BẢNG CHÚ GIẢI TỪ VỰNG
-ÂN SỦNG: (grace), Ân sủng tối thượng là đời sống yêu thương thâm sâu của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Trong mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người, ân sủng qui chiếu đến bản chất vô điều kiện, tự do và nhưng không của tình yêu Thiên Chúa cũng như của ảnh hưởng của Thiên Chúa trên con người qua việc chấp nhận món quà tình yêu của Thiên Chúa và thái độ trung thành với tình yêu ấy
-CÔNG ĐỒNG THUYẾT: (conciliarism), một lý thuyết thần học khẳng định rằng thẩm quyền cao nhất trong Giáo Hội Kitô giáo là một công đồng chung. Lý thuyết này rất thịnh hành trong giai đọan Đại Ly Giáo Tây phương (1378-1417) và công thức cổ điển của nó xuất hiện trong sắc lệnh Haec sancta của Công Đồng Constance (1415).
-CÔNG ĐỒNG: (council), một cuộc họp chính thức của các giám mục và các đại diện của các giáo hội địa phương được triệu tập nhằm mục đích chỉnh lý giáo thuyết hay kỷ luật.
-CỨU ĐỘ LUẬN: (soteriology), ngành thần học nghiên cứu ý nghĩa của việc nói rằng Đức Giêsu đem ơn cứu độ hay ơn cứu chuộc cho con người và cho thế giới, và đem lại sự hòa giải giữa con người và Thiên Chúa.
-ĐẠI KẾT: (ecumenism), một phong trào tìm cách đưa các Giáo Hội Kitô giáo khác nhau về hiệp nhất.
-DHARMA: Bổn phận của người ta đối với xã hội; sự chu toàn các nhiệm vụ theo đẳng cấp xã hội.
-ĐỨC TIN: (faith), sự chấp nhận tự do của con người đối với sự tự biểu lộ của Thiên Chúa. Trong đức tin Kitô giáo, điều này liên quan đến một sự chấp nhận và gắn bó hoàn toàn với sự bày tỏ tình yêu của chính Thiên Chúa như được mạc khải nơi Đức Giêsu Kitô trong Giáo Hội xét như một cộng đoàn đức tin.
-ĐƯỜNG LỐI MỤC VỤ: (pastoral policy), một kế hoạch gồm các biện pháp thực tiễn được thi hành để bồi dưỡng và đào sâu sự sống của một cộng đoàn Kitôhữu.
-GIÁM MỤC: (bishop), từ này là một từ Anglo-Saxon do chuyển âm sai từ Latinh episcopus, có gốc ở từ Hi Lạp episkopos, nghĩa là “người giám sát”. Một giám mục là một người được truyền cho chức vụ cao nhất của sứ vụ trong Giáo Hội. Giám mục Rôma thường được gọi là “giáo hoàng” (pope), một tước hiệu có gốc ở từ Hi Lạp papas, và từ Latinh papa, nghĩa là “cha”.
-GIÁO THUYẾT: (doctrine), một giáo huấn chính thức của Giáo Hội.
-KHỔ HẠNH: (asceticism), do chữ askesis của Hy ngữ nhằm nói đến bất cứ công việc khổ chế nào liên quan đến sự rèn luyện luân lý và thể lý của cá nhân người ta; qui chiếu đến nỗ lực của con người nhằm cởi mở đón nhận ân sủng của Thiên Chúa; thường có ý chỉ đặc biệt đến kỷ luật bản thân, sự hành xác và sự từ bỏ.
-KITÔ HỌC: (christology), ngành thần học khơi lên và trả lời câu hỏi: “Đức Giêsu là ai?” Ngành này nghiên cứu “biến cố Đức Kitô”, con người Giêsu, sứ vụ của Người, cuộc Phục Sinh của Người. Một “thượng” Kitô học nhấn mạnh đến thần tính của Đức Giêsu, một “hạ” Kitô học nhìn Người qua nhân tính của Người.
-LECTIO DIVINA: Một thực hành truyền thống, đặc biệt phổ biến trong các tu viện Trung cổ, bao gồm một bài đọc Thánh Kinh cách năng động để khắc ghi bản văn thánh ấy trong cả thân xác lẫn linh hồn. Các tu sĩ thường phải đọc bản văn lớn tiếng, hay ít nhất là đọc ra tiếng, sao cho đôi môi cử động và tai mình nghe được. Kinh Thần Vụ là một hình thức ưu việt của Lectio divina, được coi như là một hình thức suy niệm.
-LƯƠNG TÂM: (conscience), trước hết, lương tâm là phương tiện qua đó chúng ta biết các nguyên tắc đệ nhất của luân lý, đó là luật được viết trong lòng mỗi người. Nguyên tắc thứ nhất của luân lý là “làm lành lánh dữ” Thứ hai, lương tâm nhằm chỉ toàn bộ tiến trình phân tích và suy tư trước khi thực hiện hành động phán đoán, đôi khi được gọi là khoa học luân lý (moral science). Thứ ba, theo nghĩa hẹp nhất, lương tâm có ý chỉ đến chính hành động phán đoán. “Hãy làm điều này, hãy tránh điều kia!” Một cách chuyên biệt hơn, lương tâm được định nghĩa là hành động phán đoán về sự đúng sai của những việc đã được làm hay phải được làm.
-LUÂN LÝ TÍNH KITÔ GIÁO: (Christian morality), đạo đức Kitô giáo qui chiếu đến các niềm tin và các thực hành của các Kitôhữu về điều gì tốt, đìều gì xấu, và điều gì đúng, điều gì sai trong cuộc sống hằng ngày của mình.
-LY GIÁO: (schism), thuật ngữ có gốc ở từ Hi Lạp schisma, nghĩa là “xé ra”. Trong thần học Kitô giáo, schism là một sự phân rẽ trong cộng đoàn Kitô giáo do những vấn đề kỷ luật Giáo Hội hơn là do giáo lý.
-MAHABHARATA: một sử thi Ấn Độ.
-MAHAYANA: Phái “Đại Thừa” của Phật giáo, được phát triển về sau này, ngày nay được thực hành chủ yếu ở Đông Á.
-MẠC KHẢI: (revelation), việc Thiên Chúa tự biểu lộ trong lịch sử xuyên qua các tạo vật, các biến cố và những con người. Xét chủ yếu, mạc khải là việc Thiên Chúa biểu lộ tình yêu của Ngài. Trong đức tin Kitô giáo, việc tự biểu lộ này của Thiên Chúa được nhận biết qua các Sách Thánh, Giáo Hội, và những biểu tượng cụ thể của đức tin.
-MOSKA: Sự giải phóng tâm linh.
-NHÂN: (ren), tấm lòng con người, chìa khóa cho khuôn phép đạo Khổng.
-PHI BẠO LỰC: (ahisma), được thực hành bởi các tín đồ Jaina, Ấn giáo và Phật giáo.
-PHÓ TẾ: từ Hi Lạp diakonos, có nghĩa là “đầy tớ, người phục vụ”. Diakonos (La Tinh: minister) được dùng để chỉ những người thi hành các vai trò phục vụ hay sứ vụ (diakonia) trong Giáo Hội. Chức vụ chuyên biệt của phó tế được phát triển về sau.
-PHỤNG VỤ BÍ TÍCH: (sacrament liturgy), những lời nói của con người và hành vi nghi thức có tính biểu tượng kèm theo, được dâng lên Thiên Chúa để thờ phượng.
-RIG VEDA: Bản văn cổ xưa nhất của truyền thống Aán giáo, được biên soạn bằng tiếng Sanskrit.
-SỰ CHỌN LỰA NỀN TẢNG: (fundamental option), hành vi tự do cơ bản của đức tin, nhằm quyết tâm đi vào trong giao ước với Thiên Chúa vốn đã sẵn được Đức Giêsu mở ra.
-TABU: Hành vi cử chỉ bị cấm kỵ.
-THẦN HỌC NỮ QUYỀN: (feminist theology), một luận điểm thần học đòi hỏi một sự cấu trúc lại triệt để cách suy nghĩ và phân tích của Kitô giáo sao cho có thể bao gồm cả những kinh nghiệm và những nhận thức của phụ nữ.
-TÍN ĐIỀU: (dogma), Anh ngữ mượn từ “dogma” trực tiếp từ thuật ngữ của luật pháp Hi Lạp. Trong luật pháp Hi Lạp, một “dogma” là một sắc lệnh của một thẩm quyền công cộng. Theo ý nghĩa Kitô giáo, “dogma” có ý chỉ một chân lý hay giáo lý tôn giáo dựa nền tảng trên mạc khải thần linh và được phổ biến một cách có thẩm quyền bởi Giáo Hội. Các “dogmas” không thể được sửa đổi, nghĩa là, chúng không thể bị đảo ngược.
-TOTEM: Mối quan hệ tương ứng về tính chất với một loài vật nào đó.
-TRUYỀN THỐNG VÔ NGÔN, VÔ TƯỢNG: (apophatic tradition), qui chiếu đến một cách tiếp cận Thiên Chúa bằng cách nhìn quá mọi phạm trù và hình ảnh thụ tạo. Truyền thống này tập chú không phải trên những gì  mà các hình ảnh và biểu tượng biểu lộ về Thiên Chúa; đúng hơn nó nhấn mạnh tính bất tương ứng của các hình ảnh và biểu tượng ấy trong việc chuyên chở một sự nhận hiểu hay kinh nghiệm về Thiên Chúa. Gregory ở Nyssa là một trong những người đầu tiên thực hành truyền thống này qua hình thức cầu nguyện.
-TRUYỀN THỐNG KYTAPHATIC (hay CATAPHATIC): Là truyền thống qui chiếu đến một cách nhận hiểu và tiếp cận Thiên Chúa xuyên qua các ý niệm và các hình ảnh. Đặt nền trên một sự nhận hiểu về mầu nhiệm Nhập Thể, truyền thống này thừa nhận bản tính mạc khải của mọi vật thụ tạo.
-TRƯỞNG LÃO: (presbyter), từ Latinh presbyter được đưa trực tiếp vào Anh ngữ, vốn được vay mượn từ tiếng Hi Lạp “presbuteros”, nghĩa là “kỳ lão”. Từ linh mục (priest), phổ thông hơn, cũng bắt nguồn từ presbyter. Trong Tân Ước, những từ giám quản và trưởng lão có khi được dùng thay cho nhau. Nhưng từ cuối thế kỷ IV trở về sau, từ trưởng lão nhằm chỉ một người được phong chức vào hàng thứ hai của sứ vụ, tùy thuộc vị giám quản trong vấn đề giảng dạy và cai quản một bộ phận cộng đoàn Kitôhữu. Vị giám quản hay giám mục luôn luôn là lãnh đạo hay chủ tịch của một nhóm trưởng lão phục vụ các nhu cầu tôn giáo của một cộng đoàn Kitôhữu địa phương.
-VÔ VI: (wu wei), không cưỡng chế, đường lối của Đạo giáo (Lão giáo) cho phép mọi sự đi theo con đường của chúng.
BẢNG CHỮ VIẾT TẮT
Các văn kiện Công Đồng Vatican II được viết tắt theo hai từ đầu tiên của bản văn La ngữ:
DH    Dignitatis Humanae   Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo
DV      Dei Verbum               Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải
GS       Gaudium et Spes      Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội
                                                trong Thế Giới Ngày Nay 
LG       Lumen Gentium        Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội
NA      Nostra Aetate                        Tuyên Ngôn về Mối Quan Hệ của
                                           Giáo Hội với Các Tôn Giáo Ngoài Kitô Giáo
OT       Optatam Totius         Sắc Lệnh về Đào Tạo Linh Mục
PC       Perfectate Caritatis  Sắc Lệnh về Canh Tân Đời Tu
SC       Sacrosanctum Concilium    Hiến Chế về Phụng Vụ
UR      Unitatis Redintegratio         Sắc Lệnh về Đại Kết
THAM GIA BIÊN SOẠN TẬP SÁCH NÀY:
-CHRISTOPHER KEY CHAPPLE (Ph.D., Fordham) là một chuyên gia về các tôn giáo và các triết học Nam Á Châu, đã viết hai tác phẩm, trong đó có quyển Karma và Tính Sáng Tạo (Karma and Creativity), là khoa trưởng phân khoa thần học, Đại Học Loyola Marymount, Los Angeles.
-JOHN R. CONNOLLY (Ph.D., Marquette) là nhà thần học hệ thống chuyên về thần học mạc khải và đức tin, đã viết quyển Các Chiều Kích của Tin và Bất Tín (Dimensions of Beliefs and Unbeliefs). 
-MICHAEL DOWNEY (Ph.D., Catholic University of America) là giáo sư thần học tại Đại Học Bellarmine ở Louisville và là người biên tập của Tân Từ Điển Linh Đạo Công Giáo (The New Dictionary of Catholic Spirituality).
-MARY M. GARASCIA, C.Pp.S (Ph.D., Denver/Iliff School of Theology) chuyên về nhân học Kitô giáo, là thành viên hội đồng tỉnh dòng các Nữ Tu Bửu Huyết.
-MARIE ANNE MAYESKI (Ph.D., Fordham) giảng dạy thần học nữ quyền và Trung Cổ, đã viết và biên tập hai tác phẩm, trong đó có quyển Phụ Nữ: Các Mẫu Thức Giải Phóng (Women: Models of Liberation).
-MARY MILLIGAN, R.S.H.M. (S.T.D., Gregorian University) chuyên về linh đạo Kitô giáo, từng là bề trên tổng quyền của dòng, đã viết tác phẩm: Để Cho Chúng Được Sống: Linh Đạo Của John Gailhac (That they Might Have Life: The Spirituality of John Gailhac).
-JOHN R. POPIDEN (Ph. D., Notre Dame) chuyên nghiên cứu về cách thế các niềm tin Kitô giáo định hình đời sống Kitôhữu, đã xuất bản về lý thuyết chiến tranh chính đáng và đang tìm hiểu về các chiều kích luân lý của cuộc chiến tranh vừa qua với Irắc.
-THOMAS P. RAUSCH, S.J. (Ph. D., Duke) chuyên về các lãnh vực Giáo Hội học và đại kết, là tác giả của 4 quyển sách, trong đó có quyển Các Gốc Rễ Của Truyền Thống Kitô Giáo (The Roots of the Catholic Tradition).
-HERBERT J. RYAN, S.J. (S.T.D., Gregorian University) là một nhà thần học lịch sử chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng của Kitô giáo trên văn hóa Tây phương, đã viết, tham gia viết và hiệu đính bảy tác phẩm, trong đó có quyển Được Gọi Tới Hiệp Nhất Hoàn Toàn (Called to Full Unity).
-JEFFREY S. SIKER (Ph.D., Princeton Theological Seminary) chuyên về nghiên cứu Tân Ước, đã viết Tước Quyền Thừa Kế Của Những Người Do Thái: Abraham Trong Cuộc Tranh Luận Của Kitô Giáo Sơ Khai (Disinheriting the Jews: Abraham in Early Christian Controversy).
-DANIEL L. SMITH-CHRISTOPHER (Ph.D., Oxford) là một học giả Cựu Ước, chuyên về phân tích xã hội học và đa văn hóa Thánh Kinh, là tác giả của Tôn Giáo Và Những Người Không Có Đất Sống (The Religion of the Landless).
Lm. Lê Công Đức
dịch từ nguyên bản tiếng Anh
The College Student’s Introduction to Theology
do Thomas P. Rausch, S.J.  biên tập
The Liturgical Press / St.Pauls xuất bản, 1996
Nguồn http://xuanbichvietnam.wordpress.com/2009/04/16/dan-vao-than-hoc-tu-vung/