100 BÀI GIÁO LÝ KINH THÁNH : BÀI 20
TÌNH HỌ HÀNG GIA TỘC
Trích
Sách Tô-By-a, ch.5tt
Ngày ấy, Ông Tô-bít sai con trai là Tô-by-a đến miền xa
đòi nợ. Dù đường dài thăm thẳm, Tô-by-a và người bạn đường cũng tạt vào làng
Ê-ba-tan để thăm ông bà Ra-ghen là chú thím. Bước vào sân, họ gặp ông Ra-ghen
đang ngồi chơi, Tô-by-a cất tiếng chào. Hơi bỡ ngỡ, ông đáp lễ và dẫn hai người
vào nhà. Ông nói với vợ là bà Eđ-na:
- Cậu thanh niên này sao mà giống Tô-bít, anh tôi quá!
Bà Eđ-na hỏi họ:
- Anh em từ đâu đến?
Họ đáp:
- Chúng tôi là dòng họ Nep-ta-li, bị lưu đầy ở Ni-ni-vê.
- Anh em có biết Tô-bít, người bà con của chúng tôi
không?
Tô-by-a nhanh nhảu nói:
- Có chứ, chính ông ấy là cha
của cháu!
Nghe vậy, ông Ra-ghen vui mừng,
tiến lại ôm lấy cậu, áp má vừa hôn, vừa khóc:
- Xin Chúa chúc lành cho cháu. Ta là Ra-ghen, chú họ của
cháu. Cháu là con của một người cha tốt lành, đức độ. Khốn nỗi, một người nhân
nghĩa, hay làm việc lành và bố thí như vậy, mà lại bị mù loà.
Ông
Ra-ghen có cô con gái độc nhất, rất xinh đẹp và đảm đang – tên là Sa-ra - khi
nàng nghe nói thế cũng vui mừng khóc lóc. Đoạn họ làm cơm thết đãi.
Thoạt
thấy cô Sa-ra, Tô-by-a đã đem lòng quí mến. Đến sau, lại được biết nàng là gái
chưa chồng. Chiếu theo luật Môi-sen, chàng là người bà con gần nhất có quyền
cưới cô hơn ai khác. Chàng đâm ra yêu nàng và tâm hồn chàng gắn bó với nàng.
Mới
ngồi vào tiệc, Tô-by-a đã nhờ bạn ngỏ lời xin gả Sa-ra cho chàng. Ông Ra-ghen
tươi cười đáp:
-
Cháu cứ ăn uống đi đã, ngoài cháu ra, không ai có quyền lấy Sa-ra, con của chú.
Nhưng...
Nói
đến đây, ông ngập ngừng, vẻ mặt buồn bã... Tô-by-a
hồi hộp chờ đợi.
- Nói gần nói xa, chẳng qua nói
thật. Chú đau lòng phải tỏ cho cháu biết là: trước khi cháu tới đây, chú thấy
hai gia đình ta cách xa ngàn dặm, nên chú
đành gả nó lần lượt đến 7 người chồng. Nhưng không hiểu sao, 7 người đều chết
ngay đêm động phòng! Thôi, cháu cứ ăn uống đi... việc đâu còn đó, để Chúa sẽ
xếp đặt mọi sự!
- Cháu sẽ không ăn uống gì, bao
lâu chú còn trù trừ về việc của cháu!
Ra-ghen mím môi đáp, sau một
lúc suy nghĩ:
- Thôi được! Chiếu theo phán
quyết của luật Môi-sen, ta ban nó cho cháu đó. ý Chúa muốn như vậy. Cầu Chúa
trên trời ban cho hai con mọi bề xuôi thuận đêm nay, và đổ xuống cho hai con
lòng thương xót và bình an.
Gọi nàng Sa-ra lại, ông cầm tay
nàng đặt vào tay Tô-by-a. Ông gọi vợ lấy giấy viết tờ hôn thú. Đâu vào đấy, họ
bắt đầu ăn tiệc.
Chiều tối, Tô-by-a vào phòng,
nhớ lời dặn của người dẫn đường chính là thiên thần Ra-pha-en - chàng lấy gan
và tim con cá bắt được ở sông lúc đi dọc đường, đặt lên lò than đốt cho khói
xông lên, xua đuổi tà ma đã khuấy khuất Sa-ra và giết 7 chồng trước của cô, làm
chúng phải chạy trốn. Thiên thần Ra-pha-en đuổi theo bắt trói lại (8.1-3). Lúc
ấy, chàng mời Sa-ra cùng quì gối cầu nguyện, xin Thiên Chúa thương xót và phù
hộ cho hai vợ chồng được an toàn, hạnh phúc đến tuổi già.
Cùng lúc đó, ông bà Ra-ghen
cũng lén chỗi dậy, gọi gia nhân đi đào huyệt sẵn. Ông nói:
- Mong sao nó đừng bị giết như
7 chàng rể trước, không thì ta thành bia cho người đời mai mỉa.
Rồi ông bảo bà sai tớ gái lén
ngó vào phòng xem chàng rể còn sống không, rủi chết thì đem chôn ngay đêm ấy,
đừng để ai biết. Đứa tớ gái lén ngó vào phòng, thấy cặp vợ chồng đang ngủ ngon
giấc an lành bên nhau. Được biết vậy, ông bà cất tiếng chúc tụng và tạ ơn Thiên
Chúa. Hôm sau, ông vui mừng mở tiệc lớn suốt hai tuần lễ.
* Đó là Lời Chúa? - Tạ ơn Chúa!
Suy niệm Lời Chúa
Qua câu chuyện Kinh Thánh vừa
kể, được thấy rõ tình họ hàng thân thiết gắn bó nhau, Hai gia đình ông Tô-bít
và Ra-ghen, tuy người bị lưu đầy sang xứ lạ, kẻ được thong dong nơi quê nhà,
nhưng hằng thương nhớ nhau. Dù đường sá xa xôi, nhưng nghĩ tình họ hàng, cậu
Tôbya cũng cố gắng rẽ vào thăm hỏi, và biết đâu! Để thưởng cho lòng thảo kính
đó, Thiên Chúa đã ban cho chàng một món quà quí báu: cô Sa-ra xinh đẹp và đảm
đang làm vợ chàng. Luật Môsê thời ấy làm cho tình họ hàng thêm chặt: anh em họ
phải lấy nhau để giữ được dòng giống, giữ lấy đức tin cho con cháu và bảo vệ
tài sản khỏi lọt vào tay người ngoài.
1/ Nhìn vào xã hội các tổ phụ thời ấy - mà Kinh Thánh cho ta biết - con cái không chỉ sống với
cha mẹ, mà còn cả với ông bà, chú bác, cô dì... Lòng trọng kính, tình thương
mến của chúng phải vượt quá giới hạn hẹp hòi của gia đình, mà đi tới cả họ
hàng, bà con. Chúng phải tập ngay từ nhỏ biết chào hỏi người trong họ hàng cách
lễ phép, biết đi thăm viếng họ, chia vui sẻ buồn, dự các dịp lễ hoặc mừng kỷ
niệm, biết báo tin cho những bà con ở xa, biết giúp đỡ những người trong hoàn
cảnh nghèo khó, hoạn nạn, nhất là những người già cả, đau ốm...
2/ Trong hoàn cảnh sinh sống của ta hiện thời, sự liên lạc và đoàn kết trở nên rất khó khăn: nào chiến
tranh loạn lạc, hoặc do hậu quả của chiến tranh, bà con, họ hàng mỗi người đi
mỗi nơi làm ăn, lập nghiệp, rồi đường sá, tàu bè khó khăn: đời sống đắt đỏ,
kinh tế eo hẹp: trừ một số nhỏ làm ăn có tiền của, còn đa số chật vật kiếm cơm
hàng ngày, không còn thời giờ nhàn rỗi: tất cả những khó khăn kinh tế và vật
chất ấy làm cho người ta ngại đến thăm viếng nhau, sợ gây gánh nặng cho nhau,
và cứ thế, tình gia tộc càng ngày càng lợt lạt dần.
Do đó, tình thân thiết với họ hàng của mỗi gia đình có thay đổi: tại
gia đình này, người ta chỉ nói đến họ hàng cách khinh bỉ; còn tại gia đình kia,
họ hàng được quí trọng, biểu dương, như gương mẫu đức hạnh hay gương thành công
trên đường đời, làm cả họ thơm lây. Tại nơi này, trẻ con thấy họ hàng đôi bên
kình địch nhau; tại nơi khác, trẻ con lại được thấy dẫn giải một lòng tôn
trọng, quí mến và săn sóc ông bà nơi, ngoại... Có nơi, con cái thấy ông bà bị
đối xử cách lạnh nhạt, vô tình, thậm chí mắng nhiếc tàn tệ...
Vậy ta hãy tìm xem Chúa muốn sao?
3/ Thiên Chúa đã muốn ta sinh
ra không chỉ có cha, có mẹ, mà còn có họ hàng, chú bác, cô dì, ông bà nội
ngoại, anh em thúc bá, vv… Ta bắt rễ vào trong gia đình, mà rễ còn ăn lan xa và
sâu vào cả họ hàng, tông tộc. Nói không ngoa, cả tông tộc nuôi dưỡng và hun đúc
ta thành người. Ta không thể bỏ qua, mạnh ai nấy sống, không đếm kể gì đến dòng
dõi, tông tộc: họ có ảnh hưởng đến số phận đời ta, trên bản ngã và cá tính của
ta. Vì thế, tục ngữ xưa nay có câu: “Con nhà tông, không giống lông cũng giống
cánh” - “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống” Kinh Thánh nói rằng: vị vua anh
minh, xuất từ dòng dõi Đavít - có ý nói về Chúa Cứu Thế - sẽ là vị vua được hun
đúc bằng mọi đức tính của các tổ tiên: Thần Khí khôn ngoan và trí tuệ như
Salômôn, thần khí mưu lược và anh dũng như Đavít, thần khí đạo đức và kính sợ
Thiên Chúa như các tổ phụ, các tiên tri... (x. Ys 11.1-5).
Cho nên, cha mẹ và các nhà giáo
dục phải chấn hưng lại tình gia tộc vun trồng liên hệ họ hàng bằng lời nói,
hành động, khi có cơ hội: dạy vẽ cho con cái biết giữ những liên lạc tốt đẹp
với họ hàng: lòng yêu thương, sự kính trọng, tình thân ái, sự tương trợ, sự tín
nhiệm vào nhau, giúp đỡ nhau trong lúc khốn khó, lúc hoạn nạn, ốm đau, trong
những dịp vui buồn, tang chế, cưới hỏi, sinh đẻ, biết đi lại thăm viếng, chia
vui sẻ buồn, như Đức Mẹ đi thăm bà Ê-li-sa-bet, đang mang thai lúc tuổi già mệt
nhọc... (Lc 1.39tt).
Xin đề
nghị:
Một trong những dịp tốt để vun
quén anh thân ái trong gia tộc là ngày lễ giỗ. Mỗi năm một lần, cả gia tộc họp về nhà của tộc trưởng: trước
hết, cùng chung dự Thánh Lễ giỗ tại nhà thờ, sau đó về nhà, tất cả dự bữa cỗ để
chung niềm vui sum họp: biết bao tin tức vui buồn, lúc ấy người ta kể cho nhau
nghe... Các con cháu nhỏ được nhận mặt chú bác, cô dì và anh em họ hàng..., chúng
sẽ nhận thấy chúng là thành phần của một tập thể mạnh mẽ, lớn rộng..., hẳn
chúng được hãnh diện và cảm thấy được bảo vệ, che chở... Uy tín của cả một gia
tộc như thế, có ảnh hưởng rất lớn trên cách ăn ở của chung. Tục ngữ có câu:
“Sảy cha còn chú, sảy mẹ bú dì” - cha mất đi, mẹ goá, nhiều khi dạy bảo con
không được, thì nhờ có chú bác, cô dì bảo ban, khuyên lơn, chúng sẽ kính nể mà
vâng nghe...
Buổi lễ giỗ ấy cũng là lúc mà
nếu có vấn đề gì trong gia tộc, người ta sẽ đem ra bàn bạc và giải quyết. Người
công giáo thường bị người lương chê là theo đạo bỏ ông bà, bỏ tổ tiên, lơ là
với gia tộc. Thực ra, ta không đáng bị chê trách như thế, song xét kỹ, cũng có
phần nào đúng. Ta cứ lấy nê đã xin lễ riêng cầu cho linh hồn ông bà, cha mẹ và
các tiên nhân, hoặc hàng ngày vẫn cầu nguyện cho linh hồn các ngài..., để mà
gạt bỏ những tập quán, những tục lệ tốt đẹp bên ngoài - tỉ như cuộc lễ giỗ tại
nhà trưởng tộc nói trên - rất cần thiết để nuôi dưỡng anh thân ái trong gia
tộc; vì bên trong cần biểu lộ ra bên ngoài, bên ngoài cần nâng đỡ bởi tâm tình
bên trong, cả hai bổ túc cho nhau; bởi chúng ta vừa là tinh thần mà lại vừa có
thể xác: hữu ư trung, xuất hình ư ngoại! Đạo công giáo cần phải trở về những
tục lệ tốt của dân tộc. (Xin giới thiệu cuốn “Người Công giáo VN với đạo hiếu”
của Linh mục Trần Hữu Thanh).
Chiều nay, làm giờ đền tạ này,
gia đình chúng ta xin Chúa tha
thứ các lỗi phạm đến tinh thần gia tộc, để nhờ Lời Chúa, ta ý thức hơn, từ nay
sẽ chỉnh đốn cho hợp với ý Chúa.
Tích truyện
(Trích hồi ký của một linh
mục)
Hồi ấy, tôi còn nhỏ, chừng 11
tuổi; như mọi đứa trẻ khác, tôi rất mong Tết đến. Tết thì được mặc áo mới, được
mừng tuổi, những đồng xu mới vàng óng, đẹp ghê đi! Có tiền là mua pháo đốt
chơi: nào pháo đùng, pháo giây, pháo chuột, pháo tép, pháo xiết... Châm ngòi,
rối tung pháo vào giữa tụi con gái, làm chúng bịt tai vừa chạy, vừa la, thú
thật!
Tết còn được ăn cỗ: những bữa
cỗ ngon lành, đủ thứ của ngon vật lạ ngày thường ít thấy..., rồi được ăn bánh
chưng xanh, ăn giò thủ... ông tôi lại thường hay chế rượu mùi: rượu đào, rượu
cúc..., uống vào ngọt lừ, thơm phức mà không say. Tết còn là dịp về quê ngoại
thăm họ hàng. Trên con đường vào làng, khí trời côn lạnh, thường khi có mưa
phùn bay lất phất; nhưng khi vào đến nhà, thật là ấm áp: những cầu chào nhau và
chúc mừng năm mới tíu tít, vang lên ấm cả lòng. Các cháu nhỏ như tôi được xoa
đầu, mừng tuổi dăm ba xu “cho cháu ăn quà, chóng lớn, học hành thi đỗ…”
Nhưng trong dịp đầu Xuân, cái
làm tôi nhớ không bao giờ quên, tuy đã hơn 40 năm rồi, đó là cứ mùng một, tại
nhà ba mẹ tôi - ba tôi là trưởng tộc - tất cả các cô bác, chú dì anh em, họ
hàng đều từ khắp nơi đổ về. Sau Thánh Lễ chung ở nhà thờ xứ, về đến nhà, trước
hết, là thắp đèn nến bàn thờ lên, cả gia tộc cùng nhau đọc kinh thờ lạy Chúa và
kính Đức Mẹ, dâng cả năm mới cho Chúa và xin Chúa chúc lành, ban ơn phù hộ.
Ông bà tôi - các cụ lúc ấy
khoảng hơn 60 - ngồi trên ghế ngựa kê trước bàn thờ, chung quanh là cha mẹ, chú
bác, cô dì, tất cả đều hướng về bàn thờ. Tôi còn nhỏ, nên đọc kinh thì ít, mà
lo ra thì nhiều... Có lúc nhìn lên bàn thờ đèn nến sáng trưng, ảnh Chúa thật uy
nghi mà nhân từ, cạnh bàn thờ là hai chậu quất và hai chậu cúc vàng... Nhìn đến
mẹ tôi, thấy bà đang đọc kinh lớn tiếng, mắt đăm đăm hướng về bàn thờ: mẹ tôi
có vẻ sùng kính lạ thường, có lúc không biết vì tưởng nhớ chuyện gì buồn, mẹ
tôi lại ràn rụa nước mắt... Kinh nguyện xong xuôi, cả gia tộc mời ông bà ngồi
xuống hai chiếc ghế gụ, có đệm bông, rồi xúm lại chúc tết. Anh cả tôi, là cháu
đích tôn, đại diện cả gia tộc đọc bài chúc tết anh đã hì hục dọn cả tuần lễ
trước. Dứt bài: đốt pháo nổ vang. Xong đến ba mẹ, cô chú, thím dì đến chúc mừng
ông bà. Khi đến phiên chúng tôi, được ông bà và ba mẹ cùng cả họ hàng mừng tuổi
bằng những đồng tiền mới...
Thế rồi, đang khi đợi đến trưa
ăn cỗ, chúng tôi chạy ra sân hoặc ra phố chơi, đốt pháo, hoặc ở trong nhà rủ
nhau rút bất, đánh tam cúc... Thật là êm đềm!
Tưởng nhớ lại kỷ niệm xưa, mà
lòng còn bùi ngùi nhớ tiếc... tình gia tộc thật là đậm đà! Chúng tôi được hun
đúc trong tình gia tộc ấy. Lên lên, mỗi người mỗi phương trời, còn tôi được ơn
gọi làm linh mục, nhưng tình tự gia tộc không bao giờ phai. Nó là sức nâng đỡ
cho tôi trong cuộc đời, là niềm an ủi cho tôi lúc buồn khổ. Đến nay, đã hơn 40
năm, những khuôn mặt thân ái ấy vẫn còn phảng phất trong trí nhớ, ấp ủ trong
trái tim tôi: trong số đó, có người còn sống, có người đã ra đi, có người đã
nằm xuống yên giấc ngàn thu. Nhưng với niềm hi vọng sống lại mà Chúa Kitô phục
sinh ban cho, chúng tôi mong sau này chắc chắn sẽ được sum họp lại với nhau trên
Nước Hằng Sống, nơi mùa Xuân sẽ không bao giờ tàn.
oooOooo
100 BÀI GIÁO LÝ KINH THÁNH
Lm Ph. HOÀNG MINH TUẤN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét