Trang

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

Thánh Giuse trong Tân Ước

Thánh Giuse trong Tân Ước
Phải chăng Tân Ước ghi chép thiếu về thánh Giuse?

Xin được hỏi một thắc mắc từ lâu đến nay là trong Kinh Thánh ít đề cập đến Thánh Giuse là cha nuôi của Chúa Giêsu, và Thánh Giuse qua đời khi nào cũng chẳng được nhắc đến mà chỉ thấy nhắc đến Đức Trinh Nữ Maria nhiều hơn mà thôi, có lẽ Kinh Thánh ghi chép thiếu? (Le Tommy).


Thưa anh,

Trước hết, nói chung về Kinh Thánh, chúng ta chấp nhận một nguyên tắc hướng dẫn: Tác giả đã viết điều gì ra, là bởi vì ngài thấy điều ấy cần cho việc cứu rỗi chúng ta; còn điều gì ngài đã không viết ra, là bởi vì điều ấy không cần cho việc cứu rỗi. Như vậy, Kinh Thánh được viết không phải là để thỏa mãn nhu cầu hiểu biết của chúng ta, càng không để thỏa mãn tính tò mò của chúng ta. Chẳng hạn, không cần nói đến thánh Giuse, ngay về Đức Maria, không có một đoạn Kinh Thánh nào nói về cái chết của Mẹ cả. Tuy nhiên, nếu chúng ta cứ so sánh thì thấy các đoạn Tân Ước liên hệ đến thánh Giuse không ít hơn số những đoạn nói về Đức Mẹ đâu. Với lại một số đoạn ngắn ngủi về thánh nhân cũng phác ra khá rõ dung mạo nhân bản và thiêng liêng của ngài với những biến cố lớn trong đời ngài:
- Ngài thuộc dòng dõi vua Đavít (Mt 1,1-16.20; Lc 1,27; 2,4; 3,23-31);
- Ngài cư ngụ tại làng Nadarét, miền Galilê (Lc 1,26);
- Ngài làm nghề thợ mộc (Mt 13,55; Mc 6,3): lúc đó nghề này là một nghề có thể làm mọi thứ việc tay chân.
- Ngài đã thành hôn với một thiếu nữ Nadarét tên là Maria (Lc 1,27); 
- Vào dịp này, khi biết Maria đã có thai, ngài đã có những suy nghĩ đắn đo chín chắn và chọn lựa đúng đắn dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa, vì ngài là “người công chính” (Mt1,18-25). Bản văn cũng nêu rõ một nét dung mạo thiêng liêng khác của ngài: khi biết rõ ý của Thiên Chúa, ngài đã trỗi dậy (“bật dậy”) thực hiện ngay (c. 24).
- Vì có chiếu chỉ hoàng đế Augúttô ra lệnh mọi người dân phải về nguyên quán để kiểm tra, thánh Giuse là gốc Bêlem (miền Nam), nhưng lúc ấy đang ở miền Bắc, nên ngài đã đưa Đức Maria về miền Nam. Chính trong tình cảnh đó, Đức Maria đã sinh Đức Giêsu (Lc 2,1-7). Chúng ta đoán được những vất vả và những nỗi xót xa của ngài, trong tư cách chủ gia đình.
- Sau khi Đức Giêsu chào đời được 8 ngày, ngài đã làm lễ cắt bì và đặt tên cho con (Lc2,21);
- Sau khi Đức Maria sinh con 40 ngày, ngài đã đưa cả hai mẹ con  lên Giêrusalem để làm lễ thanh tẩy cho Đức Maria và dâng con trẻ Giêsu cho Thiên Chúa (Lc 2,22-24). Tại đây, ngài đã gặp cụ ông Simêon và cụ bà Anna (Lc 2,22-38).
- Ngài cũng đã gặp các nhà chiêm tinh từ phương Đông đến bái lạy Hài Nhi Giêsu (Mt 2,1-15);
- Sau biến cố này, ngài đã phải đưa gia đình di tản sang Ai Cập để trốn thoát vua Hêrôđê (Mt 2,13-14). Một câu nói ngắn ngủi của vị sứ thần báo mộng và thánh Mátthêu lặp lại đủ chứng tỏ ngài được giao nhiệm vụ đứng đầu gia đình và ngài đã can đảm chu toàn: “Đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập” (Mt 2,13.14). Ngài đã “bật dậy” thi hành ngay (c. 14). Chúng ta có thể mường tượng ra bao tính toán suy nghĩ lo lắng cũng như những vất vả của ngài.
- Khi được sứ thần báo mộng trở về quê hương, ngài đã phải đánh giá tình hình chính trị xã hội, và cuối cùng đã quyết định về cư ngụ tại làng Nadarét, miền Galilê, để tránh vua Áckhêlaô rất tàn ác, vừa lên ngôi thay cha là Hêrôđê cai trị miền Giuđê (Mt 2,19-23). Cũng vẫn một nét tinh thần: “bật dậy” thi hành ngay (c. 21).
- Chúng ta được biết đây là một gia đình thánh thiện, vì hàng năm đều đi hành hương Giêrusalem (Lc 2,41). Và trong cuộc hành hương khi Giêsu được 12 tuổi, đã xảy ra biến cố làm thánh Giuse và Mẹ Maria vất vả lo lắng suốt 3 ngày: Cậu Giêsu đã tự ý ở lại Giêrusalem mà không xin phép! (Lc 2,45-50). Thánh Giuse thì không nói gì, nhưng Đức Maria đã thốt ra câu nói cho hiểu tâm trạng của cả hai đấng trong mấy ngày qua.
- Ngài luôn được con mình vâng phục (Lc 2,51).

Truyền thống phỏng đoán rằng khi Đức Giêsu lên đường đi thi hành sứ vụ thì thánh Giuse đã qua đời.

Chừng đó nét hẳn cũng giúp chúng ta thêm xác tín về lý do khiến vào ngày 08/12/1870, Đức giáo hoàng Piô IX đã tuyên phong thánh cả Giuse là Quan thầy Hội thánh, và vào ngày 01/5/1955, Đức Piô XII đã tuyên phong ngài là Bổn mạng và Gương mẫu của giới thợ thuyền, và vào ngày 15-8-1989, Đức Gioan-Phaolô II đã ban Tông huấn Đấng gìn giữ Đấng Cứu Thế để nói về thánh cả.

Hy vọng cũng đã trả lời phần nào câu hỏi của anh.

Thân ái.
Lm PX Phan Long, ofm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét