ÐƯỜNG HẦM TU ĐỨC VÀ TRUYỀN GIÁO
1.
Tại Ý, tôi đã đi viếng những con đường hầm đào sâu trong lòng đất. Đây là nơi Giáo Hội sơ khai đã sinh hoạt suốt 3 thế kỷ, thời đạo Công giáo bị vua chúa truy lùng, với ý đồ tiêu diệt.
Mọi con đường hầm đó đều sâu. Để vào, người ta phải bước xuống một cách khó khăn. Không gian rất hẹp. Thiếu mọi tiện nghi. Đây là những phương tiện cực kỳ nghèo, nhưng sau cùng đã đưa tới những thành công cực kỳ lớn.
2.
Tôi muốn đưa ra hình ảnh con đường hầm, như vừa mô tả, để ám chỉ một lối sống tu đức có sức chiến thắng lực lượng ma quỷ. Ma quỷ là kẻ thù luôn tìm đủ cách kéo ta vào vòng nô lệ tội lỗi, để rồi sau cùng sẽ lôi ta xuống hỏa ngục.
Những con đường hầm này có tính cách tu đức và truyền giáo. Chính Chúa Giêsu đã chọn những con đường hầm này, trong kế hoạch cứu độ.
Tôi chỉ xin nêu lên ba con đường hầm quan trọng rút ra từ Phúc Âm.
3.
Đường hầm bước xuống như tự chôn vùi:
Đường hầm bước xuống, mà Chúa Giêsu đã đi được thánh Phaolô diễn tả như sau:
“Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa.
Nhưng Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang,
mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân,
sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập giá” (Pl 2,6-8).
Có thể gọi con đường Chúa Giêsu chọn để cứu đời là con đường bước xuống:
Từ trời bước xuống làm người phàm,
Từ người phàm bước xuống làm nô lệ,
Từ nô lệ bước xuống thân phận tội nhân,
Từ tội nhân bước xuống cái chết khổ nhục.
Kết quả cuối đường hầm này được thánh Phaolô tả như sau:
“Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người, và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn vàn danh hiệu.
Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu,
cả trên trời dưới đất và trong âm phủ,
muôn vật phải bái quỳ.
Và để tôn vinh Thiên Chúa Cha,
mọi loài phải mở miệng tôn xưng rằng:
Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2, 9-11).
4.
Nếu Chúa Giêsu đã đi con đường hầm bước xuống, thì các môn đệ Người cũng sẽ đi con đường đó. An tâm mà đi. Vinh dự mà đi. Tất nhiên ta phải luôn cố gắng tiến cao hơn trong nhiều lãnh vực cần cho việc làm sáng danh Chúa và cho việc phục vụ. Nhưng hãy tiến lên trong tinh thần bước xuống. Tránh tự phụ, tự đắc, tự mãn, tự cao.
5.
Trong đạo đức, nếu ta tự mãn, thì ta tự hủy. Vì sa vào bẫy Satan.
Trường hợp như vậy là thê thảm. Thánh Phêrô quả quyết: “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1 Pr 5, 5). Lời ấy vẫn là một lời tha thiết kêu gọi chúng ta hãy trở về con đường bước xuống.
Ngoài con đường hầm bước xuống, Chúa Giêsu đã đi thêm một con đường hầm khác, đó là đường hầm nghèo khó.
6.
Đường hầm nghèo khó :
Có lần Chúa Giêsu đã nói những lời táo bạo: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (Mc 10, 25).
Với lời quả quyết trên, Chúa Giêsu không kết án người giàu và việc làm giàu, nhưng Người cảnh giác về sự của cải dễ dụ dỗ con người sa vào bẫy nô lệ Satan.
Vì thế, Chúa Giêsu rất cương quyết trong việc chọn con đường hầm nghèo khó.
Người cương quyết sống nghèo khó, từ lúc sinh ra cho tới chết. Sinh ra nghèo trong hang đá Belem. Chết nghèo trên cây thánh giá. Sống nghèo trong cảnh bần hàn ở Nadarét.
Người cương quyết chọn hướng cứu độ các người nghèo khổ, như hướng ưu tiên của sứ mệnh cứu độ (x. Lc 7, 18-23).
Người cương quyết đặt kẻ sống tinh thần nghèo lên đầu Tám mối phúc (x. Mt 5, 2-12).
Người cương quyết sai các môn đệ đi giảng Tin Mừng với một tinh thần hết sức nghèo khó (x. Mc 6, 7-9).
Người cương quyết nói sự thực về ngày phán xét, Chúa sẽ căn cứ vào việc thương giúp người nghèo khổ như tiêu chuẩn để phân biệt người đáng thưởng, kẻ đáng phạt (x. Mt 25, 31-46).
7.
Sống nghèo và dùng những phương tiện nghèo để mở Nước Chúa, đó là một thứ đường hầm tu đức, mà nhiều người đã thực hiện, đưa lại hiệu quả tốt.
Chúa Giêsu đã chọn con đường hầm đó. Một trong những mục đích của sự lựa chọn ấy, chính là để làm gương về bác ái. Làm gương về bác ái, ở sự chia sẻ số phận người nghèo, hy sinh vì người nghèo, từ bỏ mình, để cứu những tội nhân.
Chúng ta nghèo của cải, nhưng phải rất giàu tình thương đối với người nghèo khổ. Chúng ta muốn là môn đệ Chúa, không nên chọn con đường khác.
8.
Lịch sử Hội Thánh cho thấy: Tất cả những vị đã đem lại mùa Xuân thiêng liêng cho Hội Thánh đều là những vị chủ trương sống nghèo. Họ được dân tín nhiệm, vì họ giống Chúa Giêsu.
Thêm vào con đường hầm bước xuống và con đường khó nghèo, Chúa Giêsu đã dạy một con đường hầm nữa. Đó là sự khiêm nhường.
9.
Đường hầm khiêm nhường:
Về cách làm việc thiện một cách âm thầm, tránh phô trương, Chúa Giêsu đã đề cập rõ trong Phúc Âm thánh Mattthêu.
“Khi làm việc lành phúc đức, các con phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, các con sẽ chẳng được Cha của các con, Đấng ngự trên trời, ban thưởng” (Mt 6, 1).
Rồi, Chúa Giêsu kể ra ba việc cụ thể:
“Khi bố thí, đừng khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn” (Mt 6, 2).
“Khi cầu nguyện, đừng làm như bọn đạo đức giả. Chúng thích cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, để người ta thấy” (Mt 6, 5).
“Khi ăn chay, các con đừng làm bộ rầu rỉ như bọn đạo đức giả...” (Mt 6, 16).
Những lời Chúa Giêsu dạy trên đây là một chân lý cứu độ.
10.
Thế nhưng hiện nay, lời dạy quý báu đó đang bị coi thường. Cách sống phô trương đang có vẻ như được hợp thức hóa. Nên nhớ rằng: Ơn Chúa không chảy qua những con đường phô trương.
11.
Tại Việt Nam hôm nay đang có những chuyển biến rất rõ ràng nhắc nhở về những đường hầm mà tu đức và truyền giáo cần đi vào. Bởi vì càng phô trương quyền lực, càng dễ bị tiêu diệt. Càng phô trương vật chất lớn lao, càng dễ bị lấy đi. Càng phô trương số đông, càng dễ bị truy lùng. Càng phô trương hoành tráng, càng dễ bị xóa đi. Càng phô trương các trung tâm, càng dễ bị gây xung đột.
12.
Chúng ta nên coi ba con đường hầm trên đây là ba cách chúng ta khẳng định tình yêu của ta đối với Chúa và đối với mọi người.
Nên tỉnh thức, kẻo nếu coi thường thì sẽ quá muộn.
Đức Giám mục Bùi Tuần
Nguồn: cgvdt.vn
Nguồn: cgvdt.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét