Trang

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

100 BÀI GIÁO LÝ KINH THÁNH : BÀI 21 TÌNH BẠN

TÌNH BẠN

Lược trích 1 Sa-mu-en 18.1-3; 19.1-7; 20.1-42; 2S 1.17-27

Yô-na-tan là con vua Sa-un. Hôm ấy, sau khi Đa-vít dùng chiếc ná bắn hạ được tên Gô-li-át khổng lồ trở về, cầm nơi tay thủ cấp nó mà ra mắt vua, thì Yô-na-tan sinh lòng ngưỡng mộ Đa-vít. Kinh Thánh tả: xảy ra khi Đa-vít vừa trình diện với Vua Sa-un, thì hồn Yô-na-tan đã gắn bó keo sơn với hồn Đa-vít, và Yô-na-tan đã yêu mến cậu như chính mình. Để bảo đảm tình bạn của mình, Yô-na-tan cởi áo choàng, cởi thanh gươm báu, cả chiếc cung và áo giáp mà trao tặng Đa-vít. Ngược lại, Vua cha Sa-un lại có lòng ghen ghét Đa-vít, vì thấy Đa-vít giỏi, thành công, được dân chúng ca tụng và mến phục, nên Vua lo sợ cho ngai vàng của ông. Ông nhất định tìm cách giết Đa-vít.

Một bên là tình cha con, một bên là tình bạn hữu, Yô-na-tan rất khổ tâm, không biết làm sao. Bao lần, chàng tìm cách biện hộ cho Đa-vít:

- Xin Phụ Vương chớ mang tội giết Đa-vít, vì anh không làm gì xúc phạm đến Phụ Vương cả, trái lại, các điều anh làm đều có lợi cho Phụ Vương. Tại sao Phụ Vương đành mang lấy vạ đổ máu người vô tội vô cớ?

Có lần Yô-na-tan còn liều mất mạng để cứu Đa-vít, vì anh coi mạng Đa-vít như mạng mình. Lần kia, tại bàn tiệc của Vua, thấy Đa-vít vắng mặt, Vua Sa-un hỏi tại sao. Yô-na-tan thưa:

- Đa-vít đã khẩn khoản xin con cho anh đi Bê-lem, đề dự tế lễ của cả thị tộc, vì thế, anh đã không đến dự tiệc cùng Phụ vương được.

Kỳ thực, Đa-vít trốn đi vì biết dự tiệc lẩn này là sẽ bị Vua giết. Vua đoán được là con mình giúp Đa-vít trốn đi, ông nổi giận la lớn:

- Con của đồ đĩ hư thân! Tao lại không biết là mày đã cặp kè với thằng Đa-vít sao? Mày hãy nhớ: bao lâu nó còn sống, ắt cả mày, cả ngai vàng của tao sẽ không vững đâu! Đi điệu nó về đây, nó đáng bị xử tử!

Yô-na-tan đáp:

- Tại sao anh ấy phải chết? Anh ấy đã làm gì đáng tội?

Thay vì trả lời, Vua vung giáo đánh chàng. Chàng tránh ngọn giáo và rời bàn tiệc mà đi, bừng bừng tức tối. Chàng biết ý Cha quyết định giết Đa-vít, liền chạy đi báo Đa-vít trốn xa... Gặp Đa-vít, hai người ôm nhau mà khóc..., rồi vĩnh biệt nhau... Từ đó cho đến khi chết, hai người bạn không bao giờ còn được thấy nhau. Thế là hết rồi những ngày vui sướng, chuyện trò bên nhau, cưỡi ngựa, bắn cung, đấu kiếm bên nhau. Xa nhau, nhưng không bao giờ quên nhau, cho đến cái ngày ác nghiệt, Vua Sa-un và Yô-na-tan tử trận trên núi Ghi-bô-a. Được tin sét đánh, Đa-vít đau đớn, sầu muộn không nguôi. Ông đã làm bài ai ca não nùng và dạy cho toàn dân than khóc người bạn chí thân của mình. Trong bài ấy, có mấy câu này:

“Hỡi con cái Israen, hãy khóc than Sa-un và Yô-na-tan đáng mến, đáng yêu... Núi non Ghi-bô-a, chớ gì từ nay sương móc, mưa nguồn và phì nhiêu đừng xuống trên ngươi nữa, vì ở đó máu anh hùng đã đổ ra... Yô-na-tan hỡi, tôi đau lòng đứt ruột vì anh, và thương nhớ anh vô vàn... Tình anh đối với tôi thật còn thiết tha hơn tình nhi nữ”.

* Đó là Lời Chúa! - Tạ ơn Chúa!
Suy niệm Lời Chúa

Người lớn chúng ta, không chắc có mấy ai hiểu cặn kẽ tình bằng hữu chân thật là thế nào, huống chi các thanh thiếu niên, đa số lẫn lộn tình bạn bè, tình đồng chí với tình bạn hữu. Bạn bèbạn hữu là hai tiếng giống nhau, song thực sự là hai chuyện khác nhau. Cái mà người ta gọi là bạn hữu, kỳ thực chỉ là bạn bè, đàn đúm. Ngay từ nhỏ, trẻ con đã họp nhau lại để nô đùa, rồi lớn lên có những bè bạn để chơi, bè bạn đi học, bè bạn cùng sở, bè bạn thể thao, vv...

1/ Chung chung, đó là một nhóm nhỏ có cùng một sở thích, tỉ dụ thích xem đá bóng Mêhicô 86, thích đánh cờ tướng..., hoặc cùng đeo đuổi một quyền lợi: cùng làm chung Hợp tác xã, sát cánh để đưa HTX tiến lên, hoặc cùng chung trải qua nhiều biến cố, nhiều cuộc vui: như cùng dự trại hè, đi làm thuỷ lợi, đi nông trường, cùng đi buôn bán... Nói tóm, các giây liên hệ ấy không mấy sâu sắc và không lâu bền. Ấy là chưa kể có những thứ bạn bè, đàn đúm, tụ họp nhau để làm bạn nhậu, bạn chơi bời, vv..., lúc có tiền bao ăn, bao nhậu, thì thấy mặt vui vẻ, đùa giỡn, lúc mình đau ốm, hay cạn túi lại chẳng thấy đứa nào, cuối cùng bám vào cha mẹ, hoặc vợ con. Kinh Thánh nói: đó là tình bạn giả dối.

“Bạn nào là bạn một thời hay nhân dịp, thì lúc bĩ cực, nó không còn bền vững... Nếu chỉ là bạn rượu chè, vào ngày tai hoạ, không tìm thấy nó đâu! Con được thịnh vượng, nó như bóng với hình với con, khi con gặp hoạn nạn, nó liền trở mặt lánh xa” (Hc 6.7- 12).

Vậy phải chọn bạn chân thật, tốt lành mà chơi, kẻo bạn xấu sẽ làm hư mình đi. Một câu cách ngôn Ả rập nói:

“Buổi sáng, anh đi chơi với hắn,

Buổi chiều, anh giống hắn mất rồi”.

Nói như vậy, không phải bảo bỏ hết bạn bè, song là tránh bạn bè xấu. Đang khi chờ tìm được người bạn tốt giữa muôn người, ta cũng phải nhận định là bạn bè bình thường, không xấu, cũng có một vai trò làm phát triển nhân cách và đức tính xã hội nơi mỗi người, cách riêng nơi thanh thiếu niên, vì con người sinh ra không sống cô độc, phải nhờ lẫn nhau mới phát triển.

2/ Nói sơ về lịch trình tiến triển của tình bạn hữu:

Thường thì bắt đầu từ tuổi 14-16, tuổi dậy thì, khi tâm hồn các em thiếu niên nam, nữ thấy khát vọng một lý tưởng cao hơn, muốn gặp và bắt chước người nào chúng ngưỡng mộ, khâm phục... Tuổi ấy, ta thấy chúng thích ra ngoài, không còn thích chơi với anh chị em trong gia đình nữa, để tìm bạn, làm thành từng nhóm, từng băng...

Nhưng chỉ khi nào con người hiểu biết mình rõ ràng và tập được tính làm chủ chính mình, lúc đó, họ mới đủ khả năng trở nên một người bạn chân thật và sâu sắc, và mới biết chọn một bạn hữu chân thật.

Những điểm làm thành người bạn tốt là điểm gì?[1]

Xin nói đại khái: bạn hữu thật thì tôn trọng nhau, cùng nhau sống những kinh nghiệm của cuộc đời, đang khi ấy, người nọ khuyên bảo người kia những điều hay, điều tốt, trao đổi ý kiến với nhau, cũng như biết sửa lỗi và khuyết điểm cho nhau. Ai nghĩ mình chỉ muốn tìm một người bạn không có tính xấu và khuyết điểm nào, người ấy không bao giờ có bạn. Đàng khác, tình bạn mà không bao giờ giúp sửa lỗi cho nhau, không phải là tình bạn chân thật. “Hãy coi chừng bạn nào chỉ yêu tính xấu của con”, đó là lời khuyên của một người xưa. Như thế, hai người bạn trợ giúp nhau, bổ túc cho nhau, giúp nhau nên tốt hơn, vì trên con đường lành, hai người thì sẽ dễ đứng vững hơn một người lẻ loi. Nhất là trên con đường đi đến Chúa, thật là một an ủi và khích lệ lớn, nếu có một người bạn bên cạnh mình để chia sẻ, tâm sự mà thường mình không nói cho ai, ngay cả cha mẹ, rồi để cầu nguyện cho nhau, và nếu có ai lỡ xảy chân, người kia sẽ nâng đỡ dậy, hoặc đưa bạn trở về, chứ không khinh dể hay xa lánh. Như thế mới gọi là gắn bó với bạn trong hết mọi mặt và với tất cả tâm hồn mình như tình bạn giữa Yônatan và Đavít. Tình bạn như thế sẽ bền vững mãi, lúc thịnh vượng cũng như lúc suy, lúc vui cũng như lúc buồn.

Tóm lại, tình bằng hữu chân thật là:

- Sự tận tuỵ trong yêu mến,

- Trao đổi và giúp đỡ nhau mặt tinh thần cũng như vật chất, tư tưởng cũng như tình cảm, để càng ngày càng có một sự đồng điệu sâu sắc hơn trong tâm tưởng cũng như ý muốn.

Kinh Thánh ca ngợi anh bạn như thế: “Ai gặp được người bạn trung tín, như gặp được một kho tàng, một điều vô giá! Ai kính sợ Thiên Chúa sẽ gặp được. Vì ai kính sợ Thiên Chúa sẽ là người bạn tốt, vì ta thế nào, ta sẽ có người bạn như thế” (Hc 6.14-17).

3/ Chúa Kitô là một người bạn chân tình. Ngài đã nói: Thày không coi chúng con như tôi tớ, nhưng là bạn, vì mọi điều Thày nghe nơi Cha, Thày tỏ cho chúng con hết”. Tôi tớ đâu có được đối đãi như thế. Chính Chúa Kitô cũng có bạn. Ngoài các tông đồ, nào La-da-rô, nào Mat-ta, Maria mà Ngài thường đến nghỉ chân sau những tháng đi giảng xa xôi, mệt nhọc. Lúc Ngài sắp bước vào đường thương khó, Ngài cần bạn yên ủi, nâng đỡ: “Hồn Thày buồn sầu đến chết được, hãy canh thức với Thày...”. Thấy Phêrô ngủ li bì, Ngài than trách: “Phêrô bạn ơi! Sao không thức với Thày được một giờ ư?”. Và cuối cùng, Ngài hi sinh mình để cho bạn sống và hạnh phúc: “Không có tình yêu nào lớn hơn kẻ hi sinh mạng sống vì người mình yêu mến”.

Tích truyện

“Bấc” chỉ là một con chó, nhưng một con chó to lớn lạ lùng và khôn không thể nói hết được. Nó cân nặng tới 63kg. Người chủ cũ, anh Hân, bắt nó kéo xe trượt tuyết chung với đàn chó 13 con khác đến nỗi nó kiệt quệ, ốm o liệt bại, chỉ còn da bọc xương. Thực ra, Hân cũng không cố ý tàn nhẫn, song anh ở trong thế kẹt, bắt buộc phải ác để cứu lấy mạng mình. Vì lúc ấy xe trượt tuyết của anh đang trên đường đi lên miền Bắc nước Mỹ, nơi đồn là có vàng, nơi toàn là đồng tuyết và băng giá mênh mông vô tận, khí hậu lạnh dưới 50 độ âm. Bấc có linh tính lạ lùng, nó anh cảm chuyến đi lần này là mặt băng sẽ vỡ, cả xe lẫn người sẽ tụt xuống hồ nước ngầm ở dưới chết hết. Bấc nằm rụi, không chịu đi. Hân quất roi da, dùi cui túi bụi, tàn nhẫn, chết bỏ. Xót xa, Anh Thóc Tân thấy vậy, giận run lên, không thể kìm chế nổi, anh thốt lên bằng giọng tắc nghẹn:

- Nếu mày còn đánh con chó, tao sẽ giết mày!

Rồi anh ôm lấy nó. Bấc đã gần chết, Hân nghĩ vậy, bỏ đi cũng chẳng tiếc. Khi chiếc xe của Hân đã bỏ đi xa, Thóc Tân quì xuống bên Bấc, đưa đôi tay âu yếm dò dẫm xem có chỗ nào bị gãy xương không. May thay! Chỉ toàn thương tích tím bầm và tình trạng đói ăn suy nhược khủng khiếp. Dần dần, được. Thóc Tân nuôi hồi sức, Bấc khoẻ lại như trước. Từ đó nảy sinh trong Bấc một tình thương đối với con người, tình thương lạ lùng, sôi nổi, nồng cháy như chưa hề có con chó nào thương chủ như vậy, có thể nói đây là một sự tôn thờ. Anh Thóc Tân đã là người cứu sống nó; hơn nữa, lại là người chủ lý tưởng, giữa hai bên như thể có một thứ anh bạn, nếu có thể nói được như thế. Anh săn sóc nó như con mình. Mỗi sáng, anh không quên chào nó bằng một cử chỉ thân ái, hoặc một lời vui vẻ; ngồi xuống nói chuyện lâu với nó, mà anh gọi là chuyện tầm phào, làm cho cả hai đều thích thú. Anh có thói quen túm chặt lấy đầu nó, rồi dựa đầu anh vào đầu nó, hoặc lắc nó đảo qua đảo lại, vừa thốt lên những tiếng rủa, mà đối với Bấc lại là những lời nói nựng âu yếm. Khi được buông ra, nó bật đứng thẳng, miệng như cười, mắt long lanh hùng hồn diễn tả, họng rung lên những âm thanh không thốt nên lời, chỉ còn thiếu cái biết nói. Bấc biểu lộ tình thương bằng những cái cắn nhẹ, nhưng ép mạnh hằn vào da thịt. Nhất là tình thương của Bấc được diễn tả bằng sự tôn thờ: nó nằm phục hằng giờ dưới chân chủ, ngước mắt nhìn chủ, theo dõi từng cử chỉ, đôi mắt toả tình cảm từ đáy lòng. Có lần, Bấc liều chết đế cứu Thóc Tân đang bị thác cuốn. Nó cố sức bơi trên mặt thác gập ghềnh, nước chảy xiết, sóng đập nó vào ghềnh đá toạc mình mẩy; cuối cùng, nó đem được cho Thóc Tân đầu sợi dây thừng ngậm ở mõm, nhờ đó bạn bè kéo anh vào bờ. Lần khác, một tên vô lại nhậu say, giáng một quả đấm vào mặt Thóc Tân. Bỗng từ góc phòng, một tiếng sủa vang lên, đúng hơn một tiếng gầm, và người ta thấy Bấc từ nền nhà bay lên, lao vút qua không trung, nhắm thẳng cổ họng tên kia mà lao tới, đè hắn lăn ra sàn, xé toạc cuống họng hắn. Một con chó mà còn có tình nghĩa đến như vậy!

Truyện còn dài, không kể hết được, xin xem trong cuốn “Tiếng gọi nơi hoang dã” của văn sĩ Giắc Lân-đân, Hà Nội xuất bản 1985.



[1] Bài đọc Kinh Sách, Tuần 12, Thường niên, ngày thứ tư. Tình bằng hữu chân thật, trích bài giảng luận của AELRED de Rievaux.

100 BÀI GIÁO LÝ KINH THÁNH
Lm Ph. HOÀNG MINH TUẤN

Biên soạn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét