[Cẩm nang hỏi đáp Triết học, câu 76-80] Bạn biết gì về Aristotle?
ảnh: internet
Câu 76: Theo Aristotle, có điều gì hoàn toàn xấu không?
Có. Aristotle cho rằng, một số hành động thì xấu tự bản chất và không có chỗ cho sự điều độ hoặc trung dung – ví dụ, ngoại tình và giết người.
Câu 77. Aristotle có nghĩ rằng luân lý có một mục đích hay “nguyên nhân cuối cùng” không?
Có. Aristotle nghĩ rằng trong cuộc sống con người – cũng như trong tự nhiên nói chung – mọi thứ đều mang một mục đích và không thể là một sự thoái lui đến vô tận của các mục đích (tức là có một “tác nhân bất biến”). Bởi vì chúng ta hướng đến mục tiêu nên phải có một số mục tiêu tự chính nó có giá trị đối với chúng ta, chứ không phải vì nó sẽ dẫn đến một số mục tiêu khác. Mục tiêu mà tự nó là tốt trong bản chất đó là hạnh phúc. Aristotle cho rằng, hạnh phúc không chỉ là thoả mãn hay bất kỳ cảm giác nào khác, nhưng là một phẩm chất ổn định trong toàn bộ cuộc sống khi chúng ta hiện thực hóa yếu tính của mình bằng cách cư xử đức hạnh với những lý lẽ đúng đắn. Bản chất của chúng ta mang tính lý trí.
Câu 78: Aristotle đã nghĩ gì về chính phủ và chính trị?
Aristotle tin rằng con người tự bản chất mang tính xã hội, nên thể chế đúng đắn của chính phủ là cần thiết để giúp cho công dân được độc lập và hạnh phúc. Ông đưa ra ba hình thức của chính phủ, mỗi hình thức đều có thể suy thoái: chế độ quân chủ có thể rơi vào độc tài; chế độ quý tộc có thể đi tới đầu sỏ chính trị (lãnh đạo bởi một số ít người giàu có); và thể chế chính trị có thể thuộc về nền dân chủ. Giống như Plato, Aristotle đã nhìn nhận nền dân chủ như thể chế cai trị của đám đông hỗn tạp bởi vì phần lớn trong số người dân thời ấy không được giáo dục và cộc cằn. Aristotle nghĩ rằng hình thức tốt nhất của chính phủ là thể chế chính trị, một loại cai trị mang tính dân chủ trong một tầng lớp quý tộc, nơi mà những vị trí hàng đầu được đảm nhận theo phiên và tất cả các thành viên đặc quyền đều có tiếng nói của họ.
Câu 79: Lý thuyết của Aristotle về nhân đức là gì?
Aristotle cho rằng nhân đức, hay lòng tốt luân lý, là một hình thức của sự khôn ngoan thực hành. Nó không được xác định hay loại trừ bởi tự nhiên; đó là kết quả của tư tưởng, hành động và thói quen. Dẫu vậy, theo Aristotle, không phải ai cũng có thể trở nên nhân đức. Các điều kiện cần thiết cho nhân đức của ông bao gồm: địa vị xã hội cao, sự giàu có, ngoại hình tốt, là nam giới, và là một công dân tự do. Các nhân đức cụ thể mà Aristotle nói đến chỉ giới hạn ở những đặc điểm được ca ngợi trong các tầng lớp cầm quyền của thế giới cổ đại: niềm kiêu hãnh, hào phóng, can đảm, quý phái, tiết độ. Điều này một phần là hệ quả của thái độ trịch thượng và một phần do ý thức của Aristotle rằng việc thực hành đức hạnh đòi hỏi sự tự do khỏi lao động vất vả và kiếp nô lệ. Tuy nhiên, những ý tưởng của Aristotle về cách sở đắc nhân đức và thực hành nhân đức có thể được thực hiện lại thích hợp hơn với tất cả người trưởng thành trong thời đại dân chủ của chính chúng ta. Hơn nữa, chúng ta có thể thêm những đức tính mà chúng ta quan tâm (ví dụ, cảm thông) vào danh sách giới hạn của Aristotle.
Aristotle nghĩ rằng chúng ta trở nên nhân đức, trước hết thông qua đào tạo thích hợp với trẻ em và thứ hai bằng cách thực hiện các hành vi tương ứng với các nhân đức được bàn đến. Ví dụ, để trở nên can đảm, cần phải thực hiện các hành vi can đảm trong một khoảng thời gian. Nhân đức dành cho con người (như cho tất cả những thứ khác) là điểm vượt trội của những gì làm cho họ trở thành con người, và điều làm cho chúng ta trở thành con người là lý trí của chúng ta, khả năng suy nghĩ linh hoạt của chúng ta. Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta cân nhắc trước khi hành động theo những cách thức mà nhân đức của chúng ta được tăng triển. Ví dụ, các hành động can đảm được thực hiện bởi một người can đảm phải được thực hiện vì những lý lẽ đúng đắn.
Những hành động nhân đức của những người tốt sẽ được thực hiện bởi vì họ đã có những đức tính liên hệ. Trong mọi hoàn cảnh đều phải hội nhất, đó là lý do tại sao hành động nhân đức đòi hỏi sự cân nhắc hợp lý trước hết. Aristotle khuyên rằng một nguyên tắc tốt của lý trí thực hành là nhắm tới điểm giữa hoặc trung dung. Ví dụ, lòng dũng cảm thường là điểm nào đó ở giữa sự hèn nhát và hăng hái ngu xuẩn. Để nhắm vào sự trung dung theo cách này, chúng ta cần sửa đi sửa lại những khuyết điểm mà chúng ta đã biết. Vì chúng ta có xu hướng ưa thoả mãn, vì vậy, chúng ta nên xem xét các lựa chọn dễ chịu với một sự suy xét kỹ lưỡng.
Câu 80: Aristotle có thiếu tính hài hước không?
Phong cách viết của Aristotle mang tính giáo điều, nhưng các bản văn hiện còn của ông cùng một kiểu điềm đạm và khô khan, dù theo nghĩa chung chung. Chúng ta không thể biết cá nhân ông ta như thế nào, mặc dù ông được mô tả là gầy và hói, nói ngọng, và thể hiện tính cách mỉa mai. Khi ông về ẩn dật ở Chalcis, trong sự trỗi dậy của phản ứng chống Macedonia ở Athens sau khi Alexander qua đời (325 B. C.), ông được cho là đã nhận xét rằng mình đã làm như vậy vì “e rằng người dân Athena sẽ phạm tội lần hai chống lại triết học” – một ám chỉ úp mở về phiên tòa xử Socrates.
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Naomi Zack, Ph.D., The Handy Philosophy Answer Book, (Visible Ink Press, 2010), 37 – 38
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét