Trang

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

100 BÀI GIÁO LÝ KINH THÁNH : BÀI 11 NGƯỜI CHA GƯƠNG MẪU




100 BÀI GIÁO LÝ KINH THÁNH : BÀI 11

NGƯỜI CHA GƯƠNG MẪU

Kỳ trước, ta đã nghe đọc Sách Thánh về gia đình đạo đức của ông Tô-bít, cách riêng về bà mẹ rất thương con. Kỳ này, Sách Thánh sẽ cho ta biết về ông Tô-bít, người cha gương mẫu của cậu Tô-by-a.

Trích Sách Tô-by-a

Từ trẻ, ông Tô-bít đã là một người đạo đức, nghĩa là ông luôn tuân giữ các luật Chúa, cùng làm việc nghĩa. Ông trung thành lên Yêrusalem hàng năm, để dâng tế lễ ở Đền Thờ như Chúa truyền, ông nộp thuế thập phân, đóng góp vào việc phục vụ Đền Thờ và các chi phí phụng tự. Ông rộng tay làm phúc cho kẻ nghèo, người goá bụa, kẻ mồ côi, khách tha phương...

Chiến tranh binh lửa đã đến, lôi ông khỏi xứ sở, đi lưu đầy sang Ni-ni-vê, ông vẫn luôn giữ một lòng trung tín thờ Chúa và thương người, đang khi quanh ông, anh em bà con dòng họ hầu như bỏ đạo. "Người đói, tôi cho bánh ăn; kẻ mình trần, tôi cho áo mặc; và nếu tôi thấy có người chết nào bi quăng thây sau tường luỹ Ni-ni-vê, tôi đã chôn cất" (1.17). Một hôm, vào ngày lễ 50, ông được người ta cho một bữa tiệc thịnh soạn để mừng ông. Nghĩ đến người nghèo, ông bảo con ông là Tô-by-a:

- Này con, hãy đi ra, và nếu gặp ai nghèo khó trong anh em ta, hãy dẫn về cùng chia sẻ bữa ăn với cha!

Đến khi dẫn một người nghèo vào ăn, cậu Tô-by-a cũng đưa tin cho cha cậu: có một người bị sát hại và quăng thây ngoài bùng binh... Nghe vậy, ông Tô-bít liền chỗi dậy, bỏ bữa ăn, đi lấy trộm xác về giấu một nơi, đợi mặt trời lặn sẽ đem chôn. Hàng xóm chê cười ông:

- Hắn vẫn chưa sợ! Đã bị tầm nã để xử tử, đến nỗi phải bỏ nhà cửa trốn đi, thế mà nay hắn lại chôn cất kẻ chết (2.8).

Làm việc nghĩa như thế, đã không được may, ông lại gặp rủi: sau khi chôn xác, tắm rửa, nằm nghỉ ngoài hiên cho mát, cứt chim rơi trúng mắt làm ông mù. Đã bốn năm như thế, gia đình càng ngày càng khánh kiệt. Dủ nghèo, ông không hề tham lam. Chuyện sau đây chứng tỏ: bà An-na, vợ ông, phải dệt vải gia công cho chủ để có tiền độ nhật. Một lần kia, sau khi lãnh công, bà còn được chủ thưởng một dê con. Nghe tiếng dê kêu be be, Tô-bít hỏi:

- Con dê ấy ở đâu đến? Hoạ chăng là của trộm cắp. Hãy đem trả cho chủ nó, vì ta không được phép ăn của gì trộm cắp.

Bà An-na đáp:

- Quà người ta tặng tôi thêm với tiền công đó mà!

Ông không tin, cứ khăng khăng bảo phải đem trả, đến nỗi bà vợ ông phải nổi giận trách mắng ông, ông mới thôi. Buồn tủi, phần vì mù loà, phần vì bi vợ la rầy, ông tấm tức khóc và cầu nguyện với Chúa.

Cuối cùng, không còn kế sinh sống, ông đành liều sai con đi sang xứ Mê-đi xa xôi, để đòi số bạc ông ký gửi nhà quen thuộc. Trước khi con lên đường, ông nghĩ mình không biết có còn sống đến lúc con về lại không, nên ông đã gọi con lại để nhắn nhủ những điều mà chính ông đã sống, đã thi hành trước:

1/ Ông nhắc con thờ Chúa: "Suốt mọi ngày đời con, hỡi con. hãy nhớ đến Chúa. Đừng cố ý phạm tội, lỗi các lịnh truyền của Người". Cung giọng ông thật là tha thiết, êm đềm thấm vào lòng con. “Mọi thời mọi buổi, con hãy chúc tụng Thiên Chúa, con hãy xin Người cho đường con đi ngay thẳng. Chính Chúa ban phát mọi sự lành" (4.5,19).

2/ Ông dạy con có hiếu với mẹ: "Hãy thảo kính mẹ con, đừng bỏ người ngày nào trong suốt đời người; song hãy phụng dưỡng hết lòng. Hãy làm mẹ con được vui lòng vui mặt. Đừng làm cho tâm hồn người phải buồn phiền vì bất cứ sự gì. Con hãy nhớ là mẹ con đã phải trải qua bao nỗi gian lao, nguy hiểm vì con, khi con còn trong lòng mẹ. Người chết, con hãy chôn cất người bên cha cùng một mồ" (4.3).

3/ Ông dạy con bày làm phúc, làm nghĩa như ông vẫn thường làm: "Con đừng bao giờ ngoảnh mặt làm ngơ trước kẻ nghèo, và Nhan Thánh Thiên Chúa cũng sẽ không ngoảnh mặt đi với con. Có bao nhiêu hãy tuỳ sức mà bố thí, có ít lấy theo số ít mà bố thí. Quả đó là kho tàng con cất cho mình vào ngày túng quẫn. Vì chưng, bố thí giựt khỏi sự chết và không để lâm phải tối tăm. Quả thế, bố thí là lễ tế trước Nhan Thiên Chúa" (4.7-11).

4/ Ông còn nhủ bảo con nhiều điều khác: "Hỡi con, hãy giữ mình khỏi mọi điều dâm ô! Hãy lấy vợ cùng trong giống nòi!" (ông có ý bảo: đừng lấy vợ ngoại, vì họ không có đức tin sẽ làm cho con cái và cả dòng giống bỏ Chúa). Đừng kiêu ngạo, vì nơi kiêu ngạo đã sẵn hoạ diệt vong và chuốc thảm bại. Nơi lười biếng đã có suy vi và nhiều thiếu thốn, vì lười biếng là mẹ sinh ra đói kém. Hãy coi chừng về mình trong mọi việc làm của con; và trong cách xử sự, hãy luôn ở như người gia giáo! Điều con ghét, con chớ làm cho người ta. Rượu, con chớ uống say sưa; say sưa chè chén đừng là bạn đường của con. Muốn sống tốt đẹp, con đừng khinh lời khuyên răn nào hữu ích. Với người khôn ngoan, con hãy tim lời bàn bạc. Hãy làm việc nghĩa mọi ngày đời con, đừng đi theo đường lối bất chính. Con hãy xin Thiên Chúa cho đường con đi ngay thẳng, cho mọi dự định con được thành tựu".

5/ Ông nhấn mạnh đến đức công bình: "Bất cứ ai làm lụng cho con, con đừng trì hoãn đến mai mới trả lương, nhưng hãy trả ngay lập tức, thì việc con làm tôi Thiên Chúa, con cũng sẽ được trả công" (4.14).

Kết cục, ông nói: "Hỡi con, hãy ghi nhớ các lời Cha, chớ để tuột khỏi lòng con... Đừng sợ, vì ta ra nghèo! Của lành, con sẽ có nhiều, khi con kính sợ Thiên Chúa và lánh xa mọi điều tội lỗi, cùng làm điều lành trước mặt Thiên Chúa".

* Đó là Lời Chúa! Tạ ơn Chúa!

Suy niệm Lời Chúa

Cậu Tô-by-a thật tốt phúc, vì có một người cha gương mẫu, đức hạnh. Đạo của ông là đạo cũ, thuộc Cựu Ước, chưa được trọn lành như đạo mới Chúa Giêsu dạy cho ta bây giờ; thế mà mấy ai trong tín hữu Chúa Giêsu đã sống được bằng ông? Cái đáng phục là ông sống đạo tử tế, cho dù giữa hoạn nạn, khốn khó, bắt bớ..., rồi sau đó, ông mới dạy lại cho con ông một cách chân thành, với lời lẽ êm đềm như rót vào tai. Tình thương con đã làm tiếng nói của ông thêm đậm đà!

Mong sao các người làm cha, bớt nổi nóng, la rầy con cái, vì chúng còn trẻ, ham vui, ham chơi. Hãy thông cảm, hãy kiên nhẫn với chúng và ôn tồn dạy vẽ cho chúng về đạo Chúa, về cách sống ở đời.

Ông Tô-bít biết rõ châm ngôn này:

“Lời nói bay đi, gương bày lôi kéo”.

Dạy con không chỉ dạy bằng lời, còn dạy bằng gương đời sống mình. Khi những người cha lòng đạo khô khan, cằn cỗi, thêm vào các tật xấu như nhậu nhẹt say sưa, cờ bạc, rượu chè..., thì làm sao nói chúng nghe. Con cái chỉ thấy nơi ông bố một kẻ có "tâm hồn ăn uống” hơn là có “tâm hồn đạo hạnh”, làm sao chúng phục? Đang khi, theo ý Chúa, người cha phải có “tâm hồn linh mục” đối với con cái, có nhiệm vụ dẫn dắt chúng đến với Chúa mỗi ngày mỗi hơn, như linh mụcđẫn dắt con chiên mình.

Gia đình chúng ta làm giờ cầu nguyện tối nay để đền tạ các lỗi lầm, gương xấu trong lời nói, việc làm của các người cha trong gia đình, nhất là gia đình của mình đây. Cũng xin Chúa ban ơn sửa đổi, để người cha nào trong gia đình cũng nên giống ông Tô-bít gương mẫu, tốt lành, được con cái kính phục và yêu mến.

Tích truyện

Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu mồ côi mẹ lúc chưa đầy 4 tuổi. Các chị lại lần lượt nối bước nhau vào dòng. Vì thế, cô con gái út rất được cha yêu quí, chiều chuộng. Những tưởng mất mẹ, cha chiều, cô bé sẽ đâm hư... Nhưng không ngờ, cô đã làm thánh và làm thánh lớn nữa, vì cha cô là một người cha tuyệt diệu. Theo cô kể lại trong "Truyện một tâm hồn", thì lúc 14 tuổi rưỡi, Têrêsa ước ao dâng mình cho Chúa. Ủa! Tại sao được cha cưng chiều, mà cô lại bỏ đi tu? Vì cha cô là một người đạo hạnh, chỉ luôn dạy con biết yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Chính cha cô không những không cấm cản, mà còn làm mọi việc vận động để cô có thể vào dòng kín trước tuổi. Lúc phải nói cho cha cái ý định của cô mới thật là gay cấn, cô sợ cái tin sét đánh ấy sẽ làm cha cô đau buồn, giảm thọ; vì đời ông, lúc ấy, chỉ còn có cô là niềm an ủi.

Một buổi chiều kia, thấy cha ra vườn ngồi chơi, hai tay khoanh lại ngắm cảnh thiên nhiên xinh đẹp, Têrêsa đánh bạo đến ngồi gần bên cha, nhưng miệng chưa thốt nên lời mà nước mắt đã ràn rụa. Ông Mác-tin cúi xuống nhìn con, với ánh mắt yêu thương trìu mến. Biết con có điều uẩn khúc muốn nói, ông ôm đầu con áp vào ngực mình và hỏi:

- Con có điều gì cứ nói cha nghe đi nào, công chúa của cha!

Bấy giờ, Têrêsa gạt nước mắt, tỏ cho cha biết việc mình hết sức ước ao vào Dòng Kín. Ông Mác-tin nghe xong cũng bật khóc, nhưng ông trấn tĩnh lại, và nhỏ nhẹ bảo con:

- Con còn trẻ, làm sao quyết định việc quan trọng đó được?


Têrêsa tiếp tục nài nỉ, cuối cùng, ông đành chấp thuận theo Thánh Ý Chúa. Sau đó, ông phải dẫn Têrêsa sang Rôma, yết kiến Đức Giáo Hoàng Lêô 13, để Têrêsa xin phép chuẩn được vào Dòng Kín lúc mới 15 tuổi. Công lao và hi sinh của cha to lớn chừng nào, suốt đời Têrêsa không hề quên, luôn nhắc đến công ơn cha.

100 BÀI GIÁO LÝ KINH THÁNH
Lm Ph. HOÀNG MINH TUẤN
Biên soạn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét