GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT 12 THƯỜNG NIÊN NĂM B
Số 423, 464-469: Chúa Giêsu, Thiên Chúa thật và Người thật Số 1814-1816: Đức tin là hồng ân của Thiên Chúa, và sự đáp lại của con người |
Số 423, 464-469: Chúa Giêsu, Thiên Chúa thật và Người thật
Số 423. Chúng tôi tin và chúng tôi tuyên xưng rằng: Chúa Giêsu Nazareth, một người Do thái sinh bởi một phụ nữ Israel tại Bêlem dưới thời vua Hêrôđê Cả và hoàng đế Cêsarê Augustô I, vốn làm nghề thợ mộc, đã chịu chết trên thập giá tại Giêrusalem, thời tổng trấn Phongtiô Philatô dưới triều hoàng đế Tibêriô, Chúa Giêsu ấy là Con vĩnh cửu của Thiên Chúa, đã làm người, “Người bởi Thiên Chúa mà đến” (Ga 13,3), là “Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13; 6,33), Đấng đã đến trong xác phàm[1], bởi vì “Ngôi Lời đã trở nên người phàm, và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật. Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1,14.16).
Số 464. Biến cố độc nhất vô nhị là việc Nhập Thể của Con Thiên Chúa không có nghĩa là Chúa Giêsu Kitô một phần là Thiên Chúa, một phần là người; cũng không có nghĩa Người là kết quả của một sự pha trộn lẫn lộn giữa hai ban tính thần linh và nhân loại. Người đã thật sự làm người, mà vẫn thật sự là Thiên Chúa. Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật. Hội Thánh đã phải bảo vệ và làm sáng tỏ chân lý đức tin này suốt những thế kỷ đầu tiên, trước các lạc thuyết đã làm sai lạc chân lý đó.
Số 465. Các lạc thuyết đầu tiên không phủ nhận thần tính của Đức Kitô, cho bằng chối bỏ nhân tính thật của Người (Ảo thân thuyết theo chủ trương Ngộ đạo). Ngay từ thời các Tông Đồ, đức tin Kitô giáo nhấn mạnh đến việc Nhập Thể thật của Con Thiên Chúa, Đấng đã đến trong xác phàm[2]. Nhưng vào thế kỷ thứ III, để chống lại Phaolô Samosatênô, tại Công đồng họp ở Antiôchia, Hội Thánh phải khẳng định rằng: Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa do bản tính chứ không phải do được nhận làm nghĩa tử. Công đồng chung thứ I, họp tại Nicêa vào năm 325, tuyên xưng trong Tín biểu của mình rằng: Con Thiên Chúa “được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha” (trong tiếng Hy Lạp là homousion)[3], và Hội Thánh đã kết án Ariô là người đã khẳng định rằng “Con Thiên Chúa đã xuất phát từ hư vô”[4] và “có một bản thể hay yếu tính khác với Chúa Cha”[5].
Số 466. Lạc thuyết cua Nestôriô cho rằng trong Đức Kitô ngôi vị nhân loại được liên kết với Ngôi Vị thần linh của Con Thiên Chúa. Chống lại lạc thuyết này, Thánh Cyrillô Alêxanđria và Công đồng chung thứ III họp tại Êphêsô năm 431 tuyên xưng rằng: “Ngôi Lời đã làm người, khi một thân thể do một linh hồn có lý trí làm cho sống động được kết hợp với Ngài theo Ngôi Vị”[6]. Nhân tính của Đức Kitô không có một chủ thể nào khác ngoài Ngôi Vị thần linh của Con Thiên Chúa, Đấng đã nhận lấy nhân tính ấy làm của mình từ lúc tượng thai. Chính vì vậy, Công đồng chung Êphêsô vào năm 431 công bố rằng Đức Maria, nhờ sự tượng thai nhân loại của Con Thiên Chúa trong lòng bà, bà đã rất thật sự trở thành Mẹ Thiên Chúa: “[Đức Maria là] Mẹ Thiên Chúa…, không phải vì bản tính của Ngôi Lời và thần tính của Ngài đã bắt đầu được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ rất thánh, nhưng vì từ Đức Trinh Nữ đã sinh ra thân xác thánh thiêng đó, do một linh hồn có lý trí làm cho sống động, và Ngôi Lời Thiên Chúa đã kết hợp với thân xác đó theo Ngôi Vị, nên có thể nói Ngôi Lời đã được sinh ra theo xác phàm”[7].
Số 467. Những người chủ trương thuyết Nhất Tính (Monophysitae) khẳng định: bản tính nhân loại không còn tồn tại nơi Đức Kitô, khi bản tính đó được Ngôi Vị thần linh của Con Thiên Chúa đảm nhận. Để chống lại lạc thuyết này, Công đồng chung thứ IV, họp tại Chalcêđonia năm 451, tuyên xưng:
“Theo sau các thánh phụ, chúng tôi đồng thanh dạy phải tuyên xưng Một Chúa Con Duy Nhất là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, hoàn hảo trong thần tính và cũng hoàn hảo trong nhân tính; là Thiên Chúa thật và là người thật, gồm có một linh hồn có lý trí và một thân xác; đồng bản thể với Đức Chúa Cha theo thần tính mà cũng đồng bản tính với chúng ta theo nhân tính, ‘giống chúng ta về mọi phương diện ngoại trừ tội lỗi’;[8] sinh bởi Đức Chúa Cha theo thần tính từ trước muôn đời, và trong những thời cuối cùng này, vì chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người được sinh ra theo nhân tính từ Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa.
Cùng một Đấng duy nhất là Đức Kitô, là Chúa, là Con Một, phải được nhìn nhận trong hai bản tính một cách không lẫn lộn, không thay đổi, không phân chia, không tách biệt, sự khác biệt giữa hai bản tính không hề bị mất đi do việc kết hợp, nhưng các đặc điểm của mỗi bản tính đã được bảo tồn khi kết hợp với nhau trong một Ngôi Vị và một Đấng duy nhất”[9].
Số 468. Sau Công đồng Chalcêđônia một số người biến nhân tính của Đức Kitô thành như một chủ thể có ngôi vị riêng. Chống lại những người này, Công đồng chung thứ V, họp tại Constantinôpôli, năm 553, tuyên xưng rằng: “Chỉ có một Ngôi Vị duy nhất, là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Một Ngôi Vị trong Ba Ngôi Chí Thánh”[10]. Bởi vậy, mọi sự trong nhân tính của Đức Kitô đều phải được quy về Ngôi Vị thần linh của Người với tư cách là chủ thể riêng của Người [11], không những các phép lạ, nhưng cả những đau khổ[12] và chính cái chết: chúng tôi tuyên xưng rằng “Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Đấng bị đóng đinh vào thập giá về phần xác, là Thiên Chúa thật, là Chúa vinh quang, và là một Ngôi trong Ba Ngôi chí thánh”[13].
Số 469. Như vậy, Hội Thánh tuyên xưng rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật một cách không thể tách biệt. Người thật sự là Con Thiên Chúa đã làm người, là anh em của chúng ta, mà vẫn không ngừng là Thiên Chúa, Chúa chúng ta:
Phụng vụ Rôma hát kính: “Ngài vẫn là Ngài như trước [Ngài là Thiên Chúa], và Ngài đã đam nhận lấy điều mà trước đó Ngài không là [Ngài làm người]”[14]. Còn phụng vụ của thánh Gioan Kim Khẩu công bố và hát kính: “Lạy Con duy nhất và Ngôi Lời của Thiên Chúa, dù bất tử, nhưng để cứu độ chúng con, Chúa đã đoái thương nhập thể trong lòng Đức Maria, Mẹ rất thánh của Thiên Chúa và trọn đời đồng trinh. Chúa đã làm người và đã chịu đóng đinh vào thập giá mà không hề biến đổi. Lạy Đức Kitô, là Thiên Chúa, Chúa đã dùng cái chết của mình mà đập tan sự chết, Chúa là Một trong Ba Ngôi Chí Thánh, được tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, xin cứu độ chúng con!”[15]
Số 1814-1816: Đức tin là hồng ân của Thiên Chúa, và sự đáp lại của con người
Số 1814. Đức tin là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta tin vào Thiên Chúa và tất cả những gì Ngài đã nói và đã mạc khải cho chúng ta, và những gì Hội Thánh dạy chúng ta tin, bởi vì Thiên Chúa chính là Chân lý. Nhờ đức tin, “con người tự nguyện phó thác toàn thân cho Thiên Chúa”[16]. Vì vậy ai tin, người đó cố gắng nhận biết và thi hành ý muốn của Thiên Chúa. “Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống” (Rm 1,17). Đức tin sống động “hành động nhờ đức mến” (Gl 5,6).
Số 1815. Hồng ân đức tin tồn tại trong người không phạm tội nghịch với đức tin[17]. Nhưng “đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2,26). Nếu thiếu đức cậy và đức mến, đức tin sẽ không kết hợp đầy đủ tín hữu với Đức Kitô và không làm cho họ trở nên chi thể sống động của Thân Thể Người.
Số 1816. Người môn đệ Đức Kitô không những phải gìn giữ đức tin và sống bởi đức tin, mà còn phải tuyên xưng, can đảm làm chứng và truyền bá đức tin: “Mọi tín hữu … phải sẵn sàng tuyên xưng Đức Kitô trước mặt người ta, và bước theo Người trên đường thập giá, giữa những cuộc bách hại mà Hội Thánh luôn luôn gặp phải”[18]. Việc phục vụ và làm chứng cho đức tin là những điều phải có để được cứu độ. “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10,32-33).
Số 671-672: Duy trì đức tin trong nghịch cảnh
Số 671. Tuy nhiên, Nước Đức Kitô, đang hiện diện trong Hội Thánh của Người, chưa phải là tuyệt đối với “quyền năng và vinh quang” (Lc 21,27)[19] do việc Vua ngự đến trần gian. Nước này còn bị các thế lực sự dữ tấn công[20], mặc dù chúng đã bị đánh bại tận gốc rễ do cuộc Vượt Qua của Đức Kitô. Cho tới khi mọi sự quy phục Người[21], “cho tới khi có trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị, Hội Thánh lữ hành, trong các bí tích và các định chế của mình, vốn là những điều thuộc thời đại nay, vẫn mang hình dáng của thời đại chóng qua này và chính Hội Thánh đang sống giữa các thụ tạo còn đang rên siết và quằn quại như sắp sinh nở và mong đợi cuộc tỏ hiện của các con cái Thiên Chúa”[22]. Vì vậy, các Kitô hữu cầu nguyện, nhất là trong bí tích Thánh Thể[23], để Đức Kitô mau lại đến[24], bằng cách thưa với Người: “Lạy Chúa, xin ngự đến !” (Kh 22,20)[25].
Số 672. Đức Kitô, trước cuộc Thăng Thiên của Người, đã khẳng định rằng chưa đến giờ Người thiết lập Nước của Đấng Messia một cách vinh hiển mà Israel mong đợi[26], Nước đó phải mang lại cho mọi người, theo lời các tiên tri[27], một trật tự vĩnh viễn của công lý, của tình yêu, và của hoà bình. Thời gian hiện tại, theo Chúa, là thời gian của Thần Khí và của việc làm chứng[28], nhưng cũng là thời gian được ghi dấu bằng nỗi khó khăn hiện tại[29] và bằng sự thử thách của sự dữ[30], thời gian này không buông tha Hội Thánh[31], và khởi đầu cuộc chiến của những ngày sau cùng[32]. Đây là thời gian của sự mong đợi và tỉnh thức[33].
Bài Ðọc I: G 38, 1. 8-11
“Sóng cồn của ngươi phải dừng lại đây”.
Trích sách Gióp.
Bấy giờ từ cơn gió lốc, Chúa đáp lời Gióp rằng: “Khi nước chảy mạnh vỡ bờ như sinh ra bởi lòng mẹ, ai đã lấy cửa mà ngăn lại, lúc Ta lấy mây làm áo che nó, và lấy u tối che phủ nó như khăn bọc con trẻ? Ta đã vạch biên giới chung quanh nó, đã đặt khung cửa và then chốt mà phán rằng: “Ngươi chảy đến đây mà thôi, không được chảy xa nữa và vỗ sóng ba đào cũng phải dừng tại đây”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 106, 23-24. 25-26. 28-29. 30-31
Ðáp: Hãy tán tạ Chúa, bởi đức từ bi Người còn muôn thuở.
Xướng: 1) Những người xuống tàu vượt biển ra khơi, làm nghề thương mại trên nơi nước cả, họ đã nhìn thấy những kỳ công của Chúa, và những việc huyền diệu của Người ở chỗ thâm uyên.
Ðáp: Hãy tán tạ Chúa, bởi đức từ bi Người còn muôn thuở.
2) Chúa lên tiếng, và Người đã khiến phong ba nổi dậy, Người đã khiến cho sóng biển dâng cao. Những người đó lên tới trời xanh, xuống lòng biển thẳm, tâm hồn họ bủn rủn trong cảnh gian nguy.
Ðáp: Hãy tán tạ Chúa, bởi đức từ bi Người còn muôn thuở.
3) Họ đã kêu cầu Chúa trong cơn khốn khó, và Người đã giải thoát họ khỏi chỗ lo âu. Người biến đổi phong ba thành gió thổi hiu hiu, và bao làn sóng biển đều im lặng.
Ðáp: Hãy tán tạ Chúa, bởi đức từ bi Người còn muôn thuở.
4) Họ mừng vui vì thấy sóng biển yên, và Chúa đã đưa họ cập bến ước mong. Những người đó hãy cảm ơn Chúa vì lòng nhân hậu, và những điều kỳ diệu của Người đối với con người ta!
Ðáp: Hãy tán tạ Chúa, bởi đức từ bi Người còn muôn thuở.
Bài Ðọc II: 2Cr 5, 14-17
“Ðây mọi cái mới đã được tạo dựng”.
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, lòng mến của Ðức Kitô thúc bách chúng ta; chúng ta xác tín điều này là một người đã chết vì mọi người, vậy mọi người đều đã chết. Và Ðức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống, thì không còn sống cho chính mình nữa, mà là sống cho Ðấng đã chết và sống lại vì họ.
Vì thế, từ nay chúng ta không còn biết ai theo xác thịt nữa. Mặc dù nếu chúng ta đã biết Ðức Kitô theo xác thịt, thì giờ đây chúng ta không còn biết như thế nữa. Vậy nếu ai đã trở nên một tạo vật mới trong Ðức Kitô, thì những gì cũ đã qua rồi, vì đây mọi sự đều được trở nên mới.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 1, 14 và 12b
Alleluia, alleluia! - Ngôi Lời đã làm người và đã ở giữa chúng ta. Những ai tiếp rước Người, thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 4, 35-40
“Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Maccô.
Ngày ấy, khi chiều đến, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ”. Các ông giải tán đám đông; vì Người đang ở dưới thuyền, nên các ông chở Người đi. Cũng có nhiều thuyền khác theo Người. Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước. Và Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ. Các ông đánh thức Người và nói: “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?” Chỗi dậy, Người đe gió và phán với biển rằng: “Hãy im đi, hãy lặng đi”. Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ. Rồi Người nói với các ông: “Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?” Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau rằng: “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?”
Ðó là lời Chúa.
_______
[1] X. l Ga 4,2.
[2] X. 1 Ga 4,2-3; 2 Ga 7.
[3] Tín biểu Nicêa: DS 125.
[4] CĐ Nicêa, Epistula synodalis “Epeidê tês” ad Aegyptios: DS 130.
[5] Tín biểu Nicêa: DS 126.
[6] CĐ Êphêsô, Epistula II Cyrilli Alexandrini ad Nestorium: DS 250.
[7] CĐ Êphêsô, Epistula II Cyrilli Alexandrini ad Nestorium: DS 251.
[8] X. Dt 4,15.
[9] CĐ Chalcêđônia, : DS 301-302.
[10] CĐ Constantinôpôli II, Sess. 8a. Canon 4: DS 424.
[11] X. CĐ Êphêsô, Anathematismi Cyrilli Alexandrini, 4: DS 255.
[12] X. CĐ Constantinôpôli II, Sess. 8a. Canon 3: DS 423.
[13] X. CĐ Constantinôpôli II, Sess. 8a. Canon 10: DS 432.
[14] Lễ trọng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, Điệp ca kinh “Benedictus”: Các Giờ Kinh Phụng Vụ, editio typica, v.1 (Typis Polyglottis Vaticanis 1973) 394; x. Thánh Lêô Cả, Sermo 21, 2: CCL 138, 87 (PL 54, 192).
[15] Officium Horarum Byzantinum, Hymnus “Ho monogenês: Opologion to mega” (Romae 1876) 82.
[16] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 5: AAS 58 (1966) 819.
[17] X. CĐ Triđentinô, Sess. 6a, Decretum de iustificatione, c. 15: DS 1544.
[18] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 42: AAS 57 (1965) 48; x. Id., Tuyên ngôn Dignitatis humanae, 14: AAS 58 (1966) 940.
[19] X. Mt 25,31.
[20] X. 2 Tx 2,7.
[21] X. 1 Cr 15,28.
[22] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 48: AAS 57 (1965) 53.
[23] X. 1 Cr 11,26.
[24] X. 2 Pr 3,11-12.
[25] X. 1 Cr 16,22; Kh 22,17.
[26] X. Cv 1,6-7.
[27] X. Is 11,1-9.
[28] X. Cv 1,8.
[29] X. 1 Cr 7,26.
[30] X. Ep 5,16.
[31] X. 1 Pr 4,17.
[32] X. 1 Ga 2,18; 4,3; 1 Tm 4,1.
[33] X. Mt 25,1-13; Mc 13,33-37.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét