Sự thinh lặng của Thiên Chúa – Kỳ 2: Ngôn ngữ của sự thinh lặng
Sự thinh lặng của Chúa trong Kinh Thánh
Trong Cựu Ước, Thiên Chúa nói nhiều hơn là thinh lặng. Trong khi có khoảng 1882 động từ và danh từ diễn tả lời nói của Thiên Chúa, chỉ có 29 động từ và danh từ rõ ràng diễn tả sự thinh lặng của Thiên Chúa.[8] Tuy nhiên, sự thinh lặng của Thiên Chúa và sự than vãn của con người xét như hệ quả là một khía cạnh chính của truyền thống Do Thái-Kitô giáo. Trong Thánh vịnh 94,17 và 115,17, nghĩa của từ tiếng Do Thái “dumah” (im lặng) gắn liền với sự chết. Tình trạng đó diễn tả sự đổ vỡ hoàn toàn trong việc giao tiếp giữa Thiên Chúa và con người.[9]
Tương tự như trên, Israel than khóc vì thiếu vắng lời ngôn sứ, mặc dù lời các ngôn sứ thường là lời phê phán gay gắt về sự bất trung của họ đối với Thiên Chúa (Mk 3:6-7). Sách các Vua quyển thứ nhất, chương 19, kể về cuộc gặp gỡ giữa ngôn sứ Êlia với Thiên Chúa. Ông tìm thấy Thiên Chúa trong một “tiếng nói nhỏ nhẹ” (qol demamah daqqa) (c.12). Nó gần như là sự thinh lặng so với cơn gió mạnh, lửa cháy dữ dội và trận động đất ồn ào đã xảy ra trước đó. Sự thinh lặng này bao gồm hoặc theo sau bởi việc Thiên Chúa xuất hiện. Thomas Martin, dựa trên nhiều nghiên cứu học thuật, đưa ra một cái nhìn thú vị về sự tương phản giữa “tiếng nói lớn” và “tiếng nói nhỏ nhẹ” được nhắc đến trong sách Khải huyền. Theo đó, “tiếng nói nhỏ nhẹ” của Thiên Chúa (1V 19, đặc biệt là câu 12 và các câu tiếp theo), nếu hiểu rằng Thiên Chúa nói bằng “tiếng nói không ồn ào” trong Kh 1:1-8 hoặc 21:5tt, cho thấy người thuật chuyện đã nghe thấy sự phá huỷ của những “tiếng nói lớn” ở trên trời, vốn được nhắc đến nhiều lần trong sách Khải huyền. Người thuật chuyện đã nhầm lẫn chúng với tiếng nói của Thiên Chúa; và người được cho là tác giả đã phê phán về người thuật chuyện đó.[11] Lỗi của người thuật chuyện là liên kết những âm thanh ồn ào mang tính thống trị (việc xây dựng hình ảnh hay quảng bá công khai là thực hành phố biến trong đế chế La Mã) với tiếng nói từ trời. Thật vậy, Gioan, người thuật chuyện, được yêu cầu không viết gì khi ông nghe thấy tiếng của “bảy tiếng sấm” (10:2tt), chứng tỏ không có sự mặc khải nào nơi chúng. Nói cách khác, người thuật chuyện đã sai lầm khi mong đợi Chúa ra tay “ồn ào” như hoàng đế La Mã với hy vọng chấm dứt nỗi thống khổ của các Kitô hữu. Thế nhưng người được cho là tác giả của sách Khải huyền lại cho thấy một Thiên Chúa khác, một Đấng nói bằng giọng nhỏ nhẹ, gần như thinh lặng. Điều chúng ta thấy ở đây là “lời nói” của Chúa không nhất thiết phải ồn ào và náo động; lời Chúa có thể nhẹ nhàng như chính sự thinh lặng.
Với ngôn ngữ gần như thần bí, thư Rô-ma 8,26 nói về “những tiếng thở dài khôn tả” mà Thánh Thần của Thiên Chúa “chuyển cầu” từ bên trong chúng ta, vì “chúng ta không biết phải cầu nguyện thế nào cho đúng.” Những tiếng thở dài của Thánh Thần là cầu nối giao tiếp giữa Thiên Chúa và chúng ta, và chúng không thể được diễn tả bằng bất kỳ ngôn ngữ phàm nhân nào. Có vẻ nghịch lý nhưng những tiếng thở dài này cho thấy một sự thinh lặng hàm chứa sự giao tiếp. Chính trong và qua những tiếng thở dài “thinh lặng” này mà điều không thể diễn tả được lại có thể được truyền đạt. Thật vậy, Kinh Thánh đề cập đến chủ đề “sự thinh lặng của Thiên Chúa” theo nhiều cách khác nhau. Chính trên nền tảng này mà sự hiểu biết của Kitô giáo về sự thinh lặng này phát triển theo nhiều khía cạnh khác nhau.
Những đặc nét của niềm hy vọng Kitô giáo
Trong truyền thống Kitô giáo, giữa những đau khổ và tuyệt vọng vì Thiên Chúa thinh lặng, niềm hy vọng được đặt ở vị trí hàng đầu.
Niềm hy vọng là gì? Niềm hy vọng không thể bị giới hạn chỉ bởi những mong muốn và niềm tin. Niềm hy vọng được diễn tả bằng hành động, và trong trường hợp có mục tiêu chưa đạt được, niềm hy vọng thậm chí có thể sắp xếp lại mục tiêu đó trong khi vẫn nhắm đến mục đích tốt đẹp của mục tiêu. Ví dụ, niềm hy vọng của người Do Thái trong thế kỷ thứ nhất về việc được giải phóng khỏi sự áp bức của người La Mã đã được phác hoạ lại dưới ánh sáng của biến cố Chúa Kitô, từ đó niềm hy vọng cũ trở thành niềm hy vọng sâu sắc hơn về việc giải thoát khỏi tội lỗi và cái chết, vốn vượt xa niềm hy vọng tự do về mặt chính trị. Hơn nữa, tất cả các xu hướng hy vọng mang tính lười biếng và sự thụ động xét như là hệ quả đều bị chỉ trích gay gắt (“Ai không muốn làm việc thì không được ăn!” 2 Tx 3:10), và một sự dấn thân tích cực với thế giới và với nhà cầm quyền đã trở thành một giáo lý nổi bật trong thời Giáo hội sơ khai. Do đó, niềm hy vọng được điều chỉnh đã biến họ thành những tác nhân của sự thay đổi.
Những suy xét trên dẫn chúng ta đến việc tìm hiểu liệu một người đang ở ranh giới của sự tuyệt vọng hoàn toàn, trong khi kinh nghiệm về sự thinh lặng của Thiên Chúa, có thực sự đã hết cách để có thể đối diện cuộc khủng hoảng hiện tại một cách tích cực hay không. Cần phải thừa nhận khả năng thất bại khi đối diện với cuộc khủng hoảng như thế. Cánh cửa đã được gõ có thể không mở ra, nhưng nhiều cánh cửa khác có thể đã mở ra mà thậm chí không cần gõ (Mt 7,7).
Hơn nữa, truyền thống Kitô giáo đưa ra một sự phân biệt quan trọng và hữu ích giữa “niềm hy vọng tự nhiên” và “niềm hy vọng như một nhân đức đối thần.”[14] Điều này có thể làm sáng tỏ vấn đề “sự thinh lặng của Thiên Chúa.” “Niềm hy vọng tự nhiên” là đam mê của con người về điều được cho là tốt đẹp nhưng khó đạt được. “Nhân đức hy vọng đối thần” đề cập đến khao khát của con người muốn được sự kết hiệp tuyệt đối với Thiên Chúa.[15] Trong trường hợp có thể là đã mất hy vọng do sự thinh lặng của Thiên Chúa giữa cơn khốn khó của con người, chúng ta vẫn không rõ liệu niềm hy vọng tự nhiên hay nhân đức hy vọng đối thần, hoặc cả hai, được nói đến.
Theo khái niệm “hiện hữu siêu nhiên”[16] của Karl Rahner, tức là nỗi khát khao hiện sinh tột bậc nơi con người về bất cứ sự thông truyền nào và sự thông truyền với Thiên Chúa, nhân đức hy vọng đối thần dường như không thể mất đi được, bởi vì nó là ơn Thiên Chúa ban cho mỗi người, và nó tồn tại trong chủ thể con người ngay cả khi người đó cố tình từ chối Thiên Chúa. “Hiện hữu siêu nhiên” là phần không thể tách rời của sự hiện hữu của con người (vì vậy nó là “hiện sinh”). Như Rahner đã chỉ rõ, sự hiện hữu này không nhất thiết phải luôn ở mức độ ý thức, vì nó là một điều kiện làm nên sự tồn tại của chúng ta. Do đó, chúng ta có lý do xác đáng để tin rằng ngay cả trong trường hợp mất hoàn toàn “niềm hy vọng tự nhiên” thì “nhân đức hy vọng đối thần” vẫn có thể tiếp tục tồn tại trong chúng ta mà không cần chúng ta nhận thức rõ ràng về nó.
Cuối cùng, đúng là không phải tất cả các đối tượng của “niềm hy vọng tự nhiên” (những mục tiêu hữu hạn) đều có thể hữu ích cho việc đạt được mục tiêu của nhân đức hy vọng đối thần (sự hiệp thông với Thiên Chúa). Do đó, khi “niềm hy vọng tự nhiên” sụp đổ bởi sự thinh lặng của Thiên Chúa, điều đó cũng có thể có lợi cho ích lợi tối hậu của con người [17]
Sự thinh lặng của trời cao như một khúc dạo đầu cho một mặc khải quan trọng?
Những lời nói chỉ có ý nghĩa khi có sự thinh lặng xen vào. Lời nói và sự thinh lặng xen vào tạo nên một bài diễn văn hoàn chỉnh. Do đó, sự thinh lặng không phải là sự thiếu vắng lời nói, mà là điều làm cho lời nói trở nên có ý nghĩa, và thinh lặng cũng có ý nghĩa y như lời nói vậy. Sách Khải huyền 8,1 nói về nửa giờ im lặng khi Con Chiên mở ấn thứ bảy. Dựa vào sách Dacaria 2,13, Habacuc 2,20 và Êzêkien 3,15-16, sự thinh lặng này có thể được hiểu như một khúc dạo đầu cho mặc khải của Thiên Chúa. Mặc dù vậy, việc gán lý do như vậy cho sự thinh lặng của Thiên Chúa trước sự đau khổ của con người có thể dẫn đến việc nhân hóa Thiên Chúa quá mức. Tuy nhiên, cũng có lý khi cho rằng Thiên Chúa đang lắng nghe các tạo vật trước khi nói lời mặc khải.
Theo thuật ngữ của Rahner, chúng ta là “những người lắng nghe Lời” và cảm thấy khắc khoải vì đôi khi chúng ta không nghe thấy Lời đó khi trong thời gian gặp khủng hoảng. Những giai điệu không nghe được có thể ngọt ngào hơn cả những giai điệu được nghe; nhưng trong trường hợp này, chúng ta khao khát những giai điệu chưa được nghe vì thực tại nguyên thủy của các giai điệu này đã để lại dấu ấn không thể xóa mờ trong cách thức hiện hữu của chúng ta. Do đó, có nhiều lý do hơn để tin rằng Thiên Chúa không thể không mặc khải cho chúng ta trong chính sự thinh lặng của Người.
Liệu Thiên Chúa Ba Ngôi có thể thinh lặng không?
Các mối tương quan giữa Ba Ngôi từ trước muôn đời là Chúa Con phát xuất từ Chúa Cha, Chúa Con chủ động đón nhận bản thể từ Chúa Cha, sự phát sinh của Chúa Thánh Thần từ Chúa Cha và Chúa Con, và Chúa Thánh Thần chủ động đón nhận bản thể của Ngài từ Chúa Cha và Chúa Con, có thể được coi là các “hành động ngôn ngữ” trong nội tại Thiên Chúa Ba Ngôi. Mặc dù Karl Rahner, vì ngại rằng việc giải thích sai lầm có thể dẫn đến thuyết tam vị, đã do dự trong việc đặt một mối liên hệ “Tôi-Bạn” trong tương quan nội tại của Thiên Chúa Ba Ngôi, nhưng chừng nào đức tin Kitô giáo còn khẳng định sự phân biệt cá vị trong Ba Ngôi, thì chắc chắn chúng ta có thể nói về Chúa Con như là “Bạn” (tức là con – ND) của Chúa Cha. Vì vậy, “Thiên Chúa Ba Ngôi thật sự thinh lặng” là một thuật ngữ mâu thuẫn; bởi Ba Ngôi cơ bản là “sự giao tiếp”. Sự “giao tiếp” nội tại này của Ba Ngôi tuôn tràn dẫn đến việc tạo dựng bằng lời Chúa phán; tình yêu và sự tự do hoàn toàn của Thiên Chúa đi vào thời gian và không gian. Thật vậy, các ngẫu tượng không thể nói, nhưng Thiên Chúa hằng sống có thể nói. Lời nói của Thiên Chúa là điều mang lại sự hiện hữu và duy trì tất cả những gì hiện hữu. Vì thế, từ góc nhìn Ba Ngôi, sự thinh lặng của Thiên Chúa là do sự cảm nhận của con người chứ không phải là vấn đề từ phía Thiên Chúa.
(Còn tiếp)
Tác giả: Joseph Lobo, SJ
Người dịch: Lm. Phêrô Phạm Công Tùng, SJ
Nguồn:La Civiltà Cattolica
[8] Cf. M. C.A. Korpel – J. C. de Moor, The Silent God, Leiden-Boston, Brill, 2011, 35.
[9] Cf. P. Torresan – A. Curà (ed), “Silence in the Bible”, in Jewish Bible Quarterly, 31, 3 Jul – Sep 2003, 154.
[10] Cf. T. W. Martin, “The Silence of God: A Literary Study of Voice and Violence in the Book of Revelation”, in Journal for the Study of the New Testament, 41 (2018/2) 247 f; 255f.
[11] In distinguishing between “John the narrator” and “John the implied author” Thomas Martin follows W. C. Booth, The Rhetoric of Fiction, Chicago, Chicago University Press, 1983, 151. Cf. T. W. Martin, “The Silence of God…”, op.cit., 248.
[12] Cf. A. D. Cobb, “Hope and the Problem of Divine Silence”, op. cit., 161.
[13] Ibid., 166.
[14] Cf. Thomas Aquinas, Sum. Theol., II-II. q. 17, art 1, 2, 5.
[15] Cf. A. D. Cobb, “Hope and the Problem of Divine Silence”, op. cit., 171. It should be noted that between the emotion of hope and the theological virtue of hope, there is also the natural virtue of hope, called magnanimity, which has as its object the things of this world. This moral hope is necessary in life. In the case of a Christian person, who lives in theological hope, which has God as object, moral hope, magnanimity, is not only acquired but embedded. In this way, this hope has as its object the things of this world, tamen sub Deo.
[16] See Karl Rahner, “Eine Antwort”, in Orientierung 14 (1950) 141–45. This article is republished in Cornelius Ernst’s English translation, “Concerning the Relationship between Nature and Grace”, in Theological Investigations I, Baltimore, Helicon, 1961, 297–317.
[17] A. D. Cobb, “Hope and the Problem of Divine Silence”, op. cit. 172,
https://dongten.net/su-thinh-lang-cua-thien-chua-ky-2-ngon-ngu-cua-su-thinh-lang/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét