Trang

Thứ Ba, 25 tháng 12, 2018

Thách đố đích thực trong sáng tạo – hòa mình trong bài hát



Ronald Rolheiser,  
Có ba loại người trình diễn: Loại thứ nhất, khi hát hay nhảy một bài, họ tự thỏa mãn bản thân mình. Loại thứ hai, khi trình diễn, họ thỏa mãn cho khán giả. Và loại thứ ba, khi đứng trên sân khấu là họ đang thỏa mãn cho chính bài hát, bài nhảy, vở kịch đó.
Dĩ nhiên không khó để nhận định xem trong cả ba, ai là người trình diễn hay nhất. Tất nhiên là người thỏa mãn cho bài hát, tôn trọng bài hát và họ có thêm sinh lực từ một nguồn sâu sắc hơn. Và người đó làm được như thế là do họ thấm nhập và truyền tải nguồn sinh lực của bài hát thay vì thấm nhập và truyền tải sinh lực của riêng mình hay của khán giả. Một nghệ sĩ điêu luyện, dù là ca sĩ, nhà văn, họa sĩ, vũ công, thợ thủ công, thợ mộc, hay người làm vườn, đều thấm nhập vào những sinh lực sâu đậm, trọng tâm của sự vật sự việc và rút lấy từ đó để tạo nên một điều gì đó thuộc về Thiên Chúa, cụ thể một điều gì đó chân thực, tốt lành và đẹp đẽ. Xét cho cùng, sự thật trong tất cả mọi nghệ thuật là sự sáng tạo không phải là việc con người tạo ra được một điều gì đó. Mà ý nghĩa của sáng tạo là nên một, nên một với chân thiện mỹ.
Điều này đúng với tất cả mọi sáng tạo và nghệ thuật, và cũng đúng với tất cả mọi huấn từ, giáo lý, giảng dạy, và việc phúc âm hóa tốt đẹp. Đến tận cùng, tất cả mọi sự phải quy hướng về chân thiện mỹ, về Thiên Chúa, chứ không phải về bản thân mình hay khán giả của mình.
Và có nhiều nguyên do làm cho điều này thật quan trọng. Một nguyên do không nhỏ đó là trên thực tế, nhiều người trong chúng ta ngần ngại diễn tả sự sáng tạo của mình, sợ mình không chuyên nghiệp, thiếu kỹ năng để đáp ứng cho đúng tiêu chuẩn do người khác đặt ra. Và do đó, chúng ta không viết thơ, viết nhạc, tiểu thuyết, không vẽ tranh, khắc tượng, không khiêu vũ, làm đồ mộc, trồng hoa hay làm vườn, vì chúng ta sợ các tác phẩm của mình sẽ quá thiếu chuyên nghiệp để đủ tiêu chuẩn xuất bản hay trình bày cho người khác công nhận và tán thưởng. Và như thế, gần như luôn luôn, chúng ta câm thin thít và giấu đi tài năng sáng tạo của mình vì chúng ta không thể làm được những tuyệt phẩm. Chúng ta tự trừng phạt mình bằng lối suy nghĩ:  Nếu chẳng ai xuất bản, thì viết làm gì. Nếu không ai mua nó, thì vẽ ra làm gì. Nếu không ai ái mộ nó, thì làm ra nó để làm gì.
Nhưng đó là một quan điểm sai lầm về sáng tạo. Chúng ta sáng tạo điều này điều kia, không phải vì chúng ta sẽ công bố và nhận được lời khen ngợi hay tiền bạc. Chúng ta sáng tạo, vì, sự sáng tạo, dù là dạng nào đi nữa, sẽ cho chúng ta đi vào trọng tâm sâu xa của một sinh lực tâm điểm của sự vật sự việc. Khi sáng tạo, chúng ta hòa mình vào trong sinh lực của Thiên Chúa, giúp truyền tải các giá trị siêu việt của Thiên Chúa là: chân, thiện, mỹ. Xét cho cùng, điều quan trọng không phải là việc tác phẩm của chúng ta được thừa nhận, công bố, hay đem lại tiền tài danh tiếng. Sáng tạo tự nó là phần thưởng rồi. Khi bạn hành động giống Thiên Chúa, bạn sẽ cảm nhận giống Thiên Chúa, hay ít nhất, bạn sẽ cảm nhận được nguồn sinh lực thiêng liêng tuyệt diệu.
Hơn nữa, sinh lực mà chúng ta  cảm nhận được trong sáng tạo, dù đó là nỗ lực cá nhân và không chuyên đi nữa, vẫn sẽ giúp làm dịu đi những ngọn lửa ghen tị và thù hằn trong lòng chúng ta. Michael Ondaatje, tác giả quyển Bệnh nhân người Anh (The English Patient), trong quyển tiểu thuyết mới đây của mình, quyển Anil’s Ghost, đã cho chúng ta một minh họa về điều này. Ông mô tả Ananda, một nghệ sĩ vừa chỉnh sửa một bức tượng. Khi hoàn tất công việc, Ananda hài lòng và tự hào nhìn tác phẩm mình vừa làm xong, và dù không có đạo, anh thấy lòng mình tràn đầy một nguồn sinh lực thần thánh. “Là một người thợ, anh không vinh danh sự cao cả của đức tin. Nhưng anh biết nếu anh không làm một người thợ, anh sẽ thành một con quỷ mất thôi. Chiến tranh bao quanh anh đang dựng nên những con quỷ.” Ghen tị và thù hằn làm cho sáng tạo bị hụt hẫng. Nếu chúng ta không sáng tạo một điều gì đó, thì chúng ta đang làm hỏng một điều gì đó. Nếu chúng ta không sáng tạo, sớm hay muộn, chúng ta sẽ trở nên chua cay. Vậy thì, làm sao để chúng ta trở nên sáng tạo?
Nhà thơ William Stafford đã chia sẻ một vài việc ông làm hằng ngày, và lấy đó làm một thách thức cho các sinh viên của mình: Thức dậy mỗi buổi sáng, và trước khi làm bất kỳ việc gì, hãy viết một bài thơ. Rất thường thì các sinh viên sẽ phản đối: Làm sao thầy làm được thế? Người ta không thể lúc nào cũng sáng tạo được? Stafford trả lời: Hạ tiêu chuẩn của các bạn xuống đi!
Ông đúng trong chuyện này. Chúng ta không nên khóa kín nguồn sinh lực sáng tạo của mình vì không thấy có cảm hứng đặc biệt, hay vì chẳng có gì để chúng ta nỗ lực cho nghiêm túc, hay vì không ai xuất bản các tác phẩm đó, hay vì tác phẩm của chúng ta có vẻ không chuyên, bị xếp vào loại thứ phẩm. Chúng ta không viết văn, viết nhạc, vẽ tranh, khiêu vũ, làm đồ mỹ nghệ, đồ mộc, hay làm vườn, để mong nỗ lực của mình sẽ được mọi người biết đến và phê bình tán thưởng. Chúng ta làm những việc này vì cái hồn của chúng, và để được đi vào điệu nhảy thần thánh, kết nối chúng ta với tâm điểm của mọi sự.
Đôi khi chúng ta không thể cứu cả thế giới, nhưng chúng ta có thể cứu được sự lành mạnh của mình và giúp đưa Thiên Chúa đến với thế giới bằng việc vun đắp tâm hồn mình.
J.B. Thái Hòa dịch
http://phanxico.vn/2018/12/25/thach-do-dich-thuc-trong-sang-tao-hoa-minh-trong-bai-hat/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét