Trang

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Năm Đức Tin với Thánh Tôma - Bài 38 ĐIỀU RĂN THỨ TÁM


Năm Đức Tin với Thánh Tôma - Bài 38
MƯỜI ĐIỀU RĂN
ĐIỀU RĂN THỨ TÁM
"NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC LÀM CHỨNG GIAN HẠI NGƯỜI THÂN CẬN" (Xh 20,16)
=========

Cũng như những lần trước đây, Thánh Tôma bắt đầu bài huấn giáo bằng việc giải thích ý nghĩa “văn chương” của Kinh Thánh, đó là “làm chứng gian”, được áp dụng theo nghĩa chặt cho những vụ kiện tụng. Tác giả kê ra ba hoàn cảnh của việc làm chứng gian: người tố cáo, người làm chứng, người xử kiện. Kế đến, tác giả thêm những trường hợp làm chứng gian trong đời sống hằng ngày, biểu thị nơi các tội: nói xấu, nghe nói xấu, nói hành, nịnh bợ, lẩm bẩm.

Tiến thêm một bước nữa, từ chỗ làm chứng gian, tác giả mở rộng đến việc nói dối, dưới nhiều dạng thức. Thường chúng ta ít khi coi những tội trái nghịch với điều răn thứ tám là tội trọng. Nhưng xem ra Thánh Tôma nghĩ ngược lại: hầu hết là tội trọng, đôi khi là tội nhẹ! Dù sao, đối với ngài, tội làm mất thanh danh cũng nặng nề không kém tội làm thiệt hại đến tính mạng tài sản tha nhân.
***

Trên đây, Thiên Chúa đã cấm gây thiệt hại cho tha nhân bằng việc làm; bây giờ Ngài cấm làm hại tha nhân bằng lời nói: “Ngươi không được làm chứng gian hại người thân cận.” Người ta có thể làm chứng gian bằng 2 cách, hoặc trong một vụ kiện hoặc trong cuộc nói chuyện thường ngày.

I. Không được làm chứng gian

A. Trong một vụ kiện


1. Việc làm chứng gian có thể xảy ra cho 3 hạng người, do đó có thể phạm điều răn này bằng 3 cách.

1/ Hạng người thứ nhất là nguyên đơn, qua việc cáo gian: “Ngươi không được vu khống hoặc nói xấu những người trong dòng họ.” (Lv 19,16). Nên lưu ý, cũng như ta không được làm chứng gian thì ta cũng không được che đậy sự thật. Chúa nói: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội chống lại anh, thì anh hãy đi sửa lỗi nó.” (Mt 18,15).

2/ Hạng người thứ hai là chứng nhân, qua việc khai gian: “Kẻ làm chứng gian hại bạn bè không thể nào mà không bị trừng phạt.” (Cn 25,18). Điều răn ngăn cấm sự cáo gian cũng bao gồm tất cả các điều răn trước đó, bởi vì kẻ làm chứng gian đôi khi trở thành kẻ sát nhân hoặc tên trộm cắp,... Vì thế, chiếu theo luật Môsê, các nhân chứng cáo gian sẽ lãnh hình phạt dành cho tội mà họ tố giác: “Các thẩm phán sẽ điều tra kỹ lưỡng, và nếu thấy rằng nhân chứng ấy là một người chứng gian: nó đã cáo gian người anh em mình, thì anh em sẽ xử với nó, như nó đã định xử với anh em mình... Nghe nói thế, những người khác sẽ sợ và không còn làm điều xấu như thế nữa giữa anh (em). Mắt anh (em) đừng nhìn mà thương hại. Luật báo phục tương xứng mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân.” (Đnl 19,18-21). Và có lời khác trong sách Châm ngôn (25,18): “Kẻ làm chứng gian hại bạn bè chẳng khác nào ngọn mác, gươm đao và tên nhọn.” (Cn 25,18).

3/ Hạng người thứ ba là vị thẩm phán, qua việc tuyên án bất công: “Các ngươi không được làm điều bất công khi xét xử: không được thiên vị người yếu thế, cũng không được nể mặt người quyền quý, nhưng hãy xét xử công minh cho người đồng bào.” (Lv 19,15).

B. Trong cuộc nói chuyện hằng ngày

1. Trong những cuộc trò chuyện mỗi ngày, có 5 hạng người đôi khi phạm tội lỗi điều răn cấm làm chứng dối.
           
1/ Trước hết là những người vu khống: “Kẻ nói xấu người thì bị Chúa ghét.” (Rm 1,30). Sở dĩ họ bị Chúa ghét là vì con người không có gì đáng quý cho bằng danh thơm tiếng tốt: “Người lắm của cải đâu quý bằng danh thơm tiếng tốt.” (Cn 22,1). Sách Giảng viên (7,2) cũng nói: “Tiếng tốt thì quý hơn dầu thơm.” Nhưng những kẻ vu khống thì làm mất thanh danh của người khác, như Kinh Thánh đã nói, “kẻ nói xấu thì giống như con rắn cắn lén mà không gây tiếng động” (Hc 10,11). Vì vậy, nếu những kẻ vu khống không khôi phục thanh danh của người khác thì họ sẽ không được cứu rỗi.

2/Thứ hai, là những người chủ tâm lắng nghe những điều vu khống: “Này, hãy ngăn chặn tai con bằng hàng rao gai, đừng nghe những lời xấu xa; hãy đặt cánh cửa trước miệng con và khóa chặt lại.”(Hc 28,28). Vì thế, ta không nên thích nghe những điều vu khống; trái lại, hãy tỏ ra thái độ nghiêm nghị và trách móc: “Như gió bấc ngăn cản trời đổ mưa, khuôn mặt nghiêm bịt miệng kẻ vu khống.”(Cn 25,23).

3/ Thứ ba, là những người ngồi lê đôi mách cũng vi phạm điều răn này khi họ kể đi kể lại những gì họ nghe được: “Có sáu điều làm ĐỨC CHÚA gớm ghét, có bảy điều khiến Người ghê tởm… kẻ làm chứng gian thốt ra lời dối trá, người gieo xung khắc giữa anh em.” (Cn 6,16.19). Sách Huấn ca cũng viết:“Đáng nguyền rủa thay kẻ nói xấu, nói hành, kẻ nói lời hai ý, gây chia rẽ giữa bao người đang hoà thuận.” (28,15). Những câu tiếp theo còn kể thêm những tai hoạ khác nữa.

4/ Thứ tư là những tâng bốc xu nịnh: “Kẻ ác được họ khen ngợi vì những ý định thâm độc của họ.”(Tv 10,3). Lời Kinh Thánh khác lại nói: “Ôi dân Ta, những kẻ dẫn dắt ngươi (nịnh bợ ngươi) làm ngươi lạc hướng.” (Is 3,12). Hoặc Thánh vịnh gia cho rằng: “Người công chính cứ việc đánh con và lấy tình thương mà sửa dạy, nhưng dầu thơm kẻ dữ con quyết chẳng cho xức trên đầu.” (Tv 140,5).

5/ Thứ năm, những kẻ lẩm bẩm cũng có thể lỗi phạm điều răn này. Tật xấu này thường xảy ra nơi những thuộc cấp. Thánh Phaolô đã khuyên: “Anh em đừng lẩm bẩm kêu trách.” (1 Cr 10,10). Sách Thánh cũng nói: “Anh em hãy giữ mình, chớ kêu ca vô ích.” (Kn 1,11); “cứ kiên nhẫn, thủ lãnh sẽ xiêu lòng, lời mềm mỏng làm nát tan xương cốt... kẻ làm chứng gian hại bạn bè.” (Cn 25,15.18).

II. Không được nói dối

“Ngươi không được làm chứng gian hại người thân cận.” Sự ngăn cấm này bao gồm mọi hình thức nói dối:“Đừng chủ ý bịa đặt điều gian dối nào, vì tật nói dối chẳng tốt đẹp gì.” (Hc 7,14).

A. Vì sao không được nói dối?

Có 4 lý do.
1/ Thứ nhất, nói dối làm cho ta giống như ma quỷ; kẻ nói dối trở thành con cái ma quỷ. Thật vậy, lời nói bộc lộ nguồn gốc quê quán của một người, như ta đọc thấy về ông Phêrô: “Cứ nghe giọng nói của bác là biết ngay.” (Mt 26,73). Một cách tương tự như vậy, có những người thuộc dòng họ ma quỷ và được gọi là con cái ma quỷ, bởi vì họ nói dối, và ma quỷ là “kẻ nói dối, và là cha của sự gian dối” (Ga 8,44). Thật vậy, hắn đã nói dối (với tổ tông chúng ta) rằng “chẳng chết chóc gì đâu” (St 3,4). Ngược lại, những ai không nói dối là con cái Thiên Chúa, Đấng Chân Thật, và con cái Ngài thì luôn nói sự thật.

2/ Thứ hai, nói dối gây ra đổ vỡ trong xã hội. Con người sống chung với nhau trong xã hội. Thế mà nếu con người không nói thật với nhau thì không thể sống trong xã hội được, như Thánh Tông đồ đã nhắn nhủ: “Hãy cởi bỏ sự gian dối, mỗi người trong anh em hãy nói sự thật với người thân cận, vì chúng ta là phần thân thể của nhau.” (Ep 4,25).

3/ Thứ ba, người nói dối đánh mất thanh danh của mình. Kẻ nào quen nói dối thì chẳng được ai tin tưởng nữa, cho dù khi họ nói sự thật: “Từ dơ bẩn, có gì sạch được sao? Từ giả dối, có chi thật được nào?” (Hc 34,4).

4/ Thứ tư, người nói dối giết chết linh hồn mình, vì “miệng mồm nói dối giết hại linh hồn” (Kn 1,11). Và Thánh vịnh gia lại tuyên bố: “Chúa sẽ diệt trừ  hết bọn điêu ngoa.” (Tv 5,7).

Điều này cho thấy rõ rằng nói dối là một tội trọng. Tuy nhiên, nên lưu ý rằng nói dối có khi là tội trọng, có khi chỉ là tội nhẹ.

B. Những hình thức nói dối
           
1/ Trước hết, phạm tội trọng khi nói dối về những chân lý đức tin. Điều này liên quan đến những giáo sư và các vị giảng thuyết nổi tiếng. Nói dối trong lĩnh vực này thì tai hại hơn những hình thức nói dối khác, bởi lẽ, Thánh Phêrô đã cảnh báo: “Giữa anh em sẽ có những thầy dạy giả hiệu, đó là những kẻ sẽ lén lút đưa vào những tà thuyết dẫn tới diệt vong.” (2 Pr 2,1). Đôi khi có những người nói dối trong lĩnh vực đức tin vì muốn tỏ ra mình thông thái: “Này các ngươi nhạo cười ai vậy? Các ngươi mở miệng, le lưỡi chống lại ai? Há các ngươi không phải là con của tội ác, là nòi giống của gian dối hay sao?” (Is 57,4).

Một cách tương tự như vậy, đôi khi có những người nói dối với chủ ý làm hại tha nhân, đi ngược lại mệnh lệnh của Thánh Tông đồ: “Anh em đừng nói dối nhau.” (Cl 3,8).

Hai loại hình nói dối này là tội trọng.

2/ Có những người nói dối vì nhằm lợi ích cho mình, và điều này có thể xảy ra nhiều cách khác nhau.
a- Đôi khi vì hiểu lầm về đức khiêm tốn, và ngay cả trong lúc thú tội. Thánh Augustinô đã khuyên:“Cũng như bạn không được giấu giếm điều mình đã  phạm, thì bạn cũng không được nói điều mình đã không phạm.” Hoặc Kinh Thánh nói: “Chúa đâu cần chúng ta bịa đặt?” (G 13,7). Và ở chỗ khác, Kinh Thánh lại cho biết: “Có kẻ xấu, (bên ngoài) thì lom khom, rầu rĩ, mà (trong) lòng lại đầy xảo trá mưu mô.” (Hc 19,24).

b- Có người nói dối vì hổ thẹn. Cụ thể là khi một người nói dối mà lại tin rằng mình đang nói sự thật, và khi nhận ra mình đã nói dối thì lại hổ thẹn không dám rút lại. Ngược lại, Kinh Thánh nói: “Đừng xấu hổ nhìn nhận rằng mình đã sai lầm.” (Hc 4,30).

c- Có người nói dối vì lợi ích, bởi vì họ muốn đạt một điều tốt hoặc tránh một điều xấu: “Ta đặt niềm hy vọng nơi dối trá, và sự dối trá đã che chở chúng ta.” (Is 28,25). Thế nhưng Sách Châm ngôn đã dạy: “Ai tin tưởng vào lời nói dối thì giống như người cho gió ăn.” (Cn 10,4).

3/ Có những người nói dối vì muốn giúp ích cho người khác, đó là, khi mong muốn cho ai đó thoát chết hoặc khỏi một nguy hiểm, hoặc một sự thiệt hại. Thánh Augustinô bảo rằng ta không nên làm như vậy, bởi vì có lời rằng “đừng vị nể ai đến nỗi phải chịu thiệt thân, cũng đừng nói dối để mình mất linh hồn” (Hc 4,26).

4/ Sau cùng, có những người nói dối chỉ vì bông đùa. Nên cẩn thận kẻo mà khi thành thói quen có thể sẽ dẫn chúng ta đến phạm tội trọng, bởi lẽ Sách Khôn ngoan đã cảnh báo: “Bùa mê tệ tục làm lu mờ sự thiện, và dục vọng quay cuồng biến đổi tâm hồn chất phác.” (Kn 4,12).

Nguồn: Đaminh VN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét