SÁCH CÁC CHÂM NGÔN
Thời
sự Thần học – Số 96, tháng 05/2022, tr. 52-79
_Gonzalo
Aranda Perez_
Bài viết giới thiệu nội dung “Sách các Châm ngôn”, nêu lên vài
vấn đề liên quan đến việc sưu tập các châm ngôn trong lịch sử Israel. Tác giả
là giáo sư Kinh thánh tại đại học Navarra (Tây-ban-nha). Nguồn: Cantar de los
Cantares y libros sapienciales (Exégesis del Antiguo Testamento III), Pamplona
2013, p. 46-66.
MỤC LỤC
I. Dẫn Nhập
Cuộc tiếp xúc sơ khởi với tác phẩm: a) tựa đề; b) tác giả và
thời gian biên soạn.
A.
Tựa đề
Ngay từ lời mở đầu, tác phẩm mang tựa đề là “Các châm ngôn của
Salômôn, con Đavít, vua Israel”. Tuy nhiên, lướt qua tác phẩm, ta còn thấy
nhiều bộ sưu tập được gán cho nhiều tác giả khác nhau.
Cn 1,1: Tựa đề “Các châm ngôn của Salômôn, con Đavít, vua Israel”. Có lẽ lúc
đầu chỉ là tựa của bộ sưu tập 1,2–9,18, rồi sau đó được mở rộng cho toàn thể
cuốn sách.
Cn 10,1: Một lần nữa lại thấy câu “Các châm ngôn của Salômôn”, dẫn vào bộ sưu
tập 10,1–22,16.
Cn 22,17: “Những lời của các bậc khôn ngoan”. Tuy nằm trong bản văn, nhưng câu
này được xem như tương đương với tựa đề cho bộ sưu tập 22,17–24,12.
Cn 24,23: “Cả những điều này cũng là những lời của bậc khôn ngoan”. Câu này ám
chỉ bộ sưu tập ngắn 24,23-34.
Cn 25,1: “Đây là những châm ngôn của Salômôn mà những người của Edêkia vua
Giuđa đã lưu truyền”, dẫn vào bộ sưu tập kéo dài từ chương 25 đến chương 29.
Cn 30,1: “Những lời của Agur, con của Giakê người Masa”, dẫn vào bộ sưu tập thứ
sáu.
Cn 31,1: “Những lời của Lemuel, vua Masa, mà mẹ đã dạy ông” bao gồm tất cả
chương 31. Chương này bao gồm một đoạn ca ngợi người phụ nữ đức hạnh (Cn
31,10-31), kết thúc cuốn sách.
Trong bản dịch LXX, thứ tự thay đổi đôi chút. Bộ sưu tập thứ năm (các chương
25–29) được đặt sau 31,1-9, vì thế lời ca ngợi phụ nữ đức độ được đặt trên
miệng vua Salômôn. Bộ sưu tập thứ bốn (24,23-35: “Những lời khác của bậc khôn
ngoan”) được đặt sau 20,1-4 (“Những lời của Agur”), và trước khi bắt đầu các
châm ngôn có số (30,15-33), vì thế đoạn này cũng trở thành “những lời của bậc
khôn ngoan”. Đừng kể những điểm khác, nguyên sự khác biệt giữa bản văn tiếng
Híp-ri với bản LXX cho thấy rằng các bộ sưu tập đã được hình thành độc lập,
trước khi được đưa vào cuốn sách và được xếp đặt theo nhiều cách thức khác
nhau.
B.
Tác giả và thời gian biên soạn
Sự khác biệt trong lưu truyền bản văn các Châm ngôn bằng tiếng Híp-ri và bằng
tiếng Hy-lạp phản ánh tiến trình phức tạp của việc biên soạn và cho thấy các bộ
sưu tập các tục ngữ và danh ngôn đã lưu hành trước khi hoàn tất việc soạn thảo
tác phẩm.
1. Tác giả và sự hình thành cuốn sách
Truyền thống Israel đã gán cho vua Salômôn một trí óc thông minh phi thường,
được diễn tả qua các việc “vua đọc được 3.000 câu cách ngôn, và các bài ca của
vua là 1.005 bài” (1V 5,12). Niềm tin này vẫn còn phản ánh nơi sách các Châm
ngôn, trong đó chứa đựng nhiều bộ sưu tập được gán cho nhà vua. Dữ kiện này
phần nào cũng phù hợp với sự thật bởi vì trong cuốn sách này, các châm ngôn cổ
truyền nhất phản ảnh một cơ cấu xã hội trùng hợp với khung cảnh lịch sử của
thời quân chủ thuộc giai đoạn trước cuộc lưu đày (thế kỷ X-VI trCN). Vì thế,
rất có thể là hạt nhân căn bản của cuốn sách là bộ sưu tập các châm ngôn ấy,
hoặc dưới hình thức truyền miệng hay chữ viết, và sau đó được bổ túc thêm
(khoảng năm 700 trCN) với bộ sưu tập “những châm ngôn của Salômôn mà những
người của Edêkia vua Giuđa đã chép lại” (Cn 25,1), và có lẽ dành cho việc giáo
huấn các thiếu niên ở hoàng triều Giêrusalem. Sau đó, người ta thêm vào những
bộ sưu tập khác, thuộc nhiều xuất xứ, cho đến khi người biên soạn cuối cùng đã
hoàn thành theo như hình thức hiện hành. Mặt khác, việc lặp lại những câu trong
bộ sưu tập thứ hai gợi lên giả thiết là người biên soạn đã chép lại các bộ sưu
tập ngắn hơn trong đó lặp lại một vài châm ngôn. Xc. Cn 10,1 = 15,20 (Đứa con
khôn ngoan làm cho cha vui mừng, còn đứa con ngu si là nỗi buồn của mẹ nó); Cn
10,2b = 11,4b (Kho tàng của sự gian ác chẳng sinh ích lợi gì, còn sự công chính
giải thoát khỏi cái chết); Cn 10,6b = 10,11b; Cn 10,8b = 10,10b; Cn 10,13b =
19,29b.
Trong việc biên soạn cuối cùng, do một tác giả mà chúng ta không biết tên, một
bài dẫn nhập dài được thêm vào (Cn 1–9), dùng làm nhập đề cho “kim chỉ nam” các
danh ngôn để khuyến khích việc học hỏi, và thêm một lời bạt ca ngợi “người phụ
nữ đức hạnh”. Tựa đề “Những châm ngôn của Salômôn” được đặt cho toàn thể tác
phẩm. Giai đoạn chót của tiến trình này diễn ra sau thời lưu đày, có lẽ vào
những những năm cuối của thời thống trị Ba-tư vào thế kỷ IV trCN. Tuy nhiên,
thứ tự các bộ sưu tập vẫn chưa cố định, bởi vì bản dịch Hy-lạp theo một sự sắp
xếp khác. Nếu ta giả thiết rằng việc biên soạn cuối cùng diễn ra vào thế kỷ IV
trCN, thì có thể đưa ra hai giả thuyết: một là nhà biên soạn bắt đầu từ những
bộ sưu tập biệt lập; hai là ông đã có trong tay một tác phẩm đã được hình thành
và ông hoàn chỉnh thêm.
2. Khung cảnh nguyên thủy của các châm ngôn
Các học giả vẫn còn tranh luận về nguồn gốc chính xác của các bộ sưu tập các
câu cách ngôn tục ngữ của sách Châm ngôn. Một đàng xem ra, nhiều tục ngữ phát
xuất từ khung cảnh gia đình, nơi mà các thiếu nhi hấp thụ những giáo huấn cần
thiết cho cuộc sống trên đời. Một loạt những châm ngôn khác là kết quả của kinh
nghiệm: nhờ quan sát thực tế và suy tư nghiền ngẫm, người ta đã đi đến việc
phát biểu sự khôn ngoan thực nghiệm thành những câu châm ngôn.
Mặt khác, cũng có thể là nhiều danh ngôn bắt nguồn hoặc được thu thập từ các
trường học. Mặc dù người ta không biết chắc chắn chương trình đào tạo tại các
trường học phổ thông ở Israel thời xưa, nhưng việc khám phá vài bản văn giáo
dục mang thể văn “khôn ngoan” được dùng tại các trường học ở Ai Cập hoặc
Mesopotamia, cho phép vài học giả suy đoán rằng các bản văn với đặc tính tương
tự trong Kinh thánh cũng có một nguồn gốc giống như vậy. Trong vùng Trung đông
cổ đại, việc giáo huấn các giới trẻ nhắm đến đào tạo các quan lại, công chức và
những nhân viên làm việc trong cơ quan hành chính hay pháp đình. Ngành khảo cổ
học chứng tỏ rằng từ thế kỷ VIII trCN, thời kỳ quảng bá chữ viết, rất nhiều
trường học đã được mở ra để cung cấp một nền văn hóa sơ đẳng cũng như đào tạo
các công chức. Ở Israel, cũng giống như các nước lân cận, việc thiết lập chế độ
quân chủ đòi hỏi sự đào tạo các công chức chuyên môn. Tại các trường học, nhiều
nhóm thanh thiếu niên đã được huấn luyện để trở thành những nhà lãnh đạo xứ sở.
Vài chi tiết trong sách các Vua xem ra củng cố điều này: xc. 1V 12,8 (Roboam đã
khước từ lời khuyên của các vị lão thành, và đã bàn hỏi các thanh niên là bạn
đồng môn và đang phục vụ mình); 2V 10,1 (Akhab có 70 người con ở Samaria.
Giê-hu đã viết thư và gửi đi Samaria, các nhà lãnh đạo thành phố, các bô lão và
các thái sư của các hoàng tử Akhab, nói rằng…).
3. Việc học tập và truyền thụ các châm ngôn
Các phương pháp giáo dục cũng giống các dân tộc lân cận. Phương pháp dạy học
dựa trên việc lặp đi lặp lại các câu nói để khắc ghi vào đầu óc, kèm theo những
hình phạt roi vọt để thôi thúc sự học hành. Điều này được sách Châm ngôn nói
đến: “Con hãy đưa trái tim con vào lời giáo huấn, và tai con vào những lời nói
của sự hiểu biết. Đừng từ chối sự giáo huấn khỏi con trẻ, vì dù con đánh nó
bằng roi, nó cũng sẽ không chừa” (Cn 23,12-13). Vì thế, thầy giáo hãy thúc đẩy
học trò lắng nghe và nhớ lấy lời dạy: “Con ơi, hãy chú tâm đến sự khôn ngoan
của ta, hãy lắng nghe sự thành thạo của ta” (Cn 5,1), “đừng quên lời dạy của
ta” (Cn 3,1), và nhấn mạnh đến việc khắc ghi vào tâm khảm sự đức độ và công
bằng mà thầy dạy: “Con hãy ghi vào tấm bia của trái tim con” (Cn 3,3). Đồng
thời, thầy giáo được nhắn nhủ rằng các lời khiển trách và hình phạt cũng hữu
ích: “Roi vọt và sự khiển trách ban sự khôn ngoan” (Cn 29,15).
Để thu hút sự chú ý và để giúp trí nhớ, người ta sử dụng nhiều kỹ năng khác
nhau. Chẳng hạn như lối song đối, nghĩa là hai câu nói đi liền nhau, trong đó
câu thứ hai lặp lại ý tưởng của câu thứ nhất, hoặc trái ngược lại. Thí dụ như:
“Kẻ gian ác là kẻ chú tâm đến môi gian ác, kẻ lừa dối là kẻ để tai vào lưỡi ác
hại” (Cn 17,4: hai câu lặp lại cùng ý tưởng); “Nhờ sự chúc phúc của những người
ngay thẳng, thành trì được nâng cao, và vì miệng của những kẻ gian ác, thành trì
bị sụp đổ” (Cn 11,11: hai ý tưởng đối nghịch). Một hình thức khác để gây ấn
tượng là phép so sánh (“Như giấm cho răng, và như khói cho mắt, cũng thế, kẻ
biếng nhác cho những người sai khiến nó”: Cn 10,26).
4. Kết luận
Như vậy, có lẽ nhiều châm ngôn khôn ngoan được thu thập thành bộ sưu tập đã bắt
nguồn từ khung cảnh dân gian. Sau đó các giới học thức thuộc môi trường học
đường hay những nhân vật có nhiệm vụ giáo dục đã hoàn thành các bộ sưu tập văn
chương. Một nguồn bổ sung nữa là kinh nghiệm thu lượm từ các dân tộc láng
giềng. Dù sao đi nữa, các truyền thống cố hữu và đặc biệt là lòng kính sợ Thiên
Chúa đã cung cấp những đường hướng cư xử trong những hoàn cảnh khác nhau, và
cùng với sự phát triển của sự khôn ngoan ở Israel, thì luật Thiên Chúa cũng làm
nên nhân tố căn bản của sự khôn ngoan của dân tộc đã được Người tuyển chọn. Tất
cả họp thành một gia sản phong phú của sự khôn ngoan mà các bậc thầy truyền lại
cho hậu thế, và người biên soạn cuối cùng của sách Châm ngôn tìm cách cống hiến
cho các độc giả.
II.
Cấu Trúc
Trong hình thức hiện nay, bản văn Híp-ri cho thấy một cấu trúc khá sáng sủa.
Trước hết là phần Mở đầu khá dài (1,1–9,18), trong đó tác giả mời người đọc hãy
lựa chọn giữa sự khôn ngoan và ngu dại, và hãy chịu khó học hỏi. Nhập đề gồm có
10 bài học, kèm theo ba bài thơ khuyến khích hãy lắng nghe giáo huấn, giữ gìn
điều đã thụ huấn và tìm cách làm thân với Khôn ngoan (xc. Cn 1,8-9; 4,1-13 và
7,1-5). Tác giả cho thấy sự tương phản giữa lời của Khôn ngoan mời gọi đi theo
mình, với lời rủ rê của “mụ nước ngoài”, xúi giục đi theo con người của kẻ tội
lỗi.
Đoạn I thu thập bộ sưu tập thứ nhất các châm ngôn của vua Salômôn vạch ra con
đường khôn ngoan (10,1–22,16). Đây là một chuỗi dài thu thập các châm ngôn ngắn
gọn.
Đoạn II xen vài bộ sưu tập những danh ngôn của các nhà Khôn ngoan
(22,17–24,22), gồm một chuỗi những cách ngôn ngắn; phần thứ nhất cho thấy nhiều
chỗ giống như sách Amenemope của Ai Cập; ra như để chuẩn nhận sự khôn ngoan của
chính vua Salômôn. Bộ sưu tập các danh ngôn khác của các nhà Khôn ngoan
(24,23-34) cũng mang một chức năng tương tự.
Đoạn III dẫn vào bộ sưu tập thứ hai các châm ngôn của Salômôn, nhưng lần này
không phải trực tiếp từ nhà vua nhưng được thâu thập và chép lại bởi những
người của vua Edêkia (25,1–29,27), và cho thấy sự khôn ngoan của Salômôn vẫn
tồn tại trong dân Israel.
Đoạn IV thu thập những phát biểu khôn ngoan của những nhà khôn ngoan ngoài
Israel: những danh ngôn của Agur (30,1-14), với thể văn và đề tài giống với
sách Gióp, tiếp theo là những châm ngôn có số (30,15-33), và những danh ngôn
của Lemuel (31,1-9), hoặc những lời khuyên con của một bà mẹ. Những lời khuyên
này có lẽ dùng để dẫn vào bài thơ cuối cùng làm Lời kết trong đó ca ngợi người
phụ nữ đảm đang (31,19-31). Bài thơ này gồm 22 câu, mỗi câu bắt đầu bằng một
mẫu tự Híp-ri (Aleph, Bet, Ghimel, vv.), nêu bật những đức tính trang điểm cho
người phụ nữ lý tưởng trong một gia đình nông dân ở Israel.
Xét về cơ bản, cấu trúc này vẫn được duy trì trong bản dịch LXX, với một sự
khác biệt quan trọng: bộ sưu tập thứ hai của Salômôn được xếp sau tuyển tập các
nhà khôn ngoan ngoài Israel, ra như muốn cho thấy rằng cuối cùng sự khôn ngoan
của Salômôn thâu nhận và vượt trên sự khôn ngoan của các bậc khôn ngoan khác.
Cuối cùng, Salômôn (chứ không phải là Lemuel) sẽ là người xướng lên bài thơ ca
ngợi người phụ nữ đức hạnh.
Yếu tố tạo nên sự duy nhất của tác phẩm là vua Salômôn. Tác giả soạn ra một
phần mở đầu gán cho Salômôn, rồi giới thiệu sự khôn ngoan của nhà vua và các
bậc khôn ngoan khác đến để xác nhận; cuối cùng, bài ca về người phụ nữ đức hạnh
là gương mẫu của sự khôn ngoan ấy. Như vậy, người biên soạn đã xếp đặt bố cục
rất khéo léo.
Xét về nội dung, sự duy nhất của tác phẩm có thể tìm thấy nơi sự phát triển đức
khôn ngoan mà tác giả nhằm tới. Thật ra sách Châm ngôn chứa đựng một bộ sưu tập
các bản văn khôn ngoan thuộc về nhiều thời đại và tác giả khác nhau, và nhà
biên soạn cuối cùng vẫn duy trì các tựa đề của các bộ sưu tập ấy. Tuy nhiên,
ông cũng cho thấy một tiến trình lịch sử của văn chương khôn ngoan ở Israel qua
việc thành hình các bộ sưu tập. Các bộ sưu tập của Salômôn và của các nhà khôn
ngoan là tài liệu cổ điển nhất của phong trào khôn ngoan. Phần mở đầu và lời
kết tượng trưng cho thời kỳ sau lưu đày. Toàn bộ cuốn sách cho thấy rằng các
bài dạy cổ điển và phổ quát (của các dân tộc) về lối sống khôn ngoan được hội
nhập vào đức tin của dân Israel vào một Thiên Chúa duy nhất (Giavê), Đấng đã
đào luyện một dân riêng và đã thiết lập giao ước với họ. Việc hội nhập này diễn
ra cách tiệm tiến, đạt đến đỉnh cao là Đấng Khôn ngoan ngự bên cạnh Thiên Chúa,
nhưng đã chớm nở ngay từ đầu khi cho thấy rằng ai sống hợp với đức khôn ngoan
là tuân hành ý muốn của Thiên Chúa.
III.
Nội Dung
Chúng ta sẽ rảo qua một vòng nội dung tác phẩm, được tóm vào bốn mục chính như
sau: 1/ Phần mở đầu. 2/ Các bộ sưu tập của Salômôn. 3/ Các bộ sưu tập của các
nhà khôn ngoan. 4/ Lời kết.
A.
Phần mở đầu (Cn 1,1–9,18)
1. Khía cạnh văn chương và nội dung
Dưới khía cạnh văn chương, đặc trưng của phần mở đầu chứa đựng những bài thơ
dài, trong đó người cha (hay người thầy) khuyên răn con cái (Xc. Cn 1,10-19;
2,1-22; 4,1-17; vv.), hoặc đức khôn ngoan được nhân-hóa, tự giới thiệu mình
(xc. Chương 8) hoặc đối chất với mụ khờ dại (xc. Chương 9). Bên cạnh các bài
thơ dài, chúng ta cũng gặp thấy một vài câu tục ngữ được xen vào giữa các bài
học (xc. 3,9-10.11-12; 9,7.8.9). Dù sao, phần mở đầu xem ra đáp ứng với một mục
tiêu giáo dục: chuẩn bị cho các bạn trẻ đối diện với những vấn đề rủi ro của
thế giới, ngõ hầu có thể trở nên những phần tử khôn ngoan và có trách nhiệm của
xã hội. Tuy nhiên, đặc trưng của phần mở đầu (khác với những phần còn lại của
cuốn sách) ở chỗ trình bày một tư tưởng tổng quát, định hướng cho toàn thể tác
phẩm, vượt lên trên các châm ngôn cụ thể. Tư tưởng này được thu gọn vào câu nói
ở đầu và cuối của phần mở đầu, đó là: Sự kính sợ Thiên Chúa là nguyên ủy của sự
khôn ngoan (1,7 và 9,10).
Chính do thể văn trang trọng như vậy, cho nên các học giả cho rằng đoạn văn này
được viết sau cùng. Ý kiến khác cho rằng hình thức văn chương cũng như việc
nhân-hóa đức khôn ngoan cho thấy ảnh hưởng của thuật hùng biện Hy-lạp. Mặt
khác, sách Huấn ca (viết khoảng năm 190 trCN) khi gán cho vua Salômôn các châm
ngôn và dụ ngôn (47,17) có lẽ đã nhắc đến Cn 1,6 khi đề cập đến đối tượng các
giáo huấn của nhà vua. Vì những lý do đó, các học giả thường cho rằng sách Châm
ngôn được hoàn thành vào khoảng thế kỷ IV trCN. Nên biết là cũng có học giả cho
rằng bởi vì cuốn sách có nhắc đến Luật của Thiên Chúa mà không đả động gì đến
Môsê cho nên có lẽ được soạn ra trước thời Esdras (thời kỳ coi Luật Môsê như là
cốt lõi của Ngũ thư), vì thế thuộc về thế kỷ V trCN.
Phần mở đầu bao gồm 10 bài học của người thầy dành cho học trò, thường được gọi
bằng “Con ta ơi” (xc. 1,7–7,27). Giữa các bài học này, hai diễn từ về sự khôn
ngoan được chen vào (xc. 1,20-33; 3,13-20), và loạt bài được kết thúc với bài
diễn từ thứ ba, khi mà sự khôn ngoan nói về chính mình (8,1-36). Vào cuối lời
mở đầu, bà khôn ngoan và mụ khờ dại đều mời gọi khách đến bàn tiệc của mình
(9,1-18). Xét về hình thức văn chương, người ta nhận thấy có nhiều điểm tương
đồng với Huấn thị của Amenemope bên Ai Cập: cả hai đều nhằm truyền thụ sự khôn
ngoan nhờ sự dạy dỗ của những người có uy tín (cha mẹ, thầy giáo hoặc chính Thiên
Chúa).
2. Sự khôn ngoan và lòng kính sợ Thiên Chúa
Phần mở đầu dài của sách Châm ngôn (Cn 1–9) được lồng trong bức khung bàn về
lòng kính sợ Thiên Chúa: “Lòng kính sợ Thiên Chúa là khởi đầu của tri thức, kẻ
ngu đần khinh thường sự khôn ngoan và lời giáo huấn” (Cn 1,7); “Khởi đầu của sự
khôn ngoan là lòng kính sợ Thiên Chúa, và sự hiểu biết Đấng Thánh là sự thông
hiểu” (Cn 9,10). Do đó, tương quan giữa lòng kính sợ Thiên Chúa là chủ đề của
tất cả bài dẫn nhập.
Mối tương quan này là nguyên tắc mời gọi đến khôn ngoan, và đồng thời lượng
định giá trị của nó. Lòng kính sợ Giavê không chỉ là khởi điểm để thủ đắc sự
khôn ngoan, mà còn là nội dung chất liệu của nó (Cn 2,1-6; xc. Đnl 33,21). Lòng
kính sợ Thiên Chúa hệ tại hiểu biết mối tương quan giữa Thiên Chúa và con
người. Đối lại, kẻ ngu si (xét như trái nghịch với khôn ngoan) là kẻ khước từ
sự khôn ngoan và khước từ luôn cả Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên nó (xc. Tv
53,1). Vì thế lòng kính sợ Thiên Chúa không chỉ là một trong các yếu tố giúp ta
tìm kiếm hạnh phúc (theo như ý kiến của vài nhà chú giải), nhưng chính là khởi
điểm và nội dung cốt yếu của sự khôn ngoan, dẫn đến hạnh phúc.
3. Mười bài học của thầy giáo
Như đã nói trên, phần mở đầu chứa đựng mười bài học. Các bài học bắt đầu bằng:
“Con ta ơi”, gợi lên những lời dạy trong khuôn khổ gia đình và mời gọi bạn trẻ
hãy đón nhận lời của cha ông. Kiểu nói này thường gặp trong các tác phẩm khôn
ngoan bên Trung Đông.
Bài học thứ nhất (Cn 1,8-19) nhắc đến sự khôn ngoan cổ truyền: giáo huấn
(musar) của cha, lời dạy (torah) của mẹ. Đây là một lời nhắc nhở thực tiễn ngõ
hầu có thể đón nhận việc huấn luyện: cần phải xa tránh giao du với những người
có thể làm lạc đường. Dụ ngôn về việc tuyển mộ thanh niên vào băng đảng cướp
của giết người được nhà khôn ngoan dùng để minh họa cho sự cám dỗ. Một hình ảnh
khác để so sánh là những người thợ săn giăng lưới để bắt chim; dĩ nhiên chim
khôn thì phải liệu tránh để đừng rơi vào lưới.
Bài học thứ hai (2,1-22) liên kết việc thủ đắc sự khôn ngoan với việc lắng nghe
và tuân giữ lời thầy. Xét theo cấu trúc văn chương, bài giáo huấn mở đầu với
các chữ “nếu” (câu 1-4), và tiếp theo là 5 hệ luận (các câu 5-8; 9-11; 12-15;
16-19; 20-22) như là kết quả của đức khôn ngoan. Trong vế thứ nhất, đức khôn
ngoan mời gọi hãy lắng nghe các “lời nói” và “mệnh lệnh” của thầy (việc lắng
nghe bao gồm sự chú ý cũng như sự yêu mến và tìm kiếm). Vế thứ hai kể ra 5 hoa
trái, đó là: (i) hiểu biết Thiên Chúa; (ii) sự hài hòa giữa tri và hành trong
cuộc sống; (iii) xa tránh sự gian tà; (iv) giải thoát khỏi người đàn bà xa lạ
(ngoại đạo? lăng loàn?); (v) chiếm hữu đất hứa. Bối cảnh của bài giáo huấn này
gần với thần học sách Đê-nhị-luật (xc. Đnl 4,10; 5,16; vv.).
Bài học thứ ba (3,1-12) cho thấy việc thủ đắc đức khôn ngoan bao hàm đức tính
tốt và lòng tín thác vào Thiên Chúa. Duy chỉ người nào trung thành thì mới xứng
đáng lãnh nhận đức khôn ngoan.
Bài học thứ bốn (3,21-35) dạy cho môn đệ vài quy tắc cụ thể để xử sự xứng hợp
với kẻ ước ao trở nên người khôn ngoan.
Bài học thứ năm (4,1-9) trở về với đặc tính cổ truyền của đức khôn ngoan, và
khuyến khích hãy thủ đắc nó.
Bài học thứ sáu (4,10-27) sử dụng hình ảnh hai con đường để diễn tả lối sống,
đối chiếu giữa người khôn ngoan và kẻ gian ác.
Trong bài học thứ bảy (5,1-23), người thầy khuyên nhủ môn sinh hãy trung thành
với hôn nhân, như là hình ảnh của lòng trung thành với lời giáo huấn của cha
ông. Cũng như người nam cảm thấy hấp dẫn vì những mới lạ của người phụ nữ nước
ngoài, thì con người cũng bị cám dỗ chạy theo những giáo huấn “xa lạ”, và bỏ qua
những gì đã học trước đây.
Bài học thứ tám (6,1-19) đưa ra những lời khuyên hãy đảm nhận trách nhiệm trong
việc chu toàn các nghĩa vụ, và kết thúc với châm ngôn có số (sáu điều Chúa
ghét… bảy điều Chúa ghê tởm) khá quen thuộc với văn chương Ugarit (xc. Cn 30;
Gv 11,2; Hc 25=26; Am 1-2).
Bài học thứ chín (6,20-35) và thứ mười (7,1-27) quay trở lại hình ảnh người phụ
nữ ngoại bang: hãy thận trọng dè dặt trước những dụ dỗ, kể cả dưới hình dáng
đạo đức. Người phụ nữ “ngoại bang” ám chỉ những phụ nữ nước ngoài hành nghề mãi
dâm, nhưng cũng được dùng làm hình ảnh của những thần linh của dân ngoại làm mê
hoặc dân Israel.
4. Những diễn từ của đức khôn ngoan
Trong phần mở đầu sách Châm ngôn, chúng ta gặp thấy hai bài thơ khá dài, trong
đó đức khôn ngoan lên tiếng như một phụ nữ (1,20-33; 8,1-36); và một bài thơ
ngắn ca ngợi đức khôn ngoan (3,13-20). Những diễn từ được dùng để tuyên dương
đức khôn ngoan và thúc giục người đọc hãy gắng thủ đắc nó. Chúng tôi chỉ xin
nêu bật vài nét chính.
+ Cn 1,20-33. Khôn ngoan kêu gọi trở về. Đây không phải ông thầy kêu gọi các
môn sinh, nhưng là chính Khôn ngoan đến gặp gỡ loài người để trao những kho báu
của mình cho những ai đón nhận. Trong diễn từ này cũng như trong diễn từ ở
8,1-36, Khôn ngoai được mô tả với những nét của một nhân vật ngỏ lời với tất cả
mọi người. Các “quảng trường” là nơi mà dân chúng quy tụ và nơi hội họp của các
cấp lãnh đạo. Khôn ngoan nói công khai, nghĩa là với toàn dân, chứ không phải
là với một nhóm người chọn lọc. Giọng điệu bài diễn từ giống như của các ngôn
sứ (xc. Gr 5,1; 7,2), tuy nhiên có phần khác ở chỗ là các ngôn sứ lên tiếng
nhân danh Thiên Chúa, còn Khôn ngoan nói nhân danh mình, theo kiểu cách giống
như chính Thiên Chúa (xc. Các câu 26tt, đối chiếu với Is 66,4 nơi mà Giavê đe
dọa một hình phạt tương tự như vậy). Giáo huấn của Đức Khôn ngoan là sự hiểu
biết và kính sợ Thiên Chúa (câu 29), tức là đồng nghĩa với sự hiểu biết, khuyên
nhủ và suy xét mà Is 11,2 trình bày như là ân huệ của Thần khí Thiên Chúa. Phần
nào có sự đồng nhất giữa Đức Khôn ngoan và Thần khí Thiên Chúa nói ở Isaia 11.
Những lời khuyên nhủ của Đức Khôn ngoan mang lại an bình và tin tưởng cho ai
biết đón nhận: “Kẻ nghe ta sẽ cư ngụ an toàn, và sẽ được yên ổn khỏi nỗi kinh
hoàng của sự dữ (câu 33). Đức Khôn ngoan, được nhân-hóa (xc. 8,22 tt; 9,1-12),
lên tiếng với uy quyền của Thiên Chúa.
+ Trái lại, Cn 3,13-20 suy nghĩ về hạnh phúc của người khôn ngoan. Nó mở đầu
với 'asheré (phúc thay, được chúc phúc) rất quen thuộc trong sách Châm ngôn và
Thánh vịnh (Xc. Cn 8,34; 16,20; 20,7; vv.; Tv 1,1). Xét theo hình thức văn
chương, nó bao gồm một lời mời gọi và một lời cảnh báo. Ở câu 18, nó dùng một
hình ảnh huyền thoại lấy từ St 3: “Nó là cây sự sống” để chuyển sang đề tài tạo
dựng. Đức Khôn ngoan, tức là sự hiểu biết của Thiên Chúa về vạn vật, bắt đầu
được nhân-hóa, và đạt tới cao điểm trong Cn 8,22tt.
+ Cn 8,1-36. Đây là cao điểm của phần dẫn nhập. Cững tương tự như ở 1,20-33,
Đức Khôn ngoan lên tiếng giữa thanh thiên bạch nhật, nghĩa là muốn nói với tất
cả mọi người. Trước hết, Đức Khôn ngoan kêu gọi mọi người hãy chú ý bởi vì bà
muốn cống hiến một giáo huấn công chính, không có chi gian đối (8,4-14). Kế đó
bà kể ra những mối tương quan với loài người: chính bà hoạt động để xã hội có
trật tự, hướng dẫn các nhà cầm quyền biết thi hành công lý (8,15-21). Kế đó, bà
nói đến nguồn gốc của mình, hiện hữu trước muôn vật (8,22-26), và bà đã tham
gia tích cực vào việc tạo dựng vũ trụ (8,27-30) và trong việc cứu độ con người
(8,31.35-36).
Việc mô tả đức khôn ngoan như là điều gì lớn hơn sự thủ đắc của con người, và
giới thiệu đức khôn ngoan như là một phụ nữ giữ vai người thầy, là một hình
thức văn chương đã gợi lên nhiều vấn đề. Một số học giả cho rằng đây chỉ là một
thủ thuật để thu hút sự chú ý của môn sinh (nam giới), giúp cho họ chấp nhận
lời giáo huấn của thầy, và đừng chạy theo những cám dỗ của người đàn bà trắc
nết. Nói cách khác, bà khôn ngoan là một hình thức văn chương đối lại với mụ
ngoại bang, và bà khôn ngoan nói ở 1,20 chính là thầy giáo. Tuy nhiên, những
lời dạy của bà khôn ngoan dựa trên uy quyền của Thiên Chúa thì không thể nào
đồng hóa với thầy giáo được. Vì thế một số học giả cho rằng hình ảnh về đức
khôn ngoan thần linh bắt nguồn từ hình ảnh một nữ thần, tương đương với nữ thần
Maat bên Ai Cập, hoặc các nữ thần ở miền Mesopotamia hoặc Canaan. Về sau, có lẽ
trước thời lưu đày, nó được biến đổi và ám chỉ Giavê. Tuy nhiên, trong Kinh
thánh không có vết tích gì về vị nữ thần này, và những bài thơ nhân-hóa đức
khôn ngoan ra đời sau thời lưu đày.
Thực ra, việc nhân-hóa đức khôn ngoan trong các bài thơ của phần dẫn nhập xuất
phát từ các bài học của thầy. Mặc dù sự hiện diện của đức khôn ngoan trong các
bài học của thầy chỉ được nói đến cách rời rạc (xc. 2,2-4.10-15; 4,5-9.13;
7,4), và không có hình dung xác định bởi vì thường được liên kết hoặc đồng hóa
với lời giáo huấn của người cha, và do đó mang những đặc điểm của một “nhân
vật”. Đó là lý do vì sao phải tìm kiếm, gìn giữ, bàn hỏi (2,3-4; 4,5.7-8), đối
xử như một người bạn trung thành, thậm chí như một tình nhân (7,4); đức khôn ngoan
sẽ đi vào trái tim của môn sinh, chăm sóc và giữ gìn khỏi tai họa (2,10.11-15).
Trong các chương 2 và 7, đức khôn ngoan được trình bày như đối thủ của người
đàn bà ngoại bang trắc nết. Như vậy, thay vì giải thích nguồn gốc đức khôn
ngoan dựa theo các mô hình thần thoại cổ điển, việc nhân-hóa trong sách Châm
ngôn là một hư cấu văn chương nhằm diễn tả mối liên lạc với con người, và sự
cao quý của đức khôn ngoan trong trật tự vũ trụ. Mãi đến sau thời lưu đày, khi
Israel đã đâm rễ trong niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất và không còn bị đe dọa
bởi tôn giáo đa thần nữa, thì tiến trình nhân-hóa đức khôn ngoan mới đạt tới
chỗ đặt nhân vật ấy bên cạnh Thiên Chúa. Dù sao, tiến trình này sẽ còn tiến
triển trong Tân ước, nơi mà Đức Khôn ngoan của Thiên Chúa xuất hiện như ngôi vị
thần linh.
Tóm lại, có lẽ chín chương đầu của sách Châm ngôn là phần quan trọng nhất của
cuốn sách, không phải bởi vì được biên soạn xưa nhất, nhưng là vì sự suy tư về
đức khôn ngoan đã đạt đến một trong những điểm cao nhất. Thật vậy, ở đây sự
khôn ngoan không chỉ xuất hiện như là thành quả mà người khôn ngoan thâu đạt
được, nhưng như là một thực tại phổ quát, một công trình của Thiên Chúa trước
khi tạo dựng vũ trụ và vẫn tiếp tục hoạt động giữa loài người. Đức khôn ngoan
được trình bày dưới những nét của một nhân vật: bà kêu gọi con người và muốn
giúp họ trên đường hiểu biết. Theo nghĩa này, đức khôn ngoan diễn tả hoạt động
của Thiên Chúa để nâng đỡ con người. Hoạt động này không được biểu lộ bên
ngoài, qua những biến cố lịch sử cứu độ, cho bằng bên trong con người, trong
lương tâm sâu thẳm, nơi mà đức khôn ngoan kêu gọi con người hãy chú ý lắng
nghe.
B.
Những bộ sưu tập của vua Salômôn
1. Việc sưu tập và nội dung
Hai bộ sưu tập của vua Salômôn chứa đựng những châm ngôn xưa nhất. Bộ sưu tập
thứ nhất (Cn 10,1–22,16) gồm 375 châm ngôn ngắn, mỗi châm ngôn là một câu; bộ
sưu tập thứ hai (Cn 25,1–29,27) gồm 128 châm ngôn, thường cũng chỉ dài một câu
nhưng có vài châm ngôn dài đến hai câu hay hơn nữa (gồm tất cả là 139 câu).
Trong bộ sưu tập thứ nhất, phần lớn các châm ngôn mang thể thức đối nghịch
nhau, còn trong bộ thứ hai, nổi bật nhất là hình thức so sánh, chỉ có các
chương 28–29 mới có những đối nghịch.
Có lẽ bộ sưu tập thứ nhất được thành hình vào những năm cuối của vương quốc
Giuđa sau khi vua Giôsia băng hà (năm 609). Đứng trước những đe dọa của quân
đội Babilonia, các nhà hiền triết đã thu thập các châm ngôn này để chúng khỏi
bị tiêu tan và để dạy cho dân cách cư xử đúng đắn và liên đới trong niềm tín
thác vào Thiên Chúa. Nhờ vậy họ sẽ được giải thoát khỏi bạo lực. Nói cho cùng,
đây là lời kêu gọi hoán cải, giống như các ngôn sứ Habacuc và Xophonia; tuy
nhiên lời kêu gọi không được trình bày như là lời Chúa phán, nhưng như tiếng
của nhà hiền triết nói lên kinh nghiệm về những hiệu quả của các hành động con
người. Tuy gặp thấy các khuôn mặt của “người khôn” và “người dại”, nhưng sự đối
chiếu căn bản là giữa “người lành” và “kẻ ác”; nghĩa là dẫn tới việc phân định
giữa những hình thức hành động, và mời gọi hãy đi tìm cách thực hiện đức công bình
trong tương quan xã hội cũng như lòng trắc ẩn đối với người nghèo. Bộ sưu tập
này được chia làm hai phần: phần thứ nhất gồm những giáo huấn cụ thể liên quan
đến cuộc sống thường ngày (10,1–15,33); phần thứ hai bàn đến những tương quan
với Thiên Chúa (16,1–22,16).
Bộ sưu tập thứ hai được gán cho những người của vua Edêkia, khoảng năm 700
trCN. Trên thực tế, không thể nào xác định thời kỳ thành hình, mặc dù vài từ
ngữ tiếng aram hướng về thời sau lưu đày. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là
tất cả các châm ngôn đều ra đời vào thời này; một vài câu có thể có nguồn gốc
từ xưa. Cũng như bộ sưu tập thứ nhất, ta có thể phân biệt hai phần: phần thứ
nhất tập trung vào sự khôn ngoan phàm tục (25,1–27,27), phần thứ hai mang nội
dung nặng về tôn giáo (28,1–29,27).
Các bộ sưu tập gán cho Salômôn có thể bắt nguồn từ giáo huấn của vua này. Người
ta cũng gán cho ông các sách khác như là sách Giảng viên và sách Khôn ngoan, do
danh tiếng lẫy lừng của ông (Xc. 1V 5,9-14; 10,1.10.13.23-24). Tuy nhiên,
chính trong sách Châm ngôn mà ta gặp thấy nhiều danh ngôn có thể bắt nguồn từ
ông, hoặc dựa theo câu nói của ông mà người ta sáng tác các bài thơ. Dù sao,
khó biết được ai là người biên soạn cuối cùng của các bộ sưu tập.
2. Sự thành hình các châm ngôn
Về sự ra đời của các châm ngôn, ngay từ năm 1913, học giả O. Eissfeldt đã phân
biệt giữa “châm ngôn dân gian” (Volkspruch) và “châm ngôn văn chương hoa mỹ”
(Kuntspruch)[1]. Những câu châm ngôn dân gian thường ngắn
ngủi, và có vần điệu; nội dung bàn về những đề tài mang tính lợi ích tổng quát
của đời sống. Tuy rằng trong hình thức hiện tại, các châm ngôn trong bộ sưu tập
của Salômôn mang hình thức “văn chương hoa mỹ”, nhưng lắm khi nó là châm ngôn
dân gian ngắn ngủi, rồi được thêm một vế thứ hai mang tính văn chương. Đó là
điều mà ông Eissfeldt đã nhận xét: có khi châm ngôn ở vế thứ nhất thì khác, đến
khi được thêm vế thứ hai thì nó đã thay đổi ý nghĩa, chẳng hạn như khi đối
chiếu Cn 11,2 và 13,10; 11,3 và 13,6; vv.. Dù sao, nên ghi nhận rằng không chỉ
các châm ngôn dân gian mới bàn về đề tài phổ quát, điều này cũng gặp thấy nơi
các châm ngôn văn chương nữa.
Điều thú vị trong công trình nghiên cứu của Eissfeld ở chỗ câu hỏi: các bộ sưu
tập châm ngôn dân gian có phải do “nhân dân” sáng tác, hay đúng ra là do những
người có học đã đặt ra để huấn luyện các môn sinh của mình? Nếu chúng ra đời
trong khung cảnh học đường thì sẽ giảm bớt giá trị phổ quát, bởi vì không phản
ánh kinh nghiệm dân gian. Nên biết là câu hỏi vẫn còn nằm trong vòng tranh
luận.
3. Việc kết nối các châm
ngôn
Nói chung, trong bộ sưu tập của Salômôn, mỗi châm ngôn là một đơn vị biệt lập,
gồm một câu ngắn gọn. Thử hỏi: người sưu tập có dựa theo một tiêu chuẩn nào để
sắp xếp chúng không, hay tùy hứng tùy tiện? Cho đến giữa thế kỷ XX, các học giả
cho rằng việc sắp xếp các châm ngôn chẳng theo thứ tự nào hết. Tuy nhiên, ngày
nay, người ta cố gắng tìm ra các tiêu chuẩn trong việc kết nối các châm ngôn.
Các học giả đưa ra nhiều tiêu chuẩn, chẳng hạn như gần nhau về tư tưởng, hoặc
gần nhau về âm vận (tiết điệu, chơi chữ) để dễ nhớ, nhưng thật khó mà đạt được
một sự nhất trí. Có khi các châm ngôn được xếp theo chủ đề, chẳng hạn như
12,13-23 liên quan đến việc sử dụng lời nói; 16,12-25 liên quan đến nhà vua. Có
khi xem ra các châm ngôn được liên kết với nhau bằng hình thức, chẳng hạn như
trong Cn 11,9-12 khi mà bốn câu châm ngôn đều bắt đầu bằng cùng một chữ beth
trong tiếng Híp-ri, nhưng chẳng có hệ thống gì hết.
Tóm lại, có thể nói rằng, nói chung, các câu châm ngôn trong hai bộ sưu tập của
Salômôn đã được lưu hành như là châm ngôn biệt lập, với một nội dung riêng phản
ánh một xã hội nông nghiệp, không chịu ảnh hưởng của các giới học thức. Đến khi
nhóm người này can thiệp để bắt đầu công cuộc sưu tập, nhiều câu châm ngôn đã
thay đổi ý nghĩa, với dụng ý giáo huấn. Từ những nhóm nhỏ, dần dần người ta xếp
thành những khối lớn hơn dựa theo nhiều tiêu chuẩn khác nhau. Sự phân chia giữa
Cn 10–15 và 16,1–22,16 và giữa 25–27 và 28–29 phản ánh một chặng biên soạn muộn
hơn. Cn 10–15 và 16–22 được liên kết với nhau bởi cái trục nói ở 15,33. Ghi chú
25,1 về những người của Edêkia đánh dấu rõ ràng rằng các chương sau đó thuộc
văn chương khôn ngoan theo nghĩa là dựa trên tiêu chuẩn mà các kinh sư đã quy
định.
4. Các châm ngôn nói về Giavê
Các châm ngôn trong đó xuất hiện danh Giavê đóng một vai trò quan trọng trong
cả hai bộ sưu tập, nhất là bộ thứ nhất. Trong một vài trường hợp (chẳng hạn như
15,33: “Sự kính sợ Giavê là trường dạy sự Khôn ngoan, và trước sự khen thưởng
là sự khiêm nhường”) có một chủ ý nhấn mạnh rằng giáo huấn của các câu tiếp
theo đó đều phù hợp với những quy tắc của đạo Giavê. Như thế, chức năng của
nhiều châm ngôn mang danh Giavê là giải thích chúng theo chiều hướng tôn giáo,
đó là nhắc nhở rằng cuộc đời con người cần được xét xử theo Thiên Chúa. Dĩ
nhiên, điều này không có nghĩa là những câu châm ngôn khác bị coi là phàm tục,
không có Thiên Chúa, mà chỉ muốn rút ra những hệ luận của việc nhắc đến danh
thánh Thiên Chúa.
Theo hình thức hiện tại, những châm ngôn nói về Giavê không nhất thiết xuất
phát từ một cuộc duyệt lại có hệ thống theo niềm tin Giavê, hoặc được sáng tác
sau cuộc canh tân tôn giáo của phong trào Giavê.
C.
Những bộ sưu tập của các nhà khôn ngoan
Sau bộ sưu tập thứ nhất của Salômôn, sách Châm ngôn thu thập những danh ngôn và
tục ngữ của các “hiền triết” (nhà khôn ngoan) nhưng không kể tên cụ thể. Các
châm ngôn này được chia làm hai khối: một khối ở Cn 22,17–24,22; khối thứ hai
24,23-34, coi như nối tiếp khối trước.
Khối thứ nhất gồm chừng 30 bài thơ ngắn, mỗi bài chừng hai ba câu, trong đó hai
câu đầu gồm lời khuyên, còn câu cuối là hệ luận, được mở đầu bằng từ ki (bởi
vì) hoặc pen (tại sao không). Một nhóm đầu của các châm ngôn này (22,17–23,11)
có những chỗ giống với sự khôn ngoan của Amenemope. 10 trong số 11 danh ngôn
giống nhau từng lời một, và 30 tục ngữ (x. Cn 22,20) trùng với 30 “ca” hoặc
“chương” trong tác phẩm Ai Cập. Mặc dù trên thực tế chỉ có một phần ba “các
châm ngôn của các nhà khôn ngoan” trùng hợp với “Giáo huấn Amenemope”; phần còn
lại thuộc về một nguồn khác, hoặc của dân Do thái hay một tác giả khác (chẳng
hạn như Cn 23,13-14 tương đương với sự khôn ngoan của Ahicar thuộc vùng
Mesopotamia). Từ đó có học giả đưa ra giả thuyết rằng bản văn Ai Cập được dịch
từ một bản văn Híp-ri cổ xưa mà ngày nay đã mất; tuy nhiên, giả thuyết này
không được ủng hộ. Dù sao đi nữa, các châm ngôn này có một nguồn gốc cổ xưa và
được tác giả sách Châm ngôn đưa vào dựa theo quan niệm về đức khôn ngoan đã nói
ở phần đầu sách (Cn 1–9), đó là tất cả đều bắt nguồn từ đức khôn ngoan như một
nhân vật hiện hữu trước khi vạn vật được tạo thành. Những châm ngôn này được
đưa vào sách “ngõ hầu con đặt niềm tin tưởng vào Giavê” (22,19), khuyến khích
người đọc hãy kính sợ Giavê (xc. 23,17; 24,21).
Khối thứ hai “cũng thuộc về các nhà khôn ngoan” (24,23) không cung cấp dữ kiện
nào để suy đoán nguồn gốc của chúng, bởi vì chúng ngắn ngủi và phổ quát. Tất cả
gồm năm danh ngôn, mỗi danh ngôn gồm từ hai đến bốn câu.
Sau bộ sưu tập thứ hai của Salômôn, do những người của Edêkia truyền lại, là
“Những lời của Agur” (chương 30) và “Những lời của Lemuel” (31,1-9). Đây là hai
nhà hiền triết ngoại giáo. Người thứ nhất bắt đầu cuộc độc thoại về việc con
người không thể nào hiểu thấu Thiên Chúa, với giọng điệu giống như ông Gióp
40,4-5; 42,2-6. Tiếp đến là những danh ngôn thuộc loại khác, và những châm ngôn
có số (có lẽ bắt đầu từ 30,11), xem ra là lời giải đáp cho một lời dẫn nhập
giống như Cn 6,16. Người thứ hai tên là Lemuel, cung cấp nhiều câu nói ngắn
ngủi, khuyến khích nên xa tránh phụ nữ và rượu, và hãy nhớ đến người nghèo.
D.
Lời kết (Cn 31,10-31)
Đây là một bài thơ theo mẫu tự (22 câu), nghĩa là mỗi câu bắt đầu bằng một chữ
của mẫu tự Híp-ri. Có thể là nó đã được sáng tác từ trước, rồi được nhà biên
soạn đưa vào sách Châm ngôn, hoặc là chính ông đã sáng tác. Việc xen vào “Những
lời của Lemuel” có thể là do sự liên kết với chủ đề ở câu 3, khi bà mẹ của
Lemuel nhắn nhủ con mình về cách cư xử với phụ nữ. Như vậy, bức chân dung về
người phụ nữ đức hạnh nhằm đối lại với bức tranh tiêu cực trước đó. Các học giả
cho rằng đây chẳng qua chỉ là danh sách những đức tính của phụ nữ, hoặc do các
ông chồng kê ra, hoặc là kim chỉ nam hướng dẫn cho các bà muốn lấy được chồng.
Gần đây, có ý kiến cho rằng người phụ nữ ở đây tượng trưng của đức khôn ngoan
được nhân hóa, và được xem như cao điểm của cuốn sách. Thực vậy, xét trong toàn
thể cuốn sách Châm ngôn, lời kết này cần được móc nối với lời dẫn nhập, trong
đó Đức Khôn ngoan được nhân-hóa như một phụ nữ mời gọi mọi người hãy đến dự bữa
tiệc mà bà đã dọn sẵn. Bây giờ, nơi người phụ nữ đức hạnh biết ứng xử tốt đẹp
trong mọi hoàn cảnh cụ thể của cuộc đời, ta thấy phản chiếu Đức Khôn ngoan của
Thiên Chúa được in sâu trong trật tự vũ trụ. Những lời kết thúc bài thơ ở câu
30 (Người phụ nữ kính sợ Giavê sẽ được ngợi khen), ra như đúc kết ý tưởng chủ
đạo của toàn thể cuốn sách: đức khôn ngoan và lòng kính sợ Thiên Chúa gắn liền
nhau.
IV.
Sách Châm Ngôn Trong Toàn Bộ Mặc Khải
A.
Đặc điểm
Phần lớn nội dung sách Châm ngôn chứa đựng những tục ngữ cách ngôn nhằm giúp
con người sống tốt trong xã hội. Những châm ngôn này dạy cách cư xử khôn ngoan,
và xem ra không trực tiếp đả động đến hành động của Thiên Chúa hoặc lời đáp trả
của con người với Thiên Chúa, tuy vẫn ngầm hiểu rằng con người là thụ tạo của
Thiên Chúa, và mọi công việc mình làm đều được ngài để ý đến. Mặc dù cuốn sách
này không bắt nguồn từ những khung cảnh tôn giáo, phụng tự, ngôn sứ, nhưng nó
được nhìn nhận như là được Thiên Chúa linh hứng, được kể vào bộ quy thư của
Kinh thánh.
Việc thành hình sách Châm ngôn đã diễn ra theo một tiến trình liên tục thâu gom
thêm các dữ liệu, kéo dài từ thời quân chủ cho đến thời sau lưu đày. Tiến trình
này ảnh hưởng đến hình thức văn chương cũng như nội dung. Vào lúc đầu, đó chỉ
là những khuyên nhủ thực tiễn trong đời sống, biết cách cư xử tốt đẹp; dần dần,
chúng được nhìn nhận như là những lời dạy khôn ngoan, từ chỗ khôn ngoan nhân
bản đến sự khôn ngoan được Thiên Chúa hướng dẫn. Ta nhận thấy có sự tiến triển
trong việc hiểu biết về bản chất đức khôn ngoan: từ một đức tính luân lý đến
một Đấng Khôn ngoan ở bên cạnh Thiên Chúa trong công cuộc tạo dựng vũ trụ.
B.
Sự đóng góp riêng của sách Châm ngôn
Trong toàn bộ Kinh thánh, sách Châm ngôn tượng trưng một bước tiến, hẳn nhiên
là bước thứ nhất, trong việc nội tâm hóa Luật Chúa. Ngũ thư trình bày Luật mà
Chúa ban cho Israel; các ngôn sứ tượng trưng cho việc Thiên Chúa chất vấn con
người; còn sách Châm ngôn cũng như các sách khôn ngoan cho thấy sự suy tư của
con người về đời sống cần phải điều chỉnh hợp với Luật của Chúa và với những
yêu sách của công bình trong xã hội. Sự suy tư của con người, được Thánh Linh
hướng dẫn cách nhiệm mầu, trở thành lời của Chúa.
Trong sách Châm ngôn, ta thấy phản ánh tinh thần của dân Do-thái, đặc biệt qua
sự đối chọi giữ người lành và người ác, chứ không chỉ giữa người khôn và người
dại. Điều này móc nối sách Châm ngôn với các Ngôn sứ, các Thánh vịnh, và cách
riêng với Đệ-nhị-luật. Cn 2,2; 10,30 nói rằng kẻ ác sẽ bị loại ra khỏi Đất
(Israel), cho thấy một ngôn ngữ gần với Đệ-nhị-luật và một ý thức về vị trí cao
trọng của Israel. Nhân tiện, cũng cần ghi nhận rằng sách Châm ngôn có một
khuynh hướng phổ quát, theo nghĩa là giáo huấn được dành cho hết mọi người, kể
cả những người tầm thường, chứ không chỉ giới hạn vào các cơ quan lãnh đạo như
ta thường thấy ở các khôn ngoan của Ai Cập.
Chiều kích tôn giáo của sách Châm ngôn, xét dưới khía cạnh mặc khải của Thiên
Chúa và sự đáp trả của con người, được liên kết cách riêng với thuật ngữ “kính
sợ Thiên Chúa (Giavê)”, bao hàm nhiều khía cạnh lịch sử rất có ý nghĩa (Xuất
hành, Giao ước). Việc du nhập thuật ngữ này ở ngay đầu cuốn sách (Cn 1,7) định
hướng cho tất cả nội dung cuốn sách. Nó muốn nói rằng con người sống trong một
thế giới do Thiên Chúa tạo dựng, và thế giới mang một trật tự luân lý mà con
người có thể khám phá nhờ sự suy nghĩ đúng đắn và chế ngự bản thân. Điều này
cho thấy tác phẩm quan tâm đến chiều kích nhân bản. Yếu tố quyết định đối với
vận mạng con người nằm ở chỗ nó có khả năng thủ đắc sự khôn ngoan và sống theo
nó. Tuy nhiên, trong Cn 30,1-4 ta nhận thấy có vài nghi ngờ về khả năng của con
người do sức riêng của mình; điều này đã đưa đến những phản biện của sách Gióp
và Giảng viên. Mặt khác, cuốn sách này không đả động đến niềm hy vọng vào thế
giới bên kia.
C.
Ý nghĩa của sách Châm ngôn dưới ánh sáng của Tân ước
Có hai nét của sách Châm ngôn được soi sáng và lượng định nhờ mặc khải của Tân
ước: một là khả năng của lý trí con người trong việc khám phá cách cư xử đúng
đắn trong những hoàn cảnh khác nhau; hai là tương quan giữa sự khôn ngoan của
con người và sự Khôn ngoan của Thiên Chúa.
1/ Về điểm thứ nhất, nên nhớ rằng Chúa Giêsu không ngừng mời gọi suy nghĩ và
đắn đo nhận ra những dấu chỉ của Vương triều Thiên Chúa hầu biết đón nhận. Chỉ
cần nhớ vài câu như là: “Có ích lợi chi khi chiếm được tất cả thế giới mà mất
sự sống của mình?” (Mc 8,36) hoặc so sánh thái độ của một người muốn xây dựng
một cái tháp hay tham gia chiến tranh (xc. Lc 24,28-33). Mặt khác, khi giảng
dạy, Chúa Giêsu cũng dùng nhiều kỹ thuật tương tự trong sách Châm ngôn: những
câu nói vắn tắt và gợi hình để nêu bật vài khía cạnh của lời dạy; những câu
chuyện (dụ ngôn) để dễ gây chú ý và dễ nhớ, chẳng hạn như “Nước Trời giống như
một thương gia đi tìm ngọc quý, và khi đã tìm được một viên ngọc quý giá, thì
ông bán hết tài sản để mua nó” (Mt 13,45-46); những cách đối song song như là:
“Ai tiếp đón một ngôn sứ vì là ngôn sứ thì sẽ được phần thưởng của ngôn sứ, ai
tiếp đón một người công chính vì là công chính thì sẽ được phần thưởng của
người công chính” (Mt 10,41). Đôi khi vài bản văn của Tân ước mang nội dung của
vài châm ngôn, thí dụ trong thư gửi Rôma, thánh Phaolô sử dụng một đoạn văn
châm ngôn để minh họa cho giáo huấn của mình: “Nếu kẻ thù của anh đói thì hãy
cho nó ăn, nếu nó khát thì cho nó uống; làm như thế là đổ than lên đầu nó. Đừng
để mình bị thắng bởi điều dữ, nhưng hãy thắng điều dữ bằng điều lành” (Rm
12,20-21: Cn 25,21-22); xem thêm Rm 3,15 (Cn 1,16); 12,17 (Cn 3,4); 2Cr 8,21
(Cn 3,4); 9,7 (Cn 22,8). Điều tương tự cũng gặp thấy trong thư gửi Híp-ri,
trưng dẫn Cn 3,11-12 để nói về sư phạm của Thiên Chúa (Hr 12,5-6); xem thêm Hr
12,13 (Cn 4,26-37), hoặc trong các thư của Giacôbê và Phêrô, với những châm
ngôn được trưng dẫn để củng cố giáo huấn của mình (Gc 4,6: Cn 3,34); 1Pr 4,18
(Cn 11,31); 5,5 (Cn 3,34); 2Pr 2,22 (Cn 26,11).
2/ Về điểm thứ hai, về tương quan giữa sự khôn ngoan của con người và sự khôn
ngoan của Thiên Chúa, ta thấy việc trình bày Chúa Giêsu Kitô như là sự khôn
ngoan của Thiên Chúa (xc. 11,19; 1Cr 1,24) và vai trò của Người trong việc tạo
dựng (Cl 1,16-17; Ga 1,1-3) giống như vai trò của đức khôn ngoan trong các bài
thơ của sách Châm ngôn chương 8, khiến ta có thể nghĩ rằng các bài thơ của Cn
như là chuẩn bị cho cuộc mặc khải mầu nhiệm Đức Kitô. Mặt khác, truyền thống
Kitô giáo cũng rất trân trọng việc giáo dục các nhân đức mà sách Châm ngôn đã
cung cấp. Các giáo phụ đã trưng dẫn những đoạn văn ấy trong việc huấn luyện các
Kitô hữu hợp theo trật tự tự nhiên, ngõ hầu sau đó họ có thể đón nhận việc mặc
khải các mầu nhiệm thánh. Chẳng hạn như thánh Ambrôsiô bắt đầu bài huấn giáo
các tân tòng với những lời như sau: “Cho đến nay chúng tôi đã nói với anh chị
em mỗi ngày về cách cư xử. Chúng tôi đã đọc cho anh chị em các việc làm của các
tổ phụ hoặc các lời khuyên răn của sách Châm ngôn, ngõ hầu, nhờ được đào tạo
bằng những lời giáo huấn đó, anh chị em quen đi theo cũng một con đường như các
bậc tổ tiên và tuân theo luật Chúa, nhờ vậy, anh chị em sống xứng đáng với danh
nghĩa của người đã được rửa tội” (De mysteriis, số 1: Sources chrétiennes 25
bis, 156).
Phụ thêm. Sách Châm ngôn trong phụng vụ hiện hành
Nói chung, trong phụng vụ Latinh hiện nay, sách Châm ngôn không được sử dụng
nhiều.
- Trong các Chúa nhật, Lễ trọng, Cn 8,22-31 chỉ được dùng trong Lễ Chúa Ba Ngôi
(năm C); Pr 9,1-6 vào chủ nhật XX mùa thường niên năm B (chuẩn bị cho Ga
6,51-58) và Cn 31 vào chủ nhật XXXIII mùa thường niên (chuẩn bị cho Mt
25,14-30).
- Trong các ngày thường, các đoạn Cn 3,27-35; 21,1-6.10-13; 30,5-9 được đọc
vào các ngày thứ hai-thứ ba-thứ tư tuần XXV thường niên những năm chẵn.
- Cn 2,1-9 được dùng làm bài đọc thứ nhất trong lễ thánh Biển-đức; Cn 31 thường
được nghe vào lễ kính các thánh phụ nữ; Cn 8,22-31 được dùng trong phần chung
kính Đức Mẹ; Cn 9,1-6 trong các lễ ngoại lịch về Mình Thánh Chúa.
Thư
Mục
L. Alonso Schӧkel - J. Vilchez Lindez, I Proverbi, Borla, Roma 1988 (nguyên bản
Tây-ban-nha 1984). – W. McKane, Proverbs. A New Approach (OTL), SCM Press.
London 1970. – R. N. Whybray, Proverbs, Eerdmans, London-Grand Rapids 1994. –
R. Murphy, Proverbs (WBC 22), Word Books, Dallas 1998. – R. J. Clifford,
Proverbs. A Commentary (OTL), Westminster .John Knox, Louisville 1999. – A.
Lelièvre - D. Maillot. Commentaire des Proverbes, chapitres 1-9, Cerf, Paris
2000. – A. Lelièvre, La Sagesse des Proverbes. Une leçon de tolérance, Labor
et Fides. Genève 1993. – M. Cimosa, Proverbi (I libri biblici 22), San Paolo,
Milano 2007. – L. G. Perdue, Proverbs. Interpretation, Westminster John Knox,
Louisville 2000. – A. Bonora, Proverbi-Sapienza. Sapere e felicità,
Queriniana, Brescia 1990. – B. Marconcini. I Proverbi. Origine e sviluppo della
tradizione sapienziale. San Paolo, Cinisello Balsamo 1999. – L. Mazzinghi,
Proverbi. Commento spirituale all'Antico Testamento, Città Nuova, Roma 2003.
__[1] O. Eissfeldt, DerMaschal
im Alten Testament, (BZAW 24) Berlín 1913
https://www.thoisuthanhoc.net/2024/05/sach-cac-cham-ngon.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét