Trang

Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2018

Thượng Hội Đồng ngày 2: Ưu Tiên Chọn Người Nghèo



Thượng Hội Đồng ngày 2: Ưu Tiên Chọn Người Nghèo
Vũ Văn An


Theo ký giả Gerard O’Connell của Tạp Chí Dòng Tên America, một số tham dự viên cho biết quan tâm tới di dân và người tị nạn đã chiếm vị trí trung tâm tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về người trẻ.

Thực vậy, ba quan tâm chuyên biệt đã được các nghị phụ thuộc 3 tình huống khác nhau phát biểu trong 2 ngày đầu tiên của Thượng Hội Đồng về người trẻ. Tất cả liên quan đến số phận của hàng triệu di dân và người tị nạn, mà đa số là người trẻ, điều được Đức Phanxicô gọi là “cuôc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thời ta”.

Quan tâm đầu tiên được phát biểu bởi các nghị phụ Thượng Hội Đồng thuộc các nước nơi các di dân trẻ tuổi phát xuất ở Trung Đông, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và một số khu vực châu Á, lên đường tới các vùng đất lạ và rời khỏi đất nước của họ đang mất dần người trẻ. Ông Paolo Ruffini, người đứng đầu các cơ quan truyền thông của Vatican, đã nhắc nhở các nhà báo trong một cuộc họp báo sau phiên họp thứ ba vào ngày 5 tháng 10 rằng “2/3 người trẻ trên thế giới sống ở Châu Phi, Châu Á, Châu Đại Dương và Châu Mỹ La Tinh.”

Ông nói “nhiều diễn giả” đã nhận diện nhiều lý do đáng kể cho sự di dân ồ ạt này: nghèo đói cùng cực, chiến tranh, nạn khủng bố và việc thiếu cơ hội giáo dục và việc làm. Họ thường bị thu hút bởi "các dối trá" về cuộc đời đang đợi họ ở cuối cuộc hành trình, và một số đã trở thành nạn nhân của nạn buôn người, mãi dâm hoặc buôn bán ma túy.

Quan tâm thứ hai được phát biểu bởi các nghị phụ Thượng Hội Đồng thuộc các nước quá cảnh, như Hy Lạp và Ý, nơi các di dân và người tị nạn đến trước nhất, ở lại một thời gian và cần được chăm sóc trong các nhu cầu căn bản của họ, trước khi nhiều người tiếp tục di chuyển tới các quốc gia khác ở châu Âu.

Mối quan tâm thứ ba phát khởi từ các nghị phụ Thượng Hội Đồng thuộc các quốc gia nơi các di dân và người tị nạn định cư và là nơi không những có thách thức lớn trong việc hội nhập họ và giúp họ khả năng tìm được một cuộc sống mới trong vùng đất mới mà còn là một thách thức phải trợ giúp con cái nam nữ của thế hệ di dân thứ nhất.

Ông Ruffini nói rằng có sự đồng thuận chung giữa những người nói rằng “Giáo Hội phải gần gũi với các di dân trẻ trong mọi tình huống này, kể cả những người thuộc thế hệ thứ hai, đôi khi ít có cơ hội hơn các di dân thuộc đợt đầu tiên. Cần phải đồng hành và giúp họ trong các tình huống khác nhau của họ”.

Một số diễn giả không được ông Ruffini nêu tên, đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của phụng vụ đối với các người trẻ và việc giúp họ “khám phá lại lời cầu nguyện”. Ông nói: các diễn giả khác nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc phát triển phụng vụ phù hợp với giới trẻ nói chung, chứ không chỉ phù hợp với các di dân và người tị nạn - những nghi thức phụng vụ trong đó, giới trẻ có thể tham gia đầy đủ, những phụng vụ với âm nhạc có thể làm phong phú lời cầu nguyện và các bài giảng có ý nghĩa dựa trên Sách Thánh.

Ông Greg Burke, giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, chủ trì buổi họp báo và sau đó đã trao diễn đàn cho hai vị giám mục: Manuel Ochogavia 'Barahona, một tu sĩ Dòng Thánh Augustinô thuộc Giáo phận Colon-Kuna Yala ở Panama, nơi sẽ tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới kế tiếp vào tháng 1 năm 2019, và Anthony Colin Fisher, Dòng Đa Minh và là người kế vị Đức Hồng Y George Pell làm tổng giám mục Sydney, Australia, người đã phối hợp Ngày Giới trẻ Thế giới ở Úc 10 năm trước đây. Các vị là hai trong số rất nhiều giám mục tham dự thượng hội đồng lần đầu tiên.
Description: https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjeGQikdAO610YyDjyrStwUAVUX-H8YThmrBywetePNkv8Ie0i98fPmatilXdPwwAIzt0YLUb7ODbq_r1aA7P8IV9MNuu3z4vp3xrCxp5dz6hBcYZEfAI1_tK12ePqLUDCTcAWHlYMFzL1c/s640/ys5.jpg


Đức Cha Panamian nhấn mạnh rằng người trẻ là thành phần của Giáo Hội, nhưng toàn bộ Giáo Hội phải giúp họ để họ không bị thao túng bởi các lực lượng không tìm kiếm điều tốt đẹp của họ. Ngài bày tỏ niềm vui rằng đất nước ngài sẽ chào đón hàng trăm ngàn người trẻ từ châu Mỹ Latinh và các nước khác trên toàn thế giới vào tháng Giêng tới và cho biết họ đã làm việc chăm chỉ để chuẩn bị cho biến cố này. Ngài nói về sự cần thiết phải dành cho phụ nữ trẻ cơ hội tham gia đầy đủ vào đời sống của Giáo Hội và của xã hội và lưu ý rằng ngày nay phụ nữ không nhận được mức lương tương tự như nam giới, nhiều phụ nữ trẻ không có cơ hội được giáo dục và nhiều người bị bóc lột.

Đức Cha Barahona nói rằng “Giáo hội có nhiều việc phải làm để bảo đảm sự tham gia đầy đủ của phụ nữ trong xã hội và trong Giáo Hội”. Ngài nhắc lại rằng các giám mục châu Mỹ Latinh cũng đã đưa ra chính sách "ưu tiên chọn người trẻ" cùng với chính sách ưu ưu tiên chọn người nghèo – mà trong số này có rất nhiều người trẻ.

Như đã làm hôm qua, lúc ngài đọc một bài phát biểu, sau đó được đăng tải trên trang web của Tổng Giáo Phận Sydney, tại buổi họp báo hôm nay, Đức Tổng Giám Mục Fisher cũng nói về “sự xấu hổ” của Giáo Hội Úc vì đã gây ra “rất nhiều tổn thương” cho giới trẻ ở đất nước của họ và việc các giám mục thường "đáp ứng rất tồi" đối với các lời tố cáo về việc các vị không ngăn chặn được việc giáo sĩ lạm dụng tình dục. Ngài cho biết các vị đã xin và tiếp tục xin sự tha thứ của các nạn nhân bị lạm dụng (nhiều người trong số họ bây giờ là những người đã lớn tuổi) vì "những tổn thương lớn lao" gây ra cho họ. Ngài nói rằng Giáo Hội ở Úc đang trải qua một giai đoạn “xấu hổ và thanh tẩy”.

Ngài thừa nhận rằng mối quan tâm lớn của các nghị phụ Thượng Hội Đồng thuộc các nơi khác trên thế giới là mối quan tâm "di dân" như đã đề cập ở trên và "tước đoạt của những xã hội này" các người trẻ của họ. Ngài bày tỏ sự đánh giá cao của mình đối với “chủ nghĩa hiện thực” mà thượng hội đồng đang dùng để thảo luận các vấn đề này và những vấn đề khác và “cách mọi người nói rất thẳng thắn” và “khảo sát các khả thể” trong việc đồng hành và gặp gỡ người trẻ. Ngài hy vọng thượng hội đồng sẽ giúp người trẻ nhận ra rằng Giáo Hội đang mang đến cho họ “hồng phúc Chúa Giêsu Kitô, ĐấngThiên Chúa đã trở thành một thanh niên cho chúng ta”. Ngài có những lời hết sức ca ngợi Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người tuy là “một ông già, nhưng ngài có mặt vào đầu mỗi ngày để chào đón mỗi người chúng tôi, ngài hiện diện và lắng nghe tất cả các can thiệp và tham gia với chúng tôi tại giờ uống cà phê”. Ngài "rõ ràng dấn thân vào chủ đề này" và cho thấy, bằng nhiều cách, người trẻ rất gần gũi với trái tim ngài. Ngài gặp họ mỗi ngày và "luôn quan tâm để Giáo Hội lắng nghe họ."

Vị chủ tọa thứ ba tại cuộc họp báo hôm nay là một phụ nữ trẻ của Madagascar, đó là Tahiry Malala Marion Sophie Rakotoroalahy, một trong 49 dự thính viên tại thượng hội đồng và là chủ tịch của nhóm sinh viên Công Giáo quốc gia ở nước cô, nước mà Đức Phanxicô rất có thể đến thăm vào năm 2019 khi ngài viếng thăm Mozambique. Cô nói về cuộc khủng hoảng chính trị tại đảo quốc của cô đang gây ra nhiều vấn đề cho các sinh viên và toàn dân. Cô nhấn mạnh rằng các sinh viên Công Giáo phải làm việc chăm chỉ để bảo đảm có được một nền giáo dục tốt hơn cho những người trẻ cảm thấy "mất phương hướng" trong tình hình khủng hoảng hiện nay. Cô nhấn mạnh tầm quan trọng của người trẻ trong việc truyền giảng Tin Mừng cho những người trẻ khác và nói rằng “các người trẻ nên trở thành tông đồ cho những người trẻ khác để tất cả chúng ta cùng tiến lên.” Cô coi thượng hội đồng như “điểm khởi đầu” cho sứ mệnh của Hội thánh đối với người trẻ. Cô nhiệt liệt cảm ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã triệu tập thượng hội đồng giám mục, một thượng hội đồng mà theo cô “là một phước lành đặc biệt cho giới trẻ.”

Trong số các diễn giả chiều hôm qua có Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput của Philadelphia. Giống như người đồng cấp Úc của mình, ngài đã đăng tải nội dung bài phát biểu của ngài lên trang web tổng giáo phận của ngài.

Một người tham gia, khi nói với tạp chí America, đã có một nhận xét đáng lưu ý: "Không có sự hùng hổ tại thượng hội đồng này. Cứ cách này, nó rất khác với hai Thượng Hội Đồng trong quá khứ, nơi có khá nhiều hùng hổ cả bên trong lẫn bên ngoài thượng hội đồng. Lần này không có sự chia rẽ nào, và từ khía cạnh này, người ta dám cho là nhàm chán. Tuy nhiên, trọng tâm là nội dung”.

Chiều nay, các tham dự viên thượng hội đồng đã gặp nhau lần đầu tiên trong 14 nhóm làm việc, chia theo ngôn ngữ. Có bốn nhóm tiếng Anh, ba nhóm tiếng Ý, ba nhóm tiếng Pháp, hai nhóm tiếng Tây Ban Nha, một nhóm tiếng Bồ Đào Nha và một nhóm tiếng Đức. Chính trong các nhóm này, công việc thực sự sẽ được thực hiện, và từ cuộc thảo luận ở đây, các đề xuất cho một phương thức mục vụ mới của giáo hội dành cho người trẻ tuổi dự kiến sẽ xuất hiện.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét