Thượng Hội Đồng về Tuổi Trẻ: Phúc Trình của Nhóm B nói tiếng
Pháp
Vũ Văn An
Phúc Trình của Nhóm B nói tiếng Pháp
Người trẻ ngày nay sống trong một thế giới được đánh dấu bằng
những thay đổi sâu sắc về văn hóa xã hội, luân lý và tôn giáo. Những biến đổi
xã hội và văn hóa này tác động đến thực hành tôn giáo của họ. Thật vậy, người
ta ân hận nhận thấy ở nhiều quốc gia giới trẻ không còn quan tâm đến đời sống
và sứ mệnh của Giáo Hội nữa. Thực tế, họ đã rời bỏ các cộng đồng Kitô hữu và
không còn cảm thấy liên hệ gì với kinh nghiệm tôn giáo đang được sống trong
Giáo Hội.
Trước tình trạng đáng lo ngại này, Giáo Hội được kêu gọi lắng
nghe người trẻ và trên hết, cố gắng hết sức hoàn thành sứ mệnh cứu rỗi một cách
hữu hiệu đối với họ. Giống như một mục tử tốt lành lên đường tìm kiếm con chiên
lạc (xem Lc 15: 4-7), Giáo Hội, vì là Mẹ và Cô Giáo, và trước hết vì là một Bí
Tích của lòng thương xót, được mời gọi suy nghĩ và hành động.
Theo thứ tự ưu tiên, hành động của giáo hội sẽ hướng về các
hướng sau đây:
1. Suy nghĩ lại và xác định lại sứ mệnh của Giáo Hội trong
thế giới ngày nay
Giáo Hội đã nhận được từ Thầy Chí Thánh của mình, tức Chúa
Giêsu, sứ mệnh tiếp nối cho đến ngày tận thế công trình cứu rỗi mà Chúa Cha đã
giao phó cho mình. Người nói với các tông đồ của Người “Hãy đi khắp mọi quốc
gia, biến họ thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh
thần, và dạy họ giữ tất cả những gì Thầy đã truyền cho các con” (Mt 28: 19-20;
15-16).
Sứ mệnh cứu rỗi này, như người ta có thể thấy, có một nội
dung duy nhất và y hệt, có giá trị đối với mọi thế hệ con người. Nhưng nó được
thể hiện trong lịch sử theo nhiều hình thức và phương thức khác nhau. Vì việc
hoàn thành trong lịch sử này đòi hỏi người ta phải tính đến các hoàn cảnh riêng
và các điều kiện văn hóa đặc thù.
Đấy là lý do tại sao đối với người trẻ thời ta, vốn chịu ảnh
hưởng mạnh mẽ của nền văn hóa hoàn cầu hóa, của chủ nghĩa duy thế tục và của kỹ
thuật số, Giáo Hội được mời gọi triển khai chi tiết một phương pháp truyền giảng
tin mừng mới và đề xuất một lối sống Kitô giáo mới.
2. Huấn luyện các mục tử, chứng nhân của Chúa Kitô và của
Tin Mừng, có khả năng lắng nghe người trẻ, hiểu họ và đồng hành với họ một cách
hữu hiệu.
Đối mặt với tình thế của người trẻ, các mục tử thường cảm thấy
bất lực. Thật vậy, các ngài không có câu trả lời cho các tra vấn của họ; cũng
không có một chiến lược mục vụ và truyền giáo thích ứng với nền văn hóa hoàn cầu
hóa, duy thế tục và kỹ thuật số.
Do đó, đây là việc đào tạo các mục tử có khả năng tiếp nhận
các thách đố mục vụ, truyền giáo và tâm linh liên quan đến nền văn hóa hoàn cầu
hóa, duy thế tục và kỹ thuật số. Về những vấn đề này, điều xem ra khẩn cấp và cần
thiết đối với chúng ta là suy nghĩ lại nội dung việc đào tạo trong các chủng viện
và tập viện, đề xuất một phong thái sống mới cho các linh mục và một hình thức
mới để thực thi thừa tác vụ thụ phong.
3. Đào tạo và giáo dục người trẻ trong đức tin và đời sống
Kitô hữu
Vấn đề là quan niệm việc đào tạo và giáo dục Kitô giáo cho
người trẻ, tính đến các bận tâm và nguyện vọng của họ và cho phép họ:
* thực hiện cuộc gặp gỡ bản thân với Chúa Kitô và lớn lên
trong đời sống ơn thánh qua việc thể hiện trong đời mình ơn gọi phổ quát nên
thánh;
* trở thành các nhân chứng đích thực của Chúa Kitô và Tin Mừng
của Người trong Giáo Hội và trong thế giới hiện nay, và có khả năng dẫn đến đức
tin của những người trẻ khác;
* có khả năng trả lời các câu hỏi của các ý thức hệ văn hóa
và tôn giáo trái ngược với đức tin Công Giáo;
* dấn thân trọn vẹn và tham gia tích cực vào việc xây dựng một
thế giới cởi mở đối với các thực tại thiêng liêng và các giá trị tin mừng.
Nhờ việc đào tạo và nền giáo dục Kitô giáo vững chắc có tính
liên ngành và toàn diện này, người trẻ sẽ sẵn sàng bảo vệ chống bất cứ ai hỏi họ
lý do của lòng hy vọng có trong họ, như Thánh Tông đồ Phêrô từng đề nghị trong
lá thư đầu tiên của ngài (cf. 1 Pr 3: 15).
4. Đề cập vấn đề di dân của người trẻ trong Giáo hội
Giáo hội có thể đóng góp vào việc đào sâu các suy tư về hiện
tượng di dân và giúp tìm ra các giải pháp biết tôn trọng phẩm giá con người
nhân bản. Sự đóng góp của Giáo Hội có thể được thực hiện ở bốn bình diện:
* phổ biến học lý của giáo hội về hiện tượng di dân và tính
di động của con người;
* khuyến khích các cuộc gặp gỡ giữa các hội đồng giám mục lục
địa hoặc khu vực quan tâm đến vấn đề di dân để cùng nhau xử lý chủ đề này;
* giúp các giáo hội tiếp nhận di dân trong việc đưa ra một nền
mục vụ thích nghi với tình trạng của họ;
* ủng hộ các tổ chức quốc tế cũng như các nước gửi và nhận
di dân.
5. Đề cập vấn đề tính dục với lòng thương xót
Ngày nay, dường như cần phải đề cập vấn đề tính dục một cách
cởi mở hơn với người trẻ và thảo luận mọi chủ đề có liên quan đến vấn đề này.
Giáo Hội được kêu gọi cập nhật hóa giáo huấn của mình về những chủ đề này bằng
việc ý thức rằng mình là đầy tớ cho lòng thương xót của Thiên Chúa. Theo nghĩa
này, có thể sẽ hữu ích khi khai triển chi tiết và đề xuất với các Giáo hội đặc
thù một tài liệu bàn đến các vấn đề thuộc cảm giới và tính dục.
6. Các chủ đề gia đình và kỹ thuật số cũng đã được đề cập.
Trong tiểu nhóm của chúng tôi, một số nhạy cảm về văn hóa và
tôn giáo đã được phát biểu và được xem xét.
Đón đọc: Phúc Trình của Nhóm C nói tiếng Pháp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét