Trang

Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018

MẦU NHIỆM GIÁNG SINH “SỰ KHỔ, NẠN” ĐẦU TIÊN CỦA NGÔI HAI THIÊN CHÚA

MẦU NHIỆM GIÁNG SINH 
“SỰ KHỔ, NẠN” ĐẦU TIÊN CỦA NGÔI HAI THIÊN CHÚA

An-tôn Lương Văn Liêm
Bước vào Mùa Vọng, Giáng Sinh, hay nói đúng hơn là sống mầu nhiệm Giáng Sinh, mầu nhập thể và nhập thế của Ngôi Hai Thiên Chúa. Thường thì ta hướng về Thiên Chúa dưới lăng kính hân hoan và vui mừng, qua việc trang trí hoa đèn, hang đá, lễ hội…Nào quần áo đẹp, nào những bữa tiệc đêm vui nhộn, đầy những cao lương mỹ vị; những cánh thiệp chúc mừng, những lời chúc tốt đẹp; đồng thời ta cùng nhau tham dự thánh lễ và dâng lời cảm tạ tri ân Thiên Chúa, đã yêu thương nhân loại. Có thể nói ngày lễ Giáng Sinh là ngày tràn đầy niềm vui và bình an, không chỉ dành riêng cho những người Kitô giáo, nhưng cho toàn nhân loại.

Thế thì tại sao ta lại gọi mầu nhiệm Giáng Sinh là “Sự Khổ, Nạn” đầu tiên của Ngôi Hai Thiên Chúa, trong mầu nhiệm Giáng Sinh?

Khi nói về sự “Khổ, Nạn” của Đức Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa, thường thì ta được biết tường tận qua trình thuật Tin Mừng của các Thánh Sử như: Luca chương 22,23,24; Máccô chương 14,15,16; Mátthêu chương 26,27,28; Gioan chương 18,19,20. Các Thánh Sử đã tường thuật chi tiết về cuộc khổ nạn, cái chết và sự Phục sinh vinh hiển của Đức Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa trong chương trình cứu độ nhân loại, mà Thiên Chúa Ba Ngôi đã hoạch định từ trước.

Quả thật, không ai lại chiêm ngưỡng, nghĩ và suy niệm mầu nhiệm Giáng Sinh, mầu nhiệm nhập thể và nhập thế của Ngôi hai Thiên Chúa qua lăng kính khổ đau, hay “Khổ, Nạn”. Nhưng, để con người nhân loại được vinh quang, được sống đúng với phẩm giá là con Thiên Chúa, được hạnh phúc, bình an, được giàu sang phú quý. Thiên Chúa đã tỏ lòng quảng đại và phải trả một cái giá rất đắt, ta thử hình dung qua lời của các thánh Tông Đồ.

- Lời của Thánh Phaolô:

“Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl.2,6-7).
“Quả thật, anh em biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Cr.8,9).

- Lời của Thánh Phêrô: “Thật vậy, Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em” (1Pr.2,21).

Qua đó, có thể nói, sau lời xin vâng của Mẹ Maria trong ngày Sứ Thần truyền tin nơi mái nhà Narazeth. Đức Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa, đã chấp nhận gánh lấy nhưng oan khiên, những khổ đau khi mang thân phận phàm nhân, ngoại trừ tội lỗi như lời thánh Phêrô: “Người không hề phạm tội, chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối” (1Pr.2,22). Nói đúng hơn, giây phút khởi đầu làm người của Đức Kitô qua mầu nhiệm Giáng Sinh, mầu nhiệm nhập thể và nhập thế, là Ngài bước vào sự “Khổ, Nạn” đầu tiên của Ngài, để tình yêu của Thiên Chúa được tỏ lộ nơi gia đình nhân loại.

Thứ 1: “Sự Khổ, Nạn” đầu tiên của Ngôi Hai Thiên Chúa, qua sự từ bỏ Ngôi Vị Thiên Chúa, mặc lấy kiếp phàm nhân:

Từ cổ chí kim, chưa có một vị vua, hoặc vị lãnh đạo nào, đang ngồi trên chiếc ngai đầy quyền lực, sự giàu sang phú quý tột bậc; luôn được đón nhận những lời tung hô, chúc tụng; mọi thần dân phải cúi mình tuân theo những mênh lệnh, lại chấp nhận từ bỏ ngai vàng, để trở thành thứ dân.

Nhưng, với Ngôi Hai Thiên Chúa thì ngược lại, Ngài là Đấng Thánh và Chí Thánh; Đấng là Vua trên hết các Vua, là Chúa trên hết các Chúa; Đấng tác dựng lên vạn vật, trời đất và cả mạng sống con người, lại xin vâng, tự hạ bước xuống trần, mang lấy thân phận kiếp người yếu đuối, để ở cùng và với nhân loại “Emmanuel” (Thiên Chúa ở cùng chúng ta). Qua việc đầu thai xuống cung lòng của một thiếu nữ nghèo hèn Maria nơi làng quê Narazeth, trong ngày truyền tin, như Tin Mừng đã trình thuật: “Sứ thần liền nói: Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc.1,30-33).

Thứ 2: “Sự Khổ, Nạn” đầu tiên của Ngôi Hai Thiên Chúa, qua sự khước từ của người đời , nghèo khó, và gian nan tột cùng.

Ngày khởi đầu của một con người, một thành viên mới trong gia đình, nhất là đứa con đầu tiên, luôn là niềm trông đợi, niềm vui cả các bậc làm cha, làm mẹ, người thân, hàng xóm láng giềng... đồng thời người cha, người mẹ, chuẩn bị những vật dụng cần thiết phục vụ cho ngày khởi đầu của cháu bé, Khi đến ngày bé chào đời, nếu người cha, mẹ nào dư ăn dư mặc thì tìm đến những bệnh viện sang trọng có tiếng tăm, còn như người cha, mẹ nào khó khăn và nghèo hèn thì vào những trạm xá, bệnh xá… Sau khi được sinh ra và cất tiếng khóc đầu đời, bé liền được đón nhận những món quà, lời chúc phúc; đón nhận sự săn sóc không chỉ của cha, mẹ cháu bé, nhưng của tất cả mọi người.

Ngày khởi đầu của Ngôi Hai Thiên Chúa thì sao? Cũng như bao bà mẹ trần gian khác, Mẹ Maria tuy nghèo, nhưng Mẹ cũng chuẩn bị tất cả những gì cần thiết cho Con Trẻ sắp sinh ra. Con trẻ mà sứ Thần trong ngày truyền tin đã báo trước: “Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc.1,35). Nhưng, những dự tính của Mẹ Maria nơi mái nhà Narazeth đều gác lại khi Giuse, người bạn đời của Mẹ nhận được tin phải rời nơi đang sống, để trở về kinh thành Belem kê khai nhân khẩu theo lệnh của hoàng đế Agutto (vì Giuse thuộc dòng dõi Vua Đavít). Tuy Mẹ Maria đã chuẩn bị chu đáo tất cả những gì cần thiết. Nhưng “lực bất tòng tâm”. Nhà nghèo, đường xa, phương tiện duy nhất có được là một chú lừa con, sao mang theo hết được để lo cho con! Buồn, lo, nhưng đành chịu!

Thành phố Belem, là một thành phố hào nhoáng, giàu sang thời bấy giờ. Trong những ngày thực hiện việc kê khai nhân khẩu, những người cùng quê với Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse, và các nơi khác tụ về rất đông. Mẹ Maria tự nhủ, rồi đây, nếu mình có sinh Hài Nhi tại Belem, ít ra cũng có những người thân quen, cho mình tá túc và đỡ đần chút ít, bằng không cũng tìm được một chỗ nơi các quán trọ ven đường.

Như ta đã biết qua Tin Mừng, sư thật quá phũ phàng. Sau khi đã rong ruổi khắp nơi để tìm chỗ tá túc qua đêm, từ người thân quen, cho tới các quán trọ. Nhưng, tất cả đều từ chối vì một lý do duy nhất “Quá nghèo”. Cuối cùng ngày khởi đầu của Vua cả Trời đất, của Ngôi Hai Thiên Chúa, Ngài được sinh ra nơi chuồng bò ngoài cánh đồng, giữa đêm khuya giá lạnh, không một bóng người, ngoài sự hiện diện của hai chú bò con. Chiếc nôi của Hài Nhi là một chiếc máng đựng thức ăn dành cho súc vật.

Qua được cái khổ của ngày đầu đời, nhờ sự báo tin của Thiên Sứ cho các chú mục đồng chất phát, nghèo hèn. Hài Nhi Giêsu hưởng được chút ít niềm vui và tình người nơi các chú mục đồng, khi các chú ghé thăm; kế đến là Ba Vua, ba ông là người ngoại giáo, đi theo ánh sao lạ từ phương đông ghé thăm và tặng ít quà. Sau khi ba vị khách lạ từ biệt ra về, giữa đêm khuya giá lạnh, với cái lạnh như cắt da. Thánh Cả Giuse nhận được tin báo của Sứ Thần: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” (Mt.2,13)

Quả thật “Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”. Sứ Thần vừa dứt lời, Cha và Mẹ Hài Nhi vội vã thu dọn đồ đạc, đem Hài Nhi trốn chạy bàn tay tàn ác, khát máu của Hêrôđê bạo chúa. Qua giây phút bàng hoàng đó, Hài Nhi Giêsu cùng với Cha và Mẹ của ngài phải sống những ngày tha phương, cầu thực nơi đất khách quê người.

Tất cả những “Khổ, Nạn” qua mầu nhiệm Nhập Thể và Nhập Thế, qua mầu nhiệm Thánh Thể, qua cuộc Thương Khó của Ngôi Hai Thiên Chúa, đều khởi đi từ tình yêu của Thiên Chúa trình thuật Tin Mừng của thánh sử Gioan đã minh chứng điều đó: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga.3,16-17).

Với tình yêu tự hiến, tình yêu trao ban, tình yêu vô vị lợi, Đức Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa, đã gánh lấy tất cả những “Khổ Nạn” và ngay cả mạng sống của Ngài, như lời Ngài đã minh định: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga.15,13).

Là người Kitô hữu, bao nhiêu tuổi đời là bấy nhiêu lần ta cùng với mọi người vui hưởng Giáng Sinh, bấy nhiêu lần ta dừng lại trước hang đá chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu trong niềm vui, cầu nguyện và tạ ơn. Thế nhưng, có bao giờ ta cảm, nhận ra hay rung động trước những “Khổ, Nạn”đầu tiên, mà Ngôi Hai Thiên Chúa vì yêu nhân loại mói chung và ta nói riêng, đã chấp nhận gánh lấy để cho đem lại vinh quang, sự giàu sang phú quý cho ta hay không?

Vì thế, trong ngày cùng với toàn thể Giáo Hội nói riêng và toàn nhân loại nói chung, kỷ niệm ngày Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần, kế đến ta trông đợi Ngôi Hai Thiên Chúa đến lần thứ hai trong vinh quang. Ta cùng hiệp lòng dâng lên Thiên Chúa lời ngợi khen chúc tụng, lời cảm tạ tri ân, vì yêu thương ta, Ngôi Hai Thiên Chúa đã gánh lấy “Sự Khổ, Nạn” từ những giây phút đầu tiên, khi chấp nhận mang lấy kiếp người để ở với ta và trong ta.

Với thân phận kiếp người, đời người, ai trong chúng ta không gặp phải những “Khổ, Nạn” trong cuộc sống, nói theo ngôn ngữ của nhà Phật: “Đời là bể khổ”. Hướng lòng lên Hài Nhi Giêsu, Ngài là Thiên Chúa Chí Tôn, nhưng đã chấp nhận bước xuống “bể khổ”. Để rồi trong “bể khổ” Ngài gánh lấy những “Khổ, Nạn”, Ngài cùng với nhân loại xe một chữ “Đồng”. Tin tưởng vào tình yêu của Ngài, ta xin Ngài hòa nhịp sống với ta, cùng với ta xe chữ “Đồng”, trong bình an và hạnh phúc. Ta cũng xin Ngài giúp ta biết noi gương Ngài, nhờ ơn của Ngài, ta trở thành những nhịp cầu cùng với anh em xe một chữ “Đồng” trong yêu thương, tha thứ, cảm thông và sẻ chia.

Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng! Con cảm tạ Chúa, vì yêu thương con, Chúa đã chấp nhận gánh lấy những “Khổ, Nạn” đầu tiên khi mang kiếp phàm nhân, để ở với con và đem đến cho con niềm vui, bình an và sự sống vĩnh cửu. Con xin lỗi Chúa vì đã không ít lần con thờ ơ, khước từ Chúa, con đã tạo thêm cho Chúa những “Khổ, Nạn” qua cách sống ngược lại Tin Mừng với những người anh em quanh con, xin Chúa tha thứ và thánh hóa con, xin Chúa ban cho con nguồn ơn biến đổi, nhất là trong mùa Giáng Sinh này. Xin Chúa giúp con biết tận dụng những “Khổ, Nạn” của cuộc sống con, kết hiệp mật thiết với những “Khổ, Nạn” của Chúa. Nhờ đó mà những “Khổ, Nạn” của con trở thành những món quà dâng mừng ngày Sinh Nhật của Chúa. Amen.

http://tinmung.net/docgia/_ThienChua/2010/BaiViet/MauNhiemGS.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét