gây hiểu lầm (giả tạo). Sự hiện diện trong câu chuyện Kinh Thánh của một dàn diễn viên đông đảo nhân các quan điểm lên nhiều lần nên độc giả được định hướng trong câu chuyện thông qua trải nghiệm về các quan điểm khác nhau.

Một số ví dụ có thể giúp chúng ta hiểu Kinh Thánh giúp người đọc cân nhắc những quan điểm khác nhau và mức độ đáng tin cậy, nhận ra lời ban sự sống và lời dối trá dẫn đến sự chết như thế nào.

Lời của Thiên Chúa và lời của con rắn

Hai câu chuyện trong Sáng thế chương 1 và Sáng thế chương 2-3, được đọc theo trình tự, là hai câu chuyện bổ sung cho nhau về sự sáng tạo, cho dù có những căng thẳng tồn tại giữa hai bản văn có nguồn gốc khác nhau. Giọng nói của người kể chuyện cho thấy người đó, với sự toàn tri của mình, có đặc quyền kể chuyện, ngay cả về việc sáng tạo thế giới: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Ðất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1,1-2). Câu chuyện tường thuật không chỉ điều Thiên Chúa phán “Phải có ánh sáng” – mà còn cả điều Thiên Chúa cảm thấy bên trong: “Thiên Chúa thấy rằng ánh sáng tốt đẹp” (St 1,4).

Ngay từ những trang đầu tiên của Kinh Thánh, người đọc được mời tham gia vào mối tương quan giao ước với người kể chuyện, người kể chuyện khẳng định sự đáng tin và người đọc đạt được sự tin tưởng vào những gì được tường thuật. Thiên Chúa phán trong câu 26: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta[4], và trong câu 27, người tường thuật xác nhận: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ”. Thông tin đến từ người kể chuyện và từ Thiên Chúa là đáng tin, và cả hai quan điểm đều thống nhất với nhau.

Chương 2 và 3 có thể được đọc nối tiếp với chương trước. Sáng thế 2-3 có thể được hiểu dưới hình thức kể chuyện như một câu chuyện thu nhỏ về việc tạo ra Ađam, cả nam và nữ. Theo Jan P. Fokkelman, “câu chuyện về vườn địa đàng, St 2,4b–3,24, nói một cách chính xác, không phải là câu chuyện thứ hai về sự sáng tạo, mà là một nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về con người đã được dựng nên, nguồn gốc và mối tương quan cơ bản của con người với Thiên Chúa và với thế giới”.[5]

Trong St 2,8-9, người kể chuyện cho người đọc thấy rằng Thiên Chúa đã trồng một khu vườn ở Ê-đen, nơi con người được dựng nên: “Ðức Chúa là Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác” (St 2,9). Chúa trao phó cho con người trách nhiệm kép là trồng trọt và chăm sóc khu vườn (x. St 2,15). Tại thời điểm này, Thiên Chúa đưa ra một mệnh lệnh kép: “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết” (St 2,16-17).

Trên hết, lời Thiên Chúa phán làm nổi bật khía cạnh tích cực của món quà. Về mệnh lệnh thần linh, André Wénin nói: “Mệnh lệnh này có hai phần và thường bị lãng quên, phần đầu tiên của nó không liên quan gì đến một lệnh cấm. Đó là một quy tắc tích cực khi ra lệnh cho con người ăn từ mọi cây trong vườn”.[6] Thiên Chúa đã cho Ađam mọi thứ; ông là vua của khu vườn, tại giữa vườn là cây trường sinh (x. St 2,9).

Trong phần thứ hai của mệnh lệnh, Thiên Chúa đưa ra một giới hạn, đưa ra lời cảnh báo cho con người: “nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết” (St 2,17).[7] Ađam sẽ làm gì khi đối diện với mệnh lệnh thần linh? Ađam sẽ giải thích lời của Thiên Chúa như thế nào? Liệu Ađam có biết hết sức lắng nghe hoặc sẽ hiểu sai những gì đã được phán với mình?

Trong Sáng thế 3, những lời đầu tiên của con rắn nói bóng gió sự nghi ngờ về ý định tốt của Đấng đã đặt con người vào Vườn Địa đàng. Con rắn nói với người đàn bà bằng một câu hỏi khiêu khích và dối trá bóp méo sự thật: “Có thật Thiên Chúa bảo: “Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không?” (St 3,1). Bằng lời nói của mình, con rắn truyền tải hình ảnh về một vị Thiên Chúa bạo ngược và độc tài, thậm chí muốn bỏ đói chính các thụ tạo của mình, tước đoạt của chúng nguồn thức ăn cần thiết để sống sót.[8] Tuy nhiên, người đọc biết rằng những lời của con rắn không đúng với sự thật, bởi vì Thiên Chúa không bao giờ đưa ra một mệnh lệnh như vậy; trái lại, Ngài đã làm một điều hoàn toàn khác, trao cho con người tất cả, ngoại trừ một thứ. Hơn nữa, nếu Thiên Chúa từ chối trái của cây biết điều thiện và điều ác, thì điều đó được thực hiện để con người không ăn trái cây này thì sẽ không phải chết. Ưu tiên của Thiên Chúa là con người được sống chứ không phải là bị cấm ăn trái cây.

Người đàn bà đáp lại, rụt rè cố gắng phủ nhận lời tuyên bố của con rắn: “Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn. Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: “Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết” (St 3,2-3). Quan điểm của Evà dường như bị bóp méo. Người đàn bà không đồng ý với con rắn, nhưng bà cũng làm thay đổi lời của Thiên Chúa, làm cho điều ngăn cấm trở nên quan trọng hơn món quà.

Hơn nữa, việc cấm ăn bây giờ mở rộng sang cả việc cấm chạm vào. Từ quan điểm của Evà, lệnh cấm thậm chí còn nghiêm ngặt hơn. Ngoài ra, theo nhãn quan của người đàn bà, cây bị cấm được đặt một mình ở giữa khu vườn, trong khi thực tế là Thiên Chúa đã đặt cả hai cây ở đó.[9] Theo Wénin, “cây bị cấm chiếm trọn chỗ và chính xác trở thành cây che khuất khu rừng chứa đựng tất cả những gì được ban tặng”.[10]

Con rắn đã khuấy đục nước để khiến người đàn bà bối rối. Trong trò chơi đa quan điểm, nếu người đọc không cảnh giác cân nhắc các quan điểm đa dạng và lấy lời của người kể chuyện và lời của Thiên Chúa làm thước đo để phân định đâu là sự thật thì rất dễ bị lạc lối. Cái bẫy tin giả của con rắn không chỉ giới hạn ở việc khiến Evà mất phương hướng và bối rối: nhưng mục đích là để thao túng và dụ dỗ Evà, dẫn bà tới chỗ phạm tội chống lại Lời của Thiên Chúa. Chất độc cuối cùng do con rắn tiêm vào là một lời tạo ra hình ảnh của một vị Thiên Chúa đố kỵ muốn giữ người nam và người nữ trong tình trạng thấp kém và phục tùng: “Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” (St 3,4-5).

Ngay cả những lời này cũng là dối trá. Tiếng nói của Thiên Chúa và người kể chuyện đã nói với độc giả rằng Ađam, có nam có nữ, được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1,26-27). Người nam và người nữ không cần phải phấn đấu để trở thành như họ đã là. Không có lệnh để lật đổ và không có đối thủ nào phải hạ gục để thế chỗ. Nhưng Evà rơi vào bẫy của con rắn và không còn tin tưởng vào Thiên Chúa nữa. Theo cách nói của Paul Ricœur, “kỷ nguyên của sự nghi ngờ đã mở ra, một vết nứt đã được đưa vào trong điều kiện cơ bản nhất của ngôn ngữ, đó là mối tương quan tin tưởng mà các nhà ngôn ngữ học gọi là ‘mệnh đề chân thật’”.[11]

Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn” (St 3,6). Tâm điểm của những suy nghĩ và ước muốn của người đàn bà chỉ là trái cấm, trong khi những cây khác, cũng đẹp và tốt, đã biến mất khỏi tầm mắt của bà (x. St 2,9). Con rắn đã xây dựng hình ảnh sai lầm về một Thiên Chúa bạo ngược và độc đoán, kẻ thù của người nam và người nữ, gieo rắc sự hồ nghi và ngờ vực về sự tốt lành của lời nói và quà tặng của Ngài. Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Chương Kinh Thánh này đưa ra ánh sáng một yếu tố quan trọng để suy tư: chẳng hề có thông tin sai lạc nào mà vô hại; trái lại, tin vào sự giả dối có thể có những hậu quả thảm khốc. Thậm chí chỉ một chút xíu bóp méo sự thật thôi cũng có những hậu quả nguy hại”.[12]

Có phải số đông luôn luôn đúng? (Ds 13–14)

Ở phần sau của trình thuật Kinh Thánh, chúng ta gặp dân Israel trên hành trình khó khăn và bấp bênh tiến về đất Canaan. Họ phải quyết định nên tin cậy vào lời hứa của Chúa hay dựa vào những nỗi sợ hãi và lo lắng của họ. Israel sẽ nghe theo tiếng nói nào? Mọi người sẽ rơi vào những lời dối trá và chủ bại hay họ sẽ lắng nghe lời của Thiên Chúa? Lần này, một thực thể bên ngoài như con rắn không xuất hiện; trái lại, chính dân chúng là tác giả của sự dối trá làm mất đi sự tin tưởng vào Đất Hứa và làm suy yếu tinh thần của những người đang trên hành trình.

Khi chúng ta đặt mình vào trong Sách Dân Số các chương 12-13, Israel hiện đang ở ngưỡng cửa của xứ Canaan sau hành trình qua sa mạc. Trong cuộc hành trình, Chúa đã chăm sóc và nuôi sống dân Ngài. Thiên Chúa truyền cho Môsê sai một số người đi do thám xứ Canaan, tái khẳng định ý muốn của Ngài là trao đất ấy cho Israel (x. Ds 13,1-2). Lời của Chúa là đáng tin cậy và làm cho ý định của Ngài đối với dân trở nên rõ ràng và minh bạch. Thiên Chúa yêu cầu mỗi chi tộc phải có đại diện riêng của mình trong số những người đi do thám, được chọn trong số những người lãnh đạo. Do đó, họ sẽ là những người có thẩm quyền và được tín nhiệm trước dân chúng.

Môsê cử những người do thám đi và hướng dẫn họ cặn kẽ. Sau 40 ngày, họ trở lại với dân Israel và thuật lại tất cả những gì họ đã thấy ở Canaan, đưa ra những hoa quả mà họ đã thu hoạch được trong xứ. Tại thời điểm này, câu chuyện trình bày một số lời phát biểu phản ánh các quan điểm khác nhau, tương phản với nhau một cách công khai. Những lời nào mọi người sẽ coi là đáng tin cậy? Lời nào nói sự thật, lời nào là dối trá? Người tường thuật toàn tri và lời của Thiên Chúa sẽ là chiếc la bàn giúp người đọc hiểu được sự thật nằm ở đâu.

Báo cáo đầu tiên của những người do thám có vẻ tích cực: “Chúng tôi đã vào miền đất ông sai chúng tôi đến. Ðúng là miền đất tràn trề sữa và mật, và đây là hoa trái miền ấy. Thế nhưng dân cư miền ấy thì mạnh, thành thị lại kiên cố và rộng lớn lắm; ở đó chúng tôi còn thấy cả con cháu A-nác” (Ds 13,27-28). Thực ra, những lời này được chế tác cẩn thận để lôi kéo mọi người vào bẫy.[13] Những người do thám xác nhận sự sung túc của vùng đất mà họ đã đến thăm, nhưng đồng thời ngụ ý rằng Israel không thể cạnh tranh với những người sống ở đó, là những người mạnh hơn và được trang bị tốt hơn. Ngụ ý sau những dòng chữ, phát biểu của những người do thám được dàn dựng để thao túng dân chúng và dẫn họ đi xa khỏi những gì Thiên Chúa đã hứa. Họ nói một sự thật (“đất tràn trề sữa và mật”) và sau đó làm suy yếu thực tế về mục tiêu có thể tới gần và tiếp cận (“Thế nhưng dân cư miền ấy thì mạnh”). Kết quả là làm dân Israel nản lòng, suy yếu lòng tin cậy nơi Thiên Chúa, khiến họ sợ hãi khi tiến vào xứ Canaan.

Tại điểm này, Ca-lếp, một trong những người do thám, cố gắng can thiệp, hành động như một đối trọng với những gì mà những người khác đã nói và khuyến khích mọi người kiên trì với ý định tiến vào Canaan: “Ông Ca-lếp truyền cho dân đang phản đối ông Mô-sê phải im lặng, ông nói: “Ta cứ lên chiếm miền ấy, vì chắc chắn ta có thể thắng được.” Những người đã cùng lên với ông đáp lại: “Ta không thể lên đánh dân ấy, vì họ mạnh hơn ta” (Ds 13,30-31). Ông Ca-lếp thấy mình đơn độc trong khi những người do thám khác thậm chí còn công khai hơn trong việc làm nản lòng và suy yếu tinh thần của người dân.

Trong cuộc xung đột giữa các quan điểm đối lập hoàn toàn này, người kể chuyện đáng tin và toàn tri đã can thiệp. Sự can thiệp của ông định hướng độc giả, là những người có nguy cơ bị lạc trong trò chơi của những quan điểm đối lập, và bày tỏ sự phán đoán rõ ràng và dứt khoát về lời của những người do thám: “Trước mặt con cái Ít-ra-en, họ bắt đầu chê bai miền đất họ đã do thám, họ nói: “Miền đất chúng ta đã đi qua để do thám là đất nuốt những người ở đó, và tất cả những người chúng tôi thấy ở đó đều là những người cao lớn. 33 Ở đó chúng tôi trông thấy những người khổng lồ, con cháu của A-nác thuộc giống người khổng lồ. Chúng tôi thấy mình chỉ như châu chấu, và họ cũng coi chúng tôi như vậy” (Ds 13,32-33).

Những người do thám tung tin thất thiệt về vùng đất mà Thiên Chúa sắp ban cho Israel (x. Ds 13,1-2). Người kể chuyện báo cáo những thông tin vô căn cứ và xuyên tạc mà những người do thám này đưa ra. Bài phát biểu là phóng đại và lố bịch, đầy tính cường điệu và mâu thuẫn. Trước hết, miền đất mà trước đây họ mô tả là nơi chảy sữa và mật, giờ đã trở thành vùng đất nuốt chửng cư dân của nó.[14] Những người do thám lại đề cập đến hậu duệ của A-nác, nhưng lần này họ được mô tả là thuộc chủng tộc người khổng lồ.[15] Miền đất không còn là một cái gì đẹp đẽ và tốt lành nữa, mà xuất hiện như một thực thể thần thoại thù địch và độc ác, giống như một vùng đất hoang vu không có hình dạng rõ rệt, giống như vực thẳm trước khi tạo dựng (x. St 1,2), trong khi cư dân Canaan được mô tả như những con quái vật nguyên thủy, những á thần rơi xuống trái đất (x. St 6,4).

Những người do thám nhấn mạnh các chi tiết và làm cho câu chuyện của họ trở nên phong phú để đánh lừa dân Israel và thao túng quyết định. Họ phổ biến thông tin vô căn cứ và kể những câu chuyện bịa đặt, xuyên tạc chính những từ ngữ mà họ đã sử dụng trước đó. Nói cách khác, những người lãnh đạo dân, dưới vỏ bọc của thẩm quyền được giả định, cung cấp thông tin sai lệch, gieo rắc nỗi sợ hãi và chán nản trong dân chúng. Những người do thám khai thác nỗi sợ hãi về những điều chưa biết và định kiến với những gì khác biệt và chưa được biết đến. Cuối cùng, họ phóng chiếu quan điểm của mình, bị ức chế bởi nỗi sợ hãi, lên người dân Canaan. Các nhà lãnh đạo của Israel cảm thấy nhỏ bé và nghĩ rằng những người khác cũng thấy họ như vậy.

Thật không may, người dân bị ảnh hưởng bởi những lời nói và nỗi sợ hãi được truyền đi bởi những người do thám và tin vào những lời nói dối của họ. Ý kiến của đa số các nhà lãnh đạo chiếm ưu thế hơn tiếng nói đơn lẻ của Ca-lếp. Vì vậy, ý kiến không-chủ bại duy nhất bị bóp nghẹt. Dân chúng la hét và khóc lóc bày tỏ sự sợ hãi và bắt đầu cằn nhằn, bày tỏ sự bất bình và thiếu kiên nhẫn đối với Môsê và Aarôn.

Đã có những thời điểm khác trong sa mạc khi Israel phàn nàn: ở Marah vì thiếu nước uống (x. Xh 15,24); sau đó, tiếc nuối về nồi thịt và bánh họ đã ăn ở Ai Cập (x. Xh 16,2.7-8) và một lần nữa vì thiếu nước (x. Xh 17,3). Tuy nhiên, trong lần này, có một điều mới mẻ trong ý định của dân chúng: “Chúng ta hãy đặt lên một người cầm đầu và trở về Ai-cập” (Ds 14,4). Cái lẽ ra có thể gọi là “nỗi luyến tiếc Ai Cập” giờ đây trở thành khao khát được trở lại. Dân Israel đảo ngược tất cả những gì Chúa đã làm qua việc giải thoát họ khỏi ách nô lệ và nghi ngờ về thẩm quyền của Môsê, và cuối cùng là thẩm quyền của Thiên Chúa.

Ca-lếp, và cùng với ông là Giô-suê, đã dũng cảm chống lại âm mưu “đảo chính” này và nhắc Israel nhớ đến danh Thiên Chúa mà họ đặt niềm hy vọng:[16] Vậy anh em đừng nổi loạn chống Ðức Chúa, và đừng sợ dân đất ấy! Chúng ta sẽ nuốt chửng chúng. Thần hộ mệnh chúng đã lìa xa chúng, còn Ðức Chúa thì ở với ta. Ðừng sợ chúng!” (Ds 14,9). Lời mời gọi đừng sợ hãi chẳng có tác dụng gì nữa, bởi vì đa số người dân bị mù quáng bởi sự hoảng loạn và tức giận đồng thời có ý định ném đá những ai muốn đánh thức họ khỏi giấc ngủ say này và nói lý lẽ với họ.

Sự dối trá dẫn đến sự sợ hãi, và sự sợ hãi dẫn đến ngưỡng cửa của bạo lực, cho đến khi sự can thiệp của Thiên Chúa chấm dứt sự điên rồ của đám dân. Kết quả là, việc vào Canaan bị hoãn lại cho thế hệ sau, trong khi dân Israel phải trải qua 40 năm lang thang trong sa mạc trước khi họ nhìn thấy vùng đất mà Chúa định ban cho họ (x. Ds 14,29-30).

Mở đầu câu chuyện, lời của Thiên Chúa đã loan báo rằng đất Canaan sẽ thuộc về Israel. Giọng nói nhẹ nhàng nhưng đáng tin cậy này vang lên cách yếu ớt trong tai của những người thích nghe những bài diễn thuyết huênh hoang rỗng tuếch, đầy những lời khoe khoang của những người do thám. Vì thế, nỗi sợ hãi đã lấn át niềm tin. Khi sự tương phản giữa các quan điểm khác nhau có thể gây khó khăn cho người đọc, thì người kể chuyện đã can thiệp để làm rõ bằng một đánh giá đáng tin. Người kể chuyện đã hướng dẫn người đọc phân định những lời dối trá được đa số ủng hộ với sự thật chỉ được khẳng định bởi hai người, Ca-lếp và Giô-suê.

Kết luận

Liệu có thể nói rằng một bài phát biểu càng có sức thuyết phục và có thế lực thì càng đáng tin không? Có phải những từ mạnh mẽ nhất và phô trương nhất cũng đáng tin nhất không? Có phải một ý kiến được đa số ủng hộ đương nhiên trở thành sự thật không? Các bài tường thuật trong sách Sáng thế 3 và Dân số 13-14 chứng minh mức độ sai lệch của sự thật đặt ra vấn đề của việc phân định đối với độc giả liên quan đến việc họ nên liên minh với lời nào. Lời nào là sự thật và dẫn đến sự sống?

Điều đã đánh lừa người đàn bà là những nghi ngờ len lỏi từ con rắn với giọng nói thuyết phục và quyến rũ của nó, cùng với lời hứa có sức hấp dẫn là sẽ trở nên giống như Thiên Chúa. Nhưng người kể chuyện đã vạch trần những lời dối trá và mưu mô, truyền đạt cho người đọc lời chân thật và đáng tin của Thiên Chúa. Trong câu chuyện từ sách Dân số, sự lừa dối dựa trên sự thất vọng của người dân, nuôi dưỡng ảo tưởng và nỗi sợ hãi cũng như thúc đẩy mối lo ngại khi đối diện với sự mới lạ và nỗi kinh hoàng đối với người xa lạ, kẻ bị coi là mối nguy hiểm khủng khiếp. Trong dòng chảy của câu chuyện, người đọc chăm chú có thể nhận ra trò chơi của các quan điểm đối lập, tin tưởng vào người kể chuyện và lời hứa của Thiên Chúa.

Ngay cả ngày nay, những tường thuật này có thể giúp độc giả, trong số rất nhiều lời tự cho là đúng, xác định được những lời đáng tin nhất, nhận ra những cơ chế bóp méo thực tế và thao túng phán đoán bằng cách tập trung vào những cảm xúc dễ được khơi dậy. Sách Châm ngôn khẳng định: “Người công chính nghĩ suy rồi mới đáp, miệng kẻ ác tuôn trào chuyện xấu xa” (Cn 15,28). Trong một thế giới sản xuất tin tức và ý kiến một cách điên cuồng, Kinh Thánh mời gọi chúng ta đừng để bị choáng ngợp, nhưng hãy dừng lại, ngẫm nghĩ và suy tư, không để mình bị lôi cuốn bởi tính tức thời của khẩu hiệu gây sợ hãi hoặc đưa ra những lời hứa hấp dẫn nhưng trống rỗng.

Trong tiếng Hip-ri, từ emet, “sự thật”, bắt nguồn từ động từ ’mn, có nghĩa là “vững chắc, ổn định, chắc chắn và trung thành”, và do đó là “an toàn, chắc chắn, chân thật”. Niềm tin tưởng này chỉ được đặt nơi Thiên Chúa, Đấng trung thành với con người và là Đấng bảo đảm sự sống và tự do đích thực.

Nt. Anna Ngọc Diệp, Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Chuyển ngữ từ: laciviltacattolica.com

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 139 (Tháng 01 & 02 năm 2024)


[1] Về chủ đề này, xem thêm F. Occhetta, “Tempo di post-verità o di post-coscienza?” trong Civ.Catt. 2017 II 215-223.

[2] Phanxicô, Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội. “Sự thật sẽ giải thoát anh em (Ga 8,32). Tin giả và một nền báo chí vì hòa bình”, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-ngay-the-gioi-truyen-thong-xa-hoi-thu-52-2018--32294

[3] Để xem xét rộng rãi mô hình tường thuật của Kinh Thánh, x. J.-P. Sonnet, “L’analisi narrative dei racconti biblici,” trong M. Bauks – C. Nihan (eds), Manual of exegesis of the Old Testament, Bologna, EDB, 2010, 45-85.

[4] Các bản dịch được đề xuất thường theo phiên bản từ Hội đồng Giám mục Ý (CEI) 2008, với một số thay đổi nhằm mục đích làm cho bản văn trung thực hơn với nguyên bản tiếng Hip-ri.

[5] J. P. Fokkelman, Come leggere un racconto biblico, Bologna, EDB, 2015, 132.

[6] A. Wénin, Da Adamo ad Abramo o l’errare dell’uomo. Lettura narrativa e antropologica della Genesi. I. Gen 1,1–12,4, Bologna, EDB, 2008, 45.

[7] Theo T.N.D. Mettinger, bản văn của St 2,17 đề cập đến lời cảnh báo về nguy cơ tử vong, hơn là một bản án kết án chính thức (x. T.N.D Mettinger, The Eden Narrative: A Literary and Religio-historical Study of Genesis 2–3, Winona Lake [IN], Eisenbrauns, 2007, 22).

[8] Trong các câu chuyện về sáng tạo, Thiên Chúa phán: “Ðây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi.” (St 1,29). Về điểm này, x. A. Wénin, Da Adamo ad Abramo o l’errare dell’uomo…, op. cit., 30-32.

[9] Theo Paul Joüon, thành ngữ “cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác” (St 2,9) chứa đựng một chuỗi các từ được phối hợp với nhau, nhưng bị chia cắt bởi một yếu tố xâm nhập: “ở giữa vườn”. Do đó, cả hai cây sẽ ở giữa của Vườn Địa đàng (x. P. Joüon – T. Muraoka, A Grammar of Biblical Hebrew, Rome, Gregorian and Biblical Press, 20112, 117t).

[10] A. Wénin, Da Adamo ad Abramo o l’errare dell’uomo…, op. cit., 69.

[11] A. LaCocque – P. Ricoeur, Come pensa la Bibbia. Studi esegetici ed ermeneutici, Brescia, Paideia, 2002, 60.

[12] Phanxicô, Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội, số 2, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-ngay-the-gioi-truyen-thong-xa-hoi-thu-52-2018--32294

[13] Theo D. T. Olson, trong báo cáo đầu tiên của họ, những người do thám không bất công và không bày tỏ sự phán xét. Nếu đúng như vậy, sự khác biệt và mâu thuẫn giữa hai lời phát biểu của họ sẽ càng rõ ràng hơn: x. D. T. Olson, Numeri, Turin, Claudiana, 2006, 93.

[14] x. Sđd., 94.

[15] Phiên bản tiếng Hy Lạp đề cập đến thuật ngữ “người khổng lồ”, trong khi trong tiếng Hip-ri, nó là nefilim, có nghĩa là “kẻ sa ngã”, từ động từ nfl, “sa ngã”. Theo St 6,4, họ được coi là những sinh vật thần thoại có lẽ được sinh ra từ sự kết hợp của con trai Thiên Chúa với con gái loài người, nhưng bản văn không rõ ràng. Những á thần này lẽ ra đã bị tuyệt chủng cùng với trận lụt, càng có nhiều lý do để không tin vào lời của những người do thám (về nefilim, xem R. S. Hendel, “Of Demigods and the Deluge: Toward an Interpretation of Genesis 6:1-4,” in Journal of Biblical Literature 106 [1987] 13-26).

[16] Ca-lếp và Giô-suê không nhượng bộ trước áp lực của nhóm và không tuân theo quan điểm được đa số lựa chọn. Theo một nghĩa nào đó, họ thể hiện sự độc lập của mình với tâm lý xã hội được gọi là “hiệu ứng Asch”, xảy ra khi một niềm tin sai lầm, được ủng hộ bởi đa số, ảnh hưởng đến quan điểm của người khác, người đồng hóa quan điểm của họ với quan điểm của đa số. Về hiệu ứng Asch, xem R. Kreitner – A. Kinicki, Comportamento organizzativo, Milan, Apogeo, 2004, 402-404.