Trang

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

ĐỨC MARIA TRONG TIN MỪNG GIOAN

ĐỨC MARIA TRONG TIN MỪNG GIOAN
Bro. Francis X. Pio Nguyễn Văn Khoa, O.Carm.


Dẫn nhập

Trong toàn bộ Tin Mừng của thánh Gioan, Đức Maria chỉ được nhắc đến hai lần: lần thứ nhất tại tiệc cưới Cana, và lần thứ hai dưới chân cây thập giá. Lạ lùng hơn nữa, trong suốt Tin Mừng Gioan, Đức Maria chỉ nói duy nhất hai câu: “Họ hết rượu rồi,” và “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.”  Đối với thánh Gioan, khi viết Tin Mừng này, phải chăng ngài đã hạ thấp Đức Maria? Nếu thánh Gioan không hạ thấp Đức Maria, thế thì đâu là vai trò của Đức Maria trong Tin Mừng thứ tư này?

Để nhận ra vai trò của Đức Maria trong Tin Mừng Gioan, chúng ta cùng tìm hiểu cặn kẽ các từ thánh sử đã dùng để nói về Mẹ: “Thân mẫu Đức Giêsu,” “bà” và “Thân mẫu Người,”  sau đó phân tích hai câu mà thánh sử đã đặt trên môi miệng của Đức Maria xem chúng chuyển tải ý nghĩa thần học gì? Đồng thời chúng ta so sánh chúng với một số câu trong Sách Sáng Thế và Khải Huyền để nhận ra vai trò đặc biệt quan trọng của Đức Maria mà thánh sử Gioan đã khéo léo chuyển tải trong Tin Mừng của ngài.

Nội dung

Trước khi đi vào chi tiết, chúng ta điểm qua nét chính của Tin Mừng Gioan. Thánh Gioan viết xong Tin Mừng vào khoảng 20 năm sau khi Thành Giêrusalem và Đền Thờ bị người Rôma phá hủy bình địa. Đức tin của Giáo Hội sơ khai lúc đó vẫn tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Sự phục sinh đã cho thấy rõ thiên tính của Đức Giêsu. Thế nhưng, người ta có thể tự hỏi, Người là Con Thiên Chúa từ lúc nào, và Người là Thiên Chúa đến mức độ nào? Tin Mừng Gioan đã khẳng định rõ ràng Chúa Giêsu đã hiện hữu từ đời đời nơi Thiên Chúa, là Người Con được Thiên Chúa sinh ra tự đời đời và đã làm người.  Chính thánh sử đã khái quát hóa mục đích ngài viết sách này trong chương 20, câu 31 đó là: "Những điều đã được chép ở trong sách này là để anh em tin rằng Ðức Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người."

Nguồn gốc thần linh và sứ mạng nhập thể của Đức Giêsu giúp soi sáng cho thấy tầm cỡ của Tin Mừng Gioan: đó là một tiền đề vững chắc được viết bởi chính nhân chứng đã sống trong mối tương quan trực tiếp với Chúa Giêsu, tiền đề đó là nền tảng cho Thần học về Kitô học, Ba Ngôi, Giáo Hội học, Cánh Chung học, Thánh Mẫu học. Bài viết ngắn gọn dưới đây về vai trò của Đức Maria trong Tin Mừng Gioan cũng dựa trên ý tưởng Thần học đó.

1.    “Thân Mẫu Đức Giêsu”: Mẹ Thiên Chúa

Trong những lần đề cập đến Đức Maria, thánh sử Gioan luôn gọi Mẹ là “Thân mẫu Chúa Giêsu.” Thánh Gioan đã dùng danh xưng này để gọi Mẹ trong tiệc cưới Cana và dưới chân cây thập giá. Khi gọi như vậy, thánh sử đã chuyển tải vai trò gì của Mẹ?

Mục tiêu của Tin Mừng Gioan là mặc khải về con người Chúa Giêsu. Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và là Con của con người. Thánh Gioan khẳng định Chúa Giêsu: “Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha.” Chính Gioan và các tông đồ khác “đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha đã ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.”  Đức Giêsu đích thực là Đấng Thiên Sai đã được Thiên Chúa hứa gởi tới để cứu nhân loại. Ngài đến thế gian trong tư cách và uy quyền của Chúa Cha. Ngài không tự ý nói nhưng nói những gì Chúa Cha muốn tỏ lộ. Con Một Thiên Chúa đã vâng lời Chúa Cha và đã “trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” Ngài là con người hoàn toàn như chúng ta chỉ trừ tội lỗi. Qua mầu nhiệm nhập thể, Con Thiên Chúa đã trở nên Con của Đức Maria theo bản tính nhân loại. Con Người đó đã chịu đau khổ, thập giá kể cả cái chết để tỏ lộ tình yêu cứu độ của Thiên Chúa với toàn thể nhân loại.

Thánh sử Gioan luôn dùng từ “Thân mẫu của Chúa Giêsu” để nói về Đức Maria. “Quả thế, Đấng mà Mẹ cưu mang làm người bởi Thánh Thần, Đấng thực sự là con Mẹ theo xác phàm, chính là con hằng hữu của Chúa Cha, Ngôi Hai trong Ba Ngôi chí thánh.” Nơi Ngôi Lời tồn tại: bản tính Thiên Chúa thật và bản tính con người thật, không trộn lẫn, không đối nghịch. Nếu tách một trong hai bản tính đó ra khỏi Đức Giêsu, thì chẳng khác chúng ta phủ nhận luôn mầu nhiệm nhập thể. “Vì thế, Giáo Hội tuyên xưng Đức Maria thực sự là ‘Mẹ Thiên Chúa’.

Cũng như thánh sử Luca đã khen ngợi Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa trong lời nói của bà Êlisabét: “Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm,”  thánh Gioan, khi gọi Đức Maria là “Thân mẫu Chúa Giêsu,” Gioan hiểu rõ ý nghĩa của từ “Thân mẫu” mà ngài đã dùng, chắc chắn ngài muốn chuyển tải ý tưởng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa.

 “Đức Maria thực sự trở thành Mẹ Thiên Chúa qua việc Con Thiên Chúa làm người trong lòng Mẹ. Mẹ là Mẹ Thiên Chúa không phải vì Ngôi Lời đã nhận bản tính Thiên Chúa từ nơi Mẹ. Nhưng chính từ Mẹ mà Ngôi Lời đã nhận được một thân xác thánh thiêng có linh hồn. Ngôi Hai Thiên Chúa đã liên kết với thân xác ấy ngay trong Ngôi Vị mình. Vì thế chúng ta nói: ‘Ngôi Hai xuống thế làm người’.”

Tới đây chúng ta có thể tóm kết vai trò đầu tiên của Đức Maria trong Tin Mừng Gioan: Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Tiếp theo, chúng ta cùng tìm hiểu vai trò thứ hai qua việc phân tích từ “” mà chính Đức Giêsu đã dùng để gọi Đức Maria.

2.     “Bà”: Đức Maria là bà Evà mới bên cạnh Chúa Giêsu là Ađam mới

Quả là ngạc nhiên khi chính Chúa Giêsu gọi Mẹ của Ngài là ‘’ (tiếng Anh dịch là woman: ‘người đàn bà ơi’) tại tiệc cưới ở Cana lẫn dưới chân thập giá. Cách gọi này khiến nẩy sinh nhiều lời chú giải khác nhau. Nếu không được tìm hiểu cặn kẽ trong sự thống nhất của Thánh Kinh, thì người ta có thể nhận định rằng Chúa Giêsu đã không tôn trọng Mẹ của Ngài cách xứng đáng. Tuy nhiên, nếu xét trong bối cảnh Thánh Kinh, danh từ “” mà Chúa Giêsu dùng để gọi Đức Maria vô cùng cao quý. Vì chính Chúa Giêsu đã khẳng định vai trò của Mẹ trong công trình cứu độ: Mẹ là bà Evà mới đứng bên cạnh Ađam mới.

Từ “” trong Tin Mừng Gioan chắc chắn có liên quan đến đến từ “” trong sách Sáng Thế 2, 23: “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà.” “Con người đặt tên cho vợ là Evà, vì bà là mẹ của chúng sinh.”  Sách Sáng Thế đã định rõ vai trò của bà Evà cũ là mẹ của nhân loại. Người đàn bà này được sáng tạo thế nào? “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà.”  Thế nhưng cả Ađam và Evà cũ đều thua trước mưu chước của Satan và phản bội lại Thiên Chúa. Có thể nói cuộc sáng tạo đầu tiên đã thất bại vì sự bất vâng phục này.

Thiên Chúa không bỏ mặc dù con người phản bội. Ngài đã hứa ban Đấng Cứu Độ: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.”  Rõ ràng trong lời hứa cứu độ của Thiên Chúa, có hình ảnh của “người đàn bà.” Hình ảnh này chắc chắn tiên báo về Đức Maria, vì Đức Maria là “Thân mẫu Chúa Giêsu” – Đấng Cứu Độ được Chúa Cha gửi đến.

Tại tiệc cưới Cana, khi thấy chủ tiệc hết rượu, Đức Maria nói với Chúa Giêsu: “Họ hết rượu rồi.” Đức Giêsu đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến.”  

Chúa Giêsu nói giờ của Người chưa đến, nhưng thật ra ‘giờ’ nói ở đây là giờ Thương Khó và Phục Sinh của Người.”  Chính Tin Mừng Gioan đã nối kết giờ của Cana với giờ bắt đầu cuộc khổ nạn và phục sinh, Gioan ngầm ám chỉ “giờ” mà Đức Maria đứng bên thập giá. Trên thập giá, Chúa Giêsu là Ađam mới; còn dưới chân thập giá, có Thân Mẫu Người và người môn đệ Người yêu. Hình ảnh Evà cũ được tạo dựng từ xương sườn của Ađam cũ. Máu và nước chảy ra từ cạnh sườn của Ađam mới cũng sinh ra Evà mới. Vì thế, Evà mới là chính Đức Maria, và có thể hiểu Evà mới là hình ảnh của Giáo Hội.

Chúng ta đã nhận ra vai trò Mẹ Thiên Chúa và Evà mới nơi Đức Maria. Giờ đây chúng ta tìm hiểu vai trò của Mẹ đối với Giáo Hội và các tín hữu.

3.    “Thưa Bà, đây là con của Bà”: Đức Maria là Mẹ của Giáo Hội và của các tín hữu

Khi thấy Thân mẫu và môn đệ mình thương đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với Thân mẫu rằng: ‘Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: ‘Đây là Mẹ của anh’.” 

Chúng ta thấy trong suốt thời gian Chúa Giêsu thi hành sứ vụ công khai, Đức Maria không có vai trò gì rõ ràng. Thế nhưng, khi giờ tôn vinh của Chúa Giêsu đến, giờ khổ nạn, chết và phục sinh, “dưới chân cây thập giá, Đức Maria được đặt làm Mẹ của người môn đệ được Chúa yêu thương là hình ảnh của Giáo Hội, và như vậy, Mẹ được giao trách nhiệm trông coi và bảo vệ những người con của Giáo Hội.”

Hình ảnh ‘người đàn bà’ dưới chân thập giá và ‘người đàn bà’ của Sách Khải Huyền 12, 2 “Bà có thai, đang kêu la đau đớn và quằn quại vì sắp sinh con,” rõ ràng có liên quan chặt chẽ với hình ảnh ‘người đàn bà’ của Sách Sáng Thế mà Thiên Chúa đã hứa: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.”  Tin Mừng Gioan phác họa Đức Maria dựa trên vai trò của Mẹ ở trong cuộc chiến chống Satan, chống lại con rắn: là nguồn gốc mọi sự gian dối, và “cuộc chiến đó đến tột đỉnh của nó vào ‘giờ’ của Chúa Giêsu, nên Mẹ sẽ xuất hiện ở dưới chân cây thập giá để được trao phó ‘dòng dõi’ cho Mẹ bảo trợ trong cuộc chiến còn tiếp diễn giữa Satan và các tín hữu sẽ theo chân Đấng Messia.”

Evà cũ đã ở bên cạnh Ađam cũ lúc con người sa ngã. Nay trong cuộc phục hưng, tức là cuộc sáng tạo thứ hai, Đức Maria đã ở bên Ađam mới là Đức Kitô. Chúa Giêsu đã giao phó ông Gioan cho Mẹ Người, và giao Mẹ Người cho ông Gioan, mối tương quan xuất phát và gắn kết từ cả hai phía. Chúa Giêsu kín thác Giáo Hội cho Đức Maria. Đây là hành vi Đức Giêsu muốn công khai xác nhận vai trò mới: Đức Maria sẽ là Mẹ của Giáo Hội và là Mẹ của tất cả mọi tín hữu.

Đức Maria có vai trò quan trọng trong Tin Mừng Gioan phải chăng chỉ vì Mẹ đã sinh ra Đức Giêsu? Nếu thế các vai trò đó chỉ dừng lại ở tính thụ động. Nhưng không! Gioan đã khéo léo tỏ lộ lời dạy của Mẹ tại tiệc cưới Cana, và đó là điều tất cả các tín hữu cần học hỏi.

4.    “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” Đức Maria: tín hữu đầu tiên của Đức Giêsu
Trở lại bối cảnh của tiệc cưới tại Cana, khi thấy chủ tiệc hết rượu, Đức Maria nói: “Họ hết rượu rồi.” Đức Giêsu đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến.”  Trước lời từ chối thẳng thừng của Đức Giêsu, thái độ của Đức Maria ra sao? Mẹ không hề trách móc, nao núng, hay bối rối. Mẹ luôn tin vào tính cách tối cao của Chúa Giêsu. So với Evà cũ trong Sách Sáng Thế, Mẹ trổi vượt hơn vì Mẹ đã trở nên người phụ nữ của niềm tin, tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa. Chúng ta có thể mượn hình ảnh mà thánh sử Luca đã dùng: “Đức Maria hằng ghi nhớ những sự ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.”  Mẹ hằng ghi nhớ vì mỗi một việc xảy ra trong đời của Mẹ là một phương tiện để Thiên Chúa mặc khải cho Mẹ những ý định của Ngài. Nhất là giờ đây, khi đang ở bên Con của Mẹ, trước câu trả lời có vẻ phũ phàng, Mẹ không ngỡ ngàng vì Mẹ tin, và niềm tin của Mẹ không hề nao núng.

Với niềm tin đó, Đức Maria dạy bảo các gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” Lời Mẹ dạy các gia nhân cũng là lời giáo huấn của Mẹ dành cho tất cả chúng ta. Mẹ đã trở nên tín hữu đầu tiên tuyên xưng và xác quyết niềm tin vào Đức Kitô. Mẹ đã sống niềm tin đó qua việc lắng nghe, suy niệm và thực hành lời Chúa cách trọn vẹn nhất, đẹp nhất khi Mẹ kết hiệp với Đức Giêsu, và bước theo Ngài đến cùng cho dù có phải lên đỉnh Gôngôtha, đứng dưới chân cây thập giá để cùng chia sẻ đau khổ với Con.

Kết quả của niềm tin đó là sáu chum nước biến thành sáu chum rượu. “Điều quý nhất, điều mà chính Đức Giêsu sẽ ban cho, chính là Thần Khí, vì Thần Khí như một thứ rượu nồng sẽ khiến chúng ta quên đi những quy tắc sáo mòn và những tín điều hẹp hòi của chúng ta.” “Đức Maria đã đem ân sủng đến với Gioan Tẩy Giả (Lc 1:39); và giờ đây Mẹ lại can thiệp để Tin Mừng được sớm khởi đầu.”

Kết luận

Qua những gì đã trình bày phía trên, có thể kết luận Thần học của thánh sử Gioan rất siêu đẳng. Chỉ với hai cảnh nói về Đức Maria: tại tiệc cưới Cana và tại đồi Gôngôtha, thánh sử Gioan đã chuyển tải các vai trò quan trọng của Đức Maria trong nhiệm cục cứu độ. Đức Maria đã được giới thiệu là tín hữu đầu tiên, là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo Hội, Mẹ của mọi tín hữu, và Mẹ là Evà mới.

Tuy vậy, rõ ràng qua cách trình bày của thánh Gioan, Đức Maria không ngang bằng với Đức Giêsu Kitô - Đấng Cứu Thế, cho dù Mẹ được tặng ban những đặc ân cao trọng, Mẹ vẫn là một thụ tạo, và vì thế Mẹ vẫn cần ơn cứu chuộc do Người Con của Mẹ mang lại qua việc nhập thể, đau khổ, cái chết và phục sinh của Ngài. Vì thế, vai trò của Mẹ Maria chính là việc Mẹ mời gọi tất cả tín hữu tín thác nơi Chúa Giêsu, đến với Chúa Giêsu, lắng nghe lời Ngài và thực hành lời đó trong cuộc sống.


Tài liệu tham khảo
Bản dịch của Nhóm CGKPV. Kinh thánh cựu ước và tân ước: Lời Chúa cho mọi người. Hà Nội: Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2009.
Bản dịch của Ban Giáo Lý Tgp. Tp. HCM. Giáo lý Hội Thánh Công Giáo. Tp. HCM, 1997.
Vĩnh Sơn. Văn chương Gioan. Tp. HCM: Phước Sơn, 2011.
Phần tự ghi chép khi nghe các bài giảng của cha giáo Vincent Đinh Trung Nghĩa, S.J.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét