Trang

Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018

CÁC ĐẠO SĨ VÀ NGÔI SAO





Tin mừng Mt 2: 1-12

Học viện Piô Giáo hoàng 

 

CÁC ĐẠO SĨ VÀ NGÔI SAO


CÂU HỎI GỢI Ý 

1 Đâu là bối cảnh văn chương của trình thuật này. Mt muốn song đối chúa Giêsu với ai trong Tin Mừng thời thơ ấu của ông?

2. Cộng đoàn sơ khai có đã vấn đề về xuất xứ, dòng dõi của Chúa Giêsu không? Xem Ga 7,40-42.

3. Mt trích dẫn sấm ngôn Mica 5 với ít nhiều thay đổi. Thay đổi này có lợi điểm gì và dụng ý thần học nào?

4. Mt và Lc, ai trong hai tác giả giúp ta xác định chắc hơn ngày giờ giáng sinh của Chúa Giêsu?

5. Truyền thống nói gì về con số, danh tánh, địa vị, xuất xứ của các đạo sĩ? Những quyết đoán như thế dựa trên cơ sở nào?

6. Niềm hy vọng một vì vua xuất thân từ xứ Giuđê phải chăng chỉ phổ biến trong Thánh Kinh và tại Palestin? 

7. Phải chăng ngôi sao là một hiện tượng thiên văn? Là hình ảnh văn chương nói về ánh sáng chiếu dọi trong ngôi nhà chào đời của một vĩ nhân? Là ánh quang thường đi theo các cuộc thần hiện? Hay nó liên hệ với một cái gì khác?

8. Đối với Mt, lễ vật của các đạo sĩ có ý nghĩa biểu tượng như truyền thống đã hiểu không?

Nếu tách riêng gia phả (Mt 1, 1-17) là một thứ nhập đề ra thì Tin Mừng thời thơ ấu trong Mt gồm có năm giai thoại được trình bày quy chiếu với 5 bản văn Cựu ước: việc hoài thai Chúa Kitô cách đồng trinh (Is 7,14), cuộc kính bái của các đạo sĩ (Mca 5, 1-3), việc trốn sang Ai-cập (Hs 11, 1), cuộc tàn sát hài nhi vô tội (Gr 31, 15) và việc trở về Nadarét với câu trích dẫn bí ẩn bảo là lấy từ sách ngôn sứ: "Người sẽ được gọi là Nazarêô").

Vì ở chỗ khác, Mt cũng gộp các lời của Chúa Kitô thành 5 bài giảng dài có cùng một công thức kết luận ("Và xảy ra là khi Chúa Giêsu đã nói xong các lời này, thì ... " 7,28 ; 11, 1 ; 13, 53; 19, 1 ; 26, 1), nên có kẻ phỏng đoán tác giả Tin Mừng thứ nhất đã chủ ý bắt chước tác giả Ngũ thư.

Hơn nữa, người ta đã khám phá được nhiều trùng hợp giữa thời thơ ấu của Chúa Giêsu theo như Mt kể, với thời thơ ấu của Môisen trong sách xuất hành và văn chương Midrash (văn chương chú giải Cựu ước của các giáo sĩ Do thái. Chú thích của người dịch). Việc chào đời của hai vị cứu tinh Israel được loan báo do một giấc mộng (Mt 1, 20). Trong các huyền thoại liên quan tới Môisen, việc mặc khải trong giấc mộng được xảy ra cho Pharaon (Targum Giêrusalem (tên gọi bản dịch Cựu ước sang tiếng Aram sau  thời lưu đày), Sử ký Môisen), cho Myriam (Sử ký Môisen), cho Amram (Josèphe) và do một sấm ngôn (Mt 1, 22: Sử ký MS, Josèphe). Cái tin chào đời ấy gây nỗi lo sợ cho Hêrôđê và triều đình một bên, cho Pharaon và thần dân bên khác (Mt 2, 3: Sử ký Môisen, Josèphe). Như Hêrôđê hỏi ý kiến các ký lục, Pharaon cũng bàn bạc với các nhà chiêm tinh (Mt 2, 4: Josèphe, Sử ký Môisen, Targum Giêrusalem). Cả hai bạo chúa đều ra một sắc lệnh tàn sát trẻ thơ, nhưng hai đứa bé họ muốn giết lại thoát khỏi cách lạ lùng (Mt 2, 16- 18 ; Josèphe, Sử ký Môisen, Targum Giêrusalem). Trong cả hai trường hợp, nhà giải phóng tương lai, sau khi trốn khỏi quê hương, được trời loan báo là có thể về lại quê nhà vì "những kẻ tìm hại tính mạng hài nhi đã chết" (Mt 2,20; Xh 4,19).

Chính trong bối cảnh văn chương ấy, hiển nhiên đầy tính cách giả tạo mặc dầu có ý - nghĩa thần học sâu xa, mà ta phải đặt trình thuật các đạo sĩ kính bái Chúa Hài đồng (Mt 2, 1-12).

TẠI BÊLEM XỨ GIUĐÊ

Các Tin Mừng thời thơ ấu (Mt 1 -2 và Lc 1 -2) không ngừng quả quyết Chúa Kitô thuộc dòng dõi Đavít và đã sinh tại Bêlem. 

a- Dầu gia phả theo Lc 3,23-38 thế nào chăng nữa, thì ý nghĩa của nó về điểm này quá rõ ràng, và Mt 1 , 1 cũng nói minh nhiên: "Gia phả của Chúa Giêsu Kitô, Con Đavít, con Abraham": Thế nhưng ta cần thêm các chứng từ minh bạch khác. Chẳng hạn Giuse được trình bày như kẻ "thuộc nhà Đavít" (Lc 1, 38), "thuộc nhà và dòng họ Đavít" (2,4). Dacaria tung hô quyền lực cứu độ mà Chúa đã cho dấy lên "trong nhà Đavít" (1, 69). Sau cùng, thiên sứ loan báo cho Maria biết Giavê ban cho trẻ sắp sinh "ngai báu Đavít tổ tiên Người" (1, 32).

Suốt cuộc đời công khai, Chúa Giêsu cũng thường được kêu cầu như con Đavít bởi những người mù thành Giêricô (Mt 20, 30 ; Lc 18,35), bởi thiếu phụ xứ Cana (Mt 15,22), bởi đám đông ngày lễ lá (Ml 2 1 ,9. 15 ; Mc 11, 10) và lúc chữa lành người câm bị quỷ ám (Mt 12, 23 ; x. Cv 13, 23 ; Rm 1, 3 ; 2 Tm 2, 8 ; Dt 7, 13tt). 

b- Sự kiện sinh ra tại Bêlem có liên hệ chặt chẽ với việc Chúa Giêsu thuộc dòng dõi Đavít. Chính tác giả của Lc 2 đã giải thích như thế: Giuse và Maria phải về thành Bêlem là do yêu cầu đăng ký hộ khẩu tại nguyên quán. Lời thiên sứ loan báo việc sinh hạ ấy cho mục đồng cũng nhấn mạnh rõ ràng Cứu Chúa đã chào đời "trong thành Đavít" (Lc 2, 11). Mt thì chỉ xác nhận sự kiện, mà các thượng tế và ký lục trong dân đều biết rằng đã được ngôn sứ Mi ca tiên báo (cc. 5- 6).

Và mặc dầu người ta không còn tìm thấy đâu khác trong Tân ước một lời khẳng định liên quan đến việc Chúa Giêsu giáng sinh tại Bêlem, niềm tin của cộng đoàn sơ khai về điểm đó vẫn không nhiễm chút nghi ngờ. Tin Mừng thứ 4 có lần tóm tắt thành quả rao giảng của Chúa Giêsu dịp lễ Lều Trại như sau :

"Trong dân chúng, có người nghe các điều ấy thì nói : "Hẳn thật Ngài là Đấng Ngôn sứ". Kẻ khác rằng: "Người là Chúa Kitô". Nhưng có kẻ lại bảo: "Dễ chừng Chúa Kitô đến từ Galilê sao? Kinh Thánh lại đã không nói là : Chúa Kitô thuộc dòng giống Đavít và đến từ Bêlem làng quê Đavít đó ư ?" (Ga 7, 40-42).
 
Giả sứ đã có một vài do dự về điểm này giữa các Kitô hữu, thì không lẽ nào Giavê ghi lại mà chẳng cải chính các luận điệu giải thích đó, những lợi giải thích xem ra chẳng biết rằng Chúa Giêsu thật sự thuộc nhà Đavít và đã sinh hạ tại Bêlem.
 
SẤM NGÔN CỦA MICA 
 
Đúng y như  thể văn đặc biệt của các chương đầu Mt, mà ta đã ghi nhận lúc nãy, giai thoại các đạo sĩ kính bái hoàn toàn được xây dựng chung quanh sấm ngôn của Mica (5, 1).
 
Nhà ngôn sứ, đương thời với Isaia, đã mô tả trong 4, 11- 13 các mưu đồ vô hiệu của chư dân (ở đây là Assiri) nhằm chống lại Sion. Từ câu 14 đến đầu chương 5, Mica hát mừng vinh quang tương lai của triều đại Đavít. Ông đối chiếu dáng nhỏ bé của Ephrata, nơi xuất thân một Đavít mới, với thành lũy Sion kiên cố vĩ đại (Bet Gader: 4,14) : 
 
Phần ngươi, hỡi (Bêlem) Ephrata,

nhỏ bé nhất trong hàng bộ lạc Giuđa,

chính tự nơi ngươi sẽ xuất hiện cho Ta

vị có mệnh thống lĩnh Israel;

nguồn gốc của Người lên đến thời xa xưa

lên tại những ngày thuở trước.

Vì vậy Giavê sẽ bỏ rơi chúng

cho đến ngày sinh nở người nữ phải sinh con.

Bấy giờ số sót anh em người sẽ trở về

với con cái Israel.

Người sẽ đứng lên, Người sẽ chăn dắt đoàn chiên Người.

Chúng sẽ được an cư, vì từ đây Người sẽ mở rộng uy quyền

cho đến tận cùng bờ cõi (Mca 5, 1- 3).
 
Việc đề cập đến "người nữ phải sinh con" và sự tương đồng hiển nhiên với sấm ngôn về Emmanuel (Is 7) đã đặt sấm ngôn này của Mica trong viễn tượng cánh chung luận thiên sai Đứng trước sự đe dọa của Assyri, nhà ngôn sứ an ủi dân chúng hãy hy vọng vào Đấng giải phóng tương lai thuộc nhà Đavít, Đấng mà ông mô tả là sẽ dựa xây một triều đại thanh bình, hùng mạnh và phổ quát.
 
Thánh Mt gán việc giải thích bản văn Mica theo ý nghĩa thiên sai và địa dư cho các thượng tế và ký lục: được Hêrôđê bàn hỏi, các ông này đã chỉ định thành Bêlem. Thật vậy, bản Targum hiểu đoạn văn này nói về Đấng Messia và Bêlem : Hỡi Bêlem Ephrata, quá nhỏ bé không đáng kể vào số thành có nghìn dân thuộc nhà Giuđa, chính từ ngươi sẽ xuất thân Đấng Messia thống trị trên nhà Israel, Đấng mà tánh danh đã được chỉ định từ nguyên thủy, từ 
những ngày xa xưa.
 
Và chính tại Bêlem thuộc Giuđa mà các truyền kỳ giáo sĩ được góp nhặt trong tập Berachoth (II,5) của Talmud Giêrusalem (bộ chú giải các bản văn pháp luật Ngũ thư) và trong tập cha Rabbatì (I,16) - cho rằng Đấng Messia sẽ chào đời.
 
Thánh Mt đưa vào bản văn Mica (c.6) một vài thay đổi hơi lạ lùng. Ephrata (Bêlem Ephrata) trở thành Giuđa (Bêlem, đất thuộc Giuđa), để phân biệt rõ hơn thành này với một thành khác trùng tên ở Galilê, trong chi tộc Dabulon. Còn hình dung từ nhỏ bị tác giả Tin Mừng minh nhiên phủ nhận. Như thế, câu trích dẫn của Mt có giải thích Mica ở đâu mà hai bản văn không trùng hợp nhau hoàn toàn. Mica đã nói Bêlem "quá nhỏ bé không đáng kể vào số các thành nghìn dân", tuy nhiên Đấng Messia vẫn từ đó xuất hiện. Còn Mt lại bảo "Hẳn ngươi không phải là nhỏ nhất trong hàng bộ lạc Giuđa: vì tự ngươi sẽ xuất hiện ...". Làm vậy, ông đã giải thích cách chính xác ý nghĩa sấm ngôn của bản văn. Rồi, phần đuôi của câu trích dẫn ("kẻ sẽ chăn dắt Israel dân Ta"), mượn ở 2Sm 5, 2, nhấn mạnh tính cách đệ nhị Đavít, một tính cách tương hợp hoàn toàn với Đấng Messia thiên hạ mong chờ.
 
THỜI VUA HÊRÔĐÊ
 
Ngày giờ giáng sinh của Chúa Giê-su, mà ta không thể xác định dựa vào Luca (2, 1) vì những điểm mập mờ quanh vụ kiểm tra dân số của Quirinius, có thể ước tính dựa vào những chỉ dẫn của Matthêu. 
 
Nhờ Josèphe, ta biết khá chắc rằng Hêrôđê mất vào khoảng lễ Vượt qua 750 kể từ ngày lập thành (Roma) (năm thứ 4 trước Công nguyên) và năm đó, đại lễ trúng vào ngày 12 tháng 4 của chúng ta bây giờ. Như vậy, việc giáng sinh của Chúa Giêsu phải xảy ra trước thời biểu đó. Nhưng thuộc bao lâu ?
 
Cái ấy còn tùy khoảng cách giữa lúc Chúa Giêsu sinh ra với lúc các đạo sĩ đến, và giữa lúc họ đến với khi nhà vua băng hà.
 
Thế mà Hêrôđê ngã bệnh nặng và rời hẳn Giêrusalem để đi Giêricô vào tháng 9 hay tháng 10- 749. Và vì Hêrôđê xem ra còn mạnh khỏe lúc các đạo sĩ đến Giêrusalem, nơi ông dĩ  nhiên đang ở, nên phải bảo rằng họ đến đấy trước tháng 10 năm 749.
 
Ngoài ra, giữa lúc Chúa Giêsu chào đời và lúc các đạo sĩ đến, ta không thể đặt một khoảng thời gian dài hơn 2 năm (Mt 2,16) hoặc ngắn hơn 40 ngày. Quả vậy, 40 ngày sau khi Hài nhi sinh ra, mẹ Người đã đến trình diện tại Đền thờ để làm lễ tẩy uế (Lc 2, 22 ; Lv 12, 2- 8): chắc hẳn bà đã nghĩ rằng không nên làm việc này - với lại thực tế không có thời giờ - sau khi các đạo sĩ đã ra đi và Giuse đã nhận được lệnh trốn sang Ai-cập. Đàng khác, ta không thể đặt lễ tẩy uế sau lúc trở về từ Ai-cập vì như thế phải tính ít nhất là 6 hoặc 8 tháng giữa lúc Hêrôđê băng hà và lúc Arkhêlàô bắt đầu lên ngôi (Mt 2, 22).
 
Thành thử Chúa sinh ra trễ lắm là vào tháng 8 năm 749,  có lẽ trước đó một chút. (Như vậy trong kỷ nguyên Kitô giáo, được Denys le Petit đặt ra, có tính trễ 4 hoặc 5 năm, vì ông này đã gọi năm 754 là năm 1 sau Chúa Kitô).
 
NHỮNG ĐẠO SĨ TỪ PHƯƠNG ĐÔNG ĐẾN
 
Chỉ dẫn ngắn ngủi này, mà thánh Mt cho rằng đầy đủ đối với độc giả của mình, đã tạo nên nhiều phỗng đoán trong truyền thống Kitô giáo về sau.

Các chứng từ cổ xưa nói rất khác nhau về con số các đạo sĩ. Đôi lúc 2 (bích họa trong ngôi mộ thánh Phêrô và thánh Marcellin tại Roma), 3 (thạch mộ còn giữ tại bảo tăng viện Latran), 4 (nghĩa địa thánh nữ Domitille tại Roma) và ngay cả 8 (một bình cổ tại bảo tàng viện Kircheriano). Các truyền thống Syria và Armênia thì tính tới 12. Tuy nhiên con số 3 ưu thắng hơn cả, có lẽ vì tương ứng với 3 phẩm vật vàng, nhũ hương, mộc dược, hoặc vì người ta lấy đó như là đại diện của 3 chủng tộc Sem, Cam, Giaphet.

Tên của họ, mà nay gọi là Melchior, Gaspar, Balthasar, xuất hiện lần đầu tiên trong một thủ sao vô danh tại ý thế kỷ thứ IX và trong một thủ sao tại Paris thế kỷ VII (dưới hình thức Bithisarea, Melichior và Guthaspa). Nhưng nhiều tác giả, thuộc những vùng khác, lại đưa ra những tên hoàn toàn khác biệt.

Địa vị vua chúa của họ, hoàn toàn thiếu nền tảng lịch sử hình như đã được gán ghép do một lối giải thích Tv 72, 10 quá theo mặt chữ: "Vua chúa Tarsis và các đảo sẽ kiệu đến lễ vật. Vua chúa Saba và Seba sẽ đem triều cống lại chầu". Tertullien, mà người ta thường trưng thế giá để bênh vực cho truyền thống này, không bảo họ là vua, nhưng "như vua chúa" (fere reges; Adv. Marcion 3,13 (PL 2,367). Xem Adv. Jud. 9 (PL 2,659). Chẳng bao giờ họ xuất hiện với những biểu hiệu vương quyền trong nghệ thuật Kitô giáo cổ thời cả, nhưng chỉ với một chiếc mũ kiểu Phrygie và ăn vận như các nhà quý tộc Ba tư.

Sự khác biệt chứng từ cũng gặp lại trong vấn đề xuất xứ của họ. Nhiều người cho rằng họ từ Ba tư đến, kẻ khác lại bảo từ Babylon, Ả-rập hoặc ngay cả Ai-cập và Ethiopie. Tuy nhiên, có lẽ về vấn đề này ta có bằng chứng xác thực hơn. Thật vậy, một chỉ dẫn lịch sử quý giá về thời Constantin đã xác nhận tính cách cổ xưa của truyền thống cho rằng các đạo sĩ xuất phát từ Ba tư. Đó là một bức thư chung của công đồng Giêrusalem năm 836 ; bức thư thuật lại rằng năm 614, lúc binh sĩ Ba tư của Cosroas II tàn phá tất cả các nơi thờ tự tại Palestine, họ đã tôn trọng giữ nguyên thánh đường Bêlem do Constantin xây, vì thấy bức tranh khảm đá ở mặt tiền trình bày các đạo sĩ ăn vận trông như người đồng hương của họ (x. H.Vincent và F.M.Abel, Bethléem, le sanetuaire de la Nativité, Paria, Gabalda, 1914, tr. 128).

Nếu phải thừa nhận rằng các đạo sĩ trong Tin Mừng là người Ba tư, thì ta có thể đưa thêm một điều nữa, liên quan đến địa vị của họ. Các đạo sĩ Ba tư, từ khởi thủy, chẳng liên hệ gì với các tay ảo thuật gia Ai cập, các chiêm tinh gia Canđê, hay cách chung với những kẻ làm nghề phù thủy cả. Trong sách Catha và Avesta - kinh thánh của Nhị nguyên giáo Ba tư (Mazdéisme) - magavan và mogu có nghĩa là "người dự phần vào ân huệ " (= học thuyết nhị nguyên giáo) và tương đương với những kẻ theo giáo lý của Zarathustra". Theo Herodote (Histoire I, 101), họ là một trong những chi tộc trước kia ở vùng Médie mà, cùng với thời gian, làm thành một giai cấp tư tế chuyên việc phụng thờ Ahura Mazda; trong giai cấp này, học thuyết nhị nguyên đã được giữ gìn khá tinh tuyền. Tất cả các đạo sĩ chẳng phải là tư tế, nhưng mọi tư tế đều phải thuộc về chi tộc này. Đó là một giai cấp hiền nhân, có ảnh hường lớn trên các hoàng đế Assyri, Canđê và Mêđi. Trong số các sĩ quan đi theo Nabuchodonosor khi ông chiếm thành Giêrusalem, Gr 39, 3.13 có kể tên một Sereser nào đó vốn là Rab-Mag, nghĩa là Thủ lãnh các Đạo sĩ.

Tôn giáo của Zarathustra cho thấy có nhiều điểm tương đồng lý thú với tôn giáo Môisen và cụ thể hơn với niềm hy vọng thiên sai của Cựu ước. Zarathustra đã dạy rằng có hai nguyên lý vĩnh cửu (Ahura Mazda, nguyên lý thiện, và Anra Mainyu, nguyên lý ác); giữa hai bên có một cuộc chiến trường kỳ nhằm tranh ngôi bá chủ thế giới, một cuộc chiến sẽ chấm dứt với chiến thắng vĩnh viễn của thiện trên ác. Chiến thắng ấy được thành tựu đặc biệt nhờ một Đồng minh - saushyant - Đấng sẽ là "chân lý nhập thể" và sẽ sinh ra bởi một trinh nữ "mà chẳng người đàn ông nào đã đụng đến".

Ý niệm Đồng minh ấy dĩ nhiên có sau thời Zarathustra, vốn sống vào thế kỷ VI trước Chúa ki tô. Thành ra nó có thể là hậu quả phát sinh do ảnh hưởng của những niềm hy vọng và tư tưởng tôn giáo nơi dân tộc Do thái khi họ bị lưu đày tại Babylon. Nhưng, ngay trong giả thuyết ít chắc chắn hơn cho rằng ý niệm ấy - tàn dư của mặc khải nguyên thủy - có trước những cuộc liên lạc với người Do thái, thì nỗi mong chờ vị Đồng minh đó cũng đã có thể đồng hóa với niềm hy vọng thiên sai. Do đấy, người ta đã có thể cho rằng Đấng Messia- Đồng  minh sẽ là một ông vua Do thái.

VUA DÂN DO THÁI

"Vua dân Do thái mới sinh hiện ở đâu ? (c.2). Câu hỏi ấy, được các đạo sĩ phương Đông lặp đi lặp lại trên các ngã đường chật hẹp của Giêrusalem, hẳn vang dội bên tai người Do thái như một lời châm biếm chua cay tàn bạo. Và người ta hiểu rằng nó gây bối rối cho ông vua Hêrôđê đa nghi.
 
Tuy nhiên, sự kiện họ loan báo đã nằm giữa lòng hy vọng của dân tộc Hy bá, một niềm hy vọng vốn đã được gieo rắc rộng rãi bên ngoài biên giới địa dư xứ Palestine. Thánh Kinh, được dịch sang hy ngữ 2 thế kỷ trước Chúa Kitô, đã phổ biến trong thân thế giới niềm hy vọng về một vì vua sẽ đến từ Giuđê. Các sử gia Rôma viết về cuộc chiến tranh Do thái năm 70 đã chó biết niềm tin mù quáng của người Giuđê vào các sấm ngôn đó là nguyên nhân chủ yếu khiến họ cuồng nhiệt đấu tranh. Chính các sử gia này cũng tin, nhưng cho rằng sấm ngôn ấy đã được Vespasien và Titus hoàn thành. Tacite viết :
 
"Lắm người tin tưởng vào điều đã được phán trong sách xưa của các tư tế, cho rằng vào thời này Đông Phương sẽ nắm chủ quyền, và nhiều kẻ đến từ Giuđê sẽ thống trị thế giới. Các sấm ngôn ấy chỉ về Vespasien và Titus. Thế nhưng đám bình dân, theo dục vọng thông thường của con người ưa giải thích hạnh phúc đoan hứa ấy trong chiều hướng thuận lợi cho mình, lại đã không chịu tin vào thực tế, ngay cả với bằng chứng của nghịch cảnh " (Hist. 5, 13).
 
Còn Suétone thì bảo :
 
"Trong toàn cõi Đông Phương có lan truyền một niềm tin xa xưa cho rằng nhiều kẻ xuất thân từ Giuđê sẽ thống trị thế giới. Người Do thái, vì giải thích sấm ngôn theo chiều hướng thuận lợi cho họ, đã nổi loạn đứng lên. Thật ra sấm ngôn này quy chiếu hoàng đế Rôma" (Vespasien). (Vespas... 4. Sử gia và tư tế Do thái Flavius Josèphe cũng nói tương tự: F.J. 6,54).
 
Câu hỏi của các đạo sĩ nằm đúng trong chiều hướng của niềm tin phổ biến khắp Đông Phương này vậy.
 
NGÔI SAO
 
Đây là yếu tố siêu phàm của trình thuật. Các đạo sĩ lên đường bởi vì "đã thấy ngôi sao của Người mọc lên" (c.2).

Phải tuyệt đối gạt bỏ mọi lối đồng hóa ngôi sao này với một hiện tượng tự nhiên nào đó. Việc giao hội giữa Mộc tinh với Thổ tinh, như Képler đã nghĩ, hoặc sự xuất hiện của một sao chổi đều không phù hợp với tính thuật Mt chút nào. Đấy là một ngôi sao họ đã thấy bên Đông Phương, nhưng rồi không hiện ra nữa cho tới Giêrusalem. Một ngôi sao mà, từ Giêrusalem đến Bêlem, di chuyển dần theo hành trình của họ, và dừng lại trên ngôi nhà có Hài nhi (c.9). Nếu chấp nhận lịch sử tính chính xác của Mt cho đến trong chi tiết, thì nhất định phải thừa nhận tính cách ngoại nhiên của vì sao này.
 
Ngược lại, nếu cùng với vài người công nhận, mà không động tới một phán quyết dứt khoát của Giáo Hội, rằng ta đang đứng trước một yếu tố giải thích (élément midrashique) đã được đưa vào với một chủ ý giáo huấn, thì nguyên việc hiểu biết chủ ý ấy của tác giả đủ dẫn đến một lối giải thích thần học chính xác về bản văn. Trong mọi trường hợp, việc nghiên cứu yếu tố này của trình thuật được kể là quan trọng nhất.

Phải nói ngay rằng ngôi sao của các đạo sĩ chẳng ăn nhập gì với hình ảnh văn chương về ánh sáng chiếu dọi trong ngôi nhà chào đời của một vĩ nhân. Thành ra đó không phải là thứ hiện tượng đã xảy đến lúc Môisen sinh hạ (x. Sota 12 ; Rabbah Ex. v.v...). Ta lại càng không nên đối chiếu sự kiện này với hiện tượng ánh sáng mặt trời tăng lên 48 lần ngày Isaac sinh ra (x. Pesiqtha Rabbathi 42. Lời được gán cho giáo sĩ Chanina ben Lêvi: "Ngày Isaac sinh ra, Thiên Chúa đã tăng ánh sáng mặt trời lên 48 lần so với ánh sáng thông thường"), hay với hiện tượng ánh sáng thường đi theo các cuộc thần hiển hay thiên sứ xuất hiện. Sau cùng, ở đây không nên nghĩ đến những điềm thiên văn đã đưa tới những quyết nghị tiêu trừ con trẻ tại Rôma, như Suétone đã làm chứng (x.chương 94 trong Vita Augustini và chương 36 trong Vita Neronis).

Ngược lại, đem đồng hóa ngôi sao của các đạo sĩ với  ánh sáng thiên sai Isaia loan báo, như một vài người đã làm, thì tự nhiên hơn : Nhà ngôn sứ đã loan báo thế này :

Dân đi trong tăm tối

đã thấy một ánh sáng lớn;

trên những kẻ ở xứ âm u 

một ánh sáng đã rạng ngời ...

Vì một trẻ đã sinh ra cho tà,

một con trai được ban xuống cho ta,

vai Người đỡ lấy quyền bính. (Is 9, 1. 5 ; x.60, 1- 6).

Hiển nhiên bản văn này nói đến ánh sáng theo nghĩa ẩn dụ. Đề tài ánh sáng thiên sai, nằm đầy trong văn chương Cựu ước chính lục cũng như ngoại thư, đã đóng một vai trò quan trọng trong hai trình thuật Tin Mừng về thời thơ ấu của Chúa Kitô. Nhưng trong ấy ánh sáng đó bao giờ cũng đồng hóa với Đấng Messia. “Nói cách khách ngôi sao Giacóp mà Balaam đã từng tiên báo hình như luôn luôn được nhân cách hóa (Ds 24,17). Nó không bao giờ là một hiện tượng không khí, như trong trường hợp của các đạo sĩ. Giáo sĩ Aqiba áp dụng bản văn Ds 24,17 này vào Bar Koseba (một thủ lãnh kháng chiến Do thái trong cuộc nổi loạn năm 132-135. Tên của ông có nghĩa là "con của ngôi sao". Chú thích của người dịch). Di chúc 12 tổ phụ, trong hai dịp, đã xem ngôi sao mà người ta nói đến trong sách Dân số - đúng là một ngôi sao, mặc dầu được so sánh với mặt trời - như là chính con người Đấng Messia (x. Test. Lêvi 18, 3 : PG 2,1067 và Test.Juda 24, 1 : PG 2, 1083). Đối với các tu sĩ Qumrân, thì chính vị Tôn sư công lý (maitre de la Justice) là người hoàn thành sấm ngôn Balaam. (x. Tài liệu Damas, cột VII dòng 18- 21).

Tuy nhiên chúng tôi nghĩ rằng có một tương quan giữa giai thoại ngôi sao và sấm ngôn Balaam.

Các sấm ngôn thời danh (Ds 22, 1- 24, 25) của ông thầy bói Đông phương này, được vua Moab triệu tới để chúc dữ cho Israel (Ds 23,7), chỉ có thể hiểu được nếu ta biết quan tâm đến văn thể riêng của các thầy bói, một văn thể mô tả các biến cố tương lai với những từ ngữ chiêm tinh học rút từ nhận xét, quan sát về Hoàng đạo (Zodiaque: vòng tròn có 12 cổng nằm 12 chòm sao mà mặt trời như phải xoay quanh trong vòng 12 tháng). Những sấm ngôn Balaam chắc chắn có liên hệ với những lời chúc phúc của Giacóp (St 49), vốn cũng thuộc về văn chương chiêm tinh của các thầy bói.

Lời Giacóp chúc lành cho Ruben mở đầu bằng câu : "Con là con đầu lòng của ta và tinh hoa khí lực của ta, có thừa kiên dũng, có thừa uy năng; sôi sục như nước ..." (St 49, 3- 4) ; câu này làm ta liên tưởng đến chòm sao Aquarius (chòm sao Bảo mình trong Hoàng đạo) mà tên trong tiếng Babylon gu-la có nghĩa là khổng lồ và thường được trình bày như người vác một thùng nước có hai vòi chảy ra.
 
Lời chúc lành cho Giuse với những ám chỉ về bò mộng, cung tên, quyền mục tử Israel làm ta liên tưởng tới các chòm sao Kim ngưu, sao Rua, sao Liệp hộ.
 
Nhưng nhất là lời chúc lành cho Giuđa mà phần đầu buộc ta nghĩ đến chòm sao Sư tử :
 
Giuđa là một sư tử con;

Phanh xong mồi sống, con lại đi lên, hỡi con;

nó thu mình, nó phục xuống: như sư tử đực,

tựa sư tử cái: nào ai bắt nó dậy được?

Phủ việt sẽ không rời khỏi Giuđa

và quyền trượng khỏi giữa chân nó

cho đến khi nào lâm trào đấng nắm vương trượng,

Đấng muôn dân bái phục vâng lời (St 49, 9- 10).
 
"Những lời trên rõ ràng hứa đế vị cho dòng dõi Giuđa, không nghi ngờ được, Enciso viết. Nhưng dòng dõi ấy được mô tả dưới hình dạng chòm sao Sư tử. Vũ trụ học Assyri đã biết tới chòm sao này dưới tên Ur-gu-la có nghĩa là sư  tử cái ; và phía bắc của chòm sao có một sao khác người ta thường gọi là Leo minor, trong tiếng Assyri là Urmah hay sư tử đực. Thế của con vật trong chòm sao đã phát sinh thành ngữ : nằm như sư tử đực và sư tử cái (St 49,9). Và có lẽ chính cái vị trí cao hơn của sao Leo minor đã là nguồn gốc của công thức: "Hỡi Giuđa, con của sư tử phanh xong mồi sống, con lại đi lên, hỡi con". Trong ngực của sư tử có ngôi sao Regulus, mà người thời xưa đã từng gọi là vua. Có lẽ ngôi sao này được ám chỉ qua hình ảnh vương trượng mà Giuđa lúc ngồi kẹp giữa hai chân" (x. Encisoviana, La estrella de Jesus, trong Por leo senderos de la Biblia. Madrid-buenos Aires (Editions Studium), 1957, t.II, tr. 157).
 
Trong sấm ngôn Balaam có quy tụ 3 lời Giacóp tiên đoán về Ruben, Giuse và Giuđa với những biểu hiệu tinh tú của họ: vua, vương trượng, bò mộng, . sư tử, thùng nước, mũi tên :
 
Giavê Thiên Chúa của nó hằng ở với nó

và nơi nó vọng lên tiếng hoan hô Vua cả.

Thiên Chúa đem nó ra khỏi Ai Cập.

Đối với nó, Ngài tựa như thể sừng trâu.

Này một dân chỗm dậy như sư tử cái

vươn mình lên như sư tử đực:

nó sẽ không nằm trước lúc say mồi:

và uống cho đã huyết người nó giết (Ds 23, 21-22. 24)
 
Nó thu mình, nó nằm xuống

như sư tử đực, tựa sư  tử cái:

ai nào bất nó dậy được (Ds 24, 9).

Tôi thấy một điều - nhưng không phải cho lúc này,

Tôi ngắm một sự - nhưng không phải gần bên:

Một ngôi sao, tự Giacóp, trở thành thủ lĩnh,

một vương trượng nổi lên, tự Israel.

Người đập vào màng tang Moab... (Ds 24,17)

(sư tử, vương trượng, ngôi sao sẽ gặp lại trong các hình ảnh biểu tượng của Khải huyền 5, 5 ; 2, 26- 28).
 
Từ những điều vừa nói, ta thấy các lời chúc lành của Giacóp và tiên tri của Balaam đều thuộc một loại thể văn : thể văn các điềm triệu tương quan với Hoàng đạo. Nhưng trong tư tưởng chiêm tinh đông phương, vương quyền và sao đi song song với nhau trong chòm sao sư tử, hay đúng hơn trong ngôi sao chiếu giá lòng chòm sao ấy, ngôi sao người ta biết đến dưới cái tên Regulus. Điều này giải thích tại sao các đạo sĩ – là những người có lẽ biết rõ những lời tiên đoán của Giacóp và Balaam - lại tự nhiên nói về ngôi sao của vua dân Do thái, như thể một điều ai ai cũng rõ.
 
Giai thoại của các đạo sĩ như vậy cống hiến cho ta một bằng chứng nữa về sự quan phòng ân cần của Thiên Chúa, Đấng thích ứng với bẩm tính khuynh hướng riêng của những kẻ Ngài muốn cứu độ. Đối với mục đồng là hạng người đơn sơ, sẵn sàng chấp nhận dễ dàng cái siêu nhiên, Ngài phái vài thiên sứ đến loan báo cho họ biết Chúa Giêsu đã chào đời. Ngài kêu mời các giáo sĩ tại Giêrusalem, vốn chăm chăm chú chú vào mặt chữ của lề luật, hãy nghiêng mình khảo cứu những sấm ngôn tiên báo ngày Ngài xuất hiện, và điều đó nhân câu hỏi các đạo sĩ đặt ra. Ngài thức tỉnh lương tâm của Hêrôđê, con người dửng dưng trước vấn đề tôn giáo nhưng lại mẫn cảm trước nguy cơ mất vương quyền, bằng cách cho ông biết cái tin ông lo sợ, tin tức về một vì vua Do thái sinh bên ngoài lâu đài của ông. Sau cùng, đối với các đạo sĩ đang trông chờ sự xuất hiện của đấng Messia-Đồng minh, Đấng mà cuộc đời, theo họ, gắn liền với vận hành của một vì sao, Ngài cho xảy ra hiện tượng lạ lùng ấy, hiện tượng mà các người có óc khoa học sẽ vô vọng tìm cách khám phá bản chất. Thật vậy, hiện tượng đó đâu phải là đối tượng của những định luật thiên văn khô khan, cứng nhắc, song là đối tượng của định luật thần thiêng, khôn tả của tình yêu ân cần của Thiên Chúa.


VÀNG, NHŨ HƯƠNG VÀ MỘC DƯỢC


Giai thoại các đạo sĩ kết thúc với việc họ kính bái Hài nhi : Họ thấy Hài nhi cùng Maria mẹ Người (c . 11).


Kể ra lạ lùng khi Sách thánh (St 3,15; Is 7; Mca 5) cũng như các truyền kỳ giáo sĩ liên quan tới việc sinh hạ Đấng Messia chỉ chú trọng đến mẹ Người mà bỏ quên ông cha. M.J. Lagrange nhấn mạnh: "Tuy nhiên nếu do đó mà kết luận có sinh hạ đồng trinh thì thật là gượng ép. Do thái giáo rất lúng lúng khi gọi tên cha Đấng Messia; dễ dàng hơn khi nói úp úp mở mở đến mẹ của Người mà gia phả xem ra không mấy quan trọng bằng."


“Và họ phục mình xuống yết bái Người; đoạn mở tráp báu, họ dâng Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược"  (c. 11)

Câu này làm ta nhớ lại cuộc viếng thăm linh đình trọng thể của nữ hoàng Saba đối với vua Salomon và những lễ phẩm xa hoa của bà :

"Bà mang đến Giêrusalem vô số của cải, lạc đà tải hương trầm, vàng khối cùng ngọc quý ... Bà đã dâng cho vua một trăm hai mươi tạ vàng, một số lượng hương trầm lớn và nhiều ngọc quý ... ; người ta chưa hề thấy có hương trầm nhiều như hương trầm nữ hoàng Saba đã dâng cho vua Salomon" (1V 10, 2. 10 ; x.2 Sk 9, 1 .9).

Vẻ xa hoa tráng lệ quá khứ ấy là một điềm triệu cho thời thiên sai. Còn hơn Giêrusalem của Salomon, Giêrusalem thiên sai sẽ thấy tuôn về mình vô số của cải chư dân, dăc biệt của cải miền Saba:
Dân Saba hết thảy kéo lại,

họ tải đến vàng với trầm hương

và cao rao những lời ngợi khen Giavê (Is 60,6).

Quy tụ về Giêrusalem, những của cải ấy sẽ được mang đến dâng cho vua thiên sai, Salomon mới, Đấng trổi vượt vinh quang hơn tổ tiên mình.

Vua chúa Tarsis và các đảo sẽ kiệu đến lễ vật

Vua chúa Saba và Sêba sẽ đem triều cống lại chầu;

Vâng, hết thảy vua chúa sẽ bái lạy Người,

tất cả muôn dân sẽ làm tôi Người ...

Người sẽ thọ, và thiên hạ hiến cho Người vàng Seba

(Tv 72, 10- 11. 15).

Chắc chắn là với thần học ám chỉ Cựu ước của ông, Mt coi việc tiến dâng của các đạo sĩ như là dấu hoàn thành các sấm ngôn thiên sai. Về phương diện ấy, chi tiết các của lễ không quan trọng bằng ý nghĩa của chúng. Sách các Vua nói đến hương liệu, vàng, ngọc quý; Isaia vàng và nhũ hương; còn Mt vàng, nhũ hương và mộc dược.

Mộc dược này làm ta nghĩ đến mộc dược Nicôđêmô sẽ dùng để xức xác Chúa Giêsu (Ga 19, 39). Bởi đấy trong truyền thống đã phát xuất cách giải thích biểu tượng, như ta thấy nơi thánh Irênê (Adv. haer. 3, 9, 2 : PG 7, 870) và trong câu thơ tóm tắt thời danh của Juvencus: thuở, aurum, mynham, regique, hominique, deo que dong tèrunt.

Là kế tử của các người ngoại đầu tiên được mời đến chiêm bái Đấng Messia mới sinh, chúng ta không nên thừa nhận cách lạnh lùng tước hiệu Messia của Người. Việc tôn thờ của ta còn phải kèm theo của lễ quảng đại là tất cả con người chúng ta.

(Bài của Salvator Munoz Iglesias,  Assemblées du Seigneur 12)

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1. Thế giới còn chìm trong tối tăm. Nhiều người đã lên đường đi tìm một Cứu Chúa, hoặc một Giêsu nào đó mà họ có lần nghe nói. Giáo Hội chúng ta, xưa nay hãnh diện về sứ mệnh phổ quát của mình, có thể mặc khải Chúa Kitô cho họ không ?

2. Các đạo sĩ đã gặp một hài nhi trần trụi nghèo nàn: Tại Giêrusalem, Thành vinh quang, hình như chẳng có gì. Chúa Kitô chỉ tỏ mình dưới những dấu hiệu khiêm tốn. Không có gì ở Giêrusalem bởi vì tại đó thiếu vắng đức tin. Còn trong Giáo Hội chúng ta thì sao? Đức tin chúng ta có đủ để tỏ bày Cứu Chúa cho trần gian không ?

3. Để chống lại việc Thiên Chúa tỏ uy quyền dưới hình dáng một trẻ thơ, có một ông vua ích kỷ và tàn bạo, đó là Hêrôđê. Vì không am hiểu Kinh Thánh, ông tưởng rằng chỉ cần dùng biện pháp điều tra, âm mưu, bạo lực là đủ để bẻ gãy được dự định của Chúa Quan phòng đang đe dọa ông; nhưng ông sẽ bị các đạo sĩ chơi xỏ, bị Thiên Chúa vạch trần âm mưu và rồi bị loại khỏi lịch sử. Ông không thể nào ngăn cản Chúa Giêsu chiến thắng và hiển trị. Thời đại này vẫn có những hạng Hêrôđê tương tự, nhưng bàn tay Thiên Chúa bao giờ cũng mạnh hơn. Đó là niềm xác tín và hy vọng của Kitô hữu.

4. Chư dân đáp lại tiếng kêu mời của Thiên Chúa, Đấng dùng ngôi sao triệu tập họ, dùng các bản văn ngôn sứ soi sáng họ và giữ gìn họ khỏi vô tình phản bội Ngài. Sứ mệnh của họ không phải là lui lại Do thái giáo lỗi thời, nhưng là trở về ngã khác bằng con đường Giao ước mới.

5. Ngày xưa các đạo sĩ đến với Chúa Kitô từ những vùng xa xôi sâu thẳm. Ngày nay mọi dân tộc đều có Chúa Kitô ở giữa mình, nhờ Giáo Hội và Thánh Thể, cho dù chung quanh họ còn nhiều miền đất lương dân. Cuộc du hành Chúa đòi họ không phải là đi ra khỏi biên giới để đến Thánh địa, nhưng là quảng đại đón nhận mọi chân lý đức tin.

6. Vàng dâng cho Vua, trầm hương cho Tư tế, mộc dược cho Thân xác hy sinh. Vàng của đức tin, trầm hương của đức cậy mộc dược của đức mến. Vàng của việc lành, trầm hương của lời cầu nguyện, mộc dược của hy sinh.


https://giaophanphucuong.org/chu-giai-kinh-thanh/chu-giai-tin-mung---chua-nhat-le-hien-linh-b-10242.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét