Trang

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

100 BÀI GIÁO LÝ KINH THÁNH : BÀI 23 THIÊN CHÚA CHỌN NGƯỜI ANH DŨNG

THIÊN CHÚA CHỌN NGƯỜI ANH DŨNG

Trích sách thẩm phán, ch.7

Quân Ma-đi-an kéo 135.000 người đến xâm lăng đất Israen. Thiên Chúa ban Thần Khí xuồng trên ông Ghê-đê-ôn, làm ông mạnh sức, đứng lên triệu tập dân chúng để cứu Israen. 32.000 trai tráng can đảm đáp lại tiếng gọi trưng binh của ông. Để cho họ thêm phấn chấn, Ghê-đê-ôn kêu lên Chúa:

- Nếu quả thực, Người định dùng tay tôi để cứu Israen, xin hãy làm một phép lạ: nay tôi trải một mảnh lông chiên ngoài sân, sương đêm chỉ làm mảnh lông ấy ướt đẫm, trong khi chung quanh mặt đất vẫn khô.

Và đã xảy ra đúng như vậy. Sáng hôm sau, ông dậy sớm và vắt sương tự lông chiên ra đầy một tô nước. Ông lại xin một dấu ngược lại, là đêm sau, mảnh lông chiên thì khô, đất chung quanh được sương thấm ướt. Và Thiên Chúa đã làm y như vậy. Thánh ý Thiên Chúa đã quá rõ ràng. Toàn đạo quân nức lòng sẵn sàng quyết tử chiến. Nhưng Thiên Chúa phán:

- Quân như thế quá đông, nếu thắng trận, họ sẽ cho là do tài sức mình mà đâm vinh vang, kiêu ngạo. Ngươi hãy ra lệnh cho kẻ nào sợ sệt hãy lui về nhà.

Thế là 22.000 lui về, chỉ còn một vạn. Thiên Chúa vẫn còn cho là quá đông:

- Ngươi hãy dẫn tất cả đến suối nước, ở đó, Ta sẽ luyện lọc họ cho ngươi... Kẻ nào không chịu quì gối xuống uống nước, mà chỉ múc nước vào bụm tay mà hớp như chó tớp nước, thì hãy chọn những kẻ ấy.

Số người này là 300 người. Còn quân Ma-đi-an, đóng trại ở đồi trước mặt thì đông như châu chấu, lạc đà của chúng không biết cơ man nào mà kể. Ghê-đê-ôn vững lòng tin vào Chúa. ông chia 300 người làm 3 cánh quân, sườn đeo tù và, tay cầm vò rỗng, dấu một bó đuốc bên trong. Vào canh khuya đêm ấy, ba cánh quân theo ba đường lẻn vào doanh trại địch quân, đồng một trật thổi tù và, vừa la hét: “Thánh chiến cho Yavê!”, rồi đập bể vò, đuốc bừng sáng như muôn ngàn vùng lửa, làm địch quân đang ngủ giật mình, mắt nhắm mắt mở, tưởng là quân Ghê-đê-ôn đông hằng hà sa số, nên sợ hãi, họ bỏ lều chạy tháo thân...

Chỉ với 300 người anh dũng, Ghê-đê-ôn đã đánh bại được cả một đạo quân đông đảo.

* Đó là Lời Chúa! - Tạ ơn Chúa!

Suy niệm Lời Chúa

Không cần nhiều, chỉ cần những người anh dũng. Những người này tỏ chí khí ngay trong việc uống nước. Sau khi tập trận, ai cũng khát, song rất nhiều kẻ quen thói ươn ái, lè phè, đành lòng quì gối để uống cho đã, cho no bụng... Thế thì còn làm gì được nữa, huống hồ đánh giặc! Họ chỉ lo no nê, thoả mãn cái bụng, làm sao quả tim còn dũng khí được? Còn 300 người đặc biệt kia, trái lại, không quì gối, chỉ vốc nước bằng tay, rồi vội vàng tớp nước gọi là cho đỡ khát, để còn đủ nhẹ nhàng, nhanh nhẹn mà chiến đấu. Và Thiên Chúa bảo tướng Ghê-đê-ôn chọn mấy người đó để làm nên đại sự.

Phần chúng ta cũng vậy, cũng chia hai phe:

Đa số nghe theo tiếng gọi của thế gian, nghe theo luận điệu của người đời bày vẽ: hãy sống như chúng tôi, như mọi người: nào là kiếm cho thật nhiều tiền bằng bất cứ thủ đoạn nào: gian dối, móc ngoặc, chạy mánh..., nào ăn thật ngon, xào nấu món này phải thêm cái nọ cái kia, ngũ vị hương, tương, ớt, hành mới thật hết xẩy, nếu cần cho vợ con đi học gia chánh về để phụng sự cái bụng mình... Đi đâu cũng hỏi có quán nhậu nào ngon nhất, thì dù xa mấy cũng tìm cách tới ăn...; nào phải chơi cho đã, mặc cho đẹp, cho đúng mốt, đúng thời trang, người ta mới có mốt ống túm, phải bỏ hết quần áo đang mặc, dù còn tốt, để may quần ống túm, đến khi quần ống loa lại đổi sang ống loa, đến lúc mốt “đít-cô”, lai đua đòi, mốt “áo bay”, cũng chạy theo..., quên rằng mặc để che thân, chứ không phải mặc đề chưng diện, cũng như ăn để sống, chứ không phải sống để ăn! Thế là họ cung phụng thân xác, làm nó hư hỏng!

Còn một số khác nghe theo Lời Chúa, nghe giảng dạy ở nhà thờ, đọc sách thiêng liêng, đạo đức dạy hãy từ bỏ mình, vác thập giá, phải hãm dẹp các chi thể đang làm giặc trong mình, vì một trong ba kẻ thù ghê gớm là xác thịt mình; nên họ ra sức kìm hãm những thói lăng loàn, những đòi hỏi thể xác quá trớn, sống thanh đạm, rèn luyện thân xác cho mạnh mẽ, để phục vụ cho linh hồn được sáng suốt, tinh anh, làm chủ các dục vọng và đam mê, đúng như Lời Chúa: “Những ai thuộc về Chúa Kitô, thì đã đóng đinh tính xác thịt và các đam mê vào thập giá” (Galát 5.24). Họ xứng đáng làm lính của Chúa Kitô, thân xác họ xứng đáng làm Đền Thờ Thiên Chúa, và xứng đáng hưởng sự sống lại ngày tận thế.

Vì sao hai hạng người nói trên sống khác nhau như thế? Thưa: vì hạng thì có một quan niệm đúng đắn về đời sống thể xác, theo như Chúa dạy và giáo huấn của Hội Thánh; còn hạng kia thì nghe theo quan niệm của người đời và thế gian dạy họ.

Vậy chúng ta hãy có một lòng tin cho rõ rệt, đúng đắn một lần cho hẳn về đời sống thể xác, hầu biết sống đúng mức.

Bài kỳ trước đã nói sơ qua: sự sống, thân xác, là một ơn huệ, là một quà tặng quí báu Thiên Chúa ban cho ta. Bởi đó, ta có hai bổn phận phải làm:

- Tạ ơn Chúa,

- Tôn trọng sự sống và thân xác, đừng để tội lỗi xâm phạm làm hư hỏng.

Kỳ này, ta chỉ xét về:

Bổn phận thứ nhất là tạ ơn: Hãy xem Đức Giêsu: Ngài đã cất tiếng cảm tạ Chúa Cha: “Lạy Cha! Cha đã nắn nên một thân xác cho con...” (Hr 10.5), thân xác đã do quyền phép Chúa Thánh Thần, lấy chất liệu trong lòng trinh khiết của Đức Mẹ. Đức Giêsu đã có một thân xác như chúng ta, không khác mảy may. Vì ta tin Đức Giêsu là Thiên Chúa, rồi cứ gọi Ngài là Chúa, cộng thêm việc Ngài sống xa cách ta cả 2.000 năm..., tất cả những cái đó hợp lại, làm ta có cảm tưởng Ngài thiêng liêng quá! Hình ảnh Ngài trong tâm trí ta là hình ảnh cao siêu, vô hình; mà ta quên Ngài có một thân xác như ta. Ngài đã sinh ra, đã sống đời trẻ thơ, đã chơi với các bạn lối xóm, đã lớn lên như một chú tập sự thợ mộc bên cạnh ông Giuse. Từ nhỏ, cậu Giêsu quen lao động, và nhờ ông Giuse dạy bảo, tập tành, cậu dần dần biết sửa cái cầy, cái bừa.:., biết đóng bàn, đóng ghế... Chắc nhiều lần cậu Giêsu đã phải vác các khúc gỗ nặng từ xa về xưởng mộc của bố Giuse, hoặc khuân đi trao cho khách hàng những đồ đạc bằng gỗ đã hoàn thành. Sau này, trên đường rao giảng Nước Trời, Đức Giêsu luôn đi bộ trên đường dốc dác, gồ ghề của quê hương toàn đồi núi. Có những ngày, Ngài phải đi một mạch từ Yêrusalem đến Ga-li-lê, đường dài 150km. Phải có sức khoẻ và dầy dạn gió mưa lắm, Ngài mới có thể ăn ngoài đường, ngủ ngoài trời, ngày thì nóng như thiêu, đêm thì lạnh như cắt, nơi cái xứ sở miền cao nguyên ấy. Mà lại thiếu thốn nữa chứ: “Con chồn có hang, con chim có tổ, còn Con Người không có cái kê đầu” (Mt 8.20). Vậy mà, có lúc Ngài ngủ say đến độ thuyền bị sóng xô, gió nhào, lồng lên, lộn xuống mà Ngài vẫn không thức giấc. Ta có thể tưởng tượng thân thể Ngài phải khoẻ mạnh và dẻo dai đến mức nào, để chịu được một cuộc ăn chay dài 40 ngày đêm không?

Vậy, là Kitô hữu, ta không được khinh rẻ thân xác; trái lại, theo gương Đức Giêsu, ta phải biết cảm tạ Thiên Chúa, vì đã nắn cho ta một thân xác tuyệt diệu, một tuyệt tác của Thiên Chúa. Mới đây, có ai đã ca tụng - dù chỉ mới một phần của thân xác ấy - là Đôi Mắt:

“Mẹ cho em đôi mắt sáng ngời,
để nhìn đời và để làm duyên.
Đời cho em đôi mắt màu đen
để thương, để nhớ, để ghen, để hờn.
Đôi mắt em là cửa ngõ tâm hồn,
là bài thơ hay nhất,
là lời ca không dứt,
là tuyệt tác của thiên nhiên”...

Mà cách cảm tạ Thiên Chúa hay nhất là làm thế nào cho thân xác ấy được mạnh khoẻ, đầy sinh lực, dẻo dai, tươi trẻ, đẹp đẽ, làm dụng cụ để linh hồn sai khiến mà vươn lên cao và phục vụ anh em đồng loại. Muốn thế, ai cũng biết là phải gìn giữ thân thể sạch sẽ, gọn gàng, ăn mặc tử tế, biết ăn uống đủ chất dinh dưỡng, cho dù thanh đạm, biết ngủ nghỉ đủ giờ, biết giải trí... Có một điều ta nên nhấn mạnh hơn, nhất là trong xã hội ngày nay, là phải vận động, tập thể dục, tập dưỡng sinh... Tây phương có câu: “Hồn lành trong xác mạnh”. Trừ những ai lao động nhiều không kể, thường thì đa số cả ngày ngồi hoặc làm việc bàn giấy, văn phòng, ít vận động, thân thể cứ mập béo ra mà không rắn rỏi, dẻo dai... Ngày nay, người ta lập ra những môn thể dục, thể thao rất hay như: y võ dưỡng sinh, thể dục nhịp điệu... và các phong trào thể thao: bơi, đua bóng, chạy... Các người cha mẹ và nhà giáo dục hãy gợi nơi con em mình sớm có tính yêu thích thiên nhiên, thích đi dạo chơi ngoài trời, về đồng quê, đi tắm biển, tắm sông... thay vì để chúng chúi vào xó tôi đánh cờ, đánh bạc, hút thuốc... hay ngồi thụ động cả ngày xem ti vi, xem vidéo hoặc đọc truyện...

Sở dĩ chúng ta cổ võ thể dục, thể thao, vệ sinh và tập thân thể trong bài Lời Chúa của giờ đền tạ có tính cách thiêng liêng, đạo đức này, là có ý nhấn mạnh đến câu: Hồn lành trong xác mạnh! Tức là, nhấn đến tập luyện thân xác cho mạnh mẽ, bền dai để không những làm vinh quang cho Thiên Chúa trước hết, sau là để trở nên dụng cụ nâng nỡ tâm hồn. Vì một người biết làm chủ thể xác, thì cũng dễ làm chủ linh hồn mình. Hồn và xác có ảnh hưởng trên nhau. Tỉ dụ: một người luôn luôn ăn ở dơ bẩn, áo quần lôi thôi..., đó là một người lười biếng. Thế thì trong tâm hồn, người ấy cũng rất dễ lười biếng, không có nghị lực tẩy rửa hồn mình sạch các tính xấu, các đam mê, dục vọng, mà cứ để buông tuồng, luộm thuộm. Cũng vậy, người không có trật tự ngoài thể xác, bạ đâu quăng đó, đồ đạc lung tung, bừa bãi..., tức cũng không có nghị lực mà sắp xếp, dọn dẹp những điều bề bộn trong tâm hồn được.

Nhưng, buồn thay! Thời nay người ta lại đi quá đà trong việc tập luyện cho thân xác, chăm lo thân xác đến mức ta tưởng là họ thờ phụng thể xác. Báo chí, tập san tranh ảnh, máy thu thanh và truyền hình lôi kéo người ta chú ý đến các kỷ lục điền kinh, thế vận hội..., đến chức vô địch trong thể thao, bóng đá, bơi lội..., đến các cuộc thi đua bắp thịt, thi đua sắc đẹp thân thể... Như thế, người ta không còn coi thể dục, thể thao như một phương pháp phát triển thân thể, mà trái lại, sử dụng nó như khí cụ để chiếm giải. Một ví dụ về những cảnh gai mắt: các phụ nữ thi chạy đua 4.000m, 5.000m, tóc tai rối bời, mặt mũi hốc hác, bơ phờ, tay chân gân guốc, gớm ghiếc..., nào còn đâu vẻ diễm lệ của nữ tính, vẻ mềm mại, đáng yêu của phụ nữ. Để khoẻ mạnh, phụ nữ đâu cần phải đua đòi với nam giới cái kiểu đó, thiếu gì cách tập cho thân thể khoẻ mạnh, máu huyết lưu thông mà vẫn giữ được duyên dáng của mình! Còn biết bao điều quá trớn như thế nữa...

Trong giờ đền tạ này, chúng ta xin Chúa thứ tha, vì đã không biết cảm tạ Chúa đã ban cho ta một thân xác tuyệt diệu, và đã không biết phát triển thân thể quí báu ấy. Ngược lại còn phá huỷ nó bằng đủ cách: nào rượu, nào cà phê, thuốc lá, thuốc phiện, cần sa, ma tuý và các việc độc hại khác..., làm thân thể tuyệt tác, tinh vi của ta đâm yếu nhược, nếu không chết ngay, thì cũng ốm o, xo bại, chẳng ích cho ai, làm hại cho mình, vạ lây cho người khác.

Gia đình ta thề quyết với Chúa từ giờ phút này, từ bỏ các điều độc hại đó. Xin Chúa ban ơn can đảm, ban ơn phù giúp và ban ơn yên ủi.

Tích truyện

Trong một chuyến phản lực từ Rôma sang Nữu Ước, cô tiếp viên hàng không xinh đẹp rất khó chịu vì thấy trong số hành khách trên tàu, có một vị hồng y, mặc áo chùng thâm tu hành, mà cứ nhìn mình chằm chặp. Lúc cô đi qua lại để phục vụ hành khách, vị hồng y nói với cô:

- Cô đẹp lắm!

Nghe vậy, cô càng bực mình. Đến khi phi cơ hạ cánh trên phi trường, hành khách lần lượt xuống, thì cái ông hồng y kỳ quặc kia lại như cố tình đi chậm lại sau cùng... Và khi đi qua trước mặt cô, ông dừng lại nói:

- Cô hãy cám ơn Thiên Chúa vì sắc đẹp của mình!

Cô nghĩ thầm:

- Tu hành gì mà kỳ cục quá!

Thế rồi, không biết sao, hai tuần sau, tại văn phòng vị hồng y đó - Chính là Đức Hồng Y Fulton Sheen, lừng danh nước Mỹ vì các bài nói chuyện về đạo và đời hàng ngày trên ti vi - một chiều đẹp trời, cô tiếp viên nọ đến gõ cửa. Đức Hồng Y nhận ra ngay. Cô nói:

- Thưa Đức Cha, lời Đức Cha hôm nọ trên phi cơ làm con suy nghĩ rất nhiều. Sau khi cầu nguyện, con đến đây xin Đức Cha chỉ dạy con phải làm thế nào để cám ơn Chúa vì sắc đẹp của mình.

Đức Hồng Y lấy bản địa đồ thế giới, chỉ cho cô thấy nước Việt Nam, trên miền cao nguyên có trại người cùi ở Di Linh. Rồi Ngài nói:

- Con biết không, Thiên Chúa đã lấy tất cả sắc đẹp của những người này mà tô điểm cho con. Vậy cách con cám ơn Chúa tốt hơn cả là sang đó phục vụ cho họ!

Quả thật, cô đã từ giã cha mẹ, từ bỏ chức nghiệp, lìa quê hương sang Việt Nam, tìm đến trại cùi Di Linh phục vụ.

100 BÀI GIÁO LÝ KINH THÁNH
Lm Ph. HOÀNG MINH TUẤN

Biên soạn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét