Trang

Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2024

Sự thinh lặng của Thiên Chúa – Kỳ 1: Câu hỏi đầy đau đớn

 

Sự thinh lặng của Thiên Chúa – Kỳ 1: Câu hỏi đầy đau đớn

Nhiều người bị choáng ngợp bởi những gì đang diễn ra trong thời đại chúng ta: sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa dân túy dối trá, chủ nghĩa số đông, nền chính trị cánh hữu bạo động với những chính sách dân tộc hiếu chiến, sự nghèo khổ cùng cực, tình trạng di cư bắt buộc, tình trạng nghèo đói do đại dịch COVID, các thế lực “toàn năng” xây dựng đế chế của mình bằng xương máu những người bị bóc lột, những thảm hoạ môi trường đang lan rộng. Sau tất cả, con người điếng lặng trước “sự thinh lặng” đáng sợ thường thấy của Thiên Chúa, khiến họ phải thốt lên tiếng kêu đau đớn như tiếng kêu của ngôn sứ Habacúc.: 

“Cho đến bao giờ, lạy Đức Chúa, con kêu cứu mà Ngài chẳng đoái nghe, con la lên: “Bạo tàn!” mà Ngài không cứu vớt? Tại sao Ngài cứ đứng nhìn quân phản bội, sao Ngài lặng thinh khi kẻ gian ác nuốt chửng người chính trực hơn mình?” (Hab 1:2, 13). Người ta tự hỏi tất cả những điều này có ý nghĩa gì?

 

Sự thinh lặng của Thiên Chúa là một thách đố lớn cho con người. Ảnh: Canva

 

Trong bài viết này, tôi không có ý giải quyết một vấn đề thần học truyền thống và đặc thù vốn xoay quanh vòng luẩn quẩn không đi tới đâu của ba vấn đề: 1) Thiên Chúa tốt lành, nhưng không toàn năng, do đó sự dữ tồn tại; 2) Thiên Chúa toàn năng, nhưng không tốt lành, do đó sự dữ tồn tại; 3) Sự dữ khách quan không tồn tại; hoặc sự dữ là do thiếu vắng sự thiện, hoặc là sự dữ chỉ là suy nghĩ chủ quan.

 

Lập trường thứ tư cho rằng Thiên Chúa cho phép con người lạm dụng tự do gây ra sự dữ và đau khổ. Cũng có lập trường thứ năm dựa trên bản văn kinh thánh Đệ Nhị Luật 11:13-17, giải thích sự dữ và đau khổ là hành động đáp trả của Chúa đối với sự bất tuân của con người. Tuy nhiên, Gioan 9:2-3 lập luận dứt khoát chống lại những cách giải thích như thế. Dựa trên những lập trường trên, tôi sẽ phản tỉnh về “sự thinh lặng của Chúa” vốn có thể cảm nhận được trong thời đại chúng ta, không phải là suy đoán về nó cho bằng đề nghị một số cách thức hiệu quả để phản ứng trước vấn đề này.

 

Sự thinh lặng có thể cảm nhận được của Chúa

 

Kinh nghiệm sống động về sự thinh lặng của Chúa trong một số biến cố bạo lực và tàn ác nhất của lịch sử khiến con người phải thốt lên: “Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa, Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao?” (Tv 22,1). Thật ra, chính Con Thiên Chúa cũng không ngoại lệ. Với những thụ tạo vốn phải hư mất thì còn phải như thế nào nữa? Vì thế, chúng ta thấy những lời kêu than của Gióp: “Con kêu lên Ngài, nhưng Ngài không đáp, con trình diện Ngài, nhưng Ngài chẳng lưu tâm” (G 30, 20), và Thánh vịnh gia cũng kêu lên: “Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa, Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao? Dù con thảm thiết kêu gào, nhưng ơn cứu độ nơi nao xa vời! Ngày kêu Chúa, không lời đáp ứng, đêm van Ngài mà cũng chẳng yên” (Tv 22, 1-2).

 

Trong tất cả những điều trên, tình huống tệ nhất là chúng ta hình dung Chúa như một đấng xa lạ, vô cảm trước đau khổ của thụ tạo của Ngài. Ở đây ta thấy có vấn đề nghiêm trọng về sự không tương hợp giữa tình yêu Chúa và sự thinh lặng của Chúa.

 

Một số giải đáp

 

Trong truyền thống Kitô giáo, có hai cách tiếp cận để hiểu tương quan giữa Thiên Chúa và loài người: 1) Cách tiếp cận thứ nhất là Thiên Chúa hoàn toàn khác, tuyệt đối tối cao, bất biến và không thể vượt qua; 2) Cách tiếp cận thứ hai có chiều kích Thánh Kinh, đặc biệt trong các Thánh vịnh kêu cầu, ở đó con người kêu cầu với Chúa: cầu xin Chúa thương xót đồng thời thừa nhận mình có tội, nhưng lại đòi một lời giải thích khi họ dường như không đáng chịu nỗi đau đớn, thống khổ. Mặc dù có sự chống đối Thiên Chúa trong những bản văn như thế, sự phản kháng đó cùng tồn tại với niềm tin tưởng sâu sắc vào sự quan phòng của Thiên Chúa.[1] Trong khi cách tiếp cận mang tính kinh viện không thực sự để tâm đúng mức về sự nhập thể, một số mô tả trong Kinh thánh có nguy cơ nhân cách hóa Thiên Chúa quá mức.

 

 

Theo triết gia Do Thái Martin Buber, Đấng Tuyệt Đối (Thiên Chúa) không truyền đạt bất kỳ lời nói hoặc luật lệ cụ thể nào cho con người. Những biến cố trong cuộc sống thường ngày là cách Thiên Chúa giao tiếp thực sự với con người, trong đó người ta phải biết tự quyết định; và những quyết định của con người trong những biến cố như thế chính là cách họ đáp lại Thiên Chúa. “Những biến cố xảy ra cho con người là…những dấu hiệu không thể giải thích được về việc con người nhận được thông điệp; những gì người ta làm hoặc không làm cho thấy họ đón nhận hoặc không đón nhận (thông điệp – ND).”[2]

 

Theo lập luận vừa nêu trên, sự mặc khải của Thiên Chúa thực sự cho con người thấy chính họ, trong và qua cách họ phản ứng với những biến cố trong cuộc đời mình. “Mạc khải không nói đến mầu nhiệm Thiên Chúa mà đề cập đến cuộc sống con người. Và nó đề cập đến cuộc sống của con người như thể là người ta có thể sống và nên sống trong sự hiện diện của mầu nhiệm Thiên Chúa ”[3] 

 

Tuy nhiên, theo Buber, vị Thiên Chúa như thế dường như vĩnh viễn thinh lặng và không có chỗ cho việc mặc khải về bất cứ điều gì thực sự đúng về Thiên Chúa. Vì thế, sự thinh lặng của Thiên Chúa là điều đáng mong đợi, hay nói một cách tích cực hơn, sự thinh lặng đó tạo ra một không gian cho con người đáp lời.

 

Rõ ràng, bất cứ ai tin vào sự mặc khải trong Kinh thánh nói chung và trong mầu nhiệm nhập thể nói riêng đều khó chấp nhận quan điểm của Buber. Từ góc độ hữu thần, sự thinh lặng của Thiên Chúa có thể cho con người cơ hội để tiếp tục cam kết với Thiên Chúa trong tình yêu và tự do đích thực. Vì, nếu Thiên Chúa lên tiếng dứt khoát, con người sẽ cảm thấy buộc phải đáp lại Thiên Chúa vì sợ bị phạt hoặc mong được khen thưởng, chứ không phải vì tình yêu và tự do đích thực. Ngoài ra, cảm thức về sự thinh lặng của Thiên Chúa có thể tạo nên sự kiên vững nơi người đang chịu đau khổ và tình liên đới với những người đau khổ khác..[4] Có thể chúng ta vẫn cần một cuộc thanh luyện sâu sắc để chia sẻ sự thánh thiện của Thiên Chúa (Dt 12:10).

 

Tuy nhiên, không lời giải thích nào trong những điều kể trên có thể nâng đỡ hoặc làm nhẹ bớt gánh nặng thực tế nơi các tín hữu do sự thinh lặng của Chúa gây ra. Và vì thế, “không rõ làm thế nào người ta có thể hiểu được tình yêu của Thiên Chúa, Đấng cho phép những kinh nghiệm gây thất vọng về sự thinh lặng của Chúa”[5] Trong số những phản ứng khác nhau, việc xuất hiện não trạng có tính khải huyền là điều bình thường. Chúng tôi sẽ cố gắng phác thảo một vài đặc tính quan trọng của não trạng này.

 

Khó có thể tìm thấy lời giải thích thoả đáng cho sự thinh lặng của Thiên Chúa. Ảnh: Canva

 

Sự bất lực và não trạng khải huyền

 

Trong truyền thống Do Thái-Kitô giáo, thế giới quan khải huyền được dùng để giải thích những tình huống thảm hoạ và bách hại đến nỗi dường như tuyệt vọng. Mặc dù trong từ điển tiếng Anh Oxford, từ “khải huyền” có một nghĩa đó là “sự phá huỷ hoàn toàn vào ngày tận cùng của thế giới”, và ngạc nhiên thay, ý nghĩa của nó lại nhắm đến việc “vén mở” (từ gốc Hy Lạp apokalypsis) và “khải huyền”. Điều này giúp giải thích những thảm hoạ trong thời đại chúng ta như là những cơ hội để mạc khải khơi niềm hy vọng. Kinh Thánh có nhiều ví dụ tương tự.

 

Một đánh giá quan trọng về thế giới quan khải huyền

 

Hoàn cảnh dẫn đến việc xuất hiện của văn chương khải huyền là thời kỳ bị bách hại và đau khổ, cộng với sự tuyệt vọng hoàn toàn để vượt qua những đau khổ và bách hại đó. Khi đó, những người bị bách hại kêu xin Chúa can thiệp để chấm dứt sự bách hại cũng như khiến những kẻ bách hại phải trả lẽ công bằng. Trong khi thái độ trả thù theo kiểu có vay có trả có lẽ không thấy nơi những tiếng kêu van, nhưng chúng ta cũng có thể thấy thái độ đó trong một số bản văn.

 

Những lý do thường được giải thích cho việc đưa các văn bản nói đến tìm cách trả thù vào Kinh Thánh, bao gồm từ việc chỉ sao chép lại nguồn tài liệu có sẵn cho đến việc khiến người đọc sợ hãi, khiến họ phải sống một cuộc sống đạo đức ngay thẳng; từ việc mang đến sự giải phóng cảm xúc cho những độc giả đang đau khổ bất lực để có thể đưa họ đến niềm hy vọng vào thời kỳ cuối cùng mà ở đó  sự can thiệp bạo lực của Chúa sẽ sửa chữa những việc sai trái; từ việc thực sự mong muốn thông qua sự trừng phạt của Thiên Chúa, lòng dạ của những kẻ hành hạ được thay đổi [7] cho đến việc kêu gào một cách tự nhiên đòi lẽ công bằng. Do đó, thế giới quan khải huyền có thể được nghiên cứu dưới các quan điểm luân lý, tâm lý xã hội, thần học và chính trị.

 

Có thể suy ra rằng yếu tố chính dẫn đến sự xuất hiện của thế giới quan khải huyền chính là sự “thinh lặng của Chúa” trong bối cảnh đau khổ và bách hại, khi những kẻ gây ra tai họa vẫn không bị trừng phạt. Những quan sát này trở nên quan trọng vào thời điểm nhiều nhóm Kitô hữu đã hình thành nên não trạng khải huyền, khiến họ trở thành những khán giả thụ động trước những tiêu cực đang xảy ra. Ngược lại, một số người có thể đã bắt đầu “cuộc truyền giáo” cực kỳ hung hăng, nếu ta có thể thực sự gọi đó là truyền giáo. Những thái độ như thế cũng có thể được tìm thấy trong các tín đồ của các tôn giáo khác với những đặc thù riêng của các tôn giáo đó. Không có thái độ nào trong số những điều vừa nêu có thể tạo nên phản ứng hiệu quả đối với các tình huống hiện thời trong hoàn bối cảnh châu Á và cũng như bối cảnh toàn cầu.

(Còn tiếp)

Tác giả: Joseph Lobo, SJ
Người dịch: Lm. Phêrô Phạm Công Tùng, SJ
Nguồn:La Civiltà Cattolica

 

DOI: HTTPS://doi.org/10.32009/22072446.0523.2

[1] Neil F. Pembroke, “Two Christian Spiritualities in Suffering: Biblical Lament and Weil’s Consent”, in Studies in Spirituality 20 (2010) 6f; 14.

[2] A. D. Biemann (ed), The Martin Buber Reader: Essential Writings, New York, Palgrave Macmillan, 2002, 99.

[3] Ibid., 103.

[4] Cf. A. D. Cobb, “Hope and the Problem of Divine Silence”, in European Journal for Philosophy of Religion, 8 (2016/4), 158.

[5] Ibid., 160.

[6] Cf. A. Y. Collins, Crisis and Catharsis: The Power of the Apocalypse, Philadelphia, Westminster, 1984, 161.

[7] Cf. M. J. Gilmour, “Delighting in the suffering of others: early Christian Schadenfreude and the function of the Apocalypse of Peter”, in Bulletin for Biblical Research 16 (2006/1) 130-134.


https://dongten.net/su-thinh-lang-cua-thien-chua-ky-1-mot-cau-hoi-dau-don/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét