LÒNG HIẾU THẢO
Trích sách 2
Sa-mu-en, 14-25tt
Ab-sa-lôm,
con vua Đa-vít, là một hoàng tử đẹp trai, trong dân Israen thật không ai sánh
bằng: từ đỉnh đầu cho đến bàn chân, không chỗ nào chê được, nhất là bộ tóc, vừa
dài, vừa rậm, vừa đẹp. Tục truyền mỗi năm một lần, khi chàng cắt tóc, cân lên
tính được gần 3 kí.
Nhưng
tâm hồn Ab-sa-lôm thì không đẹp như thể xác chàng. Tính tình ngang ngạnh, không
ngần ngại làm bất cứ việc gì, bất kỳ phải trái, để đạt ý mình. Một năm kia,
chàng tụ họp đồng đảng, dụ dỗ dân chúng ủng hộ mình. Rồi khi thấy đã mạnh thế,
chàng làm lễ xưng vương, phất cờ phản nguỵ với vua cha Đa-vít. Nghe tin dữ,
Đa-vít biết không thể chống cự được, liền cùng tuỳ tùng và bầu đoàn thê tử chạy
trốn khỏi kinh đô. Họ vượt qua thung lũng Kê-đrôn để tạt qua phía đông, theo
con đường giáp với sa mạc. Đa-vít leo dốc lên núi Cây Dầu, vừa đi vừa sụt sùi
rơi lệ buồn tủi, đầu ông trùm khăn, chân không đi dép, biểu hiệu dấu đau sầu,
tang tóc.
Hoạ
vô đơn chí: số là có tên Shi-mơi, thuộc thị tộc của vua Sa-un trước kia, mà
chúng ta đã xem ở bài 2, bị Thiên Chúa truất phế khỏi ngai vàng, vì đã bất tuân
Thánh ý Người. Tên Shi-mơi này vừa men theo sườn núi, đi song song với vua
Đa-vít, vừa tung bụi, ném đá
vừa chửi rủa, thoá mạ:
-
Xéo đi! Xéo đi! Con người khát
máu, đứa vô loài! Yavê đã đổ xuống lại trên đầu ngươi tất cả máu nhà Sa-un bị
ngươi đoạt ngôi vua. Và bây giờ, Yavê trao vương quyền vào tay Ab-sa-lôm, con
ngươi!
Một
tướng sĩ của Đa-vít tuốt gươm xin chém:
-
Tại sao thằng chó chết ấy dám thoá mạ Đức Vua? Xin để tôi băng qua lấy đầu nó!
Nhưng Đa-vít can lại:
- Cứ để nguyên! Nếu Thiên Chúa
sai nó nguyền rủa trẫm, thì ai nào được phép cản lại. Này, đứa con xuất từ lòng
dạ trẫm, mà còn tìm hại mạng trẫm, huống hồ là một người thuộc hạ của vua
Sa-un. Hãy để nó nguyền rủa trẫm, vì Yavê đã bảo nó làm thế. Biết đâu vì đó,
Yavê sẽ đoái nhìn đến nỗi khốn khó của trẫm, mà trả lại phúc lành cho trẫm!
Thế rồi Đa-vít và bộ hạ cứ thẳng
đường mà đi...
Ab-sa-lôm vào kinh đô, chiếm
hoàng cung. Hắn còn cả dám nghe lời xúc xiểm của bầy tôi, chiếm đoạt các cung
phi của Đa-vít: đó là một sỉ nhục, bêu riếu vua cha bằng cách chiếm lấy các thê
thiếp của cha. Tột đỉnh của phản tặc và bất hiếu!
Phần vua Đa-vít, sau khi đã băng
qua sông Yor-đan, ông tập họp quân đội và dàn trận phản công. Trước khi ra
quân, ông nhắn nhủ các binh tướng:
- Vì Trẫm, hãy nới tay một chút với
thằng Ab-sa-lôm!
Trận chiến kinh hồn đã xảy ra
trong rừng thuộc đất Ê-phra-im. Quân của Ab-sa-lôm là quân ô hợp, còn quân của
Đa-vít toàn tay thiện chiến, lại nóng lòng báo thù cho vua, nên quân Ab-sa-lôm
đại bại và hoàn toàn tan rã: hai mươi ngàn quân phơi xác nơi chiến địa, còn nửa
kia chạy lạc vào rừng núi chết đói, chết khát, ma thiêng nước độc….
Chính Ab-sa-lôm bị bộ hạ Đa-vít
rượt đuổi, cưỡi một con la chạy thục mạng xuyên rừng rậm. Chẳng may, đến một
gốc cây sến có cành chi chít, thì bộ tóc đài, đẹp của hắn mắc vào các cành cây,
làm hắn bị treo lơ lửng giữa trời và đất, trong khi con la ở dưới cứ thẳng
đường chạy mất. Một tên lính của Đa-vít đang rượt theo, thấy thế báo cho Đại
tướng Yô-ab. Yô-ab nói:
- Tại sao ngươi không hạ thủ nó
ngay tại chỗ, ắt ta đã thưởng cho ngươi mười lạng bạc và một áo giáp.
Tên lính đáp:
- Dẫu Đại tướng cân ngay cho tôi
vào tay một ngàn lạng bạc, tôi cũng không dám tra tay trên hoàng tử, vì ai cũng
đã nghe thấy vua ra lịnh nới tay với Ab-sa-lôm. Tôi không dám liều mạng làm
điều ấy!
Yô-ab không nói thêm nửa lời,
ông cầm ba ngọn giáo, đi đến chỗ Ab-sa-lôm, phóng mạnh vào ngực hắn. Thấy chưa
chết, ông sai lính giết cho chết hẳn. Sau đó, ông thổi kèn ra hiệu thu quân.
Đa-vít ngự giá tại cổng thành,
chờ tin cuộc chiến. Quân sĩ hớn hở chạy đến báo tin thắng trận. Nhưng vua hỏi
ngay:
- Thằng Ab-sa-lôm có được an
lành không?
Các tên lính đáp quanh co.
Đa-vít hiểu ngay là Ab-sa-lôm đã bị giết. Vua liền rùng mình, ông lên gác, và ở
đó, ông oà lên khóc luôn miệng gọi tên con:
-
Ab-sa-lôm con ơi! Con ơi! Phải chi cha chết
thay cho con...
Nhưng đứa bất hiếu và phản phúc
đâu còn nữa, thây hắn bị vất vào một cái hố và người ta ném đá lấp lên trên.
* Đó là Lời Chúa! - Tạ ơn Chúa!
Suy niệm Lời
Chúa
Ai ai trong chúng ta cũng đều
nghĩ: đứa bất hiếu, thằng tặc tử, phản phúc, thì chết như thế là đáng kiếp.
Thiên Chúa không thể dung tha kẻ bất hiếu, vì chính Người đã ra điều răn: “Phải
thảo kính cha mẹ”, và trong sách Xuất hành, Thiên Chúa còn ban luật rõ: “Kẻ nào
đánh đập hoặc nguyền rủa cha mẹ mình, kẻ ấy tất phải chết” (Xh 21.15,17), “Máu
nó sẽ đổ tuôn trên mình nó” (Lv 20.9). Như vậy, luật Chúa xưa truyền phải xử tử
hoặc ném đá cho chết đứa con bất hiếu nặng nề.
Thiên Chúa còn dạy về lòng hiếu
thảo ở nhiều nơi khác, chẳng hạn như sách Huấn ca (3.3-l6), mà ngày lễ Thánh
Gia Thất, Hội Thánh cho đọc trong Thánh Lễ.
Những lời dạy về đạo hiếu thật
đã nhiều, nghe mãi thành nhàm tai. Nhưng phúc cho con cái nào biết đem thi
hành, không những nó được tiếng khen ở đời là con có hiếu, song còn được hưởng nhiều
phúc lành Chúa ban như sau:
"Kẻ tôn kính cha, được xá
lỗi lầm,
Và trọng kính mẹ khác gì tích
trữ bảo tàng".
Mắc tội mà được Chúa ban ơn tha
thứ, để khỏi bị sa hoả ngục, là điều ai chẳng mong được. Không những Chúa hứa
ban ơn tha thứ, mà còn hứa ban hoan lạc cho, như sau:
“Kẻ bỏ bê cha, giống như đứa
lộng ngôn,
Kẻ khinh dể mẹ, chọc giận Chúa
Tạo thành.
Kẻ tôn kính cha, sẽ được hoan
lạc nơi con cái,
Vào ngày khẩn nguyện, sẽ được
nhậm lời”.
Được hoan lạc nơi con cái nghĩa
là gì? Không chỉ là thấy “con đàn cháu đống", xinh tươi, mạnh khoẻ, làm
cha mẹ sướng vui, nhưng còn là thấy con cái tôn trọng, hiếu đễ, trên kính dưới
nhường, làm cha mẹ thoả lòng. Con cái sẽ là niềm vui, chứ không phải là mối đau
lòng, tủi hổ cho cha mẹ. Cho nên, Chúa hứa: người con nào biết tôn kính cha mẹ,
đến lượt nó làm cha mẹ, sẽ được con cái nó tôn trọng, yêu mến nó; như thế nó sẽ
hưởng được niềm vui nơi con cái. Vì ở đời thấy có những kẻ bất hiếu với cha mẹ,
đến lượt nó sẽ bị con cái đối xử y hệt.
Người ta kể chuyện rằng: cặp vợ
chồng nọ có một người cha già, khi ăn cơm chân tay run rẩy, thỉnh thoảng lỡ tay
làm vỡ chén. Tức mình và tiếc của, họ mới đẽo cho ông già một cái bát gỗ xù xì.
Ông già vừa cầm bát gỗ ăn cơm, vừa chan hứa nước mất. Một ngày kia, đi công
việc về, cặp vợ chồng này thấy đứa con họ đang hì hục đẽo một miếng gỗ. Hỏi nó,
nó đáp:
- Con bắt chước ba má, đẽo sẵn
chén gỗ, để dành sau này ba má già, cho ba má cầm nó ăn cơm!
Phần con cái phải thảo hiếu, còn
phần cha mẹ thì sao? Đọc truyện Kinh Thánh trên kia, ta phân vân không biết
phải kết án sự bất hiếu của Ab-sa-lôm hơn, hay là phải ca tụng tình cha của vua
Đa-vít hơn? Quả thật, Đa-vít là một người cha thương con hết chỗ nói: biết nhịn
lỗi lầm của con và tha thứ cho con. Không hề gặp nơi miệng ông một lời nguyền
rủa hay thoá mạ nào. Đường đường là vua cha, mà phải bỏ ngai vàng chạy trốn và
chịu bao gian lao, khổ sở vì con phản loạn. Chưa hết, nó còn chiếm vợ của cha,
để bêu riếu cha... Thế mà đến lúc dẹp loạn, Đa-vít căn dặn tướng sĩ tha mạng
cho con. Rồi khi biết tin nó bị giết, ông đã khóc con thảm thiết. Tình thương
của ông đối với con làm ông muốn chết thay con. Ông khóc lóc, đau đớn đến nỗi,
theo lời Kinh Thánh kể: “Ngày ấy, cuộc thắng trận đã biến thành đám tang...,
quân sĩ thắng trận lén lút đi vào kinh đô như tàn binh xấu hổ vì bại
trận..."
Xem như thế, phần cha mẹ cũng
hãy hết anh yêu thương con như Đa-vít. Cha mẹ nào chẳng thương con, đành rằng
thế, song nhiễu khi lòng thương ấy đã bị xoá mờ trước mắt con cái, vì chúng chỉ
còn thấy những câu la mắng, chửi rủa, thay vì lời nói êm nhẹ, yêu thương; chỉ
thấy đánh đập theo cơn nóng giận, thay vì cử chỉ đầy âu yếm... Ước chi cha mẹ
bớt dùng quyền mà đè bẹp con, bớt la mắng, mà chỉ nói lời âu yếm... Cha mẹ hãy
nhớ lại ngày xưa, hồi mình tuổi trẻ, để biết nhẫn nại thông cảm với con cái còn
trẻ dại, ham vui... Thay vì nhất cử nhất động là một cái bạt tai, một câu
"rủa" nặng lòng, thì cha mẹ hãy dùng lời hoà dịu, êm đềm song thấm
thía mà răn dạy con, chỉ đường cho con biết sống ở đời, vì ích lợi cho đời
chúng nó. Thánh Phaolô có nói: "Ai trong anh em có lỗi, thì người khác hãy
lấy Thần Khí hiền từ mà răn bảo". Đã đến lúc cầu châm ngôn "thương
cho voi cho vọt" được lưu truyền bao đời trong gia đình, ngày nay, với
tinh thần đạo Chúa, không còn đúng hẳn nữa, vì Thánh Kinh dạy: "Những
người làm cha, đừng làm con cái phẫn uất, nhưng hãy răn dạy theo đường lối
Chúa" (Ep 6.4), và câu khác rằng: "Cha mẹ đừng làm con cái phẫn chí,
kẻo nó đâm rụt rè, nhát đảm" (Cl 3.21). Từ nay, roi vọt chửi mắng chỉ là
biện pháp cuối cùng, vạn bất đắc dĩ, chẳng đặng đừng đối với những đứa con
"thân lừa ưa nặng" mà thôi. Cha mẹ hãy răn dạy con cái theo đường lối
Chúa, nghĩa là theo tinh thần Chúa; mà tinh thần Chúa thì: "Hãy đến học
cùng Ta, vì Ta hiền từ và khiêm nhường trong lòng”.
Vậy gia đình ta hôm nay làm giờ
đền tạ về các tội con cái ngỗ nghịch, bất hiếu, cũng như xin lỗi Chúa vì cha mẹ
hay bề trên đã nhiều lẩn đối xử thiếu tình thương với con cái hay người dưới
quyền mình.
Tích truyện
Một hôm, du khách đến Đất Thánh
dừng lại trước một di tích cổ đã đổ nát... Lúc sau, có một người đàn bà Ả rập
đi tới bên di tích cổ, cúi nhặt một viên đá rồi ném vào cái cột đó, đứa bé đi
theo mẹ cũng làm như vậy. Hỏi bà lý do, bà đáp: - Đây là mồ của một đứa con
xấu, đã phản phúc với cha mình. Hỏi tên cha hắn là gì, bà đáp:
- Đa-vít.
Nói xong, bà tiếp tục đi... Du
khách biết đây là mồ chôn Ab-sa-lôm, đứa con phản nghịch. Mồ chôn hắn đã trở
thành bia ghi sự nhuốc nha muôn đời. Khi một người Hồi giáo đi qua, họ vừa ném
đá vừa nói:
- Ab-sa-lôm, hãy bị nguyền rủa!
Và chúc dữ cho tất cả đứa con nào nguỵ nghịch, bất hiếu với cha mẹ.
Từ đó đến nay, đã 10 thế kỷ,
người ta vẫn chưa thôi nguyền rủa hắn. Các bà mẹ Ả rập vẫn còn dạy con cái nhặt
đá ném vào mồ đứa con đã giơ tay xúc phạm đến cha mình.
Lm Ph. HOÀNG MINH TUẤN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét