Tìm hiểu TM Ga: Ni-cô-đê-mô, hành trình từ “đêm tối” đến “ánh sáng”
Giu-se Lê Minh Thông, O.P.
Dẫn nhập
Khi đọc Tin Mừng thứ tư, độc giả thấy nhân vật Ni-cô-đê-mô xuất hiện ba lần, ở những nơi rất đặc biệt: Lần thứ nhất ở đầu Tin Mừng (3,1-12), lần thứ hai ở giữa (7,48-52) và lần thứ ba ở cuối sách Tin Mừng thứ tư (19,39-40). Có thể qua nhân vật Ni-cô-đê-mô, tác giả muốn gửi gắm đến độc giả một khuôn mẫu về hành trình tìm biết Đức Giê-su. Nói theo ngôn ngữ Tin Mừng, đó là hành trình “đến với” và “nói với” Đức Giê-su; hành trình từ “bóng tối” đến “ánh sáng” theo nghĩa đen và nghĩa thần học của cặp từ này.
Trong ba lần nhân vật Ni-cô-đê-mô xuất hiện trong sách Tin Mừng, lần đầu tiên được thuật lại chi tiết hơn cả: Ni-cô-đê-mô đến gặp Đức Giê-su ban đêm và đối thoại với Người (3,1-12). Trong hai lần xuất hiện tiếp theo, tác giả đều nhắc lại cuộc gặp gỡ đầu tiên vào ban đêm này. Phần phân tích sau đây sẽ bàn chi tiết hơn về đoạn văn thứ nhất (3,1-12), còn hai đoạn văn tiếp theo sẽ được trình bày vắn tắt nhằm diễn tả sự tiến triển của Ni-cô-đê-mô trong hành trình từ “đêm tối” đến “ánh sáng”.
I. Xuất hiện lần thứ nhất:
“Đêm tối bên ngoài” và “tăm tối trong lòng”
Có nhiều đề tài trong cuộc đối thoại giữa Đức Giê-su và Ni-cô-đê-mô trong Tin Mừng thứ tư (3,1-12). Phần này chỉ tìm hiểu sơ lược đề tài: “Thấy mà chưa thấy”, “biết mà chưa biết” và tương phản giữa “ánh sáng” và “bóng tối” để minh hoạ cho hành trình của nhân vật Ni-cô-đê-mô. Lần xuất hiện đầu tiên của ông sẽ được tìm hiểu qua 4 mục: (1) Bản văn Ga 2,23–3,12. (2) Một số dấu hiệu văn chương nối kết 2,23-25 với 3,1-12. (3) Đề tài “Thấy mà chưa thấy” và “biết mà chưa biết”. (4) Tương phản giữa “ánh sáng” và “bóng tối”.
1. Bản văn Ga 2,23–3,12
Trích dẫn Tin Mừng thứ tư được dịch sát theo bản Hy Lạp: Bản văn Gio-an, TIN MỪNG và BA THƯ, Hy Lạp – Việt.
2,23Trong lúc Người [Đức Giê-su] ở Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt Qua, nhiều kẻ đã tin vào danh của Người khi thấy các dấu lạ mà Người đã làm. 24Nhưng Đức Giê-su, chính Người không tin họ, vì Người biết tất cả, 25và Người không cần có ai làm chứng về con người, vì chính Người biết có gì nơi con người.
3,1Có một người trong những người Pha-ri-sêu, tên ông ấy là Ni-cô-đê-mô, một thủ lãnh của những người Do Thái. 2Ông này đến gặp Người ban đêm và nói với Người: “Thưa Ráp-bi, chúng tôi biết rằng: Ngài là một vị Thầy đến từ Thiên Chúa, vì không ai có thể làm được những dấu lạ Ngài làm, nếu Thiên Chúa không ở với người ấy.”
3Đức Giê-su trả lời và nói với ông ấy: “A-men, a-men, Tôi nói cho ông: Nếu ai không được sinh ra một lần nữa, thì không thể thấy vương quốc Thiên Chúa.”
4Ni-cô-đê-mô nói với Người: “Làm sao một người có thể được sinh ra khi đã già? Chẳng lẽ có thể trở vào lòng mẹ của mình lần thứ hai để được sinh ra sao?”
5Đức Giê-su trả lời: “A-men, a-men, Tôi nói cho ông: Nếu ai không được sinh ra bởi nước và Thần Khí, thì không thể bước vào vương quốc Thiên Chúa. 6Điều gì sinh ra bởi xác thịt là xác thịt; điều gì sinh ra bởi Thần Khí là thần khí. 7Ông đừng ngạc nhiên vì Tôi đã nói với ông: ‘Các ông cần phải được sinh ra một lần nữa.’ 8Gió muốn thổi ở đâu, ông nghe tiếng của nó, nhưng ông không biết nó từ đâu đến và đi đâu.Mọi kẻ được sinh ra bởi Thần Khí thì cũng như vậy.”
9Ni-cô-đê-mô trả lời và nói với Người: “Làm sao những điều ấy có thể xảy ra được?”
10Đức Giê-su trả lời và nói với ông: “Ông là bậc thầy của Ít-ra-en, mà không biết những điều ấy sao? 11A-men, a-men, Tôi nói cho ông: Điều chúng tôi đã biết, chúng tôi nói và điều chúng tôi đã thấy, chúng tôi làm chứng, và lời chứng của chúng tôi, các ông không đón nhận. 12Nếu những chuyện dưới đất Tôi nói với các ông mà các ông không tin, thì nếu Tôi nói với các ông về những chuyện trên trời làm sao các ông tin?
2. Nối kết giữa Ga 2,23-25 và 3,1-12
Cuộc đối thoại giữa Đức Giê-su và Ni-cô-đê-mô liên quan đến vấn đề chính: “sinh ra bởi trên”, “sinh ra một lần nữa” (3,3.7), “sinh bởi nước và Thần Khí” (3,5). Cuộc đối thoại kết thúc bằng sự không biết của Ni-cô-đê-mô, khi Đức Giê-su nói: “Ông là bậc thầy của Ít-ra-en, mà không biết những điều ấy sao?” (3,10) Phần tiếp theo là diễn từ độc thoại của Đức Giê-su (3,11-21). Người ta thường đọc câu chuyện Ni-cô-đê-mô từ chương 3 câu 1, tuy nhiên cách đọc này có thể làm lu mờ ý nghĩa và nét độc đáo của bản văn. Thực ra, có nhiều dấu hiệu văn chương nối kết câu chuyện (3,1-12) với trình thuật trước đó (2,23–25).
Có thể liệt kê 5 chi tiết sau:
1) Trong bản văn trích dẫn trên đây, tên gọi “Đức Giê-su” không xuất hiện ở 3,2a. Dịch sát 3,2a theo bản văn Hy Lạp: “Ông này đến gặp Người ban đêm và nói với Người:...”. Để biết đại từ “người” là ai, cần đọc về phía trước. Danh xưng “Đức Giê-su” (Iêsous) xuất hiện trước 3,1-2 là ở 2,24: “Đức Giê-su (Iêsous) không tin họ, vì Người biết tất cả...” Vậy, nếu như bắt đầu đọc từ 3,1 độc giả sẽ không biết Ni-cô-đê-mô đến gặp ai và nói chuyện với ai. Chi tiết này đòi buộc nối kết 3,1-12 với 2,23-25. Một số bản dịch thêm tên gọi “Đức Giê-su” vào 3,2, nhưng danh xưng này không có trong bản văn Hy Lạp. Nối kết 3,1-12 với 2,23-25 làm lộ ra nhiều đề tài quan trọng của cuộc đối thoại (3,1-12).
2) Lời tuyên bố của Đức Giê-su: “Sinh ra một lần nữa” (3,3b) là điều kiện để “thấy vương quốc Thiên Chúa” (3,3c). Để có thể “sinh ra một lần nữa” (3,3b), điều quan trọng là nhận ra Đức Giê-su là ai và thực sự “thấy các dấu lạ Người đã làm”. Điều này đã nói đến ở 2,23b. Nên có nối kết giữa 2,23-25 và 3,1-12.
3) Đoạn văn 2,23–25 mở đầu bằng lời tóm kết của người thuật chuyện về các dấu lạ: “Trong lúc Người [Đức Giê-su] ở Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt Qua, nhiều kẻ đã tin vào danh của Người khi thấy các dấu lạ mà Người đã làm” (2,23). Trong phần đối thoại, Ni-cô-đê-mô nhắc lại ý tưởng này khi dùng từ “dấu lạ” (to sêmeion) ở số nhiều: “các dấu lạ” kèm theo động từ “làm” (poieô) ở 3,2. Ni-cô-đê-mô nói với Đức Giê-su: “Thưa Ráp-bi, chúng tôi biết rằng: Ngài là một vị Thầy đến từ Thiên Chúa, vì không ai có thể làm được những dấu lạ Ngài làm, nếu Thiên Chúa không ở với người ấy” (3,2). Danh từ “dấu lạ” (to sêmeion) và động từ “làm” (poieô) nối kết ý tưởng 2,23-25 với 3,1-12.
4) Danh từ “anthrôpos” (con người, người) xuất hiện ở 2,24 và 3,1 là dấu hiệu nối kết giữa phần mở đầu (2,24-25) với phần đối thoại (3,1-12). Người thuật chuyện cho độc giả biết: “23Nhiều kẻ đã tin vào danh của Người [Đức Giê-su] khi thấy các dấu lạ mà Người đã làm...24Nhưng Đức Giê-su, chính Người không tin họ, vì Người biết tất cả,25và Người không cần có ai làm chứng về con người (anthrôpou), vì chính Người biết có gì nơi con người (anthrôpôi)” (2,23-25). Ở 2,25, danh từ “anthrôpos” (con người, người) xuất hiện 2 lần. Sang 3,1 danh từ “anthrôpos” lại xuất hiện để nói về Ni-cô-đê-mô: “Có một người (anthrôpos) trong những người Pha-ri-sêu, tên ông ấy là Ni-cô-đê-mô” (3,1). Theo mạch văn, Ni-cô-đê-mô là một trong những người (anthrôpos) mà Đức Giê-su biết những gì có nơi họ, bằng chứng là Đức Giê-su biết là Ni-cô-đê-mô “không biết” (3,10).
5) Đề tài “biết” (ginôskô) xuất hiện trong phần trình thuật (2,23-25) là đề tài chính trong cuộc đối thoại giữa Đức Giê-su và Ni-cô-đê-mô (3,1-12). Ông ấy đến gặp Đức Giê-su và khẳng định là biết Đức Giê-su, khi nói với Đức Giê-su: “Thưa Ráp-bi, chúng tôi biết rằng: Ngài là một vị Thầy đến từ Thiên Chúa, vì không ai có thể làm được những dấu lạ Ngài làm, nếu Thiên Chúa không ở với người ấy” (3,2). Câu này có ý châm biếm, vì cuối cuộc đối thoại Đức Giê-su cho thấy Ni-cô-đê-mô là người “không biết”. Đức Giê-su nói: “Ông là bậc thầy của Ít-ra-en, mà không biết những điều ấy sao?” (3,10) Điều này không làm độc giả ngạc nhiên vì người thuật chuyện đã cho biết trước đó là Đức Giê-su “biết có gì nơi con người” (2,25b).
Những quan sát về liên hệ giữa hai đoạn văn 2,23-25 và 3,1-12 cho thấy độc giả nên đọc câu chuyện từ câu 2,23 chứ không phải từ 3,1. Mạch văn 2,23–3,12 cho biết ý chính của bản văn là tác giả cho Ni-cô-đê-mô và cho độc giả biết thế nào là “thấy thực sự” (theôreô [2,23], horaô [3,3]) những dấu lạ Đức Giê-su đã làm, và thế nào là “biết thực sự” (ginôskô [2,24.25; 3,10]) oida [3,2.8.11]) những lời mặc khải của Đức Giê-su. Xem phân tích bối cảnh và cấu trúc đoạn văn Ga 2,23–3,36 trong tập sách YÊU và GHÉT, phần II, tr. 20-26.
3. “Thấy mà chưa thấy” và “biết mà chưa biết”
Ni-cô-đê-mô và dân chúng nghĩ là “đã thấy các dấu lạ” và “đã biết Đức Giê-su” nhưng thực ra họ “chưa thấy” và “chưa biết” Đức Giê-su thực sự là ai (2,23–3,12). Kiểu hành văn có nét châm biếm này nhằm đề cao vai trò mặc khải của Đức Giê-su. Để tránh tình trạng “tưởng là thấy”, “tưởng là biết” mà thực ra là “chưa thấy”, “chưa biết”, độc giả cần mở lòng đón nhận giáo huấn của Đức Giê-su. Đây là điều kiện tiên quyết để “thực sự thấy và biết” Người.
Ý tưởng “chưa thấy”, “chưa biết”, gợi đến sự tối tăm của lý trí con người. Sự tối tăm về trí hiểu biết của Ni-cô-đê-mô nối kết với việc ông đến gặp Đức Giê-su ban đêm (3,2). Từ bóng tối ban đêm gợi đến đến lòng trí tối tăm, vì không hiểu ý nghĩa lời Đức Giê-su nói. Đối diện với mặc khải của Đức Giê-su, Ni-cô-đê-mô như vừa đang ở trong bóng tối khách quan (ban đêm), vừa ở trong sự tối tăm chủ quan (hiểu lầm về điều Đức Giê-su nói).
Tuy vậy, điểm tích cực nơi nhân vật Ni-cô-đê-mô là ông đã “ĐẾN VỚI Đức Giê-su” và đã “NÓI VỚI Người” (3,2). Trong bối cảnh trên, có thể nói những lời mặc khải của Đức Giê-su là “ánh sáng”, là “những lời khai sáng” cho Ni-cô-đê-mô và cho độc giả. Đức Giê-su dẫn Ni-cô-đê-mô, và qua câu chuyện tác giả dẫn đưa độc giả, từ sự tối tăm trong tâm trí đến ánh sáng của sự hiểu biết. Biết thế nào là “sinh ra bởi trên” để “thấy Nước Thiên Chúa” (3,2-10).
4. “Ánh sáng” và “bóng tối”
Từ hình ảnh “ban đêm”, “bóng tối”, “đêm tối” của sự không hiểu biết đến “ánh sáng mặc khải”, phần cuối diễn từ độc thoại của Đức Giê-su (3,18-21) sử dụng cặp đối lập “ánh sáng – bóng tối” để xây dựng thần học: “Ánh sáng” là Đức Giê-su và “bóng tối” là thế lực chống đối, không đón nhận, không tin vào Đức Giê-su. Sau khi khẳng định tình yêu của Thiên Chúa dành cho thế gian (3,16-17), Đức Giê-su tuyên bố những lời mạnh mẽ ở 3,18-21:
“18Ai tin vào Người [Đức Giê-su] thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh Con Một Thiên Chúa.19Đây là án xử: Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã yêu mến bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc của họ thì xấu xa. 20Vì mọi kẻ làm sự dữ thì ghét ánh sáng và không đến với ánh sáng để các việc của họ khỏi bị chê trách. 21Nhưng kẻ làm sự thật thì đến với ánh sáng để các việc của người ấy được bày tỏ ra là đã được thực hiện trong Thiên Chúa.”
Đối lập “ánh sáng – bóng tối” thể hiện nơi quyết định của con người: “Tin” hay “không tin” vào Đức Giê-su (3,18-19); “đến với” hay “không đến với” ánh sáng (3,20-21). Những kẻ lựa chọn đứng về phía bóng tối được Đức Giê-su định nghĩa: “Yêu mến bóng tối hơn ánh sáng” (3,19); họ “làm sự dữ” nên “không đến với ánh sáng” (3,20). Ngược lại, những kẻ “làm sự thật thì đến với ánh sáng” (3,21), nghĩa là đến với Đức Giê-su và tin vào Người.
Thần học đoạn văn 2,23–3,21 được xây dựng bởi động từ “đến” (erkhomai). Đức Giê-su là ánh sáng (8,12; 9,5) và Ánh sáng đã đến thế gian (3,18). Như thế, dù Ni-cô-đê-mô đến với Đức Giê-su ban đêm, thì ông ấy cũng đã đến với “ánh sáng”. Khi con người từ chối ánh sáng, nghĩa là không tin vào Đức Giê-su, sẽ trở thành người bị kết án như Đức Giê-su đã nói: “Ai tin vào Người thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh Con Một Thiên Chúa” (3,18).
Tóm lại, bối cảnh đoạn văn 2,23–3,12 đặt song song sự kiện nhiều người “tin” vào Đức Giê-su (2,23) và Ni-cô-đê-mô “biết” Đức Giê-su đến từ Thiên Chúa (3,2) nhờ “thấy các dấu lạ Đức Giê-su làm” (2,23; 3,2). Tuy nhiên, hành động “tin” và “biết” này chưa trọn vẹn. Bản văn 2,23–3,12 nhấn mạnh vai trò mặc khải của Đức Giê-su. Chính Đức Giê-su biết có gì nơi con người (2,25), chính Người biết là Ni-cô-đê-mô “không biết” (3,10). Qua đó, Đức Giê-su được trình bày như là Đấng biết mọi sự, Đấng mặc khải, Đấng từ trời xuống (3,13). Qua câu chuyện, đám đông (2,23), Ni-cô-đê-mô và độc giả được mời gọi mở lòng ra, lắng nghe và đón nhận lời mặc khải của Đức Giê-su, để nhờ đó được sinh ra bởi trên, sinh ra một lần nữa, sinh ra bởi nước và Thần Khí (3,3-7). Nhờ “thực sự thấy dấu lạ” và “hiểu biết lời mặc khải của Đức Giê-su”, con người có thể “đến với Người” và “tin vào Người”, nghĩa là “đến với ánh sáng” và “tin vào ánh sáng” để có sự sống đời đời (3,16-21).
Lần thứ nhất Ni-cô-đê-mô xuất hiện trong Tin Mừng đã khởi đầu một hành trình, hành trình đến với Đức Giê-su và đối thoại với Người. Bóng tối bên ngoài, gợi đến bóng tối trong lòng Ni-cô-đê-mô về sự hiểu biết. Ni-cô-đê-mô đã được Đức Giê-su soi sáng, nhưng cuối cuộc đối thoại (3,12), tác giả không cho biết phản ứng của Ni-cô-đê-mô như thế nào. Có lẽ ông ấy cần thời gian để suy nghĩ. Đúng thế, sau 5 chương của sách Tin Mừng (từ chương 3 đến chương 7) Ni-cô-đê-mô lại xuất hiện và bày tỏ lập trường ở 7,48-52.
II. Xuất hiện lần thứ hai (7,48-52)
Ni-cô-đê-mô xuất hiện lần thứ hai ở giữa sách Tin Mừng (7,48-52). Lần này độc giả thấy lập trường rõ ràng của Ni-cô-đê-mô trước sự hiện diện của những kẻ chống đối Đức Giê-su. Trong Tin Mừng thứ tư, xung đột giữa Đức Giê-su và giới lãnh đạo Do Thái đã xảy ra từ chương 2 (2,13-22), họ đã chất vấn Đức Giê-su khi Người thanh tẩy Đền thờ Giê-ru-sa-lem (2,18). Đến chương 5, sau khi Đức Giê-su chữa lành người bệnh tại hồ nước Bết-da-tha (5,1-9) thì đã xảy ra tranh luận giữa những người Do Thái và Đức Giê-su. Cuối cùng, họ đã quyết định giết Đức Giê-su. Người thuật chuyện tóm kết ở 5,18: “Những người Do Thái lại càng tìm Người để giết, vì Người không chỉ phá ngày sa-bát, nhưng còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, tự cho mình ngang hàng với Thiên Chúa.”
Tranh luận ngày càng gay gắt được tiếp nối trong chương 7. Sau khi các thượng tế và những người Pha-ri-sêu sai thuộc hạ đi bắt Đức Giê-su (7,32) nhưng không thành công, thì Ni-cô-đê-mô xuất hiện và gián tiếp bênh vực Đức Giê-su: Người thuật chuyện kể ở 7,50-52: “50Ni-cô-đê-mô, người trước đây đã đến gặp Người, là một người trong nhóm họ, nói với họ:‘51Lề Luật của chúng ta không kết án người nào, nếu trước đó không nghe người ấy và biết người ấy làm gì phải không?52Họ trả lời và nói với ông: ‘Không phải chính ông cũng là người Ga-li-lê sao? Hãy nghiên cứu và thấy rằng: Không một ngôn sứ nào xuất hiện từ Ga-li-lê’.” Việc những người Pha-ri-sêu khiển trách Ni-cô-đê-mô, vừa cho thấy họ không đồng tình với Ni-cô-đê-mô, vừa cho thấy Ni-cô-đê-mô đã nhận ra phần nào Đức Giê-su là ai, nhờ cuộc trao đổi trong lần gặp gỡ thứ nhất (3,1-12).
Ni-cô-đê-mô chưa công khai bênh vực Đức Giê-su nhưng phản ứng của ông cho thấy ông đã có thiện cảm với Người. Ở 3,2, người thuật chuyện giới thiệu: “Ni-cô-đê-mô là một thủ lãnh của những người Do Thái” (3,1), nên ông thuộc giới lãnh đạo Do Thái. Có thể nói rằng: Trong Tin Mừng thứ tư, có một số nhân vật quyền thế trong giới lãnh đạo Do Thái có thiện cảm với Đức Giê-su và tin vào Người. Thực vậy, cuối sứ vụ công khai của Đức Giê-su, tác giả Tin Mừng nhận định ở 12,42-43: “42Ngay cả trong giới lãnh đạo nhiều người đã tin vào Người [Đức Giê-su]. Nhưng vì những người Pha-ri-sêu, họ không tuyên xưng để không trở thành những kẻ bị khai trừ khỏi hội đường. 43Vì họ yêu mến vinh quang của con người hơn vinh quang của Thiên Chúa.” Có thể nói Ni-cô-đê-mô là một trong những người thuộc giới lãnh đạo Do Thái đã tin vào Đức Giê-su (12,42) nhưng vì sợ nên chưa dám tuyên xưng Đức Giê-su cách công khai. Điều này đã thay đổi vào cuối sách Tin Mừng, khi Ni-cô-đê-mô xuất hiện lần thứ ba.
III. Xuất hiện lần thứ ba (19,39-40)
Lần thứ ba, Ni-cô-đê-mô xuất hiện trong Tin Mừng vào lúc rất đặc biệt: An táng Đức Giê-su. Sau khi Phi-la-tô cho phép ông Giu-se A-ri-ma-thê hạ xác Đức Giê-su xuống khỏi thập giá, người thuật chuyện kể: “39Ni-cô-đê-mô cũng đến mang theo mộc dược trộn với trầm hương khoảng một trăm cân [32,70 kg] – trước đây ông đến gặp Người ban đêm –.40Vậy các ông nhận lấy thi hài Đức Giê-su quấn bằng băng vải tẩm thuốc thơm, theo như tục lệ an táng của người Do Thái” (19,39-40).
Trong lần xuất hiện thứ ba, Ni-cô-đê-mô không nói lời nào cả, nhưng hành động của ông ẩn chứa nhiều ý nghĩa. Trong lúc tất cả các môn đệ khác không hiện diện vào lúc an táng Thầy của họ thì có hai người lo việc an táng Đức Giê-su. Người thứ nhất là Giu-se A-ri-ma-thê, ông là “một môn đệ của Đức Giê-su, nhưng cách kín đáo vì sợ những người Do Thái” (19,38) và người thứ hai là Ni-cô-đê-mô, nhân vật có “biệt hiệu”: “Người đến gặp Đức Giê-su ban đêm” (3,2; 7,50; 19,39).
Xem ra Giu-se A-ri-ma-thê là người có uy thế, vì ông đã đến gặp Phi-la-tô và xin lấy xác Đức Giê-su để an táng trong mộ. Như thế, trong lúc các môn đệ đang sợ hãi vì Đức Giê-su bị giết chết trên thập giá, thì một nhân vật có uy thế và một nhân vật thuộc giới lãnh đạo Do Thái, đã lo việc an táng Đức Giê-su. Hành động của Ni-cô-đê-mô đã bày tỏ cách công khai lựa chọn của ông đứng về phía Đức Giê-su. Tuy bản văn không nói rõ Ni-cô-đê-mô là môn đệ Đức Giê-su, nhưng hành động lo việc an táng Đức Giê-su cho thấy ông ứng xử như là người môn đệ.
Tương phản giữa sự vắng mặt của “các môn đệ chính danh” (được nói đến trong Tin Mừng) và sự hiện diện của “các môn đệ vô danh” (đi theo Đức Giê-su cách kín đáo) trong biến cố an táng Đức Giê-su, là một trong những nét đặc thù của Tin Mừng thứ tư. Tương phản này làm cho “hành trình trở thành môn đệ Đức Giê-su” là đề tài độc đáo của sách Tin Mừng. Mọi người đều có thể trở thành môn đệ Đức Giê-su, kể cả giới lãnh đạo Do Thái.
Kết luận
Tìm hiểu ba lần xuất hiện của nhân vật Ni-cô-đê-mô (ở đầu, ở giữa và ở cuối sách Tin Mừng thứ tư) trên đây đã phác hoạ phần nào hành trình trở thành môn đệ Đức Giê-su. Có thể nói, hành trình của Ni-cô-đê-mô là hành trình từ “ban đêm” đến “ban ngày”, từ “bóng tối” đến “ánh sáng”, từ “đến với Đức Giê-su vào ban đêm” đến “bày tỏ công khai đứng về phía Người vào ban ngày”. Như thế, nhân vật Ni-cô-đê-mô là khuôn mẫu cho hành trình trở thành môn đệ Đức Giê-su nhờ biết cách “thấy dấu lạ” và biết cách “nghe lời mặc khải”.
Các dấu lạ và những lời mặc khải của Đức Giê-su không chỉ dành riêng cho nhân vật Ni-cô-đê-mô mà còn dành cho độc giả qua mọi thời đại. Nhận định của Ni-cô-đê-mô trong lần gặp gỡ đầu tiên: Tưởng mình biết Đức Giê-su nhưng thực ra chưa biết (3,2) cũng có thể là nhận định của độc giả. Hơn nữa, khi Ni-cô-đê-mô nói với Đức Giê-su: “Thưa Ráp-bi, chúng tôi biết rằng:..” (3,2) là ông nói đại diện cho một số người trong giới lãnh đạo Do Thái có thiện cảm với Đức Giê-su. Qua đó, đại từ số nhiều “chúng tôi” cũng bao hàm tất cả các độc giả mọi thời đại, có thiện cảm với Đức Giê-su, muốn “đến với” và “nói với” Người.
Hành trình của Ni-cô-đê-mô trong Tin Mừng thứ tư là lời mời gọi độc giả bước vào hành trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống. Bước đầu của cuộc tìm kiếm có thể còn chưa nhận biết rõ và ẩn chứa sự e dè nên có lẽ “phải đến gặp Đức Giê-su ban đêm“; nhưng một khi dám “đến với” và “nói với” Đức Giê-su đã là bước khởi đầu quan trọng. Chính Đức Giê-su là ánh sáng, lời mặc khải của Người sẽ soi sáng cho độc giả nhận biết con đường dẫn đến sự sống đích thực, vì chính Người “là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6)./.
Ngày 15 tháng 01 năm 2012
email: josleminhthong@gmail.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét