Trang

Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Tìm hiểu cách đọc Kinh Thánh (24)

Tìm hiểu cách đọc Kinh Thánh (24)




LỜI CHÚA – BÍ TÍCH VÀ VAI TRÒ CÁC TÍN HỮU
Có một linh mục và một người làm xà bông đi dạo ngoài trời. Người làm xà bông nói: “Tôn giáo có ích gì đâu? Cha cứ nhìn vào mọi sự xáo trộn và khốn khổ của thế giới sau mấy ngàn năm Hội Thánh giảng dạy về lòng nhân hậu, chân lý và hòa bình, nói cho cùng, có cầu nguyện, giảng dạy thế nào cũng vô ích thôi.”
Vị linh mục không nói gì. Họ tiếp tục đi bộ cho đến khi thấy mấy cậu bé đang chơi trong con kênh đầy bùn. Vị linh mục nói: “Ông hãy nhìn mấy đứa trẻ kia. Ông nói xà bông làm con người sạch sẽ, nhưng mấy cậu bé kia vẫn bẩn thỉu. Vậy xà bông tốt ở chỗ nào?”
Người làm xà bông phản đối: “Thưa cha, cha phải biết xà bông không thể có ích nếu người ta không dùng nó.” “Ồ đúng thế,” vị linh mục trả lời, “đạo Công giáo cũng vậy, nó không có hiệu quả nếu người ta không thực hành điều họ tin.”
Câu truyện trên cũng có thể áp dụng cho Kinh Thánh: Kinh Thánh là bản văn được linh hứng mang Lời Chúa, mang hiệu năng và ân sủng của Thiên Chúa, để dẫn đưa con người đến tham dự vào sự sống của Thiên Chúa, nhưng nếu người ta không đọc, không hiểu và thực hành thì Kinh Thánh cũng chẳng giúp được gì. Để việc đọc Kinh Thánh sinh hoa kết quả gấp trăm, các tín hữu cần bước vào một cuộc gặp gỡ và đối thoại sống động với Cha trên trời, Đấng đang đến với đoàn con dấu yêu, ngang qua bản văn Kinh Thánh (x. DV 21).

Hiệu năng của Lời Chúa và Bí Tích
Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước có rất nhiều chứng từ cho thấy Lời Chúa trong bản văn được linh hứng có hiệu năng đặc biệt, mang theo ân sủng, không lời người phàm nào sánh được. Xin đọc Is 55,10-11; Gr 23,29; St 1,11 tt; Rm 1,16; Cv 14,3; Pl 2,16; Hr 4,12-13; Gc 1,18.21… Lời Chúa là lời hữu hiệu, thực thi điều mình loan báo. Đó làtính cách thực hiện (performative) của chính Lời. Quả vậy, trong lịch sử cứu độ, không có sự tách biệt giữa điều Thiên Chúa nói và điều Thiên Chúa làm; chính Lời của Người luôn sống động và hữu hiệu (x. Hr 4,12), như từ “davar” trong tiếng Hípri diễn tả rõ ràng.[1]
Tuy nhiên, hiệu năng của Lời Chúa chỉ tác động trên cuộc đời các tín hữu nếu Lời ấy được họ thấu hiểu (hiệu quả do nhân). Dĩ nhiên, dù được đón nhận hay bị khước từ, Lời được rao giảng vẫn luôn là lời hữu hiệu. Nhưng Lời được rao giảng mà không được thấu hiểu thì chẳng thể tác động gì. Câu truyện ở trên là một minh họa. Đây chính là điểm khác biệt giữa hiệu năng của Lời Chúa với hiệu năng của các Bí Tích. Các Bí Tích thì tác động do chính năng lực của riêng mình, nghĩa là do quyền lực của chính các nghi thức Bí Tích (hiệu quả do sự), dù không được hiểu, miễn là thụ nhân có đầy đủ những điều kiện cần thiết. Dù sao, Lời Chúa và Bí Tích là hai thực tại có tính thống nhất sâu xa, đặc biệt nhất là trong khi cử hành phụng vụ, cách riêng là Bí Tích Thánh Thể (x. Ga 6 và Lc 24,13-35). Kiểu nói loại suy (analogy) “Lời Chúa là một á bí tích” cần được hiểu cách chính xác như trên.[2]

Bí tích tính của Lời[3]
Trung tâm của tính bí tích của Lời Chúa chính là mầu nhiệm Nhập Thể (Ga 1,14), thực tại của mầu nhiệm được ban cho chúng ta trong “xác phàm” của Người Con. Cũng vậy, Lời Chúa có thể được hiểu bằng đức tin qua “dấu chỉ” của những lời nói và cử chỉ nhân loại. Như thế, bí tích tính của Lời có thể hiểu theo kiểu nói loại suy như sự hiện diện của đích thực của Chúa Kitô dưới hình bánh và rượu được truyền phép. Chúa Kitô, hiện diện thực sự trong hình bánh và hình rượu, cũng hiện diện cách loại suy ở nơi Lời Chúa được công bố trong phụng vụ; Người ngỏ lời để được chúng ta lắng nghe. Như vậy, hiểu biết sâu xa hơn về tính bí tích của Lời Chúa có thể giúp chúng ta hiểu cách thống nhất hơn mầu nhiệm mạc khải, mầu nhiệm này xảy ra nhờ “các hành động và lời nói được liên kết mật thiết với nhau.”  
Thánh Giêrônimô lưu ý có tín hữu cảm thấy có lỗi khi đánh rơi một miếng Bánh Thánh, nhưng lại không ý thức mối hiểm nguy khi họ để rơi Lời Chúa ra khỏi lỗ tai, vì lo ra chia trí lúc nghe Lời Chúa. Sau thánh lễ, các tín hữu còn nhớ được Lời Chúa không?

Vai trò của bản văn và độc giả[4]
Sự khác biệt về hiệu năng giữa Lời Chúa và Bí Tích trình bày ở trên dẫn đến một kết luận quan trọng: sự cộng tác tích cực của người đọc Kinh Thánh. Cách hiểu về nghĩa văn tự và khía cạnh năng động của bản văn trong văn kiện Việc Giải Thích Kinh Thánh Trong Hội Thánh (bài 23) đã mở ra một con đường thênh thang cho người đọc Kinh Thánh tham gia; thậm chí, cách nào đó, Kinh Thánh chỉ “sống” được nếu “lọt vào mắt xanh” của người đọc và được “ghé mắt nhìn đến.” Thật vậy, Kinh Thánh mang nhiều nghĩa ở dạng tiềm ẩn, nhưng những nghĩa này chỉ bắt đầu bước vào hiện hữu khi Kinh Thánh được các tín hữu ở từng thời đại cầm lấy và đọc. Càng nhiều người đọc tốt thì càng làm cho bản văn Kinh Thánh thêm giàu có phong phú hơn so với nghĩa nguyên thủy (gọi là lịch sử hiệu quả của bản văn). Hình ảnh tia sáng chiếc đèn pin là một minh họa tốt: càng chiếu ra xa thì tia sáng càng rộng lớn hơn so với tia sáng ngay tại bóng đèn. Nhưng vẫn có sự liên tục trong luồng sáng đó. Những nghĩa mới chỉ thích đáng khi nó thuần nhất với hướng nghĩa mà bản văn có và phù hợp với nguyên tắc “tính tương hợp của đức tin” (x. Dei Verbum 12), nghĩa là phù hợp với đức tin chung của Hội Thánh.
Đây là “mảnh đất vàng” dành cho các sáng kiến mục vụ, giúp việc đọc Kinh Thánh không khô khan nhưng xây dựng cộng đoàn Kitô hữu trong đức tin và thực hành.

Đọc Kinh Thánh như hát nhạc Trịnh: Giọng ca, kỹ xảo chỉ mới là phân nửa!
Các tín hữu đọc Kinh Thánh cũng giống như các nghệ sĩ chơi bản giao hưởng số 5 nổi tiếng của Beethoven hoặc hát nhạc Trịnh Công Sơn (TCS). Chỉ có một bản nhạc với cấu trúc duy nhất, nhưng khi biểu diễn, mỗi nghệ sĩ mang lại cho bản nhạc một nét mới và độc đáo, vừa vẫn trung thành với bản nhạc nguyên thủy nhưng cũng có cái gì đó mới và độc nhất vô nhị. Nhạc Trịnh chỉ có một, nhưng nếu Khánh Ly hát “vào tâm”, diễn tả “chất âm” nhạc Trịnh, thì Hồng Nhung làm mới bằng cách hát “hướng ra”, diễn tả “chất dương”.[5] TCS nhận xét: “Đúng là chỉ có Khánh Ly mới thể hiện đúng tâm trạng bài hát của tôi nhất, nhưng không phải tất cả những bài của tôi Khánh Ly cũng đều hát hay nhất. Tôi muốn nhắc đến Lệ Thu, người hát hay nhất Hạ trắng và Xin mặt trời ngủ yên, Bạch Yến thì hát hay hơn hẳn Khánh Ly bài Lời buồn thánh. Mỹ Linh thì tạo được ấn tượng tốt nhất cho tôi trong việc sáng tạo ra những phong cách khác nhau cho mỗi bài. Ví dụ như bài Thì thầm mùa xuân.”[6]
TCS so sánh: “Trong các cuộc thi sắc đẹp, sắc đẹp chỉ chiếm khoảng ba hoặc bốn mươi phần trăm, phần còn lại thuộc ứng xử tức là thuộc phạm trù trí tuệ và tâm hồn. Ca hát cũng vậy. Giọng ca, kỹ xảo chỉ mới là phân nửa, phân nửa là do sự cảm nhận, tri thức và rung cảm của người hát quyết định. Tôi đưa ra đây một tấm gương lao động nghệ thuật của Khánh Ly để thấy rằng trước khi muốn hát một bài thành công thì người ca sĩ phải trải qua một quá trình hóa thân vào tác phẩm đó như thế nào. Nhớ dạo tôi mới viết bài Một cõi đi về mấy tháng trước ngày 30-4-1975. Sau này, có dịp đi Mỹ, tôi gặp Khánh Ly và đưa cho cô bài hát này. Tôi nhớ Khánh Ly cầm và lẩm nhẩm bài hát này từ 7 giờ tối hôm trước đến… 7 giờ sáng hôm sau. Cô đã thức trọn đêm, ‘vật lộn’ với bài hát nhờ sự giúp sức của thuốc lá, cà-phê đen. Vậy mà cô vẫn cho rằng vẫn chưa ‘thấm’ bài mấy. Người ca sĩ phải làm việc nghiêm túc và có trách nhiệm như vậy mới tạo ra những nét sáng tạo riêng trong từng bài hát đồng thời thể hiện chính xác tâm trạng bài hát của nhạc sĩ.”[7]

Kết luận
Từ Công Đồng Vaticanô II, bên cạnh bàn tiệc Thánh Thể, Hội Thánh soạn thêm bàn tiệc Lời Chúa (x. DV 21) và mở rộng con đường đến với Lời Chúa (x. DV 22). Hội Thánh mời gọi các tín hữu hãy tích cực đến mà ăn. Một nét khác biệt giữa Lời Chúa với các Bí Tích, đó là nếu không được hiểu và thực hành, Lời Chúa có thể sẽ trở thành lời kết án cho các tín hữu (x. Ga 12,47 tt), tương tự một người đói nhưng không cầm lấy thức ăn mà ăn thì tự kết án mình chết đói ngay bên dĩa thức ăn. Tạ ơn Chúa vì có nhiều tín hữu đã vô cùng hạnh phúc nhờ hiểu và sống Lời Chúa. Đó là những sứ giả của Hy Vọng cho thế giới hôm nay.
LM. JM. Mười Một, CSsR



[1] Verbum Domini, 53-55.
[2] Cho Vững Niềm Tin, 19 Thần Học Gia Giải Đáp Cho 151 Câu Hỏi Nóng Bỏng Của Thời Đại, 70-72.
[3] Verbum Domini, 56.
[4] X. văn kiện Việc Giải Thích Kinh Thánh Trong Hội Thánh và quyển Catholic Principles for Interpreting Scripturecủa Peter S. Williamson,163-188.
[5] Nhạc Trịnh thiên về tính nữ, nỉ non, thánh thót, thủ thỉ như lời tâm sự giãi bày của tình yêu và thân phận, lối hát khỏe khoắn trong sáng của Hồng Nhung (Nguyễn Thị Minh Thái viết: “Đưa nhạc Trịnh về phía dương, làm mới lại nhạc Trịnh”, “Xanh muộn và chín sớm”) thực tế, không đúng chất, không phù hợp khi hát nhạc Trịnh. Nhạc Trịnh, gần với lối hát giản dị, không màu mè, không đề cao kỹ thuật, rất cần nội tâm, rất cần sự thấu hiếu, sự cảm, thậm chí sự va đập chan chát với thân phận và tình yêu, đó là những cửa ải vô cùng gian nan cho các ca sỹ khi hát nhạc Trịnh. Theo Người Đưa Tin, http://2sao.vn/home.vnn.
[6] Phỏng vấn TCS do Trần Minh Phi thực hiện, Tạp chí Thế giới mới, http://www.dactrung.com.
[7] Nt. Có tác giả cho rằng Khánh Ly và nhạc Trịnh vẫn là cặp “tri âm tri kỷ” duy nhất đến nay chính là do cuộc đời Khánh Ly đầy trải nghiệm sâu sắc, rất phù hợp với nhân sinh quan và thế giới quan của người nhạc sỹ tài hoa họ Trịnh! Bởi thân phận và tình yêu của Khánh Ly, cùng thời, và gần như là những nhân vật, câu chuyện trong các bài hát của Trịnh Công Sơn, nên Khánh Ly hát dễ dàng hơn, đơn giản hơn y như đang hát đang kể về chính nỗi niềm cuộc đời của mình. Khánh Ly đã làm được cái điều vô cùng quan trọng, tưởng đơn giản mà vô cùng khó khăn khi hát nhạc Trịnh, là thấu hiểu và cảm được điều TCS muốn gửi gắm trong những tác phẩm của ông. Đó là nét độc đáo mà các ca sĩ sau này không có được. Theo Người Đưa Tin, http://2sao.vn/home.vnn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét