Giải đáp phụng vụ: Giám mục có quyền khuyến nghị linh mục đọc Kinh cầu Thánh Tổng Lãnh Thiên Thần Micae cuối lễ không?
Nguyễn Trọng Đa
Nói thêm về việc rước lễ trên tay.
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Một số Giám mục gần đây đã đề xuất việc linh mục đọc kinh cầu cùng Thánh Tổng Lãnh Thiên Thần Micae cuối Thánh lễ. Thi dụ, Tổng Giám mục Sample của Tổng Giáo phận Oregon ở Hoa Kỳ khuyến nghị rằng “thời gian và địa điểm phù hợp nhất cho linh mục đọc kinh này là sau phép lành cuối lễ, và ở dưới chân bàn thờ, sau đó hát bài ca tạ lễ”. Thưa cha, liệu có được phép đọc kinh này sau phép lành cuối lễ và trước bài ca tạ lễ không? Liệu Thánh lễ kết thúc trước bài ca tạ lễ không? Liệu một Tổng Giám mục có quyền đảo ngược quyết định của Huấn thị Inter Oecumenici hồi tháng 9-1964, trong đó số 48 nói: “Các kinh của Giáo Hoàng Lêô bị bãi bỏ rồi…” không? - J. L., Melbourne, Úc.
Đáp: Các kinh của Giáo Hoàng Lêô là một tập hợp các kinh được Đức Giáo Hoàng Lêô XIII ban hành năm 1884, để sử dụng sau Thánh Lễ thường, nhưng không phải là một phần của Thánh lễ. Thánh Giáo Hoàng Piô X thêm một lời cầu với Thánh Tâm Chúa. Trong dạng thức hoàn chỉnh, các kinh của Giáo Hoàng Lêô bao gồm 3 kinh Kính Mừng; một kinh Lạy Nữ Vương’; rồi đọc ”Lạy Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin cầu cho chúng con. Đáng chịu lấy những sự Đức Chúa Giêsu Kitô đã hứa”; kinh cầu cùng Thánh Tổng Lãnh Thiên Thần Micae; đọc ba lần “Chúng con kính lạy Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu. Xin thương xót chúng con”. Các kinh này được linh mục đọc khi quỳ dưới chân bàn thờ.
Các kinh này được đọc cho nhiều ý cầu nguyện khác nhau trong năm, một cách nào đó để cầu cho sự chở che và tiến bộ của Hội Thánh.
Mặc dù bị bãi bỏ vào năm 1964, đôi khi các kinh này vẫn được sử dụng sau Thánh lễ trong hình thức ngoại thường.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong ánh sáng của các cuộc khủng hoảng gần đây, đã khuyến khích tất cả người Công Giáo đọc kinh cầu cùng Thánh Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, và kinh lạy Nữ Vương ("Sub Tuum Praesidium") trong bối cảnh lần chuỗi Mân Côi.
Một số Giám mục, như chúng ta đã thấy ở trên, đã đề nghị đọc kinh cầu cùng Thánh Tổng Lãnh Thiên Thần Micae sau Thánh lễ. Do đó, Đức Tổng Giám Mục Sample của Tổng Giáo phận Oregon ở Hoa Kỳ đã viết cho các linh mục của ngài như sau:
“Ngày 14-9-2018 - Tôn dương Thánh Giá Chúa. Các Anh Em Linh Mục Thân Yêu của tôi, hãy chúc tụng Chúa Giêsu Kitô! Chúng ta tự thấy mình đang trong thời kỳ rất đau khổ với các tiết lộ liên tục về sự thất bại của các anh em linh mục và Giám mục của chúng ta. Đối với tôi, dường như ma quỷ đã tăng cường cuộc chiến chống lại Nhiệm Thể và các thành viên của Nhiệm Thể. Có rất nhiều điều chúng ta có thể làm như một Giáo Hội địa phương, để đóng vai trò của chúng ta trong việc thanh luyện Hội Thánh vào lúc này, tuy nhiên, việc cầu nguyện cũng sẽ là câu trả lời quan trọng nhất và thích hợp nhất, mà trên đó mọi nỗ lực khác sẽ được xây dựng. Vì thế, tôi muốn mạnh mẽ khuyến khích anh em hãy đọc kinh cầu cùng Thánh Tổng Lãnh Thiên Thần Micae sau mỗi Thánh lễ ở giáo xứ, và anh em hãy khuyến khích giáo dân cũng đọc kinh này mỗi ngày. Tôi nghĩ rằng thời gian và địa điểm phù hợp nhất cho linh mục là sau phép lành cuối lễ và ở dưới chân bàn thờ, sau đó hát bài ca tạ lễ. Kinh cầu cùng Thánh Tổng Lãnh Thiên Thần Micae là do Đức Giáo Hoàng Lêô XIII sáng tác, là một vũ khí mạnh mẽ trong kho các sự sùng kính của chúng ta, và Thánh Tổng Lãnh Thiên Thần Micae là một đấng cầu bầu có quyền thế lớn lao. Văn phòng Phụng tự đã chuẩn bị sẵn một số tờ kinh, để anh em mua và phân phát cho mọi tín hữu của mình, và hầu hết các sách lễ đều có kinh này. Lạy Thánh Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, cầu cho chúng con. Thân chào anh em trong Chúa Kitô”.
Bạn đọc của chúng ta lo ngại rằng các Giám mục có thể vượt quá thẩm quyền của mình, bằng cách phục hồi kinh cầu cùng thánh Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, vốn đã bị bãi bỏ bởi thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, và bằng cách đưa một yếu tố vào phụng vụ, vốn là không tương thích với thẩm quyền của một cá nhân Giám mục.
Mặc dù tôi tôn trọng sự quan tâm của bạn đọc này về việc duy trì luật phụng vụ, tôi không tin đó là trường hợp.
Trước tiên, các Giám mục có quyền quy định việc đọc các kinh chung trong giáo phận của các vị. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện tại, các vị đã không ban hành các sắc lệnh, nhưng nói chung, đã tự giới hạn mình vào các lá thư, để khuyến nghị việc đọc kinh sau Thánh lễ. Mỗi linh mục có thể quyết định chấp nhận việc ấy hay không.
Thứ hai, các vị đã đặc biệt khuyến nghị rằng kinh được đọc sau Thánh Lễ là kinh theo cách của Giáo hoàng Lêô. Mặc dù việc đọc kinh do Giáo Hoàng Lêô soạn là bắt buộc, nhưng đây không phải là một phần của Thánh lễ Rôma.
Bởi vì không có sự thay đổi trong sách phụng vụ, các Giám mục không vi phạm Bộ Giáo luật, điều 846 §1: “Khi cử hành các Bí Tích, phải tuân giữ trung thành các sách phụng vụ đã được nhà chức trách có thẩm quyền phê chuẩn; vì thế, không ai được tự ý thêm vào, bỏ bớt hay thay đổi điều gì” (Bản dịch Việt ngữ của các Linh Mục: Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh).
Một câu hỏi khác được bạn đọc này nêu ra là liệu Thánh lễ có kết thúc trước bài thánh ca cuối cùng không.
Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) mô tả phần kết thúc của Thánh lễ như sau:
“168. Ngay sau khi chúc lành, vị tư tế chắp tay nói tiếp: "Lễ đã xong, chúc anh chị em ra về bình an". Mọi người thưa: "Tạ ơn Chúa".
“169. Vị tư tế hôn bàn thờ như thường lệ, rồi cùng với các người giúp lễ chào kính bàn thờ mà ra về.
“170. Nếu ngay sau Thánh Lễ có cử hành nghi thức phụng vụ nào khác, thì bỏ nghi thức kết thúc, tức là bỏ lời chào, lời chúc lành và giải tán” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).
Cần lưu ý rằng Sách lễ không đề cập đến bất kỳ bài thánh ca kết thúc nào. Bài thánh ca này, trong khi là khá phổ biến, là không cần thiết và nói cho đúng, là không phải một phần của Thánh lễ, vốn kết thúc khi linh mục rời khỏi bàn thờ.
Đúng là trong một số trường hợp, chẳng hạn như Thánh Lễ Truyền Dầu, hoặc Thánh Lễ Tiệc Ly, một bài thánh ca được quy định hát, nhưng điều này là bởi vì Thánh Thể hoặc các dầu thánh đang được rước vào phòng thánh hoặc bàn thờ tạm.
Do đó, tôi kết luận rằng các Giám mục không vi phạm bất kỳ quy chế phụng vụ nào, bằng cách khuyến nghị đọc kinh cầu cùng thánh Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, sau khi Thánh lễ kết thúc
Sau bài tôi trả lời về việc rước lễ trên tay (ngày 2-10-2018), một bạn đọc từ Pháp đã cho rằng “thật là hoàn toàn hợp lý để tuyên bố rằng việc rước lễ trên tay nhất thiết là kém tôn kính hơn, hoặc không tránh khỏi dẫn đến sự lạm dụng. Con là nhân chứng hàng ngày tại Đền thờ Thánh Tâm Montmartre (Paris)”.
Tôi xin có ý kiến khác. Tôi đã sử dụng từ ngữ “nhất thiết” là tương đương với “trong nó và tự nó”. Không có lý do cố hữu nào để nói việc rước lễ trên tay là kém tôn kính hơn. Vấn đề thiếu tôn kính xuất phát, không phải từ cách thức rước lễ, nhưng là từ sự thiếu đức tin, kính sợ, và lòng biết ơn trước mầu nhiệm vĩ đại này. Tôi đã cử hành Thánh Lễ ở các nơi không có việc rước lễ trên tay, và chưa thấy ai đến rước lễ trong một cách thức không kỹ lưỡng và lơ đãng với một dấu của sự tôn kính trước mắt.
Nếu bạn đọc này nói rằng mình tin rằng việc rước lễ trên tay là dễ bị nguy hiểm hơn về tai nạn làm uế tạp sự thánh, tôi sẽ chấp nhận tranh cãi. Đây là lý do tại sao có những dịp khi sự thận trọng mục vụ có thể dẫn đến đình chỉ việc cho phép.
Một số bạn đọc nêu ra rằng tôi đã không đề cập đến một bản văn của Thánh Xyrillô, khi đề cập đến nền tảng lịch sử của sự thực hành.
Người ấy nói: “Khi [sự thực hành] được đưa vào Hoa Kỳ, bản văn của thánh Xyrillô thành Giêrusalem được trích dẫn “hãy làm cho tay ngươi thành ngai tòa của Vua, hãy cầm lấy mà ăn”. Có ai phủ nhận lời này không?”
Ngoài ra, một giáo sĩ Canada đã viết:
“Liên quan đến việc rước lễ trên tay, xin vui lòng tham khảo Huấn Giáo Thần bí của Thánh Xyrillô thành Giêrusalem để mô tả sự thực hành vào khoảng năm 345. Nực cười thay, chính người Anh giáo ở phương Tây đã duy trì sự thực hành, như được mô tả bởi Thánh Xyrillô, trong khi người Công Giáo đương thời theo nghi lễ Latinh có khuynh hướng rước Bánh thánh như đó là lát khoai tây”.
Trong bài báo gốc, tôi đã nói:
“Từ quan điểm lịch sử, chúng ta có thể nói rằng có bằng chứng mạnh mẽ cho rằng việc rước lễ trên tay đã tồn tại trong nhiều thế kỷ đầu ở một số khu vực của Hội Thánh. Thật chưa rõ là làm thế nào sự thực hành này phổ biến, hoặc liệu nó trở thánh một thực hành thông thường. Như với mọi sự thực hành lịch sử, người ta phải xem xét bối cảnh và hoàn cảnh, vốn thường không lặp lại được”.
Tôi khá cố tình tránh việc tranh luận lịch sử, vì nó sẽ bị rút ra khỏi điểm chính của bài viết.
Tuy nhiên, trong khi bản văn này chắc chắn là bằng chứng cổ xưa về sự tồn tại của việc rước lễ trên tay, nó giống như nhiều bản văn của giáo phụ, đầy các câu giải thích.
Một số học giả cho rằng phần này của Huấn giáo Thần bí không phải là gốc từ Thánh Xyrillô, mà là một giải thích sau đó trong bản văn.
Các người khác cho rằng trong bối cảnh của bài viết của mình, thánh Xyrillô đề cập đến các giáo sĩ, chứ không phải các tín hữu.
Ngay cả khi chúng ta cho rằng bản văn là xác thực, chúng ta vẫn không biết sự thực hành kéo dài được bao lâu, cho dù bánh mì có men hay không men được sử dụng, và liệu sự thực hành có là độc quyền cho Giáo Hội Giêrusalem hay không.
Vì vậy, tôi đã viết trong bản gốc:
"Trong bối cảnh này, tôi nghĩ thật là công bằng để nói rằng sự thực hành rước lễ trên tay hiện nay không phải là một sự phục hồi đơn giản của một tập tục lịch sử, nhưng đúng hơn là đưa một thực hành mới vào trong hoàn cảnh mới, vốn trong khi nó có một số biện minh lịch sử, nó được tác động chủ yếu bởi các quan tâm mục vụ hiện nay ở một số nơi trên thế giới”.
Bằng cách này, sự thực hành rước lễ trên tay là khác với các yếu tố phụng vụ khác, vốn được phục hồi sau nhiều thế kỷ bị bỏ rơi, chẳng hạn như lời nguyện tín hữu và chúc bình an.
Các thực hành này có bằng chứng rõ ràng về sử dụng, và trong một số cách nào đó không bao giờ chết hoàn toàn. Tuy nhiên, ngay cả ở đây, đôi khi các chuyên viên quên thực tế không thể lặp lại của các hoàn cảnh ban đầu, để cho sự phục hồi là không bao giờ hoàn toàn giống nhau.
Thí dụ, có bằng chứng dồi dào rằng việc chúc bình an giữa các tín hữu đã đã được thực hành tốt vào thời Trung Cổ ở nhiều nước châu Âu. Tuy nhiên, đó là một cuộc trao đổi ngắn gọn với người bên cạnh, và vào thời điểm mà đàn ông và phụ nữ ngồi riêng biệt nhau.
Các người phục hồi nghi thức chúc bình an có lẽ đã có sự đơn giản đẹp và biểu tượng của nghi thức thời Trung cổ trong tâm trí, nhưng không quan tâm đến hoàn cảnh đã thay đổi. Có lẽ họ không bao giờ tiên liệu sự phát triển tiếp theo của nó, đôi khi hỗn loạn, trong một số phần của Hội Thánh. (Zenit.org 16-10-2018)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét