Trang

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2018

Câu hỏi 66. Điều gì quyết định liệu một người có được gọi là thánh hay không?

Câu hỏi 66. Điều gì quyết định liệu một người có được gọi là thánh hay không?

Bảy vị chân phước được ĐGH Phanxicô tôn phong lên bậc Hiển Thánh ngày 14.10.2018 (nguồn Internet)
Điều quan trọng cần lưu ý là trên thiên đàng có nhiều vị thánh hơn số các vị đã được Giáo Hội chính thức ‘tuyên thánh’ hay phong thánh. Việc mừng trọng thể lễ các thánh là cách thức mà Giáo Hội nói cho chúng ta biết rằng có vô số các tín hữu trên Thiên Đàng. Vào ngày 1 tháng 11 chúng ta cử hành long trọng thánh lễ này. Bất cứ ai chết trong tình trạng ân sủng (nghĩa là trong tình bạn với Thiên Chúa) và được đón nhận trực tiếp hay gián tiếp vào thiên đàng, người ấy là một vị thánh. Chúng ta biết những con người vĩ đại và thánh thiện trong đời sống của chúng ta – những thành viên trong gia đình, đồng nghiệp, người láng giềng, hay những thành phần của Giáo Hội đã sống một đời sống đầy gương sáng. Họ không được Giáo Hội tuyên thánh một cách chính chức nhưng điều này không hề chối bỏ sự thật rằng họ đang vui hưởng hạnh phúc đời sống vĩnh cửu trên quê trời.
Tiến trình xác định xem liệu ai được phong thánh là một tiếng trình lâu dài và phức tạp vì thế Giáo Hội phải cực kỳ thận trọng khi điều tra một ứng viên cho việc tuyên thánh. Tiến trình này bắt đầu ở cấp địa phương nơi ứng viên đã từng sống, và nó chỉ bắt đầu sau 5 năm kể từ khi người ấy qua đời – mặc dầu đòi buộc này có thể được miễn chuẩn. Vị linh mục quản xứ, những người đã từng chia sẻ cuộc sống với người thánh thiện này, nếu là một cộng đoàn dòng tu như dòng Đaminh, thì bề trên sẽ giới thiệu với Giám Mục giáo phận. Ở cấp độ này, nếu vị Giám Mục giáo phận công nhận những yếu tố liên quan đến sự thánh thiện của ứng viên, thì ứng viên sẽ được tuyên xưng là bậc đáng kính và một tiến trình điều tra chính thức về đời sống của vị ấy sẽ được bắt đầu. Nhiều trường hợp tiến trình dừng lại ở cấp độ này. Nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc sẽ phải bỏ ra để thực hiện một cuộc điều tra lâu dài. Một khi bằng chứng về sự thánh thiện được thiết lập, một phép lạ phải được cho là do người thánh thiện này chuyển cầu lên Thiên Chúa. Phép lạ phải được chứng thực bởi các bác sĩ, thần học gia và đôi lúc các nhà khoa học. Nếu không còn gì nghi ngờ rằng đây là một phép lạ thì bước kế tiếp là tuyên phong chân phước. Trong suốt tiến trình này, cũng như trước đó, các bài viết của ứng viên và những người có mối tương giao với ứng viên sẽ được thẩm vấn. Việc tuyên phong chân phước sẽ diễn ra bởi Giáo Hoàng hay ở cấp địa phương là bởi Giám Mục. Thánh nhân sẽ được gọi là ‘chân phước,’ một tượng của ngài sẽ được dựng lên, và lễ mừng sẽ được đưa vào trong lịch phụng vụ. Nhưng nó chưa phải là một tuyên bố mang tính chất vô ngộ nếu chưa có một cuộc điều tra xa hơn. Và cũng đòi hỏi một phép lạ chuyển cầu khác. Một nghiên cứu khoa học về phép lạ phải được thực hiện. Khi kết luận là tích cực, Đức Thánh Cha có thể tuyên phong người này thành thánh vĩnh viễn. Có một ngoại lệ với tiến trình lâu dài này là trường hợp tử đạo, một người làm chứng cho đức tin và chết cho Đức Kitô. Vì tử đạo rất hiếm và là một dấu chỉ trung tín trọn vẹn với Thiên Chúa, một cuộc điều tra lâu dài và việc xác minh phép lạ không cần thiết cho việc tuyên thánh. Đòi hỏi duy nhất là vị tử đạo này đã hy sinh thân mình vì đức tin Công Giáo chứ không phải vì bất kỳ lý do nào khác (chính trị, chủng tộc, sắc tộc,…). Không giống như những kẻ khủng bố, người bóp méo khái niệm tử đạo, Kitô giáo không xem những người giết các nạn nhân vô tội là những vị tử đạo đích thực. Các vị tử đạo phải là các nạn nhân chứ không phải thủ phạm và lý do họ hy sinh mạng sống của họ là vì họ khước từ việc chối bỏ niềm tin tôn giáo của họ.
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 95-96.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét