Trang

Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2024

Vài chú ý giúp người trẻ nên thánh thiện

 

Vài chú ý giúp người trẻ nên thánh thiện

Nên thánh là ơn gọi dành cho mọi người. Tiếng gọi này đã có ngay từ những trang đầu của Thánh Kinh dưới nhiều cách thức khác nhau. Chẳng hạn Đức Chúa phán cho Abraham: “Hãy bước đi trước mặt Ta, và hãy sống hoàn hảo” (St 17,1). Trong Giáo hội cũng thế, những ai được rửa tội, được làm con Chúa đều mang trong mình sứ mạng này. Nói là sứ mạng vì đây là lời mời gọi của chính Chúa Giêsu dành cho từng người: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Hai từ “hoàn thiện” ở đây có chút khác biệt. Với mỗi người, Chúa mời gọi chúng ta hoàn thiện, “τέλειοι” gắn với động từ ở thì tương lai: “Ἔσεσθε – sẽ nên, sẽ là”. Trong khi đó, “τέλειός” chỉ bản chất thánh thiện của Thiên Chúa được dùng với động từ “ἐστιν – là” ở thì hiện tại. Thiên Chúa đã là và sẽ luôn là Đấng Trọn Hảo. Có thể nói, chúng ta đang trên đường nên thánh, được mời gọi hướng về Đấng Thánh. Trên con đường này, Đức Giáo hoàng Phanxicô gợi lên cho người trẻ một vài điểm cần lưu tâm sau đây:

  1. Hướnglòngđến cùng đích thánh thiện

Là người trẻ, chúng ta có nhiều mục tiêu trong cuộc sống. Thiên Chúa và Giáo hội không trách chúng ta đặt ra những mục tiêu ấy. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý trong những mục tiêu ấy, luôn cần định hướng để đạt tới mục đích quan trọng của đời người: đó là nên thánh. Mục đích này dĩ nhiên là cao thượng, nhưng không có nghĩa là chỉ dành cho một vài người. Nên thánh là lời mời gọi Chúa dành cho mọi người. Ở điểm này, Đức Giáo Hoàng đề nghị người trẻ: “Hãy cầu khẩn Chúa Thánh Thần và tin tưởng bước đến mục tiêu cao cả là nên thánh.” Cầu xin, vì hành trình này lắm chông gai, người trẻ cần phải đánh đổi nhiều thứ. Với ơn của Chúa, hẳn là người trẻ có thể hoàn thiện chính mình mỗi ngày khuôn theo những giá trị Tin mừng.   

Giáo hội tin rằng Thiên Chúa luôn là trung tâm điểm của đời sống người Kitô hữu. Chúa Giêsu là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Người trẻ cũng cần nhận biết điều này. Không chỉ biết, nhưng cần đặt cùng đích, mục đích của đời mình hướng về Thiên Chúa là Đấng thánh thiện. Nói thì rất dễ, nhưng làm sao để người trẻ thể hiện qua từng ngày sống, từng quyết định và từng chọn lựa của mình?  

Để làm được điều trên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho rằng: “Người trẻ cần phải nhận ra một điều cơ bản: Tuổi trẻ không chỉ để tìm những thú vui chóng qua và những thành công bề ngoài. Để tuổi trẻ đạt đến cùng đích trong cuộc sống, nó phải là thời gian dấn thân quảng đại, chân thành hiến dâng, và hy sinh, dù đắt giá nhưng đạt được hiệu quả tối hậu” (Christus Vivit 108). Nhiều bạn trẻ Công giáo vẫn đang theo đuổi hướng đi này. Nhiều bạn khác còn e ngại, hoặc không dám vượt lên chính mình. Không sao! Đây là lúc để các bạn định vị lại mình. Hãy can đảm tìm cho mình một hướng đi: Đi với Chúa Thánh Thần, với Giáo hội và với nhau. Điểm tiếp theo Đức Giáo Hoàng cho chúng ta một chìa khóa.

  1. Nên Thánh không phải là bản sao chép

Các thánh là những người sống gần Thiên Chúa. Họ đã lên thiên đàng và chia sẻ hạnh phúc vĩnh hằng. Tuy nhiên, cuộc đời tại thế của mỗi vị thánh lại rất khác nhau. Mỗi người là một “phiên bản” nên thánh độc lập và duy nhất. Dĩ nhiên nhiều vị thánh cũng bắt chước các đức tính của các vị thánh khác, nhưng tuyệt đối họ không sao chép toàn bộ. Hoặc nói như Đức Giáo Hoàng Phanxicô: “Noi gương các vị thánh không có nghĩa là sao chép cách sống và sự thánh thiện của các ngài.” Theo ngôn ngữ của Công Đồng Vaticanô II: “Mỗi người mỗi cách”[1]. Điều này có nghĩa là gì?

Các vị thánh sống trong hoàn cảnh và thời đại rất khác so với chúng ta. Các ngài cũng có kinh nghiệm thiêng liêng khác chúng ta. Hơn nữa, ai đó sao chép nguyên bản của vị thánh để làm của mình là không thể thành công. Đành rằng: “Có những chứng từ có thể hữu ích để khuyến khích và thúc đẩy chúng ta, nhưng không phải để chúng ta sao chép chúng, vì điều này thậm chí có thể khiến chúng ta xa cách con đường mà Chúa muốn dành cho chúng ta”[2]. Tôi nghĩ điều này tốt với tính cách thích khám phá nơi người trẻ. Mỗi người tự khám phá ra mình là ai và phát triển cách sống riêng của mình để nên thánh, bất chấp người khác nói gì hay nghĩ gì. Ngoài xã hội cũng nhấn mạnh điều này khi cho rằng mỗi người là một cá thể độc nhất, cần biết và hiểu chính bản thân của mình.

Trên hành trình tự khám phá này, chúng ta có Thiên Chúa và Giáo hội. Do đó, người trẻ cần trở nên chính mình cách đầy đủ hơn, trở thành con người mà Thiên Chúa đã muốn và dựng nên, chứ không phải một bản sao (a copy). Chúng ta chỉ làm được điều này khi có đời sống cá vị với Thiên Chúa. Tương quan càng gần gũi và riêng tư với Chúa, người trẻ càng biết mình nên làm gì trong hoàn cảnh của riêng mình. Từ đây, Giáo hội hy vọng người trẻ trở nên những: “Tác nhân ngôn sứ kích thích những người khác, để lại một dấu trên thế gian này, một dấu độc đáo mà chỉ một mình con mới có thể để lại được”. Hẳn nhiên điều này đẩy người trẻ đến những thách đố quý giá để vươn đến sự thánh thiện. Hoặc theo lời của Đức Phanxicô: “Thiên Chúa muốn chúng ta nên thánh chứ không muốn chúng ta bằng lòng với một cuộc sống nhạt nhẽo và tầm thường” (Gaudete et Exsultate 1).

  1. Vài cách thức nên thánh

Dĩ nhiên cách thức nên thánh là sống theo Tin mừng (x. Mt 5,3-12; Lc 6,20-23), tin yêu và theo sát Chúa Giêsu. Công Đồng Vaticanô II cũng chỉ ra rằng: “Chúng ta được trao ban nhiều phương tiện cứu độ dồi dào và cao quý để tất cả các tín hữu, dù trong hoàn cảnh hay bậc sống nào, cũng đều được Chúa kêu gọi, để mỗi người mỗi cách[3], vươn tới sự thánh thiện trọn hảo như chính Chúa Cha là Đấng trọn lành”[4]. Là người đứng đầu Giáo hội, Đức Giáo Hoàng Phanxicô gợi ý vài cách dưới đây có thể giúp người trẻ tự khám phá con đường nên thánh cho riêng mình:

– Sống tốt với bổn phận của mình. Chẳng hạn: Bạn được gọi để sống đời thánh hiến ư? Hãy nên thánh bằng việc vui sống trọn lời cam kết của bạn. Bạn đã kết hôn ư? Hãy nên thánh bằng đời sống yêu thương và chăm sóc cho chồng hoặc vợ mình, như Đức Kitô yêu thương và chăm sóc Hội Thánh. Bạn đang làm việc kiếm sống ư? Hãy nên thánh bằng cách làm việc liêm chính và hết khả năng để phục vụ anh chị em mình. Bạn là cha mẹ hay là ông bà ư? Hãy nên thánh bằng việc kiên trì giáo dục con cháu cách thức bước theo Chúa Giêsu. Bạn đang nắm giữ một địa vị quyền bính ư? Hãy nên thánh bằng cách làm việc phục vụ cho công ích và từ bỏ tư lợi. (Gaudete et Exsultate 14).

– Để Thiên Chúa hướng dẫn đời mình. Hãy mở lòng cho Thiên Chúa; hãy hướng về Ngài trong mọi hoàn cảnh. Hoặc Đức Giáo Hoàng trưng dẫn ví dụ cụ thể: Khi bạn cảm thấy bị cám dỗ đắm chìm trong yếu đuối, hãy ngước mắt lên nhìn Đức Kitô chịu đóng đinh và nói: “Lạy Chúa, con là kẻ tội lỗi đáng thương, nhưng Chúa có thể làm việc diệu kỳ giúp cho con nên tốt hơn một chút”. Trong Giáo hội, vốn thánh thiện nhưng bao gồm những tội nhân, bạn sẽ tìm thấy mọi điều mình cần để lớn lên trên con đường của sự thánh thiện. Chúa đã ban tặng cho Giáo Hội Thánh Kinh, các Bí tích, những nơi thánh, những cộng đoàn sống động, chứng từ của các thánh và một vẻ đẹp đa dạng phát xuất từ tình yêu của Thiên Chúa, “tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang” (Is 61,10) (Gaudete et Exsultate 15).

– Làm việc nhỏ với tình yêu lớn[5]. Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Giáo Hoàng không ngần ngại chỉ cho từng người con đường nên thánh có thể làm ở mọi nơi, mọi lúc. Bạn sống trong hoàn cảnh nào đi nữa cũng có thể kết hợp với Thiên Chúa. Theo nghĩa này, Đức Giáo Hoàng thường lặp lại: “Lại thêm một bước nên thánh nữa!”, nghĩa là nên thánh không quá khó!

– Nên thánh với tha nhân. Đây là điểm thú vị Đức Giáo Hoàng nói rất nhiều lần: “Chúng ta không thể nên thánh một mình, không thể lên thiên đàng một mình”. Ngược lại, “nên thánh là một hành trình trong cộng đoàn, sống cùng với những người khác.” (Gaudete et Exsultate 141). Cộng đoàn được mời gọi kiến tạo “một không gian đối thần trong đó ta có thể sống kinh nghiệm sự hiện diện huyền nhiệm của Chúa Phục sinh”[6]. Theo nghĩa này, chúng ta hiểu tại sao Đức Giáo Hoàng Phanxicô, hoặc Giáo hội đang theo đuổi con đường hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ.

Tạm kết

Trên đây là một vài tóm tắt của hai Tông Huấn rất phù hợp với người trẻ: Gaudete et Exsultate và Christus Vivit. Tâm điểm luôn là Chúa Giêsu Kitô với những giáo huấn của Ngài. Nhiệm vụ của Giáo hội là thúc đẩy mỗi người giữ ngọn lửa khát vọng nên thánh. Ước gì bạn và tôi có thêm thời gian đọc lại hai Tông huấn này để lấy thêm động lực nên thánh giữa cuộc đời. Bạn và tôi cũng đừng sợ nên thánh.

Sau cùng, Giáo hội muốn người trẻ chạy về hướng thánh thiện: “Chúng con được thu hút bởi Dung Nhan Chúa Giêsu, ấy là Dung Nhan mà chúng ta tôn thờ trong Bí tích Thánh Thể, và nhận ra Dung Nhan ấy trong thân xác của những anh chị em đau khổ của chúng ta. Nguyện xin Chúa Thánh Thần thúc đẩy các con tiến bước về phía trước trong cuộc chạy đua này. Hội Thánh cần động lực, trực giác và đức tin của các con” (Christus Vivit 299).

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

[1] Khúc Linh Ca, Red. B, Prologue, 2.

[2] Tông Huấn Gaudete et Exsultate, số 11.

[3] Khúc Linh Ca, Red. B, Prologue, 2.

[4] Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Tín lý về Hội Thánh, Lumen Gentium, 11.

[5] Tôi đặc biệt nghĩ đến ba từ “làm ơn”, “cám ơn”, và “xin lỗi”. “Những lời đúng nói đúng lúc, hằng ngày bảo vệ và nuôi dưỡng tình yêu”: Tông huấn Amoris Laetitia (19.03.2016), 133: AAS 108 (2016), 363.

[6] Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata (25.03.1996), 42: AAS 88 (1996), 416.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét