GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI - BÀI 23: LỜI CẦU NGUYỆN TRONG BỮA TIỆC LY
WHĐ (17.06.2024) – Trong buổi Tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 11.01.2012, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tiếp tục trình bày loạt bài giáo lý về cầu nguyện với bài thứ 23: Lời cầu nguyện trong Bữa Tiệc Ly. Sau đây là toàn văn bài giáo lý của Đức Thánh Cha.
ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI
Quảng trường Thánh Phêrô
Thứ Tư, 11 tháng 01 năm 2012
Anh chị em thân mến,
Trong cuộc hành trình suy tư về lời cầu nguyện của Đức Giêsu như đã được trình bày trong các Tin Mừng, tôi muốn suy niệm về khoảnh khắc đặc biệt long trọng trong lời cầu nguyện của Người trong Bữa Tiệc Ly.
Lời cầu nguyện của Đức Giêsu trong Bữa Tiệc Ly, trong bối cảnh thời gian và tâm tình từ biệt các môn đệ bạn hữu của Chúa trước khi bước vào cuộc khổ nạn. Trong một thời gian dài, Đức Giêsu đã nói về cuộc khổ nạn của Người và cũng đang tìm cách lôi kéo các môn đệ của mình ngày càng chú ý hơn vào viễn tượng này. Tin Mừng thánh Máccô kể lại rằng ngay từ lúc khởi đầu chuyến đi về Giêrusalem của Đức Giêsu, tại các làng vùng Xêdarê Philípphê, Đức Giêsu đã “bắt đầu dạy cho các ông biết: Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8,31).
Khung cảnh của cuộc từ biệt, đó là gần lễ Vượt Qua, kỷ niệm biến cố dân Israel được giải thoát khỏi kiếp sống nô lệ bên Ai Cập. Sự giải phóng ấy được kinh nghiệm trong quá khứ, được chờ đợi trong hiện tại và cho tương lai, trở lại sống động trong việc cử hành lễ Vượt qua trong các gia đình Do Thái. Bữa Tiệc Ly được lồng vào bối cảnh này, nhưng với một sự mới mẻ trong khung cảnh. Đức Giêsu nhìn về cuộc Khổ Nạn, Cái Chết và Sự Sống Lại của Người, với tất cả ý thức tràn đầy. Người muốn sống Bữa Tối này với các môn đệ, với một tính cách hoàn toàn đặc biệt so với các bữa tiệc khác. Đó là Bữa Tiệc Ly của Người, trong đó Người trao ban Cái Gì Đó hoàn toàn mới mẻ, đó là chính mình Người. Trong cách thức này, Đức Giêsu cử hành lễ Vượt Qua của Người, và hướng tới thập giá và sự phục sinh của Người.
Sự mới mẻ đó được minh nhiên trong trình thuật Bữa Tiệc Ly của Tin Mừng thánh Gioan. Đức Giêsu cố ý khai mở một điều gì mới mẻ, cử hành lễ Vượt Qua của Người, gắn liến với các biến cố của cuộc Xuất Hành. Và đối với thánh Gioan, Đức Giêsu chết trên Thập giá đúng lúc trong đền thờ Giêrusalem, các chiên con vượt qua được sát tế.
Vậy thì đâu là trọng tâm của Bữa Tiệc Ly? Thưa, đó là hành động bẻ bánh phân phát cho các môn đệ và chia sẻ chén rượu với những lời kèm theo, và trong bối cảnh lời cầu nguyện của việc thiết lập Bí tích Thánh Thể, đó là lời cầu nguyện cao cả của Đức Giêsu và của Giáo hội.
Trước hết, khi ám chỉ lời cầu nguyện dẫn nhập vào các cử chỉ và lời nói của Đức Giêsu trên bánh và rượu, các truyền thống Tân Ước về việc thành lập Bí tích Thánh Thể [x. 1Cr 11,23-25; Lc 22,14-20; Mc 14,22-25; Mt 26,26-29] dùng hai động từ song song bổ túc cho nhau. Thánh Phaolô và thánh Luca nói về việc tạ ơn (eucaristia). Thánh Luca đã viết: “Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông” (Lc 22,19).
Trái lại, hai thánh sử Máccô và Mátthêu nhấn mạnh khía cạnh chúc tụng (eulogia): “Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông” (Mc 14,22). Cả hai từ Hy Lạp eucaristeìn và eulogeìn đều quy chiếu về lời tạ ơn (berakha) của tiếng Hípri, nghĩa là lời cầu nguyện tạ ơn và chúc tụng lớn của truyền thống Israel mở đầu các bữa tiệc trọng đại. Hai từ Hy Lạp ám chỉ hai chiều hướng nội tại và bổ túc của lời cầu nguyện này. Thật thế lời cầu nguyện (berakha) trước hết là việc tạ ơn và chúc tụng dâng lên Thiên Chúa vì những ơn đã nhận lãnh: trong Bữa Tiệc Ly của Đức Giêsu đó là bánh được tạo thành bởi lúa mì mà Thiên Chúa cho nảy mầm mọc lên từ đất và rượu được làm bởi nho chín. Lời cầu nguyện chúc tụng và tạ ơn này dâng lên Thiên Chúa trở lại như phước lành từ Thiên Chúa xuống trên của lễ và làm cho nó nên phong phú. Tạ ơn và chúc tụng Thiên Chúa, như thế, trở thành phước lành và của lễ dâng cho Thiên Chúa, trở lại với con người, được Đấng Toàn Năng chúc lành. Các lời thành lập Bí tích Thánh Thể nằm trong bối cảnh này của lời cầu nguyện; trong đó sự ngợi khen và chúc tụng berakha trở thành phước lành và biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Đức Giêsu.
Đi trước các lời thành lập Bí tích Thánh Thể là các cử chỉ bẻ bánh và trao chén rượu. Trước hết, chính chủ gia đình, người tiếp đón các thành phần khác vào bàn tiệc, là người bẻ bánh và trao rượu. Đây cũng là các cử chỉ của sự hiếu khách và tiếp nhận người xa lạ không phải là thành phần gia đình, vào sự hiệp thông bữa tiệc. Chính các cử chỉ ấy chiếm hữu được một sự sâu thẳm hoàn toàn mới mẻ trong bữa tiệc chiều, qua đó Đức Giêsu từ biệt các môn đệ: Người cho một dấu chỉ hữu hình của sự tiếp đón vào bàn ăn, trong đó Thiên Chúa tự ban chính mình, Chúa Giêsu trong bánh và trong rượu cống hiến và thông truyền chính Người.
Đức Giêsu biết rằng sự sống của Người sắp bị lấy đi qua khổ hình Thập giá là cực hình dành cho hạng nô lệ. Với bánh và rượu, mà Người cống hiến trong Bữa Tiệc chiều cuối cùng, Đức Giêsu thực hiện trước cái chết và sự sống lại của Người bằng cách thực hiện điều Người đã nói trong diễn văn về Vị Mục Tử Nhân Lành: “Tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được” (Ga 10,17-18).
Như thế, Người dâng hiến trước mạng sống của Người sẽ bị lấy đi, và trong cách thức đó, Người biến đổi cái chết bạo lực của mình trở thành một cử chỉ tự hiến chính mình vì tha nhân và cho tha nhân. Bạo lực phải chịu biến thành một của lễ hiến tế tích cực, tự do và cứu rỗi.
Cái độc đáo sâu xa của việc tự hiến dâng chính mình cho các môn đệ, qua việc tưởng niệm Thánh Thể, là tột đỉnh lời cầu nguyện ghi dấu bữa tiệc chiều từ biệt của Người với các môn đệ. Khi chiêm ngưỡng các cử chỉ và lời nói của Đức Giêsu trong đêm đó, chúng ta thấy rõ ràng rằng tương quan mật thiết và liên lỉ với Chúa Cha là nơi, trong đó Đức Giêsu thực hiện cử chỉ để lại cho các môn đệ và từng người trong chúng ta, Bí tích của tình yêu.
Trong nhà tiệc ly vang lên hai lần những lời: “Anh em hãy làm việc này để nhớ đến Thầy” (1Cr 11,24-25). Với việc trao ban chính mình, Đức Giêsu cử hành lễ Vượt Qua của Người, bằng cách trở thành Chiên con đích thực, và Người thành toàn tất cả nền phụng tự xưa. Chính vì thế, thánh Phaolô mới khẳng định với các Kitô hữu rằng: “Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta... Vì thế chúng ta hãy cử hành lễ... với bánh không men là lòng tinh tuyền và chân thật” (1Cr 5,7-8).
Thánh sử Luca còn duy trì một yếu tố quý báu khác của bữa Tiệc Ly, cho phép chúng ta nhận ra sự sâu thẳm cảm động của lời cầu của Đức Giêsu đối với từng môn đệ trong đêm từ biệt ấy cho những ai thuộc về Người, đó là việc Đức Giêsu chú trọng tới từng con người. Bắt đầu với lời cầu tạ ơn và chúc tụng, Đức Giêsu hướng tới quà tặng Thánh Thể, quà tặng chính mình, và khi Người trao ban Bí tích quyết liệt đích thực này, Người hướng tới Phêrô.
Vào cuối bữa tiệc, Đức Giêsu hướng tới Phêrô và nói rằng: “Simon, Simon ơi, kìa Satan đã xin sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho các anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22,31-32).
Khi đến gần cơn thử thách của các môn đệ, lời cầu của Đức Giêsu nâng đỡ sự yếu đuối của họ, sự vất vả của họ hiểu rằng con đường của Thiên Chúa đi qua Mầu nhiệm Vượt qua của cái chết và sự Phục sinh, đã được thực hiện trước việc dâng bánh và rượu. Thánh Thể là lương thực cho các người lữ hành, và cũng trở thành sức mạnh cho người mệt nhọc, kiệt sức và mất phương hướng. Và lời cầu nguyện ấy đặc biệt dành cho Phêrô, để một khi trở lại, Phêrô có thể củng cố đức tin cho các anh em mình.
Thánh sử Luca ghi nhận rằng chính ánh mắt của Đức Giêsu đã nhìn thấy gương mặt của Phêrô ở vào đúng giây phút Phêrô vừa chối Thầy ba lần, để ban cho Phêrô sức mạnh tiếp tục cuộc hành trình bước theo Thầy: “Ngay lúc ông còn đang nói, thì gà gáy. Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông: “Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần” (Lc 22,60-61).
Anh chị em thân mến, khi tham dự Bí tích Thánh Thể, chúng ta sống một cách ngoại thường lời cầu nguyện, mà Đức Giêsu đã làm và tiếp tục làm cho từng người, để sự dữ mà tất cả chúng ta gặp trong cuộc sống, không thắng được chúng ta, và để cho sức mạnh biến đổi của cái chết và sự phục sinh của Người hoạt động nơi chúng ta.
Nơi Bí tích Thánh Thể, Giáo hội đáp lại lệnh truyền của Đức Giêsu: “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19; x. 1Cr 11,24-26); Giáo hội lặp lại lời cầu nguyện tạ ơn và chúc tụng, và với lời cầu nguyện ấy, những lời truyền phép biến bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa. Việc chúng ta cử hành Thánh Thể, đó là những gì được lôi kéo vào giây phút cầu nguyện ấy, vào việc liên kết bản thân mình liên tục với lời cầu nguyện của Đức Giêsu. Ngay từ đầu Giáo hội đã hiểu các lời thánh hiến này như là phần của lời cầu nguyện được làm cùng với Đức Giêsu; như là phần trung tâm của lời chúc tụng tràn đầy lòng biết ơn, qua đó hoa trái của đất và công việc làm của con người được Thiên Chúa ban trở lại cho chúng ta như là Mình và Máu Đức Giêsu, như là sự tự hiến của chính Thiên Chúa trong tình yêu tiếp đón của Con mình [cf. Jesus of Nazareth, Part Two, p. 128]. Trong việc tham dự vào Thánh Thể, trong việc nuôi dưỡng chính mình bằng Máu Thịt của Con Thiên Chúa, chúng ta liên kết lời cầu nguyện của chúng ta với lời cầu nguyện của Chiên Vượt Qua vào đêm cuối cùng của Người, nhờ đó đời sống của chúng ta không bị lạc mất, cho dù chúng ta có yếu hèn và bất trung, nhưng được biến đổi.
Các bạn thân mến, chúng ta hãy cầu xin Chúa để sau khi dọn mình xứng đáng, cũng nhờ Bí tích Thống Hối, việc tham dự của chúng ta vào Thánh Thể của Người là những gì bất khả châm chước đối với đời sống Kitô hữu, luôn trở thành tột đỉnh cho đời sống cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta hãy xin Chúa, để nhờ được hiệp thông sâu xa với việc Người tự hiến mình cho Cha, chúng ta cũng có thể biến những thập giá đời ta trở thành một hy lễ tình yêu tự hiến và có trách nhiệm dành cho Thiên Chúa cũng như cho anh chị em mình.
Trích từ: Tác phẩm "Cầu nguyện" của Đức Bênêđictô XVI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét