MÙA VỌNG VÀ CÁC TRÌNH THUẬT MANG THAI
Điều thú vị là Tin Mừng Luca được mở màn bằng lời mời gọi đi vào trong cuộc sống riêng tư của một số người cũng như cuộc chuyện trò thân mật giữa bà Elizabeth và Đức Maria. Hai người phụ nữ bí ẩn này nằm ở trung tâm sự chuẩn bị để chào đón Đấng Cứu Thế. Luca là một người có học thức, ông biết rõ chủ đề nào được công chúng chấp nhận và đâu là chuyện riêng tư. Và việc có thai là chuyện riêng tư nhất – chuyện chỉ dành cho đàn bà, đôi khi chỉ dành cho mấy bà lẽo mép xầm xì dè bỉu mấy bà không sinh được con. Ấy vậy mà Thánh Luca lại rêu rao trong Tin Mừng về những chủ đề riêng tư này: mang bầu! trinh tiết! son sẻ! các bà hậu mãn kinh! thụ thai! Toàn mấy chuyện cần phải được ém nhẹm lại sau cánh cửa kín. Nhưng Thánh Luca lại chia sẻ câu chuyện của họ để chúng ta có thể kinh nghiệm được sự trông đợi trong niềm vui.
Chuyện có thai của hai phụ nữ này mang ý nghĩa khác nhau. Chuyện mang thai của Đức Maria có thể mang lại sự xấu hổ cho chính mình, cho gia đình mình và cho cả Thánh Giuse; có thể đưa bà đến hình phạt ném đá cho đến chết. Còn đối với bà Elizabeth, mang thai có thể cất đi nỗi nhục cả đời của bà. Phép lạ mang thai của bà Elizabeth là dấu hiệu để khẳng định sự mang thai kỳ lạ của Đức Maria.
Chúng ta biết chút đỉnh về bà Elizabeth và ông Zacharia: ông là tư tế; họ sống trong vùng đất nghèo khó nên cũng chẳng giàu gì; chúng ta cũng biết rằng họ sống công chính trước mặt Thiên Chúa, không có điều gì đáng hổ thẹn dưới mắt Ngài. Lòng tôn trọng của Thiên Chúa đối với Elizabeth và Zacharia có thể là điều mà đôi vợ chồng này không biết bởi vì họ sống trong một nền văn hóa mà người ta cho rằng Chúa phạt bà Elizabeth không sinh được con vì một tội lỗi nào đó chẳng ai biết.
Elizabeth không có đặc ân được thiên sứ loan báo những biến cố sắp xảy đến và giải thích chúng. Tuy nhiên, ngay lập tức bà hiểu rằng chuyện bà có mang là một ân huệ của Thiên Chúa: “Chúa đã làm cho tôi như thế đó khi thuận tiện Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời.” (Lc 1,25). Việc bà có thai chấm dứt một thời gian chờ đợi và sỉ nhục, bắt đầu một thời gian trông đợi khác. Mẫu gương của bà là lời khẳng định rằng chính Thiên Chúa là Đấng quyết định thời gian trông đợi – khi nào nó đến và khi nào nó chấm dứt – còn chúng ta là những người biến sự mong đợi thành niềm vui vì biết rằng dù bất cứ điều gì xảy ra thì nó cũng xuất phát từ Thiên Chúa và đó là điều tốt.
Bà không trông đợi trong thụ động mà vui mừng và tin tưởng rằng kết quả nằm trong bàn tay Thiên Chúa. Như một phần trong thời gian trông đợi, bà Elizabeth ẩn dật, cầu nguyện, nghỉ ngơi và chuẩn bị.
Trong trình thuật về sự mang thai tiếp theo trong Tin Mừng Luca, lòng tin mạnh mẽ cũng khiến Đức Maria kinh nghiệm được sự trông đợi trong niềm vui vì biết rằng Thiên Chúa đang hành động trong cuộc đời mình dù cho cuộc hành trình này có dẫn đưa mình đi đến đâu.
Cuộc sống đang thay đổi đối với Đức Maria và bà Elizabeth. Sau khi được truyền tin, Đức Maria đã lập tức đi thăm người chị họ. Mẹ một mình đi đến miền Giuđa: một điều chưa từng bao giờ nghe thấy trong thời đại ấy! Khi hai người phụ nữ này gặp nhau, họ tiếp tục tiến trình thông tin cho nhau biết về ý nghĩa của những phép lạ xảy ra trong cuộc đời mình. Đó là thời gian hai phụ nữ này chia sẻ sự trông đợi trong vui mừng.
Có lẽ không ít người nghĩ rằng khi gặp Đức Maria, bà Elizabeth sẻ “nổ” về tin vui trọng đại của mình. Nhưng không. Bà Elizabeth gạt niềm vui riêng của mình sang một bên để đặt Đức Kitô vào trung tâm của biến cố khi nói rằng: “Tôi là ai mà được mẹ Thiên Chúa tôi đến viếng thăm tôi như thế này?”
Với những lời này, bà Elizabeth đã chiếm ưu thế - vì bà là người đầu tiên gọi con trẻ Giêsu là Thiên Chúa Của Tôi. Và cũng bởi vì bà đã hiểu được ân huệ mang thai – một ân huệ mà bà và người em Maria đã chia vui cùng nhau, với niềm trông đợi lớn lao.
Gerardine Luongo
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
Nguồn: gpquinhon.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét