Trang

Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

Tìm hiểu cách đọc Kinh Thánh (22)

Tìm hiểu cách đọc Kinh Thánh (22)


 CÁC NGHĨA CỦA KINH THÁNH THEO TRUYỀN THỐNG
Tổ tiên chúng ta dạy con cháu cẩn thận trong lời ăn tiếng nói đã dạy rằng: “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”, nghĩa là một lời nói ra, dù có bốn ngựa cũng khó mà đuổi kịp.[1]
Ngựa là con vật quen thuộc trong Kinh Thánh (ngôn sứ Êlia lên trời trong xe và ngựa lửa, sách Khải Huyền mô tả Chúa Kitô cưỡi ngựa bạch trong vinh quang chiến thắng, theo giải thích của cha Raymond Brown). Thật tình cờ cách thú vị, hình ảnh “tứ mã” cũng xuất hiện trong truyền thống của Hội Thánh Công giáo nói về các nghĩa của bản văn Kinh Thánh được linh hứng. Truyền thống Công giáo dạy rằng như Ngôi Lời Nhập Thể có hai bản tính, thần tính và nhân tính, khác biệt nhưng không tách biệt, thì Kinh Thánh cũng có hai “bản tính” như vậy. Kinh Thánh được định nghĩa là Lời Thiên Chúa trong ngôn ngữ loài người.[2] Vì vậy, bản văn Kinh Thánh cũng có hai nghĩa căn bản, tương ứng với hai bản tính kia, đó là nghĩa văn tự và nghĩa thiêng liêng. Nhưng về sau, nghĩa thiêng liêng được mở rộng thành ba nghĩa khác nữa, đó là nghĩa ẩn dụ, nghĩa luân lý và nghĩa dẫn đường. Tổng cộng là bốn nghĩa. Bốn nghĩa này được gọi là “quadriga.” (X. Aquinas’ Summa Ia, Q.1, art. 10). “Quadriga” là một thành ngữ La-tinh có nghĩa là một xe có bốn ngựa kéo.[3]
Xin giới thiệu tên gọi của xe “tứ mã” chuyên chở các nghĩa của Kinh Thánh.
Các nghĩa của Kinh Thánh được linh hứng
Nghĩa văn tự: Đây là nghĩa được các lời của Thánh Kinh nói lên và được khoa chú giải nhận ra dựa trên những quy tắc giải thích đúng đắn. Tất cả các nghĩa của Kinh Thánh đều đặt nền tảng trên nghĩa văn tự.
Nghĩa thiêng liêng: Vì tính thống nhất của kế hoạch của Thiên Chúa, không những bản văn Thánh Kinh, mà cả những sự việc và biến cố được bản văn nói tới, đều có thể là những dấu chỉ.
- Nghĩa ẩn dụ: Chúng ta có thể hiểu biết các biến cố một cách sâu xa hơn khi nhận ra ý nghĩa của chúng trong Đức Kitô. Thí dụ cuộc vượt qua Biển Đỏ là dấu chỉ cuộc chiến thắng của Đức Kitô, và do đó cũng là dấu chỉ của bí tích Thánh Tẩy.
- Nghĩa luân lý: Các biến cố được Thánh Kinh thuật lại phải dẫn đưa chúng ta đến hành động chính trực. Các biến cố đó được viết ra “để răn dạy chúng ta” (1Cr 10,11).
- Nghĩa dẫn đường: Chúng ta cũng có thể nhìn các sự việc và các biến cố trong ý nghĩa vĩnh cửu của chúng, theo nghĩa chúng dẫn đường cho chúng ta về Quê trời.
Có một câu thơ thời Trung Cổ tóm tắt các nghĩa do xe “tứ mã” chuyên chở như sau: “Nghĩa văn tự dạy về biến cố, nghĩa ẩn dụ dạy điều phải tin, nghĩa luân lý dạy điều phải làm, nghĩa dẫn đường dạy điều phải vươn tới”[4]
Sau đây là một số xe “tứ mã” tiêu biểu:
1. Bốn nghĩa của “Giêrusalem” là: 1. Nghĩa văn tự: Tên thành phố ở Israel, 2. Nghĩa ẩn dụ: Hình ảnh của Hội Thánh, 3. Nghĩa luân lý: Hình ảnh của linh hồn con người, và 4. Nghĩa dẫn đường: Hình ảnh của vinh quang thiên quốc.[5]
2. Biến cố vượt qua Biển Đỏ có bốn nghĩa như sau: 1. Nghĩa văn tự: Biến cố thực sự đã xảy ra khi ông Môsê và dân Israel băng qua Biển Đỏ, 2. Nghĩa ẩn dụ: Hình bóng của bí tích Thánh Tẩy và đời sống mới, 3. Nghĩa luân lý: Chúng ta cần vượt qua những thử thách của cuộc sống (“Ai-cập”) để xứng đáng đón nhận hồng ân của Chúa trong cuộc sống (“Đất Hứa”), và 4. Nghĩa dẫn đường: Chúng ta đang hướng về cuộc vượt qua sau cùng từ cõi chết bước vào cõi sống trường sinh trên thiên đàng.[6]
3. “Manna” cũng có bốn nghĩa như sau. 1. Nghĩa văn tự: Lương thực Chúa ban cho dân Israel trong sa mạc, 2. Nghĩa ẩn dụ: Hình bóng của bí tích Thánh Thể, 3. Nghĩa luân lý: Lương thực tinh thần cho các tín hữu trên đường lữ hành, và 4. Nghĩa dẫn đường: Bảo chứng cho bữa tiệc cánh chung trong Nước Thiên Chúa khi lịch sử tới hồi viên mãn.[7]
4. Trình thuật Chúa rút xương sườn của Ađam đang ngủ mê dựng nên Evà cho làm vợ ông. 1. Nghĩa văn tự: Sự kiện lịch sử Thiên Chúa dựng nên con người có nam có nữ và thiết lập hôn nhân gia đình, 2. Nghĩa ẩn dụ: Có thể là hình bóng của nhiều mầu nhiệm, hạn như Chúa Kitô và Hội Thánh là Hiền Thê của Người, hoặc như giây phút Chúa Giêsu gục đầu tắt thở trên thánh giá và Hiền Thê xuất phát từ cạnh sườn Người bị đâm thủng, hoặc hai bí tích par exellence chảy ra từ Thân Mình Mầu Nhiệm bị đâm thủng là nước của bí tích Thánh Tẩy và máu của bí tích Thánh Thể, 3. Nghĩa luân lý: Sự hợp nhất nên một và tình yêu thủy chung trong đời sống tình yêu gia đình, và 4. Nghĩa dẫn đường: Hướng về tiệc cưới trên thiên quốc của Con Chiên và Hiền Thê là Hội Thánh trong ngày cánh chung.[8]
Lời Chúa thật phong phú, giàu có khôn lường, ngọt ngào khôn xiết! Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, các tín hữu có thể lướt đi trên các cánh gió với xe “tứ mã” (như lướt mạng hôm nay vậy), để đi tìm các “viên ngọc quý” khác tương tự trong Kinh Thánh.
Kết luận
Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa đã ban dồi dào lương thực thiêng liêng cho đời sống đức tin của các tín hữu, ngang qua các nghĩa của bản văn Kinh Thánh được linh hứng.
Hội Thánh luôn trung thành với mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa, nơi bản văn được linh hứng cũng như chính nơi con người Chúa Giêsu Kitô. Do đó, khác với lập trường cực đoan của một vài người, hoặc nhấn mạnh nghĩa văn tự mà coi thường nghĩa thiêng liêng, hoặc đề cao nghĩa thiêng liêng mà bỏ qua nghĩa văn tự, truyền thống Hội Thánh Công giáo luôn khích lệ các tín hữu tìm hiểu cả nghĩa văn tự lẫn nghĩa thiêng liêng của Kinh Thánh. Xe “tứ mã” chắc chắn chạy nhanh hơn nhiều xe chỉ một hoặc hai ngựa kéo!
Khi đọc Kinh Thánh, nếu các tín hữu luôn biết sử dụng xe “tứ mã” của Chúa Thánh Thần, nghĩa là ra công tìm sự hòa hợp sâu xa của bốn nghĩa trên đây, thì phần thưởng dành cho họ sẽ là tất cả ý nghĩa phong phú, ngọt ngào và trường tồn của Lời Chúa, và xe “tứ mã” ấy sẽ đưa họ đến đích là được hiệp thông vào sự sống đời đời của Thiên Chúa.
LM. JM. Mười Một, CSsR



[1] Định nghĩa đầy đủ là: « Hết sức thận trọng trong cách nói năng, trước khi nói phải cân nhắc, suy nghĩ, bởi khi nói ra rồi thì không có cách nào rút lại được, ví như một lời nói ra, dù có ngựa cũng khó mà đuổi kịp. » Đại Từ Điển Tiếng Việt, của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, Trung Tâm Ngôn Ngữ và Văn Hóa Việt Nam, do Nguyễn Như Ý chủ biên, 1244.
[2] Về hai bản tính “thần tính” và “nhân tính” của Kinh Thánh, xin xem bải 10 và 12.
[4] Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo, 115-118.
[5] Handbook of Catholic Theology do Wolfgang Beinert và Francis Shussler Fiorenza chủ biên, 652.
[6] X. What is the “fourfold sense of Scripture”? tại http://hermeneutics.stackexchange.com.
[7] Nhập Môn Thần Học của cha Giuse Phan Tấn Thành, OP., 98.
[8] X. The Four Senses of Scripture tại http://brotherandre.stblogs.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét