Trang

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Lời Chúa Mỗi Ngày Thứ Tư Tuần 16 TN1, Năm lẻ.



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 16 TN1, Năm lẻ.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Người ta sống không phải chỉ nhờ cơm bánh.

Nhu cầu ăn uống tuy là nhu cầu căn bản của con người; nhưng không phải là tất cả nhu cầu của cuộc sống con người. Cám dỗ của ma quỉ xưa cũng như nay là làm cho con người giản đơn tất cả cuộc đời vào nhu cầu ăn uống này, như chúng đã từng cám dỗ Chúa Giêsu trong sa mạc: "Ông hãy biến những hòn đá này thành bánh, thì người ta sẽ tin và theo ông." Chẳng lạ gì mà rất nhiều người thời nay dành hầu như trọn ngày cho nhu cầu này: lao động, mua thực phẩm, nấu nướng, ăn uống ... đến nỗi chẳng còn thời giờ cho các nhu cầu tâm linh, trí tuệ, và tình cảm!

Các Bài Đọc hôm nay cho hai ví dụ tương phản của những người tìm vật chất và người tìm Chúa. Trong Bài Đọc I, chỉ mới một tháng sau biến cố xuất hành qua Biển Đỏ, dân Israel đã quên tình thương và uy quyền của Thiên Chúa, và họ nhớ những đồ ăn thức uống bên Ai-cập. Họ than phiền với ông Moses: "Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Ai-cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thoả thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây!" Trong Phúc Âm, vì yêu mến Chúa, nên bà Mary Magdala đã ra mộ tìm Chúa khi mọi người vẫn còn an giấc. Hiểu tình thương của Bà, Chúa Giêsu đã tỏ cho Bà thấy Ngài vẫn sống, và truyền cho Bà mang Tin Mừng Phục Sinh cho các môn đệ của Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hiểu biết về Thiên Chúa giúp con người tránh được tầm nhìn thiển cận.

1.1/ Cái nhìn thiển cận của con người: Những lời ta thán của con cái Israel cho chúng ta thấy họ đã quên đi mục đích, tình thương, và uy quyền của Thiên Chúa; mà chỉ còn bận tâm đến nhu cầu ăn uống của con người. Một sự nhìn lại sẽ cho ta thấy rõ tầm quan trọng của vấn đề:

(1) Mục đích: Thiên Chúa giải phóng dân Israel khỏi làm nô lệ cho người Ai-cập là để phục hồi nhân phẩm và đem dân vào Đất Hứa mà Ngài đã hứa với các Tổ-phụ. Trước khi cho dân vào Đất Hứa, Ngài đem dân vào sa mạc để thử thách đức tin và thanh luyện mọi tính hư tật xấu. Cuộc sống của dân Israel lang thang trong sa mạc 40 năm có thể ví như cuộc đời dương thế của mỗi người. Thiên Chúa muốn con người chứng tỏ cho Ngài thấy niềm tin yêu của họ vào Thiên Chúa, qua những đau khổ và thử thách, để xứng đáng được vào Đất Hứa là Thiên Đàng mai sau.

Thời gian cần thiết để con người nhận ra sự quan trọng của mục đích và để thanh luyện. Thiên Chúa muốn con người phải chờ đợi và chứng tỏ họ xứng đáng để được vào Đất Hứa; trong khi con người lại muốn được vào ngay.

(2) Tình thương: là động lực thúc đẩy Thiên Chúa quan tâm đến những khổ cực mà con cái Israel phải chịu. Vì tình thương, Thiên Chúa muốn cứu thoát họ khỏi cảnh làm nô lệ cho người Ai-cập, và cõng họ trên vai như đại bàng cõng con qua Biển Đỏ. Khi than trách Thiên Chúa và ham muốn "có bánh ăn và ngồi bên nồi thịt" hơn là được tự do thờ phượng Thiên Chúa, họ đã khinh thường kế hoạch cứu độ và nghi ngờ tình thương của Thiên Chúa dành cho họ.

(3) Uy quyền của Thiên Chúa: Dân Israel đã chứng kiến không biết bao nhiêu phép lạ Thiên Chúa tỏ uy quyền trên người Ai-cập, nhất là phép lạ Chúa cho họ qua Biển Đỏ an toàn trong khi toàn bộ quân đội Ai-cập bị nhận chìm trong Biển Đỏ. Nếu Thiên Chúa có thể làm những phép lạ huy hòang như thế, việc cung cấp cho dân có của ăn thức uống trong sa mạc thấm chi đối với Ngài. Lẽ ra thay vì mở miệng than trách những lời đau lòng Thiên Chúa, họ biết quỳ gối xuống cầu nguyện xin Người cho bánh ăn, thì kết quả sẽ tốt đẹp chừng nào!

(4) Thử thách: là cơ hội để con người chứng tỏ niềm tin. Nếu con cái Israel hiểu biết những điều trên và luôn suy niệm trong lòng, họ sẽ lợi dụng thử thách để tăng cường niềm tin và chứng tỏ niềm tin yêu của họ vào Thiên Chúa; chứ không càm ràm, khó chịu, và thốt lên những lời độc địa xúc phạm đến Thiên Chúa, làm nản chí các nhà lãnh đạo, và gây gương mù cho người khác. Hơn nữa, dù không muốn bị thử thách và chịu đau khổ, họ vẫn phải ngang qua tiến trình đó, vì thử thách nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Nếu họ có thái độ tích cực và lạc quan hơn để xin sức mạnh của Thiên Chúa, họ có thể vượt qua thử thách và trở thành những người có bản lãnh hơn, vì gian nan rèn nhân đức.

1.2/ Thiên Chúa có dư quyền năng để cung cấp thực phẩm cho dân trong sa mạc: Đức Chúa phán với ông Moses: "Ta đã nghe tiếng con cái Israel kêu trách. Vậy, ngươi hãy bảo chúng rằng: Vào buổi chiều, các ngươi sẽ được ăn thịt, và ban sáng, các ngươi sẽ được ăn bánh thoả thuê, và các ngươi sẽ biết rằng Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi."


Chúa nói và Chúa giữ lời. Ngài tìm được bánh ăn và thịt cho dân trong sa mạc, nơi không một cây cỏ nào có thể sống được. Điều này Ngài muốn chứng minh cho con người: Không chuyện gì là không thể đối với Thiên Chúa. Con người đừng thử thách uy quyền của Ngài.

(1) Chim cút: Để cho dân có thịt ăn, "buổi chiều, chim cút bay đến rợp cả trại." Thiên Chúa là Đấng dựng nên và điều khiển muôn loài. Theo sự quan phòng khôn ngoan, Ngài có thể truyền lệnh cho bất kỳ tạo vật nào, chúng phải vâng theo lệnh của Ngài.

(2) Manna: Để co dân có bánh ăn, buổi sáng thì có lớp sương phủ quanh trại. Khi sương tan đi thì trên mặt hoang địa, có một thứ gì nho nhỏ mịn màng, nho nhỏ như sương muối phủ mặt đất. Khi con cái Israel thấy thế, họ liền hỏi nhau: "Manhu?" có nghĩa: "Cái gì đây?" Vì họ không biết đó là cái gì. Ông Moses bảo họ: "Đó là bánh Đức Chúa ban cho anh em làm của ăn!" Manna là hình bóng của Bí-tích Thánh Thể: Nếu Thiên Chúa có thể nuôi phần xác của dân bằng việc cho manna rơi từ trời xuống trong sa mạc, Chúa Giêsu có thể nuôi sống phần hồn của con người bằng Bánh Thánh Thể mỗi ngày. Thế mà vẫn còn biết bao con người nghi ngờ sự hiện diện của Chúa trong BT Thánh Thể!

2/ Phúc Âm: Cuộc hội ngộ giữa Chúa Giêsu và Mary Magdala.*

2.1/ Mary Magdala nhận ra Chúa Giêsu: Bà nhận ra Chúa Giêsu không bằng những gì nghe và thấy bên ngòai, vì Bà đã nghe và thấy Chúa như trình thuật ở trên; nhưng bằng sự rung động từ trong trí óc và con tim. Thánh sử Gioan mô tả phút giây hội ngộ giữa Chúa Giêsu và Mary Magdala thật ngắn ngủi, nhưng vô cùng tuyệt vời. Đức Giêsu gọi bà: "Mary!" Bà quay lại và nói bằng tiếng Do-thái: "Rabbouni!" Chỉ có hai con tim đang yêu mới hiểu được ý nghĩa tuyệt vời của hai tiếng gọi này. Sự kiện Chúa gọi tên Bà gợi lại cho bà nhiều điều: Chúa đang sống, Ngài nhận ra Bà, Ngài hiểu sự đau khổ của Bà, và Ngài yêu thương Bà. Nhận ra tiếng gọi thân thương của người mình yêu mến trong khi đang tuyệt vọng đi tìm, còn gì xúc động và vui mừng hơn, Bà quay lại để nhìn Chúa. Khi nhận ra Chúa, bà chạy đến, gieo mình xuống ôm chân Ngài, và sung sướng kêu lên “Thầy của con.”

2.2/ Yêu Chúa không phải giữ chặt Chúa, nhưng làm theo những gì Ngài muốn: Hành động của Mary Magdala như thầm nói với Chúa: “Con sẽ không để Thầy xa con nữa.” Nhưng Đức Giêsu bảo bà: "Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: "Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em."" Khác với tình yêu con người, khi con người yêu ai, họ muốn giữ người họ yêu làm của riêng cho mình; tình yêu Thiên Chúa đòi con người tiếp tục cho Chúa đi, chứ không giữ Chúa lại làm của riêng cho mình. Con người tìm thấy niềm vui khi nhìn thấy mọi người yêu Chúa. Chúa Giêsu muốn bảo Mary: Nếu con thương Thầy, hãy làm cho nhiều người nhận biết Thầy! Thầy còn nhiều anh, chị, em mà con phải mang tin mừng đến cho họ.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta không thể nào đơn giản hóa cuộc sống vào những nhu cầu vật chất, vì con người được Thiên Chúa tạo dựng cho những mục đích cao quí hơn loài vật.

- Chúng ta phải dành thời giờ để học hỏi Lời Chúa và phát triển đời sống tâm linh cũng như trí tuệ, để có thể nhận ra sự thật từ giữa bao cám dỗ sai trái và đạt đích điểm của cuộc đời.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP.
(*Đã có sự nhầm lẫn từ nơi trang : loinhapthe.com- hôm nay Bài Tin Mừng trích từ Phúc Âm Mt 13,1-9 chứ không phải Ga 20,1.11-18)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét