Các yếu tố thần học của cuộc sống thần bí trong sách Diễm Ca
Sách Diễm Ca miêu tả tình yêu của con người đối với nhau nhưng cũng miêu tả tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Tuy nhiên, nó cũng là bài ca của một cuộc sống, cuộc sống tốt đẹp hơn của bạn. Rabbi Aqibah đã nói rằng thế giới đã đạt ý nghĩa của nó, khi xuất hiện mạc khải cuả sách Diễm Ca. Và ông có lý, bởi vì chúng ta có thể cho thế giới này ý nghĩa nào, nếu không hiểu biết một cách tràn đầy mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, mầu nhiệm của Thiên Chúa đến sống giữa loài người chúng ta mà sách Diễm Ca đã loan báo một cách tiên tri? Đúng thật là các hình ảnh của sách Diễm Ca gây khoái cảm, chúng miêu tả các cuộc nói chuyện về tình yêu, chúng đề cao các nụ hôn và các ôm ấp khoái lạc, nhưng trong viễn tượng nền tảng của Thánh Kinh Cựu Ước khoái cảm với các biểu lộ đa phương của nó là một thiện ích, một điều tốt lành được thực hành trong kiểu hoạt động của món quà ở nơi đâu Lề Luật Torah cho phép: trong trường hợp này có nó thể là dấu chỉ của một thực tại siêu việt, thực tại tình yêu của Thiên Chúa là Phu Quân hay ghen tương và là Đấng vô cùng yêu thương dân Ngài. Giáo phụ Origene tán đồng rabbi Aqiba khi khẳng định rằng: “Chắc chắn phúc cho ai bước vào trong Nơi Thánh, nhưng càng phúc hơn cho kẻ bước vào Nơi Cực Thánh. Phúc cho kẻ cử hành ngày Sabát, nhưng còn phúc hơn nữa kẻ cử hành ngày Sabát của các ngày Sabát, tức Năm Thánh. Cũng phúc cho ai hiểu và hát các thánh ca – chẳng có ai hát nếu không phải là trong ngày lễ - nhưng còn phúc hơn cho người hát Bài ca của các Bài Ca, tức sách Diễm Ca.
Dietrich Bonhoeffer, mục sư thuộc Giáo Hội Luther, sinh năm 1907 qua đời trong trại tập trung Đức quốc xã tại Flossenburg, đã viết trong thư gửi cho bạn là ông Eberhard Bethge như sau: “Tuy nhiên đó là nguy hiểm của mọi tình yêu khiêu dâm mạnh mẽ mà người ta mất đi vì nó, tôi muốn nói, nó là bài hợp ca nhiều bè của đời sống. Tôi có ý nói điều này: Thiên Chúa và sự vĩnh cửu của Ngài muốn được yêu thương với hết con tim; không phải trong kiểu tình yêu nhân loại bị giàn xếp hay suy yếu đi, nhưng trong nghĩa như một tiết điệu nền tảng của sáng tác nhiều bè, so với nó thì các giọng khác của cuộc sống vang lên như các âm điệu chồng lên nhau. Một trong các đề tài chồng lên nhau này hoàn toàn độc lập với nhau nhưng liên quan tới tiết nền tảng, là tình yêu. Cả trong Thánh Kinh cũng có tiết điệu kiểu này đó là sách Diễm Ca, và không thể thực sự nghĩ ra một tình yêu nào nóng bỏng, khoái cảm, nồng nàn hơn là tình yêu được miêu tả trong sách Diễm Ca (Dc 7,6): sự kiện sách thuộc các tác phẩm kinh thánh thật là điều đẹp đẽ, trước mặt tất cả những người cho rằng đặc thái kitô là ở sự điều độ trong các đam mê. Nhưng thử hỏi trong Thánh Kinh có sự điều độ như thế hay không? Nơi đâu tiết điệu nền tảng rõ ràng và khác biệt, thì âm điệu chồng lên nhau có thể trải dài ra với sức mạnh tột độ. Khi nói tới tiết điệu nền tảng người ta hiểu rằng có một giai điệu hiện hữu trước dùng làm nền cho việc xây dựng các âm điệu chồng lên nhau, và như thế nó là nền tảng của một sáng tác bản hợp ca nhiều bè, như thấy trong các thế kỷ XII-XIV. Khi đó sáng tác hợp ca nhiều bè chồng lên nhau chính là các giai điệu tình yêu của sách Diễm Ca, nhưng được sáng tác dựa trên tiết điệu nền tảng là tình yêu của Thiên Chúa. Tương tự như thế ĐHY Gianfranco Ravasi, chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh đặc trách văn hoá, nêu bật mối dây liên kết không thể tách rời này giữa tình yêu của con người và tình yêu của Thiên Chúa: việc đọc hiểu biểu tượng khởi hành từ sự kiện thực tế, nhân loại, thân xác là sự kiện của tình yêu lứa đôi cũng được ca tụng trong môi trường khôn ngoan của Thánh Kinh. Điển hình như tình yêu của cặp vợ chồng thuỷ tổ của loài người như được miêu tả trong hai chương đầu sách Sáng Thế.
Chắc chắn là sách Diễm Ca cử hành tình yêu hôn nhân trong sự tràn đầy của nó, nhưng cũng khẳng định tất cả mọi giá trị liên quan tới lãnh vực này. Trong nghĩa đó tình yêu của con người toàn hảo, nơi thân xác và khoái lạc đã là ngôn ngữ của sự hiệp thông, không mất đi năng lực cụ thể và cá nhân của nó, tự bản chất của nó đi tới chỗ nói lên mầu nhiệm của tình yêu hướng tới cõi vô biên và diễn tả thực tại siêu việt của Thiên Chúa. Từ Do thái araba tình yêu là một từ chìa khoá của sách Diễm Ca. Nó diễn tả tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu của bạn bè, tình yêu của một người nam đối với một người nữ, nhưng tất cả đều quy chiếu Thiên Chúa. ĐTC Biển Đức XVI giải thích tình yêu này như sau: “Nó là phần của các phát triển của tình yêu hướng lên các mức độ cao hơn, hướng tới các thanh tẩy cuối cùng sâu thẳm, mà nó tìm tính cách vĩnh viễn và điều này trong một ý nghĩa kép: trong nghĩa của sự triệt để - chỉ có người duy nhất này thôi – và trong ý nghĩa của sự luôn mãi. Tình yêu bao gồm sự toàn vẹn của cuộc sống trong mọi chiều kích, cả trong chiều kích của thời gian. Nó không thể khác, bởi vì lời hứa của nó nhắm tới sự vĩnh viễn: tình yêu nhắm tới sự vĩnh cửu”.
Như thế, sách Diễm Ca là sự thành toàn và là tổng kết của Thánh Kinh, và thánh Girolamo đã khẳng định rằng tình yêu giả thiết toàn lịch sử cứu độ, và nó rộng mở ra cho sự mới mẻ của Tân Ước, của Chúa Kitô, là sự thành toàn vĩnh viễn tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Chúng ta có thể đưa ra một nhận xét nền tảng khác liên quan tới tình yêu của hôn phu và hôn thê trong sách Diễm Ca: đó là thành phần của thân xác có các nét của một thứ ngôn ngữ sâu xa của tình yêu làm phong phú các tương quan và các cảm giác cá nhân, và tạo thành một hệ thống hài hoà thấm đượm các ý nghĩa biểu tượng mà sách Diễm Ca góp phần giúp khám phá ra. Trong sách Diễm Ca thân xác ngày càng là một dụng cụ lớn lao của sự thông truyền tinh thần. Nó là như thế không phải trong hình thái phúng dụ (allegoria), qua việc kiếm tìm nóng nảy các ẩn dụ (metaphore) luân lý đạo đức hay thần bí, nhưng trong hình thái biểu tượng đích thực, theo đó mọi chiều kích cụ thể chiếm hữu được các ý nghĩa cuối cùng của cuộc đời, của sự dịu hiền, của tình yêu, của đối thoại. Một cách tổng kết chúng ta có thể nói rằng chỉ có một tình yêu, và khi đó tình yêu khiêu dâm, tình yêu của con người và tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu tinh thần không hề đối kháng nhau, nhưng tuỳ thuộc cùng một thực tại duy nhất. Mọi tình yêu đều mang trong chính nó vị giác tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa.
Vậy đâu là các yếu tố thần học của cuộc sống thần bí chúng ta có thể tìm thấy trong sách Diễm Ca?
Nền thần bí kitô lấy hứng từ sách Diễm Ca để cử hành tương quan tình yêu với Thiên Chúa. Chỉ cần nghĩ tới các vần thơ của thánh Gioan Thánh Giá thì đủ hiểu: “Trong một đêm đen tối, bị đốt cháy bởi các âu lo của tình yêu, ôi cuộc mạo hiểm hạnh phúc! Tôi ra đi, mà không bị nhận ra, đứng trước căn nhà của tôi đã rơi vào giấc ngủ… Đêm đã hướng dẫn ta! ôi đêm dễ thương hơn cả hừng đông, ôi đêm Ngài đã kết hợp Đấng được yêu với kẻ được yêu, kẻ được yêu được biến đổi trong Đấng được yêu”. Đây là việc nở hoa của một ý thức sâu đậm rõ ràng về sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng đánh động trái tim con người cho việc kết hiệp với Ngài. Chiều kích mạnh mẽ và ý thức về sự hiện diện của Ngài cho thấy một ý thức thần bí thử miêu tả cuộc gặp gỡ đã biến đổi cuộc sống của mình. Chúng ta có thể nói tới một kinh nghiệm tột đỉnh, nhưng chỉ là một lúc của lộ trình thần bí rộng rãi hơn, mà đức tin của họ sống mỗi ngày trong cuộc sống cụ thể. Nhận thức về mầu nhiệm được các dấu chỉ làm trung gian để đạt tới trái tim con người: các nhận thức khác nhau của mầu nhiệm như việc nhân loại chiêm ngắm Chúa Kitô hay các đặc tính của Thiên Chúa. Từ kinh nghiệm cứu độ này tín hữu được thúc đẩy duyệt lại nguồn gốc tương quan sinh tử của mình với Thiên Chúa, bằng cách đạt tới việc chiêm ngưỡng toàn vũ trụ như là phần của một chương trình cứu độ duy nhất. Ơn cứu độ không thể tách rời khỏi việc tạo dựng, khỏi công trình Thiên Chúa đã muốn, để cho sự thật, sự hiệp nhất, lòng lành và vẻ đẹp được biểu lộ, bởi vì chỉ trong một tương quan gắn bó với nhau con người mới có thể đón nhận sự hiện diện của Thiên Chúa. Lời được cống hiến cho con người không thể tồn tại, nếu không tham dự vào cuộc sống của Thiên Chúa. Thánh Benado và thánh Guglielmo vạch ra cho chúng ta thấy các biểu lộ tình yêu đặc thù trong tương quan giữa Thiên Chúa và tín hữu.
Ngôn ngữ tình yêu được diễn tả ra bằng các nụ hôn và vòng tay ôm cho tới cuộc gặp gỡ sống trên thập giá, như sự trao ban hoàn toàn của Thiên Chúa cho con người. Các biểu lộ tình yêu cho thấy một cách biểu tượng rằng linh hồn được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa và giông giống Thiên Chúa. Còn hơn thế nữa trong sự đồng nhất với Thiên Chúa Cha linh hồn chết đi với Chúa Kitô trên thập giá, mất đi sự sống riêng của nó để được hiệp nhất với Thiên Chúa Ba Ngôi. Nữ đan sĩ Maria Celeste Crostarosa đã diễn tả như thế trong việc đào tạo các nữ tu trẻ của đan viện Chúa Cứu Thế Rất Thánh. Cuộc chuyện vãn nội tâm trở thành việc bước vào trong các nơi sâu thẳm của con tim, một việc đi xuống các nơi kín ẩn nhất của linh hồn. Trong căn hầm ấy Hiền Thê lắng nghe tiếng nói của Phu Quân kêu gọi mình lột bỏ mọi thực tại hữu hình để khám phá ra tình yêu trong trắng của họ. Liên tục khẩn nài Thiên Chúa, làm cho lời khẩn nài của mình được lắng nghe lay động Phu Quân là Đấng đòi hỏi chỉ được tìm thấy, nếu linh hồn biết chết đi vì tình yêu đối với Ngài.
DC 19
Linh Tiến Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét