CÁI TÊN
Chúng ta được kêu gọi đổi tên.
Chúng ta có lẽ đều biết chuyện Thiên Chúa đổi tên cho ông Abram thành Abraham. Sự thay đổi này có vẻ quá nhỏ đến nỗi có đọc qua đoạn này chúng ta cũng chẳng để tâm. Có gì khác biệt giữa Abram và Abraham?
Cái tên Abram, nghĩa là “Người cha Cao quý,” là cái tên được ban cho người tộc trưởng được Thiên Chúa hứa rồi một ngày sẽ là tổ phụ của dân Do Thái. Nhưng về sau, Thiên Chúa lại hứa cho ông làm cha của mọi dân tộc trên toàn mặt đất, và đổi tên cho ông thành Abraham. “Tên ngươi không còn là Abram, tên ngươi phải là Abraham, vì Ta cho ngươi trở thành cha của hằng hà sa số dân tộc.” (Sách Sáng Thế 17, 5).
Sự thay đổi này có ngụ ý gì? Cái tên Abraham, trong nguyên từ của nó, có sự mở rộng trở thành một sự lớn lao hơn, khi giờ đây ông là cha của mọi dân tộc. Abram, cha của một dân tộc, giờ trở thành Abraham (Ab hamon goyim, trong tiếng Do Thái) là cha của mọi dân tộc khác.
Sự thay đổi này không chỉ mở rộng một từ, mà còn mở rộng Abraham, xác định lại nhận thức của ông về bản thân và sứ mạng của mình. Ông không còn xem mình là tổ phụ của một dân tộc, của cộng đồng tôn giáo và sắc tộc riêng của mình nữa, nhưng xem mình và đức tin đã được giao phó cho mình là một người và một sự dành cho mọi dân tộc. Ông không còn nghĩ mình là tổ phụ của một bộ tộc riêng rẽ, bởi Thiên Chúa không phải là Chúa của một nhóm riêng biệt. Cũng thế, ông không còn chỉ nghĩ rằng bộ tộc của mình là gia đình của mình, nhưng nghĩ rằng mọi người khác, bất kể sắc tộc hay tôn giáo, đều là con cháu ông.
Như thế nghĩa là gì? T.S. Eliot có lẽ đã trả lời câu hỏi này khi nói: “Nhà là nơi chúng ta khởi đầu.” Những cội rễ văn hóa, tôn giáo, sắc tộc của chúng ta rất quý báu và quan trọng, nhưng chúng không phải là tột đỉnh mà chúng ta vươn đến. Cội rễ là nơi chúng ta khởi đầu.
Tôi lớn lên là một đứa trẻ được che chở, trong một gia đình gần gũi ở một vùng nông thôn khép kín. Chúng tôi đều như nhau, hàng xóm, bạn học, mọi người tôi quen, tất cả đều cùng chia sẻ lịch sử chung, sắc tộc, tôn giáo, văn hóa, các giá trị chung. Tôi trân trọng các giá trị đó. Chúng là ơn tuyệt vời cho tôi. Những cội rễ này cho tôi sự ổn định giúp tôi được tự do suốt phần đời về sau. Nhưng chúng chỉ là cội rễ quý báu của tôi, chứ hiếm khi là một điểm để tôi khởi đầu.
Và với tất cả chúng ta cũng vậy. Chúng ta bắt rễ trong một gia đình, một sắc tộc, một khu vực, một quốc gia, và một đức tin nhất định, với một quan điểm nhất định về thế giới, và như thế có những người thuộc nhóm của chúng ta, có những người không. Nhưng chính đó là nơi chúng ta khởi đầu. Chúng ta lớn lên, thay đổi, chuyển chỗ, gặp người mới, sống và làm việc với những người không cùng chia sẻ nền văn hóa, quốc tịch, sắc tộc, màu da, tôn giáo hay thế giới quan nhất định của mình.
Và thế là ngày nay, chúng ta chia sẻ đất nước, thành phố, Giáo hội của mình với những người ngoài, những người thuộc các nhóm khác. Và như thế chúng ta dấn vào cuộc đấu tranh lâu dài, và tôi mong cuộc đấu tranh này sẽ thắng lợi, để cuối cùng thấy ra rằng những người khác với chúng ta, cũng là anh chị em với chúng ta, đều cùng là con một Chúa, và sự sống của họ cũng quan trọng và quý báu như của những người cùng đức tin, huyết thống, hay quốc tịch với chúng ta. Như Abraham, chúng ta cần đổi tên để không biến chủ nghĩa ái quốc thành ngẫu tượng đến mức tin rằng nhóm của chúng ta đặc biệt và chỉ có quốc gia, màu da, nền văn hóa, hay tôn giáo của chúng ta mới độc nhất và đặc ân trước mặt Thiên Chúa.
Thế giới của chúng ta đang toàn cầu hóa rất nhanh, và các quốc gia, Giáo hội đang ngày càng đa nguyên và đa dạng về mặt sắc tộc, ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo. Quốc gia, vùng miền, nơi làm việc, và giáo hội của chúng ta đang thật sự khoác lên gương mặt mới. Những cộng đồng được bảo bọc cũ đã cho chúng ta cội rễ giờ đang biến mất và nhiều người trong chúng ta sợ chuyện đó, thấy cám dỗ muốn hạn chế chuyện đó, muốn theo tả khuynh, muốn bảo vệ những ranh giới cũ, và tuyên bố rằng Thiên Chúa và chân lý chỉ có nơi chúng ta mà thôi. Có thể hiểu vì sao lại thế, nhưng nhân tính và đức tin cao đẹp nhất của chúng ta không kêu gọi chúng ta trở nên như vậy. Như Abraham, chúng ta được kêu gọi đổi tên.
Chúng ta được kêu gọi hãy trân quý di sản của mình, quốc gia, tiếng mẹ đẻ, văn hóa, đức tin và Giáo hội của mình, vì chỉ khi cắm rễ sâu trong cộng đồng ban đầu thì chúng ta mới đủ vững vàng và vị tha để biến những người ngoài thành gia đình của mình. Nhưng nhà là nơi chúng ta khởi đầu. Từ những mái ấm tuyệt vời đem lại cội rễ vững vàng, chúng ta được kêu gọi hãy mở rộng tấm lòng về mặt tôn giáo, văn hóa, sắc tộc để cho tất cả mọi người cuối cùng có thể gắn bó như một gia đình. Chúng ta được kêu gọi hãy đổi từ Abram thành Abraham.
Ronald Rolheiser, 2018-09-24
J.B. Thái Hòa dịch
By phanxico.v
J.B. Thái Hòa dịch
By phanxico.v
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét