Trang

Thứ Hai, 2 tháng 7, 2018

Sứ điệp sách Diễm Ca

Sứ điệp sách Diễm Ca

Khi đọc sách Diễm Ca chúng ta có thể nhận ra vài điểm thần học sau đây. Thứ nhất là lịch sử tình yêu si mê  giữa Thiên Chúa và dân Israel. Giavê Thiên Chúa là Phu Quân và dân Israel là phu thê. Tinh yêu Thiên Chúa dành cho dân Israel là một tình yêu đam mê, khiến cho Thiên Chúa luôn tìm cách chạy theo Israel là phu thê để gặp gỡ họ và lôi kéo họ trở lại với Ngài, mặc dù biết bao nhiêu bất trung của họ. Trong lịch sử dài của mình Israel đã luôn luôn bị cám dỗ bỏ Giavê Phu Quân để chạy theo các thần ngoại giáo và ngoại tình với chúng.
Điểm thứ hai trong sứ điệp thần học sách Diễm Ca là quan niệm về lịch sử cổ xưa với sự hứng khởi của việc tái thiết thời hậu lưu đầy. Sách được biên soạn trong giai đoạn chờ đợi sự kết hợp lý tưởng giữa Thiên Chúa và dân Israel. Các không chắc chắn, các khó chịu, và trốn tránh tình yêu của phu thê đối với phu quân của mình, chứng minh cho thấy sách Diễm Ca nghĩ tới một lý tưởng cần đạt được hơn là một thực tại  đã hiện thực. Có lẽ nó là một diễn dịch hữu hiệu - cả khi chắc chắn chỉ tổng quát - của lịch sử Israel, trong đó tình yêu không mệt mỏi của Thiên Chúa kiếm tìm sự hiệp nhất với dân Ngài: sự hăng hái đam mê được diễn tả ra bởi các thái độ khâm phục, ước mong, nhắc nhở, các câu trả lời, tạo ra sự căng thẳng đặc thù của các đoạn riêng của bài thơ, được giải quyết trong sự kết hợp tình yêu khiến cho hai người yêu sống gần bên nhau. Tuy nhiên, việc chiếm hữu nhau này của hai người, phu thê và phu quân, không hoàn toàn và vĩnh viễn: nó đợi chờ sự kết hợp lý tưởng sẽ được thực hiện trong tương lai.
Trong quan niệm thần học này về lịch sử Israel trước và sau biến cố lưu đầy, thật là tự nhiên khi thấy Giavê phải được coi như Phu Quân của Israel và dân được chọn là hiền thê của Ngài với tất cả các hiệu qủa tự nhiên phát xuất từ sự kết hợp hôn nhân ấy, trong đó có các hậu qủa chính yếu sau đây: sự hiểu biết nhau giữa hai người yêu, lòng trung thành với giao ước hai bên đã ký kết,  nhất là sự vĩnh viễn tuỳ thuộc lẫn nhau và tình yêu trọn đời dành cho nhau. Quan niệm về sự hiệp nhất hôn nhân đó giữa Giavê và dân Israel đã được các ngôn sứ Hosea, Giêrêmia, Êdekiel và Isaia II miêu tả. Đó là một tình yêu si mê, ghen tương và đau đớn Giavê Thiên Chúa dành cho dân Israel. Tình yêu đau đớn vì Israel là người vợ bất trung và vô ơn, hay bị cám dỗ phản bội Phu Quân là Thiên Chúa để chạy theo các thần linh ngoại giáo và ngoại tình với chúng.
Bên cạnh các mấu điểm thần học trên đây còn có các khiá cạnh nhân bản được các tác giả vô danh nêu bật trong các bài ca tình yêu, và soạn giả dùng để trình bầy quan  niệm của ông về lịch sử dân Israel và cái nhìn của ông đối với các tương quan giữa Giavê và dân Ngài. Đó là tình yêu nhân loại, phẩm giá và sự cao cả của người nữ, vẻ đẹp hấp dẫn của thân thể con người rất được nêu bật trong sách Diễm Ca, các cảnh đa diện và hấp dẫn của thiên nhiên, niềm vui sống, việc cử hành các ngày lễ, và các bữa tiệc vui, sự hài hoà của lời ca tiếng hát. Tình yêu với tất cả các si mê, đeo đuổi, kiếm tìm khắc khoải, âu lo, sướng vui và hạnh phúc giữa hai người nam nữ được sách Diễm Ca miêu tả trong các khiá cạnh khác nhau. Phẩm giá, sự cao cả và các nét đẹp quyến rũ của thân xác nữ giới cũng được tác giả nêu bật và miêu tả với những kiểu diễn tả so sánh ra xem ra xa lạ với các kiểu diễn tả so sánh của chúng ta ngày nay, nhưng không vì thế mà không có các giá trị thơ văn và biểu tượng của chúng. Khung cảnh thiên nhiên, với nhiều hoa và mầu sắc tươi vui và mùi hương thơm ngát, cũng như các lễ hội, các bữa tiệc có đàn ca múa nhảy và tiếng hát vui chơi đầy sức sống và hạnh phúc cũng là một nét khác của sách Diễm Ca. Nó diễn tả chính ý muốn của Thiên Chúa trông thấy con người được hạnh phúc bên nhau và vì thế chuẩn chước cho con người khỏi phải thi hành các bổn phận như luật định. Chương 20 sách Đệ Nhị Luật là một văn bản rất hay đẹp cho thấy chính Giavê không cho phép tín hữu Israel khước từ nếm hưởng các hoa trái đầu mùa, cũng như trong các ngày chính chiến, khi viết: “Khi ấy các kỳ mục nói với dân rằng: "Ai là người đã xây nhà mới mà chưa khánh thành? Người ấy hãy đi về nhà, kẻo bị chết trận và người khác sẽ khánh thành. Ai là người đã trồng vườn nho mà chưa được hưởng những trái đầu tiên? Người ấy hãy đi về nhà, kẻo bị chết trận và người khác sẽ hưởng những trái đầu tiên. Ai là người đã đính hôn với một phụ nữ mà chưa cưới? Người ấy hãy đi về nhà, kẻo bị chết trận và người khác sẽ cưới nàng."  (Đnl 20,5-7). Đây là bằng chứng cho thấy chính Giavê không cho phép một người Do thái khước từ việc nếm hưởng các hoa trái đầu mùa của các thiện ích của cuộc sống  hạnh phúc cụ thể, ngay cả trong thời kỳ có chiến tranh. Mỗi người đều có quyền có một ngôi nhà của chính mình, có một vườn nho do chính tay mình trồng tiả, một người vợ do tình yêu của mình muốn có và lựa chọn.

Một cách đặc biệt tình yêu của con người và phẩm giá của phụ nữ xem ra được soạn giả đưa vào trong sứ điệp sách Diễm Ca, khi ông thêm vào đó suy tư của chính ông, như viết trong chương 8: “Phải, tình yêu mãnh liệt như tử thần, cơn đam mê dữ dội như âm phủ. Lửa tình là ngọn lửa bừng cháy, một ngọn lửa thần thiêng. Nước lũ không dập tắt nổi tình yêu,
sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp.” (Dc 8,6b-7a). Đó là tình yêu tinh tuyền, hay tình yêu là nguồn gốc của cơ chế hôn nhân hợp pháp giữa một người nam và một người nữ, được coi như  một trong những điều kỳ diệu của Thiên Chúa, mà trước nó tâm tình đầu tiên không phải là sự sợ hãi hay nghi ngờ, mà là một tri ân sâu xa và một khen ngợi ngoại thường như đối với một điều “tốt lành”. Sự tốt lành ấy đã là tình trạng chung của mọi thụ tạo trong thởi khai nguyên vũ trụ, khi Thiên Chúa tạo dựng nên mọi loài mọi vật và con người như soạn giả Tư Tế viết trong chương 1 sách Sáng Thế.

Điệp khúc “Và Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp” được soạn giả trường phái Tư Tế lập lại 6 lần khi Ngài tạo dựng ra khung cảnh sống hài hoà đầy đủ có trời mây non nước, thảo mộc cỏ cây và thú vật muôn loài, trước khi tạo dưng nên con người. Chương 1 sách Sáng Thế viết: “Thiên Chúa phán: "Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất." Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất." Thiên Chúa phán: "Đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi. Còn đối với mọi dã thú, chim trời và mọi vật bò dưới đất mà có sinh khí, thì Ta ban cho chúng mọi thứ cỏ xanh tươi để làm lương thực. Liền có như vậy." Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!” (St 1,26-31).

Vài chỉ dẫn liên quan tới sứ điệp soạn giả sách Diễm Ca muốn nhắn gửi trên đây biện minh cho giá trị nhân bản và tôn giáo của tác phẩm, cũng như chỗ đứng chuyên biệt của nó trong lịch sử cứu độ. Trong các thời điểm đặc biệt khó khăn của dân Israel bao gồm các năm tháng cam go của việc tái thiết sau thời lưu đầy, khi mọi sự đều có thể bị đưa ra tranh luận như: tình yêu của Thiên Chúa, ơn gọi của dân được tuyển chọn, giá trị của phụng tự, sự tiếp tục trong thời gian của giao ước cũ Sinai, ý thức có thể chống trả lại sự tấn công của nền văn hoá hy lạp, rạng ngời hơn. Tất cả đều được lồng khung một cách khá tốt đẹp vào trong sách Diễm Ca. Khi được đọc lại với các ý hướng khác, nó có thể trao ban cho những người Do thái mất tin tưởng xác tín về tình yêu không thay đổi của Giavê đối với họ, và ý thức vẫn luôn luôn là những kẻ được tuyển chọn.

Giữa giao ước ký kết tại núi Sinai, giờ đầy đã chỉ là một kỷ niệm và giao ước tương lai đã chỉ là một hy vọng, cần phải có một thời gian chuyển tiếp khá dài, trong đó con tim của từng người một phải tự chuẩn bị một cách xứng đáng, và trong đó một cộng đoàn được canh tân  phải tìm diễn tả trước một cách thực sự vương quốc và tình yêu vĩnh của của Thiên Chúa.

Khi đó sách Diễm Ca như soạn giả trình bầy có nhiệm vụ giới thiệu một giao ước thuộc loại hôn nhân giữa giao ước ngôn sứ Giêrêmia đã báo trước trong chương 31 và giao ước sẽ được Chúa Giêsu Kitô vén mở trong diễn văn cuối cùng của Ngài trong bữa Tiệc Ly, như ghi trong Phúc Âm thánh Gioan các chương 13-16. Trong khi ngôn sứ Giêrêmia khiến cho những người Do thái đi đầy về hát lên những lời rất giống các lời và tư tưởng của các bài ca tình yêu của  sách Diễm Ca, trong một viễn tượng vẫn còn chật hẹp của niềm hạnh phúc vật chất và đã có thể hiện diện trong tâm trí của soạn giả, thì trái lại sách Diễm Ca lãnh nhiệm vụ trợ giúp một cách tốt hơn những người do thái đi đầy về không tin tưởng trong việc tái kiếm tìm Giavê với lòng kiên nhẫn lớn lao và lòng can đảm trước mọi thử thách, mặc dù có các tối tăm và vỡ mộng gây lạc hướng, làm cho họ đi sâu hơn vào trong mầu nhiệm của khổ đau đã sống trong suốt thời bị lưu đầy bên Babilonia, và dẫn họ từ từ tới ý thức tràn đầy và sự hiệp nhất yêu thương với Giavê là Người Yêu thực sự và duy nhất của họ.

DC 14
Linh Tiến Khải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét