100 BÀI GIÁO LÝ KINH THÁNH : BÀI 19
TÌNH ANH EM RUỘT THỊT (TIẾP)
Trích
Tin Mừng Thánh Gioan, ch.11
Ông La-da-rô, em của bà
Mat-ta và Maria bị ốm nặng. Hai chị em sai người đi nhắn tin cho Đức Giêsu:
- Thưa Ngài, kẻ Ngài thương
mến đang ốm liệt.
Nghe vậy, Đức Giêsu nói:
- Cơn bịnh này không đến nỗi chết, song vì vinh quang Thiên Chúa,
ngõ hầu nhờ đó Con Thiên Chúa được tôn vinh (ý Ngài muốn nói: Ngài mà đến chữa
thì không chết đâu, song cứ để cho La-da-rô chết, Ngài sẽ đến cho ông ấy sống
lại, phép lạ lớn lao này sẽ làm vinh quang cho Thiên Chúa và làm vinh hiển cho
Ngài).
Do đó, được tin ấy, Đức
Giêsu không vội đến, còn lưu lại thêm mấy ngày. Sau đó, Ngài mới đến làng
Bê-ta-nia, thì đã chôn La-da- rô bốn ngày rồi. Nghe tin Đức Giêsu đến ngoài
làng, Mat-ta vội vàng ra đón tiếp:
- Thưa Ngài, nếu Ngài đã có
đây, em tôi đã không chết. Nhưng ngay lúc này, Ngài xin cùng Thiên Chúa, Thiên
Chúa sẽ nhận lời Ngài.
Đức Giêsu bảo:
- Em bà sẽ sống lại.
Rồi Mat-ta vội vã quay về
nhà bảo em gái:
- Thày gọi em đó.
Vừa nghe nói, Maria vội vàng
chỗi dậy mà đi gặp Ngài. Đức Giêsu vẫn còn ở đó. Maria đến trước mặt Đức Giêsu,
liền sấp mình dưới chân Ngài mà rằng:
- Thưa Ngài, nếu Ngài có mặt
đây, em tôi đã không chết.
Đức Giêsu thấy bà và các
người đi theo đều khóc than, thì Ngài xao xuyến cả mình. Ngài hỏi:
- Các ngươi đặt ông ấy ở
đâu?
Họ đáp:
- Thưa Ngài, mời Ngài đến
đây mà xem!
Và Đức Giêsu đã khóc. Người Do thái mới nói:
- Xem kìa! Ngài thương mến ông ấy dường nào!
Đến trước mồ, Ngài bảo hãy lăn hòn đá lấp cửa, nhưng
Mat-ta cản lại:
- Thưa Ngài, em tôi đã chôn 4 ngày, có mùi hôi rồi!
Nhưng Đức Giêsu bảo bà:
- Ta đã chẳng nói với bà rồi sao? Là nếu tin, bà sẽ thấy
vinh quang của Thiên Chúa.
Rồi quay vào mồ, Đức Giêsu kêu lớn tiếng:
- La-da-rô! Hãy ra ngoài!
Người chết bước ra, chân tay
còn lúng túng vì các giây vải, mặt còn bọc trong tấm khăn liệm. Đức Giêsu bảo
họ:
Hãy cởi ra cho ông ấy đi!
* Đó là Lời Chúa! Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa!
Suy niệm Lời Chúa
Đọc đoạn Tin Mừng này, ai
chẳng thấy ba chị em La-da-rô rất thương nhau. Khi đau ốm thì săn sóc hết lòng,
chạy thuốc chạy thày, không được thì kêu mời Đức Giêsu đến chữa. La-da-rô chết
thì chôn em mà lòng đau đớn, khóc lóc không ai an ủi cho nguôi được. Chỉ có một
người mà hai chị em hi vọng nhất để cứu sống em mình, đó là Chúa Giêsu, thì
Ngài lại không đến. Cho nên lúc gặp Ngài, cả hai chị em đều than khóc thảm
thiết: “Nếu Thày có mặt đây, thì em chúng con đã không chết”. Ta có thể nói:
Đức Giêsu đã làm phép lạ cho La-da-rô sống lại là để thưởng cho tình thương yêu
giữa chị em của họ.
Xem thế, tình thương anh em
trong gia đình thật là một mối phúc, thật là một ân huệ, đến nỗi Thiên Chúa
phải làm một phép lạ vĩ đại, để trả lại người em cho họ! Bài Lời Chúa kỳ trước
đã đề cập đến các lợi ích và một vài bổn phận của tình anh em, chị em.
Hôm nay, ta đi tiếp đến bổn
phận thứ tư:
4/ Muốn chung sống giữa anh
em với nhau cho hạnh phúc thì bổn phận
thứ tư là yêu thương nhau thật
tình. Đó là mỗi
người hãy vui mừng vì thấy kẻ khác được may mắn, được thành công; hãy thực tình
mong muốn sự lành cho họ, giúp họ nên tốt hơn và công chính, đạo đức như Chúa
đòi hỏi và cầu nguyện cho họ... Các điều vừa nói, không phải tự nhiên là thích
làm đâu! Cha mẹ phải tập cho đứa trẻ mới được.
Nếu có những anh chị tốt, tử
tế như gia đình La-da-rô, thì các việc nói trên rất dễ làm. Nhưng, gặp trường
hợp anh chị em mình là những kẻ khó tính, ương ngạnh, ích kỷ: thật là khó vô
cùng. Tuy nhiên, chính ở đây, bổn phận yêu thương càng cần thiết gấp bội. Phải
coi như Thiên Chúa ký thác họ cho mình, để lo lắng và giúp đỡ cách đặc biệt, như
những con bệnh mình phải chăm sóc cho đến khi lành. Thánh Phêrô có viết thư
khuyên những người tôi tớ: “Anh em là gia nhân, thì hãy hết sức kính sợ, phục
tùng chủ, không chỉ những chủ tốt lành, khoan dung mà thôi, song cả những con
người ác nghiệt..Quả là một ơn sủng Chúa ban mà anh em phải chịu khổ bất công”
(1Pr 2.18-20). Hãy áp dụng lời dạy các tôi tớ ấy vào hoàn cảnh anh em trong gia
đình: mỗi người hãy coi như một ân sủng được phục vụ người anh em khó tính của
mình.
5/ Tình thương nhau còn đòi phải có sự công bằng. Mỗi đứa con đều được quyền ăn mặc, học hành và các sự cần
thiết như nhau, tuy được quyền sở thích và nguyện vọng riêng tuỳ tính tình, tuỳ
khả năng, Chúng ta hẳn còn nhớ chuyện Kinh Thánh kỳ trước: chỉ vì ông Yacóp thương
một đứa hơn, cho mặc áo đẹp và không bắt lao động như các anh, mà bị các anh
ghét và oán thù, Cha mẹ nên lưu ý kẻo sự đối xử chênh lệch của mình sẽ là đầu
mối gây bất hoà giữa các con cái. Nên nhớ: trẻ con rất nhạy bén khi thấy có sự
đối xử không công bằng. Còn giữa anh chị em với nhau, cũng đừng dành quyền lợi
hơn: ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn... Hãy nhớ Chúa Giêsu dạy: “Điều gì ngươi muốn
được người ta làm cho mình, thì ngươi cũng hãy làm cho người ta như thế” (Mt 7.12).
6/ Tình thương lại phải tỏ ra bên ngoài bằng hành động: nào là thái độ cử chỉ dễ thương,
không cứng cỏi, thô lỗ; nào là lời nói mềm mỏng, không có ý khinh bỉ, chọc
giận, hay cố anh bêu xấu cho người khác chê cười. Lời ăn, tiếng nói phải lịch
sự với nhau. Đừng vì thân mà suồng sã, thô bỉ. Có những đứa trẻ mở mồm nói thì
y như cóc cắn, cộc lốc. Hãy tập nói những cầu thần chú sau đây:
- Cám ơn,
- Xin làm ơn giúp cho...
- Nếu anh hoặc chị cho phép,
em sẽ...
- Xin lỗi…
Mấy câu ấy làm hởi lòng, hởi
dạ..., tình anh em thêm thắm thiết, vả lại cũng là những câu mà ai là người
lịch sự đều dùng.
7/ Tình thương cũng còn biểu lộ qua đôi chút quà tặng, dù chỉ là một quả mận hái trong
vườn, một trái me chua, một món đồ chơi ít tiền... Sau khi lỡ cãi nhau, biết
đem mấy cục kẹo đến làm hoà. Còn phải biết mở mắt ra mà nhìn cái gì mình có thể
làm cho anh chị em. Có nhiều người mù và cầm, chẳng bao giờ thấy anh chị em
mình cần gì hoặc buồn khổ ra sao mà giúp đỡ hay nói một lời an ủi... Lại có
những đứa gặp chuyện tranh chấp quyền lợi, hoặc trái tính, xung khắc, đã không
biết ôn tồn phân xử, lại nghĩ rằng: cứ dùng đấm đá, la lối, chửi rủa là xong
hết! Đó là cách xử trí của người mọi rợ! Chúng ta là người văn minh không đối
xử như thế! Hơn nữa, chúng ta lại là con Chúa, nên phải tập từ tốn giãi bày
quan điểm, biết nghe nhau, biết suy nghĩ, nhất là biết khiêm tốn nhận mình sai
lỗi, hoặc mình không đúng, còn người kia có lý.
Hiệu quả của tình thương giữa anh em ruột
thịt:
Trong gia đình sống thương
yêu, sau này ra ngoài xã hội sẽ sống tốt và dễ thành công trong cuộc đời. Như
vậy, gia đình là trường học căn bản về tình yêu đồng loại ngoài
xã hội. Dưới ánh mặt trời ấm nóng của tình
thương cha mẹ, ơn Chúa ban xuống linh hồn đứa trẻ khi chịu phép Rửa tội, sẽ như
mầm non mọc lên, làm nảy nở các nhân đức yêu thương, hi sinh, xả kỷ, phục vụ.
Cha mẹ sẽ lợi dụng mọi dịp
để cho con cái thấy các vấn đề luân lý chúng đang thực hành trong gia đình, sau
này sẽ phải thực hành ngoài xã hội. Chúng sẽ học biết: con người rất thiếu sót,
cần có nhau để bổ túc cho thau. Không ai được phép là một hòn đảo riêng rẽ.
Đừng chỉ lo cho quyền lợi riêng, còn phải biết để ý đến các quyền lợi và ước
vọng của người khác, như lời Kinh Thánh dạy: “Mỗi người đừng chỉ lo mưu lợi
riêng, còn phải nghĩ đến quyền lợi kẻ khác. Hãy xem gương của Đức Kitô đó kìa:
Ngài có quyền giữ chức vị và quyền lợi ngang hàng với Thiên Chúa, ấy thế mà
không, Ngài nhường lại hết, đành mang thân phận nghèo nàn, tôi đòi và hạ mình
vâng phục Chúa Cha cho đến chết” (Ph 2.4-11).
Không được tẩm nhiễm những ý
thức phục vụ và xả kỷ, các con cái dễ đâm lệch lác, sống ích kỷ. Làm sao cho
chúng hiểu có anh chị em ruột vây quanh mình là một ân huệ Chúa ban, hầu chúng
được nên con người tốt, xứng đáng, làm vinh dự cho đời chúng. Được phục vụ
người khác phải là một niềm hạnh phúc của con người, đúng như Chúa dạy: “Cho đi
thì hạnh phúc hơn là lãnh nhận” (Cv 20.35). Cho chúng hiểu cái tai hoạ của đứa
trẻ sống một mình, sẽ trở nên ích kỷ ghê sợ, không chơi với ai được, việc học
hành của nó cũng sẽ chậm hơn, vì không có ai tranh đua, đời sống sau này của nó
sẽ khó biết thông cảm với người khác, khó hoà đồng, khó sống với bà con, họ
hàng, cộng đoàn và xã hội. Vào đời sống xã hội sau này, nó mới thấy khổ sở, vào
đời chức nghiệp mới thấy thiệt thòi, vào đời sống vợ chồng sẽ dễ bị tan vỡ...
Còn đứa trẻ nào biết sống tốt đẹp tình huynh đệ với anh chị em mình, sau này dễ
trở nên người chồng, người vợ tốt, người cha, người mẹ tuyệt vời.
Một điều nói thêm sau cùng
là tình anh em ruột thịt phải kéo
dài qua tuổi nhỏ cho đến suốt đời. Trong nhiều gia đình, tình
anh em chấm dứt khi một người ra đi lập gia đình. Nơi phong tục Đông phương
chúng ta, tình gia đình, họ hàng vốn bền lâu, mặn mà. Đó cũng là ưu điểm. Chúng
ta sẽ không bỏ rơi người anh, người chị đã ra đi mà gặp thiếu thốn, đau buồn
hay hoạn nạn, chúng ta biết chia vui sẻ buồn với họ, lúc họ gặp may mắn, thành
công hay gặp rủi ro, thất bại... Kìa xem gương Đức Mẹ Maria: thân gái dặm
trường đi bộ cả trăm cây số (lúc ấy làm gì đã có xe đò) để đến thăm bà
E-li-sa-bet và chúc mừng bà sắp có con lúc tuổi già hiếm muộn. Sau đó, ở lại
luôn ba bốn tháng để phục vụ bà ấy thai nghén nhọc mệt: nào Đức Mẹ quét nhà,
thổi cơm, nấu nước, giặt giũ và nâng giấc bà ấy, cho đến ngày mẹ tròn con vuông
rồi mới trở về nhà (Lc l.39-56).
Tích truyện
Người ta thuê một hoạ sĩ trứ
danh đến vẽ một bức ảnh Thánh Phan-xi-cô khó khăn thật lớn, để trang hoàng Đền
Thờ. Hôm hoạ sĩ bắt đầu, một tu sĩ dòng Phan-xi-cô đến dặn ông:
- Xin lưu ý! Thánh
Phan-xi-cô không có râu đâu! Ông phải vẽ cho đúng như vậy.
- Vâng, tôi sẽ làm ngài vừa
ý!
Hôm sau, một tu sĩ cũng Phan-xi-cô,
nhưng thuộc ngành Ca-pu-xi-nô, có thói tục để râu, đến dặn:
- Hoạ sĩ nên nhớ Thánh
Phan-xi-cô, cha chúng tôi, có râu đàng hoàng, phải vẽ cho đầy đủ!
- Vâng, xin ngài cứ yên tâm!
Thế là cuộc tranh chấp giữa
việc có râu và không râu bùng nổ. Các anh em cùng một cha, song chia làm hai
nhóm, cứ đến quấy rầy hoạ sĩ, làm ông điên đầu, không biết ngả theo phe ai. Sau
cùng, ông nảy ra ý kiến: treo một bức màn che, ông ngồi sau bức màn ấy mà vẽ,
kèm theo tấm bảng tuyên bố: “Ngày khánh thành mới được hạ màn và ai nấy sẽ thoả
mãn”.
Ngày khánh thành đến, anh em
dòng hai phe và giáo dân trong vùng kéo nhau đến thật đông. Nghi lễ khai mạc
bắt đầu, và sau bài diễn văn, màn từ từ hạ xuống, mọi người nín thở, hồi hộp...
Trên khung ảnh, Thánh Phanxicô hiện ra, nằm dài, đang đau liệt, mình đắp chăn.
Oái oăm thay! Chiếc khăn ấy lại kéo lên quá cằm, khiến chẳng ai biết ông tổ lập
dòng của mình có râu hay không râu! Đúng là bên nào cũng được thoả mãn, nghĩ
ngài có râu cũng được, không râu cũng được.
100 BÀI GIÁO LÝ KINH THÁNH
Lm Ph. HOÀNG MINH TUẤN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét