Trang

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2024

Trí tuệ nhân tạo: Đức Phanxicô không nhân nhượng ba điểm

 Trí tuệ nhân tạo: Đức Phanxicô không nhân nhượng ba điểm

fr.aleteia.org, Camille Dalmas, 2024-06-13

Ngày thứ sáu 14 tháng 6, dự kiến Đức Phanxicô sẽ tham dự một phiên họp G7 dành cho trí tuệ nhân tạo, chủ đề ngài đã nói rất nhiều trong những tháng gần đây. Đây là những khuyến nghị chính của ngài.

 1- Trí tuệ nhân tạo làm sáng tỏ

Theo Đức Phanxicô, việc dùng từ ngữ “trí thông minh” là sai, ngài đã khẳng định điều này trong thông điệp nhân Ngày Truyền thông Xã hội: “Chắc chắn máy móc có khả năng ghi nhớ dữ liệu và kết nối chúng với nhau lớn hơn khả năng của con người, nhưng chỉ có con người mới có thể giải mã được ý nghĩa của nó. Xin anh chị em ra khỏi trạng thái thôi miên để không mê sảng rơi vào quyền năng của nó, cho rằng nó là chủ thể hoàn toàn tự chủ và tự quy chiếu, tách biệt khỏi mọi ràng buộc xã hội và quên mất chức vụ của nó chỉ là một tạo vật.” Trong thông điệp hòa bình năm 2024, ngài nhấn mạnh đến giới hạn của những công nghệ mới này: “Không phải mọi thứ đều có thể dự đoán được, không phải mọi thứ đều có thể tính toán được. Việc thực tế hóa dữ liệu dù nó có chức năng như thế nào trong việc quản lý máy móc, đều hàm ý sự mất mát đáng kể về tính xác thực của mọi thứ.”

2- Bảo vệ trí tuệ con người

Ngài bác bỏ quan điểm sợ công nghệ kể cả công nghệ trí tuệ nhân tạo có khả năng cải thiện đáng kể cuộc sống con người, nhưng cho đến lúc này, dữ liệu thu thập cho thấy công nghệ kỹ thuật số đã góp phần vào sự bất bình đẳng ngày càng tăng trên thế giới. Ngài quan tâm nhiều đến việc dùng trí tuệ nhân tạo trong lãnh vực quân sự như robot giết người, trong lãnh vực thông tin với những sai sót nghiêm trọng và những thao túng tiềm ẩn. Ngài đưa ra các hình thức phân biệt đối xử, “kiểm soát xã hội” do việc dùng trí tuệ nhân tạo rộng rãi trong “các quy trình tự động phân loại cá nhân”, chẳng hạn xác định liệu một người có thể nhận tiền vay ngân hàng được hay không.

Trong một lãnh vực khác, ngài lo cho tình trạng mất việc làm khi áp dụng trí tuệ nhân tạo, tạo một xã hội ngày càng bất bình đẳng nặng. Về cơ bản, để phản đối những sai lệch do tầm nhìn ẩn danh của công nghệ, ngài bảo vệ khả năng trao cho con người vai trò chủ thể. Khi được mời phát biểu về trí tuệ nhân tạo ở hội nghị thượng đỉnh G7, ngài nói với các linh mục, ngài muốn đặt câu hỏi này cho các nguyên thủ quốc gia: “Trí thông minh tự nhiên của ông đang hoạt động như thế nào?”

3- Ấn định quy tắc

Đức Phanxicô hoan nghênh những nỗ lực gần đây của một số tổ chức quốc tế nhằm quản lý các công nghệ: “Để các công nghệ này thúc đẩy sự tiến bộ thực sự, góp phần tạo một thế giới tốt đẹp cho một cuộc sống cao hơn. Cần phải đạt một thỏa thuận mang tính ràng buộc ở cấp độ toàn cầu. Dĩ nhiên sẽ không dễ dàng có được thỏa thuận trong các lãnh vực này. Tòa thánh cần đưa ra một hiến chương đạo đức, thiết lập các nguyên tắc thiết yếu dựa trên Lời kêu gọi Rôma năm 2020 về một đạo đức nhân tạo đã được các công ty kỹ thuật số IBM, Microsoft và Cisco khai triển. Văn bản này kêu gọi thiết lập các hệ thống minh bạch, khách quan, toàn diện và tin cậy, bảo vệ quyền riêng tư của người dùng và yêu cầu những người sáng tạo AI phải chịu trách nhiệm.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

https://phanxico.vn/2024/06/15/tri-tue-nhan-tao-duc-phanxico-khong-nhan-nhuong-ba-diem/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét