Trang

Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2018

VHTK Thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ, Giáo dân



VUI HỌC THÁNH KINH
Thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ, Giáo dân
Ngày 12 tháng 08

Tin mừng

Tin Mừng thánh Gioan 12,24-26

24 Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.25 Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.26 Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy."

25 Whoever loves his life loses it, and whoever hates his life in this world will preserve it for eternal life.

26 Whoever serves me must follow me, and where I am, there also will my servant be. The Father will honor whoever serves me.

I. HÌNH TÔ MÀU


* Chủ đề của hình này là gì ?
………………………………………………….
* Bạn hãy viết câu Tin mừng thánh Gioan 12,24
………………………………………………….
………………………………………………….
………………………………………………….
………………………………………………….

II. TRẮC NGHIỆM
A.
a1. Cái gì được gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình ? (Ga 12,24)  
a.  Hạt bắp
b.  Hạ cải
c.  Hạt lúa 
d.  Hạt đậu

a2. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ có thái độ nào với người ấy ? (Ga 12,26)  
a.  Yêu thương
b.  Quý trọng 
c.  Tha thứ
d.  Chiều chuộng

a3. Hạt lúa được gieo vào đâu ? (Ga 12,24)  
a.  Đá sỏi
b.  Bờ đê
c.  Lòng đất 
d.  Bụi gai

a4. Ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho điều gì ở đời đời ? (Ga 12,25)  
a.  Niềm vui
b.  Ơn cứu độ
c.  Sự sống 
d.  Linh hồn

a5. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống ... ... ...   (Ga 12,25)
a.  Vĩnh cửu                 
b.  Hôm nay
c.  Đời đời          
d.  Bất diệt


B. Giáo dân Micae Nguyễn Huy Mỹ

b1. Giáo dân Micae Nguyễn Huy Mỹ, Sinh năm 1804 tại Kẻ Vĩnh, Hà Nội, Lý Trưởng, chịu tử đạo dưới triều vua nào ?
a. Vua Tự Đức (1847-1883)
b. Chúa Trịnh Sâm (1767-1782)
c. Vua Minh Mạng (1820-1841)
d. Vua Cảnh Thịnh (1782-1802)

b2. Giáo dân Micae Nguyễn Huy Mỹ chịu tử đạo thế nào ?
a. Bị xử giảo                                   
b. Bị xử trảm
c. Bị thiêu sống                              
d. Xử lăng trì

b3. Giáo dân Micae Nguyễn Huy Mỹ chịu tử đạo tại Bẩy Mẫu vào năm nào ?
a. Năm 1838                                   
b. Năm 1840
c. Năm 1858                                   
d. Năm 1861

b4. Giáo dân Micae Nguyễn Huy Mỹ được Giáo hoàng nào tôn phong lên bậc chân phước (1900) ?
a. Đức Giáo hoàng Piô X
b. Đức Giáo hoàng Lêô XIII
c. Đức Giáo hoàng Piô XII
d. Đức Giáo hoàng Gioan XXIII

b5. Thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ được mừng kính vào ngày nào ?
a. Ngày 12 tháng 08             
b. Ngày 08 tháng 11
c. Ngày 17 tháng 09             
. Ngày 26 tháng 05


III. Ô CHỮ



Những gợi ý

01. Cái gì được gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình ? (Ga 12,24)   

02. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống ... ... ... .  (Ga 12,25)

03. Ai yếu quý điều gì của mình thì sẽ mất?  (Ga 12,25)    

04. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ có thái độ nào với người ấy ? (Ga 12,26)    

05. Hạt lúa được gieo vào đâu ? (Ga 12,24)    

06. Ai … … … Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy. (Ga 12,26)

Hàng dọc : Chủ đề của ô chữ này là gì ?

IV. CÂU THÁNH KINH HỌC THUỘC LÒNG

“Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất
mà không chết đi,  thì nó vẫn trơ trọi một mình;
còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.”
Tin Mừng thánh Gioan 12,24

VUI HỌC THÁNH KINH
Thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ, Giáo dân

I. HÌNH TÔ MÀU

* Chủ đề
Thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ

* Tin Mừng thánh Gioan 12,24

“Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi,
 thì nó vẫn trơ trọi một mình;
 còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.”

II. TRẮC NGHIỆM
A.
a1. c. Hạt lúa (Ga 12,24)
a2. b. Quý trọng (Ga 12,26)
a3. c. Lòng đất (Ga 12,24)
a4. c. Sự sống (Ga 12,25)
a5. c. Đời đời  (Ga 12,25)

B. Giáo dân Micae Nguyễn Huy Mỹ

b1. c. Vua Minh Mạng (1820-1841)
b2. b. Bị xử trảm
b3. a. Năm 1838
b4. b. Đức Giáo hoàng Lêô XIII
b5. a. Ngày 12 tháng 08

 III. Ô CHỮ

01. Hạt lúa (Ga 12,24)
02. Đời đời  (Ga 12,25)
03. Mạng sống (Ga 12,25)
04. Quý trọng (Ga 12,26)
05. Lòng đất (Ga 12,24)
06. Phục vụ (Ga 12,26)

Hàng dọc : Tín Thác

Gb. Nguyễn Thái Hùng


++++++++++++++++++

Micae Nguyễn Huy Mỹ (1804-1838)



Micae Nguyễn Huy Mỹ, Sinh năm 1804 tại Kẻ Vĩnh, Hà Nội, Giáo dân, Lý Trưởng, bị xử trảm ngày 12 tháng 8 năm 1838 tại Bẩy Mẫu dưới đời vua Minh Mạng. Đức Lêo XIII suy tôn lên hàng Chân Phước ngày 27.05.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn các ngài lên bậc Hiển thánh. Lễ kính vào ngày 12/08.

Người con chí hiếu

Qua những vần thơ của thánh Micae Mỹ dưới đây: Gông xiềng, đòn đánh là những hình phạt dành cho phạm nhân, làm thân thể con người phải đau đớn, suy giảm sức khỏe thể xác thì đối với ngài, người tín hữu trung kiên "say về đạo" Chúa Kitô, gông xiềng đã trở lên hành trang qúi báu vô cùng. Chính bản thân ông đã tự nguyện lãnh đòn thay cho nhạc phụ tuổi già sức yếu (ông trùm Antôn Nguyễn Đích) để rồi trở lên người đồng hành làm chứng cho Đức Kitô, cùng lãnh phần thưởng cành lá vạn tuế tử đạo, và cũng được tôn phong lên bậc hiển thánh. Ông Micae Lý Mỹ quả thực là người con chí hiếu, một môn đệ trung kiên, đã thực hiện trọn hảo lời Thày Chí Thánh: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác Thập Giá mà theo" (Mt. 16,24).

Gông đóng xiềng mang, dạ nguyệt kinh
Những say vì đạo hả vì tình
Vai mang bốn điệp (gông) tai thêm ấm
Xổng xểnh ba vòng (xích sắt) cổ lại thanh
Phép nước đành lòng không oán thán
Nghĩa thày để dạ vẫn đinh ninh
Khiến sao nên vậy nào lo nghĩ
Phó mặc Hoàng Thiên sự tử sinh".

Tốt đời đẹp đạo

Thân phụ cậu Mỹ nguyên quán ở Đại Đăng, tỉnh Ninh Bình, đến lập nghiệp và kết hôn tại làng Kẻ Vĩnh, Nam Định. Micae Nguyễn Huy Mỹ sinh năm 1804, mồ côi cha năm lên mười, rồi hai năm sau mồ côi mẹ. Được người thân tận tâm nuôi dưỡng giáo dục, cậu tỏ ra rất thông minh và đạo đức : thông thạo chữ Hán và nghề thuốc, siêng năng đọc kinh sáng tối, tham dự và lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể. Cậu thường tìm nơi thanh vắng yên tĩnh trong vườn để đọc kinh Mân Côi và cầu nguyện.

Năm 20 tuổi, anh Mỹ kết duyên với cô Maria Mến (Miều), con gái ông trùm Antôn Nguyễn Đích. Cuộc sống gia đình đầm ấm với tám người con đạo hạnh, khiến hết thảy dân làng đều mến phục kính nể. Họ đồng thanh thỉnh ông làm chánh tổng, nhưng ông từ chối. Sau cùng vì vâng lời Đức cha Havard Du, để trợ giúp chủng viện và giúp đỡ giáo dân trong thời cấm đạo, ông nhận chức Lý Trưởng.

Dù đời sống gia đình và xã hội nhiều phức tạp, ông luôn sống xứng đáng là một gia trưởng đạo đức gương mẫu. Bà Lý Mỹ kể rằng : "Gia đình tôi sống trong hòa thuận yêu thương. Ông Micae chuyên chăm đạo đức, dự lễ hằng ngày, nếu vợ con hay người giúp việc bận rộn không đi lễ được, ông bắt phải đọc kinh chung và nghe sách thiêng liêng để suy niệm. Ông xưng tội nhiều lần trong năm, mỗi lần ông kỹ lưỡng xét mình hai ngày trước. Mùa chay, ông giữ chay các ngày thứ tư và thứ sáu. Ông không uống rượu, không đánh bạc hay to tiếng với ai bai giờ".

Làm Lý trưởng, ông Mỹ tỏ ra là người liêm khiết, không nhận tiền hay quà hối lộ. Khi phân xử, ông rất công bằng chính trực, không thiên vị bên nào. Với những người vướng mắc tệ đoan xã hội, ông khuyên răn, sửa trị nghiêm minh. Lo cho gia đình thế nào, ông Lý cũng chăm sóc làng xã như vậy : Mỗi tối, ông thường đọc kinh chung với phu tuần trước khi thi hành công tác. Ông khuyên nhủ người khô đạo, giúp đỡ người nghèo khổ, tạo điều kiện cho họ năng nhận các bí tích, tu thân sửa lỗi, để họ trở thành người giáo hữu tốt lành và người công dân lương thiện. Hàng tổng vẫn lấy làng Kẻ Vĩnh ra làm gương cho các làng khác.

Phép nước đành lòng không oán thán

Như các làng khác ở Miền Bắc trong những năm cấm đạo (1833-1938), dưới triều vua Minh Mạng, vì quan quân không ráo riết chấp hành, nên Kẻ Vĩnh được tạm yên trong mấy năm.

Nhưng năm 1837, Tuần Phủ Hưng Yên bị cách chức, quan Tổng đốc Trịnh Quang Khanh bị triệu về kinh quở trách nặng lời, nhà vua trao cho Tổng đốc 40 Thánh Giá, truyền phải triệt để áp dụng chiếu chỉ cấm đạo. Từ đó, quan Tổng đốc trở thành con người tàn bạo, người ta gọi ông là "hùm xám tỉnh Nam". Hai giáo phận Đàng Ngoài vào cuối triều Minh Mạng phải chịu những cơn bão táp dữ dội. Quan quân từng đội, từng đoàn đi khắp nơi, bao vây từng làng, khám xét từng nhà, chủng viện Kẻ Vĩnh hai lần giải tán chủng sinh sang các miền xung quanh.

Một lần, quan quân bao vây làng Kẻ Vĩnh đúng lúc Đức giám mục và một số linh mục đang trú ẩn tại đó. Ông Lý Mỹ can đảm và khôn khéo, đánh lạc hướng, dẫn quan quân đi khám xét từng nhà mà không bắt được vị nào. Ông thường nói với các giáo hữu : "Việc nhà vua cấm đạo ví như thử thách Thiên Chúa gởi đến, ta phải kiên tâm trung thành với đạo". Khi nghe tin Tổng đốc bắt các lính Công Giáo phải quá khóa, ông Lý vì ở xa, nên gởi thư khuyên bốn người thuộc làng Kẻ Vĩnh : "Xin anh em giữ vững đức tin, mấy ngày nữa tôi sẽ đến với các anh em".

Ngày 02.07.1838, quan Tổng đốc chỉ huy cuộc bao vây làng Kẻ Vĩnh, ông Lý Mỹ thưa với nhạc phụ : "Cha con ta đồng sinh tử với nhau, việc Chúa quan phòng đã đến rồi, xin cha đừng hãi sợ chi". Nói xong, ông ra đón quan Tổng đốc tại đình làng, quan truyền các giáo hữu và linh mục phải ra trình diện, nếu không Lý trưởng phải làm tờ cam đoan. Ông viết : Lý trưởng Nguyễn Huy Mỹ làm tờ cam đoan: làng chúng tôi không có đạo trưởng, cùng các đồ quốc cấm, nếu khai man tôi xin nộp mạng cả gia đình tôi".

Tờ cam đoan chưa ráo mực thì quân lính đã dẫn linh mục Giacôbê Mai Năm đến. Quan ngạc nhiên hỏi phải xử thế nào ? Ông thưa: "Thưa quan lớn, quan thương thì chúng tôi xin tạ ơn, bằng không tôi xin nộp đầu chịu tội". Bấy giờ quan truyền đánh ông Lý 40 roi, rồi đóng gông giải ra tỉnh cùng với linh mục Mai Năm và ông trùm Nguyễn Đích.

Gông đóng, xiềng mang, dạ nguyện kinh

Trên đường ra tỉnh Nam Định, một kỳ mục trong làng bàn luận với ông Lý xin nộp tiền chuộc để ông được về, ông Lý từ chối : "Xin cám ơn lòng tốt của dân làng, nên để tiền đó giúp vợ con tôi và mở tiệc mừng khi đưa thi hài tôi về". Trong ba người bị bắt, vì biết không thể dùng áp lực lay chuyển đức tin của cha Mai Năm, nên quan không thúc ép nhiều. Với ông trùm Đích đã 70 tuổi già sức yếu thì quan cũng nương tay. Riêng ông Lý Mỹ, đang tuổi cường tráng, lại nói năng lưu loát, nên quan dùng đủ các phương thế dụ ông chối đạo : - Anh còn trẻ trung, thông minh sắc sảo, dân chúng đều quý sao anh lại dại khờ không bước qua Thập Tự ?

Ông Lý đáp : - Trước khi tôi sinh ra, đã có dân chúng. Vậy khi đó, ai lãnh đạo ? Nên tôi không vì thế mà làm theo lời quan được.

- Anh không thương người vợ hiền với đàn con sao ?

- Thiên Chúa chao phó người vợ và con cái cho tôi săn sóc khi tôi có thể, nên tôi không thể chối bỏ. Giá như có ai nói quan lớn đạp đầu Đức Vua đã ban chức trọng cho quan, ắt hẳn quan chẳng dám làm, thì tôi đây lẽ nào giám cả gan đạp ảnh Chúa tôi thờ kính…

Quan Tổng đốc nổi giận truyền đánh đòn ông Lý nhiều lần, tính tổng cộng trong suốt thời gian bị giam giữ, ông Lý phải chịu đến 500 roi, kể cả ba lần chịu đòn thay cho nhạc phụ. Nhìn ông trùm Đích tuổi già, sức yếu, ông Lý ngày đên lo lắng, thiết tha cầu khẩn Thiên Chúa trợ giúp ban ơn cho nhạc phụ vững tin cho đến giờ phút cuối cùng. Ông Lý thường khuyến khích nhạc phụ :

"Cha đã tuổi cao sức yếu, chẳng sống được bao lâu nữa, nếu không chết vì đạo thì cũng chết vì bệnh, nhưng nếu tử đạo, sẽ làm vinh danh Thiên Chúa và được hạnh phúc Thiên Đàng. Cha đừng luyến tiếc sống thêm ít ngày, con đây còn khỏe mạnh, đời còn dài, vợ trẻ với đàn con thơ dại thật đáng yêu đáng quý, nhưng con tin Thiên Chúa sẽ lo liệu thật tốt đẹp cho chúng. Hơn nữa khi cha con ta được lên Thiên Đàng, sẽ cầu bầu trước nhan Thiên Chúa thì có ích hơn cho cả gia đình dòng tộc. Cha đừng lo về những hình khổ phải chịu, con sẽ chịu đòn thay cho cha hết thảy. Cha hãy can đảm làm chứng và sẵn lòng chết vì yêu mến Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết vì chúng ta…"

Quả thực, mỗi lần quan truyền đánh đòn ông trùm Đích thì ông Lý Mỹ đứng lên thưa : "Cha tôi đã già nua tuổi tác, xin quan lớn tha cho, tôi xin chịu đòn thay". Quan lớn thấy ông có lòng hiếu kính, nên chấp thuận đề nghị ấy. Ông Lý chịu đòn gấp hai lần nê y phục rách nát, thân mình đầm đìa những máu, tứ chi bầm tím khắp nơi. Ông còn phải mang gông xiềng nặng hơn, bị cùm xiết chặt hơn, khiến càng thêm đau đớn khủng khiếp, nhưng vị chứng nhân Chúa Kitô luôn tỏ ra hân hoan vui mừng, không một lời oán thán :

"Vai mang bốn điệp, tai thêm ấm,
xổng xểnh ba vòng, cổ lại thanh".

Cuộc giã từ rơi lệ

Người con gái ông Lý, cô Mỹ tuy mới 12 tuổi, cũng lén mẹ ra tỉnh tìm cách qua ba lần cửa có lính gác, vào thưa với cha : "Xin cha cam đảm chịu chết vì Chúa". Cậu Tường mới 9 tuổi, con trai ông Lý Mỹ, không đi xa được, cậu cũng cố gắng nài nỉ dân làng đi thăm chuyển lời đến ông: "Cha đừng lo cho chúng con, cha hãy an tâm vững lòng xưng đạo và chịu chết vì đạo". Bà Lý bồng con mới sinh được mấy thàng ra thăm chồng, trao con cho chồng ẵm một lúc, bà thấy những cực hình chồng phải chịu, bà không cầm được nước mắt, bà nói trong nghẹn ngào :

"Vợ con ai mà chẳng thương chẳng tiếc, nhưng ông hãy hy sinh vác Thánh Giá rất nặng vì Chúa, hãy trung thành với Chúa cho đến cùng, đừng lo nghĩ về mẹ con tôi. Thiên Chúa sẽ quan phòng tất cả. Đến thăm ông lần này có lẽ là lần sau hết, cầu xin Chúa cho ông vâng theo thánh ý Chúa".

Ông Lý Mỹ lòng đau như cắt. Ông biết rằng sự ra đi của ông sẽ là nỗi thương đau vô cùng cho vợ con, nhưng vững tin vào tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa, ông bình tĩnh an ủi vợ: "Lời bà khuyên nhủ đốt thêm lửa kính mến Chúa trong lòng tôi, bà đem con về săn sóc chúng thay tôi, sớm tối cầu nguyện ngày sau gặp bà và các con chung hưởng hạnh phúc vĩnh cửu nơi quê thật là nước Thiên Đàng".

Nhờ lời khích lệ của vợ con, ông Lý như được tăng thêm sức mạnh, nên càng vững lòng tin hơn, sẵn sàng hy sinh tính mạng vì đạo Chúa. Có lần một vài phu tuần làng Kẻ Vĩnh vì mộ mến ông, khuyên ông qúa khóa để trở về coi sóc dân làng như trước, ông liền mắng họ: "Ai bảo các anh đến thăm tôi và nói những lời sai trái như vậy, bây giờ tôi về thì các anh sẽ khóc, nhưng khi đưa thi hài tôi về làng thì các anh sẽ ăn mừng".

Say vì đạo, hả vì tình

Suốt một tháng trời, quan vừa hành hạ vừa khuyên dụ ông Lý Mỹ bước qua Thánh Giá không thành công, dù phải những trận đòn tan xương nát thịt, dù gông cùm, xiềng xích nặng nề đau buốt thịt xương, vị chứng nhân Chúa Kitô vẫn một lòng kiên trung với đức tin. Quan làm án tâu về kinh :

"Nguyễn Huy Mỹ, làm Lý trưởng làng Kẻ Vĩnh, can tôi theo đạo Gia Tô triều đình nghiêm cấm, cùng với Nguyễn Đích là nhạc phụ, chứa chấp đạp trưởng Mai Năm trong nhà. Đã khuyên dụ nhiều lần chối đạo nhưng chúng không chịu quá khóa, nên luận phải xử trảm ba người đó để làm gương cho dân chúng".

Ngày 12,08.1838, được tin vua Minh Mạng đã châu phê y như án nghị, cả ba tông đồ Chúa vui mừng hớn hở chuẩn bị tâm hồn lãnh bí tích giải tội và rước Mình Thánh Chúa cách sốt sáng. Các ông hân hoan bước đến nơi xử, vừa đi vừa hát kinh tạ ơn Chúa. Dọc đường ông Cả Tú (là anh em thúc bá với ông Lý Mỹ) khích lệ: Anh Lý ! Hãy vững tâm nhé". Ông Lý Mỹ đáp lại: "Anh cả yên chí, đừng lo, tôi không sợ đâu".

Đến pháp trường Bảy Mẫu, ba vị chứng nhân quỳ xuống cầu nguyện một lúc. Ông Lý Mỹ xin xử cha Giacôbê Mai Năm và ông Antôn Nguyễn Đích trước, quan chấp thuận. Ông Lý Mỹ bị chém sau cùng.

Thi hài của ba vị tử đạo được rước về làng Kẻ Vĩnh ngay trong đêm đó. dân chúng vui mừng đốt đèn đuốc đón rước cách trọng thể, đúng như lời tiên báo của ông Lý Mỹ.

Ông Micae Lý Mỹ lãnh phúc tử đạo, chiến thắng tất cả những thử thách cực hình nhờ tình yêu tuyệt đối vào Chúa Giêsu Kitô và với tinh thần đạo đức say mê giáo lý tin mừng của Ngài. Tình yêu và tinh thần được vun trồng ngay từ thời niên thiếu phát triển theo thời gian đến tuổi trưởng thành, và cho đến giờ phút quyết liệt nhất của cuộc đời, bằng một tình yêu tuyệt đỉnh, ông Lý Mỹ xứng đánh lãnh nhận phần thưởng trọng hậu Thiên Chúa trao ban : Khải hoàn Thiên Quốc với cành lá tử đạo.

Ông Micae Lý Mỹ thực là con người chí hiếu của người cha dưới thế cũng như Cha trên trời.

Đức Lêo XIII suy tôn lên hàng Chân Phước ngày 27.05.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn các ngài lên bậc Hiển thánh.

Nguồn từ thư viện Đa Minh

Trường thi tử Đạo.

Ông Lý Mỹ sinh năm Giáp Tuất (1804)
Trại Ðại Ðăng tỉnh lỵ Ninh Bình
Mẹ cha về sớm Thiên Ðình
Nhờ Dì nuôi nấng chân tình chăm lo

Mới mười tuổi chữ Nho khó học
Rất siêng chăm cậu học thuộc ngay
Tinh thông khéo dạ khéo tay
Cụ Ðồ khen tặng cậu này thủ khoa

Ðến lập nghiệp quê nhà Kẻ Vĩnh
Ở nơi đây đã đính kết hôn
Với cô Niệm gái nông thôn
Con cụ Trùm Ðích tiếng đồn nết na

Rồi anh Mỹ học qua nghề thuốc
Chữa mát tay thân thuộc tin yêu
Nhà thờ kinh sớm kinh chiều
Siêng năng lần hạt là điều chẳng quên

Có Cha tới ta nên xưng tội
Phải xét mình sai lỗi với ai
Thật lòng sám hối xưng khai
Tại tôi đấm ngực xin ngài thứ tha

Ông Lý Mỹ xùng la tát vợ
Cũng chỉ vì kiếm cớ bỏ kinh
Sau này ông biết lỗi mình
Vợ chồng hòa thuận nghĩa tình sắt son

Ông Lý Mỹ hết còn tái phạm
Không rượu chè kết bạn bê tha
Tu thân rồi mới tề gia
Việc nhà ổn định thiết tha cộng đoàn

Một lần nọ họp bàn đám hiếu
Của Thầy Ðồ phúng điếu lễ nghi
Anh em Phật giáo thầm thì
Thầy Ðồ an táng lễ nghi nhà Chùa

Nhưng Lý Mỹ đâu thua, phản đối
Ðược Thầy Ðồ chỉ lối lại cho
Nhà thờ phép đạo tôi lo
Nhờ Thầy Kẻ Giảng giúp cho tốt lành

Ông Lý Mỹ lẹ nhanh bố thí
Giúp người nghèo thiện chí hăng say
Giỏi giang lý sự trình bày
Khuyết chân Chánh Tổng làng này cử ông

Ông không chịu nên ông từ chối
Lý trưởng làng dân hối ông làm
Nhưng ông không thích chẳng ham
Ðức Cha Dụ bảo giúp làng giúp dân

Ðề che chở khi cần lúc khó
Ðức Cha khuyên khi đó mới ra
Xin vâng giúp đỡ quê nhà
Dân làng thấy vậy thật là an tâm

Xử kiện cáo không lầm Lý Mỹ
Ông đứng ra xử lý công bằng
Không quen thuộc, khéo nói năng
Chẳng qua lẽ phải thưa rằng công minh

Một bữa nọ ông rình bắt bạc
Có đông người đĩa bát quả tang
Ðầy tớ riêng có trong hàng
Bốn mươi roi phạt cả làng tới coi

Tên đầy tớ thêm roi sáu chục
Ðủ trăm roi nằm gục chổng mông
Ðàn bà cũng giống đàn ông
La lối chửi rủa thì ông phạt đòn

Bà nào lỡ có con đi kiếm
Lấy cái nia cắt khiến chui đầu
Cái nồi đất cũ từ lâu
Bôi vôi bắt đội lên đầu dẫn đi

Làng nhìn mặt bà thì xấu hổ
Cả dân làng khu phố khen hay
Lý Mỹ có tính tốt này
Ông không nóng giận khoan thai hiền từ

Là Lý Trưởng cũng như việc đạo
Vẫn đọc kinh loan báo làm gương
Phiên tuần canh gác ngoài đường
Ông đi đôn đốc đảm đương tháng ngày

Các trẻ nhỏ tính hay trốn học
Ông kiểm tra săn sóc tới nơi
Giục người xưng tội kịp thời
Ai mà lười biếng ông thời ghi danh

Ðối với bậc tu hành kính nể
Ðón các ngài đến để giảng rao
Làng Kẻ Vĩnh rất tự hào
Ðạo đời tốt đẹp Chúa trao phúc lành

Ðược như vậy nhờ danh Lý Mỹ
Rất hiên ngang suy nghĩ đảm đang
Lính quan đến ông dẫn đàng
Từng nhà lục soát dân làng vững tin

Ông ngầm báo đi tìm lối thoát
Nếu chưa thông lối khác dẫn đi
Quan quân chẳng bắt được gì
Nhờ ông Lý Mỹ rất thì tinh nhanh

Tại Nam Ðịnh Quang Khanh bắt lính
Bỏ đạo trời quan tính kiểm tra
Ông Lý Mỹ lại ở xa
Cho người về báo phải là kiên trung

Mấy ngày nữa, sẽ cùng các đệ
Ra gặp quan nói để tuyên xưng
Quang Khanh thấy thế thì ngừng
Hồng ân tử đạo đón mừng cầu xin

Ngay sau đó báo tin cho vợ
Tôi chiêm bao sẽ ở xa bà
Phúc lành tử đạo không xa
Ông được phúc trọng thì ta vui lòng

Lời ước nguyện cầu mong sắp đặt
Ba ngày sau quan bắt ông đi
Hai tên do thám Xuân, Ty
Nằm vùng giúp việc nó thì báo quan

Trịnh Quang Khanh chia làm hai cánh
Ðường thủy bộ điểm chánh đình làng
Quân quan gươm giáo nghênh ngang
Cho đòi lý trưởng với hàng quan viên

Ông Lý Mỹ báo liền Trùm Ðích
Cha con ta bị địch bắt rồi
Quang Khanh tới chắc lôi thôi
Cho đòi trai tráng bắt ngồi điểm danh

Bao đạo trưởng các anh phải nộp
Lý trưởng làng lính ốp trả lời
Quan cho lục soát khắp nơi
Nếu mà bắt được tội rơi bay đầu

Phải làm giấy ngõ hầu phải ký
Cầm bút ngay ông ký hiên ngang
Hai tên do thám dẫn đàng
Cụ Năm có mặt sẵn sàng nhận ngay

Lính xô lại trói tay Trùm Ðích
Giấy tờ đây giải thích cho quan
Lý Mỹ nói khỏi luận bàn
Phép vua quan xử chẳng van kêu nài

Liền sau đó quan sai lính trói
Cả ba người chẳng nói năng gì
Giải về Lục Bộ hướng đi
Một huynh thứ đến, bàn thì chuộc ông

Nhưng Lý Mỹ nói không cảm tạ
Ðây hồng ân Chúa đã quan phòng
Làm cơm khoản đãi cầu mong
Ðón mừng chôn xác liệm trong quan tài

Lý hình tức, chém sai không trúng
Trượt vô cằm nảy búng thịt ra
Chém năm nhát mới đứt mà
Thật là đau đớn xót xa dân làng

Dân xin xác cả ba mai táng
Ðến nửa đêm mới cáng tới làng
Giáo dân đốt đuốc sáng choang
Thổi kèn đánh trống cả làng mừng vui

Phúc tử đạo bùi ngùi Mậu Tuất (1838)
Của lễ dâng đẹp nhất đời con
Một lòng trung nghĩa sắt son
Suy tôn Canh Tý (1900) xác hồn Thiên cung

Cha Năm, cụ Trùm Ðích, ông Lý Mỹ tử đạo
12/8/1838 an táng tại nghĩa trang làng Kẻ Vĩnh

Lời bất hủ: Trước quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh, ông Lý Mỹ trả lời với lý luận sắc bén đối chất với quan: "Thưa quan lớn, tôi đã suy xét và tin nhận đạo Thiên Chúa là đạo thật, nên tôi không thể chối bỏ. Giá như có ai nói quan lớn đạp đầu Ðức Vua đã ban chức trọng cho quan, ắt hẳn quan chẳng dám làm, thì tôi đây lẽ nào cả gan đạp ảnh Chúa tôi thờ kính". Ông Lý Mỹ chịu đánh đòn nhiều lần cả những lần chịu thay cho nhạc phụ tổng cộng đến 500 roi.

http://tinmung.net/CACTHANH/118ThanhTDVN/INDEX.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét